Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2663/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 28 tháng 7 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TRỒNG TRỌT TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKHĐT ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Văn bản số 1292/UBND-KTN ngày 05/5/2011 của UBND tỉnh về việc lập Quy hoạch trồng trọt và chăn nuôi tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2312/QĐ-CTUBND ngày 11/10/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương dự toán lập Quy hoạch triển ngành trồng trọt tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Biên bản họp Hội đồng thẩm định Báo cáo Quy hoạch triển ngành trồng trọt tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ngày 20/8/2014;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 325/BC-SKHĐT ngày 23/10/2014 và đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 2006/TTr-SNN ngày 29/6/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển Trồng trọt tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 như sau:

1. Mục tiêu phát triển

1.1. Mục tiêu chung

Đến năm 2020, trồng trọt phát triển toàn diện theo hướng lợi thế và bền vững, có cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a. Tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đến năm 2020 tăng bình quân 2,2%/năm.

- Cơ cấu giá trị sản xuất: Cây lương thực chiếm 45,0%; cây công nghiệp chiếm 30,0%; cây thực phẩm chiếm 19,5%; cây ăn quả chiếm 3,5% và các loại cây trồng khác 2,0%.

- Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 684.000 tấn; trong đó lúa 589.500 tấn, ngô 94.400 tấn, giá trị sản phẩm thu được 01 ha canh tác (giá hiện hành) 100 triệu đồng/ha.

b. Tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đến năm 2030 tăng bình quân 1,5%/năm.

- Cơ cấu giá trị sản xuất: Cây lương thực chiếm 40%; cây công nghiệp chiếm 34%; cây thực phẩm chiếm 21,5%; cây ăn quả chiếm 3,5% và các loại cây trồng khác 1%.

- Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 720.500 tấn; trong đó lúa 612.000 tấn, ngô 108.500 tấn; giá trị sản phẩm thu được 01 ha canh tác (giá hiện hành) 200 triệu đồng/ha.

2. Định hướng phát triển

2.1. Định hướng phát triển theo nhóm cây trồng

- Tỉnh tập trung mọi nguồn lực ưu tiên phát triển nhóm cây trồng chính, là những cây trồng phổ biến, có quy mô diện tích từ 10.000 ha trở lên, có giá trị sản lượng lớn, bao gồm: Lúa, rau các loại, lạc, ngô, sắn và cây dừa. Đối với lúa, lạc, ngô, sắn hướng phát triển theo mô hình "cánh đồng liên kết lớn" theo chuỗi giá trị bền vững ở những vùng sản xuất tập trung. Sử dụng linh hoạt diện tích canh tác lúa hiện có, tùy điều kiện từng vùng để chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả hơn; từng bước xây dựng vùng sản xuất lúa có giá trị cao, tăng diện tích sản xuất lúa giống để đảm bảo nhu cầu trong tỉnh và cung ứng cho các tỉnh khác.

- Đối với nhóm cây trồng bổ sung là những cây trồng có quy mô diện tích tối thiểu từ 1.000 ha trở lên, có giá trị sản lượng hàng hóa khá, bao gồm: Cây thức ăn chăn nuôi, điều, chuối, mía, mè, đậu các loại và xoài; cùng với nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư những vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tùy điều kiện cụ thể của từng loại cây trồng, từng địa phương, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững.

- Đối với nhóm cây trồng đặc thù là những cây trồng có quy mô diện tích nhỏ dưới 1.000 ha, phù hợp với từng địa phương, bao gồm: Cây ăn quả (có múi), hồ tiêu, dâu tằm, cói, chè, cây dược liệu, hoa, nấm, măng tre...; từng địa phương có cơ chế hỗ trợ để phát triển.

2.2. Định hướng phát triển theo vùng sinh thái

- Vùng miền núi: Hướng phát triển của vùng là ổn định diện tích trồng lúa nước nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực tại chỗ cho nhân dân; đồng thời ưu tiên phát triển: Cây chuối, đậu các loại, ngô, hồ tiêu, cây dược liệu, măng tre...

- Vùng trung du: Hướng ưu tiên phát triển ngô, sắn, lạc, lúa, mía, điều, cây thức ăn chăn nuôi, hồ tiêu, cây ăn quả…

- Vùng đồng bằng: Hướng ưu tiên phát triển lúa, lạc, ngô, rau các loại, dừa, mía, cây thức ăn chăn nuôi …

- Vùng đô thị: Hướng ưu tiên phát triển của vùng là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sản xuất rau an toàn, hoa, nấm...).

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Đất sản xuất nông nghiệp

- Đến năm 2020 diện tích đất sản xuất nông nghiệp: 123.776 ha; trong đó đất trồng cây hàng năm 93.166 ha, chiếm 75,3%; đất trồng cây lâu năm 30.610 ha, chiếm 24,7%.

- Đến năm 2030 diện tích đất sản xuất nông nghiệp: 119.000 ha; trong đó đất trồng cây hàng năm 92.000 ha, chiếm 77,3%; đất trồng cây lâu năm 27.000 ha, chiếm 22,7%.

3.2. Bố trí phát triển cây trồng

3.2.1. Cây trồng chính

a. Cây lúa:

- Đến năm 2020 diện tích gieo trồng (DTGT): 90.700 ha, sản lượng 589.800 tấn; trong đó: DTGT sản xuất lúa giống 10.000 ha; DTGT lúa có giá trị cao 18.000 ha.

- Đến năm 2030 DTGT: 90.000 ha, sản lượng 612.000 tấn.

b. Cây lạc:

- Đến năm 2020 DTGT: 16.400 ha, sản lượng 57.300 tấn;

- Đến năm 2030 DTGT: 17.000 ha, sản lượng 64.600 tấn.

c. Cây ngô:

- Đến năm 2020 DTGT: 15.000 ha, sản lượng 94.400 tấn;

- Đến năm 2030 DTGT: 15.500 ha, sản lượng 108.500 tấn.

d. Cây sắn: Đến năm 2020 DTGT là 11.000 ha và ổn định đến năm 2030; sản lượng năm 2020 đạt 334.300 tấn, năm 2030 đạt 396.000 tấn.

e. Rau các loại: Đến năm 2020 DTGT: 20.000 ha và ổn định đến năm 2030; sản lượng năm 2020 đạt 346.000 tấn, năm 2030 đạt 380.000 tấn.

g. Cây dừa: Đến năm 2020 là 10.000 ha và ổn định đến năm 2030; sản lượng đến năm 2020 đạt 110.000 tấn và năm 2030 đạt 120.000 tấn.

3.2.2. Cây trồng bổ sung

- Cây thức ăn chăn nuôi: Đến năm 2020 DTGT là 10.000 ha, sản lượng 340.000 tấn; đến năm 2030 DTGT là 12.000 ha, sản lượng 540.000 tấn.

- Cây điều: Đến năm 2020 là 5.000 ha và ổn định đến năm 2030; sản lượng đến năm 2020 đạt 5.000 tấn, năm 2030 đạt 7.000 tấn.

- Cây chuối: Đến năm 2020 là 4.500 ha, sản lượng 41.200 tấn; đến năm 2030 là 5.000 ha, sản lượng 49.500 tấn.

- Cây mía: Đến năm 2020 DTGT là 3.500 ha và ổn định đến năm 2030; sản lượng năm 2020 đạt 226.200 tấn, năm 2030 đạt 297.500 tấn.

- Cây mè: Đến năm 2020 DTGT là 3.500 ha, sản lượng 3.800 tấn; đến năm 2030 DTGT là 4.000 ha, sản lượng 5.600 tấn.

- Đậu các loại: Đến năm 2020 DTGT là 2.800 ha, sản lượng 5.300 tấn; đến năm 2030 DTGT là 3.000 ha, sản lượng 7.500 tấn.

- Cây xoài: Đến năm 2020 là 1.500 ha và ổn định đến năm 2030; sản lượng đến năm 2020 đạt 7.100 tấn, năm 2030 đạt 7.700 tấn.

3.2.3. Cây đặc thù

Nhằm phát huy lợi thế ở từng địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; định hướng phát triển một số cây trồng đặc thù đến năm 2020 như sau:

- Cây ăn quả có múi: Diện tích 1.000 ha; tập trung chủ yếu ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão.

- Cây hồ tiêu: Diện tích 800 ha; tập trung ở Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn.

- Cây dâu tằm: Diện tích 380 ha; tập trung ở Hoài Ân, An Lão.

- Cây cói: Diện tích 300 ha; tập trung ở Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát.

- Cây chè: Diện tích 100 ha (chủ yếu ở Gò Loi, Hoài Ân).

4. Giải pháp

4.1. Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch

- Đối với các cây trồng chính, trên cơ sở quy hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng các đề án phát triển trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

- Đối với các cây trồng bổ sung, đặc thù, từng huyện, thị, thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng đề án, dự án cụ thể ở địa phương mình để tổ chức thực hiện.

4.2. Giải pháp về khoa học công nghệ

4.2.1. Về giống cây trồng

- Xây dựng đề án sản xuất giống cây trồng của tỉnh, xác định quy mô, yêu cầu đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống; Củng cố hệ thống nghiên cứu, khảo nghiệm và nhân giống của tỉnh.

- Sử dụng giống lai, giống nuôi cấy mô và một số giống biến đổi gen được cho phép sử dụng đưa vào sản xuất.

4.2.2. Công tác khuyến nông

- Tăng mức đầu tư cho công tác khuyến nông, nhất là các huyện miền núi; xây dựng và chuyển giao kịp thời các mô hình khuyến nông đến với nông dân.

- Xây dựng mạng lưới dịch vụ khuyến nông tự quản ở cơ sở bao gồm: Các HTX nông nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác,...

- Thông qua các hội đoàn thể, tăng cường tổ chức tập huấn, tham quan, học tập và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao.

4.2.3. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

- Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ theo hướng chất lượng, hiệu quả và nhu cầu của thị trường.

- Tiếp tục thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm kém hiệu quả sang sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc 2 vụ lúa 1 vụ màu có hiệu quả hơn. Chuyển đổi đồng loạt theo từng vùng, từng khu tưới.

4.2.4. Kỹ thuật canh tác:

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP); tùy theo điều kiện của từng vùng khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật thâm canh như: Chương trình“3 giảm, 3 tăng”, IPM, sử dụng các chế phẩm sinh học... Thực hiện tốt quy trình kỹ thuật canh tác trên đất dốc nhằm hạn chế việc rửa trôi, xói mòn đất; vùng có độ phì đất kém, khuyến khích trồng xen canh hoặc luân canh với cây họ đậu.

4.2.5. Ứng dụng công nghệ cao

- Định hướng ứng dụng công nghệ cao đối với những cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định như: Sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, rau an toàn, sản xuất lạc,...

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trồng trọt ứng dụng công nghệ cao.

4.3. Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất

- Xây dựng kết cấu hạ tầng cho từng vùng, từng cánh đồng cụ thể theo hướng với quy mô thửa ruộng đất hợp lý, tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Trên cơ sở đó hình thành những vùng sản xuất có sản phẩm hàng hóa lớn.

- Xây dựng hệ thống điện gắn với giao thông, thủy lợi, đến từng thửa ruộng của các cánh đồng đảm bảo chủ động phục vụ sản xuất, hạn chế thấp nhất các tác động của thiên nhiên.

4.4. Về cơ chế chính sách

4.4.1. Chính sách đất đai

- Khuyến khích nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, tham gia vào các dự án đầu tư sản xuất, chế biến nông sản hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất của nông dân để tổ chức sản xuất.

- Triển khai công tác dồn điền đổi thửa gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã; khuyến khích các hộ sử dụng đất nông nghiệp hoán đổi với nhau, để thực hiện đồng bộ cơ giới hoá các khâu công việc và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

4.4.2. Chính sách hỗ trợ đầu tư, tín dụng, thuế

- Ban hành một số chính sách mới như: Chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân để đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chọn tạo, sản xuất giống mới, sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao.

4.5. Giải pháp về tổ chức sản xuất: Có cơ chế đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mặc khác, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước thông qua đó Nhà nước có chính sách tác động vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.

4.6. Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

- Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ở các cấp, nhất là cấp xã. Đối với cán bộ kỹ thuật ưu tiên đào tạo chuyên ngành công nghệ sinh học, nông học cho cán bộ làm công tác nghiên cứu và cán bộ khuyến nông.

- Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, hệ thống bảo vệ thực vật, hệ thống quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản từ tỉnh đến đến cơ sở.

4.7. Giải pháp về thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại

- Đối với các sản phẩm: lúa, lạc, ngô, mía, sắn... Tổ chức tiêu thụ cho nông dân bằng cách tổ chức doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân theo phương thức "cánh đồng lớn", hợp đồng tiêu thụ theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.

- Đối với các mặt hàng cây thực phẩm, cây ăn quả... sản xuất còn phân tán, tạo lập kênh lưu thông với sự tham gia của HTX là cầu nối để ký hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân với các cơ sở chế biến, trung tâm thương mại, siêu thị, đại lý bán buôn ở các chợ...

5. Các chương trình, đề án ưu tiên đầu tư

- Chương trình xây dựng cánh đồng lớn.

- Đề án phát triển giống cây trồng.

- Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

- Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Đề án phát triển cây thức ăn chăn nuôi.

- Đề án phát triển vùng nguyên liệu mía thâm canh.

- Đề án phát triển vùng nguyên liệu sắn thâm canh.

- Đề án phát triển vườn dừa theo hướng thâm canh, bền vững.

6. Nhu cầu vốn đầu tư và nguồn vốn đầu tư

6.1. Nhu cầu vốn đầu tư: 163.973 triệu đồng. Trong đó:

- Vốn ngân sách : 115.298 triệu đồng, chiếm 70,3%;

- Vốn của các thành phần kinh tế: 48.675 triệu đồng, chiếm 29,7%.

6.2. Nguồn vốn đầu tư

- Vốn hỗ trợ của Trung ương thông qua các chính sách phát triển trồng trọt, các chương trình, dự án chuyển giao tiến bộ khoa học, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng…

- Ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và xã.

- Vốn của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất trồng trọt.

(Kèm theo Báo cáo Quy hoạch phát triển trồng trọt tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan đầu mối phối hợp với các sở ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung của quy hoạch và tiến hành triển khai các chương trình, đề án, dự án theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Định kỳ sơ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành Trồng trọt cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng thời điểm.

2. Các sở, ngành, đơn vị liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành Trồng trọt đã được phê duyệt, lập đề án, dự án cụ thể ở địa phương, phối hợp với các Sở ngành liên quan triển khai kế hoạch phát triển sản xuất trồng trọt và các dự án đầu tư có liên quan trên địa bàn.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Thu Hà

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2663/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển trồng trọt tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 2663/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/07/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Trần Thị Thu Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản