Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76-HĐBT

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH SẮP XẾP TỔ CHỨC BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP 

Để đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức biên chế hành chính sự nghiệp, Hội đồng Bộ trưởng trong phiên họp ngày 27 tháng 2 năm 1992 đã quyết định một số vấn đề sau đây:

I - VỀ SẮP XẾP TỔ CHỨC VÀ TINH GIẢN BIÊN CHẾ

1- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng xong đề án sắp xếp tổ chức bộ máy và giảm nhẹ biên chế của ngành và địa phương mình trong quý I năm 1992.

a) Về bộ máy hành chính (Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ; Sở, Ban thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh; Phòng, Ban thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện).

Căn cứ Nghị quyết 109- HĐBT và các văn bản hướng dẫn (Thông tư 209- TCCP, công văn 203-TCCP, các thông tư liên Bộ Ban Tổ chức - cán bộ của Chính phủ và các Bộ hữu quan) đối chiếu với nhiệm vụ của Bộ và địa phương, các Bộ, Uỷ ban Nhân dân chủ động để ra mô hình tổ chức trình Chính phủ xét duyệt.

Đối với cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nhiệm vụ quản lý Nhà nước mà Trung ương giao cho địa phương và tuỳ theo đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương mình để thành lập Sở, Ban chuyên môn giúp tỉnh, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố, không nhất thiết Trung ương có Bộ nào, thì địa phương có Sở, Ban chuyên môn đó.

Ở cấp huyện: Do đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và thực tế huyện không có nhu cầu và không có điều kiện tổ chức cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc và tự cân đối ngân sách, cần chuyển sang là đơn vị dự toán. Các cơ quan chuyên môn của huyện được tổ chức rất gọn nhẹ để làm nhiệm vụ quản lý hành chính theo các lĩnh vực: kinh tế - tài chính, văn hoá giáo dục, xã hội. Việc tổ chức các cơ quan chuyên môn của huyện còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi huyện, phù hợp với tình hình và yêu cầu ở từng vùng.

b) Các đơn vị sự nghiệp: Giáo dục và đào tạo, Y tế, Văn hoá - Thông tin và Thể thao, nghiên cứu khoa học.

Đối với sự nghiệp giáo dục: Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng phương án tổ chức lại mạng lưới các trường (bao gồm cả các trường do ngành giáo dục và đào tạo quản lý và các ngành khác quản lý), chuyển những trường lớp đào tạo công nhân kỹ thuật gắn với các cơ sở sản xuất. Điều chỉnh lại các định mức lao động giảng dạy và phục vụ cho sát với khả năng thực tế của các giáo viên và phù hợp với các loại hình đào tạo, sắp xếp lại biên chế, chuyển số biên chế nơi thừa sang nơi thiếu. Các hệ B của các trường trung học, đại học do các trường mở để đáp ứng nhu cầu của xã hội phải tự trang trải kinh phí do người học đóng góp.

Đối với các Viện nghiên cứu khoa học: Xác định các Viện cần thiết phải duy trì và phát triển để nghiên cứu, phục vụ những mục tiêu chiến lược và khoa học cơ bản; các Viện, trung tâm nghiên cứu có tính chất ứng dụng vào sản xuất thì đưa về các liên hiệp sản xuất, các xí nghiệp; các trung tâm, các cơ sở chuyên hoạt động dịch vụ khoa học và kinh doanh thì chuyển sang hạch toán tự trang trải.

Đối với sự nghiệp y tế: Bộ Y tế xây dựng phương án tổng thể về mạng lưới các bệnh viện, bố trí chủ yếu theo khu vực dân cư, không máy móc theo địa giới hành chính, chỉ để lại một số ít bệnh viện ngành thật cần thiết. Sắp xếp lại hệ thống phòng bệnh, khám bệnh, phục vụ bảo vệ sức khoẻ nhân dân; tăng cường y tế cơ sở ở từng cụm dân cư.

Bộ Tài chính quy định lại chế độ cấp kinh phí cho giáo dục và y tế: bỏ chế độ cấp kinh phí theo đầu học sinh và số giường bệnh, chuyển sang chế độ cấp kinh phí theo đầu người dân, có hệ số thích hợp cho những vùng gặp khó khăn.

Đối với sự nghiệp văn hoá - thông tin:

Sắp xếp lại mạng lưới sự nghiệp văn hoá, thông tin, thể thao từ Trung ương đến địa phương. Cần xác định những tổ chức sự nghiệp của Nhà nước ở Trung ương và ở các tỉnh cần phải duy trì và phát triển, những tổ chức tự trang trải hoàn toàn.

Đối với những hoạt động lâu nay vẫn thuộc biên chế hành chính như nhà khách, dịch vụ đời sống... nay phải sắp xếp lại, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở làm ăn thua lỗ, chuyển hẳn các cơ sở còn để lại sang kinh doanh hạch toán theo cơ chế hiện hành đối với từng loại hoạt động. Bộ Tài chính cần sửa đổi chế độ cấp kinh phí hành chính, trong đó có các chi phí hội nghị, lễ tân, tiếp khách để bảo đảm yêu cầu công việc của cơ quan.

2. Trong khi chờ đợi phương án sắp xếp tổ chức của các Bộ và địa phương được duyệt và triển khai, vẫn phải đồng thời thực hiện chủ trương giảm biên chế; năm 1992 giảm 20% so với số có mặt ở thời điểm 1 tháng 1 năm 1991. Trong tháng 3 năm 1992, Ban Tổ chức - cán bộ của Chính phủ thông báo xong chỉ tiêu biên chế cụ thể của từng Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng và từng tỉnh, thành phố.

II - VỀ CHÍNH SÁCH TRONG VIỆC SẮP XẾP BIÊN CHẾ:

Ngoài những quy định tại Quyết định 111-HĐBT ngày 20 tháng 4 năm 1991, nay bổ sung thêm một số điểm như sau:

a) Người thôi việc, ngoài chế độ trợ cấp mỗi năm công tác một tháng lương và phụ cấp, nay được cấp thêm một khoản khuyến khích thôi việc từ 3 đến 7 tháng lương và phụ cấp tuỳ số năm công tác, cụ thể là:

- 3 tháng đối với người làm việc từ 5 đến dưới 10 năm.

- 4 tháng đối với người từ 10 đến dưới 15 năm.

- 5 tháng đối với người từ 15 đến dưới 20 năm.

- 7 tháng đối với người từ 20 năm trở lên.

b) Người thôi việc đã có thời gian chiến đấu ở các chiến trường B, C, K được thêm từ 2 đến 4 tháng lương, cụ thể:

- 2 tháng đối với những người có thời gian dưới 5 năm.

- 4 tháng đối với những người có thời gian trên 5 năm.

c) Tiền trợ cấp học nghề quy định tại điểm 3 Quyết định số 111-HĐBT cho những người thôi việc, nay không giới hạn tuổi đời (trước đây chỉ quy định cho dưới 45 tuổi).

d) Người thôi việc đi xây dựng vùng kinh tế mới theo dự án được duyệt, ngoài chế độ quy định tại Quyết định 111-HĐBT, nay được hưởng các chế độ quy định đối với người lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới (kể cả chồng hoặc vợ cùng đi theo).

e) Người thôi việc có nhu cầu chuyển vùng cư trú được cấp tiền tầu xe và cước vận chuyển đồ dùng theo quy định hiện hành cho bản thân gia đình (nếu cùng đi).

g) Người thôi việc là thương binh, khi làm việc chỉ được hưởng 30% trợ cấp thương tật, nay nghỉ thôi việc được hưởng 100% trợ cấp thương tật.

h) Người thôi việc ở khu vực Nhà nước để chuyển sang hoạt động kinh doanh, được vay vốn với lãi suất ưu đãi (từ quỹ việc làm quốc gia) để tiến hành sản xuất kinh doanh, dịch vụ, được ưu tiên đào tạo nghề theo các chương trình dự án việc làm và được giảm hoặc miễn thuế theo luật định.

Các quy định trên đây có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 1992, Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ, sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc thi hành các chính sách này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 76-HĐBT năm 1992 về chủ trương, biện pháp đẩy mạnh sắp xếp tổ chức biên chế hành chính sự nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 76-HĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/03/1992
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản