Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 287/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP) CỦA BỘ NỘI VỤ

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Thứ trưởng;
- Bộ Công Thương (Vụ CSTMĐB);
- Lưu: VT, HTQT.

BỘ TRƯỞNG




Lê Vĩnh Tân

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (CPTPP) CỦA BỘ NỘI VỤ
(Kèm theo Quyết định số 287/QĐ-BNV ngày 04 tháng 4 năm 2019 của Bộ Nội vụ)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Cơ sở pháp lý

- Việt Nam cùng 10 nước bao gồm Ốt-xtrây-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xia, Mê-hi-cô, Nhật Bản, Niu Di-lân, Pê-ru và Xinh-ga-po đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chi-lê vào ngày 8 tháng 3 năm 2018. Theo quy định, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ khi có 6 nước thành viên hoàn tất thủ tục phê chuẩn và thông báo cho nước lưu chiểu là Niu Di-lân.

- Ngày 30 tháng 12 năm 2018, Hiệp định đã chính thức có hiệu lực đối với 6 nước thành viên gồm Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ốt-xtrây-lia sau khi các nước này hoàn tất thủ tục phê chuẩn và thông báo cho Niu Di-lân.

- Đối với Việt Nam, ngày 12 tháng 11 năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 72/2018/QH14 về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan. Ngày 15 tháng 11 năm 2018, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi văn bản thông báo cho Niu Di-lân về việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Căn cứ theo điều khoản có hiệu lực của Hiệp định, ngày 14 tháng 01 năm 2019 là ngày Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.

- Ngày 24 tháng 01 năm 2019, tại Quyết định số 121/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch.

2. Sự cần thiết

- Hiệp định CPTPP thể hiện mức độ cam kết sâu rộng hơn của Việt Nam vào các thể chế thương mại quốc tế. Hiệp định này dự kiến sẽ đem lại nhiều cơ hội to lớn nhưng cũng đi kèm những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam đòi hỏi tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải có sự quan tâm và chuẩn bị các giải pháp về cơ chế, chính sách để đáp ứng yêu cầu hội nhập, chủ động trong việc tận dụng các cơ hội cũng như hạn chế các thách thức đối với những lĩnh vực phụ trách.

- Nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về Hiệp định CPTPP rất lớn, đặc biệt sau khi Hiệp định được Quốc hội Việt Nam thông qua. Vì vậy, các cơ quan của Chính phủ cần có hình thức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu chính thức về Hiệp định CPTPP. Đồng thời cũng cần phải chuẩn bị tham gia phối hợp xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách có liên quan để triển khai CPTPP một cách đồng bộ.

II. MỤC TIÊU

1. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ nắm được thông tin về Hiệp định CPTPP, triển vọng và cơ hội của Việt Nam khi tham gia CPTPP.

2. Triển khai cam kết của Hiệp định CPTPP và cách thức thực thi cam kết Hiệp định trong lĩnh vực phụ trách của Bộ Nội vụ một cách hợp lý và hiệu quả thông qua kế hoạch thực hiện rõ ràng, hiệu quả, nhất quán và có tính kết nối với các cơ quan, tổ chức liên quan.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào việc giới thiệu các thông tin về Hiệp định CPTPP và các chương cụ thể của Hiệp định (tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho công chức Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ về CPTPP).

2. Từng bước tập hợp và lồng ghép các nội dung liên quan đến CPTPP vào chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

3. Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có tính đến các yêu cầu của Việt Nam khi gia nhập CPTPP.

4. Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trên trang mạng điện tử của Bộ Nội vụ.

5. Đẩy mạnh chia sẻ thông tin về tình hình và tiến độ triển khai CPTPP giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành, địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch hành động này có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực hiện; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng tiến độ và kết quả thực hiện (qua Vụ Hợp tác quốc tế) theo Kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện.

2. Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì

a) Theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch hành động này, định kỳ báo cáo và đề xuất với Bộ trưởng các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm Kế hoạch hành động được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; Tổ chức đánh giá Kế hoạch hành động này khi kết thúc Đề án;

b) Phối hợp với Trung tâm Thông tin, Tạp chí Tổ chức Nhà nước tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về CPTPP.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ cụ thể, đề nghị các đơn vị chủ động kiến nghị Vụ Hợp tác quốc tế tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH CHI TIẾT VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
(Kèm theo Quyết định số 287/QĐ-BNV ngày 04 tháng 4 năm 2019 của Bộ Nội vụ)

TT

Nội dung hoạt động

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Nguồn kinh phí

1

Xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào việc giới thiệu các thông tin chung về Hiệp định CPTPP và các nội dung cụ thể của Hiệp định (tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo quốc tế, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức) cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ:

Vụ Hợp tác quốc tế

Các đơn vị trực thuộc

 

 

- Hội thảo quốc tế giới thiệu và thảo luận về CPTPP

Vụ Hợp tác quốc tế

Văn phòng Bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính

2019; 2020

Ngân sách Nhà nước

- Tọa đàm, hội thảo quốc tế về năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng hóa và dịch vụ;

- Tọa đàm, hội thảo quốc tế và khóa bồi dưỡng về xây dựng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về lao động; hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp, các thiết chế hòa giải, trọng tài lao động.

Học viện Hành chính quốc gia

Vụ Hợp tác quốc tế

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

- Hội thảo, tọa đàm, khóa tập huấn về xây dựng năng lực cho các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của Hiệp định CPTPP

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Vụ Hợp tác quốc tế

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

2

Từng bước tập hợp và lồng ghép các nội dung liên quan đến CPTPP vào chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Vụ Hợp tác quốc tế

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

3

Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có tính đến các yêu cầu của Việt Nam khi gia nhập CPTPP

 

 

 

 

- Hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương;

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương.

Vụ Tổ chức- Biên chế

 

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

- Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Vụ Công chức - Viên chức

 

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

- Tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg;

- Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, triển khai quy định về tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; đổi mới phương pháp xác định chỉ số cải cách hành chính theo hướng tinh giản và thực chất hơn;

- Ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định của pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đơn giản hóa thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Vụ Cải cách hành chính

 

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

- Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức chính phủ;

- Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

- Tiếp tục triển khai nội dung Đề án tổng thể sắp xếp thôn, tổ dân phố theo hướng ổn định và phát triển.

Vụ Chính quyền địa phương

 

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

- Xây dựng Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 09/11/2018 của Quốc hội khóa XIV về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Xây dựng các Thông tư hướng dẫn Nghị định;

- Tổ chức thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Vụ Tiền lương

 

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

- Tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung của dự án Luật về Hội;

- Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động và quản lý Hội;

- Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Vụ Tổ chức phi chính phủ

 

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

- Phối hợp sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng và một số văn bản hướng dẫn thi hành.

Thanh tra Bộ

Thanh tra Chính phủ

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, triển khai tuyên truyền phổ biến pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; đẩy mạnh công tác đối ngoại tôn giáo và tuyên truyền đối ngoại, đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam.

Ban Tôn giáo Chính phủ

 

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

- Tham gia phối hợp xây dựng pháp luật, thể chế, các chính sách có liên quan thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ như: thành lập, chỉ định cơ quan đầu mối tham gia Hội đồng, các Ủy ban chuyên môn, các nhóm công tác của Hiệp định; Tổ chức bộ máy của cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý việc thành lập và hoạt động của các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp...

Vụ Kế hoạch - Tài chính

 

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

- Tiếp tục xây dựng Dự án Luật Thanh niên sửa đổi, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong

- Xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên phù hợp với thực tiễn.

Vụ Công tác thanh niên

 

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

4

Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trên trang mạng điện tử, Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ.

Trung tâm thông tin Tạp chí Tổ chức Nhà nước

Vụ Hợp tác quốc tế

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

Ngân sách Nhà nước

5

Đẩy mạnh chia sẻ thông tin về tình hình và tiến độ triển khai CPTPP giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành, địa phương;

Vụ Hợp tác quốc tế

 

2019 - 2025, tầm nhìn đến 2035, quá trình thực thi Hiệp định

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 287/QĐ-BNV năm 2019 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Bộ Nội vụ

  • Số hiệu: 287/QĐ-BNV
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/04/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Vĩnh Tân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản