Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 285-TCHQ/QĐ

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ XÁC ĐỊNH GIÁ TÍNH THUẾ HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Pháp lệnh hải quan ngày 20-2-1990;
Căn cứ Điều 7 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được Quốc hội công bố ngày 4-1-1992;
Căn cứ Điều 7 Nghị định số 54/CP ngày 28-8-1993 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Căn cứ Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện áp dụng giá tính thuế nhập khẩu;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xác định giá tính thuế hàng hoá xuất nhập khẩu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 1997.

Điều 3. Quyết đinh này thay thế Quyết định 192/TCHQ/KTTT ngày 15-5-1995 của Tổng cục Hải quan; Công văn hướng dẫn số 3670/TCHQ-KTTT ngày 14-11-1996 của Tổng cục Hải quan và những quy định trước đây của Tổng cục Hải quan trái với Quyết định này.

Điều 4. Các ông Cục trưởng Cục Kiểm tra thu thuế XNK, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan tổng cục, cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Văn Cầm

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

XÁC ĐỊNH GIÁ TÍNH THUẾ HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 285 TCHQ-QĐ ngày 20 tháng 11 năm 1997 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

A. ÁP GIÁ TÍNH THUẾ:

Về nguyên tắc việc áp giá tính thuế phải được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện và tuân thủ triệt để các quy định về quản lý giá tính thuế, tránh gây ách tắc trong việc giải phóng hàng.

Cụ thể việc áp giá tính thuế đối với từng trường hợp như sau:

I. ĐỐI VỚI HÀNG NHẬP KHẨU:

1. Tại nơi làm thủ tục hải quan, cán bộ tính thuế phải kiểm tra hồ sơ chứng từ đầy đủ của lô hàng, đặc biệt kiểm tra tính hợp lệ của hợp đồng, hoá đơn và các chứng từ thanh toán theo quy định. Có đầy đủ các bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu đã được quy định (các bảng giá của Bộ Tài chính ban hành và bảng giá do Tổng cục Hải quan thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính ban hành) và phải công khai hoá các bảng giá đó tại nơi làm thủ tục.

2. Căn cứ vào kết quả kiểm hoá hàng nhập khẩu thực tế và các tài liệu có liên quan, cán bộ tính thuế kiểm tra lại theo các nội dung: Tên hàng chi tiết, ký mã hiệu, chất lượng, xuất xứ, quy cách, số lượng, trọng lượng, đơn giá ghi trên hợp đồng... sau đó căn cứ vào các bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu hiện hành tại thời điểm nhập khẩu để xác định giá tính thuế, cụ thể:

a. Đối với những mặt hàng nhập khẩu thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế theo quy định tại Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì:

- Nếu có giá ghi trên hợp đồng phù hợp với các chứng từ hợp lệ có liên quan đến việc mua bán hàng và bằng hoặc cao hơn giá mua tối thiểu quy định tại các bảng giá hiện hành thì giá tính thuế hàng nhập khẩu là giá ghi trên hợp đồng mua bán ngoại thương (giá CiF).

- Nếu có giá ghi trên hợp đồng ngoại thương thấp hơn so với bảng giá tối thiểu quy định hoặc nhập khẩu theo phương thức khác không phải là mua bán thì giá tính thuế nhập khẩu áp dụng theo mức giá tối thiểu quy định tại bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu hiện hành.

b. Đối với những mặt hàng nhập khẩu không thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế:

- Nếu có đủ điều kiện như quy định tại điểm I mục C Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện áp dụng giá tính thuế nhập khẩu thì được áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương (giá CiF).

- Nếu không đủ điều kiện xác định giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương như quy định tại điểm I mục C Thông tư số 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện áp dụng giá tính thuế nhập khẩu hoặc nhập khẩu theo phương thức khác, không phải là mua bán, không thanh toán qua ngân hàng thì áp theo bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu hiện hành.

c. Trường hợp các mặt hàng phải áp giá tính thuế theo bảng giá tối thiểu (mặt hàng Nhà nước quản lý giá hoặc mặt hàng không đủ điều kiện áp giá theo hợp đồng) nhưng chưa có giá tại bảng giá tối thiểu của Bộ Tài chính hoặc Tổng cục Hải quan ban hành thì cán bộ tính thuế tại nơi làm thủ tục hải quan tiến hành tính thuế theo giá tự kê khai của doanh nghiệp (giá CiF) đối với mặt hàng mới phát sinh, đồng thời lập báo cáo giá theo mẫu 2 để báo cáo phòng giá hoặc phòng KTTT của Cục Hải quan địa phương, sau đó Cục Hải quan địa phương phải tập hợp và lập báo cáo giá theo mẫu 2 có đề xuất giá tính thuế (như quy định tại điểm II mục B của văn bản này) gửi Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan xem xét và chỉ đạo áp dụng.

d. Đối với doanh nghiệp, đơn vị được quyền tự kê khai giá tính thuế nhập khẩu phải cam đoan và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bảo đảm tính trung thực, chính xác của giá kê khai; trường hợp nếu phát hiện có hành vi man khai sẽ bị truy thu đủ thuế nhập khẩu và tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2 đến 5 lần số thuế gian lận.

g. Trường hợp các mặt hàng nhập khẩu có hợp đồng mua bán ngoại thương hợp pháp, hợp lệ đủ điều kiện tính theo giá ghi trên hợp đồng như quy định tại Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính nhưng giá mua bán ghi trên hợp đồng ngoại thương (giá CiF) là quá thấp, quá bất hợp lý thì Cục Hải quan địa phương báo cáo xin ý kiến Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính để có ý kiến chỉ đạo cụ thể từng trường hợp.

3. Khi áp giá tính thuế phải ghi rõ là "giá tính thuế theo hợp đồng" hay áp theo bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu hiện hành và phải ghi rõ là áp giá theo bảng giá nào (ghi trên mục giá của tờ khai hải quan).

4. Những trường hợp áp giá theo hợp đồng thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải thống kê ghi rõ tên hàng chi tiết, tên công ty nhập hàng, số tờ khai, giá FOB hay giá CiF, số hợp đồng, đánh giá các trường hợp áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương và định kỳ 10 ngày 1 lần báo cáo về Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính (theo mẫu 1) để xem xét và chỉ đạo việc xác định giá tính thuế. (Lập báo cáo riêng các trường hợp nhập khẩu nêu tại mục II Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính).

5. Giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu đã qua sử dụng được phép nhập khẩu bằng 70% (bảy mươi phần trăm) giá hàng mới cùng chủng loại. Những mặt hàng trên thực tế không có giá hàng mới cùng chủng loại thì căn cứ theo loại hàng mới tương đương để tính.

II. ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP CÁC MẶT HÀNG THUỘC DANH MỤC NHÓM MẶT HÀNG NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ GIÁ TÍNH THUẾ DO CÁC ĐỐI TƯỢNG QUY ĐỊNH TẠI ĐIỂM A THÔNG TƯ 82/1997/TT/BTC NGÀY 11 THÁNG 11 NĂM 1997 CỦA  BỘ TÀI CHÍNH NHẬP KHẨU LÀM NGUYÊN LIỆU VẬT TƯ TRỰC TIẾP ĐƯA VÀO SẢN XUẤT, LẮP RÁP:

1. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ nội dung các quy định áp dụng đối với loại hình nhập khẩu này tại Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính và bộ hồ sơ đăng ký làm thủ tục nhập khẩu lô hàng, Cục Hải quan địa phương kiểm tra nếu đủ các điều kiện theo quy định tại điểm II mục C của Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính thì áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương (giá CiF) và có ý kiến phê duyệt vào tờ khai hải quan: đồng ý cho áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương.

Khi thực hiện điểm này, Cục Hải quan địa phương cần lưu ý:

a. Về việc xác nhận dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm như sau:

- Đối với đơn vị sản xuất trong nước phải có bản xác nhận của Bộ Chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc: Đơn vị có dây chuyền công nghệ sản xuất, lắp ráp, có đủ năng lực để sản xuất sản phẩm theo quy định. Sử dụng nguyên vật liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất sản phẩm.

- Đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư phải có bản xác nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc phải có dây chuyền công nghệ sản xuất, lắp ráp, thiết bị hoàn chỉnh và phải đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật, chức năng sản xuất kinh doanh phù hợp với giấy phép đầu tư để sản xuất sản phẩm, sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đó.

b. Phải có bản xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc đơn vị, doanh nghiệp nhập khẩu và uỷ thác nhập khẩu thực hiện đúng chế độ sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ.

3. Nếu lô hàng không đủ điều kiện áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng theo quy định tại điểm II của Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính thì Cục Hải quan địa phương căn cứ các nguyên tắc quản lý giá tính thuế để áp giá tính thuế theo bảng giá tối thiểu hiện hành.

4. Các trường hợp cung cấp vật tư nguyên liệu nhập khẩu giữa các doanh nghiệp trong nước có hạch toán kinh tế độc lập (kể cả đơn vị trong cùng một Tổng công ty hoặc Liên hợp...) với nhau không được coi là "trực tiếp đưa vào sản xuất".

5. Đối với phần nguyên liệu, vật tư nhập khẩu thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế đã được tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng (giá CiF) thấp hơn giá tính thuế tối thiểu quy định, nếu không đưa vào sản xuất trực tiếp mà bán chuyển nhượng lại cho các doanh nghiệp hoặc đơn vị, tổ chức khác thì sau 2 ngày chuyển nhượng, mua bán, đơn vị, doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng và cơ quan thuế địa phương quản lý doanh nghiệp được biết. Cục Hải quan địa phương trên cơ sở khai báo của đơn vị nhập khẩu và xác nhận của cục thuế địa phương tiến hành tính lại thuế phần nguyên liệu chuyển nhượng theo quy định về giá tính thuế tại thời điểm chuyển nhượng và ra thông báo thuế bổ sung.

6. Để quản lý các tờ khai hải quan đăng ký nhập khẩu theo loại hình này, phòng KTTT của các Cục Hải quan địa phương phải lập sổ theo dõi đầy đủ các chỉ tiêu sau:

+ Tên đơn vị nhập khẩu

+ Số hợp đồng nhập khẩu

+ Số đăng ký tờ khai hải quan

+ Ngày mở tờ khai hải quan

+ Số lượng hàng nhập khẩu

+ Số lượng hàng đã đưa vào sản xuất

+ Số lượng hàng còn lại (chưa đem vào sản xuất)

+ Số lượng hàng chuyển nhượng (không trực tiếp đưa vào sản xuất)

và cứ 3 tháng một lần, Cục Hải quan địa phương yêu cầu đơn vị nhập khẩu làm việc trực tiếp với Cục Hải quan địa phương để tính toán cụ thể lượng hàng hoá nhập khẩu theo hình thức này nhưng chưa đưa vào sản xuất hoặc không trực tiếp đưa vào sản xuất.

III. ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU CỦA CÁC XÍ NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ NGUYÊN VẬT LIỆU  NHẬP KHẨU ĐỂ SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU:

1. Đối với hàng nhập khẩu của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được miễn thuế theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:

a. Đối với hàng nhập khẩu không được miễn thuế theo quy định, thì việc xác định giá tính thuế để tính thuế phải thực hiện theo các quy định hiện hành hướng dẫn về việc xác định giá tính thuế như quy định tại điểm I, II mục A văn bản này.

b. Đối với những mặt hàng là nguyên liệu, bộ phận rời, phụ tùng và vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu mà khi nhập khẩu phải nộp thuế nhập khẩu, khi xuất khẩu được hoàn thuế tương ứng với số nguyên vật liệu cấu thành thành phẩm xuất khẩu thì tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương. Phần nguyên liệu còn lại, nếu không sản xuất thành thành phẩm xuất khẩu và được phép nhập khẩu phải nộp thuế thì phải xác định lại giá tính thuế theo các quy định hướng dẫn về việc áp giá tính thuế tại văn bản này.

c. Để tránh việc lợi dụng của chủ hàng hạ giá thấp để tiêu thụ nội địa hoặc nâng giá cao để nâng giá trị vốn góp, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải theo dõi những trường hợp cụ thể, tập hợp và báo cáo về Tổng cục Hải quan những trường hợp này để có biện pháp xử lý nhưng không làm ảnh hưởng đến việc giải phóng hàng.

2. Đối với hàng nhập khẩu thuộc loại hình là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu (của các loại hình không phải là góp vốn đầu tư): khi xuất khẩu thành phẩm được hoàn thuế tương ứng với tỷ lệ thành phẩm thì việc xác định giá tính thuế cũng được thực hiện như trường hợp điểm 1 (b) nêu tại mục này.

3. Đối với hàng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để gia công cho nước ngoài:

- Thực hiện theo Công văn số 663/TCHQ-KTTT ngày 28-2-1997 của Tổng cục Hải quan: không phải tính thuế trong tờ khai hải quan, chỉ kiểm tra hàng và nhanh chóng giải phóng hàng.

- Trường hợp nguyên vật liệu gia công còn dư thừa hoặc nhập khẩu nguyên, vật liệu để gia công cho nước ngoài, nhưng không xuất khẩu sản phẩm nếu được phép nhập khẩu phải tính thuế theo quy định thì phải xác định giá tính thuế theo các quy định hướng dẫn về việc áp giá tính thuế tại văn bản này và thời điểm để xác định giá tính thuế là thời điểm mà lý do miễn thuế thay đổi.

IV. ĐỐI VỚI HÀNG XUẤT KHẨU:

Nếu có hợp đồng mua bán ngoại thương hợp pháp hợp lệ như quy định tại điểm I mục C của Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính và có giá ghi trên hợp đồng phù hợp với các chứng từ hợp lệ có liên quan thì được áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương (giá FOB không bao gồm phí vận tải (F) và phí bảo hiểm (I).

B. XÂY DỰNG GIÁ:

I. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẢI XÂY DỰNG GIÁ TÍNH THUẾ:

- Các mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế nhưng là loại hàng mới phát sinh chưa được quy định giá tính thuế tại bảng giá ban hành kèm theo Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

- Mặt hàng không thuộc diện Nhà nước quản lý giá tính thuế, không đủ điều kiện áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng như quy định tại Điều 2 Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc hàng hoá nhập khẩu theo phương thức khác không phải là mua bán nhưng chưa được quy định giá tại bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu do Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Tài chính ban hành.

II. QUY TRÌNH XÂY DỰNG GIÁ

- Cán bộ tính thuế tại nơi làm thủ tục hải quan khi tiến hành tính thuế theo giá tự khai của doanh nghiệp (giá CIF) đối với lô hàng có mặt hàng mới phát sinh (là các mặt hàng chưa được quy định giá tối thiểu tại các bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu hiện hành) thì đồng thời lập báo cáo giá theo mẫu 2 và báo cáo về phòng KTTT hoặc phòng Giá của Cục Hải quan địa phương ngay trong ngày tính thuế.

- Phòng KTTT hoặc phòng giá phải tập hợp và lập bảng báo cáo giá (theo mẫu 2) có đề xuất giá tính thuế báo cáo Lãnh đạo Cục Hải quan địa phương và trong vòng 2 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai của lô hàng nhập khẩu có mặt hàng mới phát sinh phải Fax báo cáo về Tổng cục Hải quan, đồng thời phải gửi theo đường công văn về Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố không được ra quyết định xây dựng giá tính thuế.

Trong bảng báo cáo giá - mẫu 2 yêu cầu phải ghi rõ vào các cột, mục, mục ghi chú, phải ghi rõ đề xuất giá dựa vào yếu tố điều tra nào, hàng có lưu mẫu hay không. Cục Hải quan địa phương phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về mức giá đề xuất và cơ sở đề xuất đưa ra.

- Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được bảng báo cáo giá của Cục Hải quan địa phương, Tổng cục Hải quan có ý kiến chỉ đạo mức giá cụ thể để áp dụng thống nhất ở tất cả các Cục Hải quan địa phương. Tổng cục Hải quan thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính để tập hợp ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung bảng giá tối thiểu.

- Trường hợp Cục Hải quan địa phương phát hiện thấy giá quy định trong các bảng giá tối thiểu có những điểm bất hợp lý thì Cục Hải quan kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính để điều chỉnh kịp thời.

C. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

- Khi đơn vị nhập khẩu có đơn khiếu nại về việc áp giá, xây dựng giá cao, bất hợp lý so với giá CiF trung bình thực tế tại cửa khẩu, Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục hải quan xem xét đơn trình bày:

+ Nếu giá bất hợp lý do cán bộ tính thuế áp sai giá trong bảng giá tối thiểu thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra lại và có công văn trả lời cho đơn vị và đồng thời điều chỉnh áp đúng bảng giá.

+ Nếu khiếu nại giá tính thuế cao bất hợp lý nhưng giá này đã có trong các bảng giá tối thiểu, thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ khiếu nại về Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để xem xét trả lời. - Khi Tổng cục Hải quan có ý kiến trả lời bằng văn bản gửi đơn vị nhập khẩu và đồng gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục, thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu nội dung công văn tiến hành giải quyết nhanh chóng thuận tiện theo đúng tinh thần công văn chỉ đạo. Trường hợp trả lời của Tổng cục Hải quan chưa rõ thì phải báo cáo ngay về Tổng cục Hải quan. Trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được công văn trả lời giải quyết khiếu nại của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải giải quyết xong việc khiếu nại của chủ hàng. - Trong trường hợp đơn vị nhập khẩu vẫn chưa thoả mãn với cách giải quyết của Tổng cục Hải quan thì có thể khiếu nại đến Bộ Tài chính, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính là ý kiến cuối cùng.

C. XỬ LÝ VI PHẠM

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu nếu bị phát hiện có sự vi phạm các quy định tại Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện áp dụng giá tính thuế nhập khẩu thì ngoài việc truy thu đủ thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành và theo các quy định tại Nghị định số 22/CP ngày 17-4-1996 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, Thông tư số 45 TC/TCT ngày 1-8-1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 22/CP nêu trên.

Trường hợp tái vi phạm (từ lần thứ hai trở lên) thì Cục Hải quan địa phương không cho phép đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện theo chế độ quy định tại Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Tổng cục Hải quan để nghiên cứu xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp.