Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 285/2004/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 28 tháng 5 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHÁM CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo;

Căn cứ Thông tư số 14/2002/TTLT/BYT của Liên Bộ Y tế - Tài chính ngày 16/12/2002 hướng dẫn về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định 139/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Ban Quản lý Quỹ khám chữa bệnh người nghèo tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh Lào Cai theo Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Sở Tài chính; Thành viên Ban Quản lý quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này thay thế Quyết định 159/QĐ-UB ngày 23/4/2003 của UBND tỉnh Lào Cai và có hiệu lực từ ngày 01/6/2004.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
CHỦ TỊCH




Bùi Quang Vinh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC KHÁM CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Quyết định số 285/2004/QĐ-UB ngày 31/5/2004 của UBND tỉnh Lào Cai)

Căn cứ Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo;

Căn cứ Thông tư số 14/2002/TTLT/BYT của Liên Bộ Y tế - Tài chính ngày 16/12/2002 hướng dẫn thực hiện Quyết định 139/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo;

Để việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh người nghèo có hiệu quả, sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về quản lý và sử dụng quỹ khám chữa bệnh người nghèo tỉnh Lào Cai kể từ ngày 01/6/2004 như sau:

I. Đối tượng được hưởng chế độ khám chữa bệnh miễn phí:

1. Người nghèo trong toàn tỉnh tính theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 01/11/2000 của Bộ Lao động - TBXH.

2. Nhân dân các dân tộc đang sinh sống ở xã 135.

3. Người già cô đơn, người tần tại, trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, người bị nhiễm chất độc màu da cam, người mù do đục thủy tinh thể hiện đang cư trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

4. Những hộ thoát nghèo năm 2003 tiếp tục được hưởng chế độ khám chữa bệnh người nghèo đến hết năm 2005.

II. Tổ chức khám chữa bệnh:

- Các cơ Sở Y tế Nhà nước có trách nhiệm khám, chữa bệnh cho người nghèo gồm: Các Trạm Y tế; Phòng khám Đa khoa khu vực; Bệnh viện huyện, thị xã; Bệnh viện Y học cổ truyền; Bệnh viện tỉnh; các Bệnh viện Trung ương. Bệnh nhân phải khám chữa bệnh đúng tuyến, trường hợp cấp cứu bệnh nhân có thể vào bất cứ cơ sở chữa bệnh nào của Nhà nước đều được thanh toán.

- Trường hợp bệnh nhẹ, thông thường: Điều trị ở Trạm Y tế, Bệnh quá khả năng điều trị của trạm Y tế thì gửi Phòng khám Đa khoa khu vực hoặc Bệnh viện huyện, thị xã (chỉ chuyển thẳng Bệnh viện tỉnh khi đã tiên lượng quá khả năng của Bệnh viên huyện, thị xã).

- Bệnh viện huyện, thị xã phải hội chẩn tập thể mới quyết định chuyển Bệnh viện tỉnh (trừ trường hợp cấp cứu đặc biệt, vượt khả năng tuyến huyện).

- Bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện tỉnh, nếu vượt khả năng điều trị tuyến tỉnh, muốn chuyển Bệnh viện Trung ương phải có hội chẩn tập thể quyết định.

- Một số thôn bản giáp gianh giữa các xã, các khu vực, các huyện, bệnh nhân đến Phòng khám Đa khoa khu vực gần hơn đến trạm Y tế và đến Bệnh viện tỉnh gần hơn đến Bệnh viện huyện thì được khám tại cơ sở gần nhất (giao cho Sở Y tế quy định cụ thể).

- Bệnh nhân đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến không đúng quy định, hoặc chữa bệnh theo yêu cầu riêng thì phải tự trả chi phí cho khám, chữa bệnh. Trường hợp cấp cứu thì vào bất cứ cơ sở y tế nào sẽ được quỹ thanh toán.

III. Thủ tục và mức kê đơn khám chữa bệnh miễn phí:

1. Người được hưởng chế độ khám chữa bệnh phải đúng đối tượng quy định, có thẻ khám chữa bệnh miễn phí do ngành Y tế cấp thống nhất trong toàn tỉnh, thẻ được cấp ở trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

2. Bệnh nhân chuyển lên tuyến trên phải có giấy chuyển viện hoặc giấy giới thiệu: Trạm Y tế xã, phường, thị trấn giới thiệu đến Trung tâm Y tế huyện, thị xã; Trung tâm Y tế huyện, thị xã giới thiệu đến Bệnh viện tỉnh; Bệnh viện tỉnh giới thiệu đến Bệnh viện Trung ương. Giấy giới thiệu phải đúng mẫu của ngành Y tế quy định.

3. Thẻ khám chữa bệnh phải ghi đúng họ, tên, tuổi, địa chỉ (theo chứng minh nhân dân). Không được tẩy xóa, không cho mượn, trường hợp cho mượn thẻ khám chữa bệnh nếu phát hiện sẽ phải bồi thường chi phí khám chữa bệnh và thu hồi thẻ.

4. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân phải trình thẻ khám chữa bệnh với nhân viên Y tế nơi đến khám chữa bệnh để theo dõi thanh toán. Khi hoàn thành việc khám bệnh hoặc đợi điều trị, cơ sở khám chữa bệnh ghi đầy đủ các thông tin cần thiết vào sổ khám chữa bệnh, trả lại thẻ cho bệnh nhân và giữ lại giấy giới thiệu hoặc giấy chuyển viện để làm căn cứ thanh toán (lưu vào hồ sơ bệnh án khi điều trị nội trú, ngoại trú, lưu riêng khi chỉ cấp đơn).

5. Các thầy thuốc có trách nhiệm khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc hoặc điều trị cho bệnh nhân; cấp giấy giới thiệu chuyển viện nếu cần. Trường hợp cần thiết cho bệnh nhân xét nghiệm nhưng chỉ được chi trả theo giá quy định của Bộ Y tế.

6. Mức kê đơn, cấp bàng thuốc bình quân cho bệnh nhân điều trị ngoại trú mội người/một lần:

+ Tại trạm Y tế xã, phường, thị trấn không vượt quá 15.000đ (mười năm nghìn đồng).

+ Tại phòng khám Đa khoa khu vực không vượt quá 20.000đ (hai mươi nghìn đồng).         

+ Tại Bệnh viện huyện, thị xã và tương đương không vượt quá 30.000đ (ba mươi nghìn đồng ).

+ Tại Phòng khám bệnh các bệnh viện tuyến tỉnh không vượt quá 40.000đ (bốn mươi nghìn đồng).

Những đối tượng là bệnh nhân do các Bệnh viện huyện, thị xã và tương đương giới thiệu chuyển đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện tỉnh nhưng xét thấy chưa phải vào viện điều trị nội trú thì cấp đơn điều trị ngoại trú, mỗi đơn không quá 50.000đ (năm mươi nghìn đồng) cho 1 người/1 lần khám.

Về sử dụng thuốc điều trị ngoại trú hoặc điều trị nội trú tại Bệnh viện: Ưu tiên sử dụng thuốc trong nước sản xuất, chỉ sử dụng thuốc sản xuất của nước ngoài (thuốc ngoại nhập khẩu vào Việt Nam) khi các thuốc đó trong nước không sản xuất được hoặc khi cấp cứu không thể có thuốc trong nước sản xuất. Nếu thầy thuốc lạm dụng thuốc nước ngoài sản xuất, tùy từng trường hợp có thể không được thanh toán.

Trường hợp bệnh nhân tự yêu cầu sử dụng thuốc nước ngoài sản xuất thì bệnh nhân phải tự thanh toán chi phí.

IV- Thanh toán chi phí khám chữa bệnh:

1. Phương thức thanh toán: Thực thanh thực chi.

2. Định mức thanh toán:

+ Điều trị nội trú tại trạm Y tế xã, phường, thị trấn không quá 100.000đ (một trăm ngàn) đồng cho một bệnh nhân/1 lần điều trị

+ Điều trị nội trú tại Phòng khám Đa khoa khu vực không quá 100.000đ (một trăm nghìn) đồng cho 1 bệnh nhân/1 lần điều trị.

+ Các Bệnh viện tuyến huyện, thị xã không vượt quá 200.000đ (hai trăm nghìn) đồng cho 1 người/1 lần điều trị nội trú.

+ Các Bệnh viện tuyến tỉnh: Bệnh viện Đa khoa số 1, số 2, Y học cổ truyền, Bảo Thắng định mức chung không vượt quá 320.000 đ (ba trăm hai mươi nghìn) đồng cho 1 người/1 lần điều trị nội trú.

Các hạng mục được chi từ quỹ khám chữa bệnh người nghèo để sử dụng vào việc mua thuốc, hóa chất xét nghiệm, dịch truyền, máu, phim X.quang và một số vật tư tiêu hao phục vụ bệnh nhân (bông, băng các loại, cồn và thuốc sát trùng, khử trùng, các dung dịch rửa vết thương, gạc các loại, găng cao su, bơm kim tiêm, kim chỉ phẫu thuật, các loại ống dẫn lưu, túi nhựa đựng chất thải dẫn lưu, các loại dây truyền dịch, kim truyền dịch, bột bó gãy xương, túi chườm một lần, các bộ đồ vô khuẩn dùng 1 lần cho phẫu thuật hoặc thay băng bệnh nhân)

- Không được trích bất kỳ tỷ lệ nào để thưởng CNVC.

- Không trích nộp bất kỳ khoản nào chi cho công tác quản lý.

- Không được trích thu khấu hao tài sản vật tư thiết bị.

- Không trích trả công dịch vụ Y tế.

- Những cá nhân, đơn vị nào chi sai chế độ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn.

3. Cách thức thanh toán:

- Tuyến xã: Để 15.000đ/người/năm tính theo danh sách đối tượng được khám chữa bệnh người nghèo dùng mua thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh người nghèo. Trạm Y tế dự trù thuốc, vại tư tiêu hao; Trung tâm Y tế huyện, thị xã duyệt mua và quyết toán hàng tháng, hàng quý với Trung tâm Y tế huyện, thị xã; Trung tâm Y tế huyện, thị xã tổng hợp báo cáo quyết toán với Ban Quản lý Quỹ của tỉnh theo quý và năm. Nếu tồn dư thuốc, vật tư thì trừ số dư tồn để cấp tiếp.

- Tuyến huyện, thị xã, tỉnh: Được cấp 70% mức sẽ cấp trong quý, hết quý phải báo cáo Ban Quản lý Quỹ để cấp tiếp quý sau. Nếu tồn dư thuốc, vật tư tiêu hao thì được trừ vào quý sau để cấp tiếp, 6 tháng quyết toán 1 lần, cuối năm báo cáo quyết toán năm. Quyết tóan năm khóa sổ vào ngày 31/12 hàng năm và báo cáo tổng quyết toán trong tháng 1 năm sau.

- Trường hợp thuốc, vật liệu tiêu hao tồn được trừ sang năm sau. Mọi thanh quyết toán tuyến huyện, tỉnh phải có phê duyệt của cơ quan tài chính và UBND đồng cấp.

- Thanh toán với Bệnh viện Trung ương: 6 tháng 1 lần do Ban Quản lý Quỹ thực hiện.

- Các đơn vị không báo cáo, không quyết toán đúng thời hạn sẽ không được cấp kinh phí quý tiếp theo.

- Ban Quản lý Quỹ quyết toán 6 tháng, 1 năm báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế và Bộ Tài chính,

- Giám sát: Giám sát theo cơ chế giám sát hiện hành của cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

- Chế độ kế toán: Báo cáo quyết toán theo quyết định 999/TC-QĐ/CĐKT ngày 21/2/1996 của Bộ Tài chính và các biểu mẫu đã ban hành.

V. Sử dụng Quỹ khám chữa bệnh người nghèo để trang bị một số cơ sở vật chất, thiết bị cho trạm Y tế xã, phường, thị trấn:

- Đơn vị được Ban Quản lý Quỹ giao cho in ấn các ấn phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh được thanh toán 80% giá trị thực tế.

- Mua một số trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác khám chữa bệnh người nghèo tại các trạm Y tế xã, phường, thị trấn gồm:Tủ đựng thuốc, ống nghe, máy đo huyết áp, bộ tiểu phẫu; sau khi quyết toán 9 tháng, nếu cân đối thấy nguồn còn dôi dư nhiều, Ban Quản lý Quỹ báo cáo UBND tỉnh để mua sắm thêm một số trang thiết bị khám chữa bệnh cho các cơ sở Y tế.

VI. Chế độ trách nhiệm: 

- Giao cho Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Lào Cai cung cấp thuốc, vật tư Y tế, in ấn các ấn phẩm và trang thiết bị cho các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn phục vụ công tác khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh.

- Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm: Quản lý chỉ đạo hoạt động khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách theo quy định: Duyệt thu, chi, duyệt miễn, giảm viện phí; phê duyệt thanh quyết toán, nếu làm sai phải bồi thường.

- Đối với các Y, Bác sĩ khám chữa bệnh, kê đơn phải đảm bảo đúng các quy định về thanh toán; người ký đơn, ký hồ sơ điều trị cố ý làm sai thì phải bồi thường.

- Ban quản lý quỹ có trách nhiệm:

+ Tổ chức triển khai quỹ khám chữa bệnh, điều hành quỹ.

+ Kiểm tra, giám sát cơ sở.

+ Tổng hợp thanh quyết toán quý, năm.

+ Bổ sung điều chỉnh các cơ chế quản lý, điều hành cho hợp lý, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành quỹ.

+ Báo cáo định kỳ và đột xuất với UBND tỉnh, các Bộ, Ngành liên quan.

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Ban Quản lý Quỹ khám chữa bệnh người nghèo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét và giải quyết.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 285/2004/QĐ-UB quy định khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 285/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/05/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Bùi Quang Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản