Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2676/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 18 tháng 9 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI (HDI) THÀNH PHỐ CẦN THƠ THỜI KỲ ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45- NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2009 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) thành phố Cần Thơ thời kỳ đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Chăm lo phát triển con người một cách toàn diện, phát huy nội lực và tiềm năng của thành phố Cần Thơ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới; phấn đấu chỉ số phát triển con người (HDI) đuổi kịp các thành phố lớn trong nước, cụ thể đến năm 2020, chỉ số phát triển con người của thành phố đạt 0,717, trong đó các chỉ số thành phần gồm: Chỉ số tuổi thọ là 0,836; Chỉ số giáo dục là 0,939; Chỉ số thu nhập là 0,764.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe:

- Số giường bệnh/vạn dân đến năm 2020 khoảng 39,4 giường.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến năm 2020 dưới 8%.

- Đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế phấn đấu đạt 85-90%.

- Đến năm 2020, tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch phấn đấu đạt 83%.

- Đến năm 2020, tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị phấn đấu đạt 93%.

b) Phát triển nhân lực và giáo dục:

- Quy mô dân số thành phố đến năm 2020 khoảng 1,3 triệu người.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân đạt khoảng 9,42‰/năm giai đoạn 2016 - 2020.

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020: Mầm non 80%, tiểu học 90%, trung học cơ sở 80%, trung học phổ thông 60%.

- Đến năm 2020, tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi: mẫu giáo đạt 93%, tiểu học 100%, trung học cơ sở 90%, trung học phổ thông 70%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 khoảng 75 - 80%.

c) Phát triển kinh tế:

- Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7,5-8%/năm; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 1,2%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 7,9%; khu vực dịch vụ tăng bình quân 8,2%.

- Đến năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá hiện hành) bình quân đầu người đạt 96,9 triệu đồng.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đạt từ 1,5%/năm (theo chuẩn 2016-2020).

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào hiệu quả, sức cạnh tranh nhằm tạo sự tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

2. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế lần lượt là: Thương mại, dịch vụ - Công nghiệp, xây dựng - Nông nghiệp, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa. Đến năm 2030, cơ cấu kinh tế lần lượt là: Thương mại, dịch vụ - Công nghiệp, xây dựng - Nông nghiệp (công nghệ cao), tạo tiền đề vững chắc cho phát triển bền vững.

3. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trên cơ sở quy hoạch phát triển đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

4. Phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL.

5. Kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững; thu hẹp khoảng cách trình độ phát triển giữa vùng ngoại thành và nội thành.

6. Phát triển toàn diện con người. Cùng với quá trình phát triển kinh tế là quá trình phát triển con người và mục đích của phát triển là vì con người.

7. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt nhất.

IV. CÁC KHÂU ĐỘT PHÁ

1. Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe:

a) Hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ tuyến thành phố đến cơ sở. Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, tạo thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân.

b) Phát triển hệ thống y tế thành phố theo hướng tăng cường xã hội hóa công tác y tế, trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo; về cơ bản đủ khả năng đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong từng thời kỳ với trình độ chuyên môn cao, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội; bảo đảm công bằng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng các dịch vụ y tế.

c) Xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ từ cấp thành phố đến tuyến y tế cơ sở theo hướng lấy dự phòng làm chủ đạo, làm nền tảng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; xây dựng và phát triển hệ thống y tế trên cơ sở để mọi người dân được chăm sóc y tế công bằng, hiệu quả và hưởng được các dịch vụ y tế kỹ thuật cao.

d) Tập trung phát triển các cơ sở y tế chuyên sâu, coi dịch vụ y tế chất lượng cao phục vụ Nhân dân trong vùng và khu vực là một trong những hướng ưu tiên nhất trong phát triển các loại hình dịch vụ trên địa bàn.

đ) Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh theo cụm dân cư; các đơn vị chuyên môn y tế ở địa phương được quản lý theo ngành, bảo đảm cho mọi người dân đều có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại các tuyến một cách dễ dàng.

e) Bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong chuyên môn của từng tuyến điều trị và sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, chuyên ngành sâu.

g) Từng bước thực hiện việc di chuyển các cơ sở điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ra khu vực thích hợp.

h) Xây dựng, nâng cấp Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền. Phối hợp với Bộ Y tế điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ đầu tư Trung tâm Y tế kỹ thuật cao, Đại học Điều dưỡng - Kỹ thuật y tế Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

k) Đầu tư duy trì, củng cố và hiện đại hóa Bệnh viện Y học cổ truyền đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I; phát triển khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa quận, huyện, tổ y học cổ truyền trong trạm y tế xã, phường; xây dựng phong trào trồng và sử dụng thuốc nam tại hộ gia đình.

l) Tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm chẩn đoán y khoa tư nhân, bệnh viện quốc tế,...

m) Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế có chất lượng để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

n) Thực hiện tốt các chương trình, dự án y tế quốc gia được triển khai trên địa bàn thành phố.

o) Củng cố, đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng đảm bảo đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống dịch chủ động và tích cực, không để dịch lớn xảy ra. Nâng cao năng lực phát hiện, giám sát, kiểm soát, khống chế và ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh mới phát sinh; hạn chế tốc độ lây truyền HIV/AIDS, các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường...

p) Tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ y, bác sĩ và kỹ thuật y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

2. Phát triển nhân lực và giáo dục:

a) Giáo dục và đào tạo:

- Phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, mở rộng các loại hình giáo dục và đào tạo dân lập, tư thục. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa; sắp xếp hợp lý mạng lưới trường học, cơ sở giáo dục đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về phát triển quy mô.

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thực hiện có hiệu quả yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng quản lý, dạy và học. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn.

b) Giáo dục mầm non và phổ thông:

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường mầm non và phổ thông gắn liền với quy hoạch phát triển cụm dân cư. Tập trung củng cố mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất, nhà trường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và xã hội hóa.

- Mở rộng quy mô đào tạo ở các cấp học, bậc học gắn với nâng cao chất lượng toàn diện.

c) Giáo dục cao đẳng, đại học:

- Xúc tiến lập quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng một số trường đại học, cao đẳng như:, Ngoại ngữ, Luật, Kiến trúc - Xây dựng, Hàng hải, Đại học Quốc tế (trường đại học chất lượng cao), Đại học Kinh tế - Kỹ thuật nông nghiệp, Đại học đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Điều dưỡng - Kỹ thuật y tế, Đại học Văn hóa... Phối hợp các Bộ, ngành xúc tiến thủ tục đầu tư nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học trọng điểm quốc gia theo hướng phát triển đa ngành.

- Hình thành làng đại học để phát triển mạnh các ngành: kỹ thuật, kinh tế tài chính, kinh tế phát triển, quy hoạch và quản lý đô thị,

- Có cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo, phát triển tài năng sau đại học ở những ngành, lĩnh vực quan trọng, tiếp tục thực hiện Đề án Đào tạo ở nước ngoài nguồn nhân lực có trình độ sau đại học cho thành phố Cần Thơ, bố trí sử dụng hợp lý và phát huy năng lực lực lượng được đào tạo ở nước ngoài phục vụ cho thành phố. Hợp tác với nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo nghề. Khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập.

d) Giáo dục nghề nghiệp:

- Xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp lao động có trình độ cao cho vùng ĐBSCL và hướng tới xuất khẩu lao động trình độ cao. Đầu tư nâng cấp Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ đạt chất lượng cao. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo những nghề công nghệ cao. Tiếp tục phát triển, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo thị trường lao động, triển khai các chương trình đào tạo nghề cho học sinh dân tộc, vùng nông thôn.

- Rà soát năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp. Huy động năng lực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp, làng nghề, hình thành mạng lưới giáo dục nghề nghiệp với nhiều hệ thống, nhiều cấp độ để tăng nhanh quy mô giáo dục nghề nghiệp.

- Chú trọng giáo dục nghề nghiệp cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động vùng chuyên canh, vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế được tham gia học nghề, tăng cơ hội việc làm, tự tạo việc làm.

3. Phát triển kinh tế:

a) Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh và mạnh mẽ công nghiệp nhằm tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa thành phố. Đến năm 2020 cơ cấu kinh tế là “Thương mại, dịch vụ - Công nghiệp, xây dựng - Nông nghiệp”.

b) Có chiến lược phát triển khoa học, công nghệ theo hướng đi tắt đón đầu bằng cách dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho khoa học và công nghệ. Ưu tiên các đề án phát triển công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản chế biến nông sản, công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ cơ khí, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; ưu đãi những doanh nghiệp có nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển. Xây dựng kế hoạch hợp tác, liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế. Hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

c) Có chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với yêu cầu là cung ứng cho toàn vùng ĐBSCL. Trước mắt cần xác định một vài ngành công nghiệp phụ trợ chủ lực để ưu tiên phát triển.

d) Đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng như ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn ngoài ngân sách (BT, BOT, PPP),… để có thể thu hút nhiều vốn và kịp thời gian cho yêu cầu phát triển. Ưu tiên đầu tư những dự án công có tính hiệu quả cao, tạo động lực cho quá trình công nghiệp hóa trong thời gian tới.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp tăng chỉ số tuổi thọ:

a) Đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về dân số và kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng khó khăn.

b) Phát triển cơ sở vật chất y tế theo ba tuyến kết hợp hoàn chỉnh hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân; phát triển nguồn nhân lực y tế kết hợp cải thiện thái độ làm việc, y đức; tăng mức chi ngân sách cho lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ; Đẩy mạnh y tế dự phòng và y tế cộng đồng, tạo điều kiện để mọi người tiếp cận hệ thống y tế cộng đồng. Phát triển hệ thống y tế gia đình, tiến đến phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người già; phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị; thực hiện tốt các chương trình, dự án y tế, nước sạch quốc gia triển khai trên địa bàn thành phố; đẩy manh xã hội hóa lĩnh vực y tế.

c) Tăng cường công tác thể dục thể thao trong cộng đồng, tại cơ sở; phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa theo hướng xanh; thực hiện chính sách an toàn vệ sinh thực phẩm.

d) Phát triển cơ sở vật chất và nhân lực văn hóa, thể thao; phát triển các trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, xã và nhà văn hóa, khu thể thao ấp, khu vực; đầu tư phát triển các cơ sở vật chất, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao: nhà hát, rạp chiếu phim, sân tập thể thao; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về rèn luyện thân thể trong khu dân cư.

e) Xây dựng các quỹ phúc lợi chăm sóc sức khỏe người già, người neo đơn, người yếu thế; phát triển các chương trình xã hội như từ thiện, tình thương trong cộng đồng và xã hội.

2. Giải pháp tăng chỉ số giáo dục:

a) Phát triển giáo dục, đào tạo cần đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể và đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường cơ sở vật chất và nhân lực giáo dục, đào tạo các cấp; tăng dần đầu tư cho giáo dục và đào tạo từ ngân sách địa phương bên cạnh ngân sách Trung ương. Mở rộng quy mô giáo dục và đào tạo đi đôi với việc tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; hoàn chỉnh phổ cập cấp trung học cơ sở; xác định tiến độ phổ cập bậc trung học có kết hợp phân luồng và quy hoạch đồng bộ hệ thống giáo dục thường xuyên, hệ thống giáo dục nghề nghiệp; phát triển khoa học công nghệ trong phương pháp, học cụ, và nội dung giảng dạy trong giáo dục và đào tạo; phát triển đa dạng hóa các loại hình đào tạo (gom giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp, giải quyết việc làm vào một mối). Xây dựng kế hoạch đào tạo, chuẩn bị năng lực đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực của thành phố trong thời gian tới; đưa doanh nghiệp tham gia và trở thành một chủ thể chính trong đào tạo.

b) Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức xã hội về việc đi học và việc đảm bảo quyền học tập cho trẻ em; xây dựng các quỹ hiếu học, học bổng, hướng nghiệp cho nhóm người yếu thế, thành phần bỏ học vì điều kiện sinh kế; đẩy mạnh thực hiện các chính sách giáo dục cho người nhập cư.

3. Giải pháp tăng chỉ số thu nhập:

a) Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế bằng cách tái cơ cấu lại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện và tiềm năng của thành phố theo hướng nâng cao năng suất lao động và giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất chủ yếu.

b) Huy động cao nhất các nguồn lực để phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

c) Hình thành và phát triển mạng lưới các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và giải quyết nhiều lao động.

d) Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế tạo có tiềm năng, có hàm lượng công nghệ cao.

đ) Chuyển dịch mạnh mẽ công nghiệp nông thôn.

e) Kết hợp phát triển kinh tế với phát triển xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo thêm nhiều việc làm và giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa khu vực thành thị và nông thôn.

g) Huy động các nguồn lực phát triển: vốn đầu tư, nhân lực, công nghệ từ trong và ngoài địa bàn.

h) Tạo điều kiện gia tăng GNI so với GRDP nhằm làm tăng hiệu quả của nội bộ nền kinh tế thành phố.

i) Tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận với việc làm và tăng thu nhập chính đáng.

k) Phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 2. Giao Sở, ban ngành thành phố, UBND quận, huyện nghiên cứu Đề án, cập nhật các mục tiêu, định hướng phát triển, các khâu đột phá và các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) của thành phố đến năm 2020 vào các kế hoạch 5 năm, hàng năm của ngành, địa phương mình quản lý. Định kỳ 6 tháng gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng cuối quý, để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện Đề án này, làm đầu mối tổng hợp, lồng ghép các mục tiêu, định hướng phát triển, các khâu đột phá và các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) của thành phố đến năm 2020 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của thành phố đến năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận huyện và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Thành ủy;
- TT. HĐND thành phố ;
- CT và các PCT. UBND thành phố;
- VP. UBND TP (2, 3);
- Lưu: VT.P.Cao

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Văn Tâm