Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 303-HĐBT

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

 VỀ VIỆC TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH 

Điều 1. Nay trợ cấp thêm 25% mức lương chức vụ (cấp bậc), mức trợ cấp hoặc sinh hoạt phí đã được tính lại theo Quyết định số 203-HĐBT ngày 28 tháng 12 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng đối với công nhân viên chức hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội (trừ các đối tượng mà mức trợ cấp đã được tính theo định lượng lương thực và đối tượng quy định tại mục 1 điều 2 Quyết định này).

Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ khoản trợ cấp thêm 25% chỉ tính trên phụ cấp quân hàm.

Khoản trợ cấp này cũng được áp dụng đối với công nhân viên chức hành chính sự nghiệp khi tính chế độ theo Quyết định số 111-HĐBT ngày 12 tháng 4 năm 1991 và Quyết định số 76-HĐBT ngày 9 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

Đối với công nhân viên chức khu vực sản xuất kinh doanh, khoản trợ cấp thêm 25% nói trên chỉ được áp dụng khi tính chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc theo Quyết định số 176-HĐBT ngày 9 tháng 10 năm 1989 và được tính vào giá thành hoặc phí lưu thông.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số chế độ đối với các đối tượng sau:

1. Thân nhân liệt sĩ già yếu cô đơn không nơi nương tựa và con liệt sĩ mồ côi cả cha mẹ, hàng tháng được hưởng mức sinh hoạt phí nuôi dưỡng tương ứng với giá trị 45kg gạo theo giá địa phương.

2. Thương binh đang hưởng 30% mức trợ cấp thương tật theo hạng quy định tại Điều 7 Nghị định số 236-HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985, nay được 100% mức trợ cấp thương tật đó.

3. Thương binh và bệnh binh hạng 1 đặc biệt (cụt hai chi trở lên, mù hai mắt, liệt cột sống, tâm thần nặng) hàng tháng được trợ cấp thêm một khoản tương ứng với giá trị 20 kg gạo theo giá địa phương.

Điều 3. - Quý III và IV năm 1992 dành 20 tỷ đồng để trợ cấp cho các đối tượng có nhiều khó khăn về đời sống như đã giải quyết trong các quý trước.

Dành 5 tỷ đồng để trợ cấp cho một số đối tượng đã nghỉ hưu mà đời sống thực sự đang có nhiều khó khăn (anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, các nhà khoa học, nhà giáo, thầy thuốc và văn nghệ sĩ có nhiều công lao).

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1992.

Điều 5. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng Bộ Tài chính hướng dẫn và kiểm tra chặt chẽ việc thi hành Quyết định này. Đối với lực lượng vũ trang, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ hướng dẫn sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 303-HĐBT năm 1992 về việc trợ cấp đối với công nhân viên chức hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 303-HĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/08/1992
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 31/08/1992
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 01/09/1992
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản