Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
 ******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 ******

Số: 28/2003/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI KHỎE PHÙ ĐỔNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI - 2004

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Công văn số 951/CPKG ngày 13/3/2001 của Văn phòng Chính phủ về việc Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ngành tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VI năm 2004 tại Thừa Thiên Huế;
Sau khi thỏa thuận với Uỷ ban Thể dục Thể thao, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tại cuộc họp ngày 24/7/2002 tỉnh Thừa Thiên Huế và theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Điều lệ 15 môn thi tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VI-2004 gồm: Điền kinh, Thể dục, Cầu lông, Đá cầu, Cờ vua, Bóng bàn, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bơi lội, Vật tự do, Karatedo, Taekwondo, Judo và Bắn nỏ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng; Vụ trưởng các Vụ: Vụ Giáo dục thể chất; Vụ Kế hoạch và Tài chính; Vụ Trung học phổ thông; Vụ Tiểu học; Vụ Công tác chính trị; Ban Chỉ đạo Hội khỏe Phù Đổng các cấp; Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo; Ban Tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VI và các thành viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Vọng

 

ĐIỀU LỆ

15 MÔN THI HỘI KHỎE PHÙ ĐỔNG TOÀN QUỐC LẤN THỨ VI - 2004

(ban hành kèm theo Quyết định số 28/2003/QĐ-BGDĐT ngày 23/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích:

Hội khỏe Phù Đổng (viết tắt là HKPĐ) là đại hội thể dục thể thao của học sinh phổ thông các bậc học, cấp học nhằm:

- Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, thường xuyên tập luyện và thi đấu các môn thể thao trong học sinh phổ thông toàn quốc để nâng cao thể lực và góp phần giáo dục nhân cách cho thanh thiếu niên học sinh.

- Đánh giá công tác giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông các cấp.

- Thông qua các môn thi đấu để phát hiện những năng khiếu thể thao của học sinh phổ thông nhằm bồi dưỡng đào tạo tài năng thể thao cho đất nước.

2. Yêu cầu:

- Trong năm học 2003 - 2004 tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức HKPĐ cấp tỉnh, nghiêm túc, trang trọng, thiết thực, tránh lãng phí. Các Sở Giáo dục và Đào tạo gửi kế hoạch tổ chức HKPĐ các cấp của địa phương và báo cáo kết quả cụ thể của HKPĐ về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc phải được tổ chức đảm bảo yêu cầu là ngày hội thể dục thể thao với các hoạt động thi đấu lành mạnh, trung thực, đúng Điều lệ và các hoạt động tập thể lành mạnh, mang tính giáo dục, đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

II. NỘI DUNG

A. Các môn và nội dung thi đấu ở khu vực:

Các môn thi tại khu vực được trao giải thưởng, được tính điểm và được trao huy chương để cộng vào thành tích chung của HKPĐ toàn quốc (gọi tắt là đại hội).

1. Điền kinh: Trung học cơ sở (THCS).

2. Bóng bàn: Tiểu học và THCS.

3. Bóng đá:

Tiểu học: Vòng loại bóng đá mini nam (5 - 5).

THCS: Vòng loại bóng đá mini nam (7 - 7).

Trung học phổ thông (THPT): Vòng loại bóng đá nam sân lớn (11 - 11) và vòng loại bóng đá mini nữ (5 - 5).

4. Bóng rổ: THCS.

5. Cầu lông: THCS.

6. Bóng chuyền: THCS (3 - 3).

7. Đá cầu: Tiểu học và THCS.

8. Thể dục: THCS.

B. Các môn và nội dung thi chung kết tại Thừa Thiền - Huế.

1. Điền kinh: THPT.

2. Bơi lội: Thi đấu theo 4 lứa tuổi.

3. Cờ vua: Thi đấu theo 6 lứa tuổi.

4. Bóng bàn: THPT.

5. Chung kết bóng đá nam, nữ các bậc học, cấp học.

6. Bóng chuyền: THPT.

7. Đá cầu: THPT.

8. Cầu lông: THPT.

9. Bóng rổ: THPT.

10. Vật tự do nam các hạng cân: THCS và THPT.

11. Judo các hạng cân: THCS và THPT.

12. Karatedo các hạng cân: THCS và THPT.

13. Taekwondo các hạng cân: THCS và THPT.

14. Thể dục: THPT.

15. Bắn nỏ: THCS và THPT.

III. ĐƠN VỊ VÀ ĐỐI TƯỢNG DỰ THI

A. Đơn vị dự thi:

Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập một đoàn thể thao học sinh phổ thông tham gia thi đấu các môn theo quy định của Điều lệ Hội khỏe Phù Đổng.

B. Đối tượng dự thi:

1. Học sinh trong năm 2003 - 2004 đang học tại các trường tiểu học, THCS và THPT, (bao gồm các trường công lập, bán công, dân lập, tư thục với chương trình học là chương trình phổ thông đầy đủ hiện hành), được xếp loại học lực trung bình trở lên, hạnh kiểm khá trở lên và có đủ sức khỏe.

Học sinh các loại hình trường học khác không được dự thi.

2. Học sinh dự thi các môn và các nội dung theo cấp học, tuổi tối đa ở từng cấp học quy định như sau:

Tiểu học: tối đa 11 tuổi; sinh từ năm 1993 trở lại đây.

THCS: tối đa 15 tuổi; sinh từ năm 1989 trở lại đây.

THPT: tối đa 18 tuổi; sinh từ năm 1986 trở lại đây.

3. Học sinh học ở cấp học dưới quá tuổi theo quy định được phép dự thi ở lứa tuổi của học sinh học ở cấp học trên liền kề. Mỗi học sinh cho được đăng ký và thi đấu ở một lứa tuổi.

4. Chỉ tổ chức thi đấu khi mỗi môn thi hoặc mỗi nội dung của môn thi có vận động viên (VĐV) của 4 đơn vị trở lên tham gia.

5. Học sinh đang học tại trường phổ thông thuộc địa phương nào thì do Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đó cử đi. Riêng đối với VĐV học sinh do các tỉnh cử đi tập huấn thể dục thể thao (TDTT) tại các Trung tâm TDTT quốc gia theo yêu cầu của Uỷ ban Thể dục Thể thao, được ưu tiên thi đấu cho đơn vị cử; nếu đơn vị cử đi tập huấn không rút về thì VĐV đó được quyền thi đấu cho địa phương nơi VĐV đó đang theo học.

IV. ĐĂNG KÝ DỰ THI

A. Hồ sơ dự thi:

1. Danh sách đăng ký học sinh dự thi do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ký và đóng dấu gồm:

- 01 bản đăng ký số lượng VĐV sẽ dự thi theo các môn và nội dung thi.

- 02 bản đăng ký tổng hợp danh sách dự thi chung cho các môn (1 bản gửi về Vụ Giáo dục thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 49 Đại Cồ Việt Hà Nội, 1 bản nộp tại địa điểm dự thi), 1 ảnh 4cm x 6cm của mỗi VĐV, huấn luyện viên (HLV), lãnh đạo đoàn và các thành viên khác của đoàn để làm thẻ đại hội, phía sau ảnh ghi rõ họ, tên VĐV và môn thi.

- Đăng ký chi tiết cụ thể từng nội dung thi, cự ly thi của từng môn thi (nam riêng, nữ riêng cho từng cấp học) mỗi loại 2 bản.

2. Bản sao giấy khai sinh (bản sao phải có công chứng của Nhà nước).

3. Học bạ (bản chính) theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học bạ mới của lớp đầu cấp học (lớp 6, 10) phải kèm theo học bạ của cấp học dưới và bằng tốt nghiệp của cấp học dưới.

4. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận đủ sức khỏe tham gia nội dung mà học sinh sẽ dự thi.

5. Phiếu thi đấu:

 

PHIẾU DỰ THI HỘI KHOẺ PHÙ ĐỔNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI - 2004

 

Môn thi:

Bậc, cấp học:

Ảnh cỡ 4cm x 6cm có dấu giáp lai của trường

 

 

Chữ ký của học sinh

- Họ và tên:                                                         nam, nữ:

- Ngày tháng năm sinh

- Lớp:                              Trường:

- Địa chỉ theo hộ khẩu thường trú:

thuộc Quận (huyện ...), tỉnh, thành phố...

Xếp loại học lực:                                                Hạnh kiểm:

 

GVCN ký

(Ghi rõ họ tên)

Hiệu trưởng

(Ký, đóng dấu. Ghi rõ họ tên)

Trưởng phòng GD và ĐT

(Đối với học sinh TH, THCS)

Giám đốc Sở GD và ĐT

(Ký, đóng dấu, Ghi rõ họ tên)

 

Chú ý: Giấy khám sức khỏe và phiếu thi đấu Ban tổ chức sẽ lưu giữ không trả lại. Học bạ và bản sao khai sinh sẽ trả lại khi kết thúc HKPĐ.

B. Thời hạn đăng ký dự thi các môn thi tại khu vực và các môn thi chung kết:

1. Thời hạn đăng ký số lượng VĐV tham gia môn thi (chưa cần tên cụ thể) sẽ dự thi các nội dung của các môn thi: ngày 31 tháng 01 năm 2004.

2. Thời hạn đăng ký các môn thi tại khu vực (có tên cụ thể): trước ngày 15 tháng 02 năm 2004.

3. Thời hạn đăng ký các môn thi chung kết tại Thừa Thiên - Huế (có tên cụ thể): trước ngày 20 tháng 4 năm 2004.

4. Nơi nhận đăng ký: Vụ Giáo dục thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 49 Đại Cồ Việt Hà Nội. Điện thoại: (04) 8694795 (máy lẻ 211); Điện thoại và Fax: (04) 8694983; (04) 8694029.

C. Các quy định khác:

1. Trang phục trình diễn và trang phục thi đấu theo quy định của Điều lệ và luật phải thống nhất theo từng đoàn và phải in rõ tên đơn vị lên lưng áo.

2. Lãnh đạo đoàn và các cán bộ phụ trách từng môn thi phải là lãnh đạo Sở giáo dục và Đào tạo và các cán bộ, giáo viên thuộc ngành giáo dục và đào tạo do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định.

3. Huấn luyện viên và chỉ đạo viên từng nội dung thi do Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Sở Thể dục Thể thao để quyết định.

4. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nhân sự của đơn vị mình.

5. Sau khi đã đăng ký dự thi không được thay đổi nội dung đã đăng ký.

Đối với các môn thi tại khu vực, việc kiểm tra hồ sơ tại thời điểm thi (căn cứ kết quả xếp loại học lực và hạnh kiểm của học kỳ I niên học 2003 - 2004). Yêu cầu nhà trường ghi điểm vào học bạ, kèm theo phiếu xác nhận và đóng dấu của Hiệu trưởng.

V. HÌNH THỨC, ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN THI ĐẤU

1. Hình thức: Tổ chức 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Thi đấu tại khu vực.

Giai đoạn 2: Chung kết tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

2. Địa điểm thi đấu: Gồm 5 khu vực dựa theo địa dư và căn cứ vào lực lượng tương đối đồng đều giữa các đơn vị trong khu vực:

- Khu vực I: Miền núi phía Bắc và trung du: Thi đấu tại tỉnh Thái Nguyên, gồm 13 đơn vị sau: Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.

- Khu vực II: Đồng bằng châu thổ sông Hồng: Thi đấu tại tỉnh Hà Tây, gồm 12 đơn vị sau: Hà Tây, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc và Thái Bình.

- Khu vực III: Duyên hải miền Trung: Thi đấu tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, gồm 12 đơn vị sau: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

- Khu vực IV: Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ - Tây Nguyên: Thi đấu tại tỉnh Lâm Đồng, gồm 12 đơn vị sau: Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Sóc Trăng.

- Khu vực V: Thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ: Thi đấu tại tỉnh Đồng Tháp, gồm 12 đơn vị sau. Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh và Cần Thơ.

3. Thời gian:

- Thi đấu khu vực: Từ ngày 05 tháng 3 đến ngày 20 tháng 4 năm 2004. Các đơn vị đăng cai tổ chức khu vực chủ động lập kế hoạch, thời gian tổ chức và báo cáo về Bộ trước ngày 31 tháng 12 năm 2003.

- Thi đấu chung kết: Từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 09 tháng 8 năm 2004. (Sẽ có lịch cụ thể của từng môn sau).

- Khai mạc: Dự kiến ngày 01 tháng 8 năm 2004.

- Bế mạc: Dự kiến ngày 09 tháng 8 năm 2004.

VI. TÍNH ĐIỂM VÀ XẾP HẠNG

1. Điểm từng nội dung thi (cá nhân, đôi, đồng đội, tập thể) của từng môn thi chỉ tính theo xếp hạng từ thứ 1 đến thứ 10. Cách tính như sau:

Xếp hạng 1 = 11 điểm; xếp hạng 2 = 9 điểm; xếp hạng 3 = 8 điểm; xếp hạng 4 = 7 điểm; xếp hạng 5 = 6 điểm (thứ 5 đến thứ 8 đối với các nội dung thi theo thể thức loại trực tiếp); xếp hạng 6 = 5 điểm; xếp hạng 7 = 4 điểm; xếp hạng 8 = 3 điểm; xếp hạng 9 = 2 điểm (thứ 9 đến thứ 16 đối với các nội dung thi theo thể thức loại trực tiếp); xếp hạng 10 = 1 điểm.

2. Điểm thưởng:

- Đăng cai tổ chức khu vực được 30 điểm.

- Tham gia mỗi nội dung của các môn Bóng đá, Bóng rổ, Thể dục được 5 điểm. Điểm thưởng không được nhân hệ số.

3. Các môn thi kết thúc tại khu vực: (không về chung kết ở Thừa Thiên - Huế) được trao huy chương, tính điểm để cộng vào điểm toàn đoàn của đại hội.

4. Điểm từng môn: Tổng điểm đạt được ở các nội dung thi của môn đó sau khi đã cộng với điểm đạt được ở khu vực.

Điểm môn Bóng đá HKPĐ toàn quốc lần thứ VI được cộng thêm điểm theo kết quả thi đấu của Giải Bóng đá HKPĐ học sinh tiểu học và học sinh THCS tổ chức năm 2003 để xếp hạng toàn đoàn môn Bóng đá và được nhân hệ số 2.

5. Điểm các môn thi tập thể: Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền (6 - 6) được nhân hệ số 5, Thể dục được nhân hệ số 3. Bóng đá nam THPT được nhân hệ số 7 (chỉ tính khi chung kết tại Thừa Thiên - Huế). Bóng đá khu vực, Bóng chuyền THCS (3 - 3) và Thể dục THCS được nhân hệ số 2.

6. Điểm và xếp hạng toàn đoàn HKPĐ theo điểm:

Điểm toàn đoàn: Là tổng điểm đạt được ở tất cả các môn thi của đơn vị.

Xếp hạng toàn đoàn theo điểm: Theo thứ tự từ cao xuống thấp của tổng điểm đạt được của đơn vị. Nếu bằng điểm nhau sẽ xét theo tổng số huy chương đạt được theo thứ tự huy chương vàng, bạc, đồng.

7. Xếp hạng toàn đoàn HKPĐ theo huy chương: Theo thứ tự của tổng số huy chương vàng, sau đó đến huy chương bạc, huy chương đồng.

Chương 2:

ĐIỂU LỆ TỪNG MÔN

I. ĐIỀN KINH

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Nội dung:

a) Thi đấu tại khu vực: Trung học cơ sở:

Nam: Chạy 100m, 200m, 1500m, tiếp sức 4 x 100m, nhảy xa, nhảy cao, ném bóng xa (150 gam).

Nữ: Chạy 100m, 200m, 800m, tiếp sức 4 x 100m, nhảy xa, nhảy cao, ném bóng xa (150 gam).

b) Thi đấu chung kết tại Thừa Thiên - Huế: Trung học phổ thông:

Nam: Chạy 100m, 200m, 400m, 800m, 1500m, 5000m, tiếp sức 4 x 100m, nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ 5kg.

Nữ: Chạy 100m, 200m, 800m, 1500m, 3000m, tiếp sức 4 x 100m, nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ 3kg.

3. Thể thức thi đấu:

Thi cá nhân, đồng đội tiếp sức.

4. Số lượng VĐV dự thi:

Mỗi bậc học, mỗi đơn vị được đăng ký ở mỗi nội dung cá nhân là 02 VĐV, và 1 đội tiếp sức, mỗi VĐV được dự thi tối đa 3 nội dung (kể cả nội dung tiếp sức 4 x 100m).

5. Luật thi đấu:

Áp dụng Luật Điền kinh hiện hành của Uỷ ban Thể dục Thể thao và Thông báo số 1513/UBTDTT- TTCI ngày 20/9/2002 về việc thay đổi về luật thi đấu Điền kinh.

6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Mục VI Chương 1.

Điểm toàn đoàn là tổng số điểm của các cá nhân của đơn vị đạt được ở khu vực và chung kết.

Nếu có 2 đoàn bằng điểm nhau, đoàn nào có thành tích cao hơn ở cự ly 1500m nữ được xếp trên (một trong hai đơn vị bằng điểm không dự thi nội dung 1500m nữ thì đơn vị dự thi và có thành tích ở nội dung này sẽ được xếp trên); bốc thăm.

7. Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba cho mỗi nội dung thi.

II. BƠI LỘI

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Nội dung thi đấu:

a) Lứa tuổi từ 11 tuổi trở xuống (tiểu học): sinh từ năm 1993 trở lại đây.

- Bơi tự do: 50m, 100m (nam, nữ).

- Bơi ếch: 50m, 100m (nam, nữ).

- Bơi ngửa: 50m, 100m (nam, nữ).

- Bơi bướm: 50m (nam, nữ).

- Bơi hỗn hợp: 200m (nam, nữ).

- Bơi tiếp sức: 4 x 50m tự do (nam, nữ), 4 x 50m hỗn hợp (nam, nữ).

b) Lứa tuổi 12 - 13 tuổi (THCS ): sinh từ năm 1991 trở lại đây.

- Bơi tự do: 50m, 100m, 200m (nam, nữ).

- Bơi ếch: 50m, 100m, 200m (nam, nữ).

- Bơi ngửa: 50m, 100m (nam, nữ).

- Bơi bướm: 50m (nam, nữ).

- Bơi hỗn hợp: 200m (nam, nữ).

- Bơi tiếp sức: 4 x 50m tự do (nam, nữ), 4 x 50m hỗn hợp (nam, nữ).

c) Lứa tuổi 14 - 15 tuổi (THCS): sinh từ năm 1989 trở lại đây.

- Bơi tự do: 50m, 100m, 200m (nam, nữ).

- Bơi ếch: 50m, 100m, 200m (nam, nữ).

- Bơi ngửa: 50m, 100m (nam, nữ).

- Bơi bướm: 50m, 100m (nam, nữ).

- Bơi hỗn hợp: 200m (nam, nữ).

- Bơi tiếp sức: 4 x 50m tự do (nam, nữ).

- Bơi tiếp sức: 4 x 50m hỗn hợp (nam, nữ).

d) Lứa tuổi 16 - 18 tuổi (THPT): sinh từ năm 1986 trở lại đây.

- Bơi tự do: 50m, 100m (nam, nữ), 200m (nữ), 400m (nam).

- Bơi ếch: 50m, 100m, 200m (nam, nữ).

- Bơi ngửa: 50m, 100m (nam, nữ).

- Bơi bướm: 50m, 100m (nam, nữ).

- Bơi hỗn hợp: 200m (nam, nữ).

- Bơi tiếp sức: 4 x 100m tự do (nam, nữ).

- Bơi tiếp sức: 4 x 100m hỗn hợp (nam, nữ).

3. Thể thức thi đấu: Thi cá nhân, đồng đội tiếp sức

4. Số lượng VĐV dự thi:

Trong mỗi cự ly của từng lứa tuổi, mỗi đơn vị được cử 01 VĐV dự thi.

Mỗi cự ly tiếp sức, mỗi đơn vị được cử 01 đội bơi tiếp sức dự thi.

Mỗi VĐV chỉ được đăng ký thi đấu tối đa 03 cự ly (kể cả nội dung tiếp sức).

5. Luật thi đấu: áp dụng Luật Bơi lội hiện hành của Uỷ ban Thể dục Thể thao.

6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Mục VI Chương 1.

Xếp hạng toàn đoàn: Theo thứ tự tổng điểm đạt được ở các nội dung thi của đơn vị. Nếu bằng nhau tính theo tổng huy chương vàng, bạc, đồng.

7. Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba cho mỗi nội dung thi.

III. BÓNG BÀN

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Nội dung:

a) Thi đấu tại khu vực:

Tiểu học: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ phối hợp.

THCS: Đồng đội nam, nữ, đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ phối hợp.

b) Thi đấu chung kết tại Thừa Thiên - Huế.

THPT: đồng đội nam, đồng đội nữ, đôi nam, đôi nữ, đơn nam, đơn nữ, đôi nam nữ phối hợp.

3. Hình thức thi đấu:

a) Giải đồng đội:

Thi đấu theo thể thức Swaythling, mỗi đội 3 VĐV thi đấu trong 5 trận đơn:

A gặp X; B gặp Y; C gặp Z; A gặp Y; B gặp X.

Mỗi trận đánh 5 ván thắng 3.

Nếu có trên 32 đội: thi đấu loại trực tiếp.

Nếu có từ 32 đội trở xuống thi đấu theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn I: Chia bảng đấu vòng tròn một lượt chọn đội nhất, nhì bảng vào giai đoạn II.

Giai đoạn II: Thi đấu loại trực tiếp.

b) Giải đơn, giải đôi: Thi đấu loại trực tiếp:

THPT: Đơn thi đấu trong 7 ván, thắng 4, đôi thi đấu trong 5 ván, thắng 3.

Tiểu học và THCS: Các trận đều thi đấu trong 5 ván, thắng 3.

c) Các VĐV cùng đơn vị không gặp nhau ở trận đầu.

4. Số lượng VĐV dự thi: Mỗi đơn vị được đăng ký:

a) THPT: 1 đội nam, 1 đội nữ (mỗi đội không quá 5 VĐV), 2 đôi nam, 2 đôi nữ, 2 đôi nam nữ phối hợp, 2 đơn nam, 2 đơn nữ.

b) THCS: 1 đội nam, 1 đội nữ (mỗi đội không quá 5 VĐV), 2 đôi nam, 2 đôi nữ, 2 đôi nam nữ phối hợp, 2 đơn nam, 2 đơn nữ.

c) Tiểu học: 2 đơn nam, 2 đơn nữ, 2 đôi nam, 2 đôi nữ, 2 đôi nam nữ phối hợp.

Các đơn vị đăng cai HKPĐ khu vực được đăng ký thêm 1 đơn nam, 1 đơn nữ, 1 đôi nam, 1 đôi nữ, 1 đôi nam nữ phối hợp ở mỗi cấp học.

5. Luật thi đấu:

Áp dụng Luật Bóng bàn hiện hành của Uỷ ban Thể dục Thể thao.

Bóng thi đấu: Bóng Song Hỷ mầu vàng có đường kính 40mm.

Trang phục thi đấu: Đồng phục trong thi đấu đồng đội và đôi.

6. Cách tính điểm và xếp hạng:

Theo Mục VI Chương 1.

Tính điểm và xếp hạng trong thi đấu vòng tròn: Thắng 2, thua 1, bỏ cuộc 0 điểm. Nếu 2 đội bằng điểm nhau, đội thắng trong trận trực tiếp xếp trên. Nếu có 3 đội trở lên bằng điểm nhau tính tỷ số trận thắng/thua, hiệp thắng thua, điểm thắng/thua của các đội đó với nhau. Căn cứ số đội được vào giai đoạn II để tính điểm cho các đội xếp hạng thấp ở vòng bảng. (Thí dụ: Nếu có 4 bảng thì các đội hạng 3 vòng bảng sẽ xếp hạng 9, các đội còn lại không được xếp hạng).

7. Các quy định khác

Chọn hạt giống: Các đơn vị đăng cai HKPĐ khu vực được ưu tiên chọn làm hạt giống.

Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba cho mỗi nội dung thi.

IV. CẦU LÔNG

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Nội dung:

a) Thi đấu tại khu vực: THCS: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ phối hợp và đồng đội nam, nữ.

b) Thi đấu chung kết tại Thừa Thiên - Huế: THPT: Đồng đội nam, đồng đội nữ, đôi nam, đôi nữ, đơn nam, đơn nữ, đôi nam nữ phối hợp.

3. Thể thức thi đấu:

a) Giải đồng đội: Thi đấu 2 trận đơn và 1 trận đôi. Mỗi trận đấu 3 hiệp thắng 2.

Vòng 1: Chia bảng đấu vòng tròn 1 lượt để lấy 2 đội nhất, nhì bảng (nếu quá 32 đội tham gia sẽ đấu loại trực tiếp). Tính điểm vòng 1: thắng 2 điểm, thua 1 điểm, bỏ cuộc 0 điểm. Nếu 2 đội bằng điểm nhau đội thắng trong trận trực tiếp xếp trên. Nếu có 3 đội trở lên bằng điểm nhau sẽ tính tỷ số trận thắng/thua, hiệp thắng/thua, điểm thắng/thua của các đội đó với nhau.

Vòng 2: Đấu loại trực tiếp.

b) Giải đơn, đôi: Đấu loại trực tiếp (mỗi trận đấu trong 3 hiệp).

4. Số lượng VĐV dự thi: Mỗi đơn vị được đăng ký VĐV dự thi:

a) THPT: 1 đội nam, 1 đội nữ (mỗi đội không quá 4 VĐV), 1 đôi nam, 1 đôi nữ, 1 đôi nam nữ phối hợp, 2 đơn nam, 2 đơn nữ.

b) THCS: 1 đội nam, 1 đội nữ (mỗi đội không quá 4 VĐV), 1 đôi nam, 1 đôi nữ, 1 đôi nam nữ phối hợp, 2 đơn nam, 2 đơn nữ.

c) Các đơn vị đăng cai HKPĐ khu vực được đăng ký thêm: 1 đơn nam, 1 đơn nữ, 1 đôi nam, 1 đôi nữ, 1 đôi nam nữ phối hợp ở mỗi bậc học.

Mỗi VĐV được đăng ký không quá 3 nội dung (kể cả đồng đội).

5. Luật thi đấu:

a) Áp dụng Luật Cầu lông hiện hành của Uỷ ban Thể dục Thể thao.

b) Các VĐV cùng đơn vị không gặp nhau trong trận đầu tiên.

c) Cầu thi đấu: Cầu Hải Yến, mã số HY 49-51.

d) Trang phục: Đồng phục trong thi đấu đồng đội và đôi.

6. Các quy định khác:

Chọn hạt giống: Các đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ toàn quốc và khu vực được chọn làm hạt giống.

Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba cho mỗi nội dung thi.

V. ĐÁ CẦU

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Nội dung:

a) Thi đấu tại khu vực:

Cấp THCS: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đội nam (3 người), đội nữ (3 người)

Tiểu học: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ.

b) Thi đấu chung kết tại Thừa Thiên - Huế: THPT: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đội nam (3 người), đội nữ (3 người).

3. Số lượng VĐV dự thi:

2 đơn nam, 2 đơn nữ, 2 đôi nam, 2 đôi nữ, 2 đôi nam nữ phối hợp, 1 đội nam, 1 đội nữ.

Đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ khu vực được cử thêm 1 đơn nam, 1 đơn nữ, 1 đôi nam, 1 đôi nữ, 1 đôi nam nữ phối hợp.

Mỗi VĐV được tham gia tối đa 2 nội dung (không kể nội dung đồng đội).

4. Thể thức thi đấu:

a) Thi đấu đội 3 người:

Mỗi đơn vị được cử 1 đội gồm 6 VĐV.

Mỗi trận thi đấu được cử 4 VĐV (3 VĐV đấu chính thức và 1 VĐV dự bị để thay người trong quá trình thi đấu).

Trên 32 đội tham gia: thi đấu loại trực tiếp 1 lần thua.

Từ 32 đội trở xuống tham gia:

Vòng I: Chia bảng đấu vòng tròn 1 lượt (số lượng bảng ở vòng I theo công thức 2n để chọn đội nhất, nhì bảng vào vòng II.

Vòng II: Đấu loại trực tiếp (nhất bảng này gặp nhì bảng kia).

b) Thi đấu đơn và đôi:

Thi đấu loại trực tiếp 1 lần thua nếu có trên 8 VĐV hoặc đôi tham gia.

Chia bảng đấu vòng tròn 1 lượt nếu có từ 8 VĐV hoặc đôi trở xuống.

Chọn nhất, nhì mỗi bảng vào thi đấu trực tiếp cho đến trận chung kết.

c) Cách tính điểm và xếp hạng (trong đấu vòng tròn):

Cách tính điểm: Thắng 2 điểm, thua 1 điểm, bỏ cuộc 0 điểm.

Xếp hạng:

Đội có tổng điểm cao hơn xếp trên.

Hai đội (đơn, đôi) bằng điểm nhau: Đội thắng trong trận trực tiếp xếp trên.

Ba đội (đơn, đôi) trở lên bằng điểm nhau tính theo thứ tự sau: Hiệu số hiệp thắng, hiệp thua, hiệu số điểm thắng, điểm thua; tổng điểm, bốc thăm.

5. Luật thi đấu:

Áp dụng theo Luật Đá cầu hiện hành của Ủy ban Thể dục Thể thao.

Cầu thi đấu: Cầu đá Việt Nam 201 của Ủy ban Thể dục Thể thao.

Trang phục thi đấu: Đồng phục trong thi đấu đồng đội và đôi (có in số trên lưng áo).

Các VĐV cùng đơn vị không gặp nhau trong trận đầu.

6. Cách tính điểm và xếp hạng. Theo Mục VI Chương 1.

7. Các quy định khác:

Chọn hạt giống: Các đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ khu vực được chọn làm hạt giống.

Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba cho mỗi nội dung thi đấu.

VI. CỜ VUA

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Nội dung: Thi đấu cá nhân, đồng đội theo 6 lứa tuổi:

a) Tiểu học: 6 - 9 tuổi (sinh từ năm 1995 trở lại đây); 10 - 11 tuổi (sinh từ năm 1998 trở lại đây).

b) THCS: 12 - 13 tuổi (sinh từ năm 1991 trở lại đây); 14 - 15 tuổi (sinh từ năm 1989 trở lại đây).

c) THPT: Đến 16 tuổi (sinh từ năm 1988 trở lại đây) 17 - 18 tuổi (sinh từ năm 1986 trở lại đây).

3. Thể thức thi đấu:

a) Theo hệ Thụy Sĩ trong 7 ván nếu có từ 11 đến 20 VĐV hoặc 9 ván nếu có 21 VĐV trở lên.

Trường hợp nếu có 10 VĐV trở xuống thì thi đấu vòng tròn 1 lượt.

b) Thời gian thi đấu quy định cho mỗi đấu thủ để hoàn thành ván cờ là 90 phút.

4. Số lượng VĐV dự thi:

Mỗi đơn vị được đăng ký dự thi 2 VĐV nam và 2 VĐV nữ ở mỗi lứa tuổi.

5. Luật thi đấu: Theo Luật Cờ vua hiện hành của Ủy ban Thể dục Thể thao.

6. Cách tính điểm xếp hạng: Theo Mục VI Chương 1.

a) Xếp hạng cá nhân theo điểm, hệ số, số ván thắng, số ván cầm quân đen, số ván thắng bằng quân đen, ván giữa các đấu thủ (nếu gặp nhau) và mầu quân của ván này; nếu vẫn bằng nhau thì bốc thăm xếp hạng.

b) Xếp hạng, đồng đội: Tổng điểm đạt được của 2 VĐV nam hoặc nữ ở mỗi lứa tuổi, nếu bằng nhau tính tổng thứ hạng, thứ hạng VĐV.

c) Xếp hạng toàn đoàn: Tổng điểm của các đội, tổng thứ hạng của các đội, thứ hạng đội nữ 6 - 9 tuổi.

7. Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba cho mỗi nội dung thi.

VII. BÓNG CHUYỀN

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Nội dung:

Thi đấu tại khu vực: THCS: Bóng chuyền nam, nữ (3 - 3). Mỗi đơn vị được đăng ký 1 đội nam gồm 6 VĐV và 1 đội nữ gam 6 VĐV.

Thi đấu tại Thừa Thiên – Huế: THPT: Bóng chuyền nam, nữ (6 - 6). Mỗi đơn vị được đăng ký 1 đội nam (12 VĐV) và 1 đội nữ (12 VĐV).

3. Thể thức thi đấu: Thi đấu theo thể thức 3 hiệp thắng 2.

a) Nếu có từ 32 đội trở xuống thi đấu theo phương thức sau:

Giai đoạn I: Chia bảng đấu vòng tròn 1 lượt để chọn 2 đội nhất, nhì các bảng vào giai đoạn II.

Giai đoạn II: Đấu loại trực tiếp.

b) Nếu có trên 32 đội: Bốc thăm đấu loại trực tiếp

4. Luật thi đấu:

Áp dụng Luật Bóng chuyền hiện hành của Ủy ban Thể dục Thể thao.

Các đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ khu vực được ưu tiên chọn làm hạt giống.

Bóng thi đấu: Sẽ do Ban tổ chức quyết định.

5. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Mục VI Chương 1.

a) Cách tính điểm trong đấu vòng tròn: Theo Luật Bóng chuyền hiện hành.

b) Xếp hạng: Tổng điểm, tỷ số hiệp thắng/thua, tỷ số điểm thắng/thua của các đội bằng điểm nhau, trận đấu trực tiếp giữa 2 đội, bốc thăm. Nếu chỉ có 2 đội bằng điểm nhau, đội thắng trong trận trực tiếp xếp trên.

6. Các quy định khác:

Chọn hạt giống: Các đơn vị đăng cai HKPĐ khu vực được ưu tiên chọn làm hạt giống.

Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba cho mỗi nội dung thi.

VIII. BÓNG ĐÁ

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Nội dung:

Bóng đá mini (5 người): Đối với nam tiểu học, nữ THPT.

Bóng đá mini (7 người): Đối với nam THCS.

Bóng đá sân lớn (11 người): Đối với nam THPT.

3. Số lượng VĐV dự thi:

a) Tiểu học: - 01 đội gồm 15 VĐV (12 chính thức, 3 dự bị)

b) THCS: - 01 đội gồm 17 VĐV (14 chính thức, 3 dự bị)

c) THPT: - 01 đội nữ gồm 15 VĐV (12 chính thức, 3 dự bị)

01 đội nam gồm 22 VĐV (18 chính thức, 4 dự bị)

d) Các cầu thủ dự bị chỉ tham gia vòng chung kết trong trường hợp thay thế cầu thủ bị chấn thương, ốm.

4. Thể thức thi đấu:

Tại khu vực: Thể thức thi đấu do Ban tổ chức khu vực quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi khu vực. Mỗi nội dung thi chọn 3 đội vào vòng chung kết.

Tại vòng chung kết (chung cho các bậc học):

Giai đoạn I: 16 đội bốc thăm chia 4 bảng A, B, C, D (mỗi bảng 4 đội) đấu vòng tròn 1 lượt chọn đội nhất, nhì bảng vào đấu tiếp giai đoạn II.

Giai đoạn II: Tứ kết. Trận 1: nhất bảng A gặp nhì bảng B; Trận 2: nhất bảng C gặp nhì bảng D Trận 3: nhất bảng B gặp nhì bảng C; Trận 4: nhất bảng D gặp nhì bảng A.

Bán kết: Đội thắng trận 1 gặp đội thắng trận 2; Đội thắng trận 3 gặp đội thắng trận 4.

Chung kết: 2 đội thắng ở trận bán kết gặp nhau để xếp hạng nhất - nhì, 2 đội thua đồng hạng ba.

5. Luật thi đấu.

Áp dụng Luật Bóng đá, Luật Bóng đá mini (5 - 5) và (7 - 7) hiện hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Vòng chung kết: Các đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ khu vực, các đội xếp thứ nhất các khu vực được ưu tiên chọn làm hạt giống.

Bóng thi đấu: Do Ban tổ chức quyết định.

Giầy thi đấu: Nếu thi đấu trong nhà dùng giầy ba ta đế cao su thường, thi đấu ngoài trời có thể dùng giầy đế mềm có núm chống trơn. Đối với bóng đá nam THPT, dùng giầy da chuyên dùng cho bóng đá sân lớn (11 - 11).

Nhất thiết phải có bọc ống quyển theo quy định của Luật (đối với tất cả các bậc học, kể cả nữ).

Đối với tiểu học: Thi đấu 2 hiệp, mỗi hiệp 20 phút tính cả thời gian bóng ngoài cuộc, giữa hai hiệp nghỉ 10 phút.

Đối với THCS và nữ THPT: Thi đấu 2 hiệp, mỗi hiệp 25 phút tính cả thời gian bóng ngoài cuộc, giữa 2 hiệp nghỉ 10 phút.

Đối với nam THPT: Thi đấu 2 hiệp, mỗi hiệp 35 phút tính cả thời gian bóng ngoài cuộc, giữa 2 hiệp nghỉ 10 phút.

6. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Mục VI Chương 1.

a) Tính điểm để xếp hạng giai đoạn I đấu vòng tròn: Thắng 3 điểm, thua 0 điểm, hòa 1 điểm.

b) Xếp hạng giai đoạn I: Căn cứ tổng số điểm các đội đạt được. Nếu có 2 hay nhiều đội bằng điểm nhau thì căn cứ theo thứ tự: hiệu số của tổng bàn thắng và bàn thua, tổng số bàn thắng, kết quả trực tiếp giữa 2 đội, bốc thăm.

c) Giai đoạn II đấu loại trực tiếp không có trận hòa. Nếu hòa trong 2 hiệp chính sẽ thi đá phạt luân lưu để xác định đội thắng, không đá hiệp phụ.

d) Tính điểm vào kết quả HKPĐ toàn quốc:

Điểm của các đơn vị đạt được tại giải Bóng đá học sinh tiểu học và THCS toàn quốc - Cúp MILLO-2003 (theo quy định của Điều lệ giải) tính hệ số 2.

Tại khu vực: Đội hạng nhất khu vực được 11 điểm, hạng nhì 9 điểm, hạng ba 8 điểm, hạng tư 7 điểm. Đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ toàn quốc (Thừa Thiên - Huế) ở mỗi bậc học không phải thi khu vực và được 11 điểm/1 đội coi như nhất khu vực. Điểm ở khu vực được nhân hệ số 2.

Tại vòng chung kết: Đội nhất được 11 điểm, nhì được 9 điểm, hai đội ba cùng được 8 điểm.

Các đội thua ở tứ kết cùng được 6 điểm. Các đội thứ ba vòng bảng được 2 điểm. Hệ số theo quy định tại khoản 5 Mục VI Chương 1.

e) Xếp hạng toàn đoàn: Tổng điểm đạt được theo xếp hạng từ 1 đến 10 của các đội nam và đội nữ ở 3 bậc/cấp học: (tiểu học, THCS, THPT) đạt được ở khu vực và chung kết.

IX VẬT TỰ DO

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Tính chất: Thi đấu cá nhân (dành cho nam).

3. Nội dung:

a) THCS: Lứa tuổi 15 trở xuống thi 6 hạng cân: đến 32kg, 35kg, 38kg, 42kg, 47kg, 53kg.

b) THPT: Lứa tuổi từ 18 trở xuống thi 6 hạng cân: đến 42kg, 46kg, 50kg, 54kg, 58kg, 63kg.

4. Thể thức thi đấu: Loại trực tiếp sau 2 lần thua.

5. Số lượng VĐV dự thi:

Mỗi đơn vị được đăng ký 01 VĐV thi đấu ở mỗi hạng cân.

6. Luật và thời gian thi đấu:

a) Áp dụng Luật Vật tự do hiện hành của Ủy ban Thể dục Thể thao.

b) Thời gian thi đấu:

THCS: Đấu 2 hiệp mỗi hiệp 2 phút, giữa mỗi hiệp nghỉ 30 giây.

THPT: Đấu 2 hiệp mỗi hiệp 3 phút, giữa mỗi hiệp nghỉ 30 giây.

7. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Mục VI Chương 1

Xếp hạng toàn đoàn: Tổng điểm của các cá nhân đạt được ở các hạng cân.

8. Các quy định khác:

Chọn hạt giống: Các đơn vị đăng cai HKPĐ khu vực được ưu tiên chọn làm hạt giống.

Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba cho mỗi nội dung thi.

X. BẮN NỎ

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Tính chất: Thi cá nhân nam, nữ, đồng đội nam, nữ THCS và THPT.

3. Nội dung và thể thức thi đấu:

a) Nội dung: Thi tranh giải cá nhân nam, nữ, đồng đội nam, nữ.

b) Thể thức thi đấu:

Tư thế bắn: Đứng bắn, quỳ bắn.

Đứng bắn: Đứng thẳng bình thường bắn, không được dùng bất cứ dụng cụ bổ trợ nào để tỳ tay khi đứng bắn.

Quỳ bắn: Phải quỳ gối; có thể quỳ một chân hoặc hai chân, mông ngồi trên chân quỳ; không được ngồi xổm, ngồi bệt và đệm bất cứ vật gì khi quỳ.

Bia bắn: Bia 4B

Số tên bắn: Mỗi VĐV được bắn 2 + 5 tên ở mỗi tư thế (2 tên bắn thử và 5 tên tính điểm).

Thời gian bắn ở từng tư thế.

2 tên bắn thử trong 3 phút.

5 tên bắn thật trong 6 phút.

4. Quy tắc bắn:

Các VĐV nữ THPT và nam, nữ THCS được phép có 01 người của đơn vị vào giúp lên dây nỏ.

Trong quá trình bắn, nếu đứt dây nỏ khi chưa bắn thì được phép thay dây nỏ, nếu đứt dây nỏ khi đang bắn thì xác định là 1 lần bắn.

Khi tên được đặt vào nỏ, chưa làm động tác bắn (dây nỏ chưa bật) nỏ hoặc tên rơi xuống đất, được phép nhặt lên lắp tên lại và không tính là 1 lần bắn, tiếp tục bắn.

Trường hợp đã bật dây nỏ nhưng tên bị kẹt lại trên nỏ, được phép bắn lại và không tính là 1 lần bắn.

5. Địa điểm bắn: Trong nhà hoặc ngoài trời.

Cự ly bắn: 15m, chiều cao của bia là l,5m (tính từ tâm bia đến mặt đất).

Tuyến bắn phải có ụ chắn bảo đảm an toàn tuyệt đối

6. Nỏ và tên:

Do VĐV tự túc, không quy định kích thước, trọng lượng; nỏ phải theo đúng hình dáng truyền thống của dân tộc, không được làm biến dạng, cải tiến (không có kính ngắm, báng tỳ vai, tay cầm, cò). Tên phải làm bằng tre, không được làm bằng gỗ tiện hoặc bằng kim loại.

7. Số lượng VĐV dự thi: Mỗi đơn vị được đăng ký tham gia ở mỗi cấp học 3 nam, 3 nữ.

8. Xử lý các vi phạm:

a) VĐV phải có mặt trước giờ thi đấu 15 phút để trọng tài làm công tác kiểm tra, đến giờ bắn

VĐV vắng mặt sẽ mất quyền thi đấu (coi như bỏ cuộc).

b) Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, VĐV phải tuyệt đối tuân theo lệnh của trọng tài. Nếu lắp tên bắn trước hiệu lệnh sẽ bị loại khỏi cuộc đấu.

c) Trường hợp VĐV bắn nhầm bia (bắn sang bia của VĐV khác đơn vị), thì VĐV bị bắn nhầm bia sẽ được tính 5 điểm chạm cao nhất (ở mỗi tư thế), các điểm chạm khác không tính; VĐV bắn nhầm bia chỉ được tính điểm thực tế trên bia của mình.

d) Trong trường hợp 2 VĐV cùng đơn vị bắn cùng 1 đợt, nếu trọng tài xác định 2 VĐV bắn nhầm bia nhau, thì VĐV bị bắm nhầm chỉ được tính 5 điểm chạm thấp nhất (ở mỗi tư thế) các điểm khác không tính; VĐV bắn nhầm bia chỉ được tính điểm thực tế trên bia của mình.

e) Nếu VĐV bắn quá số tên bắn thật quy định (5 tên) ở từng tư thế thì sẽ xóa bỏ thành tích ở tư thế đó.

f) Nếu VĐV bắn quá số tên bắn thử quy định (2 tên ở từng tư thế) bao nhiêu, thì sẽ bị trừ bấy nhiêu tên thật và chỉ được tính điểm số tên bắn thật còn lại.

9. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Mục VI Chương 1.

a) Xác định thành tích: Điểm của từng lần bắn được tính theo điểm chạm của tên vào vòng bắn, nếu chạm vào vạch giữa 2 vòng bia, được tính ở vòng có điểm cao hơn.

b) Xếp hạng cá nhân (nam, nữ):

Quỳ bắn: Tổng điểm của 5 tên bắn thật, số lần trúng vòng cao, bốc thăm.

Đứng bắn: Như quỳ bắn.

Toàn năng: Tổng điểm của 10 tên bắn thật ở 2 tư thế bắn, số lần trúng vòng cao, điểm của tư thế đứng bắn, bốc thăm.

c) Xếp hạng đồng đội: Tổng điểm của 2 VĐV nam hoặc 2 VĐV nữ có kết quả cao nhất ở mỗi cấp học, nếu bằng nhau tính theo thứ hạng VĐV.

d) Xếp hạng toàn đoàn: Tổng điểm của đội nam + đội nữ ở các bậc học, thứ hạng đội nữ THCS.

10. Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba cho các nội dung.

XI. KARATEDO

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Tính chất:

Thi đấu cá nhân và đồng đội.

3. Nội dung: Mỗi đơn vị được đăng ký:

a) Trung học cơ sở:

Thi Kata đồng đội nam 03 VĐV, đồng đội nữ 03 VĐV.

Thi Kata cá nhân: nam 01 VĐV, nữ 01 VĐV.

Thi Kumite đồng đội nam: 05 VĐV + 2 dự bị.

Thi Kumite đồng đội nữ: 03 VĐV + 1 dự bị.

Thi Kumite cá nhân nam và cá nhân nữ ở các hạng cân: đến 40kg, 45kg, 50kg, 55kg và 60kg. Mỗi hạng cân 01 VĐV tham gia.

b) Trung học phổ thông:

Thi Kata đồng đội nam 03 VĐV, đồng đội nữ 03 VĐV.

Thi Kata cá nhân nam: 01 VĐV, nữ: 01 VĐV

Thi Kumite đồng đội nam: 05 VĐV + 2 dự bị.

Thi Kumite đồng đội nữ: 03 VĐV + 1 dự bị.

Thi Kumite cá nhân nam ở các hạng cân: 50kg, 55kg, 60kg, 65kg, 70kg và trên 70kg.

Thi Kumite cá nhân nữ ở các hạng cân: 45kg, 48kg, 53kg, 60kg và trên 60kg. Mỗi hạng cân 01 VĐV tham gia.

4. Luật thi đấu:

Áp dụng theo Luật hiện hành của Liên đoàn Karatedo thế giới (W.K.F) được Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành.

Các VĐV nam, nữ thi đấu ở mỗi nội dung Kumite cá nhân, đồng đội bắt buộc phải đội mũ bảo vệ. Các VĐV dự thi đều phải mặc trang phục Karatedo đúng quy định, VĐV nam thi đấu Kumite bắt buộc phải mang cuki.

Các đơn vị đăng cai HKPĐ khu vực được ưu tiên chọn làm hạt giống.

5. Cách tính điểm: Theo Mục VI Chương 1.

6. Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba cho mỗi nội dung thi.

XII. TAEKWONDO

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Tính chất: Thi đấu cá nhân.

3. Số lượng VĐV dự thi:

Mỗi đơn vị được đăng ký tham gia 01 VĐV nam và 01 VĐV nữ ở mỗi hạng cân và Quyền cá nhân của mỗi cấp học.

4. Nội dung:

Thi đấu đối kháng:

a) Trung học cơ sở:

Nam: không quá 30kg, 32kg, 34kg, 36kg, 38kg, 40kg, 42kg, 45kg, 48kg và trên 48kg.

Nữ: Không quá 30kg, 32kg, 34kg, 36kg, 38kg, 40kg, 42kg, 44kg, 46kg và trên 46kg.

b) Trung học phổ thông:

Nam: Không quá 45kg, 48kg, 51kg, 55kg, 59kg, 63kg, 68kg, 73kg, 78kg và trên 78kg.

Nữ: Không quá 42kg, 44kg, 46kg, 49kg, 52kg, 55kg, 59kg, 63kg, 68kg và trên 68kg.

Thi Quyền cá nhân: (bắt buộc).

a) Trung học cơ sở : Thi bài số 5.

b) Trung học phổ thông: Thi bài số 7.

5. Luật thi đấu:

Áp dụng theo Luật hiện hành của Liên đoàn Taekwondo thế giới được Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành.

Các đơn vị đăng cai tổ chức HKPĐ khu vực được ưu tiên chọn làm hạt giống.

Thời gian thi đấu:

THCS: 3 hiệp x 1 phút 30, giữa các hiệp nghỉ 1 phút.

THPT: 3 hiệp x 2 phút, giữa các hiệp nghỉ 1 phút.

6. Các quy định khác:

Phải có võ phục Taekwondo (WTF) có in tên đơn vị ở trước ngực và lưng áo.

Quần áo phải sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, không để móng tay, móng chân dài.

Phải có trang thiết bị bảo vệ cá nhân (ống tay, ống chân, kuki).

7. Cách tính điểm: Theo Mục VI Chương 1.

8. Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba cho mỗi nội dung thi.

XIII. JUDO

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Tính chất: Thi đấu đối kháng cá nhân.

3. Số lượng VĐV dự thi:

Mỗi đơn vị được đăng ký tham gia ở mỗi hạng cân 1 VĐV nam, 1 VĐV nữ của mỗi cấp học.

4. Nội dung:

a) Trung học cơ sở:

Nam: Không quá 36kg, 39kg, 43kg, 47kg, 51kg, 56kg.

Nữ: Không quá 36kg, 39kg, 43kg, 47kg, 51kg, 56kg.

Thời gian thi đấu: Nam 4 phút, nữ 3 phút.

b) Trung học phổ thông:

Nam: Không quá 50kg, 55kg, 60kg, 66kg, 78kg, 81kg.

Nữ: Không quá 45kg, 48kg, 52kg, 57kg, 63kg.

Thời gian thi đấu: Nam 5 phút, nữ 4 phút.

5. Thể thức thi đấu:

Nếu có từ 04 VĐV trở xuống thi đấu vòng tròn 1 lượt, từ 05 VĐV trở lên thi đấu vòng loại 2 lần theo hệ thống IJF do Liên đoàn Judo Việt Nam phổ biến và đã áp dụng trong các giải trẻ từ năm 2001.

6. Luật thi đấu:

Áp dụng theo Luật Judo hiện hành của Liên đoàn Judo thế giới IJF do Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành.

7. Cách tính điểm và xếp hạng: Theo Mục VI Chương 1.

8. Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba cho mỗi nội dung thi.

XIV. BÓNG RỔ

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1.

2. Tính chất: Thi đồng đội nam và nữ.

3. Nội dung:

a) Thi đấu tại khu vực:

Đồng đội nam, nữ THCS.

b) Thi đấu tại Thừa Thiên - Huế.

Đồng đội nam, nữ THPT.

4. Số lượng VĐV dự thi: Mỗi đơn vị được đăng ký dự thi ở mỗi cấp học 01 đội nam (12 VĐV) và 1 đội nữ (12 VĐV).

5. Thể thức thi đấu:

Có từ 32 đội trở xuống: Thi đấu vòng tròn 1 lượt theo bảng.

Giai đoạn I: Chia bảng đấu vòng tròn tính điểm, chọn nhất, nhì mỗi bảng vào giai đoạn II.

Giai đoạn II: Đấu loại trực tiếp.

Nếu có trên 32 đội: Đấu loại trực tiếp.

6. Luật thi đấu:

Áp dụng Luật Bóng rổ hiện hành của Ủy ban Thể dục Thể thao.

Bóng thi đấu: Do Ban tổ chức quyết định.

7. Cách tính điểm: Theo Mục VI Chương 1.

a) Tính điểm và xếp hạng giai đoạn đấu vòng tròn: Theo Luật Bóng rổ.

b) Xếp hạng toàn đoàn: Tổng điểm của đội nam và đội nữ ở 2 cấp học THCS và THPT.

8. Các quy định khác:

Chọn hạt giống:

Các đơn vị đăng cải tổ chức HKPĐ khu vực được ưu tiên chọn làm hạt giống.

9. Giải thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba cho mỗi nội dung thi đấu.

XV. THỂ DỤC

1. Đối tượng: Theo quy định tại Mục III Chương 1

THPT và THCS (nam, nữ). Đối tượng không được dự thi: Học sinh phổ thông đang là VĐV cấp I, kiện tướng quốc gia, các học sinh đang luyện tập theo các chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo năng khiếu TDTT của Ủy ban Thể dục Thể thao

2. Tính chất: Thi tập thể.

3. Nội dung:

Bài tập thể: 8 người (gồm cả nam và nữ).

Mỗi đội phải dự thi 02 bài: Quy định và tự chọn:

a) Bài Thể dục cơ bản quy định cho mỗi bậc học (do Ủy ban Thể dục Thể thao biên soạn và phổ biến sẽ có nội dung đính kèm).

b) Bài Aerobic tự chọn theo Luật Sport Aerobic của Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành.

Thời gian: 03 phút + 10 giây. Diện tích thảm: 10m x 10m.

c) Cấu trúc:

Bài Aerobic có nhạc nền (khuyến khích sử dụng các bài nhạc của Việt Nam).

Có phần mở bài và kết thúc khớp với nhạc nền.

Cân đối giữa các động tác khó với vũ đạo, di chuyển và phân bố hợp lý đội hình, không gian trên thảm.

Trong bài thi tối thiểu phải có hai động tác khác nhau ở mỗi nhóm độ khó (theo luật Sport Aerobic của FIG).

Thay đổi đội hình: Tối thiểu 3 lần.

Pha chồng người: Không quá 3 lần (kể cả pha kết thúc).

4. Trang phục quy định: áo liền quần, đi giầy và tất thể thao, tóc gọn gàng, không được đeo đồ trang sức.

5. Xếp hạng toàn đoàn: Theo Mục VI Chương 1.

Xếp hạng ở mỗi bậc học từ cao xuống thấp theo tổng điểm được quy định như sau: Tổng điểm = điểm bài quy định + điểm bài tự chọn (tính đến %). Nếu có 2 đội bằng điểm nhau thì đội nào có điểm bài tự chọn cao hơn sẽ được xếp trên. Nếu vẫn bằng nhau thì sẽ xác định tổng điểm của các trọng tài cho đội đó ở cả hai bài thi quy định và tự chọn.

Tính điểm toàn đoàn: Tổng điểm của 2 nội dung của 2 cấp học: THCS và THPT. Đơn vị dự thi được thưởng điểm khuyến khích 5 điểm/1 cấp học/1 đơn vị để cộng thêm vào điểm toàn đoàn.

Điểm các nội dung thi của môn Thể dục được nhân hệ số 3 cho cấp THPT, và hệ số 2 cho cấp THCS.

6. Khen thưởng: 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba.

7. Luật thi đấu: áp dụng Luật Sport Aerobic của FIG, không giải quyết các khiếu nại về chuyên môn.

Chương 3:

KHIẾU NẠI, KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

1. Khiếu nại:

a) Các khiếu nại về kỹ thuật:

Chỉ có lãnh đạo đoàn, huấn luyện viên, đội trưởng mới có quyền khiếu nại. Khi khiếu nại phải có văn bản nộp cho Tổng trọng tài cuộc thi khi xảy ra sự cố. Các khiếu nại về kỹ thuật, Luật do Tổng trọng tài cuộc thi xử lý giải quyết tại chỗ.

Ban trọng tài cuộc thi phải giải quyết trước khi trận đấu chấm dứt. Mọi cá nhân, đơn vị có liên quan phải phục tùng các quyết định của Tổng trọng tài cuộc thi về những vấn đề khiếu nại.

Nếu thấy chưa thỏa đáng có quyền khiếu nại lên Ban tổ chức Đại hội.

b) Các khiếu nại về nhân sự:

Phải có văn bản nộp cho Ban tổ chức đại hội. Trường hợp chưa giải quyết ngay được, Ban tổ chức sẽ bảo lưu để thẩm tra và xử lý sau (chậm nhất là 1 tháng sau khi HKPĐ toàn quốc kết thúc), và sẽ thông báo lại với đương sự có khiếu nại.

2. Khen thưởng:

a) Căn cứ vào tổng số điểm đạt được của từng đơn vị để tiến hành xếp hạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ cho 10 đơn vị có thành tích xuất sắc trong đại hội (xếp hạng theo điểm từ 1 đến 10) và tặng cờ cho 10 đơn vị có thành tích khá trong đại hội (xếp hạng theo điểm từ 11 đến 20).

b) Để động viên các tỉnh miền núi gồm: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bắc Giang, Ban tổ chức sẽ đánh giá kết quả riêng giữa các tỉnh này theo thành tích của các môn thi để xếp hạng và tặng cờ cho 6 đơn vị có thành tích thi đấu cao nhất.

c) Căn cứ vào tổng số huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng của các đơn vị đạt được để xếp hạng theo huy chương Ủy ban Thể dục Thể thao sẽ tặng cờ và tặng phẩm cho các đơn vị xếp hạng từ 1 đến 6.

d) Ban tổ chức tặng:

Huy chương vàng, bạc, đồng và tặng phẩm cho các cá nhân, đồng đội, tập thể đội đạt thành tích nhất, nhì, ba theo Điều lệ từng môn.

Tặng giải thưởng cho các VĐV phá kỷ lục quốc gia và cho HLV của các vận động viên đó.

e) Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Tặng băng khen cho các trọng tài, cán bộ Ban tổ chức có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Cấp giấy chứng nhận "Học sinh giỏi TDTT" cho các vận động viên đạt thành tích xếp hạng từ thứ nhất đến thứ ba ở các nội dung thi của đại hội.

g) Đối với các trường, quận, huyện, tỉnh, thành có phong trào Hội khỏe Phù Đổng xuất sắc sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen đơn vị có phong trào Hội khỏe Phù Đổng xuất sắc và phong trào Hội khỏe Phù Đổng khá (sẽ có văn bản hướng dẫn riêng).

3. Kỷ luật:

Cá nhân, đơn vị vi phạm Điều lệ và những quy định của Ban tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, Ban tổ chức các cuộc thi khu vực và từng môn thể thao thuộc Hội khỏe Phù Đổng, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật từ phê bình, cảnh cáo đến truất quyền thi đấu, quyền chỉ đạo, quyền trọng tài. Hủy bỏ thành tích thi đấu của cá nhân vi phạm và thành tích của đồng đội và không xếp thứ hạng đoàn trong Hội khỏe Phù Đổng nếu có cá nhân vi phạm.

Ban tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc kiên quyết loại bỏ những vận động viên vi phạm Điều lệ được phát hiện trước khi vào thi đấu.

Đặc biệt đối với việc gian lận tuổi, học bạ, Ban tổ chức Hội khỏe Phù Đổng sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không xếp loại thi đua theo tiêu chí đánh giá công tác thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với đơn vị có vi phạm, chuyển Thanh tra Bộ xử lý theo mức độ vi phạm, thông báo toàn ngành và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý kỷ luật thích đáng đối với các cán bộ phụ trách đơn vi có vi phạm theo tinh thần của Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg ngày 26/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao.

Khiếu nại sai sự thật sẽ bị cảnh cáo và đơn vị có đơn tố cáo sai sự thật sẽ bị trừ 30 điểm trong tổng điểm Hội khỏe Phù Đổng của đơn vị đó./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

Nguyễn Văn Vọng