Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4/TT

Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 1975

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 4/TT NGÀY 27-2-1975 QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

Trên cơ sở quyết định 644/QĐ, ngày 10-10-1970 của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quy định chế độ lao động đối với giáo viên đại học, Bộ Giáo dục ra thông tư hướng dẫn thực hiện thống nhất vấn đề này trong tất cả các Trường Đại học sư phạm như sau:

I- NHIỆM VỤ VÀ THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA GIÁO VIÊN ĐẠI HỌC

Một năm có 52 tuần lễ, trừ 6 tuần lễ cho các công việc: 4 tuần nghie hè, 2 tuần nghỉ các ngày lễ lớn và tiến hành các đại hội trong năm, còn lại 46 tuần lễ phân phối cho các nhiệm vụ công tác sau đây:

1- Nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh là nhiệm vụ chủ yếu của người giáo viên, gồm có 26 tuần lễ, để tiến hành việc lên lớp (giảng lý thuyết, hướng dẫn bài tập, thực hành, thí nghiệm ....); một số công việc trước và sau khi lên lớp (soạn bài, chuẩn bị thực hành, thực tập, sinh hoạt bộ môn, dự giờ, thăm lớp lẫn nhau, giúp học sinh kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, chấm bài, coi thi, chấm thi, đi thực tế nhà trường phổ thông ...) tham gia giáo dục tư tưởng, đạo đức, rèn luyện về nghề nghiệp, xây dựng tập thể học sinh.

2- Nhiệm vụ học tập, bồi dưõng, nghiên cứu khoa học và phổ biến khoa học, gồm có 12 tuần lễ.

3- Nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất theo tinh thần chỉ thị 237/TTg, ngày 1-12-1970 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 6 tuần lễ.

4- Nhiệm vụ tập luyện quân sự gồm có 2 tuần lễ lấy trong thời gian làm việc và một số thời gian khác ngoài giờ chính quyền.

5- Ngoài các nhiệm vụ chính trên đây, mỗi giáo viên còn có nhiệm vụ tham gia một số công tác chính quyền, đoàn thể trong và ngoài nhà trường.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN ĐẠI HỌC

1- Giờ tiêu chuẩn lên lớp giảng dạy (quy ra giờ lý thuyết).

a) Giáo viên dạy các môn Văn học, Lịch sử, Địa lý, Chính trị, Tâm lý - giáo dục học mỗi năm lên lớp từ 180 giờ đến 200 giờ.

b) Giáo viên dạy các môn Toán học, Vật lý, Hoá học, Sinh vật, các môn khác ở khoa Kỹ thuật công nghiệp, và nông nghiệp, các môn văn hoá chung ở Trường Đại học sư phạm ngoại ngữ, mỗi năm lên lớp 230-250 giờ.

Mức tối đa áp dụng cho những giáo viên có trên 5 năm công tác ở trường đại học và những giáo viên có trình độ trên đại học ( phó tiến sĩ, tiến sĩ) ; mức tối thiểu áp dụng cho những giáo viên có từ 5 năm công tác ở trường đại học trở xuống, tính đến ngày được công nhận giảng dạy chính thức.

c) Giáo viên giảng dạy môn Ngoại ngữ ở trường chuyên ngữ mỗi năm lên lớp 270 giờ. Đối với những giáo viên được phân công giảng dạy ở các lớp năm thứ 5 (có số giờ giảng dạy ở các lớp này từ 1/4 số giờ tiêu chuẩn nói trên trở lên) thì mỗi năm lên lớp 230 giờ.

d) Giáo viên dạy Ngoại ngữ ở trường không chuyên ngữ mỗi năm lên lớp 360 giờ. Nếu dạy ở các lớp chuyên tu thì mỗi năm lên lớp 330 giờ.

e) Giáo viên dạy các môn quân sự; Thể dục, Nhạc, Hoạ, Nữ công.... mỗi tuần lên lớp 14 giờ (một năm 420 giờ), kể cả lý thuyết và thực hành.

Ngoài số giờ tiêu chuẩn nói trên, những giáo viên dạy các môn này còn có nhiệm vụ phân công nhau, chăm lo công tác nếp sống quân sự, chăm lo phong trào thể dục, thể thao, văn nghệ và công tác đối với nữ sinh trong toàn trường.

f) Giáo viên đang thời gian tập sự, hàng năm tham gia giảng dạy từ 1/5 -1/4số giờ tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy các môn ở nhóm a, b; không quá 1/2 số giờ tiêu chuẩn đối với giáo viên ở nhóm 2/3 số giờ tiêu chuẩn đối với giáo viên ở nhóm d, e nói ở trên.

i) Nữ giáo viên đã xây dựng gia đình hàng năm được giảm 1/10 số giờ tiêu chuẩn của mình.

2- Quy đổi các loại giờ khác ra giờ lý thuyết.

- Các loại giờ chữa bài tập trên lớp: 1,5 giờ dạy trên lớp tính là 1 giờ lý thuyết.

- Giờ hướng dẫn thí nghiệm và thực hành: 1,5 giờ hướng dẫn tính là một giờ lý thuyết, nếu không có nhân viên phụ tá.

- Hướng dẫn học sinh thảo luận trên lớp (không kể thảo luận tối): 1,5 giờ hướng dẫn tính là một giờ lý thuyết.

- Hướng dẫn học sinh đi thực tập sư phạm tập trung, đi tham quan thực tế có nội dung rèn luyện "tay nghề" cho học sinh, được tính 9 giờ lý thuyết/ tuần, đối với đoàn viên và 12 giờ lý thuyết/tuần, đối với giáo viên làm trưởng đoàn.

Ngoài nhiệm vụ giúp đỡ học sinh thực tập, đây còn là một công tác thiết thực phục vụ cho việc giảng dạy cuả tất cả giáo viên các Trường sư phạm. Đo đó, hàng năm, nhà trường phải có kế hoạch để bố trí cho mọi giáo viên đều có thời gian thâm nhập thực tế nhà trường phổ thông, coi đây là một nhiệm vụ của người giáo viên sư phạm.

- Hướng dẫn học sinh làm bài tập lớn, quy định:

+ Hướng dẫn từ 1-2 học sinh tính 6 giờ lý thuyết.

+ Hướng dẫn từ 3-4 học sinh tính 8 giờ lý thuyết.

+ Hướng dẫn từ 5-6 học sinh tính 10 giờ lý thuyết.

Để bảo đảm chất lượng của đề tài, đảm bảo công tác giảng dạy và sức khoẻ của giáo viên, mỗi giáo viên chỉ hướng dẫn tối đa 6 học sinh. Số giờ trên tính theo số học sinh chứ không tính theo số đề tài mà giáo viên hướng dẫn.

- Hướng dẫn học sinh làm khoá luận tốt nghiệp được tính 12 giờ lý thuyết cho một đề tài, không kể đề tài này có bao nhiêu học sinh tham gia. Mỗi giáo viên chỉ hướng dẫn tối đa không quá 4 đề tài. Từ đề tài thứ 5 trở đi (nếu được phân công) thì được tính 1/2 số giờ quy định nói ở trên.

- Hướng dẫn giáo viên đại học làm khoá luận để đạt trình độ sau đại học (có nơi gọi là "cấp 1") tính 30 giờ lý thuyết cho một đề tài. Nếu hướng dẫn làm luận án trên đại học (có nơi gọi là "cấp 2") thì tính 50 giờ lý thuyết cho một đề tài.

3- Giảm giờ giảng dạy cho giáo viên làm công tác kiêm nhiệm.

- Chủ nhiệm khoa giảm từ 1/3 - 1/2 số giờ tiêu chuẩn/năm,

- Phó chủ nhiệm khoa giảm từ 1/4 - 1/3 số giờ tiêu chuẩn/năm.

Mức tối đa áp dụng cho những khoa có trên 500 học sinh, mức tối thiểu áp dụng cho những khoa có từ 500 học sinh trở xuống.

- Tổ trưởng chuyên môn giảm từ 1/4 - 1/3 số giờ tiêu chuẩn/năm.

Mức tối đa áp dụng cho tổ trưởng các tổ bộ môn chung (trực thuộc ban giám hiệu) và những tổ có trên 15 tổ viên. Mức tối thiểu áp dụng cho những tổ có từ 15 tổ viên trở xuống và các nhóm trưởng chuyên môn có từ 7 người trở lên.

Việc thành lập tổ chuyên môn (và nhóm chuyên môn nói trên phải do hiệu trưởng nhà trường ra quyết định.

- Trợ lý giảng dạy, học tập của khoa được giảm 1/4 số giờ tiêu chuẩn/năm.

Trong trường hợp thật cần thiết thì Hiệu trưởng nhà trường có thể đề nghị với Bộ để cử thêm các trợ lý khác như hàm thụ, nghiên cứu khoa học ... Các trợ lý này cũng được giảm 1/4 số giờ tiêu chuẩn.

- Giáo viên chủ nhiệm lớp (mỗi lớp 1 người) mỗi năm giảm 30 giờ.

- Giáo viên phụ trách bí thư liên chi Đảng của khoa được giảm giờ giảng dạy hàng tuần như phó chủ nhiệm cùng khoa. Nếu là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm khoa kiêm chức vụ này thì không giảm thêm giờ nữa.

Giáo viên phụ trách bí thư liên chi Đoàn thanh niên lao động Hồ chí Minh của khoa, bí thư chi bộ giáo viên, bí thư chi Đoàn giáo viên, thư ký công đoàn khoa, mỗi năm giảm 30 giờ.

- Để tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thành tốt công tác giảng dạy và công tác kiêm nhiệm được giao, nhà trường chỉ phân công mỗi giáo viên đảm nhiệm không quá 2 công tác kiêm nhiệm.

4- Nhiệm vụ tham gia giáo dục tư tưởng, đạo đức, xây dựng tập thể học sinh.

Đó là nhiệm vụ thường xuyên của mọi giáo viên đối với học sinh trong quá trình giảng dạy về bộ môn của mình. Bên cạnh đó, mọi giáo viên sư phạm đều có nhiệm vụ tham gia một số hoạt động khác nhằm trực tiếp giáo dục tư tưởng, đạo đức, xây dựng tập thể học sinh (như tham dự, hướng dẫn các đợt sinh hoạt chính trị trong học sinh, giáo dục học sinh cá biệt v.v...). Thời gian dành cho công tác này là 60 giờ hành chính trong một năm và lấy trong thời gian của nhiệm vụ thứ nhất, nói ở mục I của thông tư này.

5- Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tự học tập và bồi dưỡng.

Thời gian dành cho công tác tự học tập và bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ chuyên môn (trong đó có cả thời gian đi bồi dưỡng tập trung) trong 1 năm là 400 giờ đôí với giáo viên có từ 5 năm công tác ở trường đại học trở xuống và 200 giờ, đối với giáo viên có trên 5 năm công tác ở trường đại học.

Thời gian dành cho công tác nghiên cứu khoa học, phổ biến khoa học (kể cả thời gian biên soạn giáo trình đại học) là 400 giờ, đối với giáo viên có trên 5 năm công tác ở trường đại học và 200 giờ, đối với giáo viên có từ 5 năm công tác ở trường đại học trở xuống.

Căn cứ vào thời gian đã được quy định trên đấy, đầu năm học, mỗi giáo viên có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học cho cả năm học, trong đó cần nói rõ mức độ và thời gian cần thiết cho từng công việc, và có trách nhiệm hoàn thành chương trình, kế hoạch đã vạch ra. Nhà trường và khoa cần có kế hoạch cụ thể để giúp đỡ mỗi giáo viên hoàn thành được công tác học tập, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của họ.

6- Nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất và tập luyện quân sự.

- Theo chỉ thị 237/TTg, ngày 1-12-1970 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ tham gia lao động sản xuất đối với giáo viên các trường đại học và trung học chuyên nghiệp (và các thông tư 30/TT ngày 17-12-1970 của Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp, hướng dẫn thực hiện chỉ thị 237/TTg) thì thời gian tham gia lao động sản xuất của giáo viên đại học là 6 tuần lễ, trong đó:

+ 2 tuần lễ lao động phục vụ cho các nhu cầu xây dựng trường sở đầu năm của nhà trường.

+ 2 tuần (mỗi tuần 1 buổi) để sản xuất theo phương hướng đã đề ra trong chỉ thị 237/TTg.

+ 2 tuần lao động công ích và lao động nghĩa vụ (kể cả ngày đi và về).

- Thời gian cho việc tập luyện quân sự của giáo viên đại học vẫn áp dụng theo quyết định 644 /QĐ của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.

7- Những quy định khác về việc sử dụng thời gian lao động của giáo viên đại học.

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy mọi giáo viên đều phải hoàn thành các công tác tham gia lao động sản xuất học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học (và phổ biến khoa học) và tập luyện quân sự (theo quy định về thời gian và khối lượng công việc.

Để sử dụng tốt số thời gian trên, Bộ quy định cụ thể như sau:

a) Trường hợp những giáo viên không sử dụng hết số giờ quy định cho các khâu công tác nói ở điểm 2, 3, 4 của mục I thì Hiệu trưởng nhà trưòng sẽ phân công dạy thêm một số giờ (hoặc tham gia công tác kiêm nhiệm) tương đương số thời hạn chưa sử dụng hết.

Thí dụ, một giáo viên không tham gia lao động trong một tuần lễ thì sẽ phân công giảng dạy thêm một số giờ bằng 1/26 số giờ tiêu chuẩn (vì thời gian dành cho công tác giảng dạy là 26 tuần/năm).

b) Đối với giáo viên vì điều kiện đặc biệt, cần phải tập trung nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học (như biên soạn giáo trình đại học Trường Đại học sư phạm, hoàn thành đề tài khoa học lớn) thì ngoài số thời gian đã quy định cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo viên được rút bớt một số thời gian trong các khâu khác để nghiên cứu khoa học (việc này phải được Hiệu trưởng đồng ý và báo cáo cho Bộ biết).

8- Chế độ thanh toán tiền dạy thêm giờ đối với giáo viên đại học.

Những giáo viên dạy vượt quá số giờ tiêu chuẩn (và sau khi hoàn thành các công việc 2, 3, 4, nói ở mục 1) thì được thanh toán tiền dạy thêm giờ theo chế dộ hiện hành. Nay Bộ quy định thống nhất như sau:

Căn cứ vào chế độ lao động đã được quy định tại thông tư này (và các yếu tố khác như số học sinh hiện có, chương trình giảng dạy ...), ngay từ đầu năm học, nhà trường có nhiệm vụ lập kế hoạch sử dụng lao động giáo viên trong toàn trường và báo cáo để Bộ duyệt y.

Trên cơ sở đó, cuối năm học (sau khi có báo cáo việc sử dụng và điều chỉnh lao động trong năm học của nhà trường) Bộ sẽ tiến hành thanh toán tiền dạy thêm giờ cho các trường hợp dạy vượt giờ tiêu chuẩn. Số giờ được thanh toán không vượt quá 1/2 số giờ tiêu chuẩn của giáo viên đó. Riêng giáo viên được thoát ly giảng dạy để làm công tác quản lý như công tác hiệu trưởng, hiệu phó, công tác ở các phòng, ban, nếu tham gia giảng dạy thì được trả thù lao cho số giờ trực tiếp giảng dạy với mức 65% giá biểu. Số giờ được thanh toán này không vượt quá 1/3 số giờ tiêu chuẩn của giáo viên cùng loại.

Trên đây là những vấn đề cần thiết, Bộ cần hướng dẫn thực hiện thống nhất trong tất cả các trưòng đại học sư phạm. Các nội dung khác không đề cập ở thông tư này vẫn áp dụng theo các văn bản trước đây. Quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị các trường phản ánh để Bộ nghiên cứu bổ sung thêm.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Hồ Trúc

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 4/TT-1975 quy định tạm thời về chế độ đối với giáo viên giảng dạy trong các Trường Đại học sư phạm do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 4/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/02/1975
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Hồ Trúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản