Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 07 tháng 02 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/06/2015;

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Căn cứ Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY ngày 17/02/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

Căn cứ Quyết định số 2544/QĐ-UBND ngày 07/12/2019 của UBND về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020;

Xét Tờ trình số 05/TTr-SNN ngày 10/01/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ý kiến thẩm định của Sở Tài chính tại Văn bản số 83/STC-HCSN ngày 13/01/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (kèm theo Kế hoạch chi tiết).

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Y tế; Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Thú y;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NN, TH2, VX3,.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 07/02/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1. Mục tiêu:

a) Thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về phòng chống dịch đến người dân và các cấp, các ngành. Hướng dẫn, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, làm cơ sở để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi.

b) Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại nếu dịch bệnh xảy ra, góp phần chủ động phòng ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sinh thái, bao gồm:

- Vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ 04 đợt trong năm và đột xuất khi có dịch bệnh xảy ra nhằm tiêu diệt mầm bệnh tại môi trường và trên đàn vật nuôi để tạo môi trường chăn nuôi an toàn, ngăn chặn sự lây nhiễm dịch bệnh.

- Tiêm phòng định kỳ và tiêm bổ sung cho đàn gia súc gia cầm đạt tỷ lệ 80% tổng đàn trong diện tiêm trở lên.

2. Yêu cầu:

a) Tổ chức kiểm tra, nắm chắc và giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở chăn nuôi để dự tính, dự báo và thông tin chính xác đầy đủ, kịp thời về dịch bệnh động vật, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống dịch bệnh động vật; xử lý kịp thời, dập dịch tại các ổ dịch nhỏ lẻ ngay từ khi mới phát sinh để bao vây, hạn chế lây lan ra diện rộng; chống dịch kịp thời, có hiệu quả.

b) Tổ chức đấu thầu mua, tiếp nhận, dự trữ, phân bổ và quản lý vắc xin, hóa chất, vật tư, thuốc thú y đúng quy định để phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch đảm bảo kịp thời, đầy đủ.

c) Thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ và bổ sung cho đàn gia súc gia cầm theo đúng đối tượng, chủng loại vắc xin và kỹ thuật tiêm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

d) Thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, môi trường xung quanh và các ổ dịch (nếu có). Thực hiện đúng phương pháp với loại hóa chất phù hợp, hiệu quả cao; đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi và không gây ô nhiễm môi trường.

đ) Đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Quản lý, cấp phát và sử dụng vắc xin, hóa chất đúng mục đích, đúng đối tượng, không để hư hỏng, không gây lãng phí.

c) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo sơ kết, tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh động vật đảm bảo chính xác, kịp thời.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm:

1.1. Nhu cầu vắc xin năm 2020:

a) Vắc xin Lở mồm long móng (LMLM) cho đàn trâu, bò:

- Nguồn vắc xin do Trung ương cấp kinh phí để thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM giai đoạn 2016 - 2020.

- Nhu cầu của tỉnh đăng ký với Trung ương là 186.000 liều vắc xin type O và A. (Số lượng vắc xin cụ thể để tiêm phòng do Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản xác định đề xuất mua trên cơ sở số lượng vắc xin còn tồn, nguồn kinh phí được Trung ương bố trí và đảm bảo nhu cầu thực tế của địa phương).

b) Vắc xin LMLM type O tiêm cho đàn lợn: Tổng số là 257.700 liều, trong đó còn tồn 184.900 liều từ năm 2019, năm 2020 cần mua thêm 72.800 liều.

c) Vắc xin Tụ huyết trùng đàn trâu bò: 158.625 liều, trong đó: còn tồn 23.875 liều từ năm 2019 chuyển sang, cần mua thêm 134.750 liều trong năm 2020.

d) Vắc xin kép Nhị liên (Tụ huyết trùng, Phó thương hàn heo): 258.900 liều; trong đó: còn tồn 103.060 liều từ năm 2019 chuyển sang, cần mua thêm 155.840 liều trong năm 2020.

d) Vắc xin Dịch tả lợn: 258.900 liều; trong đó: còn tồn 103.060 liều từ năm 2019 chuyển sang, cần mua thêm 155.840 liều trong năm 2020.

e) Vắc xin Cúm gia cầm: 396.000 liều.

f) Vắc xin Dại chó: 82.450 liều, trong đó: còn tồn 1.400 liều từ năm 2019 chuyển sang, cần mua thêm 81.050 liều trong năm 2020.

1.2. Lịch tiêm phòng: Triển khai thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.

a) Tiêm phòng khẩn cấp bao vây vùng phát sinh ổ dịch mới (nếu có), vùng uy hiếp, vùng đệm theo phạm vi xác định và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản).

b) Tiêm phòng định kỳ gồm 02 đợt chính:

- Đợt 1: Bắt đầu từ tháng 04/2020, kết thúc và thanh quyết toán xong trong tháng 6/2020.

- Đợt 2: Bắt đầu từ tháng 10/2020, kết thúc và thanh quyết toán xong trong tháng 11/2020.

c) Tiêm phòng bổ sung: Tiêm phòng bổ sung cho những gia súc, gia cầm chưa tiêm phòng trong đợt tiêm chính do chưa đủ điều kiện tiêm phòng (chưa đến tuổi, bị bệnh...) hoặc bỏ sót, mới nhập về; những gia súc gia cầm mới tiêm phòng lần đầu phải được tiêm nhắc lại.

13. Đối tượng và loại vắc xin tiêm phòng:

a) Tiêm phòng vắc xin miễn phí cho toàn bộ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, đối với đàn:

- Trâu, bò: Tiêm vắc xin LMLM và vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò.

- Lợn: Tiêm vắc xin LMLM, Dịch tả, Tụ huyết trùng và Phó thương hàn lợn.

- Gia cầm: Tiêm vắc xin Cúm gia cầm chủng độc lực cao.

- Chó: Tiêm vắc xin Dại chó.

Chủng loại vắc xin do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) lựa chọn đảm bảo phù hợp với sự lưu hành của vi rút và đặc điểm dịch tễ của địa phương.

b) Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, các trang trại, các đối tượng không được Nhà nước hỗ trợ vắc xin (gọi chung là trang trại): áp dụng quy trình tiêm phòng theo lứa tuổi. Chủ trang trại tự mua và sử dụng các loại vắc xin được phép lưu hành để tiêm theo lứa tuổi và quy trình tiêm của nhà sản xuất mà cơ sở đã chọn vắc xin để phòng bệnh.

1.4. Phạm vi tiêm phòng:

a) Đối với gia súc: Toàn bộ trâu, bò, lợn, chó trong diện tiêm trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Đối với gia cầm: Toàn bộ đàn vịt, ngan trên địa bàn tỉnh.

1.5. Tổ chức tiêm phòng:

a) Công tác chuẩn bị:

- UBND các huyện, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) chỉ đạo việc lập và phê duyệt kế hoạch chi tiết (kinh phí, vật tư, nhân lực, tập huấn, tổ chức thực hiện...) giao trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn, các cơ quan liên quan, UBND cấp xã và các đoàn thể tại địa phương phối hợp tổ chức thực hiện.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Lựa chọn các loại vắc xin phù hợp với tình hình dịch tễ và thực tế của địa phương; cân đối nhu cầu vắc xin toàn tỉnh để tổ chức mua, dự trữ, bảo quản và phân bổ kịp thời vắc xin cho các địa phương để thực hiện công tác tiêm phòng theo kế hoạch, đúng tiến độ;

+ Hướng dẫn phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phòng Kinh tế) và Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện tổ chức tiêm phòng theo lịch, kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng; lập hồ sơ, chứng từ để thanh quyết toán các nguồn vắc xin, vật tư theo quy định;

+ Phối hợp với UBND cấp huyện để chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, tập huấn, chuẩn bị các điều kiện liên quan phục vụ công tác tiêm phòng.

b) Tổ chức tiêm phòng và quản lý vắc xin:

- Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản:

+ Kiểm tra, giám sát và phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện tổ chức tiêm phòng và các hoạt động phòng chống dịch;

+ Phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện thực hiện công tác dự trữ, bảo quản, cấp phát vắc xin; kiểm tra, giám sát việc tiêu hủy vỏ lọ và thanh quyết toán kinh phí vắc xin theo quy định;

+ Tổng hợp báo cáo tiến độ và kết quả tiêm phòng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y vùng và Cục Thú y.

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phòng Kinh tế): có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiêm phòng; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản và Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện kiểm tra, giám sát tiêu hủy vỏ lọ vắc xin và thanh quyết toán theo quy định.

- Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện:

+ Là đơn vị chịu trách nhiệm chính, phối hợp với UBND cấp xã tổ chức tiêm phòng tại địa phương; là đầu mối tiếp nhận các loại vắc xin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; chịu trách nhiệm bảo quản, quản lý cấp phát, theo dõi tình hình sử dụng vắc xin các loại trên địa bàn huyện;

+ Cấp đúng, đủ giấy chứng nhận tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định chung; giám sát và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng cho các trang trại tự tiêm. Giấy chứng nhận tiêm phòng là cơ sở để người chăn nuôi xuất bán sản phẩm, hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước (nếu dịch bệnh xảy ra), đồng thời là cơ sở để cơ quan Thú y theo dõi tình hình dịch tễ, kiểm tra giám sát về sau;

+ Ghi chép đầy đủ quá trình tiêm phòng theo các biểu mẫu để thanh quyết toán theo quy định. Những trường hợp chủ vật nuôi trong diện tiêm cố tình không chấp hành việc tiêm phòng thì nhân viên thú y đi tiêm lập biên bản cụ thể, báo cáo về Trung tâm Nông nghiệp tổng hợp; chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được hỗ trợ (nếu dịch bệnh xảy ra).

+ Quản lý, giám sát để hạn chế đến mức thấp nhất hao hụt vắc xin trong quá trình tiêm phòng; trường hợp phát hiện các lọ vắc xin bị nứt, vỡ, mất phẩm chất về vật lý, quá hạn phải lập biên bản có xác nhận của UBND cấp xã, Nhân viên Thú y, thu giữ số vắc xin trên, báo cáo về Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản để xem xét tiêu hủy theo quy định.

+ Thu giữ vỏ lọ vắc xin các loại, cùi giấy chứng nhận tiêm phòng đã cấp phát; lưu trữ đầy đủ để kiểm tra, theo dõi và tiêu hủy vỏ lọ vắc xin, có sự theo dõi, giám sát của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản.

+ Báo cáo tiến độ và kết quả tiêm phòng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) và UBND cấp huyện.

c) Giám sát tiêm phòng: Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp với Trung tâm nông nghiệp cấp huyện:

- Giám sát chuyên môn, kỹ thuật tiêm phòng; đối tượng tiêm phòng; quản lý, bảo quản vắc xin tiêm phòng; thực hiện bảo hộ lao động trong quá trình tiêm phòng; phát hiện và xử lý kịp thời các điểm phát bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các trường hợp phản ứng khi tiêm phòng.

- Lấy mẫu máu trên đàn gia súc gia cầm sau tiêm phòng hoặc đột xuất để kiểm tra hàm lượng kháng thể nhằm đánh giá hiệu quả tiêm phòng đồng thời dự tính, dự báo nguy cơ và đề ra các biện pháp khắc phục.

2. Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng (TĐKT):

2.1. Nhu cầu hóa chất TĐKT năm 2020: 30.000 lít; bao gồm các chủng loại hóa chất: RTD - Iodine 10.000 lít; Navet - Iodine 10.000 lít và Vetvaco - Iodine 10.000 lít.

2.2. Đối tượng thực hiện:

- Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ: Chuồng trại, khu vực chăn nuôi và phụ cận; bãi chăn thả; thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, thú y; phương tiện vận chuyển; người ra vào cơ sở...

- Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: Phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; khu vực nuôi nhốt và phụ cận; khu vực giết mổ và xử lý; dụng cụ giết mổ và chứa đựng, người ra vào cơ sở.

- Các chợ, điểm tập trung, nơi buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật, nơi thu gom chất thải; các trục đường giao thông, nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

- Phương tiện, dụng cụ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, chất thải của động vật, phương tiện vận chuyển ra vào vùng dịch và qua các trạm, chốt kiểm dịch động vật.

- Vùng có dịch bệnh xảy ra; nơi có gia súc gia cầm bệnh, chết; nơi công cộng, bãi chăn thả trong phạm vi uy hiếp của dịch bệnh; khu vực xử lý hoặc chôn gia súc, gia cầm.

2.3. Thi gian và phương thức:

a) Khử trùng tiêu độc định kỳ: Tổ chức thực hiện 04 đợt chính trong năm như sau:

- Đợt I: Từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2020 (kết hợp thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau Tết Nguyên đán);

- Đợt II: Từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2020;

- Đợt III: Từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2020;

- Đợt IV: Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2020.

b) Khử trùng tiêu độc đột xuất: Tiến hành khi có dịch bệnh xảy ra, dịch bệnh uy hiếp hoặc diễn biến dịch bệnh và thời tiết phức tạp có nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh cao, đột xuất theo phát động và chương trình đột xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y.

2.4. Triển khai thực hiện:

a) Công tác chuẩn bị:

- UBND cấp huyện: Chỉ đạo việc lập và phê duyệt kế hoạch chi tiết (kinh phí, vật tư, nhân lực, tập huấn, tổ chức thực hiện...); giao trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn, cơ quan liên quan, UBND cấp xã và các đoàn thể tại địa phương phối hợp tổ chức thực hiện.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản căn cứ tình hình dịch tễ để lập kế hoạch mua, tiếp nhận, dự trữ, bảo quản cấp phát đủ số lượng, chủng loại hóa chất, phân bổ đúng thời gian theo yêu cầu; hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật trong công tác vệ sinh, TĐKT; phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện lập chứng từ và thanh quyết toán đúng quy định.

b) Tổ chức tiêu độc khử trùng:

- Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản:

+ Phân bổ hóa chất theo kế hoạch và nhu cầu của các địa phương;

+ Kiểm tra, giám sát việc thực TĐKT của các địa phương, đơn vị. Phối hợp trong quản lý, kiểm tra, giám sát tiêu hủy vỏ lọ, thanh quyết toán hóa chất với Trung tâm Nông nghiệp;

+ Báo cáo kết quả thực hiện công tác TĐKT định kỳ, đột xuất về Sở Nông nghiệp và Cục Thú y theo quy định.

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phòng Kinh tế): Có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản và Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện trong kiểm tra, giám sát tiêu hủy vỏ lọ hóa chất và thanh quyết toán theo quy định.

- Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện:

+ Là đầu mối tiếp nhận, quản lý hóa chất và tổ chức thực hiện công tác KTTĐ trên địa bàn toàn huyện, thành phố;

+ Cấp phát hóa chất, hướng dẫn chuyên môn cho các hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao tự tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại cơ sở của mình và giám sát việc thực hiện của các hộ chăn nuôi;

+ Phối hợp với UBND cấp xã tổ chức các tổ, đội phun thuốc để tổ chức các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đối với các khu vực công cộng theo kế hoạch và đột xuất; tổ chức chống dịch, kiểm dịch động vật, các hoạt động phòng chống dịch khác (xử lý, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật);

+ Quản lý và chịu trách nhiệm về việc sử dụng hóa chất tại địa phương. Thu hồi vỏ lọ đựng hóa chất đã sử dụng và tổ chức tiêu hủy; lập hồ sơ thanh, quyết toán việc sử dụng hóa chất theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản;

+ Báo cáo kết quả thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ, đột xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) và UBND huyện, thành phố.

3. Các nội dung khác:

Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hội thảo; kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; tổ chức chống dịch; giám sát dịch bệnh; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm thực hiện theo Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 1520/KH-UBND ngày 20/3/2019 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các văn bản chỉ đạo khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch: 12.378.774.800 đồng (Mười hai tỷ, ba trăm bảy mươi tám triệu, bảy trăm bảy mươi bốn ngàn, tám trăm đồng), trong đó:

a) Kinh phí từ ngân sách cấp tỉnh: 8.370.000.000 đồng, gồm:

- Kinh phí mua vắc xin: 3.690.286.200 đồng (Chi tiết tại Phụ lục 1);

- Kinh phí mua hóa chất: 4.050.000.000 đồng (Chi tiết tại Phụ lục 2);

- Kinh phí đấu thầu mua các loại vắc xin, hóa chất: 42.713.800 đồng.

- Kinh phí phòng, chống dịch cấp tỉnh: 587.000.000 đồng (Chi tiết tại Phụ lục 3);

b) Kinh phí từ ngân sách cấp huyện: 4.008.774.800 đồng (Chi tiết tại Phụ lục 4).

2. Nguồn kinh phí:

a) Dự toán kinh phí (mua vắc xin, hóa chất thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật và kinh phí thực hiện các chương trình, đề án) đã phân bổ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020 theo Quyết định số 2544/QĐ-UBND ngày 07/12/2019 của UBND tỉnh.

b) Cân đối từ ngân sách cấp huyện năm 2020, số tiền: 4.008.774.800 đồng.

c) Ngân sách Trung ương hỗ trợ mua vắc xin LMLM type O và A để tiêm phòng cho đàn trâu bò của tỉnh theo Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM thực hiện theo Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY ngày 17/2/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2016 - 2020.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện Kế hoạch:

a) Quản lý, sử dụng kinh phí được phân bổ trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và đúng mục đích; tập hợp đầy đủ hồ sơ, chứng từ và thanh quyết toán theo đúng quy định.

b) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hướng dẫn chuyên môn, cung ứng vắc xin, hóa chất và các vật tư phòng chống dịch được phê duyệt, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch ở cấp tỉnh.

c) Kiểm tra, giám sát đôn đốc hoạt động phòng chống dịch ở cấp huyện, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo các tình huống phát sinh trong công tác phòng chống dịch cho động vật trên toàn tỉnh.

2. Sở Tài chính:

a) Thông báo dự toán kinh phí được phân bổ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời hướng dẫn quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và thanh quyết toán theo đúng quy định.

b) Tham mưu UBND tỉnh bố trí bổ sung kinh phí để: mua vắc xin tiêm phòng bệnh Lở mồm long móng trên đàn lợn khi thiếu; thực hiện các biện pháp bao vây, xử lý ổ dịch, chống dịch khi dịch bệnh Tai xanh, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hoặc bệnh truyền nhiễm mới trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra.

3. Các sở: Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Công an tỉnh và các ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp thực hiện kế hoạch đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

4. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:

a) Chỉ đạo việc lập và phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020; bố trí kinh phí, nhân lực để tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch phù hợp với tình hình của địa phương; chỉ đạo các đơn vị và nhân dân địa phương thực hiện nghiêm túc Luật Thú y và kế hoạch này.

b) Khi xuất hiện ổ dịch tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính) để đề nghị hỗ trợ kinh phí theo quy định.

c) Chủ động cân đối ngân sách huyện năm 2020, kinh phí 4.008.774.800 đồng (Chi tiết theo Phụ lục 04) để thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

5. Các trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi nghiêm túc chấp hành hướng dẫn, chỉ đạo chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật.

6. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lâm Đồng xây dựng chuyên mục, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia và thực hiện tốt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật.

 

PHỤ LỤC 1

DỰ TOÁN KINH PHÍ MUA VẮC XIN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh)

Stt

Loại vắc xin

Số lượng
(liều)

Đơn giá
(đồng/liều)

Thành tiền
(đồng)

1

Vắc xin LMLM heo

47.300

18.900

893.970.000

2

Vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò

134.750

5.460

735.735.000

3

Vắc xin kép Nhị liên (THT, PTH heo)

155.840

3.150

490.896.000

4

Vắc xin Dịch tả heo

155.840

1.680

261.811.200

5

Vắc xin Cúm gia cầm

396.000

380

150.480.000

6

Vắc xin Dại chó

81.050

14.280

1.157.394.000

Tổng cộng

 

 

3.690.286.200

 

PHỤ LỤC 2

DỰ TOÁN KINH PHÍ MUA HÓA CHẤT NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh)

Stt

Loại hóa chất

Số lượng
(lít)

Đơn giá
(đồng/lít)

Thành tiền
(đồng)

1

Hóa chất RTD - Iodine

10.000

135.000

1.350.000.000

2

Hóa chất Navet - Iodine

10.000

135.000

1.350.000.000

3

Hóa chất Vetvaco - Iodine

10.000

135.000

1.350.000.000

Tổng cộng

30.000

 

4.050.000.000

 

PHỤ LỤC 3

DỰ TOÁN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH THƯỜNG XUYÊN CẤP TỈNH NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh)

Stt

Nội dung

Số tiền
(đồng)

Ghi chú

1

Tuyên truyền, tập huấn, hội thảo

172.070.000

 

2

Bảo hộ lao động

38.000.000

 

3

Chi phí lấy mẫu xét nghiệm để giám sát và chẩn đoán

73.840.000

 

4

Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tiêm phòng và chống dịch, tiêu hủy vỏ lọ, công tác quản lý

220.090.000

 

5

Chi phí tiếp nhận, bảo quản, giao nhận, quyết toán vắc xin, hóa chất

83.000.000

 

Tổng cộng

587.000.000

 

 

PHỤ LỤC 4

DỰ TOÁN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH THƯỜNG XUYÊN CẤP HUYỆN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: đng

Stt

Đơn vị

Tiêm phòng

Khử trùng, tiêu độc

Hoạt động khác

Tổng cộng

1

Huyện Lạc Dương

83.895.000

81.383.760

45.434.000

210.712.760

2

Thành phố Đà Lạt

96.979.560

17.969.340

10.655.000

125.603.900

3

Huyện Đơn Dương

190.485.000

38.199.000

53.000.000

281.684.000

4

Huyện Đức Trọng

352.920.000

91.800.000

64.000.000

508.720.000

5

Huyện Lâm Hà

340.170.000

187.680.000

59.796.000

587.646.000

6

Huyện Đam Rông

69.760.860

76.010.400

47.255.000

193.026.260

7

Huyện Di Linh

230.028.360

191.067.420

46.160.000

467.255.780

8

Thành phố Bảo Lộc

289.682.040

168.300.000

42.000.000

499.982.040

9

Huyện Bảo Lâm

124.440.000

29.070.000

47.500.000

201.010.000

10

Huyện Đạ Huoai

256.122.000

61.812.000

0

317.934.000

11

Huyện Đạ Tẻh

234.600.000

71.400.000

50.000.000

356.000.000

12

Huyện Cát Tiên

214.200.000

0

45.000.000

259.200.000

Tổng cộng

2.483.282.820

1.014.691.920

510.800.000

4.008.774.800

 

PHỤ LỤC 5

TỔNG HỢP DỰ TOÁN KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG DỊCH ĐỘNG VẬT NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: đồng

STT

Nội dung

Kinh phí

Ghi chú

1

Kinh phí ngân sách cấp tỉnh

8.370.000.000

 

a

Kinh phí mua vắc xin

3.690.286.200

 

b

Kinh phí mua hóa chất

4.050.000.000

 

c

Kinh phí cho cho công tác đấu thầu mua các loại vắc xin, hóa chất

42.713.800

 

d

Kinh phí PCD cấp tỉnh

587.000.000

 

2

Kinh phí từ ngân sách cấp huyện

4.008.774.800

 

Tổng cộng

12.378.774.800