Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2825/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 05 tháng 12 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DÂN SINH VÀ CƠ CHẾ KHẮC PHỤC KHẨN CẤP CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG THIỆT HẠI DO LŨ LỤT VÀ BÃO
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư số 09/2007/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Quyết định số 07/2007/QĐ-UBND ngày 15/02/2007 của UBND tỉnh về ban hành bản quy định tạm thời về một số nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh;
Xét đề nghị của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 130/TTr-SLĐTBXH ngày 27/11/2007, của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1283/SKHĐT ngày 26/11/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ dân sinh và cơ chế khắc phục khẩn cấp các công trình hạ tầng thiệt hại do lũ lụt và bão gây ra trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
1. Chính sách hỗ trợ dân sinh
a. Mức hỗ trợ:
a1. Hộ có người chết, mất tích: 3.000.000 đồng/người chết.
a2. Hộ có người bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố điều trị: 1.000.000 đồng/người bị thương.
a3. Người rủi ro ngoài vùng cư trú bị chết gia đình không biết để mai táng thì UBND xã, bệnh viện, cơ quan, cá nhân tổ chức mai táng được hỗ trợ 2.000.000 đồng/người chết.
a4. Người rủi ro ngoài vùng cư trú bị thương nặng, gia đình không biết để chăm sóc được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người bị thương.
a5. Trợ cấp cứu đói: Từ 10-15 kg gạo/người/tháng (số lượng cụ thể sẽ được quy định tại Quyết định phân bổ), thời gian cứu đói tuỳ theo tình hình thực tế.
a6. Hộ có nhà bị đổ, sập, trôi hoàn toàn; hộ phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới:
- Đối với đồng bằng: 6.000.000 đồng/hộ.
- Đối với miền núi: 7.000.000 đồng/hộ.
a7. Hộ có nhà chính (nhà trên) bị hư hỏng. Tùy theo mức độ hư hỏng được hỗ trợ như sau:
- Hư hỏng trên 70% (hư hỏng gần toàn bộ phần mái, sạt lở vách) hỗ trợ: 3.000.000 đồng/hộ.
- Hư hỏng từ trên 50% đến dưới 70% (bị tốc mái nặng, sạt lở vách) hỗ trợ từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng/hộ.
- Hư hỏng từ trên 20% đến dưới 50% (bị tốc từ 20% diện tích mái trở lên) hỗ trợ từ 500.000 đồng - 700.000 đồng/hộ.
Tùy theo điều kiện cụ thể, giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có thể quyết định phương thức hỗ trợ bằng tiền hoặc bằng tấm lợp và các loại vật tư sửa chữa có giá trị tương đương.
a8. Hộ có tàu thuyền bị chìm, mất tích:
- Tàu thuyền có công suất dưới 30CV hỗ trợ 20 triệu đồng.
- Tàu thuyền có công suất trên 30CV đến 45CV hỗ trợ 30 triệu đồng.
- Tàu thuyền có công suất trên 45CV đến 70CV hỗ trợ 50 triệu đồng.
- Tàu thuyền có công suất trên 70CV đến 100CV hỗ trợ 70 triệu đồng.
- Tàu thuyền có công suất trên 100CV hỗ trợ 100 triệu đồng.
a9. Hộ có trâu, bò bị chết. Tùy theo giá trị trâu, bò bị chết được hỗ trợ từ 200.000 đồng - 2.000.000 đồng/con.
b. Nguồn kinh phí hỗ trợ:
Ngân sách tỉnh cấp bổ sung mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, thành phố để thực hiện các chính sách được quy định tại Quy chế này.
2. Cơ chế tổ chức thực hiện khắc phục khẩn cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật bị thiệt hại do lũ lụt và bão gây ra
a. Phạm vi áp dụng:
-Các công trình được phép áp dụng cơ chế này phải là các công trình thực sự bị thiệt hại do bão lũ (trong kỳ) gây ra, cần phải khắc phục ngay để ổn định một bước đời sống của nhân dân và doanh nghiệp.
-Vốn phục vụ cho việc khắc phục các công trình lấy từ nguồn vốn khắc phục bão lụt do tỉnh phân bổ.
-Hình thức quản lý theo vốn sự nghiệp.
b. Trách nhiệm của đơn vị quản lý và đơn vị thi công:
- Chủ đầu tư là đơn vị quản lý và sử dụng công trình.
- Đơn vị quản lý công trình: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm hòan tòan về quyết định của mình.
- Đơn vị thi công: Giao cho chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu đối với các công trình phải đấu thầu và chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu thi công.
c. Hồ sơ pháp lý ban đầu:
- Biên bản xác định thiệt hại do bão lũ gây ra trong thời điểm do đơn vị quản lý công trình lập có sự chứng giám của chính quyền địa phương, Sở quản lý chuyên ngành, đơn vị tư vấn chuyên ngành, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp. Trong biên bản phải xác định được khối lượng sơ bộ, khái toán kinh phí và giải pháp khắc phục.
- Văn bản khẳng định tính khẩn cấp phải làm để ổn định đời sống nhân dân của chủ đầu tư. Nếu công trình thiệt hại thuộc huyện thì do UBND huyện khẳng định, nếu công trình thuộc ngành thì sở quản lý ngành của tỉnh khẳng định.
Trên cơ sở các hồ sơ trên (Biên bản xác định thiệt hại và văn bản khẳng định tính khẩn cấp) chủ đầu tư và cơ quan quyết định đầu tư thực hiện theo sự phân cấp tại Quyết định 07/2007/QĐ-UBND ngày 15/02/2007 của UBND tỉnh.
d. Hồ sơ các bước chuẩn bị xây dựng và triển khai thi công :
Hồ sơ các bước tiếp theo bao gồm:
-Lập dự tóan thiết kế theo phân cấp tại Quyết định 07/2007/QĐ-UBND ngày 15/02/2007 của UBND tỉnh với yêu cầu: sau 30 ngày kể từ ngày chỉ định thầu thi công, dự tóan thiết kế công trình phải được hoàn thành và phê duyệt.
-Hợp đồng thi công.
-Biên bản nghiệm thu công trình.
-Hồ sơ quyết toán
e. Cơ chế thanh toán:
-Khi hợp đồng thi công được ký kết thì cho phép nhà thầu thi công được ứng ít nhất là 20% giá trị khái toán.
-Khi công trình nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng thì cho phép nhà thầu thi công được ứng theo khối lượng hòan thành nhưng không quá 90% giá trị hợp đồng.
-Thanh toán hết giá trị hợp đồng khi có hồ sơ hoàn công.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:
a. Chỉ đạo và hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp:
- Công khai các chính sách và danh sách các đối tượng được hỗ trợ của Nhà nước cho toàn bộ nhân dân được biết (niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn).
- Tổ chức họp dân theo từng thôn, tổ dân phố có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp bình bầu, xác định mức độ thiệt hại của từng hộ gia đình để có mức hỗ trợ phù hợp theo quy định tại mục I của quy chế này. Đối với hỗ trợ tàu thuyền phải có biên bản xác nhận của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Sở Thuỷ sản.
- Tổng hợp các đối tượng thiệt hại được hưởng chính sách theo quy định tại mục I của quy chế này theo từng thôn, tổ dân phố và nhu cầu kinh phí cần hỗ trợ gửi Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để tổng hợp toàn bộ tình hình thiệt hại trên địa bàn huyện, thành phố.
b. Kiểm tra và tổng hợp các đối tượng bị thiệt hại, kinh phí thực tế hỗ trợ trên địa bàn huyện, thành phố gửi Sở Tài chính tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ sung kinh phí. Trước mắt, Ủy ban nhân dân tỉnh tạm ứng cho Ngân sách các huyện, thành phố để triển khai thực hiện; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm quyết toán cụ thể với Sở Tài chính.
2. Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thuỷ sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tiến hành tổng hợp, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung kinh phí khắc phục lũ lụt và bão cho các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Sở ngành chức năng liên quan chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về sự chính xác của số liệu báo cáo, đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, đối tượng và kịp thời.
4. Đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo HĐND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với cơ quan hành chính các cấp để kiểm tra, giám sát các nội dung hỗ trợ nêu trên.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế họach và Đầu tư, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Y tế, Thuỷ sản, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Giám đốc Kho bạc nhà nước Quảng Ngãi; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 310/QĐ-UBND năm 2008 về chính sách hỗ trợ dân sinh và cơ chế khắc phục khẩn cấp các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai gây ra do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2Quyết định 2218/QĐ-UBND Phương án phòng tránh lũ lụt cho vùng hạ lưu đập thủy điện Vĩnh Sơn tỉnh Bình Định năm 2013
- 3Quyết định 2358/QĐ-UBND phân bổ kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 8, 10, 11 và thiên tai khác gây ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2013
- 1Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Thông tư 09/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xă hội do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Quyết định 07/2007/QĐ-UBND về Bản quy định tạm thời nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 5Quyết định 2218/QĐ-UBND Phương án phòng tránh lũ lụt cho vùng hạ lưu đập thủy điện Vĩnh Sơn tỉnh Bình Định năm 2013
- 6Quyết định 2358/QĐ-UBND phân bổ kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 8, 10, 11 và thiên tai khác gây ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2013
Quyết định 2825/QĐ-UBND năm 2007 về Quy định tạm thời chính sách hỗ trợ dân sinh và cơ chế khắc phục khẩn cấp công trình hạ tầng thiệt hại do lũ lụt và bão do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- Số hiệu: 2825/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/12/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Người ký: Nguyễn Xuân Huế
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/12/2007
- Ngày hết hiệu lực: 09/10/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra