Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 288/QĐ-UBND

Đắk Nông, ngày 01 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIỐNG BÒ LAI HƯỚNG THỊT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045;

Căn cứ Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030;

Căn cứ Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025;

Căn cứ Quyết định số 724/QĐ-BNN-KHCN ngày 09/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành tạm thời các định mức kinh tế, kỹ thuật áp dụng cho dự án Khuyến nông Trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh Đắk Nông về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh Đắk Nông ban hành quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 19/7/2019 của HĐND tỉnh Đắk Nông phê duyệt một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 10/TTr-SNN ngày 19/01/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển giống bò lai hướng thịt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Glong, Tuy Đức và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, CTTĐT, KTN(Ha).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trọng Yên

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN GIỐNG BÒ LAI HƯỚNG THỊT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 288/QĐ-UBND ngày 01/03/2021 của UBND tỉnh Đắk Nông)

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CHĂN NUÔI BÒ THỊT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

1. Kết quả đạt được

Giai đoạn 2010 - 2018, tỉnh Đắk Nông đã tập trung triển khai Dự án cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt tại 08 huyện, thị xã Gia Nghĩa (nay là thành phố Gia Nghĩa) bằng cách đưa 350 con bò đực lai giống Brahman đỏ lai tạo với đàn bò cái nền địa phương để tạo ra con lai có năng suất nhằm lai tạo nâng cao chất lượng giống bò thịt địa phương. Đồng thời, thông qua các chương trình, đề án, dự án và lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác nhau để triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt, chất lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh được cải thiện và nâng lên đáng kể. Tính đến tháng 12/2020, tổng đàn bò của tỉnh là 31.400 con, đàn bò lai đạt 26.500 con chiếm tỷ trên 80% tổng đàn, đàn bê sinh ra có khả năng sinh trưởng vượt trội so với đàn bê trước đây, cụ thể: Trọng lượng sơ sinh 23 kg (cao hơn bê giống bò Vàng Việt Nam 09 kg); ở giai đoạn 6 tháng tuổi đạt 118 kg (cao hơn bê giống bò Vàng Việt Nam 46 kg), còn với giai đoạn 12 tháng tuổi, trọng lượng trung bình của bê lai F1 đạt 175 kg (cao hơn bê giống bò Vàng Việt Nam 72 kg). Giai đoạn 24 tháng tuổi, trọng lượng trung bình của bò lai F1: 250 kg, cao hơn giống bò Vàng Việt Nam 105 kg.

Dự án Lai tạo thử nghiệm giống bò BBB trên nền đàn bò cái lai Zebu (lai Brahman, lai Sindhi) được triển khai từ năm 2019, đến nay đã có 94 con bê lai được sinh ra, trọng lượng sơ sinh từ 27 kg đến 38 kg, tăng gấp 1,5 lần so với trọng lượng bê lai Zebu.

Từ các Chương trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội; đặc biệt là hiệu quả về khoa học - di truyền giống, tạo ra thế hệ con giống mới có chất lượng cao là tổ hợp của giống bò hướng thịt Brahman và giống bò địa phương, dòng con lai có những đặc tính vượt trội hơn so với bò bố và bò mẹ khả năng chịu được điều kiện chăn nuôi và điều kiện tự nhiên của vùng dự án, chổng chịu bệnh tật tốt hơn các giống nhập nội cao sản (di truyền từ bò mẹ); chất lượng thịt tốt, sản lượng thịt cao (ưu thế di truyền từ bò Brahman đỏ). Đây là tiền đề cho việc lai tạo các giống bò thịt có trọng lượng cũng như chất lượng cao hơn trong thời gian tới.

1. Thuận lợi

Điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gia súc. Xác định chăn nuôi gia súc là thế mạnh của tỉnh, nhằm chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng tập trung. Đồng thời, kế thừa nguồn bò lai từ Đề án phát triển nhanh đàn bò thịt chất lượng cao tỉnh Đắk Nông (được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 27/6/2013), phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của địa phương góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh diễn biến phức tạp của các bệnh dịch đang gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.

2. Khó khăn, tồn tại

- Người dân thiếu nguồn lực để đầu tư, trong khi đó sinh trưởng của bò chậm hơn so các loài vật nuôi khác, thời gian quay vòng vốn dài, do đó việc phát triển đàn bò còn hạn chế.

- Trình độ kỹ thuật của người chăn nuôi vẫn còn hạn chế, nhất là chăn nuôi các giống bò thịt cao sản đòi hỏi chế độ chăm sóc, chế độ nuôi dưỡng khắt khe. vẫn còn một số hộ tham gia các Chương trình, dự án được tập huấn chuyển giao kỹ thuật nhưng khi kết thúc các Chương trình, dự án người chăn nuôi không duy trì hoặc bán bò dự án.

- Chưa xây dựng được mô hình điểm trong chăn nuôi bò để người dân tham quan, học tập; phương thức chuyển giao khoa học, kỹ thuật còn mang tính lý thuyết, chưa đủ sức thuyết phục để người dân đầu tư, ứng dụng nhằm đạt hiệu quả chăn nuôi.

- Việc quản lý, lai tạo giống chưa được người chăn nuôi quan tâm, lai tạo đồng huyết dẫn đến bò thịt kém năng suất, chất lượng không cao.

- Thiếu sự liên kết giữa các hộ chăn nuôi, phương thức chăn nuôi đơn lẻ khó áp dụng khoa học, kỹ thuật tạo ra sản phẩm đủ lớn và chất lượng để thu hút nhà đầu tư vào chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIỐNG BÒ LAI HƯỚNG THỊT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

1. Sự cần thiết

Từ những đánh giá thuận lợi, tồn tại, hạn chế nêu trên và định hướng phát triển, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới theo hướng hiệu quả, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đàn bò thịt và gia tăng sản lượng thịt phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời, tận dụng được nguồn bò lai từ các Đề án, dự án đã triển khai thực hiện trong thời gian qua; tiếp tục thực hiện việc lai tạo dựa trên nền đàn bò lai để tạo ra con lai có năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả cao, trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và khai thác, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh diễn biến phức tạp của bệnh dịch đang gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc xây dựng “Chương trình phát triển giống bò lai hưng thịt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021- 2025, định hưng đến năm 2030” là cần thiết.

2. Mục tiêu Chương trình

2.1. Mục tiêu chung

- Cung cấp con giống bò thịt chất lượng cao đáp ứng một phần nhu cầu con giống trong quá trình tái cơ cấu sản xuất trong ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên.

- Nâng cao năng suất, chất lượng cao, năng lực cạnh tranh ngành hàng bò thịt của tỉnh. Đáp ứng nhu cầu về thịt bò cho người dân địa phương và các địa phương lân cận.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2025 tăng số lượng đàn bò của tỉnh đạt 38.000 con. Trong đó: Bê lai F1 được tạo ra từ Chương trình khoảng 3.600 con, qua đó chọn lọc tạo đàn cái giống sinh sản có chất lượng phục vụ sản xuất giống bò thịt chất lượng cao.

- Thực hiện phối giống nhân tạo cho khoảng 1.500 bò cái nền lai (cái nền lai Zêbu, Brahman) với tinh của các giống bò thịt cao sản (như: Red Angus, Droughtmaster, Brahman, Senepol, BBB...) để tạo ra con lai có trọng lượng tăng gấp 1,5 lần so với bê lai hiện nay, tỷ lệ thịt xẻ đạt 50-55%.

- Tập huấn, tuyên truyền cho khoảng 800 lượt người chăn nuôi bò được tiếp cận khoa học, kỹ thuật mới về chăm sóc, nuôi dưỡng giống bò lai hướng thịt, chăn nuôi bò an toàn dịch bệnh, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản cỏ góp phần nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm bò thịt, tăng thu nhập người chăn nuôi.

- Xây dựng ít nhất 01 mô hình/huyện, thành phố về vỗ béo bò thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm để người dân tham quan, học tập và nhân rộng.

3. Dự báo điều kiện phát triển đàn bò thịt

- Nhu cầu tiêu thụ thịt bò: Sản lượng thịt bò cung cấp trong nước không đủ (hiện nay chỉ chiếm 6,2% tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm cả nước), thực tế cho thấy sản xuất thịt bò trong nước chưa đáp được nhu cầu thị trường nội địa, đặc biệt là thịt bò chất lượng cao cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, sản lượng thịt bò của tỉnh ước đạt khoảng 1.728 tấn, đáp ứng 60% nhu cầu của người dân địa phương. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi bò thịt tỉnh Đắk Nông có rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

- Xu hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp: Hiện nay, dịch bệnh ở lợn (như: bệnh tai xanh, dịch tả lợn châu phi, bệnh lở mồm long móng), dịch bệnh trên cây hồ tiêu gây thiệt hại lớn đến phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Do đó việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi sang nuôi bò là biện pháp thích hợp trong giai đoạn hiện nay; việc thâm canh trồng cỏ trên diện tích đất cây trồng kém hiệu quả 01 ha có năng suất 250 tấn, nuôi được 14-20 con bò, tạo việc làm cho 2- 3 lao động, giá trị trồng cỏ chăn nuôi bò ước tính khoảng 50 triệu đồng (cao hơn một số cây trồng ngắn ngày khác). Do vậy, phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao đang thực sự góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người chăn nuôi trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

- Nguồn thức ăn phát triển chăn nuôi bò phong phú: Đắk Nông có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là: 598.075 ha, chiếm 91,88% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất trồng cây hàng năm lớn (diện tích là 366.40, chiếm 56,29%), điều kiện khí hậu thuận lợi phát triển cây trồng ngắn ngày (như: lúa, ngô, khoai lang, đậu, lạc...) đây là nguồn thức ăn phong phú và dồi dào phục vụ cho việc phát triển đàn bò. Theo số liệu thống kê năm 2019, sản lượng các phụ phẩm nông nghiệp như: xác mì, rơm rạ, thân cây ngô, thân cây đậu... cho năng suất gần 600.000 tấn/năm; diện tích cỏ trồng khoảng gần 600 ha, bao gồm các giống: cỏ voi, sả, VA06, mulato II, có năng suất bình quân đạt 350 - 400 tấn/ha/năm, tổng sản lượng ước đạt 250.000 tấn/năm chủ yếu phục vụ cho chăn nuôi bò thịt.

- Nguồn nhân lực dồi dào: Có thể sử dụng nguồn lao động dư thừa và nhàn rỗi trong nông thôn để chăn nuôi bò tăng thu nhập cho người dân. Theo số liệu thống kê, năm 2019, dân số của tỉnh là 625.822 người, số người trong độ tuổi lao động là 374.093 người. Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao, đây là nguồn nhân lực dồi dào phục vụ cho sản xuất.

4. Nội dung thực hiện

4.1. Tăng cơ học đối với đàn bò

- Tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích nhân dân đầu tư tăng nhanh đàn bò trên địa bàn tỉnh, phấn đấu tăng đàn bò trong dân khoảng 5.000 con đến năm 2025.

- Thu hút ít nhất từ 01-02 doanh nghiệp, dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò để tăng nhanh đàn bò, doanh nghiệp nhập bò giống cao sản để nuôi trực tiếp hoặc liên kết nuôi với hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thì được hỗ trợ theo quy định tại khoản 2, Điều 12 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ, phấn đấu đàn bò trong doanh nghiệp tăng khoảng 1.500 con đến năm 2025.

4.2. Lai tạo giống bò lai hướng thịt

- Xây dựng và in ấn các mẫu phiếu khảo sát chọn hộ, cơ sở chăn nuôi, phiếu bình tuyển bò cái nền, sổ quản lý, theo dõi tình hình phát triển của đàn bò.

- Khảo sát chọn hộ, bình tuyển khoảng 1.500 bò cái nền lai Zebu đủ tiêu chuẩn để thực hiện phối nhân tạo.

- Chuẩn bị tinh bò các giống cao sản hướng thịt như: Red Angus, Droughtmaster, Brahman, Senepol, BBB ..., vật tư phục vụ công tác phối giống.

- Hướng dẫn ký kết hợp đồng với các hộ chăn nuôi bò cái nền, kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo tham gia chương trình và ghi chép sổ sách theo dõi.

* Lai tạo bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo thuần giống bò như Red Angus, Droughtmaster, Brahman, Senepol, BBB... (tinh cọng rạ). Định mức sử dụng tinh cọng rạ: 02 liều tinh/01 bê lai F1 sinh ra.

4.3. Quản lý đàn bò

- Cấp phát vật tư, sổ quản lý theo dõi và hướng dẫn ghi chép tình hình phát triển đàn bò (tình hình phối giống, điều trị bệnh, sự phát triển của bê lai, tình hình xuất, nhập đàn bò...); đồng thời cập nhật thông tin về công tác phối giống, sinh sản vào phần mềm Excel để theo dõi, quản lý.

- Thực hiện đánh số đeo thẻ tai cho đàn bò cái nền được bình tuyển đưa vào tham gia chương trình để đưa vào quản lý theo dõi giám sát tình hình động dục, lên giống và sinh bê lai.

4.4. Công tác thú y về phòng, chống dịch bệnh

- Thường cập nhật tình hình dịch bệnh của đàn bò vào sổ theo dõi, phần mềm Excel; tình hình nhập, xuất đàn bò tại nông hộ.

- Hướng dẫn người dân tham gia Chương trình tiêm phòng trung bình 02 lần/năm cho đàn bò để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như các loại vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng,... để tạo miễn dịch chủ động, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh.

- Hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng chuồng nuôi có các hệ thống chống nóng, chống ẩm, thông thoáng thích hợp; thu gom phân, nước thải đảm bảo môi trường; đối với các trại nuôi quy mô vừa, lớn: xây dựng trang trại quy mô khép kín, theo hướng tiên tiến phù hợp với vùng nhiệt đới và thân thiện với môi trường; Chăm sóc và nuôi dưỡng tốt đàn bò đảm bảo đàn bò phát triển khỏe mạnh.

4.5. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Hỗ trợ kinh phí đào tạo bổ sung 04 người/04 huyện làm công tác thụ tinh nhân tạo nhằm nâng cao kỹ thuật, tay nghề cho đối tượng là cán bộ thú y cơ sở tại các cơ sở đào tạo ngoại tỉnh đủ điều kiện.

4.6. Tập huấn

- Nội dung tập huấn: Kỹ thuật chăn nuôi bò (bê các giai đoạn, bò sinh sản, bò nuôi vỗ béo), phương pháp phát hiện động dục và phương pháp chế biến thức ăn cho bò từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp.

- Đối tượng: Người chăn nuôi tham gia Chương trình, cán bộ kỹ thuật cấp huyện, cấp xã phụ trách địa bàn.

- Quy mô: 08 lớp/04 huyện (02 lớp/huyện; dự kiến khoảng 60 người/lớp trong 08 ngày).

- Địa điểm: Tại các huyện triển khai Chương trình.

4.7. Xây dựng mô hình điểm nuôi vỗ béo bò lai hướng thịt theo hướng liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm

- Nội dung: Khảo sát chọn các hộ có đủ điều kiện để triển khai xây dựng mô hình; tìm hiểu thị trường, gắn kết các Hợp tác xã, Tổ hợp tác chăn nuôi, nhà hàng, siêu thị để liên kết tiêu thụ sản phẩm, Hội thảo nhân rộng mô hình.

- Số lượng mô hình: Xây dựng 04 mô hình/04 huyện về nuôi vỗ béo bò lai hướng thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm để người dân tham quan, học tập kinh nghiệm.

- Địa điểm: Tại các huyện triển khai Chương trình.

4.8. Kiểm tra, giám sát

- Định kỳ, hàng tháng kiểm tra, giám sát địa bàn để cập nhật tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chương trình nhằm đạt hiệu quả cao.

- Nội dung kiểm tra: Kiểm tra sự phát triển của bò cái nền, tình hình phối giống, chăm sóc nuôi dưỡng, tình hình dịch bệnh và điều trị, trọng lượng bê lai, khả năng sinh trưởng của bê lai, xuất, nhập bò tại hộ chăn nuôi...

5. Thời gian, phạm vi thực hiện

5.1 Thời gian thực hiện: Từ năm 2021-2025

5.2. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn 04 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Glong và Tuy Đức.

6. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình

- Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ.

- Nguồn ngân sách địa phương hàng năm bố trí cho ngành nông nghiệp (vốn đầu tư, kinh phí sự nghiệp) theo phân cấp.

- Nguồn vốn lồng ghép từ các đề án, chương trình khác do Trung ương, địa phương đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

- Nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia Chương trình.

- Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định.

7. Giải pháp thực hiện

7.1. Giải pháp về chính sách

- Hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương và của địa phương về đầu tư phát triển chăn nuôi.

- Các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 19/7/2019 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

7.2. Giải pháp về kỹ thuật

- Lựa chọn đơn vị cung cấp tinh bò đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng tinh bò giống khi đưa vào phối giống nhân tạo, để tạo ra đàn bò lai có năng suất, chất lượng cao.

- Đàn cái nền lai được lựa chọn, bình tuyển đảm bảo tiêu chuẩn về giống (Tiêu chuẩn bò giống căn cứ theo tiêu chuẩn QCVN 01-44:2011/BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khảo nghiệm, kiểm định bò giống hướng thịt).

- Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn cho người dân phương pháp phát hiện động dục và xác định thời điểm phối giống thích hợp để thực hiện thụ tinh nhân tạo đạt hiệu quả. Quản lý tốt đàn bò đực địa phương, khuyến khích, vận động người chăn nuôi chuyển sang nuôi thịt, nuôi vỗ béo tránh lai tạo đồng huyết. Đồng thời, khuyến khích thụ tinh nhân tạo cho đàn bò để tạo con lai có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

- Hướng dẫn các quy trình quản lý giống bò trên địa bàn tỉnh để công tác lai tạo đạt hiệu quả cao, tránh đông huyết cho đàn bò trên địa bàn tỉnh.

- Hàng năm tổ chức tiêm phòng đối với bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trung cho đàn bò; chủ động phòng các bệnh ký sinh trùng cho đàn bò; định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh.

- Kiểm soát chặt chẽ tình hình buôn bán, giết mổ, vận chuyển bò và các sản phẩm của bò ra, vào địa bàn để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập và phát sinh trên địa bàn.

- Nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh trên bò cho đội ngũ thú y viên cũng như người chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích, vận động người chăn nuôi bố trí diện tích phù hợp để trồng cỏ mới, trồng cây thức ăn thô xanh hoặc chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các giống cỏ cao sản và các loại thức ăn thô xanh khác, đồng thời tận dụng nguồn thức ăn thô xanh hiện có trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu về thức ăn thô xanh cho đàn bò thịt toàn tỉnh.

- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ để phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo đàn bò gồm: Bình ni tơ bảo quản tinh, súng bắn tinh, tinh bò, Nitơ bảo quản tinh.... để nâng cao chất lượng đàn bò của tỉnh.

7.3. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ thuật cho cán bộ thú y cơ sở làm công tác thụ tinh nhân tạo.

- Sử dụng nguồn lực tại chỗ của người dân tham gia vào quá trình chăn nuôi, phát triển sản xuất.

- Người chăn nuôi sẽ được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật mới trong chăn nuôi, phòng và điều trị bệnh cho bò, chế biến dự trữ thức ăn để áp dụng phát triển chăn nuôi.

- Tập huấn cho cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã về nghiệp vụ chuyên môn kiểm tra, quản lý đàn bò trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

7.4. Giải pháp tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

- Khuyến khích, vận động người dân phát triển chăn nuôi bò thịt theo phương thức trang trại đảm bảo an toàn sinh học, cơ giới hóa nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

- Hình thành liên kết chăn nuôi giữa các hộ chăn nuôi, Hợp tác xã, Câu lạc bộ chăn nuôi nhằm liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng nhu cầu liên kết, sản phẩm chất lượng tốt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

7.5. Giải pháp về môi trường

- Tuyên truyền và hướng dẫn các hộ chăn nuôi xây dựng hệ thống xử lý chất thải có bể lắng để xử lý nước rửa chuồng và nước tiểu của bò, đảm bảo dung tích tối thiểu khoảng 01m3/con bò, chất thải khô (phân bò) được xử lý bằng men vi sinh vật sau đó làm phân bón cho cây trồng.

- Vận động các hộ chăn nuôi xây dựng, lắp đặt công trình xử lý chất thải, trang trị máy móc để triết ép phân sử dụng cho cây trồng, tận dụng các chất thải từ quá trình chăn nuôi để trồng cỏ nuôi bò, tận thu nguồn phân để bón cho cây trồng... từ đó hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế được nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Kiểm soát tốt được nguồn thải, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước mặt, nước ngầm.

8. HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH

8.1. Hiệu quả về mặt kinh tế

- Sau 05 năm triển khai chương trình dự kiến tạo ra 3.600 con bò lai F1 các giống bò cao sản có trọng lượng gấp 1,5 lần bò giống lai Zebu (lai Brahman và lai Sindhi) cùng tháng tuổi. Giai đoạn 2025-2030 từ nguồn vốn của người chăn nuôi tiếp tục duy trì lai tạo từ đàn cái nền F1 được tuyển chọn làm giống cho ra đời bê lai F2 có giá trị kinh tế cao (con lai F1 của cái nền Zebu Droghtmaster, Brahman, BBB...) có trọng lượng gấp 2 lần bò giống lai Zebu. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho người chăn nuôi, tăng tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh nói chung.

- Kết quả của Chương trình làm nền tảng cho xã hội hóa sự phát triển giống bò mới có năng suất và chất lượng cao phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

8.2. Hiệu quả về mặt xã hội, môi trường

- Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò, tạo nguồn con giống bò thịt chất lượng cao để cung ứng cho người chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt bò cho người dân trên địa bàn tỉnh.

- Tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần giảm nghèo ổn định an ninh, trật tự xã hội.

- Cung cấp nguyên liệu an toàn, chất lượng cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

- Nâng cao nhận thực của người dân về chuyển đổi từ chăn nuôi tận dụng sang các phương thức chăn nuôi bò thâm canh chất lượng cao.

- Phương thức chăn nuôi từ đơn lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng liên kết, an toàn sinh học, gắn với các giải pháp xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

9. Tổ chức thực hiện

9.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển giống bò lai hướng thịt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đề ra. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, dự toán chi tiết kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.

- Là cơ quan đầu mối, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả và những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình về UBND tỉnh.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả của Chương trình.

9.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi giống bò thịt, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh.

9.3. Sở Tài chính

Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị về nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình này, tham mưu UBND tỉnh tổng hợp vào dự toán ngân sách tỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua theo quy định.

9.4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Glong, Tuy Đức và các đơn vị có liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các thủ tục thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang chuyên canh trồng cỏ theo đúng quy định, nhằm đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho đàn bò.

- Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

9.5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tham mưu UBND tỉnh xét duyệt các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển chăn nuôi bò thịt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giống bò thịt trên địa bàn.

- Nghiên cứu chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn.

9.6. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thông tin thị trường sản phẩm chăn nuôi, con giống, giá thức ăn chăn nuôi góp phần phát triển chăn nuôi bền vững và điều tiết bình ổn thị trường.

- Thông qua các hội thi, hội chợ từng bước giới thiệu các giống bò thịt mới của tỉnh Đắk Nông.

9.7. Trung tâm Xúc tiến đầu tư

Tăng cường tuyên truyền, quảng bá các điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư tiếp cận các chính sách để đầu tư vào chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh.

9.8. UBND các huyện: Cư Jút, Krông Nô, Đắk Glong, Tuy Đức

- Phổ biến, công khai Chương trình đã được phê duyệt, kế hoạch phát triển chăn nuôi giống bò thịt tại địa phương, nhằm đảm bảo phát triển ổn định, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

- Rà soát, bổ sung kế hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn gắn với kế hoạch sử dụng đất trồng cỏ. Khuyến khích người dân chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò để tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

- Căn cứ vào Chương trình đã được phê duyệt xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tốt các nội dung, giải pháp nhằm đảm bảo tính hiệu quả của Chương trình tại địa phương.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã triển khai thực hiện tốt các nội dung, giải pháp để Chương trình đạt hiệu quả cao.

- Bố trí kinh phí lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.

- Định kỳ, hàng tháng, quý, năm báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

9.9. Doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi tham gia Chương trình

- Thực hiện thủ tục đầu tư dự án (nếu có) và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị, cá nhân theo đúng quy định; đảm bảo vệ sinh môi trường, chấp hành nghiêm các quy định quản lý về chăn nuôi của tỉnh và các quy định của pháp luật.

- Tích cự tham gia liên doanh, liên kết vào các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trong các hoạt động đầu tư phát triển chăn nuôi giống bò thịt, tận dụng, khai thác tối đa thế mạnh của doanh nghiệp, Hợp tác xã (thức ăn chăn nuôi, con giống, quy trình, kỹ thuật chăn nuôi ...) trong sản xuất kinh doanh, khai thác các nguồn lực sẵn có, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không hiệu quả.

- Chủ động đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi bò thịt; liên kết mở rộng quy mô, kết hợp với các đơn vị có quỹ đất, có nhân lực để phát triển hệ thống vệ tinh, gia công thông qua đầu tư hỗ trợ vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm tạo ra nguồn sản phẩm tốt có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường./.

 

PHỤ LỤC 1:

MỘT SỐ CHỈ TIÊU KỸ THUẬT CHĂN NUÔI BÒ ÁP DỤNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 288/QĐ-UBND ngày 01/3/2021 của UBND tỉnh Đắk Nông)

a) Chỉ tiêu kỹ thuật chăn nuôi bò:

Tuổi phối giống lần đầu trung bình: 32-36 tháng tuổi

Khoảng cách lứa đẻ trung bình: 14 tháng

Diện tích chuồng nuôi bò cái: 6 m2

Diện tích chuồng nuôi bê dưới 6 tháng tuổi: 2 m2

Tỷ lệ đẻ/số bò cái có khả năng sinh sản của đàn nền: 80%

Tỷ lệ nuôi sống Bê: 90%

Tỷ lệ chọn lọc để làm giống: 40%

Tỷ lệ đực/cái: 50%

Hệ số phối giống từ thụ tinh nhân tạo: 02 liều tinh/1bê

Nitơ: 02 lít/1liều tinh

01 lao động chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý: 15 con bò

b) Chỉ tiêu trồng cỏ:

Diện tích cỏ trồng: 0,07 ha cỏ trồng/bò

Hạt cỏ giống: 10 kg/ha

Phân chuồng: 20 tấn/ha

Phân Urê: 300 kg/ha

Phân Lân: 400 kg/ha

Phân Kali: 150 kg/ha.

(Lưu ý: Lượng phân tại điểm b dùng cho bón lót khi trồng mới năm đầu)

 

PHỤ LỤC 2:

BẢNG CHU CHUYỂN PHÁT TRIỂN ĐÀN BÒ LAI HƯỚNG THỊT DỰ KIẾN GIAI ĐOẠN 2020-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 288/QĐ-UBND ngày 01/3/2021 của UBND tỉnh Đắk Nông)

(Đơn vị tính: con)

STT

Đơn vị (cấp huyện)

Cơ cấu đàn

Chu chuyển phát triển đàn bò theo từng năm

Đàn bò cái sinh sản tham gia Chương tình

Tổng đàn bò/bê lai F1

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Krông Nô

Đàn bò cái sinh sản tham gia Chương trình

400

400

400

400

400

400

 

Đàn bê lai F1

Bình tuyển

GTNT

320

320

320

 

960

2

Cư Jút

Đàn bò cái sinh sản tham gia Chương trình

500

500

500

500

500

500

 

Đàn bê lai F1

Bình tuyển

GTNT

400

400

400

 

1.200

3

Tuy Đức

Đàn bò cái sinh sản tham gia Chương trình

300

300

300

300

300

300

 

Đàn bê lai F1

Bình tuyển

GTNT

240

240

240

 

720

4

Đắk Glong

Đàn bò cái sinh sản tham gia Chương trình

300

300

300

300

300

300

 

Đàn bê lai F1

Bình tuyển

GTNT

240

240

240

 

720

Tổng cộng (đàn bò/bê lai F1):

 

 

1.200

1.200

1.200

1.500

3.600

 

PHỤ LỤC 3:

SƠ ĐỒ LAI TẠO BÒ LAI F1 CÁC GIỐNG BÒ HƯỚNG THỊT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 288/QĐ-UBND ngày 01/3/2021 của UBND tỉnh Đắk Nông)

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 288/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình phát triển giống bò lai hướng thịt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 288/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/03/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Lê Trọng Yên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản