BỘ GIÁO DỤC Số : 130-QĐ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 1964 |
BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC CÁC TRƯỜNG THỰC HÀNH CHO CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM CẤP II VÀ CẤP I
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Căn cứ Nghị định số 198-CP ngày 07-11-1961 của Hội đồng Chính phủ đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục;
Căn cứ vào mục tiêu đào tạo giáo viên, vào kế hoạch giảng dạy và học tập nghiệp vụ ở các trường sư phạm cấp II và cấp I;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng vụ Đào tạo bồi dưỡng giáo viên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này, quy chế tạm thời về tổ chức các trường thực hành cho các trường sư phạm cấp II và cấp I.
Điều 2. – Các ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục, Vụ trưởng Vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên, Giám đốc các Sở Giáo dục, Trưởng ty Giáo dục, hiệu trưởng các trường sư phạm cấp II và cấp I, hiệu trưởng các trường thực hành chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
VỀ TỔ CHỨC TRƯỜNG THỰC HÀNH CHO CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM CẤP I, II
Đầu năm học 1961 – 1962 hệ thống các trường sư phạm được mở rộng, công tác đào tạo giáo viên tiến hành theo một quy mô lớn, Bộ Giáo dục đã hướng dẫn việc tổ chức các trường thực hành ở bên các trường sư phạm nhằm làm cho giáo sinh có nhiều điều kiện thuận lợi gắn liền với lý luận thực tế, học tập thực tiễn trường phổ thông, nâng cao quan điểm giáo dục xã hội chủ nghĩa, rèn luyện kỹ năng giáo dục toàn diện học sinh đồng thời phát huy tác dụng, vai trò của trường phổ thông trong sự nghiệp đào tạo giáo viên của ngành.
Thi hành chủ trương của Bộ, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, chấn chỉnh tổ chức trường thực hành. Các trường thực hành đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, phát huy sáng tạo trong việc phối hợp công tác với các trường sư phạm.
Để việc tổ chức các trường thực hành đi vào nền nếp và để phát huy hơn nữa tác dụng tích cực của trường phổ thông trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghiệp vụ cho giáo sinh, Bộ ban hành quy chế tạm thời về tổ chức trường thực hành cho các trường sư phạm cấp II và cấp I.
MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ TRƯỜNG THỰC HÀNH
Điều 1. – Việc tổ chức trường thực hành ở bên trường sư phạm là một việc rất cần nhằm làm cho giáo sinh thường xuyên liên hệ với nhà trường phổ thông, có nhiều dịp vận dụng lý luận đã học được ở trường sư phạm vào hoạt động thực tiễn ở trường thực hành một cách chủ động và sáng tạo dưới sự chỉ đạo của các giáo viên phổ thông và sư phạm. Thông qua các hình thức tham quan, kiến tập, thực hành, họ được học tập và nâng cao dần quan điểm giáo dục xã hội chủ nghĩa, lòng yêu nghề và được rèn luyện về kỹ năng giảng dạy, giáo dục toàn diện thế hệ trẻ.
Điều 2. - Để đạt mục đích trên, trường thực hành có nhiệm vụ:
a) Trước hết làm đầy đủ chức năng và nhiệm vụ của một trường phổ thông, một trường trọng điểm tiêu biểu cho phong trào chung ở địa phương, phản ánh được nhiều thực tế sinh động cho giáo sinh học tập.
b) Phát huy được tác dụng, vai trò của nhà trường phổ thông trong sự nghiệp đào tạo giáo viên cụ thể là:
- Phối hợp chặt chẽ với trường sư phạm tổ chức, hướng dẫn, nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm các buổi tham quan kiến tập, thực hành của giáo sinh theo kế hoạch đã định trước, thông qua đó bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo sinh.
- Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên sư phạm thực tiễn trường phổ thông và bồi dưỡng giáo viên trường thực hành về lý luận giáo dục học một cách có hệ thống nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho anh chị em.
Điều 3. - Việc lựa chọn trường phổ thông làm trường thực hành do trường sư phạm chủ động nghiên cứu, trao đổi trực tiếp với trường được lựa chọn trước khi trình bày với Sở, Ty Giáo dục xét và đề nghị Ủy ban hành chính địa phương ra quyết định công nhận.
Điều 4. - Tuỳ theo số lượng giáo sinh và khối lượng công tác, trường sư phạm sẽ đề nghị tổ chức một hay hai trường thực hành. Ngoài ra, nên cố gắng tổ chức những đợt cho giáo sinh đi liên hệ rộng rãi với các trường phổ thông khác ở địa phương.
Điều 5. – Tiêu chuẩn lựa chọn trường thực hành phải nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục nghiệp vụ cho giáo sinh đi đôi với yêu cầu giáo dục toàn diện học sinh phổ thông.
Trường thực hành cần đạt được những tiêu chuẩn sau đây:
a) Hiệu trưởng và giáo viên có đủ về số lượng và đảm bảo tương đối về chất lượng;
b) Hoạt động giáo dục có nền nếp, có kết quả tốt;
c) Điều kiện tổ chức, thiết bị tương đối bảo đảm được yêu cầu sư phạm;
d) Điều kiện địa lý không gây trở ngại nhiều cho việc đi lại của giáo sinh.
Điều 6. – Tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, giáo viên trường thực hành và chế độ công tác của họ được quy định như sau:
a) Hiệu trưởng, hiệu phó phải có tư tưởng chính trị, đạo đức tác phong tốt và đã kinh qua công tác lãnh đạo một trường phổ thông có đủ lớp từ hai năm trở lên hoặc đã theo học lớp giáo dục học của Bộ mở trong những năm trước đây.
b) Giáo viên trường thực hành, ngoài tiêu chuẩn về tư tưởng chính trị, đạo đức tác phong, phải là giáo viên toàn cấp đã dạy từ hai năm trở lên ở cấp đó.
c) Hiệu trưởng trường phổ thông cấp I (đồng thời là trường thực hành cho trường sư phạm cấp I), được rút bớt mỗi tuần hai buổi đưa lên lớp (nếu phải dạy học), để có thời giờ phối hợp công tác với trường sư phạm; - giáo viên được rút bớt một buổi.
Hiệu trưởng, giáo viên trường phổ thông cấp II (đồng thời là trường thực hành cho trường sư phạm cấp II) thì tuỳ tình hình và khối lượng công tác, có thể được các Sở, Ty Giáo dục rút bớt từ một đến hai giờ lên lớp hàng tuần.
Điều 7. – Các trường thực hành vẵn nằm trong hệ thống các trường phổ thông, trực thuộc cơ quan giáo dục địa phương và được địa phương quản lý về mọi mặt tổ chức, biên chế, kinh phí, thiết bị, chuyên môn, nghiệp vụ.
Điều 8. – Nhiệm vụ xây dựng, chấn chỉnh trường thực hành tiến tới đạt tiêu chuẩn (như đã nói ở điều 5 và 6) là nhiệm vụ của các Sở, Ty Giáo dục đồng thời cũng là trách nhiệm chung của các trường thực hành và sư phạm.
QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA TRƯỜNG SƯ PHẠM VÀ TRƯỜNG THỰC HÀNH
Điều 9. - Việc xây dựng, củng cố và phát huy mối quan hệ mật thiết giữa trường sư phạm và trường thực hành đều xuất phát từ lợi ích chung của cả hai trường, từ ý thức cộng đồng trách nhiệm trong sự nghiệp giáo dục học sinh và đào tạo giáo viên của ngành. Đó là trách nhiệm chung của cả hai trường, của mỗi cán bộ, giáo viên, của mỗi giáo sinh và học sinh.
Điều 10. – Quan hệ công tác giữa hai trường là quan hệ tương hỗ, tôn trọng lẫn nhau, cụ thể là:
- Quan hệ giữa hai hiệu trưởng là quan hệ giữa bộ phận lãnh đạo của hai trường cùng đảm đương một trách nhiệm chung bởi vậy cần phát huy tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa và lề lối lãnh đạo, làm việc dân chủ tập thể;
- Quan hệ giữa giáo viên trường sư phạm và giáo viên trường thực hành là quan hệ bình đẳng, tương trợ giữa những người cùng làm một công tác, bởi vậy cần có thái độ thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi lẫn nhau;
- Quan hệ giữa giáo sinh và giáo viên trường thực hành là quan hệ giữa người học nghề và người dạy nghề, bởi vậy giáo sinh phải tôn trọng giáo viên trường thực hành như giáo viên trường sư phạm và giáo viên trường thực hành phải ân cần giúp đỡ giáo sinh có thái độ đúng đắn đối với họ là những bạn đồng nghiệp sau này của mình;
- Quan hệ giữa giáo sinh và học sinh trường thực hành là quan hệ thầy trò. Tính chất công tác đòi hỏi giáo sinh phải chăm sóc học sinh, luôn luôn mẫu mực trước mặt mọi người để thật xứng đáng với sự tin yêu của học sinh.
Điều 11. - Mọi chủ trương công tác có liên quan đến cả hai trường đều do hai hiệu trưởng bàn bạc nhất trí, ghi thành biên bản hoặc vào kế hoạch để mỗi bên, căn cứ vào đó, sắp xếp vào chương trình công tác của trường mình rồi đề ra biện pháp thực hiện.
Trong trường hợp không cần thiết, nên hết sức tránh làm đảo lộn chương trình kế hoạch của nhau làm cho các bộ, giáo viên, giáo sinh, học sinh bị động, ảnh hưởng đến tinh thần công tác và học tập. Mỗi khi có sự thay đổi về yêu cầu, mức độ, nội dung, biện pháp công tác, lịch tiến hành, đều phải có sự hội ý hội báo kịp thời giữa hai trường để có sự thoả thuận chung.
Điều 12. – Trường sư phạm căn cứ vào mục tiêu đào tạo, vào yêu cầu và nội dung chương trình giáo dục nghiệp vụ cho giáo sinh, chủ động đề xuất kế hoạch với trường thực hành.
Trường thực hành chủ động nêu lên tình hình nhà trường, khả năng về cán bộ, giáo viên, những khó khăn, thuận lợi, những đề nghị (nếu có) để việc xây dựng kế hoạch và đề ra biện pháp thực hiện được sát, đáp ứng được yêu cầu đào tạo giáo viên và yêu cầu giáo dục toàn diện học sinh.
Điều 13. - Việc thực hiện kế hoạch tham quan, kiến tập, thực hành của giáo sinh và kế hoạch bồi dưỡng giáo viên là trách nhiệm chung của cả hai trường. Cần thành lập một Ban chỉ đạo chung gồm có hiệu trưởng hay hiệu phó trường sư phạm, hiệu trưởng hay hiệu phó trường thực hành làm trưởng, phó ban và một số uỷ viên chọn trong số cán bộ ở các bộ phận giáo vụ, tổ bộ môn, tổ tâm lý – giáo dục học.
- Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện, sơ kết, tổng kết công tác, đề nghị khen thưởng đơn vị, cá nhân xuất sắc sau mỗi đợt sơ kết, tổng kết công tác.
- Các giáo viên trường sư phạm, giáo viên trường thực hành nhận sự phân công của Ban chỉ đạo và chịu trách nhiệm trực tiếp trước hiệu trưởng trường mình trong quá trình tiến hành công tác. Trong quan hệ công tác hàng ngày, các giáo viên cần trao đổi nhất trí về mọi biện pháp cần thi hành. Mỗi khi có những đề nghị sửa đổi yêu cầu, nội dung, biện pháp hoặc lịch tiến hành thì phải báo cáo kịp thời cho Ban chỉ đao nghiên cứu và quyết định.
Điều 14. - Thời gian tiến hành các buổi sinh hoạt thường kỳ của Ban chỉ đạo ấn định như sau:
- Họp toàn Ban thông qua kế hoạch công tác, xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết, mỗi năm ba lần và mỗi lần không quá một buổi:
+ 1 buổi vào đầu năm học;
+ 1 buổi vào đầu học kỳ 2 (trước khi giáo sinh đi thực tập tập trung);
+ 1 buổi vào cuối năm học.
- Hội ý hội báo trong Ban chỉ đạo hai tuần lễ hoặc một tháng một lần tuỳ theo tình hình và yêu cầu công tác, mỗi lần không quá hai giờ.
Điều 15. – Việc biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong quá trình chỉ đạo công tác học tập nghiên cứu khoa học giáo dục, cần được tiến hành kịp thời ở mỗi trường theo đề nghị của Ban chỉ đạo trong các kỳ sơ kết, tổng kết công tác.
Điều 16. – Trong quan hệ công tác giữa hai trường cũng như trong lề lối làm việc nếu gặp khó khăn mắc mức hoặc có điểm chưa nhất trí giữa hai trường mà Ban chỉ đạo chung không giải quyết được thì phản ánh lên Sở, Ty Giáo dục quyết định.
Điều 17. - Vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên chỉ đạo việc thi hành quy chế ở các khu, thành phố, tỉnh.
Các Sở, Ty Giáo dục trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy chế tại các trường thực hành và các trường sư phạm các cấp ở địa phương.
Trong quá trình tiến hành công tác, gặp khó khăn, mắc mứu hoặc có đề nghị gì thì phản ánh cho Bộ biết.
Điều 18. – Quy chế này thi hành kể từ ngày ký ban hành kèm theo Quyết định số 130-QĐ ngày 12-3-1964.
- 1Thông tư 4/TT-1975 quy định tạm thời về chế độ đối với giáo viên giảng dạy trong các Trường Đại học sư phạm do Bộ Giáo dục ban hành
- 2Quyết định 30/2001/QĐ-BGDĐT về Quy chế trường thực hành sư phạm phục vụ công tác đào tạo giáo viên trung học phổ thông của các trường đại học sư phạm, khoa sư phạm trong các trường đại học khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 1Nghị định 198-CP năm 1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 4/TT-1975 quy định tạm thời về chế độ đối với giáo viên giảng dạy trong các Trường Đại học sư phạm do Bộ Giáo dục ban hành
- 3Quyết định 30/2001/QĐ-BGDĐT về Quy chế trường thực hành sư phạm phục vụ công tác đào tạo giáo viên trung học phổ thông của các trường đại học sư phạm, khoa sư phạm trong các trường đại học khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quyết định 130-QĐ năm 1964 về quy chế tạm thời về tổ chức các trường thực hành cho các trường sư phạm cấp II và cấp I do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành
- Số hiệu: 130-QĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/03/1964
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
- Người ký: Võ Thuần Nho
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 12/03/1964
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định