Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 11 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT VỤ ĐÔNG XUÂN

Hiện nay tình hình dịch bệnh và kết quả giám sát các loại mầm bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Tai xanh, Dại,… vẫn còn lưu hành ở mức cao tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước và có chiều hướng gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm, làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong năm 2019 đạt được nhiều kết quả quan trọng, các ổ dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đã được khống chế. Tuy nhiên do mầm bệnh vẫn còn tồn lưu, phát tán trong môi trường, diễn biến phức tạp của thời tiết tác động tiêu cực đến sức khỏe của đàn vật nuôi, kết hợp với các hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật phục vụ tiêu dùng cuối năm gia tăng, việc tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ và bị hạn chế do dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trong thời gian qua nên nguy cơ dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý là rất cao.

Thực hiện Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân. Để chủ động tăng cường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật:

- Đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Triển khai, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019; chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019, Công điện số 667/CĐ-TTg ngày 04/6/2019; các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 04/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các văn bản khác của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Đối với các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác: triển khai, thực hiện theo Quyết định số 1037/KH-UBND ngày 17/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 04/6/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh), đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống bệnh Lở mồm long móng (do hiện nay dịch Lở mồm long móng đã xảy ra tại 06 huyện (Cam Lộ, Vĩnh Linh, Đakrông, Triệu Phong, Gio Linh, Hướng Hóa) tỉnh Quảng Trị và có nguy cơ lây lan vào tỉnh ta rất cao.

- Chỉ đạo công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống đổ ngã, đói rét cho gia súc; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp gia súc, gia cầm cho người dân nuôi trên địa bàn, yêu cầu các dự án tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng vật nuôi, quy định về kiểm dịch động vật.

b) Tổ chức triển khai tiêm phòng các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm vụ Thu năm 2019 và năm 2020 (vụ Xuân và vụ Thu) đạt trên 80% tổng đàn để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm, chó nuôi đặc biệt là tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng cho đàn trâu bò. Phân công cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong công tác tiêm phòng (quản lý chất lượng, số lượng, chủng loại, hạn dùng; việc bảo quản vắc xin, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng...).

c) Đồng loạt tổ chức Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất từ ngày 01/11/2019-01/12/2019 tại các khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực sau lũ lụt, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm theo tinh thần tại Công văn số 7724/BNN-TY ngày 15/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công văn số 8040/UBND-NN ngày 29/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuyên truyền việc xã hội hóa công tác tiêu độc khử trùng để người dân chủ động thực hiện tại khu vực chăn nuôi của mình.

d) Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã, đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định.

đ) Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

e) Bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm để được công nhận an toàn dịch bệnh theo quy định.

g) Chủ động xây dựng Kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật và kinh phí phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi năm 2020. Khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc các bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn, Dịch tả lợn Châu Phi thì tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm và tổ chức tiêu hủy ngay ổ dịch đầu tiên để tránh lây lan ra diện rộng. Chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời công tác phòng chống dịch, hỗ trợ chủ nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh ở lợn theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 10/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

h) Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh.

i) Chỉ đạo triển khai thực hiện việc cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

k) Chỉ đạo nuôi trồng thủy sản theo lịch thời vụ; quy hoạch vùng nuôi và xử lý nước thải; tôm giống phải được kiểm dịch, xét nghiệm PCR trước khi thả nuôi.

l) Trước, trong, sau Tết Nguyên đán Canh Tý và các ngày lễ lớn trong năm, chỉ đạo đoàn liên ngành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Luật Thú y.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế và các ngành liên quan:

a) Tổ chức phòng bệnh chủ động bằng việc triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, chó nuôi đạt miễn dịch quần thể, đặc biệt chú ý tiêm phòng các bệnh Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng ở trâu bò; Dịch tả, Tụ huyết trùng ở lợn; Cúm gia cầm, Niu cát xơn, dịch tả ở gia cầm; Dại ở chó mèo và các bệnh bắt buộc phải phòng bệnh bằng vắc xin theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật nhằm hạn chế dịch bệnh, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng đặc biệt là các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp gia súc, gia cầm cho người dân nuôi trên địa bàn. Túc trực 24/24h tại 02 chốt Phong Thu và Lộc Thủy trên Quốc lộ 1A; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

c) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-83: 2011/BNNPTNT được ban hành theo Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d) Tổ chức giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi đối với cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm đảm bảo dịch bệnh được khống chế và không lây lan ra diện rộng.

đ) Thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở; bao gồm cả việc kiểm tra, hướng dẫn công tác xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phù hợp để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2020 ở các cấp.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, thủ trưởng sở, ban, ngành liên quan có kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi và tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Thú y;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: NN&PTNT, TC, YT, GTVT, CT, TN&MT;
- UBND các huyện, thị xã, TP Huế;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Thừa Thiên Huế;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- VP: LD và các CV;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương