Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1668/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 10 tháng 7 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ, MỨC HỖ TRỢ KINH PHÍ TRONG PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 1648/STC-QLNS ngày 05 tháng 7 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi như sau:

1. Hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi với mức cụ thể như sau:

a) Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi;

b) Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức hỗ trợ cụ thể như sau:

a) Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 8.000 đồng/kg lợn hơi;

b) Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi.

Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

3. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) và chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con lợn đến ngày 31/12/2019 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.

4. Hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ thú y và những người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật là 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 400.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.

5. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục hỗ trợ:

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

6. Nguồn lực và cơ chế hỗ trợ:

a) Nguồn lực:

- Dự phòng ngân sách tỉnh.

- Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh.

- Dự phòng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố Huế.

- Các nguồn tài chính hợp pháp khác.

b) Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách tỉnh:

- Đối với chi phí phòng, chống dịch như: Chi phí hóa chất các loại để khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, môi trường; mua trang phục phòng hộ cho người tham gia phòng, chống dịch; chi phí hỗ trợ người tham gia phòng chống dịch; kinh phí tuyên truyền, kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch,… các huyện, thị xã và thành phố Huế (gọi chung là các huyện) chủ động sử dụng nguồn ngân sách cấp huyện để thực hiện.

- Đối với phần chi phí hỗ trợ chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, phần 30% còn lại các huyện chủ động sử dụng nguồn ngân sách cấp huyện để thực hiện.

c) Quy định khác:

Trường hợp các huyện có mức độ thiệt hại lớn, phần ngân sách địa phương đảm bảo tại điểm b nói trên vượt quá 10% nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện (không bao gồm dự phòng ngân sách cấp xã), ngân sách tỉnh sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá 10% dự phòng ngân sách cấp huyện để các huyện có đủ nguồn lực thực hiện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, làm đầu mối thực hiện chính sách, nắm bắt kịp thời vướng mắc trong quá trình thực hiện để xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý.

b) Theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại do dịch bệnh tả lợn Châu Phi của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí của các địa phương gửi Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định; hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách, mức hỗ trợ nêu trên.

2. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương theo quy định.

b) Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính bổ sung nguồn kinh phí thực hiện chính sách.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

a) Tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn (gồm cả các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng); chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã để hỗ trợ kịp thời cho các chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo mức quy định tại Quyết định này.

b) Trường hợp có khó khăn về kinh phí, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, đề xuất nhu cầu gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu tổng hợp.

c) Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và mức quy định, dưới sự giám sát của người dân, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách.

d) Tổng hợp các khó khăn vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý kịp thời.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã:

Chịu trách nhiệm xác định chính xác đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ cho từng đối tượng, chi trả, thanh, quyết toán kinh phí đúng đối tượng, đúng chế độ, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.

5. Các quy định khác không nêu trong Quyết định này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp

a) Đối với các trường hợp xảy ra dịch và đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trước ngày 27/6/2019 thì áp dụng mức hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 917/QĐ-UBND ngày 11/4/2019, Quyết định số 1253/QĐ-UBND ngày 24/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định hiện hành khác.

b) Đối với các trường hợp xảy ra dịch và đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận từ ngày 27/6/2019 đến ngày Quyết định có hiệu lực thi hành thì áp dụng mức hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

a) Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 917/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND tỉnh về quy định hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh và Quyết định số 1253/QĐ-UBND ngày 24/5/2019 của UBND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 917/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND tỉnh.

b) Quyết định này sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2019.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương