Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3013/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 15 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ XÃ HỘI TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị Quyết số 32/NQ-HĐND ngày 5/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 01/BC-HĐTĐ ngày 28/11/2014 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 305/TTr-SKHĐT ngày 12/12/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chính như sau:

1. Quan điểm phát triển theo hướng bền vững

- Tiếp tục xây dựng và phát triển nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng hợp lý, rút ngắn khoảng cách của tỉnh Thái Bình so với Vùng, trở thành tỉnh phát triển ở mức khá trong vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng; trong đó trọng tâm phát triển bền vững là đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển công nghiệp thân thiện môi trường, bảo đảm an ninh lương thực.

- Tái cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển, phát triển nông nghiệp công nghệ cao coi đây là khâu bứt phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; hình thành rõ nét những sản phẩm mũi nhọn, những vùng động lực của tỉnh.

- Chú trọng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động xã hội, ổn định quy mô dân số, chăm lo sức khỏe cộng đồng.

- Tăng trưởng, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; giảm chênh lệch về mức sống giữa khu vực nông thôn và thành thị.

- Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với lợi ích môi trường sinh thái, giữ gìn môi trường, môi sinh trong sạch cho những năm sau.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh chính trị.

2. Mục tiêu phát triển

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 8,5%/năm trở lên, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp: 2,5-3,0%/năm; công nghiệp - xây dựng: 13-14%/năm và dịch vụ: 9-10%/năm; giai đoạn 2021-2030 khoảng 7,5%/năm trở lên, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp: 2-2,5%/năm; công nghiệp - xây dựng: 9,0-9,5%/năm và dịch vụ: 7,5-8,0%/năm.

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 24-26%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39-41% và dịch vụ chiếm khoảng 34-36%. Định hướng đến năm 2030, tương ứng khoảng 17- 18%; 46-47% và 37-38%.

- Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 2.000 triệu USD trở lên. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt 1.000-1.100 USD trở lên. Định hướng đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6.500 triệu USD.

- Tăng thu ngân sách nhằm đảm bảo chủ động các nhiệm vụ chi của tỉnh và từng bước phấn đấu để có tích lũy cho nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020 tổng thu nội địa đạt từ 4.100 tỷ đồng trở lên, tăng bình quân trên 8%/năm.

- Tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 0,06%/năm. Định hướng giai đoạn 2021-2030 tăng dân số bình quân đạt 0,05%/năm

- Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 70%, trong đó đào tạo nghề khoảng 56,5%. Định hướng đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%, đào tạo nghề 70-75%.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) bình quân mỗi năm giảm 1% trở lên.

- Đến năm 2020 đảm bảo duy trì 100% dân số được sử dụng nước sạch; đạt 100% cơ sở sản xuất mới và 90% các cơ sở sản xuất cũ áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% chất thải rắn ở đô thị và 90% ở khu vực nông thôn được thu gom và xử lý.

3. Các trọng điểm phát triển:

- Cải cách mạnh mẽ hành chính, thu gọn các thủ tục, xây dựng bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hình thành hệ thống dịch vụ công hiệu quả, chất lượng. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh lên một bước mới, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính.

- Tập trung tái cơ cấu kinh tế các ngành, lĩnh vực, tăng cường hiệu quả đầu tư công. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, gia tăng các loại hình công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, có tính bền vững. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hình thành các cụm liên kết sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị gắn với thị trường xuất khẩu.

- Đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và đô thị. Phát triển lãnh thổ có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung xây dựng hạ tầng khu vực ven biển, xây dựng tiền đề để hình thành khu kinh tế ven biển Thái Bình. Xây dựng thành phố Thái Bình thành đô thị loại I.

- Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, nâng năng suất lao động và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ theo hướng hội nhập.

- Phát triển bền vững kinh tế song hành với đảm bảo vững chắc tình hình an ninh chính trị, ổn định các mặt xã hội, giữ gìn và bảo vệ môi trường.

4. Nguồn lực thực hiện quy hoạch:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 166,5 nghìn tỷ đồng; dự kiến huy động từ các nguồn: Vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 24-25% (bao gồm vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và ngân sách địa phương, chủ yếu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai); vốn doanh nghiệp trong nước và vốn từ dân cư chiếm khoảng 69-70%; vốn nước ngoài (ODA, FDI) chiếm khoảng 6-7%.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tổ chức công bố công khai Quy hoạch này.

- Cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành lồng ghép, hài hòa mục tiêu phát triển bền vững vào các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nội dung của quy hoạch; định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung các chính sách cần thiết.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật môi trường của tỉnh. Chủ trì, phối hợp các ngành và địa phương theo dõi, giám sát và đánh giá các chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường; tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu huy động và cân đối các nguồn kinh phí, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của quy hoạch.

4. Các sở, ban, ngành: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành có trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung liên quan của quy hoạch vào kế hoạch 5 năm và hàng năm để tổ chức, thực hiện. Hàng năm tổ chức theo dõi, giám sát, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do ngành phụ trách về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời kiến nghị các biện pháp và chính sách phù hợp để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

5. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phát triển bền vững của địa phương phù hợp tình hình thực tế và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5năm và hàng năm để tổ chức, thực hiện.

6. Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, đoàn thể quần chúng: Tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KHTC, TH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Sinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3013/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 3013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Phạm Văn Sinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản