Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2842/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 28 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;

Căn cứ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1202/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

I. Sự cần thiết phải lập quy hoạch

Trong những năm qua, hệ thống xe buýt tỉnh Lâm Đồng đã có những bước phát triển nhất định về số lượng tuyến và phương tiện hoạt động, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Tuy nhiên, mạng lưới tuyến xe buýt hình thành và phát triển chưa hợp lý, chỉ mới tập trung vào một số tuyến và một số địa bàn do nhà đầu tư, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đề xuất và thực hiện; chưa phân bổ hợp lý theo định hướng của quản lý Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, thiếu các tuyến buýt hoạt động trong khu vực nội đô; công tác quản lý, điều hành còn chưa chặt chẽ; cơ sở vật chất tại các bến, trạm xe buýt chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng đón trả khách tùy tiện vẫn còn xảy ra; phương tiện cũ kỹ chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định; chất lượng phục vụ chưa tốt,...

Để đáp ứng nhu cầu đi lại, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong thời gian tới, việc quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt để kết nối các khu vực đô thị, ngoài đô thị, các điểm tập trung dân cư tại các địa phương là rất cần thiết, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và văn minh đô thị.

II. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch

1. Quan điểm quy hoạch:

a) Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tình hình thực tế của địa phương.

b) Phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, nâng cao khả năng, chất lượng phục vụ, giá thành hợp lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân; tạo môi trường giao thông văn minh và hiện đại, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phát triển dịch vụ, du lịch của địa phương.

c) Mạng lưới tuyến xe buýt phải kết nối các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh, các điểm tập trung dân cư, các khu công nghiệp trên các hành lang vận tải, tạo lập cơ cấu phương tiện đi lại hợp lý, khuyến khích nhân dân di chuyển bằng phương tiện vận tải công cộng.

2. Mục tiêu quy hoạch:

a) Kế thừa mạng lưới tuyến hiện tại và thiết lập hệ thống mạng lưới tuyến mới, các tuyến xe buýt phải kết nối được với nhau và kết nối với các phương thức vận tải khác, đảm bảo cho người dân dễ dàng tiếp cận sử dụng nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại trước mắt và lâu dài của nhân dân, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, kiềm chế và giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường và văn minh đô thị.

b) Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh khai thác vận tải khách bằng xe buýt; quản lý chặt chẽ hoạt động xe buýt theo quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại.

c) Tăng tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, trong đó: tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân phấn đấu đạt 7% đến năm 2020 và đạt từ 10% - 20% đến năm 20301.

d) Sử dụng chủng loại phương tiện, trọng tải theo đúng tiêu chuẩn, thân thiện với môi trường; từng bước tiếp cận với kỹ thuật mới để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và người khuyết tật.

III. Nội dung quy hoạch

1. Quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt giai đoạn 2016 - 2020:

a) Đối với các tuyến hiện hữu:

- Giữ nguyên lộ trình khai thác của 8 tuyến hiện hữu.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến hiện có để thu hút đông đảo người dân tham gia sử dụng xe buýt bằng các giải pháp như: tăng cường công tác quản lý và kiểm soát, đầu tư thay thế các phương tiện mới, đầu tư cơ sở hạ tầng trên tuyến, điều chỉnh lại tần suất chạy xe một số tuyến cho phù hợp với tình hình thực tế.

b) Đối với các tuyến mở mới: Từng bước mở rộng mạng lưới tuyến để tăng cường khả năng kết nối giữa thành phố Đà Lạt với các đô thị vệ tinh và khu vực lân cận cũng như giữa các đô thị vệ tinh với nhau:

- Các tuyến nội tỉnh: Mở thêm 16 tuyến kết nối giữa thành phố Đà Lạt với các đô thị vệ tinh, khu vực lân cận; giữa các đô thị vệ tinh với nhau và các khu vực tập trung dân cư. Nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt (có trợ giá) trên địa bàn thành phố Đà Lạt kết nối Khu ký túc xá tập trung (phường 7) với các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề và trường học để phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên và người dân trong khu vực.

- Các tuyến liên tỉnh liền kề: Phối hợp với tỉnh Đồng Nai kéo dài tuyến xe buýt Biên Hòa - Phương Lâm thêm khoảng 2 km đến thị trấn Ma Đa Guôi để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

* Đến năm 2020, toàn tỉnh có 25 tuyến xe buýt hoạt động, bao gồm: 02 tuyến nội thị, 22 tuyến nội tỉnh, 01 tuyến liên tỉnh liền kề; tổng chiều dài mạng lưới khoảng 1.105 km.

(Chi tiết tại Phụ lục 1 đính kèm).

2. Quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt giai đoạn 2020 - 2030:

a) Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến xe buýt đang hoạt động, tăng tần suất và điều chỉnh các tuyến theo sự phát triển đô thị, nhu cầu của nhân dân nhằm tăng khả năng thu hút hành khách, không ngừng hoàn thiện công tác tổ chức phục vụ trên các tuyến. Tập trung cải thiện và phát triển hạ tầng xe buýt theo mô hình tiên tiến (các điểm đầu, cuối, các điểm trung chuyển, nghiên cứu các làn đường dành riêng cho xe buýt, hệ thống nhà chờ và giao thông tiếp cận,...) đồng bộ với hệ thống điểm, bãi đỗ xe và hạ tầng giao thông tiếp cận tới khu vực dân cư nhằm tăng cường năng lực và cải thiện chất lượng dịch vụ, đảm bảo kết nối thuận tiện với các loại hình vận chuyển hành khách công cộng khối lượng lớn khác.

b) Đối với các tuyến hiện hữu: Điều chỉnh điểm cuối của lộ trình tuyến Đà Lạt - Phú Sơn, từ xã Phú Sơn về thị trấn Đinh Văn (bến xe Lâm Hà); Kéo dài tuyến Đà Lạt - Xuân Trường theo Quốc lộ 27 đến trung tâm huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).

c) Đối với các tuyến mở mới, kéo dài:

- Các tuyến nội tỉnh: Mở thêm 04 tuyến: Đạ Tẻh - Bảo Lâm; Đinh Văn - Bảo Lâm; Nam Ban - Đạ Đờn và Liên Nghĩa - Phú Hội - Đa Quyn.

- Các tuyến liên tỉnh liền kề: Mở mới thêm 04 tuyến: Đam Rông - Liên Sơn (Đăk Lắk); Đạ M’Ri (Đạ Huoai) - Võ Xu (Đức Linh, Bình Thuận); Liên Nghĩa - Ninh Loan - Bắc Bình (Bình Thuận); Phước Cát - Bù Đăng (Bình Phước).

* Đến năm 2030, toàn tỉnh có 33 tuyến buýt hoạt động, bao gồm: 02 tuyến nội thị, 25 tuyến nội tỉnh, 06 tuyến buýt liên tỉnh; tổng chiều dài mạng lưới khoảng 1.455 km.

(Chi tiết tại Phụ lục 2 đính kèm).

3. Nhu cầu phương tiện giao thông:

a) Sử dụng các loại xe buýt cỡ vừa (đến 40 chỗ) và xe buýt tiêu chuẩn (60 chỗ) đảm bảo phương tiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định. Khuyến khích sử dụng phương tiện nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Đảm bảo số lượng phương tiện tối thiểu phục vụ người tàn tật theo quy định.

b) Nhu cầu phương tiện đến năm 2020, gồm 207 xe (trong đó loại xe 40 chỗ là 175 xe và loại 60 chỗ là 32 xe), đến năm 2030 khoảng 586 xe (512 xe 40 chỗ và 45 xe 60 chỗ).

4. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ xe buýt:

a) Bến xe và điểm đỗ đầu cuối tuyến:

- Bến xe buýt trung tâm thành phố Đà Lạt: Sử dụng bến xe Mai Anh Đào (ngã ba đường Phù Đổng Thiên Vương và đường Thánh Mẫu, phường 8, thành phố Đà Lạt) làm bến xe buýt trung tâm thành phố Đà Lạt với diện tích khoảng 3.571m2.

- Bến xe buýt trung tâm thành phố Bảo Lộc: tại khu đất ký hiệu M16 trên đường Hà Giang, phường 1, thành phố Bảo Lộc với diện tích khoảng 6.000m2.

- Điểm đầu và điểm cuối tuyến:

+ Giai đoạn 2016 - 2020: Các điểm đầu và điểm cuối tuyến sẽ được bố trí kết hợp tại các bến xe khách trong thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và bến xe trung tâm các huyện.

(Chi tiết tại Phụ lục 3 đính kèm).

+ Giai đoạn 2020 - 2030: Ngoài các điểm đầu và điểm cuối tuyến đã được bố trí ở giai đoạn trước; bố trí thêm bãi đậu, đỗ xe buýt, điểm đầu và điểm cuối tuyến với diện tích khoảng 500m2 tại một số địa phương chưa có quy hoạch bến xe.

(Chi tiết tại Phụ lục 4 đính kèm).

b) Trạm dừng, nhà chờ:

- Khoảng cách giữa các trạm dừng, nhà chờ được bố trí một cách linh hoạt và dựa trên nhu cầu thực tế, địa hình, cung đường ở từng khu vực; ưu tiên đầu tư nhà chờ tại các vị trí, điểm quy hoạch của thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và khu trung tâm thị trấn, thị tứ tại các huyện để thuận tiện cho việc đón trả khách; nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng khả năng thu hút hành khách sử dụng xe buýt.

- Đến năm 2020, với mạng lưới 25 tuyến xe buýt cần đầu tư thêm khoảng 1.244 điểm dừng, đón trả khách (gồm: 91 nhà chờ và 1.153 trạm dừng). Định hướng đến năm 2030, với mạng lưới gồm 33 tuyến xe buýt cần đầu tư thêm khoảng 396 điểm dừng, đón trả khách (gồm: 59 nhà chờ và 337 trạm dừng).

(Chi tiết tại Phụ lục 5 đính kèm).

5. Nhu cầu vốn đầu tư và nguồn vốn đầu tư phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt:

a) Nhu cầu vốn đầu tư:

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020: 205,181 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phương tiện 129 tỷ đồng; vốn đầu tư trạm dừng, nhà chờ, bến đầu cuối, bãi hậu cần 76,181 tỷ đồng.

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 là: 405,51 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phương tiện 318,9 tỷ đồng; vốn đầu tư trạm dừng, nhà chờ, bến đầu cuối, bãi hậu cần 86,679 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn đầu tư phương tiện: Do đơn vị kinh doanh khai thác vận tải đầu tư.

- Vốn đầu tư kết cấu hạ tầng: Nguồn ngân sách Nhà nước và huy động từ các nguồn lực khác như: Xã hội hóa đầu tư khai thác; các nguồn viện trợ, vốn vay ODA, các vốn vay ưu đãi khác phù hợp với quy định pháp luật.

IV. Các giải pháp, chính sách chủ yếu thực hiện quy hoạch

1. Giải pháp về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải:

a) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành, địa phương trong công tác quản lý hoạt động vận tải khách bằng xe buýt để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

b) Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý tiên tiến, phù hợp với quy định và tình hình thực tế địa phương để quản lý, vận hành hệ thống vận tải hành khách công cộng gồm xe buýt, xe taxi trên địa bàn tỉnh.

c) Nghiên cứu, tổ chức sắp xếp lại các đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt đảm bảo quy mô doanh nghiệp hợp lý và hiệu quả.

d) Xây dựng cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng và xây dựng các tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp có năng lực, chất lượng phục vụ tốt, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân,....

đ) Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chi phí, trợ giá của nhà nước (nếu có) và đầu tư theo hình thức xã hội hóa hạ tầng phục vụ xe buýt.

e) Ban hành quy định về công tác quản lý hoạt động xe buýt và hệ thống các nhà chờ, điểm dừng, đỗ và đón, trả khách.

g) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối giữa các cơ quan quản lý, đơn vị vận tải và hành khách; Xây dựng hệ thống giám sát hoạt động xe buýt (BMS) và hệ thống thông tin xe buýt (BIS).

2. Giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ:

a) Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện:

- Kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng (trạm dừng, nhà chờ và biển báo đón trả khách, Trung tâm điều hành...) sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí an toàn giao thông của tỉnh (trích từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông), hoạt động quảng cáo tại khu vực nhà chờ, bãi đỗ xe... Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bằng hình thức xã hội hóa.

- Vốn đầu tư cho mua sắm phương tiện chủ yếu là nguồn vốn từ các đơn vị vận tải, gồm: vốn tích lũy trong quá trình kinh doanh, vốn vay từ các ngân hàng, vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các nước, vốn từ các hoạt động quảng cáo trên phương tiện,... UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định mức hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để mua sắm phương tiện trong khả năng và điều kiện cho phép của ngân sách địa phương.

b) Trợ giá, hỗ trợ chi phí hoạt động: UBND tỉnh sẽ xem xét trợ giá, hỗ trợ chi phí hoạt động đối với một số tuyến xe buýt cần khuyến khích đầu tư khai thác hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.

3. Giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng:

a) Đầu tư hoàn thiện, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông và kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt. Ưu tiên bố trí quỹ đất và đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ hệ thống vận tải hành khách xe buýt như: bến xe, trạm trung chuyển, điểm dừng đỗ, đường dành riêng cho xe buýt,....

b) Đầu tư, bố trí các nhà chờ, trạm dừng phải bảo đảm khoảng cách theo quy định. Vị trí lắp đặt trạm dừng, biển treo phải thích hợp với điều kiện thực tế của vỉa hè và khu vực xung quanh, bảo đảm có không gian thông thoáng, mỹ quan, dễ quan sát. Trạm dừng nhà chờ phục vụ người khuyết tật sử dụng xe lăn phải xây dựng lối lên xuống cho xe lăn và có vị trí dành riêng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn đậu chờ xe buýt.

c) Phối kết hợp quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với quy hoạch đô thị, tạo sự đồng bộ và thống nhất trong công tác quản lý và triển khai quy hoạch.

4. Giải pháp về tuyên truyền, vận động và an toàn giao thông:

a) Tuyên truyền trên phương tiện thông tin, truyền thông của địa phương về sự tiện ích, tác dụng của việc đi xe buýt đối với việc chống ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thông tin về lộ trình, thời gian phục vụ, các hỗ trợ (nếu có) để người dân biết và nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng phương tiện xe buýt.

b) Thực hiện tuyên truyền, huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, thái độ, ý thức cho đội ngũ nhân viên phục vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, có thái độ phục vụ tận tình, chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông.

5. Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ:

a) Quy định các tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp tham gia khai thác xe buýt để xác định trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý. Thực hiện đổi mới từ khâu lựa chọn đơn vị tham gia khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đến việc vận dụng linh hoạt phương thức đấu thầu và chỉ định thầu trong lựa chọn đơn vị tham gia khai thác.

b) Ban hành quy định về xếp loại đơn vị kinh doanh vận tải và quy định phạm vi hoạt động để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ cho hành khách.

c) Các đơn vị tham gia ký cam kết chất lượng dịch vụ vận tải, công khai các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ và thiết lập hệ thống thông tin phản hồi giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

d) Khuyến khích các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã) tham gia kinh doanh vận tải và dịch vụ vận tải một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật; Khuyến khích các đơn vị xây dựng thương hiệu doanh nghiệp theo hướng an toàn - văn minh - lịch sự.

đ) Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương tiện vận tải theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường; Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, giảm chi phí, xây dựng mức giá vé hợp lý; Kịp thời khen thưởng, tuyên dương đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tốt.

6. Giải pháp quản lý phương tiện vận tải:

a) Các phương tiện vận tải phải đảm bảo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định, là các phương tiện có chất lượng cao, hiện đại, đáp ứng công nghệ tiên tiến và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Niên hạn sử dụng đối với xe buýt theo quy chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải quy định. Khuyến khích việc đầu tư các phương tiện xe buýt sàn thấp, xe buýt có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, xe buýt sử dụng nhiên liệu giảm ô nhiễm. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

b) Nghiên cứu áp dụng công nghệ định vị bằng vệ tinh để quản lý phương tiện. Mỗi phương tiện sẽ được gắn một module di động, các thiết bị định vị và cảm biến sẽ tự động thu thập thông tin và lưu trữ ở bộ nhớ, bộ điều khiển tập trung dữ liệu sẽ truy xuất bộ nhớ khi nhận các yêu cầu từ trung tâm điều hành để gửi dữ liệu thu thập về trung tâm, hoặc hiển thị thông tin cho hành khách, hoặc gửi cảnh báo đến tài xế...

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải:

a) Chịu trách nhiệm tổ chức công bố, công khai và thực hiện quy hoạch này theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động của xe buýt tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư và kinh doanh khai thác có hiệu quả.

c) Thực hiện việc công bố mở tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt theo quy định của pháp luật.

d) Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

đ) Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện việc kê khai, niêm yết giá và thu cước vận tải theo đúng quy định, phù hợp với biến động giảm chi phí nhiên liệu đến giá cước vận tải.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư, xây dựng các giải pháp tìm nguồn vốn đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải bố trí kế hoạch vốn ngân sách hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Quy hoạch.

3. Sở Tài chính: chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; thẩm định và trình phê duyệt giá vé xe buýt theo thẩm quyền và theo quy định; thực hiện quản lý giá vé.

4. Sở Xây dựng: chỉ đạo xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết các đô thị có quy hoạch vị trí các điểm đầu, điểm cuối, trạm trung chuyển, nhà chờ, bãi đỗ, điều kiện hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt.

5. Công an tỉnh: chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng thực hiện hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm theo Luật giao thông đường bộ và các quy định pháp luật về vận tải khách bằng ô tô nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

6. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương phối hợp với Sở Giao thông Vận tải trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch này.

b) Rà soát quy hoạch sử dụng đất; sắp xếp, bố trí quỹ đất để xây dựng bến xe buýt và kết cấu hạ tầng mạng lưới tuyến xe buýt (điểm đầu, điểm cuối, các trạm trung chuyển, nhà chờ, biển báo, bãi đỗ,...) cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

c) Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải quản lý, giám sát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn.

7. Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nội dung quy hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giao thông Vận tải;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu: VT, GT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt

 

PHỤ LỤC 1

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2842/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Stt

Tên tuyến

L(km)

Lộ trình

Ghi chú

I

Tuyến hiện trạng

 

 

 

1

Đà Lạt - Đức Trọng

35

Bến xe buýt Mai Anh Đào - đường Phù Đổng Thiên Vương - đường Đinh Tiên Hoàng - đường Trấn Quốc Toản- đường Lê Đại Hành - khu Hòa Bình - đường 3/2 - đường Hoàng Văn Thụ - đường Trần Phú - đường Trần Hưng Đạo - đường 3/4 -QL 20 - đường Phạm Văn Đồng - Bãi đỗ xe Intershop trước chợ Liên Nghĩa, Đức Trọng và ngược lại.

Hiện hữu

2

Đà Lạt - Đơn Dương

59

Bến xe buýt Mai Anh Đào - đường Phù Đổng Thiên Vương - đường Đinh Tiên Hoàng - đường Trấn Quốc Toản - đường Lê Đại Hành - khu Hòa Bình - Đường 3/2 - đường Trần Phú - đường 3/4 - QL 20 - Q1 27 - Bến xe D’Ran và ngược lại.

Hiện hữu

3

Đà Lạt - Lạc Dương

18

Bến xe buýt Mai Anh Đào - đường Phù Đổng Thiên Vương - đường Đinh Tiên Hoàng - đường Trấn Quốc Toản - đường Lê Đại Hành - khu Hòa Bình - Đường 3/2 - Phan Đình Phùng- Xô Viết Nghệ Tĩnh - Tùng Lâm - khu du lịch Langbiang và ngược lại.

Hiện hữu

4

Đà Lạt - Bảo Lộc

120

Bến xe buýt Mai Anh Đào - đường Phù Đổng Thiên Vương - đường Đinh Tiên Hoàng - đường Trấn Quốc Toản- đường Lê Đại Hành - Khu Hòa Bình -Đường 3/2 -đường Trần Phú -đường 3/4 - QL 20 -đường Thống Nhất (Đức Trọng) -Ngã ba Phú Hội -QL20 -đường Lê Hồng Phong (Bảo Lộc) -đường Nguyễn Công Trứ - đường 28/3 - bến xe buýt trung tâm Bảo Lộc và ngược lại.

Hiện hữu

5

Đà Lạt - Xuân Trường

40

Bến xe buýt Mai Anh Đào- đường Phù Đổng Thiên Vương - đường Đinh Tiên Hoàng - đường Nguyễn Thái Học- đường Lê Đại Hành - khu Hòa Bình - Đường 3/2 - đường Trần Phú - đường Trần Hưng Đạo - QL 20 - Thôn Trạm Hành 2 và ngược lại.

Hiện hữu

6

Đà Lạt - Phú Sơn

65

Bến xe buýt Mai Anh Đào- đường Phù Đổng Thiên Vương - đường Đinh Tiên Hoàng - đường Trấn Quốc Toản- đường Lê Đại Hành - khu Hòa Bình - đường 3/2 - đường Hoàng Văn Thụ - ĐT 725 - Tà Nung - Nam ban - N Thôn Hạ - QL27 - UBND xã Phú Sơn và ngược lại.

Hiện hữu

7

Liên nghĩa - Tân Thanh

45

Chợ Tân Thanh (Xã Tân Thanh huyện Lâm Hà) - ĐT725 - TT Đinh Văn - QL27 - N’Thôn Hạ - Thôn Bạch Đằng -QL 20 - đường Phạm Văn Đồng - Bãi đỗ xe Intershop trước chợ Liên Nghĩa, Đức Trọng và ngược lại.

Hiện hữu

8

Đà Lạt - Ka Đô

45

Bến xe buýt Mai Anh Đào - đường Phù Đổng Thiên Vương -đường Đinh Tiên Hoàng - đường Trần Quốc Toản- đường Lê Đại Hành -Nguyễn Văn Cừ - 3 Tháng 2 -Trần Phú -Trần Hưng Đạo -Khe Sanh -Đèo Mimosa - QL.20 -QL.27 -ĐH. 15 -ĐH. 413 -Chợ Ka Đô và ngược lại.

Hiện hữu

II

Tuyến mở mới

L(km)

Lộ trình

Ghi chú

1

TP Bảo lộc - Thị trấn Ma Đa Gui

46

Bx buýt trung tâm Bảo Lộc - QL20 - TT Đạ M'Ri - bến xe Thành Bưởi TT Ma Đa Gui và ngược lại.

Mở mới

2

TT Ma Đa Gui - Cát Tiên

49

Bến xe trung tâm thương mại TT Ma Đa Gui - ĐT 721 - Đạ Tẻh - TT Cát Tiên (đường Quang Trung - 3 Tháng 2 - 30 Tháng 4) - bến xe TT Phước Cát (Cát Tiên) và ngược lại.

Mở mới

3

TP Bảo Lộc - B’ Lá (Bảo Lâm)

29,5

Bx buýt trung tâm Bảo Lộc - QL20 - Nguyễn Văn Cừ - Hùng Vương - ĐT.725 - Xã B’ Lá (Bảo Lâm) và ngược lại.

Mở mới

4

TP Bảo Lộc - Lộc Nam

21

Bx buýt trung tâm Bảo Lộc - QL20 - QL55 - trung tâm xã Lộc Nam (Bảo Lâm).

Mở mới

5

Đinh Trang Thượng - Gung Ré

35,5

Trường THCS Đinh Trang Thượng - QL28 - TT Di Linh - cầu 3 xã Gung Ré (Di Linh) và ngược lại.

Mở mới

6

Vòng quanh TP. Đà Lạt 1

18

Khu Cư xá sinh viên Xô viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Công Trứ (ngã 5 Đại học) - Trần Nhân Tông - Sương Nguyệt Ánh - Nguyễn Đình Chiểu - Lữ Gia - Quang Trung - Yersin - Trần Quốc Toản - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Văn Cừ - đường 3/2 - Hải Thượng - Hai Bà Trưng - Xô viết Nghệ Tĩnh và ngược lại.

Mở mới

7

Vòng quanh TP. Đà Lạt 2

30

Bến xe buýt Mai Anh Đào - Thánh Mẫu -Bạch Đằng - Ngô Quyền - Mai Hắc Đế - Hải Thượng - Nguyễn Văn Cừ - Lê Đại Hành - khu Hòa Bình - 3 tháng 2 - Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương - Trần Quý Cáp - Nguyễn Đình Chiểu - Sương Nguyệt Ánh - Nguyên Tử Lực - Mai Anh Đào và ngược lại.

Mở mới

8

Bảo Lộc - Hòa Bắc (Di Linh)

28

Bx buýt trung tâm Bảo Lộc - QL20 - Hồ Cống Sình - xã Hòa Ninh - trung tâm xã Hòa Bắc và ngược lại.

Mở mới

9

Tp Bảo Lộc - Lộc Thành (Di Linh)

29

Bx buýt trung tâm Bảo Lộc - QL20 - Ngô Tất Tố - Đinh Công Tráng - B’ Lao Xê Rê - QL55 - trung tâm xã Lộc Thành và ngược lại.

Mở mới

10

Lộc An - Lộc Thắng

21

Trung tâm xã Lộc An - qua xã Lộc Đức -xã Lộc Ngãi, kết thúc tại bến xe thị trấn Lộc Thắng và ngược lại

Mở mới

11

Thạnh Mỹ (Đơn Dương) - Ninh Gia (Đức Trọng)

47

BX trung tâm huyện Đơn Dương - QL 27 - ĐT 729(QH) qua các xã Đà Loan, Đa Quyn - QL28B qua xã Tà Hine - trung tâm xã Ninh Gia (Đức Trọng) và ngược lại.

Mở mới

12

Liên Nghĩa - Ka Đô - D’ Ran

48

BX Đức Trọng - QL.20 - qua cầu Bồng Lai - ĐH. 12 (xã Pro - Ka Đon - Tu Tra) -ĐH11 - xã Quảng Lập - ĐH 413 (ĐT.729QH) - Chợ Ka Đô - ĐH 412 (ĐT.729QH) -BX D’ Ran.

Mở mới

13

Liên Nghĩa - Tân Hà

26

BX Đức Trọng - QL.20 - Ngã 3 Tân Hội - ĐT.724 (QH) - ĐT.725 - Bến xe Tân Hà và ngược lại.

Mở mới

14

Đà Lạt - Đạ Chais

45,5

Bến xe buýt Mai Anh Đào - Khu Hòa Bình - 3 Tháng 2 - Nguyễn Văn Cừ - Trần Quốc Toản - Yesin - Quang Trung - Phan Chu Trinh - Mê Linh - ĐT 723 - Xã Đạ sar - Thôn Long Lanh Xã Đạ Chais và ngược lại.

Mở mới

15

Tuyến nội huyện Đức Trọng

22

BX Đức Trọng - QL.20 - Trần Phú - N’ Thôn Hạ - QL.27 - Ngã 3 Liên Khương - QL.20 - BX Đức Trọng.

Mở mới

16

Liên Nghĩa - Đam Rông

75

Bx Đức Trọng - QL20 - ĐT. 724 (Ba Cản - X.Tân Hội) - Thị trấn Đinh Văn - QL27 - Phú Sơn - Phi Liêng - TT. Bằng Lăng.

Mở mới

17

Thị trấn Ma Đa Gui - Biên Hòa (Đồng Nai)

118

Kiến Nghị Sở GTVT Lâm Đồng kết hợp với Sở GTVT Đồng Nai kéo dài tuyến xe buýt “Biên Hòa - Phương Lâm” đến TT. Ma Đa Guôi.

Phối hợp kéo dài

(Ghi chú: Khi triển khai thực hiện, cự ly và lộ trình cụ thể của tuyến sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế)

 

PHỤ LỤC 2

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TUYẾN XE BUÝT MỞ MỚI, KÉO DÀI ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2842/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

STT

Tên tuyến

L(km)

Lộ trình

Ghi chú

Các tuyến nội tỉnh

 

 

1

Đạ Tẻh-Bảo Lâm

60

Bx trung tâm huyện Đạ Tẻh - ĐT 725 quy hoạch qua các xã Đạ Kho, Triệu Hải - Lộc Thắng và ngược lại

Mở mới

2

TT Đinh Văn - Bảo Lâm

60

Bến xe Lâm Hà TT. Đinh Văn - ĐT.725 - Liên Hà - Tân Nghĩa - Tân Thượng - Lộc Ngãi - bến xe Lộc Thắng - và ngược lại

Mở mới

3

Nam Ban - Đạ Đờn

21

Bến xe Nam Ban quy hoạch - theo ĐH.4 về Nam Hà - Phi Tô - ĐT.726 - Thôn L’Rơm xã Đạ Đờn và ngược lại.

Mở mới

4

Liên Nghĩa - Phú Hội - Đa Quyn

18

Bx Đức Trọng - QL.20 - Đường khu công nghiệp Phú Hội - trung tâm xã Đa Quyn và ngược lại.

Mở mới

Các tuyến liên tỉnh liền kề

 

 

1

Đà Lạt - Xuân Trường - D’Ran - Ninh Sơn (Ninh Thuận)

65

Bến xe buýt Mai Anh Đào - Phù Đổng Thiên Vương - Đinh Tiên Hoàng - đường Trần Quốc Toản - Khu Hòa Bình -Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương - QL20 - Xuân Trường - QL27 - Đèo Ngoạn Mục - Ninh Sơn (Bình Thuận).

Kéo dài

2

Đam Rông - Liên Sơn (Đăk Lắk)

58

TT. Bằng Lăng - QL 27 - Krong Nô - Đắk Nuê - Liên Sơn (Đắk Lắk)

Mở mới

3

TT Đạ M’Ri - TT Võ Xu (Đức Linh)

34,5

Trung tâm thương mại TT Đạ M’Ri - QL20 - ĐT713 (QL.55B) - Mê Pu - TT Võ Xu (Bình Thuận)

Mở mới

4

Liên nghĩa - Ninh Loan - Bắc Bình (Bình Thuận)

27

Bến xe Đức Trọng - QL.20 - QL.28 QH - Xã Ninh Loan - Bắc Bình (Bình Thuận)

Mở mới

5

Phước Cát - Bù Đăng

47

TT. Phước Cát - ĐT.721 (QL.55QH) - (Sao Bộng - Đăng Hà) - ĐT. 755 - TT. Đức Phong huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước.

Mở mới

(Ghi chú: Khi triển khai thực hiện, cự ly và lộ trình cụ thể của tuyến sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế)

 

PHỤ LỤC 3

QUY HOẠCH ĐIỂM ĐẦU CUỐI TUYẾN BUÝT BỐ TRÍ KẾT HỢP KHÁCH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2842/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Stt

Bến xe

Diện tích

Ghi chú

1

Bến xe Đức Trọng

4.500

Bến kết hợp

2

Bến xe Lâm Hà

12.111

Bến kết hợp

3

BX buýt trung tâm Bảo Lộc (Đề xuất)

5.000

Bến xe buýt

4

Bến xe Đạ Tẻh (bến mới)

24.370

Bến kết hợp

5

Bến xe Cát Tiên

5.748

Bến kết hợp

6

Bến xe Tân Hà

2.746

Bến kết hợp

7

Bến xe Đơn Dương

7.475

Bến kết hợp

8

Bến xe buýt Mai Anh Đào

3.571

Bến xe buýt

9

Bến xe Lạc Dương (quy hoạch)

6.200

Bến kết hợp

10

Bến xe TT Bằng Lăng (quy hoạch)

13.000

Bến kết hợp

11

Bến xe TT D‘Ran (quy hoạch)

5.000

Bến kết hợp

12

Bến xe Lộc Thắng (quy hoạch)

21.700

Bến kết hợp

13

Bến xe Phước Cát (quy hoạch)

500

Bến kết hợp

14

Bến xe thị trấn Nam Ban (quy hoạch)

2.650

Bến kết hợp

 

PHỤ LỤC 4

QUY HOẠCH ĐIỂM ĐẦU CUỐI TUYẾN BUÝT GIAI ĐOẠN 2020 - 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2842/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Stt

Điểm đầu cuối

Vị trí

Diện tích (m2)

1

Xã B’Lá (Bảo Lâm)

Trung tâm xã Xã B’Lá

500

2

Xã Lộc Thành (Bảo Lâm)

Trung tâm xã Lộc Thành

500

3

Xã Lộc Nam (Bảo Lâm)

Trung tâm xã Lộc Nam

500

4

Xã Lộc An (Bảo Lâm)

Trung tâm xã Lộc An

500

5

Xã Đinh Trang Thượng (Di Linh)

Bãi đất phía trước trường THCS Đinh Trang Thượng

500

6

Xã Gung Ré (Di Linh)

Cây xăng Lâm Trường Di Linh (gần Cầu 3)

500

7

Xã Hòa Bắc (Di Linh)

Trung tâm xã Hòa Bắc

500

8

Xã Ka Đô (Đơn Dương)

Bãi đỗ xe chợ Ka Đô

500

9

Xã Đạ Chais (Lạc Dương)

Thôn Long Lanh; ĐT.723 km38+00

500

10

Ninh Gia (Đức Trọng)

Khu vực ngã 3 Tà Hin

500

11

Xã Đa Quyn (Đức Trọng)

Trung tâm xã Đa Quyn

500

12

TT Đạ R’Mi (Đạ Huoai)

Khu thương mại dịch vụ TT Đạ R’Mi

500

13

TT Ma Đa Guôi (Đạ Huoai)

Trước chợ trung tâm TT Ma Đa Guôi

500

14

Xã Đạ Đờn (Lâm Hà)

Thôn L’ Rơm Xã Đạ Đờn

500

 

PHỤ LỤC 5

QUY HOẠCH SỐ TRẠM DỪNG, NHÀ CHỜ CẦN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2842/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Tên tuyến

Chiều dài (km)

Số lượng (cái)

Giai đoạn hiện tại

 

441

Đà Lạt - Bảo Lộc

120

110

Đà Lạt - Lạc Dương

18

36

Đà Lạt - Xuân Trường

40

50

Đà Lạt - Đức Trọng

35

56

Đà Lạt - Phú Sơn

65

76

Đà Lạt - Đơn Dương

59

52

Liên Nghĩa - Tân Thanh

45

46

Đà Lạt - Ka Đô

45

15

Giai đoạn 2016 - 2020

 

951

Bảo Lộc - Thị trấn Ma Đa Gui

46

88

Thị trấn Ma Đa Gui - Cát Tiên

49

98

Bảo Lộc - B’ Lá (Bảo Lâm)

29,5

65

TP Bảo Lộc - Lộc Nam

21

30

Đinh Trang Thượng - Gung Ré

35,5

58

tuyến vòng quanh Đà Lạt 1

18

72

Tuyến vòng quanh Đà Lạt 2

33

68

Bảo Lộc - Hòa Bắc (Di Linh)

28

32

Tp Bảo Lộc - Lộc Thành

29

58

Lộc An - Lộc Thắng (Bảo Lâm)

21

28

Liên Nghĩa - Ka Đô - D’ Ran

48

84

Lộc An - Lộc Thắng (Bảo Lâm)

21

62

Liên Nghĩa - Tân Hà

26

34

Tuyến nội huyện Đức Trọng

22

60

Thạnh Mỹ - Ninh Gia

47

62

Đà Lạt - Đạ Chais

45,5

52

Giai đoạn 2021 - 2030

 

396

Đạ Tẻh - Lộc Thắng (Bảo Lâm)

60

80

TT Đinh Văn - Bảo Lâm

60

80

TT Ma Đa Gui - Biên Hòa

118

4

Đà Lạt - Ninh Sơn (N.Thuận)

65

12

Đam Rông - Liên Sơn (Đăk Lắk)

58

44

TT Đa R'Mi - TT Võ Xu

34,5

70

Liên Nghĩa - Bắc Bình (Bình Thuận)

47

40

Nam Ban - Đạ Đờn

21

28

Phước Cát - Bù Đăng

47

2

Liên Nghĩa - Phú Hội - Đa Quyn

18

36

Tổng cộng

1.788

 



1 Mục tiêu Bộ Giao thông Vận tải đề ra từ 1% - 5% tại Quyết định số 3446/QĐ-BGTVT ngày 04/11/2016.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2842/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 2842/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đoàn Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản