Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2696/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 20 tháng 9 năm 2012 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã;
Căn cứ Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2093/TTr-SNN-KHTC ngày 20/8/2012 về việc đề nghị ban hành Đề án Củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2696/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2012 của UBND tỉnh Đồng Nai)
Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã;
Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 272/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 05 năm (2006 - 2010);
Căn cứ Thông tư số 02/2006/TT-BKH ngày 13/02/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều tại Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã;
Căn cứ Thông tư số 66/2006/TT-BTC ngày 17/7/2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về chế độ tài chính hỗ trợ các sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập, các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;
Căn cứ Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về ban hành Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
I. THỰC TRẠNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP (HTXNN) TỈNH ĐỒNG NAI
1. Một số thông tin cơ bản
Tại thời điểm 31/12/2011, trên địa bàn tỉnh có 72 HTXNN và dịch vụ nông nghiệp (DVNN), 02 liên hiệp HTX. Trong số 72 HTXNN có 30 hợp tác xã (HTX) thuộc loại hình DVNN, 29 HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp và 13 HTX chuyên ngành gồm 06 HTX nuôi trồng thủy sản, 04 HTX rau an toàn, 02 HTX chăn nuôi, 01 HTX sinh vật cảnh. Tổng vốn điều lệ đăng ký là 237.519 triệu đồng, bình quân 3.298,88 triệu đồng/HTX, 40 HTXNN có trụ sở làm việc chiếm 55,56%, trong đó có 24 HTX được chính quyền địa phương cho mượn trụ sở và 11 HTXNN được cấp 5.290m2 đất làm văn phòng. Tổng số xã viên 1.757 người, bình quân 24 người/HTX; tổng số lao động thường xuyên là 1.109 người, bình quân 15 người/HTX;
Liên hiệp HTX DVNN Tổng hợp Đồng Nai (Dona co-op) được thành lập vào năm 2005, là liên hiệp HTX đầu tiên của tỉnh Đồng Nai có số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Liên hiệp HTX hoạt động liên tỉnh với 14 ngành nghề sản xuất kinh doanh gồm 08 HTX thành viên là những HTX làm ăn có hiệu quả, có bề dày kinh nghiệm, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, mang lại nhiều lợi ích cho xã viên, người lao động và cộng đồng.
Liên hiệp HTX Nhơn Trạch được thành lập năm 2010, gồm 07 đơn vị HTX thành viên tham gia là: HTX TMDV Vận tải Nhơn Trạch, HTX Thuận Phát, HTX DV Nông nghiệp Phước Khánh, HTX DV Vệ sinh môi trường Hiệp Hòa, HTX Sinh vật cảnh Long Thọ, Quỹ tín dụng nhân dân Nhơn Trạch (ở huyện Nhơn Trạch) và HTX Vĩnh Hưng (TP. Biên Hòa) với vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ 500 triệu đồng. Theo phương hướng hoạt động của Liên hiệp được thông qua hội nghị, thì ngoài mục đích hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ cho các thành viên cùng nhau phát triển sản xuất - kinh doanh, Liên hiệp còn mở ra một số lĩnh vực sản xuất tập trung khác như: Trồng rau sạch, nuôi cá rô đồng, nuôi chim yến; thu gom xử lý chất thải; tái chế phế liệu và làm du lịch.
Số lượng thành viên Ban Quản trị là 130 người, 30 kế toán, trong đó Ban Quản trị HTX có 43 người có trình độ đại học; 29 cao đẳng và 32 trung cấp; trong số 30 kế toán có 07 người có trình độ đại học; 03 cao đẳng và 20 trung cấp.
Năm 2011, tổng doanh thu của 27 HTXNN có báo cáo đạt 73.566,9 triệu đồng, bình quân 2.724,7 triệu đồng/HTX. Như vậy, ngoài 15 HTXNN mới thành lập năm 2010 và 2011 chưa có doanh thu, còn 30 HTXNN chưa báo cáo doanh thu là những HTX chưa lập sổ sách chứng từ hoặc kinh doanh không hiệu quả nên không có báo cáo.
Lương cán bộ quản lý của HTXNN bình quân 9,13 triệu đồng/người/năm.
(26 HTXNN có báo cáo). Lương lao động thường xuyên bình quân 12,4 triệu đồng/người/năm (22 HTXNN có báo cáo).
Năm 2011, trong số 72 HTXNN có 22 HTX xếp loại khá, 21 HTX xếp loại trung bình, 11 HTX xếp loại yếu, 05 HTX ngưng hoạt động chờ giải thể và 13 HTX mới thành lập chưa đi vào hoạt động.
2. Các chính sách hỗ trợ HTXNN
Các chính sách hỗ trợ HTXNN đến năm 2011 được các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng các cấp thực hiện như sau:
- Đã tổ chức tuyên truyền Luật Hợp tác xã năm 2003 và các văn bản dưới luật và các chính sách hỗ trợ HTX cho tất cả Ban Quản trị và xã viên HTXNN trên toàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) phối hợp với UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đã tập huấn ngắn hạn được 05 lớp quản lý HTX cho 256 cán bộ chủ chốt của Ban Quản trị, Ban Kiểm soát, 02 lớp kế toán cho 116 kế toán của các HTX nông nghiệp, 03 lớp bồi dưỡng nâng cao công tác quản lý và nghiệp vụ chuyên môn cho 03 chức danh: Ban Quản trị, Ban Kiểm soát và kế toán của 60 HTX nông nghiệp, ngoài ra còn cử cán bộ quản lý HTXNN đi tập huấn ngắn hạn tại Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT II và Liên minh HTX Trung ương tổ chức. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội nông dân các cấp, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các trường, trung tâm nghiên cứu, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn cho 431 cán bộ, xã viên HTXNN về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý HTX, khởi nghiệp kinh doanh, quản trị kinh doanh, nghiệp vụ kế toán, quản lý tín dụng và tín dụng nội bộ, sở hữu trí tuệ, an toàn lao động, quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi theo VietGAP, GlobalGAP...
- Đến năm 2011, có 11 HTXNN được cấp và cho thuê 5.290m2 đất làm văn phòng và 24 HTXNN được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mượn cơ sở làm trụ sở làm việc, 05 HTXNN được cho thuê 14,75 ha đất để tổ chức sản xuất kinh doanh, 05 HTXNN được thuê 767,3 ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản.
- Lũy kế đến 31/12/2011, có 06 HTXNN được vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ HTX tỉnh với tổng số tiền vay là 1.770 triệu đồng.
- Hiện có 07 HTXNN được giao quản lý khai thác công trình nước sạch nông thôn, trong đó có 06 công trình do Trung tâm Nước sạch và VSMTNN xây dựng bàn giao, 01 công trình tại huyện Nhơn Trạch do UBND huyện giao HTXDVNN Nhân Hòa quản lý; 06 HTXNN được bàn giao quản lý 06 chợ trên địa bàn.
- Các HTXNN đã được chuyển giao khoa học công nghệ thông qua chương trình khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y… Trung bình hàng năm đã tổ chức khoảng
100 lớp tập huấn khuyến nông, BVTV, thú y,… trong đó có sự tham dự của xã viên các HTXNN và một số mô hình sản xuất rau an toàn, GAP,... cụ thể có 08 HTXNN được hỗ trợ 26 mô hình trồng trọt với tổng diện tích 71 ha, 07 mô hình thủy sản với tổng diện tích mặt nước là 37 ha.
- Hiện có 03 HTX đã được cấp chứng nhận GAP: HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch (NNDV TMDL) Suối Lớn đã được cấp chứng nhận VietGAP cho 14 ha xoài; HTX DVNN Tân Triều đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trên 6,7 ha (11 hộ) và 05 hộ được chứng nhận GlobalGAP với diện tích 3,1 ha bưởi đường lá cam, HTX rau an toàn Trảng Dài đã được cấp chứng nhận VietGAP cho 1,55 ha rau (07 hộ); hiện đang xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho HTX rau sạch Trường An, huyện Xuân Lộc và tiêu chuẩn VietGAP cho HTX SX & KD trái cây an toàn Định Quán.
Ngoài ra, các HTXNN đều được Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị chức năng hướng dẫn tham gia thực hiện các chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, cụ thể:
+ Chương trình “Phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau quả an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 - 2015” theo Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 24/6/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai: 07 HTX tham gia chương trình.
+ Chương trình “Phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010” theo Quyết định số 43/2007/QĐ-UBND ngày 12/7/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Hiện có 03 HTXNN có xã viên được hỗ trợ chương trình gồm: HTX Suối Lớn - Xuân Lộc (42 XV, 102 ha xoài), HTX trái cây an toàn Định Quán - huyện Định Quán (45 XV, 210 ha xoài) và HTX NNDV Tân Triều - huyện Vĩnh Cửu (20 XV, 14 ha bưởi).
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ giúp đỡ được một số HTX nông nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của HTX, đến nay đã có 16 HTX được cấp nhãn hiệu hàng hóa từ Sở Khoa học và Công nghệ.
Về công tác xúc tiến thương mại, các sở, ban, ngành, các đơn vị chức năng hàng năm đều có các chương trình hỗ trợ các HTXNN tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh, ngoài ra còn tổ chức cho các HTXNN gặp gỡ với các đối tác kinh doanh lớn trên địa bàn như Siêu thị Big C, Siêu thị Coopmart, Siêu thị Metro, Công ty Vissan để ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm.
Về công tác hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đến nay đã có 16 HTXNN được cấp nhãn hiệu hàng hóa từ Sở Khoa học và Công nghệ.
II. ĐÁNH GIÁ CÁC KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ NHỮNG TỒN TẠI
1. Kết quả đạt được
Một số kết quả đạt được về hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTXNN như sau:
Chỉ tiêu | ĐVT | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 |
Tổng số HTXNN | HTX | 66 | 71 | 70 | 72 | 72 |
Doanh thu bình quân/HTX + Số HTX có báo cáo | Tr.đồng HTX | 1.290,07 18 | 3.174,00 19 | 2.095,28 25 | 1.948,96 25 | 2.724,70 27 |
Tổng số lãi bình quân/HTX + Số HTX có báo cáo | Tr.đồng HTX | 124,28 16 | 366,40 17 | 242,22 18 | 472,12 18 | 736,12 18 |
Tổng số lỗ bình quân/HTX | Tr.đồng | 11,68 | 10,39 | 100,00 | 19 | 116,50 |
+ Số HTX có báo cáo | HTX | 2 | 3 | 1 | 2 | 2 |
Xếp loại HTXNN | HTX |
|
|
|
|
|
+ Khá | HTX | 11 | 11 | 14 | 17 | 22 |
+ Trung bình | HTX | 21 | 19 | 23 | 23 | 21 |
+ Yếu | HTX | 10 | 16 | 15 | 13 | 11 |
+ Ngưng hoạt động | HTX | 18 | 16 | 8 | 10 | 5 |
+ Chưa xếp loại | HTX | 6 | 9 | 10 | 9 | 13 |
Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTXNN tăng dần, năm sau cao hơn năm trước do các HTX đã mạnh dạn mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ cho kinh tế hộ xã viên như dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, thu mua nông sản, mua bán cây con giống, thức ăn gia súc, gia cầm, quản lý công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nước sạch nông thôn, thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt, trồng rừng,… góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Một số HTX đã ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong thời kỳ hội nhập và được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ban, ngành đơn vị có liên quan đã chủ động đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa và phát huy được hiệu quả của thương hiệu trên thị trường.
Số lượng HTXNN xếp loại khá tăng dần, số HTXNN yếu kém, ngưng hoạt động giảm dần.
Các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương nhìn chung đã đóng góp một phần vào quá trình thành lập và hoạt động của các HTX nhất là các ban ngành cấp huyện. Kinh nghiệm cho thấy, chính quyền nhân dân cấp huyện nào quan tâm, hỗ trợ HTXNN bằng các chính sách cụ thể đã được Đảng và Nhà nước ban hành về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ thì các HTXNN của địa phương đó làm ăn có hiệu quả như: HTX DVNN Xây dựng Long Hưng, HTX chăn nuôi Xuân Phú, HTX DVNN Phước Khánh… Có thể xem sự hỗ trợ này như một bệ đỡ nâng bước cho sự hoạt động thành công của các HTXNN.
2. Những tồn tại
Số lượng HTXNN tăng không đáng kể so với các loại hình HTX khác, số HTX thành lập mới tương đương số HTX giải thể trong năm, dẫn đến tỷ lệ HTXNN trên địa bàn tỉnh ngày càng thấp, cụ thể:
Chỉ tiêu | ĐVT | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 |
Tổng số HTX toàn tỉnh | HTX | 176 | 199 | 205 | 212 | 232 |
Số HTXNN | HTX | 66 | 71 | 70 | 72 | 72 |
Tỷ lệ HTXNN/tổng số | % | 37,5 | 35,68 | 34,15 | 33,96 | 31,03 |
Số HTXNN thành lập mới | HTX | 4 | 11 | 4 | 9 | 8 |
Số HTXNN giải thể | HTX | 2 | 6 | 5 | 7 | 8 |
Quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của HTXNN còn quá nhỏ, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, nội dung hoạt động còn đơn điệu, trong giấy phép đăng ký kinh doanh đa số HTX mới chỉ thực hiện được 01 đến 02 ngành nghề, một số HTXNN chưa mở thêm được dịch vụ phục vụ đời sống cho hộ xã viên và cộng đồng dân cư, chưa khai thác hết được yêu cầu thực tế của hộ nông dân trên địa bàn; từ đó dẫn đến thu nhập của cán bộ quản lý HTX, xã viên và người lao động thường xuyên (LĐTX) còn quá thấp nên không thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân trên địa bàn, cụ thể:
Chỉ tiêu | ĐVT | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 |
Lương cán bộ quản lý HTX bình quân/người/năm + Số HTX có báo cáo | Tr.đồng
| 1,03
| 1,26
| 8,46
| 8,49
| 9,13
|
Lương LĐTX bình quân/năm + Số HTX có báo cáo | Tr.đồng HTX | 0,96 11 | 1,18 13 | 4,26 18 | 5,19 18 | 12,4 22 |
Thu nhập bình quân xã viên/năm + Số HTX có báo cáo | Tr.đồng
| 1,3
| 1,3
| 0 | 5
| 150
|
Bước cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh còn chậm, ngân sách hỗ trợ chưa nhiều, việc triển khai thực hiện ở các địa phương cấp huyện còn nhiều bất cập, có một số chính sách giao cấp huyện hỗ trợ chậm hoặc chưa được triển khai nhất là chính sách về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó, một số HTXNN được thành lập mang nặng hình thức, chủ quan của địa phương để lấy số lượng, chạy theo chỉ tiêu được cấp trên phân công nên các HTX hoạt động cầm chừng, thiếu năng động, trông chờ ỷ lại vào cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, không hội đủ các yếu tố cần thiết của một HTXNN kiểu mới.
Phần lớn các HTXNN hoạt động còn rời rạc, nguồn vốn góp bằng tiền không nhiều mà thường là vốn tự quản của gia đình xã viên gồm đất đai, tài sản trên đất và nguồn vốn này không thể mang ra thế chấp để tăng quy mô hoạt động của HTX, chủ yếu các HTXNN chỉ làm một vài khâu dịch vụ đầu vào cho xã viên nhưng do hạn chế về nguồn vốn nên hiệu quả không cao, một số HTXNN không khai báo thuế và làm nghĩa vụ thuế theo quy định.
3. Kết luận
Để thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó mô hình HTXNN được hình thành và phát triển. Năm 1996 chỉ có 01 HTXNN hoạt động thì đến nay toàn tỉnh đã có 72 HTXNN. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được và các mặt tồn tại nêu trên, HTXNN cần sự quan tâm nhiều hơn của các ban, ngành để củng cố và phát triển, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong đó cần hoàn thành tiêu chí số 13 - Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Củng cố và phát triển HTXNN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020” là cần thiết.
1. Mục tiêu tổng quát
- Củng cố và phát triển các HTXNN trên cơ sở khuyến khích và tạo điều kiện để các HTXNN mở rộng sản xuất - kinh doanh dịch vụ tổng hợp, đa ngành hướng vào mục tiêu hỗ trợ kinh tế hộ xã viên và khai thác mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã.
- Kiên quyết không phát triển HTXNN theo số lượng và phong trào mà gắn chặt với nhu cầu hợp tác hóa của cư dân địa phương, gắn chặt với sản xuất và kinh doanh theo hướng kinh tế thị trường, khai thác có hiệu quả các điển hình tiên tiến. Xây dựng các HTX mới ở những nơi có đủ điều kiện chín muồi, các xã điểm nông thôn mới, quan tâm tới những tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao, các trang trại…, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, quy định mốc thời gian, thời điểm hỗ trợ thích hợp để vận động thành lập mới HTX.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015
- Phát triển HTXNN phải vững chắc, từ thấp đến cao, từ làm dịch vụ đơn lẻ từng khâu, tiến lên làm dịch vụ tổng hợp, củng cố các HTXNN hiện có, kiên quyết giải thể các HTXNN ngưng hoạt động, hoạt động không hiệu quả, nâng tổng số HTXNN hoạt động khá lên 40%, số HTXNN trung bình 50% trở lên;
- Phát triển HTXNN giai đoạn 2012 - 2015 là vận động đại bộ phận nông dân trước hết tham gia tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao, vận động các chủ trang trại làm nòng cốt thành lập các HTXNN mới. Trên cơ sở đó vận động thành lập mới, nâng số HTXNN lên 100 - 110 HTX (tăng bình quân 08 - 10 HTX/năm);
- Thực hiện hỗ trợ thành lập mới, hỗ trợ hoạt động cho các HTXNN theo Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ đã ban hành với định mức cụ thể thống nhất trên toàn tỉnh;
- Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, đào tạo chuyên môn cho cán bộ quản lý HTXNN.
3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Vận động xây dựng mới nâng số HTXNN lên khoảng 140 - 150 HTXNN (tăng bình quân 08 - 10 HTXNN/năm);
- Nâng tổng số HTXNN hoạt động khá lên 50%, số HTXNN trung bình 50%, không còn HTXNN yếu kém;
- Tỷ lệ cán bộ quản lý HTXNN đã qua đào tạo có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt 40% và trình độ trung cấp đạt 30%.
1. Đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nội bộ xã viên HTXNN và ra bên ngoài cho những đối tượng là người dân sống trong khu vực HTXNN về HTXNN kiểu mới khác với HTXNN kiểu cũ; nội dung tuyên truyền bao gồm từ chỉ đạo nông nghiệp đến chính sách phát triển kinh tế hợp tác và HTX của Đảng và Nhà nước. Hàng năm có tổ chức sơ kết, đánh giá, biểu dương, khen ngợi các HTXNN làm ăn có hiệu quả, tuyên truyền nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
- Tăng cường quán triệt việc nhận thức và thực hiện về đường lối, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đẩy mạnh sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và cơ sở; xóa bỏ tư tưởng chần chừ, ngán ngại trong công tác tuyên truyền vận động người dân nhất là những người có tiềm lực kinh tế, có năng lực quản lý tham gia HTXNN.
- Phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, phường, thị trấn và nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đều quán triệt chủ trương, chính sách về kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước.
2. Củng cố hợp tác xã nông nghiệp
a) Đối với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp
- Kiện toàn đội ngũ quản lý HTXNN như Ban Quản trị, Ban Kiểm soát, kế toán…
- Tăng vốn điều lệ, tăng số lượng xã viên (các xã viên có tiềm lực kinh tế);
- Bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc chuyển đổi phương án sản xuất kinh doanh;
- Xây dựng cơ sở chế biến, gia công các mặt hàng nông sản, nâng cao chất lượng dịch vụ;
- Mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết, liên doanh.
b) Đối với các hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp và chuyên ngành
Giải pháp như Điểm a, Khoản 2, Mục II, Phần III của Đề án này, ngoài ra cần:
- Xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của HTXNN;
- Xây dựng vùng chuyên canh và chế biến gắn liền với thế mạnh của địa phương;
- Các ngành chức năng cần tăng cường công tác khuyến nông, lâm, ngư để HTXNN mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế. Ưu tiên xây dựng các mô hình trình diễn về giống, kỹ thuật thâm canh, mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho HTXNN.
3. Phát triển hợp tác xã
a) Xây dựng mới HTX
- Đến năm 2020, phấn đấu xây dựng mới khoảng 70 - 80 HTXNN, chú trọng vận động từ các tổ hợp tác, CLBNSC thành lập HTXNN thuộc loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp;
- Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển HTXNN ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, các vùng có hồ chứa nước lớn và có các công trình thủy lợi, công trình nước sinh hoạt ở nông thôn;
- Vận động doanh nghiệp có vốn Nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có chương trình gắn với HTXNN thông qua hình thức: Góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết từng bước mở rộng mô hình này và xem đó là phương thức chủ yếu để củng cố và mở rộng mối quan hệ giữa HTX và doanh nghiệp;
- Hỗ trợ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho Ban Quản lý HTXNN, chú trọng công tác đào tạo kế toán HTX đáp ứng với nhu cầu phát triển HTX;
- Hỗ trợ HTXNN xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, tiếp thị sản phẩm, vay vốn ngân hàng, xây dựng quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi theo tiêu chuẩn GAP…
b) Xây dựng hợp tác xã điển hình
- Lũy kế đến năm 2020, phấn đấu xây dựng được 10 - 15 HTXNN điển hình là các HTXNN xếp loại khá nhiều năm liền hoặc các HTXNN đã qua củng cố hiện đang đi vào hoạt động ổn định trên các vùng trọng điểm cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh;
- Hỗ trợ, khuyến khích HTXNN xây dựng các vùng chuyên canh làm đầu mối cung cấp nông sản cho các cơ sở chế biến trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu;
- Hỗ trợ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho Ban Quản lý HTXNN, chú trọng công tác đào tạo kế toán HTX, hỗ trợ phần mềm kế toán cho HTXNN nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển HTX;
- Xây dựng kênh thông tin giá cả, dự báo thị trường về vật tư nông nghiệp, nông sản hàng hóa… trong và ngoài nước để HTXNN kịp thời nắm bắt nhằm phát triển, đổi mới phương án sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả;
- Hỗ trợ HTXNN xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, tiếp thị sản phẩm, vay vốn ngân hàng, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao…;
- Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng chuyên canh lưu thông nông sản, hàng hóa;
- Ưu tiên chuyển giao công nghệ tiên tiến thông qua công tác khuyến nông, lâm, ngư; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nông sản, thức ăn gia súc… cho HTXNN;
- Khuyến khích HTXNN hình thành và phát triển tín dụng nội bộ để chủ động trong sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao thu nhập, điều kiện sống của xã viên và nhân dân trên địa bàn.
4. Thực hiện các chính sách hỗ trợ HTXNN
a) Chính sách về đất đai
- Thực hiện các chính sách ưu đãi về sử dụng đất đối với hợp tác xã đã được quy định tại các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ;
- Giao UBND cấp huyện:
+ Trên cơ sở quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của địa phương, tham mưu UBND tỉnh cấp quyết định giao đất, cho thuê đất cho các HTXNN lập cơ sở sản xuất kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích không quá 100m2 cho HTX làm trụ sở làm việc;
+ Chủ động bố trí và thực hiện thỏa thuận địa điểm cho HTXNN làm trụ sở làm việc, mọi chi phí đền bù giải tỏa (nếu có) do ngân sách cấp huyện chi trả đối với diện tích không quá 100m2. Thời gian thực hiện thỏa thuận địa điểm, đền bù giải tỏa 100m2 cho HTXNN làm trụ sở làm việc không quá 12 tháng đối với các HTXNN chưa được cấp kể từ khi Đề án có hiệu lực thi hành và 12 tháng đối với các HTXNN thành lập mới kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây là diện tích đất công hỗ trợ, là tài sản không chia của HTXNN, trường hợp các HTXNN bị giải thể, UBND cấp huyện có trách nhiệm thu hồi diện tích đất này sung vào quỹ đất công của địa phương.
- Trường hợp HTXNN có nhu cầu sử dụng đất để sử dụng vào mục đích thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.
b) Chính sách tài chính - tín dụng
- Thực hiện chính sách về thuế và tín dụng theo quy định tại Điều 6, 8, Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ.
- HTXNN có dự án thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư, có hợp đồng xuất khẩu thuộc danh mục vay vốn tín dụng xuất khẩu quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu được vay vốn theo quy định của Nghị định này và các văn bản có liên quan.
- HTXNN được vay vốn theo các quy định tại Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và các văn bản có liên quan.
- HTXNN có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư mới, đầu tư nâng cấp, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh, thực hiện các hoạt động dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế và đời sống xã viên thì được các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn và áp dụng hình thức đảm bảo tiền vay phù hợp với loại hình kinh tế hợp tác xã. Việc cho vay được thực hiện theo các quy định hiện hành. Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vay vốn các tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành về chính sách tín dụng nông nghiệp và nông thôn.
- Các HTXNN được ưu tiên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ hợp tác xã tỉnh.
- Ngoài ra, các HTXNN được vay vốn theo các quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
c) Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
- HTXNN có sản phẩm tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài được UBND các cấp, các đơn vị chức năng sử dụng ngân sách sự nghiệp hỗ trợ theo quy định.
- HTXNN tham gia chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia được hỗ trợ các nội dung theo quy định tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia.
- HTXNN được các đơn vị chức năng sử dụng ngân sách sự nghiệp hỗ trợ chi phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng Website theo quy định.
d) Chính sách khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ
- Ngân sách các cấp hỗ trợ chi phí cho các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công theo quy định tại Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông; Thông tư Liên tịch số 183/2010/TTLT- BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông; Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và việc ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ của Nhà nước, của tỉnh và địa phương ưu tiên thực hiện tại các HTXNN; Thông tư Liên tịch số 125/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính - Bộ Công Thương về việc quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với Chương trình khuyến công.
- HTXNN được ưu tiên vay vốn từ Quỹ đầu tư Phát triển hoặc hỗ trợ lãi suất khi có dự án đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành sản xuất, chế biến các loại nông sản, hàng xuất khẩu.
đ) Chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
- Ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm đường giao thông, điện, nước, thủy lợi cho những nơi có nhiều HTX, xã viên, cơ sở sản xuất chế biến nông lâm sản của HTXNN gắn với quy hoạch xây dựng thuộc chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
e) Chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực
Các chức danh trong Ban Quản trị, Ban Chủ nhiệm, Ban Kiểm soát, kế toán trưởng, cán bộ, xã viên làm việc chuyên môn, nghiệp vụ của HTXNN đáp ứng điều kiện của cơ sở chiêu sinh do HTXNN cử đi học được hỗ trợ theo quy định tại Mục III, Thông tư số 66/2006/TT-BTC ngày 17/7/2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về chế độ tài chính hỗ trợ các sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập, các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của Hợp tác xã.
g) Chính sách hỗ trợ thành lập mới và củng cố HTXNN
- Về hỗ trợ khuyến khích thành lập HTXNN: Các hợp tác xã chuẩn bị thành lập được hỗ trợ theo đúng nội dung chi và mức chi quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Mục II, Thông tư số 66/2006/TT-BTC ngày 17/7/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về chế độ tài chính hỗ trợ các sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập, các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của HTX và chi từ nguồn ngân sách hàng năm của huyện.
- Về củng cố các HTXNN hoạt động chưa hiệu quả: UBND cấp huyện, liên minh Hợp tác xã tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan chức năng có liên quan cùng phối hợp trong công tác củng cố các HTXNN hoạt động chưa hiệu quả từ nguồn chi sự nghiệp hàng năm của đơn vị mình.
1. Kinh phí lồng ghép các chương trình
Sử dụng các nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu (nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường,…) và các đề án, dự án, chương trình (cây con chủ lực, giảm tổn thất sau thu hoạch, thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, giống cây trồng...) để hỗ trợ thực hiện các nội dung có liên quan.
2. Kinh phí thực hiện Đề án
Kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ HTXNN được nêu trong Đề án được phân bổ từ nguồn ngân sách của UBND cấp huyện, nguồn kinh phí sự nghiệp các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan được phân bổ hàng năm, cụ thể như sau:
2.1. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án: 71.665 triệu đồng (bảy mươi mốt ngàn sáu trăm sáu mươi lăm triệu đồng) - phụ lục kèm theo.
2.2. Các khoản chi
2.2.1. Kinh phí từ các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan
a) Đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền
+ Mức chi: 2.250 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
- Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa
+ Mức chi: 900 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của Sở Công Thương
+ Mức chi: 1.800 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Công Thương.
- Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Mức chi: 1.800 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Hỗ trợ HTXNN tham gia chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia
+ Mức chi: 3.060 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Công Thương.
c) Chính sách khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ
- Chương trình khuyến nông
+ Mức chi: 1.800 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chương trình khuyến công
+ Mức chi: 6.300 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Công Thương.
- Chương trình khoa học - công nghệ
+ Mức chi: 4.050 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Khoa học và Công nghệ.
d) Chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực
- Bồi dưỡng, đào tạo các chức danh trong HTXNN
+ Mức chi: 900 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
- Đào tạo nghề cho người lao động trong HTXNN
+ Mức chi: 900 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
đ) Hỗ trợ thành lập mới và củng cố hoạt động của HTXNN
- Thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp
+ Mức chi: 2.700 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
- Củng cố HTXNN, xây dựng HTXNN điển hình
+ Mức chi: 1.350 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2.2.2. Kinh phí từ nguồn ngân sách của UBND cấp huyện
a) Đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền
+ Mức chi: 9.900 triệu đồng.
b) Chính sách đất đai
+ Mức chi: 15.000 triệu đồng.
c) Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
+ Mức chi: 3.960 triệu đồng.
d) Chính sách khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ
+ Mức chi: 9.900 triệu đồng.
đ) Chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực
+ Mức chi: 495 triệu đồng.
e) Hỗ trợ thành lập mới và củng cố hoạt động của HTXNN
+ Mức chi: 450 triệu đồng.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, liên minh Hợp tác xã tỉnh, các đơn vị trực thuộc sở, các đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện hàng năm xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX thuộc trách nhiệm của từng ngành và đưa vào kế hoạch, chương trình, dự án chung của ngành và của tỉnh; đồng thời hướng dẫn các HTXNN triển khai thực hiện và báo cáo tiến độ thực hiện Đề án về UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tổng hợp kế hoạch phát triển hợp tác xã nông nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế tập thể và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các đơn vị lập dự toán và thanh quyết toán các khoản hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, thị xã lập kế hoạch, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích 100m2 xây dựng trụ sở, hướng dẫn việc giao đất, cho thuê đất làm cơ sở sản xuất kinh doanh cho các HTXNN.
5. Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTXNN xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tại quy định này từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh.
6. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các HTXNN quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Quỹ trợ vốn phát triển hợp tác xã, Quỹ đầu tư phát triển hướng dẫn các thủ tục cần thiết và tạo điều kiện ưu tiên để các HTXNN được vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất kinh doanh.
8. Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền vận động các hội viên tham gia HTXNN.
9. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bồi dưỡng, đào tạo các chức danh trong HTXNN; đào tạo nguồn nhân lực lâu dài cho HTXNN; tư vấn thành lập mới các HTXNN và tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho các HTXNN.
10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động của HTXNN tại Quy định này.
11. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích củng cố và phát triển HTXNN;
- Hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm, thành lập mới, củng cố HTXNN trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện Đề án tại địa phương./.
TIẾN ĐỘ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2696/QĐ-UBND ngày 20/9/2012 của UBND tỉnh)
ĐVT: Triệu đồng
STT | Nội dung | Cộng | Giai đoạn 2012 - 2015 | Phân kỳ từ 2012 - 2015 | Giai đoạn 2016 - 2020 | Đơn vị thực hiện hỗ trợ | |||
2012 | 2013 | 2014 | 2015 | ||||||
TỔNG CỘNG (A+B) | 71.655 | 35.180 | 8.795 | 8.795 | 8.795 | 10.595 | 36.475 |
| |
A. CÁC SỞ, BAN, NGÀNH | 31.950 | 14.200 | 3.550 | 3.550 | 3.550 | 5.350 | 17.750 |
| |
1 | Đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền | 2.250 | 1.000 | 250 | 250 | 250 | 250 | 1.250 |
|
| Tập huấn tuyên truyền chính sách phát triển KTTT và HTX của Đảng và Nhà nước | 900 | 400 | 100 | 100 | 100 | 100 | 500 | Sở NN - PTNT |
| Hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá, biểu dương, khen thưởng các HTXNN làm ăn có hiệu quả | 900 | 400 | 100 | 100 | 100 | 100 | 500 | Sở NN - PTNT |
| Hội thảo chuyên đề hỗ trợ hoạt động HTXNN | 450 | 200 | 50 | 50 | 50 | 50 | 250 | Sở NN - PTNT |
2 | Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường | 7.560 | 3.360 | 840 | 840 | 840 | 840 | 4.200 |
|
| Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (10 HTXNN/năm x 10 triệu đồng/HTX) | 900 | 400 | 100 | 100 | 100 | 100 | 500 | Sở Khoa học - CN |
| Hỗ trợ chi phí cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của Sở Công Thương (10 HTXNN/năm x 20 triệu đồng/lần/HTX) | 1.800 | 800 | 200 | 200 | 200 | 200 | 1.000 | Sở Công Thương |
| Hỗ trợ chi phí cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của Sở Nông nghiệp và PTNT (10 HTXNN/năm x 20 triệu đồng/lần/HTX) | 1.800 | 800 | 200 | 200 | 200 | 200 | 1.000 | Sở NN - PTNT |
| HTXNN tham gia chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia (2 HTXNN/năm x 170 triệu đồng/HTX) | 3.060 | 1.360 | 340 | 340 | 340 | 340 | 1.700 | Sở Công Thương |
3 | Chính sách khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ | 16.290 | 7.240 | 1.810 | 1.810 | 1.810 | 3.610 | 9.050 |
|
3.1 | Chương trình khuyến nông | 5.940 | 2.640 | 660 | 660 | 660 | 660 | 3.300 |
|
| Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến... (2 HTXNN/năm x 100 triệu đồng/mô hình) | 1.800 | 800 | 200 | 200 | 200 | 200 | 1.000 | Sở NN - PTNT |
| Mô hình ứng dụng công nghệ cao (2 HTXNN/năm x 200 triệu đồng/mô hình) | 3.600 | 1.600 | 400 | 400 | 400 | 400 | 2.000 | Sở NN - PTNT |
| Mô hình tổ chức quản lý SXKD tổng hợp (2 HTXNN/năm x 30 triệu đồng/mô hình) | 540 | 240 | 60 | 60 | 60 | 60 | 300 | Sở NN - PTNT |
3.2 | Chương trình khuyến công | 6.300 | 2.800 | 700 | 700 | 700 | 700 | 3.500 |
|
| Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới (2 HTXNN/năm x 250 triệu đồng/mô hình) | 4.500 | 2.000 | 500 | 500 | 500 | 500 | 2.500 | Sở Công Thương |
| Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xử lý môi trường (2 HTXNN/năm x 100 triệu đồng/HTX) | 1.800 | 800 | 200 | 200 | 200 | 200 | 1.000 | Sở Công Thương |
3.3 | Chương trình Khoa học - công nghệ | 4.050 | 1.800 | 450 | 450 | 450 | 2.250 | 2.250 |
|
Hỗ trợ theo Chương trình số 1852/QĐ-UBND ngày 26/7/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành chương trình KH & CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2011 - 2015 | 2.250 | 1.000 | 250 | 250 | 250 | 250 | 1.250 | Sở Khoa học - CN | |
| Hỗ trợ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ | 1.800 | 800 | 200 | 200 | 200 | 200 | 1.000 | Sở Khoa học - CN |
4 | Chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực | 1.800 | 800 | 200 | 200 | 200 | 200 | 1.000 |
|
| Bồi dưỡng, đào tạo các chức danh trong HTXNN (20 người/năm x 5 triệu đồng/người) | 900 | 400 | 100 | 100 | 100 | 100 | 500 | Liên minh HTX tỉnh |
| Đào tạo nghề cho người lao động trong HTXNN (20 người/năm x 5 triệu đồng/người) | 900 | 400 | 100 | 100 | 100 | 100 | 500 | Sở Lao động - TBXH |
5 | Hỗ trợ thành lập mới và củng cố hoạt động của HTXNN | 4.050 | 1.800 | 450 | 450 | 450 | 450 | 2.250 |
|
| Thành lập mới Hợp tác xã nông nghiệp (10 HTX/năm) | 2.700 | 1.200 | 300 | 300 | 300 | 300 | 1.500 | Liên minh HTX tỉnh |
| Củng cố Hợp tác xã nông nghiệp (10 HTX/năm) | 900 | 400 | 100 | 100 | 100 | 100 | 500 | Sở NN - PTNT |
| Xây dựng HTXNN điển hình (2 HTX/năm) | 450 | 200 | 50 | 50 | 50 | 50 | 250 | Sở NN - PTNT |
B. UBND CẤP HUYỆN | 39.705 | 20.980 | 5.245 | 5.245 | 5.245 | 5.245 | 18.725 |
| |
1 | Đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền | 9.900 | 4.400 | 1.100 | 1.100 | 1.100 | 1.100 | 5.500 |
|
| Tập huấn tuyên truyền chính sách phát triển KTTT và HTX của Đảng và Nhà nước | 4.950 | 2.200 | 550 | 550 | 550 | 550 | 2.750 |
|
| Hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá, biểu dương, khen thưởng các HTXNN làm ăn có hiệu quả | 4.950 | 2.200 | 550 | 550 | 550 | 550 | 2.750 |
|
2 | Chính sách về đất đai | 15.000 | 10.000 | 2.500 | 2.500 | 2.500 | 2.500 | 5.000 |
|
Chi phí đền bù giải tỏa 100m2 làm trụ sở làm việc (150 HTX) | 15.000 | 10.000 | 2.500 | 2.500 | 2.500 | 2.500 | 5.000 |
| |
3 | Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường | 3.960 | 1.760 | 440 | 440 | 440 | 440 | 2.200 |
|
| Hỗ trợ chi phí cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... từ nguồn ngân sách cấp huyện (2 HTXNN/năm/huyện x 20 triệu đồng/lần/HTX) | 3.960 | 1.760 | 440 | 440 | 440 | 440 | 2.200 |
|
4 | Chính sách khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ | 9.900 | 4.400 | 1.100 | 1.100 | 1.100 | 1.100 | 5.500 |
|
| Chương trình khuyến nông, khuyến công, hỗ trợ khoa học công nghệ từ nguồn ngân sách cấp huyện (100 triệu đồng/năm/huyện) | 9.900 | 4.400 | 1.100 | 1.100 | 1.100 | 1.100 | 5.500 |
|
5 | Chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực | 495 | 220 | 55 | 55 | 55 | 55 | 275 |
|
| Hỗ trợ tiền tàu xe lượt đi và về cho cán bộ HTXNN đến cơ sở đào tạo | 495 | 220 | 55 | 55 | 55 | 55 | 275 |
|
6 | Hỗ trợ thành lập mới và củng cố hoạt động của HTXNN từ nguồn ngân sách cấp huyện | 450 | 200 | 50 | 50 | 50 | 50 | 250 |
|
- 1Quyết định 1000/QĐ-UBND năm 2008 về Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2Quyết định 54/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt kế hoạch phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2007- 2010, định hướng đến 2015 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 3Quyết định 26/2015/QĐ-UBND về Chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020
- 4Kế hoạch 10127/KH-UBND năm 2015 triển khai Chỉ thị 19/CT-TTg về đẩy mạnh thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 1Nghị định 88/2005/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã
- 2Quyết định 272/2005/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 – 2010) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 02/2006/TT-BKH hướng dẫn Nghị định 88/2005/NĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 4Thông tư 66/2006/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 88/2005/NĐ-CP về chế độ tài chính hỗ trợ các sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập, các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã do Bộ Tài chính ban hành
- 5Luật Đất đai 2003
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Luật Hợp tác xã 2003
- 8Nghị định 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn
- 9Thông tư liên tịch 125/2009/TTLT/BTC-BCT quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với chương trình khuyến công do Bộ Tài chính - Bộ Công thương ban hành
- 10Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông
- 11Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 12Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 13Thông tư 14/2010/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 14Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Quyết định 72/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông do Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 17Nghị định 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và xuất khẩu của nhà nước
- 18Quyết định 2418/QĐ-UBND năm 2011 về Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 19Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2002 tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 20Quyết định 1572/QĐ-UBND năm 2011 về Chương trình "Phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau quả an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 - 2015"
- 21Quyết định 43/2007/QĐ-UBND Chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010
- 22Quyết định 1000/QĐ-UBND năm 2008 về Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 23Quyết định 54/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt kế hoạch phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2007- 2010, định hướng đến 2015 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 24Quyết định 26/2015/QĐ-UBND về Chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020
- 25Kế hoạch 10127/KH-UBND năm 2015 triển khai Chỉ thị 19/CT-TTg về đẩy mạnh thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 do tỉnh Đồng Nai ban hành
Quyết định 2696/QĐ-UBND năm 2012 về Đề án Củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020
- Số hiệu: 2696/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/09/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
- Người ký: Trần Minh Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra