Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2001/QĐ-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2001

 

QUY CHẾ

TRƯỜNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, KHOA SƯ PHẠM TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÁC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 30 tháng 7 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trường thực hành sư phạm phục vụ công tác đào tạo giáo viên trung học phổ thông của các trường đại học sư phạm hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học khác là trường trung học phổ thông, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, loại hình công lập hoặc bán công, được giao thêm nhiệm vụ tổ chức các hoạt động thực hành sư phạm theo quy định của Quy chế này. (Trong văn bản này, các trường đại học sư phạm, khoa sư phạm trong các trường đại học khác được gọi chung là các trường đại học sư phạm)

Tổ chức và hoạt động của trường thực hành sư phạm tuân theo quy chế này và những quy định chung của Điều lệ Trường trung học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quyết định số 23/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 11/7/2000.

Điều 2. Mỗi trường đại học sư phạm phải có ít nhất một trường thực hành sư phạm có quy mô phù hợp với yêu cầu thực hành sư phạm.

Điều 3. Trường thực hành sư phạm phải có các điều kiện :

1. Là trường tiên tiến  của địa phương

2. Có quy mô và chất lượng đáp ứng yêu cầu thực hành sư phạm;

3. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có cơ cấu phù hợp để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thực hành sư phạm;

4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài chính đảm bảo yêu cầu của nhiệm vụ  thực hành sư phạm;

5. Có vị trí thuận tiện cho sinh viên trường đại học sư phạm thường xuyên đến thực hành sư phạm.

Điều 4. Trường thực hành sư phạm được Nhà nước, các cấp quản lí giáo dục và trường đại học sư phạm ưu tiên đầu tư các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, tài chính, tài liệu, sách giáo khoa để bảo đảm chất lượng giáo dục trung học phổ thông và thực hành sư phạm

Chương II

HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM

Điều 5. Hoạt động của trường thực hành sư phạm bao gồm hoạt động giáo dục, hoạt động thực hành sư phạm, hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục.

Điều 6. Hoạt động giáo dục ở trường thực hành sư phạm thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo đối với hoạt động giáo dục ở trường trung học phổ thông.

Điều 7. Hoạt động thực hành sư phạm thực hiện theo kế hoạch hằng năm. Kế hoạch hoạt động thực hành sư phạm hằng năm được xây dựng căn cứ vào kế hoạch thực hành sư phạm của trường đại học sư phạm, biên chế năm học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Với các trường thực hành sư phạm được thành lập theo Điều 16 của Quy chế này, kế hoạch hoạt động thực hành sư phạm sẽ do Hiệu trưởng trường đại học sư phạm và Hiệu trưởng trường thực hành sư phạm cùng xây dựng.

Với các trường thực hành sư phạm được thành lập theo Điều 17 của Quy chế này, kế hoạch hoạt động thực hành sư phạm sẽ do Hiệu trưởng trường thực hành sư phạm xây dựng và Hiệu trưởng đại học sư phạm phê duyệt.

Trong trường hợp cần có sự điều chỉnh hoặc bổ sung kế hoạch hoạt động, Hiệu trưởng trường đại học sư phạm sẽ quyết định trên cơ sở thống nhất với  Hiệu trưởng trường thực hành sư phạm.

Trường thực hành sư phạm và trường đại học sư phạm có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để tổ chức, chỉ đạo và quản lý các hoạt động thực hành sư phạm của sinh viên theo kế hoạch đã định.

Điều 8. Nội dung thực hành sư phạm trong trường thực hành bao gồm:

1. Tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục của trường trung học phổ thông;

2. Quan sát, tìm hiểu các hoạt động giáo dục ở các khối lớp trong trường trung học phổ thông;

3. Tìm hiểu và thực hành các khâu chuẩn bị dạy học, các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ  của giáo viên trường trung học phổ thông;

4. Dự một số hoạt động mẫu về dạy học và giáo dục của giáo viên trường trung học phổ thông;

5. Tập dượt một số hoạt động có chọn lọc về dạy học và giáo dục;

6. Dự một số giờ thực hành về nghiệp vụ do các giảng viên trường đại học sư phạm hoặc các giáo viên trường trung học phổ thông thực hiện tại trường thực hành.

Điều 9. Nội dung nghiên cứu khoa học giáo dục ở trường thực hành sư phạm bao gồm:

1. Tham gia với trường đại học sư phạm thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục phục vụ thực hành sư phạm;

2. ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục về trung học phổ thông đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, nghiệm thu và cho phép đưa vào trường phổ thông;

3. Phổ biến, vận dụng và thể nghiệm các sáng kiến, kinh nghiệm, các thành tựu mới về khoa học giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục và phục vụ thực hành sư phạm;

4. Đề xuất các ý kiến góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục, cải tiến nội dung và phương pháp đào tạo giáo viên trung học phổ thông của trường đại học sư phạm.

Chương III

GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH SƯ PHẠM

Điều 10. Giáo viên hướng dẫn thực hành sư phạm của trường thực hành sư phạm phải là những người đạt tiêu chuẩn nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục, Điều lệ trường trung học và các quy định cụ thể sau đây:

1. Có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng; có nhiệt tình với nhiệm vụ đào tạo giáo viên và đủ khả năng hướng dẫn sinh viên thực hành sư phạm;

2. Nắm vững mục tiêu, kế hoạch, nội dung chương trình giáo dục của từng khối lớp và toàn cấp học Trung học phổ thông;

3. Có số năm giảng dạy Trung học phổ thông ít nhất là 5 năm.

Điều 11. Ngoài các nhiệm vụ của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường trung học, giáo viên hướng dẫn thực hành sư phạm còn có các nhiệm vụ sau đây:

1. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ của người giáo viên hướng dẫn thực hành sư phạm theo kế hoạch được phân công của hiệu trưởng  trường thực hành sư phạm:

a. Hướng dẫn tìm hiểu đối tượng giáo dục và môi trường sư phạm;

b. Hướng dẫn quan sát các giờ dạy và học và các hoạt động giáo dục;

c. Thực hiện các hoạt động làm mẫu về dạy học và giáo dục;

d. Hướng dẫn quan sát và thực hành các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, chủ nhiệm lớp, công tác Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;

2. Nhận xét, đánh giá kết quả thực hành sư phạm cho sinh viên thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công;

3. Tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục theo nội dung quy định tại Điều 9 của Quy chế này;

4. Kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thực hành sư phạm.

Điều 12. Ngoài các quyền của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường trung học, giáo viên hướng dẫn thực hành sư phạm còn có các quyền sau:

1. Được ưu tiên sử dụng tài liệu, các trang thiết bị và đồ dùng dạy học của trường thực hành sư phạm và trường đại học sư phạm vào công tác hướng dẫn thực hành sư phạm;

2. Được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu thực hành sư phạm do trường đại học sư phạm tổ chức. Được ưu tiên tham dự các hội thảo, các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Được ưu tiên xét chọn đi tham quan, học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước;

3. Được tham gia nghiên cứu, thực nghiệm khoa học phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục và thực hành sư phạm của trường đại học sư phạm và được hưởng các chế độ theo quy định của các đề tài nghiên cứu khoa học;

4. Được trả thù lao theo chế độ hiện hành đối với số giờ vượt định mức giảng dạy (Giờ đã quy đổi theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Quy chế này);

5. Được các cấp quản lý giáo dục và trường đại học sư phạm  động viên về vật chất và tinh thần khi có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn thực hành sư phạm.

Điều 13. Giờ hướng dẫn thực hành sư phạm của giáo viên được quy đổi như sau:

1. Giờ hướng dẫn rèn luyện, làm mẫu các kỹ năng nghiệp vụ sư phạm theo quy định trong các chương trình đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đọc, nói, nghe, viết, công tác chủ nhiệm, điều tra đối tượng giáo dục, xây dựng kế hoạch dạy học, soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học...) được tính theo hệ số 1,5 so với tiết dạy quy chuẩn  ở cấp trung học phổ thông;

2. Giờ dạy mẫu, tổ chức hoạt động mẫu theo quy định trong các chương trình đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo được tính theo hệ số 2,0 so với tiết dạy quy chuẩn ở cấp trung học phổ thông;

3. Nhận xét đánh giá thực hành sư phạm cho giáo sinh được tính  0,5 tiết cho một sinh viên trong một học kỳ.

Điều 14. Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng của trường thực hành sư phạm  khi trực tiếp tham gia chỉ đạo thực hành sư phạm cũng được hưởng chế độ như đối với  giáo viên hướng dẫn thực hành sư phạm.

Chương IV

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM

Điều 15. Trường thực hành sư phạm được tổ chức theo một trong hai cách thức sau:

1. Chọn trường trung học phổ thông có đủ điều kiện quy định tại Điều 3 của Quy chế này giao nhiệm vụ thực hành sư phạm.

2. Thành lập mới trường trung học phổ thông đặt dưới sự quản lý của trường đại học sư phạm làm trường thực hành sư phạm.

Điều 16. Chọn trường trung học phổ thông làm trường thực hành sư phạm

1. Việc chọn trường trung học phổ thông làm trường thực hành sư phạm do Hiệu trưởng trường đại học sư phạm thoả thuận với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở đảm bảo các điều kiện quy định tại Quy chế này và đồng trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Sau khi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định giao nhiệm vụ thực hành sư phạm cho trường trung học phổ thông được lựa chọn.

2. Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo có quyền đình chỉ nhiệm vụ  thực hành sư phạm và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi trường được chọn không đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện công tác thực hành sư phạm được quy định tại Quy chế này

Điều 17. Thành lập mới trường thực hành sư phạm

1. Việc thành lập mới trường thực hành sư phạm đặt dưới sự quản lý trực tiếp của trường đại học sư phạm do Hiệu trưởng trường đại học sư phạm chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án thành lập trường, trình UBND cấp tỉnh nơi trường đóng và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định thành lập trường.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định việc giải thể trường thực hành sư phạm và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 18. Quản lý trường thực hành sư phạm được thành lập theo khoản 1 Điều 17 quy định như sau:

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Hiệu trưởng trường đại học sư phạm.

- Trường thực hành sư phạm chịu sự quản lý trực tiếp của trường đại học sư phạm đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn bậc học của Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Trường thực hành sư phạm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

- Biên chế của trường thực hành sư phạm thuộc biên chế trường đại học sư phạm.

- Các trường thực hành sư phạm căn cứ vào Điều lệ trường Trung học và các quy định của quy chế này để xây dựng nội quy của trường mình.

Điều 19. Các trường thực hành sư phạm loại hình bán công phải có số giáo viên cơ hữu ít nhất  chiếm 50% tổng số giáo viên.

Điều 20. Hiệu trưởng trường thực hành sư phạm là người chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của trường thực hành sư phạm.

Ngoài những nhiệm vụ đã quy định trong Điều lệ trường Trung học và các quy định hiện hành khác, Hiệu trưởng còn có các nhiệm vụ:

- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực hành sư phạm;

- Đảm bảo đầy đủ các điều kiện (đội ngũ giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị, tài chính) để thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành sư phạm.

Chương V

CƠ SỞ VẬT CHẤT, TÀI CHÍNH CỦA TRƯỜNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM

Điều 21. Ngoài các điều kiện đảm bảo các quy định về cơ sở vật chất đối với trường trung học phổ thông, trường thực hành sư phạm phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

1. Có phòng học đủ diện tích để cho sinh viên thực hành;

2. Có phòng nghiệp vụ được trang bị các phương tiện, trang thiết bị đầy đủ để bảo đảm chất lượng các hoạt động thực hành sư phạm và tổ chức các hoạt động ngoại khoá, rút kinh nghiệm, giới thiệu phổ biến các mẫu sản phẩm dạy và học về thực hành sư phạm;

3. Có thư viện theo tiêu chuẩn quy định, đủ sách giáo khoa, sách hướng dẫn giảng dạy, sách tham khảo cho giáo viên làm nhiệm vụ thực hành sư phạm;

4. Phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng trường, vườn trường đáp ứng yêu cầu phục vụ cho thí nghiệm, thực hành các môn học và các hoạt động giáo dục;

5. Sân chơi, bãi tập đúng quy cách để tổ chức các hoạt động ngoại khoá, thể dục thể thao.

Điều 22. Các chi phí thường xuyên phục vụ trực tiếp cho hoạt động thực hành sư phạm thuộc nguồn kinh phí dự toán và được phân bổ hằng năm của trường đại học sư phạm. Các trường thực hành sư phạm được tổ chức theo khoản 1 điều 16 của quy chế này được sự ưu tiên của các cấp quản lý giáo dục về đầu tư xây dựng và sự hỗ trợ của trường đại học sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và chất lượng thực hành sư phạm.

- Kinh phí xây dựng cơ bản (Xây dựng mới, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, sân chơi, bãi tập) và kinh phí thường xuyên (mua sắm thiết bị, thí nghiệm, đồ dùng dạy học, tài liệu, sách giáo khoa, chi trả thù lao dạy vượt giờ quy định) cho trường thực hành sư phạm (không phân biệt loại hình trường: công lập, bán công) được thực hiện theo quy định tài chính hiện hành.

Điều 23. Việc quản lý tài chính, tài sản trong trường thực hành sư phạm thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO




Nguyễn Minh Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 30/2001/QĐ-BGDĐT về Quy chế trường thực hành sư phạm phục vụ công tác đào tạo giáo viên trung học phổ thông của các trường đại học sư phạm, khoa sư phạm trong các trường đại học khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 30/2001/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/07/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Minh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản