- 1Công ước về Luật biển năm 1982
- 2Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á – Âu và các quốc gia thành viên
- 3Quyết định 455/QĐ-BGTVT năm 2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Lào Cai giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Quyết định 236/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 50/2018/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership)
- 6Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL năm 2021 triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 1Luật di sản văn hóa 2001
- 2Quyết định 91/2008/QĐ-BVHTTDL phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành
- 3Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 4Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi
- 5Quyết định 201/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết 92/NQ-CP năm 2014 về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do Chính phủ ban hành
- 7Nghị định 18/2015/NĐ-CP Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
- 8Nghị quyết 39/NQ-HĐND năm 2015 về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 9Quyết định 2714/QĐ-BVHTTDL năm 2016 phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 10Luật Quy hoạch 2017
- 11Luật Du lịch 2017
- 12Quyết định 1845/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 14Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch
- 15Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 16Quyết định 147/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025
- 18Kế hoạch 254/KH-UBND năm 2020 về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 19Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2626/QĐ-UBND | Lào Cai, ngày 04 tháng 11 năm 2022 |
BAN HÀNH KHUNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Ban Thường vụ Tính ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tại Tờ trình số 40/TTr-SDL ngày 28 tháng 10 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(Có khung chiến lược kèm theo)
Điều 2: Sở Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Khung chiến lược.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải - Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế, Công thương, Văn hóa và Thể thao; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KHUNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Đính kèm theo Quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)
MỤC LỤC
Phần I: MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết xây dựng khung chiến lược phát triển du lịch
2. Căn cứ thực hiện khung chiến lược phát triển du lịch
3. Mục tiêu thực hiện
4. Phương pháp thực hiện
5. Giới hạn nghiên cứu
Phần II: NỘI DUNG
I. NHẬN THỨC VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH
1. Đặc điểm “Vòng đời” phát triển của điểm đến du lịch
2. Phát triển du lịch bền vững
3. Khái niệm ngành kinh tế mũi nhọn
II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020
1. Các nguồn lực phát triển du lịch
2. Thực trạng phát triển du lịch Lào Cai
3. Đánh giá chung
4. Những vấn đề đặt ra (thách thức) đối với phát triển du lịch Lào Cai
5. Bài học kinh nghiệm từ quá trình phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn đến năm 2020
III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
1. Bối cảnh phát triển của du lịch Lào Cai
2. Quan điểm phát triển du lịch Lào Cai
3. Tầm nhìn, Sứ mệnh của du lịch Lào Cai
4. Mục tiêu phát triển du lịch Lào Cai
5. Các chiến lược thành phần
IV. GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giải pháp thực hiện chiến lược
2. Tổ chức thực hiện
PHỤ LỤC
Phụ lục 1: Hệ thống giao thông đường bộ tỉnh Lào Cai
Phụ lục 2: Dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
KHUNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
1. Sự cần thiết xây dựng khung chiến lược phát triển du lịch
Từ những năm đầu của thập niên 90, thế kỷ XX, du lịch Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh hội nhập của Đất nước với khu vực và quốc tế. Ngay từ thời kỳ phát triển này, một trong những quan điểm và cũng là mục tiêu chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam là “Phát triển nhanh và bền vững, khai thác có hiệu quả tiềm năng và nguồn lực để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển” trong bối cảnh cạnh tranh như một yếu tố tất yếu của quá trình hội nhập. Quan điểm này không hề thay đổi và được tái khẳng định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng với quan điểm “Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh”. Trong xu thế như vậy, hoạt động phát triển du lịch các địa phương, đặc biệt các địa phương có tiềm năng, lợi thế và vị trí quan trọng về du lịch, trong đó có tỉnh Lào Cai cũng không phải là ngoại lệ.
Quan điểm và mục tiêu về phát triển du lịch bền vững của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Lào Cai nói riêng được thể hiện một cách rõ ràng hơn trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh giữa các điểm đến trong hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. Nói một cách khác, chất lượng tăng trưởng du lịch là yếu tố nền tảng để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời góp phần nâng cao tính cạnh tranh du lịch của một điểm đến, qua đó thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Điều này càng trở nên có ý nghĩa với tỉnh Lào Cai - một điểm đến đã có thương hiệu ở vùng núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung, tuy nhiên hiện đã và đang ở giai đoạn “Phát triển trưởng thành” trong vòng đời điểm đến và đang có xu hướng chuyển sang giai đoạn “Trì trệ” cùng với nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch với vai trò là một trong bốn trụ cột kinh tế của tỉnh cũng như mục tiêu “Xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn, du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng du lịch của điểm đến, tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất chính là hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt là chất lượng sản phẩm và sản phẩm du lịch đặc thù của điểm đến.
Sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm có những đặc tính độc đáo trên cơ sở khai thác tính “duy nhất” của tài nguyên du lịch (tự nhiên và văn hóa) hoặc lợi thế so sánh tiêu biểu cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo.
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đã được đề cập ngay từ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 và tiếp tục được khẳng định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng tái khẳng định định hướng này, theo đó “Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nôi trội”.
Như vậy có thể thấy việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao với tư cách là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng du lịch của điểm đến du lịch theo hướng bền vững trong quá trình hội nhập, phát triển du lịch Lào Cai cũng không phải là ngoại lệ.
“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt tại Quyết định số 91/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 đã xác định Lào Cai thuộc Tiểu vùng du lịch Tây Bắc là cực tăng trưởng quan trọng của toàn vùng, nơi có Sa Pa là khu du lịch quốc gia với nhiều lợi thế và tiềm năng du lịch đa dạng phong phú, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch khá đồng bộ được kết nối với Thủ đô Hà Nội bằng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và là điểm đầu của Việt Nam kết nối với khu vực qua hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với những tiềm năng và lợi thế như trên, Lào Cai được xác định là điểm đến có vai trò quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ cũng như chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Lào Cai, du lịch đã được xác định là ngành kinh tế có vai trò quan trọng và được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế, thời gian qua du lịch Lào Cai đã có những bước phát triển đáng ghi nhận với những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và góp phần làm thay đổi hình ảnh những vùng có du lịch phát triển, đặc biệt là Sa Pa và Bát Xát. Trong giai đoạn từ 2000-2019, du lịch Lào Cai tăng trưởng với tốc độ trung bình là 18,27%/năm, trong đó giai đoạn 2010-2019 là 22,0%/năm. Năm 2019, Lào Cai đã đón trên 5,1 triệu lượt khách (trong đó có trên 806.000 lượt khách quốc tế), tổng thu từ du lịch đạt trên 19.203 tỷ đồng, tăng 1,7 lần năm 2015.
Cho dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, kết quả phát triển du lịch Lào Cai thời gian qua vẫn chưa được như kỳ vọng, đặc biệt về chất lượng tăng trưởng du lịch và đang đứng trước một số thách thức về cạnh tranh điểm đến đứng từ góc độ phát triển sản phẩm du lịch. Là một địa phương “sở hữu” tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, đặc biệt là cảnh quan, khí hậu, sinh thái với Vườn quốc gia Hoàng Liên và 54 di tích được xếp hạng, trong đó có 22 di tích cấp quốc gia. Đặc biệt Lào Cai là điểm đến còn bảo tồn được những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của 25 nhóm ngành dân tộc với nhiều bản làng dân tộc điển hình như Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ, Ngũ Chỉ Sơn, Mường Hoa... (Sa Pa); Na Lo, Bản Phố, Trung Đô... (Bắc Hà); Bản Mế, Cán Cấu... (Si Ma Cai); Mường Hum, Y Tý... (Bát Xát), nhiều lễ hội, làng nghề, chợ phiên nổi tiếng. Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và sự nỗ lực của địa phương, thời gian qua Lào Cai đã được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn là điểm đến và du lịch đã dần khẳng định được vị thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như trong phát triển du lịch vùng và cả nước.
Trong giai đoạn phát triển mới đến năm 2030 và xa hơn là đến năm 2050, du lịch Lào Cai sẽ phải đối mặt với nhiều yếu tố không thuận lợi từ nội tại của sự phát triển vòng đời điểm đến cũng như các yếu tố tác động từ bên ngoài trong bối cảnh cạnh tranh đã và đang diễn ra ngày một gay gắt giữa các điểm đến. Nhiều giá trị tài nguyên du lịch, đặc biệt là những tài nguyên du lịch chỉ có duy nhất ở Lào Cai hoặc đặc sắc hơn những tài nguyên du lịch cùng loại ở các địa phương khác trong vùng còn chưa phát huy có hiệu quả trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó năng lực của đội ngũ quản lý và lao động du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và sự phát.
Thực tế này đòi hỏi Lào Cai cần có một Chiến lược phát triển du lịch mang tính tổng thể được xây dựng dựa trên một “Tầm nhìn” chiến lược và luận cứ khoa học để có thể triển khai có hiệu quả các chủ trương, định hướng của Đảng, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tương xứng với vị thế và tiềm năng, qua đó sẽ có những đóng góp tích cực mang tính “đột phá” cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh trên, việc thực hiện xây dựng “Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với sự tài trợ của Chính phủ Australia thông qua Dự án GREAT (Chương trình Aus4Quality) do Tổ chức CowaterSogema thực hiện là hết sức quan trọng và cần thiết. Kết quả thực hiện nhiệm vụ này sẽ là tài liệu quan trọng hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Lào Cai xác định định hướng cho phát triển du lịch Lào Cai phù hợp với tiềm năng, vị thế và xu hướng phát triển du lịch trong bối cảnh mới theo hướng bền vững, đem lại lợi ích nhiều mặt đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng, nhất là phụ nữ, người khuyết tật, cộng đồng dân tộc còn nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa song có tiềm năng du lịch và góp phần tích cực trong nỗ lực bảo tồn các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh.
2. Căn cứ thực hiện khung chiến lược phát triển du lịch
- Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
- Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017;
- Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 29/11/2005;
- Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
- Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017;
- Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
- Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về việc Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
- Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
- Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới;
- Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030;
- Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 26/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030;
- Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI (2020-2025);
- Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Đề án số 03-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”;
- Chương trình hành động số 148-CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV ngày 28/07/2017 về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/04/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025;
- Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về việc thành lập Sở Du lịch tỉnh Lào Cai và kiện toàn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai thành Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai;
- Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 29/06/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai;
- Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 04/06/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai phê duyệt Báo cáo kết quả khảo sát, điều tra du lịch tỉnh Lào Cai năm 2019;
- Kế hoạch số 368/KH-UBND ngày 20/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 28/09/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về “Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”;
- Dự thảo “Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tháng 10/2021.
- Đề án của các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn trong tỉnh Lào Cai đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt có thời hạn đến năm 2030.
3.1. Mục tiêu chung
Xây dựng được “Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, qua đó góp phần tích cực phát triển du lịch Lào Cai thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
3.2 Mục tiêu cụ thể
Một số mục tiêu của Khung chiến lược bao gồm:
- Tổng quan có hệ thống các nguồn lực, lợi thế so sánh và thực trạng phát triển du lịch Lào Cai; xác định những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững.
- Nhận diện được các xu hướng phát triển du lịch trong bối cảnh phát triển mới, qua đó xác định “Tầm nhìn” với các giá trị cốt lõi và các chiến lược thành phần của du lịch Lào Cai giai đoạn đến năm 2050.
- Có căn cứ để hoàn thiện hệ thống chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính sách của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đối với phát triển du lịch Lào Cai đảm bảo tính bền vững và tính cạnh tranh trong bối cảnh phát triển mới.
Một số phương pháp chủ yếu sẽ được áp dụng để thực hiện các mục tiêu của Khung chiến lược đặt ra trên đây bao gồm:
- Phương pháp phân tích tổng hợp và phân tích hệ thống: Đây là phương pháp cơ bản được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu dựa trên việc kế thừa các tài liệu, thông tin có liên quan đến phát triển du lịch tỉnh Lào Cai; Là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, nghiên cứu phát triển du lịch nói chung và chiến lược phát triển du lịch nói riêng liên quan chặt chẽ đến các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tài nguyên du lịch (tự nhiên và văn hóa), thị trường, v.v. vì vậy phương pháp này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Phương pháp điều tra thực địa: Công tác điều tra thực địa nhằm mục đích kiểm tra chỉnh lý và bổ sung tư liệu; đối chiếu và lên danh mục cụ thể các đối tượng nghiên cứu; sơ bộ đánh giá các điều kiện/yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Phương pháp thống kê, so sánh: Phương pháp thống kê là phương pháp nghiên cứu không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu những vấn đề định lượng trong mối quan hệ về mặt định tính của các hiện tượng và quá trình, đối chiếu so sánh biến động về các yếu tố với quá trình phát triển du lịch.
- Phương pháp chuyên gia: Phương pháp chuyên gia có ý nghĩa quan trọng đối với nghiên cứu này bởi khung chiến lược với những vấn đề đặt ra đòi hỏi các thông tin đầu vào cũng như đánh giá mang tính khái quát cao.
- Về đối tượng: phát triển du lịch tỉnh Lào Cai.
- Về không gian: ranh giới tỉnh Lào Cai (giới hạn cứng) và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ (giới hạn mềm).
- Về thời gian: chuỗi số liệu hiện trạng từ 2015 đến 2022 và định hướng phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn phát triển đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
I. NHẬN THỨC VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH
Để có thể có những đánh giá khách quan có cơ sở khoa học đối với thực trạng phát triển du lịch Lào Cai làm căn cứ xác định Khung chiến lược phát triển du lịch trong giai đoạn mới, cần có được nhận thức chung về một số vấn đề mang tính lý luận song hết sức quan trọng đối với thực tiễn phát triển du lịch của một điểm đến du lịch.
1. Đặc điểm “Vòng đời” phát triển của điểm đến du lịch
Với tư cách là một ngành kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập, phát triển du lịch của một điểm đến cần đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến để thu hút khách du lịch phù hợp với nguyên lý cơ bản về “Vòng đời” phát triển và thực tiễn phát triển của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch của một địa phương, một vùng hoặc của một quốc gia cũng không phải là ngoại lệ.
Phát triển du lịch của một điểm đến du lịch theo hướng bền vững cần có được cơ cấu “cung” du lịch hợp lý, phù hợp với tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch để đảm bảo sự phát triển du lịch của điểm đến “vượt qua” được giai đoạn “Suy thoái” (Trì trệ) trong “vòng đời” phát triển của điểm đến gồm 04 giai đoạn: Xây dựng - Phát triển - Trưởng thành - Suy thoái (Hình 1).
- Giai đoạn “Xây dựng”: là giai đoạn mà các tiềm năng du lịch ở điểm đến được phát hiện và bắt đầu được đầu tư khai thác cho phát triển du lịch. Ở giai đoạn này, “Cung” về sản phẩm và dịch vụ tại điểm đến còn hạn chế, vì vậy ở giai đoạn này điểm đến là nơi khách du lịch “khám phá” những trải nghiệm mới.
- Giai đoạn “Phát triển”: là giai đoạn mà sản phẩm du lịch và dịch vụ đã được đầu tư hoàn chỉnh, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch điểm đến cũng được triển khai; vì vậy thu hút được sự quan tâm của du khách, trong đó có khách đã “khám phá” quay trở lại. Lượng khách du lịch mới sẽ tăng nhanh bởi sự hoàn hảo của các sản phẩm du lịch ở giai đoạn phát triển này.
- Giai đoạn “Trưởng thành” (Đỉnh cao): là giai đoạn phát triển du lịch đạt tới sự hoàn hảo cả về sản phẩm và dịch vụ du lịch, cả về lượng khách đến với điểm du lịch. Ở giai đoạn này, hoạt động du lịch đạt được trạng thái tối ưu để đảm bảo việc “Cung” đáp ứng tốt nhất “Cầu” của thị trường. Tuy nhiên, ở giai đoạn phát triển này dã bắt đầu bộc lộ những tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường du lịch tự nhiên và văn hóa - xã hội. Tốc độ tăng trưởng về du lịch đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
- Giai đoạn “Suy thoái”: là giai đoạn tiếp sau của trạng thái “đỉnh cao” trong phát triển du lịch tại điểm đến. Nhiều yếu tố hấp dẫn du lịch bị suy giảm, nảy sinh mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và cộng đồng địa phương. Tốc độ tăng trưởng về du lịch không chỉ không tăng mà còn có dấu hiệu suy giảm cùng với tình trạng “nhàm chán” của khách du lịch về một điểm đến ít có sự thay đổi về sản phẩm du lịch, về chất lượng dịch vụ.
Chính vì vậy ở giai đoạn này cần cơ cấu lại “Cung” du lịch cùng với thay đổi mang tính đột phá về sản phẩm du lịch (nâng cấp những sản phẩm cũ và phát triển những sản phẩm mới mang tính khác biệt), nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường chất lượng môi trường du lịch để đảm bảo du lịch vượt qua được điểm “Trì trệ” cho một chu kỳ phát triển mới.
Việc cơ cấu lại du lịch, đặc biệt là về sản phẩm và dịch vụ theo định hướng phù hợp yêu cầu đặt ra sẽ không chỉ hạn chế sự suy giảm về lượng khách mà sẽ có thể làm thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng tăng hiệu quả kinh doanh du lịch tại điểm đến.
Đây là nhận thức rất quan trọng đối với việc đánh giá thực trạng phát triển du lịch của một điểm đến để có được những phương án phát triển và giải pháp phù hợp. Phát triển điểm đến du lịch Lào Cai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng không phải là ngoại lệ.
2. Phát triển du lịch bền vững
Từ đầu thập niên 1990 các nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo về sự phát triển du lịch với mục đích đơn thuần kinh tế sẽ có những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, đến các giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng địa phương. Hậu quả của các tác động này sẽ lại ảnh hưởng đến chính sự phát triển lâu dài của ngành du lịch. Chính vì vậy đã xuất hiện yêu cầu nghiên cứu về “Phát triển du lịch bền vững” nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đảm bảo sự phát triển lâu dài. Trong quá trình thống nhất về nhận thức, khái niệm về phát triển du lịch bền vững vẫn còn có sự chưa thống nhất, đặc biệt giữa những người coi phát triển du lịch bền vững cần đảm bảo nguyên tắc chính là bảo tồn tài nguyên môi trường và văn hóa với những người xem nguyên tắc hàng đầu của phát triển du lịch bền vững là sự tăng trưởng về kinh tế do du lịch đem lại.
Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO đưa ra tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro năm 1992 “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người”.
Theo quan điểm về phát triển bền vững, phát triển du lịch bền vững cần được phát triển sao cho bản chất, quy mô và phương thức phát triển phù hợp, hạn chế được những tác động tiêu cực làm tổn hại tới môi trường tự nhiên, văn hóa và góp phần tích cực cho phát triển cộng đồng, nỗ lực xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Trên cơ sở đúc kết thực tiễn và phát triển tư duy phù hợp với “Mục tiêu phổ quát về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc cho giai đoạn 2015 - 2030”, phát triển du lịch bền vững phải đảm bảo một số tiêu chí cơ bản sau:
i) Quản lý bền vững và hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch với 08 chỉ số đo lường cụ thể.
ii) Gia tăng lợi ích kinh tế xã hội cho cộng đồng địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực với 09 chỉ số đo lường cụ thể.
iii) Gia tăng lợi ích đối với các di sản văn hóa và giảm thiểu các tác động tiêu cực với 04 chỉ số đo lường cụ thể;
iv) Tối ưu hóa lợi ích về môi trường và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực với 03 nhóm chỉ số: a) Bảo tồn các nguồn tài nguyên gồm 04 chỉ số đo lường; b) Giảm ô nhiễm gồm 06 chỉ số đo lường; và c) Bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên với 05 chỉ số đo lường cụ thể.
v) Đem lại cho du khách những trải nghiệm phù hợp nhu cầu và kỳ vọng với 04 chỉ số đo lượng cụ thể.
Như vậy có thể thấy ở phạm vi toàn cầu, phần lớn các khái niệm về phát triển du lịch bền vững đều đề cập đến một trong những mục tiêu trọng tâm là đem lại lợi ích cho cộng đồng với vai trò là một chủ thể tham gia có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động du lịch.
Ở Việt Nam, phát triển du lịch bền vững được nghiên cứu lần đầu tiên trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” (2000-2002). Một trong những kết quả quan trọng là lần đầu tiên khái niệm về du lịch bền vững đã được đưa ra, theo đó “Phát triển du lịch bền vững là hoạt động khai thác có quản lý các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương” (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2002)
Khái niệm về du lịch cũng đã được luật hóa và thể hiện tại Điều 4, Luật Du lịch 2005, theo đó “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của các thế hệ tương lai”. Khái niệm này đã được làm rõ hơn tại Điều 3, Luật Du lịch sửa đổi (Luật Du lịch, 2017) theo đó “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.
Như vậy nhận thức đúng về phát triển du lịch bền vững của điểm đến sẽ là căn cứ xác định trạng thái phát triển của điểm đến, qua đó có những giải pháp điều chỉnh sự phát triển du lịch theo hướng bền vững hơn.
Phát triển du lịch điểm đến Lào Cai theo hướng bền vững cũng không phải là ngoại lệ.
3. Khái niệm ngành kinh tế mũi nhọn
Hiện nay khái niệm về ngành kinh tế “mũi nhọn” hay “trụ cột” vẫn chưa có sự thống nhất về nội hàm. Đây cũng là vấn đề được thảo luận tại Hội nghị khoa học về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 1995-2010.
Cho dù còn có sự chưa thống nhất về khái niệm, tuy nhiên đa số cho rằng, một ngành kinh tế được xem là “mũi nhọn” phải có đóng góp tích cực cho nền kinh tế, tạo được nhiều việc làm cho xã hội và tạo được sức lan tỏa cho các ngành kinh tế có liên quan cùng phát triển.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng không phải là ngoại lệ, theo đó cần đáp ứng dược 3 tiêu chí cơ bản bao gồm:
- Tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP quốc gia (hay GRDP địa phương) đạt tỷ lệ từ 15 - 17% (căn cứ theo Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đặt ra mục tiêu đến năm 2025 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp từ 10% GDP trở lên; theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu: Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Trong đó: Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%).
- Tỷ lệ việc làm do du lịch tạo ra trong tổng việc làm của xã hội phái đạt trên 10,0 - 12,0% (tỷ lệ trung bình trên phạm vi toàn cầu).
- Du lịch phát triển phải tạo ra sự “lan tỏa” đối với sự phát triển của một số ngành có liên quan như giao thông vận tải (đặc biệt là hàng không), thương mại, xây dựng, v.v. thông qua tỷ lệ đóng góp gián tiếp vào GDP quốc gia (hay GRDP địa phương) cũng từ 10,0% trở lên.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và nhiều địa phương có tiềm năng, lợi thế về du lịch như Lào Cai cũng đã đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện mục tiêu đó sẽ phải đối mặt với một số yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể:
Thứ nhất: Nhận thức xã hội về du lịch bởi nếu có nhận thức đúng và thống nhất thì các hành động sẽ theo một hướng tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để phát triển du lịch đúng với vai trò của một ngành kinh tế dịch vụ có nhiều ưu thế.
Thứ hai: Cơ cấu ngành hợp lý để đảm bảo khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các thị trường mục tiêu,
Thứ ba: Thể chế và chính sách đặc biệt là chính sách về thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát.
Thứ tư: Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch có tính chuyên nghiệp, hiện đại để thu hút đầu tư và khách du lịch,
Thứ năm: Môi trường lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng phát triển du lịch.
Thứ sáu: Nguồn nhân lực du lịch đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập,
Thứ bảy: Năng lực và hiệu quả của quản lý nhà nước về du lịch phù hợp với yêu cầu phát triển,
Việc có được nhận thức đầy đủ về “Vòng đời điểm đến”, về “Phát triển du lịch bền vững” và “Ngành kinh tế mũi nhọn” sẽ là yếu tố quan trọng làm căn cứ đánh giá đúng về thực trạng phát triển du lịch Lào Cai, xác định rõ những vấn đề đã và đang đặt ra cho phát triển điểm đến du lịch Lào Cai trong quá trình phát triển để có được giải pháp phù hợp vượt qua được giai đoạn “Bão hòa” trong vòng đời điểm đến, thực sự trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn theo hướng bền vững với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Nhưng vấn đề trên đây sẽ được làm rõ trong “Khung chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” phù hợp với tiềm năng, lợi thế và những mục tiêu phát triển du lịch của địa phương trong bối cảnh phát triển mới.
II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020
1. Các nguồn lực phát triển du lịch
1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.
Lào Cai là tỉnh biên giới thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ (TDMNBB), phía Đông tiếp giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam tiếp giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu và phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với trên 182 km đường biên giới quốc gia. Như vậy có thể thấy Lào Cai có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược quan trọng không chỉ của vùng TDMNBB mà còn của cả nước thể hiện ở: (i) Là trung tâm theo hướng Bắc Nam của vùng TDMNBB; (ii) Là cửa ngõ tiền tiêu đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc; (iii) Là cầu nối phát triển giao thương, đầu tư, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN; (iv) Thuận lợi để phát triển thành trung tâm logistics và giao thương quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là kết nối quan trọng của Hành lang Bắc - Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).
Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Lào Cai là 6.364,03 km2, chiếm 1,9% diện tích của cả nước, đứng thứ 19/63 tỉnh thành về diện tích. Dân số tỉnh năm 2020 là 746.355 người, trong đó người kinh chiếm khoảng 33,2% dân số.
Địa hình Lào Cai khá phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh. Hai dãy núi chính là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi cùng có hướng Tây Bắc - Đông Nam nằm về phía Đông và phía Tây tạo ra các vùng đất thấp, trung bình giữa hai dãy núi này và một vùng về phía tây dãy Hoàng Liên Sơn. Điểm cao nhất là đỉnh núi Fansipan trên dãy Hoàng Liên Sơn có độ cao 3.143 m so với mặt nước biển, tiếp đến là đỉnh Ky Quan San tại huyện Bát Xát cao 3.046 m, đỉnh Ngũ Chỉ Sơn cao 2.850 m, ....
Dải đất dọc theo sông Hồng và sông Chảy gồm thành phố Lào Cai - Cam Đường - Bảo Thắng - Bảo Yên và phần phía đông huyện Văn Bàn thuộc các đai độ cao thấp hơn, địa hình ít hiểm trở hơn, có nhiều vùng đất đồi thoải.
Lào Cai có khí hậu nhiệt đới gió mùa, bị chi phối bởi yếu tố địa hình phức tạp nên diễn biến thời tiết có sự thay đổi, khác biệt theo thời gian, không gian và có sự khác nhau giữa các vùng: Vùng cao nhiệt độ trung bình từ 15°C - 20°C (riêng Sa Pa từ 14°C - 16°C), lượng mưa trung bình từ 1.800mm - 2.000mm. Vùng thấp nhiệt độ trung bình từ 23°C - 29°C, lượng mưa trung bình từ 1.400mm - 1.700mm.
1.2. Tài nguyên vị thế và tài nguyên du lịch (tự nhiên và văn hóa)
a) Tài nguyên vị thế: vị trí địa lý được xem là một dạng tài nguyên đặc biệt khi nó đem lại những lợi thế trong việc tạo điều kiện cho khách du lịch tiếp cận thuận lợi hơn so với điểm đến du lịch khác.
Đứng từ góc độ này, với tư cách là một trong sáu tỉnh có biên giới chung với Trung Quốc song Lào Cai có vị trí đặc biệt khi không chỉ là cửa ngõ giao thương với Trung Quốc mà còn đóng vai trò “cầu nối” giữa Việt Nam với thị trường du lịch Trung Quốc trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Hình 2: Vị trí này thuận lợi cho phát triển kinh tế cửa khẩu cũng như thuận lợi cho phát triển du lịch.
b) Tài nguyên du lịch tự nhiên
- Địa hình, địa mạo, cảnh quan: Địa hình Lào Cai rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh, có những đỉnh núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi, những vùng triền núi thấp, trung bình và nhiều núi nhỏ hơn phân bố đa dạng, chia cắt tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau. Đặc biệt Lào Cai có đỉnh núi Fansipan trên dãy Hoàng Liên Sơn có độ cao 3.143m cao nhất Việt Nam. Địa hình núi cao tạo nên những cảnh quan núi rừng hùng vĩ và hấp dẫn, những vách đá, đỉnh núi hiểm trở, hang động, thác nước và trên nên địa hình như vậy là thảm động thực vật đặc hữu, có giá trị cao để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch thể thao và du lịch mạo hiểm.
- Khí hậu: Địa hình đa dạng tạo ra những vùng khí hậu khác nhau trong tỉnh Lào Cai. Đặc biệt tại các vùng núi cao như Sa Pa, Si Ma Cai, Bát Xát, Bắc Hà có thời tiết mát mẻ vào mùa hè và lạnh vào mùa đông. Nhiệt độ trung bình nằm ở vùng cao từ 15°C - 20°C (riêng Sa Pa từ 14°C - 16°C và không có tháng nào lên quá 20°C). Nhiệt độ trung bình nằm ở vùng thấp từ 23°C - 29°C. Điều kiện khí hậu tạo cho Lào Cai không chỉ trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng núi lý tưởng, mà còn là điểm “check in” và thể thao mùa đông với các môn thể thao vùng ôn đới. Những sản phẩm du lịch đặc thù này rất hấp dẫn du khách, đặc biệt đối với khách du lịch nội địa. Ngoài ra, thời tiết khí hậu Lào Cai cũng thuận lợi cho việc phát triển một số loại cây ăn quả ôn đới và dược liệu đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách.
- Sinh thái và đa dạng sinh học: Lào Cai có tài nguyên rừng phong phú phân bổ theo các địa hình khác nhau, với nhiều loại gỗ quý như: bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, bách tùng, dẻ tùng; các dược liệu quý như: thảo quả, tô mộc, sa nhân, đương quy, đỗ trọng; nhiều loại hoa, quả, rau mang hương vị rất riêng. Đặc biệt, Vườn quốc gia Hoàng Liên được đánh giá là một trong những điểm nóng đa dạng sinh học trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của khu vực Đông Dương với 2.847 loài thực vật bậc cao, thuộc 1.064 chi của 229 họ, trong 6 ngành thực vật đã được phát hiện... Hệ động vật tại Lào Cai cũng phong phú với 555 loài động vật có xương sống trên cạn, 304 loài bướm và 89 loài côn trùng với 60 loài động vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam như: sơn dương, cheo, nai, hoẵng... và có một số động vật đặc hữu như: gà lôi tía, khướu đuôi đỏ, rắn lục sừng, ... Sự đa dạng và phong phú của hệ động thực vật là một tài nguyên du lịch lớn, thu hút các đối tượng khách sinh thái, khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu.
- Thủy văn: Với hệ thống sông, suối phát triển, đặc biệt là các sông Hồng, sông Chảy trong đó có nhiều đoạn sông chảy qua Bắc Hà, Bát Xát,... có địa hình, cảnh quan đẹp, rất thuận lợi để khai thác phát triển du lịch đường sông và du lịch thể thao mạo hiểm vượt thác ghềnh.
c) Tài nguyên du lịch văn hóa
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 25 nhóm ngành dân tộc cùng sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,8% dân số. Trong các dân tộc thiểu số, dân tộc Mông chiếm 22,21%, tiếp đến là dân tộc Tày 15,84%, Dao 14,05%, Giáy 4,7%, Nùng 4,4%, còn lại là các dân tộc đặc biệt ít người Phù Lá, Xá Phó, Hà Nhì, La Chí,... Sự đa dạng các dân tộc thiểu số đã tạo nên sự đa dạng và phong phú về văn hóa thể hiện cả ở văn hóa vật thể và phi vật thể. Sự đa dạng trong văn hóa dân tộc, trong đó nhiều giá trị di sản văn hóa dân tộc còn được lưu giữ, đặc biệt là nhóm dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì, Xá Phó, ... là đặc điểm nổi bật, riêng có của Lào Cai so với các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc được thể hiện cả ở văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây là yếu tố quan trọng để khai thác tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch đến Lào Cai, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
- Di sản văn hóa vật thể
Di tích lịch sử văn hóa: Lào Cai khá phong phú về các loại hình di tích: di tích lịch sử văn hóa, di tích danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ; di tích kiến trúc nghệ thuật, .... Năm 2022, tỉnh có 54 di tích được xếp hạng trong đó có 22 di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, 32 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Ngoài hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, Bảo tàng tỉnh Lào Cai đang lưu giữ hơn 14.000 cổ vật, hiện vật, trong đó có nhiều cổ vật, hiện vật quý giá... góp phần nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc không chỉ ở địa bàn tỉnh Lào Cai và mà còn ở toàn vùng Tây Bắc.
- Di sản văn hóa phi vật thể
Bản làng dân tộc thiểu số: Lào Cai có các bản làng giàu bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc đang trở thành các điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế như bản Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ, Ngũ Chỉ Sơn, Mường Hoa, ... (Sa Pa); Na Lo, Bản Phố, Trung Đô... (Bắc Hà); Bản Me, Cán Cấu... (Si Ma Cai); Mường Hum, Y Tý... (Bát Xát). Kiến trúc nhà ở của các dân tộc cũng tạo ra nét hấp dẫn riêng với du khách như: nhà Trình Tường của người Hà Nhì, nhà truyền thống của người Mông, Tày, ....
Nghề thủ công truyền thống: Nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Lào Cai khá phong phú và đa dạng như: Nghề dệt thổ cầm, nghề rèn đúc, chạm khắc Bạc (người Mông), nghề đan (người Hà Nhì, Phù Lá...)... Các nghề thủ công truyền thống tạo ra các sản phẩm thủ công, hàng hóa lưu niệm, đồng thời cũng tạo nên các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn du khách.
Nghệ thuật trình diễn dân gian: Nghệ thuật âm nhạc dân gian của Lào Cai rất đa dạng, phong phú và đặc sắc. Chỉ tính riêng nhạc khí, Lào Cai đã có đủ 10 họ, với 11 chi, thuộc các thể loại của các nhóm dân tộc khác nhau. Về nghệ thuật dân ca, dân vũ, Lào Cai có khoảng gần 100 điệu múa khác nhau thuộc nhiều thể loại như: Múa khèn của người Mông, dân vũ của người Tày, múa xòe của người Tày, Thái,.... cùng rất nhiều làn điệu dân ca và nghệ thuật biểu diễn mang đậm bản sắc các dân tộc như làn điệu Khắp Nôm Tày, hát then, hát lượn, hát giao duyên, ....
Tri thức dân gian: Với 25 nhóm ngành dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, hệ thống tri thức văn hóa dân gian, truyền thống bản địa rất phong phú, đa dạng từ nghệ thuật ẩm thực (nhiều món ăn nổi tiếng như Thắng cố của người Mông, xôi bảy màu của người Nùng...), dược học cổ truyền (với bài thuốc lá tắm của dân tộc Dao, các bài thuốc dân gian của các dân tộc thiểu số...), trang phục truyền thống của các dân tộc (trang phục của người Mông, Dao, Xá Phó...) và các tri thức dân gian đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.
Lễ hội truyền thống: Lào Cai có khoảng 40 lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc được tổ chức thường niên, hấp dẫn khách du lịch như: Lễ Pút Tồng (người Dao đỏ ở Tả Phìn), Nghi lễ cấp sắc (người Dao ở Long Phúc, Long Khánh (Bảo Yên)), Hội Lồng tồng, Hội Xuống đồng (người Tày, người Giáy), Hội Xuân đền Thượng (thành phố Lào Cai), lễ hội đền Bảo Hà, ....
Chợ phiên vùng cao: Với đặc thù một tỉnh miền núi biên giới, Lào Cai nổi tiếng với các chợ phiên độc đáo. Trong 72 chợ hiện có, chợ phiên chiếm tới hơn 60% về số lượng. Các chợ này thường họp từ 1 đến 2 ngày/tuần, trong đó có thể kể đến một số chợ nổi tiếng như: chợ phiên Bắc Hà (huyện Bắc Hà) (là 1 trong 10 phiên chợ độc đáo nhất Đông Nam Á), chợ phiên Cốc Ly (huyện Bắc Hà), chợ Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) (là chợ trâu lớn nhất các tỉnh trong Vùng Trung du miền núi phía bắc). Các phiên chợ vùng cao là những hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn đối với khách du lịch, đặc biệt đối với khách du lịch quốc tế.
1.3. Các nguồn lực khác
a) Chính sách phát triển du lịch
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã chú trọng việc cụ thể hóa những chính sách phát triển du lịch chung ở tầm quốc gia như Luật Du lịch 2017, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, v.v vào thực tiễn địa phương để đẩy mạnh phát triển du lịch Lào Cai. Một số chính sách của địa phương Lào Cai đã được ban hành, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/04/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025;
b) Nguồn nhân lực du lịch
Theo số liệu điều tra năm 2020, tổng số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 460.442 người (chiếm 62% dân số), trong đó lao động khu vực nông thôn chiếm 77,2%; lao động tham gia hoạt động kinh tế là 448.917 người (chiếm 60,1%). Đây là nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong tổng số lao động của tỉnh, số lao động trong lĩnh vực du lịch năm 2019 là 32.000 người, chiếm 6,9% số lao động trong độ tuổi. Cho dù tỷ lệ này còn khiêm tốn chưa đáp ứng được tiêu chí của ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch Lào Cai.
Cho đến nay chưa có số liệu điều tra chính thức về tỷ lệ nữ và người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tuy nhiên tỷ lệ này được xem là khá thấp do các rào cản truyền thống (nhận thức chưa đúng về vai trò, năng lực) đối với sự tham gia của những đối tượng này vào hoạt động du lịch.
c) Hạ tầng du lịch
- Hệ thống đường bộ: Trên địa bàn tỉnh hiện có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, 5 tuyến Quốc lộ, 16 tuyến đường tỉnh lộ (Phụ lục 1), các đường huyện, đường xã đã kết nối đến tất cả các xã trong tỉnh. Đặc biệt trong thời gian gần đây, hệ thống đường quốc lộ: QL 2 (kết nối Kim Thành đi Trung Quốc), QL 4B (kết nối với Hà Giang), QL 279 (kết nối với Lai Châu, Yên Bái), QL 4D (kết nối với Hà Giang), ... đường kết nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Sa Pa, đường kết nối giữa Sa Pa - Bát Xát, Lào Cai - Y Tý, ... đã và đang được nâng cấp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy liên kết Lào Cai với các địa phương trong vùng cũng như kết nối các trọng điểm du lịch của Lào Cai. Tuy nhiên, việc kết nối các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý; kết nối giữa các khu kinh tế cửa khẩu với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn hạn chế vì cho dù được nâng cấp song các tuyến đường còn nhỏ hẹp, độ dốc dọc lớn, không đảm bảo an toàn giao thông.
Thực trạng hệ thống giao thông đường bộ được đưa ra tại Phụ lục 1.
Hệ thống các bến xe đã đầu tư xây dựng hiện đại tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, các huyện Bắc Hà, Bát Xát... Các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho nhân dân và du khách.
- Đường hàng không: Ngoài hệ thống đường bộ, cảng hàng không Sa Pa đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch (Quyết định số 455/QĐ-BGTVT ngày 04/02/2016) với quy mô tiêu chuẩn là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II với công suất 1.585 nghìn hành khách/năm, 2.880 tấn hàng hóa/năm; địa điểm xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển Giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018) trong đó đổi tên thành cảng hàng không Sa Pa. Ngày 03/3/2022, Lễ khởi công xây dựng sân bay đã được tổ chức, dự kiến sân bay sẽ được đưa vào khai thác trước năm 2025. Đây là sân bay mang tính kết nối vùng núi Tây Bắc với cả nước và khu vực ASEAN và là điều kiện quan trọng để Lào Cai phát triển thực sự trở thành trung tâm du lịch vùng.
- Đường sắt: Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai có năng lực vận chuyển từ 4.000 - 5.000 khách/ngày và có khả năng liên vận quốc tế: Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc). Tuy nhiên, khổ đường sắt hẹp (1,1m), không có khả năng kết nối với hệ thống đường sắt của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); chất lượng toa xe, nhà ga chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch hạng sang. Trong thời gian tới, dự án nâng cấp đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai với khổ đường sắt theo chuẩn quốc tế (khổ 1,43m) sẽ góp phần hoàn chỉnh tuyến đường sắt quốc tế xuyên Á từ Côn Minh (Trung Quốc) qua Lào Cai đến Singapore và đây sẽ là điều kiện thuận lợi để du lịch Lào Cai phát triển mạnh trong thời gian tới.
- Đường thủy: Trên địa bàn tỉnh có 2 sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, có điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải đường sông, kết nối với Trung Quốc. Tuy nhiên, do các sông này có nhiều ghềnh thác, mùa mưa nước chảy xiết, mùa khô nước cạn, mặt khác chưa được đầu tư nạo vét chỉnh trị dòng chảy nên chưa thể khai thác giao thông đường thủy phục vụ hoạt động vận tải nói chung, hoạt động du lịch nói riêng.
- Hạ tầng thông tin viễn thông: đến nay trên địa bàn tỉnh có 34 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn có sóng thông tin di động; 100% xã có thuê bao điện thoại cố định; tổng số thuê bao Internet băng rộng (bao gồm cả cố định và di động) đạt mật độ 563 thuê bao/100 dân. Như vậy về cơ bản hệ thống hạ tầng viễn thông đã được đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu xã hội và du khách về dịch vụ viễn thông, internet. Đây là yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và phát triển Lào Cai nói chung Sa Pa và Y Tý trở thành điểm đến
- Hạ tầng xã hội: Hệ thống các công trình văn hóa, thể thao từng bước được đầu tư phát triển phủ khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại thị xã Sa Pa đã được quy hoạch, đang được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho Lào Cai phát triển du lịch thông qua tổ chức, đăng cai các sự kiện thể thao trong nước và khu vực.
- Hệ thống cấp điện: cho đến nay 100% xã, phường, thị trấn (152/152) có điện lưới quốc gia. Trên địa bàn tỉnh có 1.879 trạm/704.915kVA trạm biến áp phân phối đảm bảo cấp điện cho các phụ tải. Điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ nhu cầu hoạt động phát triển hệ thống các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Hệ thống cấp nước: toàn tỉnh Lào Cai hiện đang có 14 Công trình cấp nước sạch đô thị, với tổng công suất 81,5 nghìn m3 /ngày, đêm. Hệ thống cấp nước sinh hoạt được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
1.4. Đánh giá chung về nguồn lực
a) Lợi thế so sánh
- Về tài nguyên du lịch:
Tính đa dạng của tài nguyên du lịch
Để tạo lực hút đối với khách du lịch từ Hà Nội - trung tâm phân phối khách du lịch của miền Bắc thì các tài nguyên du lịch giữ vai trò quan trọng mang tính tiền đề. So với nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc, Lào Cai có nhiều lợi thế so sánh về tính đa dạng của tài nguyên du lịch, bao gồm cả các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, cụ thể:
Có địa hình đồi núi đa dạng, trong đó có nhiều đỉnh núi cao trên 3.000m, đặc biệt là đỉnh Fansipan cao tới 3.143m được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”.
Khí hậu mát mẻ quanh năm, vào mùa đông có thể xuất hiện kiểu thời tiết cận ôn đới.
Có nhiều điểm cảnh quan đẹp (danh thắng, sông, suối, thác nước, khe, hẻm núi...)
Có điểm tập trung đa dạng sinh học đặc trưng hệ sinh thái núi cao (Vườn quốc gia Hoàng Liên).
Có tới 40 lễ hội dân gian đặc sắc
Có nhiều làng bản truyền thống, chợ phiên đặc sắc, đặc sản ẩm thực đặc trưng.
Với những lợi thế so sánh trên về tài nguyên, Lào Cai có thể phát triển nhiều loại hình du lịch hơn so với các địa phương khác ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Mặt khác, sự đa dạng về tài nguyên du lịch đó còn mang lại cho Lào Cai lợi thế trong việc xây dựng các tour du lịch chuyên đề bổ trợ cho các tour du lịch của Hà Nội chứ không chỉ riêng các tour du lịch của Lào Cai.
Tính đặc trưng của tài nguyên du lịch
Ngoài sự phong phú và đa dạng, tài nguyên du lịch Lào Cai cũng có những nét đặc trưng riêng có thể thấy như sau:
Sa Pa là một đô thị rất đặc trưng ở vùng núi phía Bắc, nơi còn lưu giữ được nhiều giá trị kiến trúc Pháp với khí hậu mát quanh năm và cảnh quan hấp dẫn được xây dựng trên địa hình đồi núi, trong khu cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Đây cũng là điểm tài nguyên mang tính đặc trưng cao của du lịch Lào Cai vì vậy đã được xác định là khu du lịch quốc gia.
Sự đa dạng trong văn hóa dân tộc, trong đó nhiều giá trị di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng với những giá trị đặc trưng riêng còn được lưu giữ. Trong đó phụ nữ dân tộc thiểu số đang nắm giữ vai trò rất quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc này.
Hệ sinh thái núi cao điển hình của dãy núi Hoàng Liên Sơn nơi có “Nóc nhà Đông Dương”.
- Về hạ tầng du lịch:
Bên cạnh những lợi thế về tài nguyên du lịch, Lào Cai còn có hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối với Hà Nội bằng đường cao tốc. Trong tương lai gần, khi dự án xây dựng sân bay Sa Pa, dự án nâng cấp đường sắt theo các tiêu chuẩn quốc tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam được hoàn thành và đi vào khai thác thì lợi thế về hạ tầng du lịch của Lào Cai sẽ được tăng lên nhiều.
- Về khả năng kết nối với khu vực và quốc tế:
Là địa phương nằm ở điểm đầu vào Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lào Cai có điều kiện thuận lợi trong liên kết phát triển du lịch với khu vực và quốc tế.
b) Hạn chế
- Khoảng cách địa lý khá xa so với Hà Nội - Trung tâm du lịch quốc gia ở khu vực phía Bắc.
- Hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng cho dù đã được chú trọng đầu tư phát triển, tuy nhiên chưa đảm bảo tính thuận tiện kết nối trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội. Điều này ảnh hưởng đến khả năng liên kết giữa các điểm du lịch trọng điểm trong tỉnh cũng như kết nối điểm đến Lào Cai với các địa phương trong vùng Tây Bắc.
- Lực lượng lao động trong độ tuổi của Lào Cai có tỷ lệ lao động trẻ khá cao, tuy nhiên tỷ lệ được đào tạo, đặc biệt ở trình độ đại học và sau đại học còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đặc biệt là nguồn nhân lực nữ và người dân tộc thiểu số, mặc dù tham gia đông đảo trong lực lượng lao động làm du lịch, nhưng kiến thức và kỹ năng còn hạn chế.
- Môi trường đầu tư chưa đủ hấp dẫn các tập đoàn lớn, đặc biệt là quốc tế đầu tư các dự án tầm cỡ tại Lào Cai;
- Tình trạng suy thoái tài nguyên, môi trường du lịch dưới tác động của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến tình hình phát triển kinh tế xã hội trên phạm vi toàn tỉnh. Các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng xuất hiện nhiều và mạnh hơn. Đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá đã trở nên thường xuyên hơn trong mùa mưa trên khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn. Các đợt rét đậm, rét hại, mưa đá, dông sét, băng giá, sương muối xảy ra với tần suất ngày một nhiều hơn tại các vùng núi cao thuộc các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương thị xã Sa Pa và Si Ma Cai. Tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất về mùa khô xảy ra cục bộ tại một số địa phương. Bên cạnh đó, sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa có nguy cơ làm thay đổi diện tích và chất lượng rừng, hạn hán và thiếu nước cũng tạo ra nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn toàn tỉnh, khí hậu ở Lào Cai có nhiều biến đổi thất thường ... .
2. Thực trạng phát triển du lịch Lào Cai
2.1. Các chỉ số phát triển ngành
Thực trạng phát triển du lịch trong một giai đoạn được phản ánh qua các số liệu thống kê chuyên ngành gồm: số lượng khách du lịch (quốc tế và nội địa), cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (chủ yếu là hệ thống lưu trú), thu nhập du lịch và đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - Gross Regional Domestic Product), lao động trong ngành du lịch (trực tiếp và gián tiếp). Bản chất thực trạng du lịch của Lào Cai sẽ được phản ánh đúng nếu số liệu thống kê phù hợp với quy định và trong giai đoạn phát triển không xảy ra sự cố rủi ro ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ số thống kê.
Tuy nhiên việc bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vào năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch, vì vậy việc đánh giá thực trạng du lịch ở Việt Nam nói chung và Lào Cai sẽ chủ yếu xét đến chuỗi số liệu 2016 - 2019.
Hoạt động phát triển du lịch Lào Cai đã có những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2019, theo đó các chỉ tiêu phát triển ngành đều thay đổi theo hướng tăng dần (Bảng 1).
Khách du lịch: Giai đoạn 2000 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 18,27%/năm (khách quốc tế: 9,6%/năm, khách nội địa 24,3%/năm); trong 10 năm trở lại đây 2009 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân là 22,0%/năm (khách quốc tế: 9,4%/năm; khách nội địa: 27,7%/năm). Đây là mức tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình về khách du lịch đến vùng núi Tây Bắc (19,6%/năm), tuy nhiên nếu xét về mức tăng trưởng qua các năm thì có thể thấy có xu hướng giảm đối với tổng số lượt khách (từ 32,5% năm 2016 xuống 29,3% năm 2019) và khách nội địa (từ 47,1% năm 2016 xuống 21,9% năm 2019).
Bảng 1: Thực trạng phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2015-2019
TT | Chỉ tiêu phát triển | Đơn vị tính | Năm | Tốc độ tăng trưởng TB (%/năm) | ||||
2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | ||||
1 | Khách du lịch | Lượt | 2.090.631 | 2.769.821 | 3.503.924 | 4.246.590 | 5.106.905 | 25,1 |
- Khách QT |
| 717.644 | 750.778 | 699.377 | 718.585 | 806.160 | 3,2 | |
- Khách NĐ |
| 1.372.987 | 2.019.043 | 2.804.547 | 3.528.005 | 4.300.745 | 33,4 | |
2 | Tổng thu DL | Tỷ VNĐ | 4.675 | 6.405 | 9.443 | 13.406 | 19.203 | 42,4 |
3 | Cơ sở lưu trú | Buồng | 7.540 | 10.000 | 11.900 | 12.400 | 16.000 | 21,2 |
4 | Lao động | Người | 9.100 | 9.200 | 19.200 | 26.500 | 32.000 | 42,2 |
- Trực tiếp |
| 3.500 | 3.550 | 8.832 | 12.300 | 14.500 | 51,8 | |
- Gián tiếp |
| 5.600 | 5.650 | 10.368 | 14.200 | 17.500 | 36,1 | |
5 | Điểm DL | Điểm | 08 | 25 | 28 | 29 | 30 | 57,8 |
6 | Ngày lưu trú TB | Ngày/đêm | 3,0 | 2,5 | 2,0 | 2,1 | 2,25 | -12,3 |
7 | Mức chi tiêu TB | Ngàn VNĐ | 755 | 925 | 1.347 | 1.503 | 1.667 | 22,7 |
Nguồn: Sở VHTTDL Lào Cai
Năm 2019, Lào Cai đón được gần 5.107.000 lượt khách, trong đó có trên 806.000 lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu du lịch đạt 19.203 tỷ đồng; tạo được 32.000 việc làm, trong đó có 14.500 lao động trực tiếp.
Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch: 1.667.000 đồng/người/ngày, trong đó: chi tiêu của khách quốc tế là 2.800.000 đồng/người/ngày (tương đương 122 USD/người/ngày); khách nội địa: 1.650.000VNĐ/người/ngày. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch quốc tế đạt: 2,5 ngày/ khách, Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch nội địa đạt: 2 ngày/ khách.
Thu nhập từ du lịch: Năm 2019, tổng thu từ du lịch (theo giá hiện hành) đạt trên 19.203 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần năm 2015, tăng bình quân 13,9%/năm giai đoạn 2015 - 2019. Tỷ trọng doanh thu du lịch lữ hành của tỉnh Lào Cai trong Vùng khoảng 50%, so với cả nước trên 0,4%, trong khi tỷ trọng doanh thu du lịch lữ hành của cả Vùng trong cả nước chiếm gần 1%. Điều này cho thấy kinh doanh lữ hành của Lào Cai là phát triển so với các địa phương trong vùng, tuy nhiên cũng còn hạn chế ở quy mô toàn quốc.
Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Tính hết tháng 10/2022, toàn tỉnh có 1.343 cơ sở lưu trú, với khoảng 16.000 phòng (buồng). Trong đó, 03 khách sạn 5 sao, 09 khách sạn 4 sao, 13 khách sạn 3 sao, 37 khách sạn 2 sao, 136 khách sạn 1 sao, 688 nhà nghỉ. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại thị xã Sa Pa và Thành phố Lào Cai, cụ thể: Sa Pa có 766 cơ sở, (chiếm 57%), thành phố Lào Cai với 241 cơ sở (chiếm 18%), còn lại là ở các địa bàn du lịch khác như Bát Xát, Bắc Hà,.... Bên cạnh khách sạn, các loại hình cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng cũng phát triển nhanh với 431 homestay, loại hình lưu trú homestay tại các thôn, bản vùng cao đã tạo thuận lợi cho khách du lịch có nhiều lựa chọn khi đến du lịch Lào Cai.
Doanh nghiệp lữ hành/ Hướng dẫn viên: có 36 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 32 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 04 doanh nghiệp lữ hành nội địa; có 183 HDV du lịch đang hoạt động (trong đó có 103 HDV du lịch quốc tế, 66 HDV du lịch nội địa và 14 HDV tại điểm).
Khu, điểm du lịch: 01 Khu Du lịch Quốc gia (Sa Pa), 02 khu du lịch cấp tỉnh (Thành phố Lào Cai, Bắc Hà) và 32 điểm du lịch cấp tỉnh.
Dịch vụ du lịch khác: có 2.436 cơ sở gồm các loại dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch, trong đó: Thị xã Sa Pa có 508 cơ sở, Bắc Hà 165 cơ sở, Bát Xát 620 cơ sở, Bảo Yên 306 cơ sở, Bảo Thắng 54 cơ sở, Thành phố Lào Cai 384 cơ sở, Văn Bàn 234 cơ sở, Si Ma Cai 27 cơ sở, Mường Khương 138 cơ sở.
Lao động du lịch: tổng số lao động trong ngành du lịch hiện nay đạt khoảng 13.000 (8.500 lao động trực tiếp và 4.500 lao động gián tiếp). Chưa đạt yêu cầu về số lượng với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là lao động nghề còn hạn chế. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa trong nỗ lực phát triển nguồn nhân lực thời gian tới.
So với các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 27/11/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về phát triển du lịch (Đề án 03-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2016-2020) thì đến năm 2019 có 5/7 chỉ tiêu đã đạt trên 100%; 2 chỉ tiêu đạt từ 70 - 90%. Cụ thể:
(1) Tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt khách, vượt 13,5%, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 806.000 lượt, khách nội địa đạt 4,3 triệu lượt;
(2) Tổng thu từ du lịch đạt 19.200 tỷ, vượt 6,7%;
(3) Tổng số cơ sở lưu trú đạt 1.310 cơ sở (970 nhà nghỉ và khách sạn, 340 Homestay) vượt 0,7%; tổng số buồng là 16.000, đạt 100%
(4) Số ngày lưu trú trung bình đạt 2,25 ngày, đạt 75%;
(5) Mức chi tiêu trung bình của khách là 1.667.000đ, vượt 23,5%;
(6) Tổng số lao động trong ngành du lịch là 32.000 (14.500 lao động trực tiếp và 17.500 lao động gián tiếp) đạt 97%;
(7) Tổng số khu/điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là 3 khu du lịch và 32 điểm du lịch, vượt 16,7%,
Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, số lượng khách du lịch đến Lào Cai giảm chỉ còn 2.300.090 lượt khách (giảm 55,0%), trong đó lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh tới 75,2% chỉ đón được 200.000 lượt; năm 2021, số lượt khách đến Lào Cai tiếp tục giảm sâu xuống chỉ còn 1.405.930 lượt khách (giảm 64,8%, trong đó không có khách quốc tế). Tổng thu từ du lịch thu nhập từ du lịch giảm 65,5% chỉ đạt 7.184 tỷ đồng. Ước thực hiện năm 2022 tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 4.477.000 lượt khách (đạt 111,9% so với kế hoạch năm 2022, tăng 320% so với cùng kỳ năm 2021, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 15.840 tỷ đồng, đạt 104,7% so với kế hoạch năm 2022, tăng 358% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy có thể thấy Lào Cai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề về lượng khách do tác động đại dịch Covid-19.
2.2. Các hoạt động phát triển
- Thực trạng phát triển sản phẩm - thị trường du lịch: Là địa phương có tiềm năng tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên dựa trên lợi thế về khí hậu, địa hình và tài nguyên du lịch văn hóa dựa trên lợi thế về các giá trị văn hóa dân tộc, thời gian qua Lào Cai đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên những lợi thế này. Các sản phẩm du lịch chính đã định hình và đang dần tạo dựng thương hiệu cho du lịch Lào Cai, bao gồm: Du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch cộng đồng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh và một số sản phẩm du lịch theo xu hướng mới như du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, ...) du lịch mạo hiểm (khám phá hang động, chinh phục các đỉnh núi cao, đi xuyên rừng...), du lịch chăm sóc sức khỏe... Đáng chú ý Lào Cai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đánh giá là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng với 431 cơ sở lưu trú tại gia (homestay) phổ biến tại các xã Tả Van, Tả Phìn, Hoàng Liên (thị xã Sa Pa), xã Y Tý (huyện Bát Xát), xã Tả Chải, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (huyện Bắc Hà),...
Lào Cai đã xây dựng, phát triển được một số sản phẩm du lịch thành “thương hiệu” nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Giải Marathone vượt núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế một đường đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai - Bát Xát - Y Tý - Ngũ Chỉ Sơn - Sa Pa, Lễ hội 5 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa,...
Một số sản phẩm du lịch chuyên đề về hoa cũng được chú trọng phát triển như Lễ hội hoa (tại Thành phố Lào Cai và thị trấn Sa Pa), Mùa hoa đỗ quyên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên), mùa hoa lê tại Si Ma Cai, mùa hoa mận tại Bắc Hà,...
- Thực trạng hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch: Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch đã được đẩy mạnh thông qua các phương tiện truyền thông; tổ chức các sự kiện như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Lào Cai, Lễ hội mùa Thu huyện Bát Xát, Festival Bốn mùa tại Bắc Hà, Lễ hội Hoa hồng và rượu vang tại Sa Pa với nhiều hoạt động mới lần đầu tiên được tổ chức, làm điểm nhấn đặc biệt trong Lễ hội mùa Hè Sa Pa,... và tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch như: Festival văn hóa tại Huế, Triển lãm di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và sản phẩm thủ công truyền thống tại Ninh Bình; Lễ đón nhận bằng ghi danh của UNESCO di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”; hoàn thiện việc in ấn Bộ công cụ nhận diện thương hiệu du lịch Lào Cai và sử dụng bộ công cụ trong các sự kiện, hoạt động du lịch. In ấn tập gấp giới thiệu sản phẩm: Du lịch tâm linh kết nối đền Bảo Hà - Đền Thượng - Sa Pa - Fansipan; Du lịch Sa Pa; Điểm du lịch Choản Thèn; tái bản bản đồ du lịch Sa Pa, ....
Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua cổng thông tin du lịch tỉnh Lào Cai (dulichlaocai.vn), Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai (laocaitourism.vn), trang thông tin du lịch Tây Bắc (dulichtaybac.vn), trang thông tin du lịch dành cho thị trường nước ngoài (sapa-tourism.com), fanpage Du lịch Lào Cai trên mạng xã hội, v.v.
- Thực trạng nguồn nhân lực du lịch
Cho dù tốc độ tăng trưởng về phát triển nguồn nhân lực du lịch của Lào Cai giai đoạn 2016-2019 đạt tới 42,2%/năm, theo đó nếu năm 2016 số lượng lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai mới là 9.100 người trong đó có 3.500 lao động trực tiếp thì đến năm 2019, con số đó đã là 32.000, chiếm tới 6,9% số lao động trong độ tuổi của toàn tỉnh với 14.500 lao động trực tiếp, 17.500 lao động gián tiếp; năm 2020 số lao động trong lĩnh vực du lịch giảm gần 22% so với năm 2019, chỉ còn 25.000 lao động (trong đó: 10.000 lao động trực tiếp, 15.000 lao động gián tiếp). Năm 2021 số lao động trong lĩnh vực du lịch tiếp tục giảm 52% chỉ còn khoảng 12.000 lao động (trong đó: 5.000 lao động trực tiếp, 7.000 lao động gián tiếp). Đến năm 2022 số lao động tăng 8,3% so với năm 2021 lên khoảng 13.000 lao động (trong đó: 8.500 lao động trực tiếp và 4.500 lao động gián tiếp), tuy nhiên so với mục tiêu đề ra theo Đề án số 03-ĐA/TU là 29.000 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó lao động trực tiếp là 12.000 lao động, lao động gián tiếp là 17.000 lao động) cho thấy số lao động tăng nhưng không đáng kể, tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực du lịch là rất lớn.
Đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại 4.000 lao động, nâng tổng số lao động du lịch lên trên 14.000 lao động trực tiếp được qua đào tạo, bồi dưỡng.
Tuy nhiên so với yêu cầu phát triển thì số lượng lao động du lịch còn hạn chế. Bên cạnh đó tỷ lệ lao động có trình độ và được đào tạo còn thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch.
- Thực trạng đầu tư phát triển du lịch:
Trên cơ sở các quyết định phê duyệt của các cấp có thẩm quyền đối với đề án “Phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030”; “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030” và các đề án phát triển du lịch có liên quan, nhiều dự án đầu tư phát triển đã được thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý về mặt chủ trương, chấp thuận nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch như: Dự án Công viên Văn hóa Mường Hoa, Sa Pa với tổng mức đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng; Khu công viên vui chơi, giải trí xã Bản Qua huyện Bát Xát với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; khu nghỉ dưỡng Hòa Bình-Pacific Resort, với tổng số vốn 69,984 tỷ đồng; khách sạn Golden Dragon Sa Pa, với tổng mức đầu tư 310 tỷ đồng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Bắc Hà, với tổng số vốn đầu tư 89,265 tỷ đồng.
Đến năm 2020, tỉnh Lào Cai đã thu hút được trên 40 dự án đầu tư quy mô lớn với tổng mức đầu tư đạt khoảng 50.000 tỷ đồng vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí cao cấp, trung tâm thương mại của các tập đoàn. Trong đó, điển hình nhất là dự án cáp treo Fansipan với vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group. Từ đầu năm 2021 đến nay, Lào Cai cũng đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 3.100 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án có vốn đầu tư lớn như Dự án tổ hợp dịch vụ thương mại kết hợp nhà ở cao tầng tại đường Hoàng Liên hơn 1.061 tỷ đồng; Dự án danh lam, thắng cảnh quốc gia núi Hàm Rồng 630,6 tỷ đồng; Dự án khu đô thị tổ 5 hơn 410 tỷ đồng...; Cấp mới 2 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 397 tỷ đồng.
Bên cạnh đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thì đầu tư cải tạo và phát triển hệ thống đường du lịch ngắm cảnh, đường kết nối các khu, điểm du lịch cũng được chú trọng. Điển hình là 03 dự án tại huyện Bắc Hà (Hoàng Thu Phố - Nhù Sang - Tả Van Chư; Lùng Phình - Bản Phố và Thải Giàng Phố - Nậm Thố - Hoàng Liên); các dự án tại thị xã Sa Pa: Đường từ thị xã Sa Pa đến làng Cát Cát; tuyến từ thôn San II Hoàng Liên - Tả Van; dự án Quốc lộ 4D đoạn qua Sa Pa (Km 100 - Km 111); tuyến đường Sa Pa - Tả Phìn - Ngũ Chỉ Sơn; tuyến đường Sa Pa - Bản Xèo - Mường Hum - Y Tý (Bát Xát); tuyến thành phố Lào Cai - Trịnh Tường - Y Tý (Bát Xát).
Các điểm dừng chân ngắm cảnh, trạm dừng nghỉ cũng được đầu tư xây mới, nâng cấp đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dừng, nghỉ, ngắm cảnh và sử dụng các dịch vụ (ăn uống, giải khát, mua hàng lưu niệm) của du khách. Cho đến nay trên các trục giao thông chính kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều có các điểm dừng nghỉ: 05 trạm dừng nghỉ trên tuyến đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai; các điểm dừng chân ngắm cảnh, trạm dừng nghỉ: Quang Khải (Km 6.5 Cốc San - Bát Xát), Trạm 68 (Km 6.5 Cốc San - Bát Xát), Cốc San (Km 8, Bát Xát), Trạm dừng nghỉ Km 31, điểm dừng chân ngắm cảnh Km 22...
- Thực trạng hoạt động liên kết phát triển du lịch: Các chương trình khảo sát, nghiên cứu xây dựng các chương trình (tour) du lịch liên kết phát triển được tổ chức thực hiện, như: Chương trình phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Tour Du lịch Lào Cai - Điện Biên - Lào - Thái Lan; Chương trình du lịch 2 Quốc gia, 6 điểm đến Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc), liên kết với thành phố Hồ Chí Minh phát triển sản phẩm du lịch mới.
- Thực trạng phát triển du lịch theo vùng trọng điểm phát triển du lịch
Trong những năm, hoạt động phát triển du lịch theo vùng trọng điểm phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai được thực hiện theo tổ chức vùng trọng điểm du lịch được đưa ra tại Quyết định số 4867/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó lãnh thổ tỉnh Lào Cai được chia thành 03 vùng du lịch:
Vùng Tây Bắc gồm thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát: đây là không gian du lịch tập trung nhiều giá trị du lịch không chỉ ở cấp tỉnh mà còn ở cấp quốc gia, vì vậy hoạt động du lịch ở vùng này có ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển du lịch tỉnh Lào Cai nói riêng và vùng Trung du miền núi phía Bắc và cả nước nói chung.
Trung tâm vùng là Khu du lịch quốc gia Sa Pa và Thành phố Lào Cai nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch khá đồng bộ, là đầu mối giao thông kết nối du lịch không chỉ với các địa bàn trọng điểm du lịch của vùng là Sa Pa và Bát Xát mà còn với các vùng du lịch khác trên địa bàn tỉnh.
Vùng Đông Bắc gồm các huyện Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai: không gian này có nhiều tiềm năng để phát triển trở thành địa bàn du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên cho đến nay do nhiều yếu tố nên những giá trị du lịch ở vùng chưa được phát huy đầy đủ. Trung tâm của vùng là thị trấn Bắc Hà.
Vùng trung tâm và phía Nam gồm các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng và Văn Bàn. Lợi thế so sánh của vùng là du lịch văn hóa với trọng tâm là các di tích lịch sử và các giá trị văn hóa tâm linh. Trung tâm vùng là Quần thể di tích danh thắng lịch sử văn hóa đền Bảo Hà.
Trên địa bàn tỉnh, hệ thống các khu, điểm du lịch đã và đang hình thành gồm: thị xã Sa Pa: 01 khu du lịch quốc gia và 13 điểm du lịch; huyện Bắc Hà: 01 khu du lịch cấp tỉnh và 4 điểm du lịch; huyện Bát Xát: 01 trung tâm du lịch và 2 phân khu du lịch thuộc Khu du lịch quốc gia Sa Pa và 6 điểm du lịch; thành phố Lào Cai: 01 khu du lịch cấp tỉnh và 4 điểm du lịch; huyện Mường Khương: 03 điểm du lịch; huyện Bảo Yên: 02 điểm du lịch.
- Thực trạng quản lý nhà nước về du lịch: Trong thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước về du lịch đã được chú trọng thể hiện qua kết quả phát triển du lịch Lào Cai. Nhiều chủ trương, chính sách về phát triển du lịch của Nhà nước đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là các chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chính sách về phát triển kết cấu hạ tầng du lịch đã góp phần tích cực mở rộng quy mô hoạt động phát triển và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch tỉnh Lào Cai.
Công tác xây dựng, triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, cơ chế chính sách tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch đô thị du lịch Sa Pa; Xây dựng Đề án quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, khu, điểm du lịch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên so với yêu cầu, hoạt động quản lý nhà nước về du lịch cũng còn những hạn chế thể hiện trong hoạt động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành những chính sách, cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch, đặc biệt là các giá trị di sản văn hóa dân tộc, liên kết phát triển du lịch, v.v. Điều này đòi hỏi cần có những thay đổi về tổ chức quản lý nhà nước về du lịch.
Tại kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XVI diễn ra trong 2 ngày (8-9/12/2021), các đại biểu thông qua nghị quyết thành lập Sở Du lịch trên cơ sở chia tách từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.
Việc thành lập Sở Du lịch sẽ góp phần tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch tỉnh Lào Cai thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và phát triển Lào Cai thực sự trở thành trung tâm du lịch vùng.
3.1. Các kết quả đạt được
Trong những năm qua, trên cơ sở phát huy những lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch, đặc biệt là cảnh quan, khí hậu núi, văn hóa dân tộc và hạ tầng du lịch, Lào Cai đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng và tiến tới là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 186/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 148-Ctr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị Khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Nhận thức xã hội về du lịch đã từng bước được nâng lên vì vậy phát triển du lịch có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Nhiều đề án, kế hoạch phát triển du lịch đã được lồng ghép trong các Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để có được nguồn lực triển khai thực hiện.
- Trong giai đoạn 2016-2020, phát triển du lịch Lào Cai đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều giá trị tài nguyên du lịch đã được phát huy có hiệu quả, hình thành về cơ bản các cụm, địa bàn trọng điểm và hệ thống các khu, điểm tuyến du lịch. Hạ tầng và môi trường du lịch ngày càng được nâng cấp, cải thiện, cùng với hệ thống chính sách đầu tư cởi mở đã tạo điều kiện để thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư có tiềm lực tham gia đầu tư phát triển du lịch Lào Cai. Cho đến nay đã thu hút được nhiều dự án đầu tư góp phần thay đổi “diện mạo” du lịch Lào Cai như: Dự án Công viên Văn hóa Mường Hoa, Sa Pa; dự án khu du lịch cáp treo Fansipan; dự án khu công viên vui chơi, giải trí xã Bản Qua huyện Bát Xát; ....
Cùng với đó, hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo môi trường du lịch được quan tâm đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai.
Du lịch Lào Cai dần đã khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tích cực phát triển du lịch vùng Tây Bắc nói riêng và vùng Trung du miền núi phía bắc nói chung. Năm 2019, đóng góp trực tiếp vào GRDP của tỉnh là 12,3% và phát triển du lịch đã tạo được sức lan tỏa kéo theo nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
- Công tác phối hợp giữa du lịch với các ngành và các địa phương trong phát triển du lịch ngày càng trở nên chặt chẽ và đi vào thực chất, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển du lịch, đảm bảo môi trường du lịch, góp phần phát triển Lào Cai trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện.
3.2. Những hạn chế chủ yếu
- Nhận thức xã hội về du lịch và sự quan tâm của ấp ủy, chính quyền địa phương chưa đồng đều, nhất quán và đúng mức vì vậy ảnh hưởng đến sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành của các cấp quản lý đối với hoạt động phát triển du lịch.
- Nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch còn chậm triển khai, nhất là các dự án ở các lĩnh vực vui chơi giải trí, phát triển các loại hình du lịch ít phổ biến và các dịch vụ mua sắm, dịch vụ bổ sung. Các dự án đầu tư phần lớn mới tập trung ở khu vực trung tâm, đặc biệt là Sa Pa, vì vậy chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch ở những vùng còn khó khăn song có tiềm năng du lịch.
- Hệ thống sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, trong khi lại thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù tạo sự khác biệt hấp dẫn khách, chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao và qua đó hạn chế khả năng cạnh tranh của điểm đến Lào Cai.
- Hoạt động xúc tiến quảng bá đã được chú trọng song còn chưa chuyên nghiệp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc chuyển tải thông tin về du lịch Lào Cai rộng rãi với thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là phân khúc khách du lịch trẻ tuổi.
- Hệ thống hạ tầng du lịch còn chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và phát triển hệ thống tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; khả năng kết nối với các thị trường trong khu vực và quốc tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
- Sự phối hợp, liên kết giữa các vùng, địa phương và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch để hình thành, phát triển sản phẩm du lịch chưa đạt hiệu quả mong muốn; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy.
- Nhân lực du lịch chưa đáp ứng về số lượng (chưa đạt mức trung bình cả nước là 1,5 lao động trực tiếp/ buồng), cơ cấu và chất lượng, đặc biệt là thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật nghiệp vụ, chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử, tinh thần và thái độ phục vụ và khả năng ngoại ngữ.
- Mặc dù hệ thống cơ sở lưu trú đã được đầu tư mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, sinh thái chất lượng cao, nhất là những cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp ở các vùng du lịch cộng đồng, xa trung tâm đô thị.
- Một số tuyến giao thông xuống cấp cục bộ; kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, đường du lịch ngắm cảnh chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại của khách du lịch, giảm sức hấp dẫn của các điểm du lịch.
- Ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển như: Hệ thống phần mềm quản lý trong du lịch, bản đồ du lịch trực tuyến, hệ thống chỉ dẫn du lịch thông minh, trạm thông tin du lịch thông minh, các phần mềm, tiện ích du lịch chưa được xây dựng, hoàn thiện.
- Phụ nữ và người dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, họ đang đối mặt với một số khó khăn và thách thức cản trở sự tham gia tích cực như: thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ về du lịch; thiếu tự tin, rào cản về ngôn ngữ; gánh nặng công việc gia đình; định kiến giới về vai trò làm chủ kinh tế;
4. Những vấn đề đặt ra (thách thức) đối với phát triển du lịch Lào Cai
- Nhận thức về vai trò và hội nhập của du lịch còn hạn chế: Cho đến nay nhận thức về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội còn hạn chế, điều này thể hiện ở việc thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật về du lịch ở Lào Cai và ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực quản lý nhà nước về du lịch cũng như hiệu quả kinh doanh du lịch trên phạm vi toàn tỉnh. Hạn chế này cũng là hạn chế chung ở nhiều địa phương cũng như ở cấp độ quốc gia đã được Đảng và Chính phủ chỉ ra và thể hiện rõ nhất tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thực trạng phát triển du lịch ở Việt Nam và ở nhiều địa phương, kể cả các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tình trạng đối phó và chộp giật trong hoạt động du lịch thể hiện khá đa dạng và rõ. Cách ứng phó theo phương châm "Nước đến chân mới nhảy" trở nên khá phổ biến trong các hoạt động phát triển du lịch. Tuy nhiên lịch sử đã cho thấy kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng không thể phát triển được trong dài hạn nếu chỉ bằng tư duy ứng phó, thiếu tầm tư duy chiến lược.
Bên cạnh đó nhận thức về hội nhập của du lịch Việt Nam nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng cũng còn rất hạn chế.
Tư duy phát triển du lịch trên con đường hội nhập của Lào Cai cũng không nằm ngoài tư duy kinh tế chung của đất nước. Bên cạnh đó nhận thức đầy đủ về những cơ hội và thách thức của du lịch trong quá trình hội nhập cũng còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy cho đến nay ngành du lịch Lào Cai vẫn chưa có được định hướng cụ thể về hội nhập và liên kết vùng, quốc gia và quốc tế.
- Năng lực cạnh tranh hạn chế: Để đánh giá khả năng tổng thể cạnh tranh của ngành du lịch Lào Cai với tư cách là một điểm đến du lịch, có thể dùng khung phân tích và các tiêu chí cạnh tranh điểm đến du lịch chủ yếu của Hiệp hội Lữ hành Thế giới (WTTC) bao gồm: tài nguyên du lịch, hạ tầng du lịch (đặc biệt về hàng không), chính sách phát triển du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, môi trường du lịch và giá thành sản phẩm và dịch vụ du lịch. Kết quả điều tra khảo sát điều tra du lịch Lào Cai 2019 được thực hiện bởi Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT) cùng với các nguồn dữ liệu khác cho thấy mức độ cạnh tranh của du lịch Lào Cai còn hạn chế. Trong các tiêu chí thì nguồn nhân lực du lịch, hạ tầng du lịch (hàng không) và chất lượng dịch vụ du lịch là những yếu tố hạn chế chính đến ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Lào Cai.
- Hạn chế về nguồn lực phát triển: Kết quả điều tra 2019 cho thấy chất lượng nguồn nhân lực du lịch Lào Cai còn hạn chế với 23,7% có trình độ sơ cấp - trung cấp, 21,2% có trình độ cao đẳng - đại học còn lại là lao động phổ thông và không có lao động có trình độ trên đại học. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững đòi hỏi nguồn lực về con người và đầu tư rất lớn trong điều kiện năng lực đội ngũ và nguồn lực tài chính của du lịch Lào Cai còn rất hạn chế. Đây là thách thức không nhỏ đối với phát triển du lịch Lào Cai trong thời gian qua còn chưa có lời giải thỏa đáng để đảm bảo sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
- Tình trạng suy thoái tài nguyên du lịch và môi trường du lịch đang diễn ra ngày một phức tạp dưới áp lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều giá trị cảnh quan, sinh thái và đa dạng sinh học ở ngay các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, v.v. bị suy giảm; tình trạng xâm lấn, xuống cấp nhiều công trình văn hóa lịch sử dưới tác động của các hoạt động phát triển. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh các nguồn lực vật chất cho các nỗ lực bảo tồn tài nguyên du lịch rất hạn chế và cuộc sống của người dân ở Lào Cai, đặc biệt ở các vùng còn khó khăn song có tiềm năng du lịch như Bát Xát.
- Năng lực quản lý nhà nước về du lịch còn hạn chế cả về con người, nguồn lực và thể chế, cho dù đã có được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh. Đây là “điểm nghẽn” ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch của Lào Cai thực sự trở thành trung tâm du lịch vùng Trung du miền núi Bắc bộ và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương sau những năm 2030.
- Năng lực quản trị rủi ro trước những tác động bên ngoài trong hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam nói chung và ở Lào Cai nói riêng còn hạn chế. Điều này thể hiện rõ ở sự “lúng túng” trong cách thức ứng phó của du lịch Việt Nam trong đó có Lào Cai với sự sụt giảm của dòng khách du lịch quốc tế nói chung hay từ một vài thị trường trọng điểm bởi những tác động như: khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực (1998), dịch viêm đường hô hấp cấp SARS (2003), khủng hoảng kinh tế thế giới (2009), chính sách visa của Trung Quốc đối với điểm đến Việt Nam (2014-2015),... và hiện nay là đại dịch Covid-19 trong bối cảnh du lịch Việt Nam chưa có chiến lược về quản trị rủi ro trong hoạt động phát triển du lịch.
Việc nhận diện những vấn đề đặt ra trên đây sẽ là căn cứ thực tiễn để nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp cho phát triển du lịch Lào Cai tiếp tục phát triển, có những đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế xã hội, tương xứng với tiềm năng và vị thế của địa phương.
5. Bài học kinh nghiệm từ quá trình phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn đến năm 2020
Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển du lịch Lào Cai, so sánh với mục tiêu và quan điểm đã đề ra trong “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” có thể nhận định một số bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng cho giai đoạn tới như sau:
Thứ nhất: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xã hội để thống nhất nhận thức về bản chất ngành du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
Trên cơ sở thống nhất nhận thức sẽ có chung hành động, qua đó bảo đảm sự nhất quán trong hành động để thực hiện quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và xây dựng thể chế, chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Lào Cai trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI (2020-2025) và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/08/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Lào Cai.
Thứ hai: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình chính trị thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, với đặc điểm dễ bị tác động của ngành du lịch, Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai cần đặt trong bối cảnh chung của quốc gia, khu vực và thế giới; trong quá trình hoạch định chiến lược cần chú trọng tham khảo các đánh giá và dự báo của các tổ chức có uy tín như WTO, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Lữ hành Thế giới (WTTC) đối với phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của Việt Nam, xu hướng du lịch ở khu vực và quốc tế để đánh giá đúng bối cảnh hiện tại và dự báo xu hướng phát triển trong từng giai đoạn.
Thứ ba: Đảm bảo và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình Chiến lược - quy hoạch - kế hoạch. Để đảm bảo cho sự thành công của việc thực hiện chiến lược thì ngay sau khi có chiến lược cần phải tiến hành ngay công tác quy hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng của chiến lược và sau đó là lập các kế hoạch thực hiện. Hiện nay công tác quy hoạch chuyên ngành phải tuân thủ Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch địa phương cấp tỉnh, trong đó có Lào Cai sẽ không được thực hiện và các định hướng quy hoạch du lịch cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh. Vì vậy trong bối cảnh này, cần sớm thống nhất sử dụng kết quả của Khung chiến lược phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như một đầu vào quan trọng cho Quy hoạch tỉnh.
Thứ tư: Phải coi con người là yếu tố trung tâm, là động lực để phát triển. Điều này càng có ý nghĩa đối với ngành du lịch vì du lịch là một ngành dịch vụ, chất lượng của nguồn nhân lực có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng của hoạt động du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là chìa khóa để du lịch Lào Cai xóa dần khoảng cách với du lịch của các địa phương có trình độ du lịch phát triển.
Thứ năm: Cần có cơ chế huy động đủ các nguồn lực đầu tư cho du lịch; Đầu tư cho du lịch phát triển sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy nhiều ngành có liên quan cùng phát triển; tránh tình trạng đầu tư manh mún, thiên lệch làm giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí vốn đầu tư; Cần đầu tư có định hướng rõ nét theo thị trường, sản phẩm chiến lược.
Thứ sáu: Đẩy mạnh đầu tư cho xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn, tập trung quảng bá cho các thị trường trọng điểm. Công tác nghiên cứu thị trường và thiết kế sản phẩm phải đi trước một bước, định hướng chiến lược cho việc thu hút đầu tư để đảm bảo tính hiệu quả và thực tiễn.
Thứ bảy: Du lịch Lào Cai cần xác định ưu tiên thu hút các thị trường khách có khả năng chi trả cao, phát triển loại hình du lịch cao cấp nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế các tác động lâu dài đến tài nguyên môi trường du lịch, đặc biệt là các giá trị di sản văn hóa truyền thống của 25 nhóm ngành dân tộc sống trên địa bàn tỉnh. Các loại hình du lịch có giá trị gia tăng cao cần được ưu tiên phát triển.
Thứ tám: Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch trên tất cả các lĩnh vực: Khi xã hội hóa hoạt động du lịch ngày càng sâu rộng, thì càng phải tăng cường chức năng quản lý nhà nước; có cơ chế chính sách ưu tiên phát triển, phù hợp với điều kiện địa phương, các quy định về phát triển du lịch quốc gia và xu thế phát triển du lịch chung ở khu vực và trên thế giới, đồng thời phải cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; đặc biệt là cần phải có một tổ chức bộ máy quản lý nhà nước chuyên ngành du lịch độc lập, ổn định và đủ mạnh để thực hiện chức năng quản lý “ngành kinh tế mũi nhọn” tương ứng nhiệm vụ chính trị, đi đôi với việc phát huy vai trò của chính quyền các cấp.
Thứ chín: Tăng cường sự phối hợp liên ngành, địa phương cấp huyện đồng bộ dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh trong phát triển du lịch: Du lịch chỉ phát triển nhanh và bền vững khi có một chiến lược phát triển du lịch thống nhất trong tỉnh và được cụ thể hóa bằng chương trình hành động cụ thể. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất, đúng hướng và nhanh nhạy từ cấp cao nhất trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp địa phương để tạo sức mạnh tổng hợp và môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển đúng hướng và hiệu quả.
Thứ mười: Chủ động đẩy mạnh liên kết và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị du lịch vùng, qua đó phát huy được đầy đủ nhất những tiềm năng và lợi thế của du lịch Lào Cai cũng như tạo được sức hấp dẫn chung du lịch của vùng núi Tây Bắc, qua đó thu hút được nhiều hơn dòng khách du lịch đến với Lào Cai.
Thứ mười một: Phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong việc huy động nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ, tài chính trong và ngoài tỉnh, tăng cường liên kết giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, đề cao vai trò của Hiệp hội du lịch và các hiệp hội nghề nghiệp trong việc triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thứ mười hai: Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế, tiếp thu học hỏi kinh nghiệm quốc tế, học tập từ những bài học phát triển của các địa phương đi trước để rút ngắn thời gian đạt được các mục tiêu phát triển và hạn chế được thấp nhất những rủi ro.
III. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
1. Bối cảnh phát triển của du lịch Lào Cai
Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Lào Cai phát triển trong trong bối cảnh quốc tế diễn biến khá phức tạp với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu du lịch toàn cầu tiếp tục tăng cùng với sự chuyển dịch của dòng khách du lịch quốc tế đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương mở ra những cơ hội thuận lợi cho phát triển du lịch của các nước ở khu vực này, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các bất ổn về chính trị diễn ra trên diện rộng, bắt đầu với sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ, chiến tranh ở Trung Đông, các hoạt động tranh chấp ở biển Đông và gần đây là xung đột giữa Nga - Ucraina; điển hình là dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới và tác động trực tiếp đến “cầu” du lịch quốc tế. Bối cảnh trên đã có những tác động, cả tích cực và tiêu cực đối với du lịch Việt Nam và du lịch Lào Cai.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch thế giới và khu vực có nhũng thay đổi về nhu cầu và hình thức đi du lịch, điển hình là: xu hướng di du lịch tại các nơi có môi trường tự nhiên của điểm đến trong lành, đảm bảo an toàn; xu hướng du lịch dịch chuyển từ nhu cầu du lịch quốc tế sang nhu cầu du lịch nội địa; xu hướng sử dụng sản phẩm du lịch trọn gói, các gói (combo) thiết kế sẵn dành cho các nhóm nhỏ hoặc du lịch gia đình; xu hướng du lịch được linh hoạt trong sử dụng dịch vụ và xu hướng du lịch gần, ngắn ngày, theo nhóm nhỏ hoặc gia đình, tới những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, khu vực ít người.
Trong nước, tình hình chính trị, xã hội tiếp tục ổn định; kinh tế vĩ mô phát triển; uy tín và vị thế chính trị, ngoại giao quốc tế của Việt Nam ngày được nâng cao cùng với việc Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như Sea games 22, Hội nghị APEC; Việt Nam chính thức trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, đảm nhiệm nhiều trọng trách trong tổ chức quốc tế hàng đầu là Liên hợp quốc, là Chủ tịch ASEAN năm 2020, v.v. đã mở ra những cơ hội và tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, trong đó có du lịch Lào Cai phát triển.
Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Lào Cai nói riêng có được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và được khẳng định qua Nghị quyết các Đại hội Đảng toàn quốc từ khóa VIII đến khóa X theo đó xác định: “Từng bước đưa ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng lần thứ X thông qua: “Phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu sau năm 2010, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực”.
Đặc biệt Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã xác định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác” và “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội”. Năm 2017, Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua Luật Du lịch 2017 với những nội dung đột phá, hướng đến thị trường và tạo điều kiện cho cộng đồng, doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh du lịch.
Du lịch Lào Cai có được sự quan tâm trực tiếp của Tỉnh Ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân và các ngành các cấp, điều này thể hiện rõ tại các Nghị quyết của Đại hội đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI (2020-2025); Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong bối cảnh trên, phát triển du lịch tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới sẽ phải đối mặt với những cơ hội và thách thức đan xen, cụ thể:
Thứ nhất, đó là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng quan trọng để phát triển đất nước. Ngoài ý nghĩa khẳng định vai trò của ngành du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương có tiềm năng du lịch như Lào Cai, thì Nghị quyết 08-NQ/TW khẳng định chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với phát triển du lịch trong giai đoạn phát triển tới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đây sẽ là cơ hội để du lịch phát triển bởi những quan điểm, chủ trương này của Đảng sẽ là cơ sở để Chính phủ có các chính sách cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
Tuy nhiên Nghị quyết 08-NQ/TW cũng là thách thức rất lớn đối với du lịch Lào Cai khi mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là “Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực”.
Thứ hai, sự phát triển mang tính “bước ngoặt” của xã hội loài người luôn gắn liền với những đột phá mang tính “Cách mạng” của khoa học và công nghệ gắn với sự phát triển các ngành công nghiệp phục vụ trực tiếp cho nhu cầu cuộc sống xã hội. Cuộc Cách mạng công nghiệp 37 (CM 4.0) diễn ra mạnh mẽ trên ba lĩnh vực chính gồm: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý đã làm thay đổi cơ bản về phương thức sản xuất của con người, sản xuất được điều khiển và hỗ trợ quyết định từ không gian số. CM 4.0 trong du lịch đã làm cho hoạt động du lịch trở nên thông minh hơn, làm thay đổi các phương thức hoạt động truyền thống đã trở nên trì trệ và làm cho tương tác giữa thị trường khách du lịch (cầu du lịch) với các điểm đến du lịch (cung du lịch) trở nên sống động và gần hơn để tạo nên hiệu quả cao hơn trong kinh doanh du lịch. Điều này đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tác động của CM 4.0 đến phát triển du lịch vừa tạo ra cơ hội, đồng thời cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với phát triển du lịch. Điều này đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyển đổi số trong các hoạt động từ quản lý đến kinh doanh du lịch để thích hợp với những tác động này.
Bối cảnh mới này đối với sự phát triển du lịch Lào Cai trong giai đoạn tới cũng không phải là ngoại lệ, theo đó du lịch Lào Cai cần tận dụng được những cơ hội, đồng thời hạn chế được những tác động mang tính thách thức của CM 4.0 đối với du lịch Lào Cai khi năng lực thích ứng (hạ tầng công nghệ, đội ngũ và tổ chức) của du lịch Lào Cai còn rất hạn chế.
Thứ ba, ở Việt Nam, tác động của Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống xã hội, trong đó có hoạt động phát triển du lịch. Những biến đổi bất thường, không theo quy luật của các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng. BĐKH trực tiếp ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch, đặc biệt là các giá trị tự nhiên và hạ tầng xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ở mức độ khác nhau phụ thuộc vào đặc điểm địa lý của điểm đến và qua đó ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Là một địa phương ở vùng núi có địa hình đa dạng, phát triển du lịch ở Lào Cai không phải là ngoại lệ. Hiện tượng xói lở vùng địa hình cao, ngập lụt ở vùng địa hình thung lũng hoặc ven sông ngày càng mạnh cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, sự thay đổi quy luật mùa, .v.v đã tác động không nhỏ đến hoạt động phát triển du lịch ở vùng trung du miền núi phía Bắc trong đó có Lào Cai. Tuy nhiên bên cạnh những tác động tiêu cực BĐKH cũng đem đến cho Lào Cai cơ hội phát triển những loại hình, sản phẩm du lịch khác biệt gắn liền với điều kiện giá lạnh. Điều này đòi hỏi cần có những thay đổi cơ cấu du lịch phù hợp để thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH đối mục tiêu phát triển du lịch bền vững của Lào Cai trong giai đoạn phát triển tới.
Thứ tư, khủng hoảng về kinh tế, chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới; những bất ổn ở biển Đông do các hoạt động phi pháp gây căng thẳng của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài tại La Haye; xung đột vũ trang giữa Nga - Ucraina làm gia tăng những khó khăn về kinh tế thế giới; việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA),.. sẽ làm cho dòng khách quốc tế đến khu vực và Việt Nam cũng như đến với Lào Cai sẽ có những thay đổi với những cơ hội và thách thức đan xen. Những cơ hội và thách thức từ yếu tố này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi du lịch Lào Cai đang cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực và phát huy được những cơ hội trong quá trình phát triển gắn với quan điểm chiến lược của du lịch Việt Nam là chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng” tăng trưởng du lịch.
Thứ năm, điểm đến du lịch Lào Cai đã phát triển ở giai đoạn “Phát triển” khi thời gian qua, Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng là điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn khi đi du lịch ở vùng núi phía Bắc. Tuy nhiên trong thời gian gần đây một số sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng ít có thay đổi và dần đã trở nên “quá quen” đối với phần lớn khách du lịch. Điều này cũng đồng nghĩa với cần có sự đầu tư nâng cấp và đổi mới chất lượng dịch vụ để đảm bảo điểm đến du lịch Lào Cai vẫn được xem là điểm đến du lịch hấp dẫn trong chuỗi giá trị du lịch của vùng TDMMBB nói riêng và ở khu vực phía Bắc nói chung. Điều này đồng nghĩa với việc du lịch Lào Cai đồng thời phải tận dụng cơ hội để thu hút khách du lịch đã quen với những sản phẩm của mình quay trở lại, song phải “làm mới” (cơ cấu lại) hệ thống sản phẩm du lịch để thu hút dòng khách du lịch mới có chất lượng hơn, phù hợp với chiến lược phát triển hướng đến phát triển bền vững.
Thứ sáu, đại dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) lượng du khách quốc tế sẽ giảm từ 1 đến 3% trong năm 2020, thay vì tăng trưởng 3-4% dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 như dự báo trước đó.
Tác động của đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và dự báo du lịch chỉ có thể hồi phục lại các dòng khách du lịch trên phạm vi toàn cầu như thời kỳ trước 2019 vào năm 2024-2025 nếu như dịch bệnh được kiểm soát vào năm 2022-2023.
Phát triển du lịch Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng cũng không phải là ngoại lệ. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển du lịch tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2022-2025 sẽ phải đối diện với những khó khăn không nhỏ để phục hồi lại tăng trưởng du lịch, trước hết là tăng trưởng về khách. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để tỉnh Lào Cai thực hiện việc cơ cấu lại ngành du lịch để phục hồi và tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của du lịch trong Quy hoạch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Như vậy có thể thấy phát triển du lịch bền vững tỉnh Lào Cai trong giai đoạn phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề quan trọng là nhận diện được đầy đủ những cơ hội và thách thức đó để có được những giải pháp phù hợp nhằm phát huy được những cơ hội và hạn chế tác động của những thách thức để du lịch tỉnh Lào Cai phát triển một cách bền vững, đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, đồng bào dân tộc và bảo tồn các giá trị tự nhiên và di sản văn hóa truyền thống ở Lào Cai.
2. Quan điểm phát triển du lịch Lào Cai
- Phát triển du lịch không thể tách rời các định hướng Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; phù hợp với quy hoạch tỉnh;
- Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng tăng trưởng hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; tăng cường liên kết vùng và khu vực, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.
- Phát triển du lịch phải dựa vào nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài, phát triển có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm du lịch cùng với việc ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng thương hiệu và nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến du lịch Lào Cai;
- Phát triển du lịch bền vững, bình đẳng và công bằng xã hội, có trách nhiệm trên nền tảng văn hóa và tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống; bảo vệ môi trường và thiên nhiên;
- Phát triển du lịch không tách rời các mục tiêu bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội;
- Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.
3. Tầm nhìn, sứ mệnh của du lịch Lào Cai
“Tầm nhìn” (“Khát vọng” phát triển) là yếu tố nền tảng để xác định các “Mục tiêu”, “Định hướng” phát triển. Dựa trên các phân tích trên “Tầm nhìn” cho du lịch Lào Cai được xác định như sau:
“Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”
Những giá trị cốt lõi của “Tầm nhìn” này sẽ bao gồm:
- Điểm đến hàng đầu: trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đặc biệt là du lịch trải nghiệm thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa dân tộc vùng núi hàng đầu (trong tâm trí du khách) khi du khách có kế hoạch lựa chọn một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á hoặc Châu Á để đi du lịch.
- Điểm đến du lịch xanh và thông minh: phát triển du lịch trên nguyên tắc du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ tương tác qua các ứng dụng thông minh lấy con người là trung tâm.
- Trải nghiệm đích thực về thiên nhiên, văn hóa và con người: dựa trên những dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế trong một môi trường thiên nhiên trong lành, an ninh và an toàn được đảm bảo tuyệt đối để mang đến cho du khách cảm giác được tự do, được sống hòa mình, “tìm thấy chính mình” trong thiên nhiên, văn hóa cộng đồng địa phương để khám phá và tận hưởng những giá trị đích thực trong một chuyến đi.
- Phát triển bền vững và công bằng xã hội: phát triển du lịch trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc; phát huy tối đa sự tham gia và đảm bảo hưởng lợi công bằng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số trong các hoạt động phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai.
4. Mục tiêu phát triển du lịch Lào Cai
4.1. Mục tiêu chung
Đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống; Lào Cai thực sự trở thành Trung tâm du lịch quốc gia ở vùng núi phía Bắc, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.
4.2. Mục tiêu cụ thể
- Năm 2025: Lào Cai đón 1,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 8,5 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 44.760 tỷ đồng, đóng góp 30.500 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh (chiếm khoảng 22-23%); có tổng số 20.000 buồng lưu trú với 5 - 10% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 44.000 việc làm trong đó có 22.000 lao động trực tiếp, tỷ lệ tối thiểu lao động nữ và người dân tộc thiểu số tương ứng là 25% và 30%.
- Năm 2030: Lào Cai đón 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 10,5 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 68.640 tỷ đồng, đóng góp 45.000 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh (chiếm khoảng 25%); có tổng số 30.000 buồng lưu trú với 15 - 20% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 80.000 việc làm trong đó có 36.000 lao động trực tiếp, tỷ lệ tối thiểu lao động nữ và người dân tộc thiểu số tương ứng là 30% và 35%.
- Năm 2050: Lào Cai đón 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 14,5 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 141.600 tỷ đồng, đóng góp 87.500 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh (chiếm khoảng 30%). Tỷ lệ tối thiểu lao động nữ và người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động du lịch tương ứng là 40% và 50%.
Chi tiết về căn cứ dự báo đối với các chỉ tiêu phát triển ngành được đưa ra tại Phụ lục 2 (trang 78).
5.1. Chiến lược phát triển sản phẩm - thị trường du lịch
Mục tiêu: Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch giàu bản sắc, hấp dẫn và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội.
Nội dung cụ thể:
- Phát triển sản phẩm du lịch
Để đảm bảo phát triển lâu dài sản phẩm du lịch cần được phát triển có hệ thống với 3 nhóm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ để đảm bảo tính đa dạng và tính khác biệt mang tính đặc trưng cao của địa phương Lào Cai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Các nhóm sản phẩm du lịch đặc thù gồm:
- Du lịch băng tuyết (sản phẩm du lịch “Ôn đới trong lòng nhiệt đới” đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam);
- Du lịch thể thao mạo hiểm (chinh phục các đỉnh cao trong đó có “Nóc nhà Đông Dương”, đua xe địa hình, đua thuyền, trượt thác, vượt thác ghềnh, dù lượn, nhảy Bugee,..);
- Du lịch giải trí cao cấp đặc biệt: du lịch nghỉ dưỡng - chơi golf; khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp- chăm sóc sức khỏe, ....
Các nhóm sản phẩm du lịch chính gồm:
- Du lịch văn hóa
- Du lịch nghỉ dưỡng núi, chăm sóc sức khỏe, kết hợp chữa bệnh
- Du lịch cộng đồng, thăm quan bản làng;
- Du lịch sinh thái;
- Du lịch nông nghiệp, nông thôn.
- Du lịch đường sông, suối;
Các nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ gồm:
- Du lịch trải nghiệm thiên nhiên
- Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa
- Du lịch tâm linh
- Du lịch ẩm thực
- Du lịch cửa khẩu kết hợp mua sắm
- Du lịch MICE
- Du lịch hoa
- v.v.
Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch cần có trọng tâm để tập trung ưu tiên đầu tư, phát triển thành hệ thống, tạo thành các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, có tính đặc thù rõ nét. Vận dụng các chính sách, kết hợp tổ chức, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và trong vùng trung du miền núi phía Bắc, ưu tiên vùng núi Tây Bắc, giữa các doanh nghiệp để hình thành rõ nét các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng thị trường, lợi thế tài nguyên du lịch, đồng thời phát huy được theo từng giai đoạn phát triển.
Tập trung theo thứ tự ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến các loại hình du lịch có thế mạnh của Lào Cai như du lịch trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng vùng núi cao, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng với trọng tâm văn hóa dân tộc, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp như quan điểm phát triển đã xác định. Các sản phẩm du lịch đặc thù cần được đầu tư phát triển thành các sản phẩm có thương hiệu vùng và quốc gia được du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Định hướng phát triển sản phẩm đặc thù dựa trên lợi thế của Lào Cai sẽ được định hướng phát triển trên địa bàn một số địa phương cấp huyện của tỉnh được đưa ra trên Bảng 2: Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Lào Cai.
Bảng 2: Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Lào Cai
STT | Sản phẩm du lịch | Địa bàn ưu tiên | Thời gian thực hiện | Ghi chú |
1 | Du lịch băng tuyết | Sa Pa | Đến năm 2030 | - Đến năm 2030: Xây dựng, quảng bá sản phẩm - Sau năm 2030: Nâng cấp lên đẳng cấp quốc tế và mở rộng phát triển căn cứ nhu cầu thị trường |
2 | Du lịch giải trí cao cấp đặc biệt | Sa Pa, Bát Xát, Thành phố Lào Cai | Đến năm 2030 | - Đến năm 2030: Hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đã có - Sau năm 2030: Phát triển thêm căn cứ theo nhu cầu của thị trường |
3 | Du lịch thể thao mạo hiểm |
|
|
|
| - Chinh phục các đỉnh cao | Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn | Đến năm 2030 | - Đến năm 2025: Hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đã có - 2026-2030: Phát triển thêm căn cứ nhu cầu thị trường - Sau năm 2030: tổ chức định kỳ các cuộc thi quốc tế |
| - Đua xe địa hình | Bát Xát | Đến năm 2025 | - Đến năm 2025: Hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đã có - 2026-2030: Phát triển thêm căn cứ nhu cầu thị trường |
| - Vượt thác ghềnh | Bắc Hà | Đến năm 2030 | - Đến năm 2025: Xây dựng, quảng bá sản phẩm - 2026-2030: Phát triển thêm căn cứ nhu cầu thị trường |
| - Nhảy Bungee | Sa Pa, Bát Xát | 2026 - 2030 | - Đến năm 2025: Xác định nhu cầu thị trường và xây dựng thử nghiệm, quảng bá sản phẩm - 2026-2030: Phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế căn cứ nhu cầu thị trường |
| - Đua ngựa | Bắc Hà | Đến năm 2030 | - Đến năm 2025: Hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đã có - 2026-2030: Phát triển thêm căn cứ nhu cầu thị trường - Sau năm 2030: nâng cấp lên giải đua cấp quốc gia tiến tới cấp khu vực. |
| - Dù lượn | Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai |
| - Đến năm 2025: Hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đã có - 2026-2030: Phát triển thêm căn cứ nhu cầu thị trường |
4 | - Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt, đặc trưng (show diễn thực cảnh) | Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Yên, Thành Phố Lào Cai | Đến 2030 | - Đến năm 2025: Hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đã có - 2026-2030: Phát triển thêm căn cứ nhu cầu thị trường |
Việc xây dựng và phát triển nhóm các sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ sẽ cần được phân tích đầy đủ trong đề án chuyên đề về sản phẩm du lịch tỉnh Lào Cai dựa trên đặc điểm và tiềm năng cụ thể của từng địa phương cấp huyện. Kinh phí xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phải dựa trên nguồn lực xã hội hóa. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với việc nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông tiếp cận các điểm tiềm năng nơi phát triển sản phẩm du lịch và hỗ trợ cho việc xúc tiến quảng bá những sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính.
Kết hợp các quan điểm về phát triển du lịch chất lượng cao, hướng tới thu hút khách chi trả cao và lưu trú dài, hướng phát triển ưu tiên du lịch trải nghiệm thiên nhiên và nghỉ dưỡng núi, du lịch cộng đồng với trọng tâm trải nghiệm văn hóa lối sống đồng bào dân tộc thiểu số, thể thao mạo hiểm cần lựa chọn chiến lược ưu tiên phát triển mạnh hơn về sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Các sản phẩm du lịch phục vụ tham quan tìm hiểu văn hóa lối sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng có khả năng tổ chức đảm bảo các tiêu chí kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi trả bằng việc tập trung định hướng phát triển sản phẩm du lịch.
Đa dạng hóa sản phẩm và các loại hình du lịch phát triển phù hợp với các mảng thị trường có nhu cầu cá biệt, phù hợp với khả năng phát triển của du lịch Việt Nam như các sản phẩm du lịch caravan, du lịch MICE, du lịch cửa khẩu, du lịch chăm sóc sức khỏe, ....
Trong mọi trường hợp, việc lồng ghép giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số vào sản phẩm du lịch là rất quan trọng vì không chỉ tạo sự khác biệt và làm tăng giá trị trải nghiệm của khách du lịch về điểm đến Lào Cai mà còn phát huy được tốt nhất những giá trị văn hóa địa phương.
Phát huy các thế mạnh liên kết vùng, chú trọng các liên kết trong phát triển sản phẩm. Nếu như các sản phẩm du lịch hiện nay thường trùng lặp, kém hấp dẫn, quy mô hạn chế bởi thường dựa vào tài nguyên sẵn có thì việc liên kết phát triển sẽ tạo ra được những sản phẩm mang tính đặc trưng chung, có quy mô lớn và hấp dẫn hơn. Nhiều loại kết hợp có thể được phát huy các liên kết theo ngành nghề, liên kết theo tổ chức quản lý, liên kết dọc, liên kết theo tuyến giữa các địa phương, ...Theo tiến trình phát triển chung về du lịch cũng như xu hướng phát triển tại nhiều quốc gia và trên thế giới, các liên kết sẽ dần được hình thành trên cơ sở các lợi ích chung và trên cơ sở sắp xếp phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững tạo ra khả năng cạnh tranh cao hơn. Các mô hình liên kết cần có sự hỗ trợ về thể chế, chính sách và định hướng của Nhà nước, trong quá trình hoạt động các mô hình phát huy các liên kết nhà nước và tư nhân cùng quản lý tổ chức cần được phát huy.
Trên cơ sở đó, các định hướng phát triển sản phẩm du lịch cho giai đoạn tới trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần tập trung vào:
Chú trọng ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù. Trước mắt ưu tiên thỏa đáng phát triển sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm (chinh phục các đỉnh núi cao, vượt thác ghềnh), khám phá thiên nhiên qua các tuyến đi bộ, giã ngoại; đua xe địa hình, ...
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ vùng núi cao; xây dựng khu du lịch có quy mô, tầm cỡ khu vực và quốc tế, chất lượng cao, khu giải trí cao cấp, bổ sung các sản phẩm du lịch sinh thái và tham quan cảnh quan núi;
Phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản văn hóa các dân tộc, lễ hội, tham quan và tìm hiểu văn hóa, lối sống cộng đồng địa phương chú trọng du lịch trải nghiệm chợ phiên; phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn với các sản phẩm nông nghiệp OCOP tạo chuỗi giá trị kết hợp du lịch tham quan các vùng cây đặc sản như lê Si Ma Cai, mận Tả Van, mận Bắc Hà, ...
Chú trọng phát triển đối với các sản phẩm du lịch mà ở đó phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số có thể phát huy được đầy đủ nhất năng lực của mình.
Mở rộng phát triển các loại hình du lịch: du thuyền trên sông Hồng, caravan, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc dân gian, du lịch giáo dục. Phát triển mạnh dịch vụ ẩm thực đặc sắc Lào Cai nói riêng và ẩm thực vùng Tây Bắc nói chung gắn với các sản phẩm, loại hình du lịch.
Liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên kết theo loại hình chuyên đề; liên kết vùng và liên vùng gắn với hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo sản phẩm du lịch đa dạng.
- Định hướng thị trường
Mục tiêu: Thu hút khách du lịch theo các phân đoạn thị trường, tập trung khai thác thị trường có khả năng chi trả cao.
Phân đoạn thị trường theo mục đích du lịch và khả năng thanh toán để tập trung thu hút; ưu tiên thu hút phân đoạn khách du lịch có khả năng chi trả cao, có mục đích du lịch thuần túy, lưu trú dài ngày.
Nội dung phát triển thị trường:
- Phát triển mạnh thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường vùng Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Đông Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh với các phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần, mua sắm. Chú trọng thị trường Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh gắn với phát triển tuyến hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế: Thu hút, phát triển mạnh thị trường khách quốc tế gần: Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Thái Bình Dương (Singapore, Malaysia, Indonexia, Thái Lan, Úc). Riêng đối với thị trường Khách Du lịch Trung Quốc, do phía Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, do vậy kỳ vọng mở cửa phát triển thị trường khách du lịch Trung Quốc sẽ không đạt được như mục tiêu đặt ra, do đó cần phải có các biện pháp định hướng mở rộng các thị trường quốc tế khác, đồng thời chủ động phối hợp với các ngành, địa phương phía bạn có lộ trình mở cửa lại đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc (thị trường khách chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu khách du lịch đến với Lào Cai).
Tăng cường khai thác thị trường khách cao cấp đến từ Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, vùng Scandinavia), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và Đông Âu (Nga, Ukraina)
Mở rộng thị trường mới: Trung Đông, Ấn Độ.
Phát triển du lịch nội địa vừa là phục vụ sự phát triển của xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại du lịch của nhân dân trong nước. Thực tế thời gian gần đây ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, thị trường du lịch nội địa là yếu tố quan trọng hạn chế các tác động của những biến cố như khủng hoảng kinh tế, xung đột vũ trang và dịch bệnh (tác động của đại dịch Covid-19 và một minh chứng sống động). Nhu cầu du lịch trong nước gia tăng nhanh chóng cùng với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chi tiêu của nhiều phân đoạn thị trường khách du lịch nội địa thậm chí vượt mức chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế. Nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ, cơ sở vật chất của khách du lịch nội địa gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong tương lai, phân đoạn thị trường khách du lịch nội địa cao cấp sẽ hình thành rõ nét hơn và gia tăng nhanh. Thị trường thứ hai với mức chi tiêu trung bình cũng sẽ có sự gia tăng mạnh.
Đối với thị trường khách quốc tế, trong giai đoạn tới, theo định hướng thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao thì cần phải xác định chiến lược phát triển thị trường cụ thể, chuyên nghiệp hóa hoạt động nghiên cứu và phát triển thị trường, trong đó đi sâu nghiên cứu và thu hút theo phân đoạn thị trường, đặc biệt tập trung vào khách nghỉ dưỡng và giải trí. Sau giai đoạn phát triển theo diện rộng, giai đoạn xâm nhập với việc thu hút các đối tượng khách sử dụng sản phẩm dịch vụ không phân biệt thì nay cần đặt ra nhu cầu phát triển có trọng tâm, áp dụng chiến lược phân biệt hóa; thu hút và phát triển theo các nhóm thị trường đồng thời giới thiệu sử dụng sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Đây là hướng phát triển bền vững hơn về thị trường đồng thời góp phần vào việc sắp xếp và tổ chức có bài bản hơn các sản phẩm du lịch. Tránh dần được tình trạng đồng hóa, trùng lặp.
Diễn biến về các biến cố trên thế giới và khu vực như xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền, tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 đã có sự thay đổi về xu hướng du lịch cho thấy sự cần thiết định hướng phát triển thị trường khách du lịch gần, các thị trường khách nội vùng cũng như cần coi trọng thị trường khách du lịch nội địa. Đây cũng là chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore. Các xu hướng phát triển và hợp tác quốc tế khu vực sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch giữa các nước láng giềng. Tại thời điểm nguồn khách này đang gia tăng nhanh chóng thì cần có các biện pháp kích cầu cụ thể cũng như tổ chức sản phẩm đáp ứng đối tượng khách này, chú trọng lợi thế đường biên để thu hút khách từ Trung Quốc, cũng như thúc đẩy các hoạt động du lịch đường bộ qua đường biên. Các hoạt động du lịch như nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá, mua sắm, chữa bệnh, hội họp là rất phù hợp phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường khách quốc tế gần.
Thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống là thị trường luôn phải được duy trì và có các chiến lược thu hút riêng. Thị trường khách quốc tế truyền thống của du lịch Lào Cai hầu như thuộc các thị trường xa, xu hướng phát triển của thị trường xa vẫn tăng nhanh đồng thời các thị trường truyền thống là các thị trường trung thành hơn và có nhiều giá trị khai thác, dễ khai thác và có khả năng duy trì, tuy nhiên cũng cần phải có chiến lược với các kế hoạch duy trì thu hút và liên tục làm mới sản phẩm. Bên cạnh các thị trường truyền thống từ những giai đoạn đầu phát triển như thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh,... cũng cần duy trì mức độ khai thác những thị trường đang khai thác tốt giai đoạn gần đây như các thị trường Đông Nam Á...
Các thị trường tiềm năng có thể tính đến là thị trường Ấn Độ đang nổi lên và là tâm điểm thu hút của nhiều quốc gia, thị trường Trung Đông, thị trường du lịch xa từ các nước Mỹ La Tinh, Nam Phi đã có những thâm nhập thị trường nhất định và khẳng định khả năng chi trả và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ cao cấp.
Một trong những định hướng quan trọng về phát triển thị trường là ngoài việc xác định thị trường nguồn, tập trung khai thác thị trường theo phân đoạn thị trường thì định hướng thu hút những phân đoạn thị trường phù hợp tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc biệt phải ưu tiên và có các biện pháp thu hút thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao nhằm đẩy mạnh mục tiêu phát triển về trọng tâm và chất lượng, đặc biệt là mục tiêu tăng cường về tổng thu từ du lịch.
5.2. Chiến lược phát triển thương hiệu, chú trọng giá trị di sản văn hóa
Mục tiêu: Tập trung phát triển một số thương hiệu du lịch nổi bật quốc gia, trong khu vực và trên thế giới, hướng tới việc tạo dựng thương hiệu du lịch Lào Cai.
Nội dung cụ thể:
Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Lào Cai, thương hiệu du lịch vùng, điểm đến, thương hiệu mạnh của doanh nghiệp du lịch, thương hiệu sản phẩm du lịch, các địa danh nổi tiếng, các thương hiệu hàng hóa dịch vụ để tạo ra hệ thống hình ảnh, thông điệp bền vững về sản phẩm du lịch Lào Cai. Chiến lược thương hiệu gắn chặt với chiến lược sản phẩm - thị trường và chiến lược xúc tiến quảng bá.
Xây dựng, duy trì đạt chuẩn nhãn hiệu du lịch đã được công nhận.
Tỉnh quan tâm có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển thương hiệu du lịch Lào Cai và thương hiệu vùng; các địa phương, hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho điểm đến, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm.
Phối hợp hiệu quả trong và ngoài ngành để xây dựng thương hiệu du lịch thống nhất.
Có cơ chế quản lý, tổ chức từ tỉnh đến các địa phương trong tỉnh Lào Cai đảm bảo việc kiểm soát, giám sát thực hiện phát triển thương hiệu cũng như thực hiện các hoạt động vinh danh thương hiệu. Tổ chức có hệ thống cùng các biện pháp nhằm quản lý trước và sau khi hình thành thương hiệu cũng như đánh giá hiệu quả thương hiệu.
Phát triển thương hiệu phải được tiến hành một cách chuyên nghiệp, duy trì lâu dài, đảm bảo tác động trực tiếp tới thị trường mục tiêu. Tiếp thu kinh nghiệm quốc gia và quốc tế trong phát triển thương hiệu.
Thương hiệu du lịch được tỉnh Lào Cai, Hiệp hội du lịch tỉnh Lào Cai bảo hộ, tôn vinh. Mở rộng công nhận một số thương hiệu hàng hóa, hàng lưu niệm, dịch vụ liên quan gắn liền với hệ thống thương hiệu du lịch.
Tỉnh Lào Cai có những giá trị đang dần được hình thành và cần được phát triển thành thương hiệu điểm đến như hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, tài nguyên du lịch phong phú. Cần hình thành được giá trị của điểm đến du lịch hấp dẫn và hợp lý trong quan hệ chất lượng - giá cả. Ngoài việc các giá trị thương hiệu này là phù hợp với du lịch Lào Cai và có khả năng phát huy thì đây cũng phù hợp với các yếu tố tâm lý hiện đại của xu hướng thị trường du lịch.
5.3. Chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch
Mục tiêu: Tập trung đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm vào thị trường mục tiêu theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm đối tượng cho hoạt động xúc tiến trọng tâm.
Nội dung cụ thể:
Xúc tiến quảng bá du lịch là chiến lược chính trong phát triển du lịch tại nhiều địa phương và quốc gia có trình độ phát triển du lịch cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, .. hay Singapore, Thái Lan, v.v.. Trong nước, các hiệu quả ban đầu của hoạt động xúc tiến quảng bá thời gian qua đã được nhìn nhận. Nhiệm vụ và vai trò của xúc tiến quảng bá trong lĩnh vực phát triển du lịch rất lớn nhằm giới thiệu và cung cấp thông tin cho các thị trường khách du lịch, thu hút ngày càng nhiều lượng khách biết đến và tới với Lào Cai cũng như Việt Nam.
Trước nhu cầu thực tế, thực tiễn phát triển và xác định vai trò của hoạt động xúc tiến quảng bá trong thời gian tới, xúc tiến quảng bá du lịch tại Lào Cai phải được thay đổi theo hướng thực hiện bài bản, các kế hoạch và chiến dịch cụ thể cần được xác định thông qua các nghiên cứu thị trường. Chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch Lào Cai phải được thực hiện ở quy mô lớn và tác dụng sâu rộng hơn đồng thời đặt trọng tâm vào xây dựng thương hiệu du lịch, lấy chiến lược phát triển sản phẩm làm nội dung xây dựng chiến lược và kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch. Xúc tiến quảng bá du lịch phải là công cụ đắc lực cho việc giới thiệu các sản phẩm được xây dựng, tạo dựng được hình ảnh chân thực của du lịch Lào Cai và các sản phẩm du lịch Lào Cai, cung cấp được thông tin đúng và đủ cho đúng đối tượng cần thông tin, và làm nổi bật các giá trị quan trọng nhất nhằm định vị được vị trí của du lịch Lào Cai và từng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù của Lào Cai đối với thị trường khách.
Để đảm bảo thực hiện có bài bản, mục tiêu của hoạt động xúc tiến quảng bá phải được xây dựng phù hợp và phục vụ cho mục tiêu xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm du lịch. Quan điểm của chiến lược xúc tiến quảng bá cũng dựa trên quan điểm phát triển thị trường và sản phẩm, do đó phải thay đổi phương thức từ xúc tiến quảng bá đại trà, không phân biệt trước đây sang tiếp cận theo phân đoạn thị trường và tập trung có tiêu điểm.
Trong thời gian tới hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Lào Cai cần huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện theo cách liên kết, phát huy mối hợp tác và liên kết giữa các thành phần Nhà nước và tư nhân, quản lý Nhà nước từ tỉnh đến địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và các thành phần kinh tế, xã hội.
Các định hướng chính bao gồm:
- Chuyên nghiệp hóa, tập trung nguồn lực một cách hợp lý cho hoạt động xúc tiến quảng bá. Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp thực hiện xúc tiến quảng bá du lịch; gắn kết giữa quảng bá hình ảnh, thương hiệu tỉnh Lào Cai với quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp; có cơ chế phối hợp, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm hợp lý.
- Cơ quan xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai có vai trò chủ đạo trong hoạt động xúc tiến du lịch lào Cai và hướng dẫn, hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch cấp vùng, địa phương và cấp doanh nghiệp.
- Chiến lược, chương trình, chiến dịch xúc tiến quảng bá du lịch Lào Cai phải được xây dựng và thực hiện trên cơ sở kết quả các nghiên cứu thị trường của địa phương thực hiện hoặc do Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch hay Tổng cục Du lịch thực hiện và gắn chặt với chiến lược sản phẩm - thị trường và chiến lược phát triển thương hiệu. Nội dung xúc tiến quảng bá tập trung vào điểm đến, sản phẩm và thương hiệu du lịch theo từng thị trường mục tiêu.
- Kế hoạch xúc tiến quảng bá tỉnh Lào Cai lập cho giai đoạn dài hạn 5 năm và kế hoạch hàng năm; việc tổ chức thực hiện có đánh giá, kế thừa và duy trì liên tục theo thị trường; thông tin xúc tiến quảng bá phải đảm bảo tin cậy, thống nhất tạo dựng được hình ảnh địa phương tỉnh Lào Cai trên diện rộng và hình ảnh điểm đến vùng, địa phương trong tỉnh, doanh nghiệp và sản phẩm.
- Khai thác tối đa các kênh thông tin thông qua cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, thương vụ, trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, các hàng hàng không Việt Nam, cộng đồng người Việt ở nước ngoài và hệ thống nhà hàng ẩm thực Việt Nam; trong điều kiện cho phép thực hiện việc thiết lập đại diện du lịch Lào Cai tại một số thị trường trọng điểm. Gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao, văn hóa.
- Đầu tư ứng dụng công nghệ cao cho hoạt động xúc tiến quảng bá; khai thác tối ưu công nghệ thông tin, truyền thông và phối hợp tốt với đối tác quốc tế trong xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai.
- Đầu tư xây dựng bộ công cụ xúc tiến, quảng bá du lịch chất lượng, mang tầm cỡ quốc tế.
5.4. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch
Mục tiêu: Xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập vùng, quốc gia và khu vực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Nội dung cụ thể:
Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch từng thời kỳ; từng bước thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch hợp chuẩn với quốc gia, khu vực và quốc tế.
Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; đến năm 2025 phấn đấu trên 58% lao động trong lĩnh vực du lịch tại Lào Cai được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn và chuyên môn sâu về du lịch và trên 75% vào năm 2030.
Chú trọng ưu tiên đào tạo kỹ năng các nghề du lịch mà ở đó phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số có thể phát huy được tốt nhất khả năng của mình.
Trong giai đoạn sau năm 2030, tập trung phát triển nguồn nhân lực bậc cao bao gồm đội ngũ quản lý, lực lượng chuyên gia đầu ngành, đội ngũ nghiên cứu, và lao động kỹ năng cao. Phổ cập trình độ ngoại ngữ và tin học tương đương trình độ “C” cho các bộ quản quản lý du lịch và những người giao tiếp trực tiếp với khách du lịch. Đến năm 2025, phấn đấu có khoảng hơn 30-40% lao động du lịch có trình độ đại học, trên đại học và cao đẳng về du lịch và 60% đội ngũ cán bộ quản lý, giám sát ở doanh nghiệp được đào tạo chuyên sâu về du lịch.
Đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch có uy tín ngoài tỉnh trong hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch Lào Cai, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Gắn kết đào tạo với sử dụng trên cơ sở vừa đáp ứng yêu cầu ngành vừa thực hiện liên kết vùng và xuất khẩu lao động. Khuyến khích đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu xã hội.
5.5. Chiến lược đầu tư phát triển du lịch
Mục tiêu: Tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng du lịch, tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch.
Nội dung cụ thể:
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và thu hút khu vực tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Theo đó, ngân sách nhà nước chú trọng, ưu tiên tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch địa bàn thị xã Sa Pa, nơi có khu du lịch quốc gia Sa Pa; các địa phương có các khu du lịch, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng phát triển du lịch. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch trên các địa bàn tỉnh phải đồng bộ với thực hiện các hoạt động thu hút mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch nhằm phát triển các khu du lịch chất lượng cao với những sản phẩm du lịch đa dạng, có khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.
Tỉnh tập trung đầu tư cho thương hiệu du lịch địa phương Lào Cai và các thương hiệu du lịch quan trọng có ý nghĩa quyết định đến hình ảnh du lịch Lào Cai; tăng cường đầu tư theo chương trình, chiến dịch xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch Lào Cai.
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường đầu tư cho cơ sở đào tạo du lịch, đầu tư xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đào tạo theo chuẩn; đầu tư nâng cao chất lượng giáo viên, đào tạo nhân lực bậc cao, nhân lực quản lý.
Đầu tư tôn tạo, khai thác tài nguyên du lịch, đa dạng hóa và tạo sản phẩm du lịch đặc thù; đầu tư điều tra, đánh giá và hình thành cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch Lào Cai; đầu tư bảo vệ môi trường, cảnh quan và hệ sinh thái đa dạng.
Đầu tư bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích, di sản để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch hiệu quả.
Đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm; thu hút đầu tư vào các khu du lịch nghỉ dưỡng và thể thao mạo hiểm; đầu tư các khu nghỉ dưỡng cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa và thu hút đầu tư những khu du lịch tổng hợp, giải trí chuyên đề, kết hợp trung tâm thương mại, mua sắm, hội nghị hội thảo tại các trung tâm đô thị như thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và Y Tý (huyện Bát Xát).
5.6. Chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số điểm đến du lịch
Mục tiêu: Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng điểm đến thông minh và nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH điểm đến du lịch Lào Cai.
Nội dung cụ thể:
Nâng cao tính công nghệ trong cấu phần các sản phẩm du lịch, đặc biệt sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm để tăng cường tính hiện đại, hấp dẫn của sản phẩm du lịch cũng như nâng cao tính trải nghiệm và đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình trải nghiệm, sử dụng sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Khuyến khích ứng dụng công nghệ 3R (tiết kiệm - tái sử dụng - tái chế) trong sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước; xử lý chất thải từ du lịch.
Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong phát triển sản phẩm và các hoạt động dịch vụ du lịch.
Đầu tư thỏa đáng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch điểm đến du lịch Lào Cai; ứng dụng công nghệ trên nền tảng số trong hoạt động hướng dẫn tiếp cận các khu điểm du lịch và sử dụng dịch vụ du lịch tại điểm đến.
5.7. Chiến lược lồng ghép giới và công bằng xã hội trong phát triển du lịch
Mục tiêu: Tạo cơ hội cho phụ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số được tham gia đầy đủ vào hoạt động phát triển du lịch theo khả năng của mình, góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Lào Cai đồng thời qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa nơi có tiềm năng du lịch.
Nội dung cụ thể:
Nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới và công bằng xã hội, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
Rà soát điều chỉnh các chính sách về phát triển du lịch thực hiện trên địa bàn tỉnh để đảm bảo vấn đề giới và công bằng xã hội được bổ sung hoặc làm rõ. Trong xây dựng các chính sách mới về phát triển du lịch vấn đề này phải là một nội dung quan trọng hoặc được lồng ghép trong từng nội dung cụ thể. Đảm bảo tiếp cận bình đẳng và hưởng lợi công bằng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số trong các chính sách về phát triển du lịch, theo đó ít nhất 40% người hưởng lợi và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai là phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Khuyến khích phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng mà ở đó phụ nữ có thể phát huy được đầy đủ nhất khả năng của mình khi được tham gia.
Tăng cường tổ chức các lớp đào tạo để trang bị kiến thức quản lý, kỹ năng nghề du lịch cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số để nâng cao năng lực tham gia của phụ nữ và người dân tộc thiểu số vào hoạt động phát triển du lịch tại địa phương.
Thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, dân tộc và Hội liên hiệp phụ nữ trong việc ra quyết định liên quan đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Lào Cai.
Nâng cao sự tự tin và phát huy vai trò của phụ nữ và người dân tộc thiểu số và từng bước giải quyết những rào cản truyền thống nhằm khích lệ phụ nữ và người dân tộc thiểu số tích cực tham gia phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Lào Cai.
5.8. Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai theo vùng trọng điểm phát triển du lịch
Mục tiêu: Định hướng và tổ chức phát triển du lịch trên ba vùng trọng điểm phát triển du lịch phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch gắn với các định hướng lãnh thổ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; định hướng lãnh thổ về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phân vùng địa lý, khí hậu. Xác định các địa bàn trọng điểm du lịch tạo thành các cụm liên kết phát triển mạnh về du lịch. Phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề gắn với vùng ưu tiên.
Nội dung cụ thể:
Định hướng phát triển du lịch theo vùng trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được cân nhắc trên cơ sở đánh giá sự phân bố tài nguyên, nghiên cứu phân vùng lãnh thổ địa lý, kinh tế xã hội, văn hóa của tỉnh Lào Cai, nghiên cứu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đô thị và hệ thống cửa khẩu, hệ thống giao thông, đặc biệt đường cao tốc và sân bay Sa Pa, tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam và vùng Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030 cũng như thực tế và nhu cầu và mục tiêu phát triển du lịch Lào Cai trong giai đoạn tiếp theo.
Phát triển lãnh thổ du lịch trong giai đoạn tới nhằm tổ chức phát triển du lịch theo tiếp cận liên kết vùng. Gắn chặt việc tổ chức liên kết vùng này với việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm đi đến xây dựng được thương hiệu du lịch. Tổ chức phát triển du lịch theo các vùng phải đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, gắn với các trung tâm đô thị lớn, các vùng kinh tế, các hành lang kinh tế và các địa bàn động lực tăng trưởng về du lịch.
Phát triển du lịch theo vùng với không gian và quy mô phù hợp, có đặc điểm thuần nhất về tài nguyên, địa lý và hiện trạng phát triển du lịch; tăng cường khai thác yếu tố tương đồng và bổ trợ trong vùng, yếu tố đặc trưng của vùng và liên kết khai thác yếu tố liên vùng để phát triển mạnh sản phẩm đặc thù, tạo các thương hiệu du lịch theo vùng.
Định hướng đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm theo 3 vùng lãnh thổ sau:
1) Vùng Tây Bắc: gồm thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát gắn với các hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và cửa khẩu quốc tế Lào Cai với Trung Quốc.
Trung tâm vùng: Thành phố Lào Cai. Đây cũng đồng thời là trung tâm du lịch của tỉnh Lào Cai.
Các địa bàn trọng điểm: thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và phụ cận và thị trấn Bát Xát (tương lai là Y Tý) và phụ cận.
Sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là: du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, du lịch thể thao mạo hiểm và du lịch cộng đồng với trọng tâm là tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Sản phẩm mới của từng địa phương:
Sa Pa: Phát triển các chương trình biểu diễn mang tính nghệ thuật cao (Các chương trình nghệ thuật thực cảnh “Sa Pa lặng lẽ yêu” gồm chuỗi các chương trình nghệ thuật thực cảnh đặc sắc “The Mong Show, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó”; vở diễn “Ngũ sắc miền sương mây”; Sân khấu thực cảnh gắn với các sự kiện lớn tại khu vực Ga đi cáp treo; Sân khấu biểu diễn công nghệ đồ họa, ánh sáng “Maping”; Các buổi biểu diễn nghệ thuật văn hóa truyền thống gắn với văn hóa đương đại tại các điểm du lịch); Tổ chức đăng cai các sự kiện lớn (Tổ chức Đại lễ Phật Đản; Lễ Vu Lan báo hiếu; Ngày hội Yoga; Thi hoa hậu trong nước, Thế giới; đại nhạc hội); Du lịch bản làng (với chuỗi dịch vụ “to the Mong village”, “to the Dao village”, “to the Tay village”, “The Quintessence of Giay”, “to the Xa Pho village” tại khu vực danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa (Thu hút đầu tư, Phủ lại mái nhà, sắp xếp lại đồ vật, công cụ, nghề truyền thống, đường vào bản; gắn với văn nghệ, ẩm thực) Ưu tiên khu vực Ý Lình Hồ, Hoàng Liên, Tả Van, Mường Hoa); Xây dựng thiết lập lại chợ đêm Sa Pa tập trung 3 chủ đề chính “Sa Pa - Thần dược”, “Sắc màu thổ cẩm”,“Hương vị bốn mùa”; Dịch vụ cưỡi ngựa thăm bản, leo núi...(mountain climbing); Dịch vụ Trượt thác (Thác tình yêu) trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên; Bay kinh khí cầu trên thung lũng Mường Hoa; Cắm trại (Ngắm Thác đêm, Ngủ rừng) bên suối vàng, Thác tình yêu; Trao nhẫn đính hôn trên đỉnh Phanxipang (Fansipan).
Bát Xát: Xây dựng quần thể du lịch sinh thái “Thác Rồng”; Chương trình Du lịch (Tour) “Tắm thác ngủ mây” trên những ngọn núi Ky Quan San, Nhíu Cồ San, Lảo Thẩn, Cú Nhù San, Pu Ta Leng.
Thành phố Lào Cai: Phát triển quần thể Khu Du lịch sinh thái Nhạc Sơn “Con đường An Sinh” trên dãy Nhạc Sơn; Công viên Nhạc Sơn, Công viên Hồ Chí Minh (Quần thể dịch vụ tuyến đường Võ Nguyên Giáp); Công viên Du lịch quốc tế Việt - Trung tại thành phố Lào Cai, Phát triển mạnh sản phẩm du lịch Chợ đêm Lào Cai, đặt tên mới “Chợ đêm Lão Nhai” chủ đề “ Ký ức chợ xưa” dựng mô hình chợ xưa; Hệ thống sân Golf đẳng cấp quốc tế, xây dựng các bến du thuyền, trung tâm mua sắm, giải trí dọc 02 bên sông Hồng tiến tới phát triển sản phẩm du lịch Du thuyền trên sông Hồng, ...
Những nhóm sản phẩm du lịch chính của vùng gồm: du lịch MICE, du lịch mua sắm, du lịch vui chơi giải trí, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh.
Các chương trình du lịch nội vùng:
Thành phố Lào Cai - Sa Pa - Thành phố Lào Cai
Sa Pa - Hoàng Liên - Tả Van - Bản Hồ - Mường Bo - Liên Minh
Sa Pa - Ngũ Chỉ Sơn - Tả Giành Phình - Mường Hum - Sảng Ma Sáo - Y Tý A Mú Sung - Thành phố Lào Cai
Sa Pa - Ngũ Chỉ Sơn - Phìn Ngan - Mường Hum - Bát Xát.
Thành phố Lào Cai - Bát Xát - Mường Vi - Bản Xèo - Mường Hum - Ngũ Chỉ Sơn - Sa Pa
Sa Pa - Sa Pả - Mường Bo - Mường Hoa - Tả Van.
- Các chương trình du lịch liên vùng:
Thành phố Lào Cai - Sa Pa - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội.
Thành phố Lào Cai - Bắc Hà - Hà Giang - Yên Bái - Hà Nội.
Thành phố Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Thành phố Lào Cai - Hà Nội - các tỉnh phía Nam
Thành phố Lào Cai - Bảo Yên - Văn Bàn (tuyến du lịch tâm linh)
Sa Pa - Bảo Thắng - Bảo Yên - Văn Bàn.
Bát Xát - Sàng Ma Sáo - Sin Suối Hồ (Phong Thổ) - Lai Châu (tuyến đi bộ đường đá cổ Pavi).
Bát Xát - Sàng Ma Sáo - đỉnh Ky Quan San - thôn Sàng Ma Tho (xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ) (tuyến leo núi Ky Quan San).
Bát Xát - Trung Lèng Hồ - đỉnh Pu Ta Leng - Tam Đường (Lai Châu) (tuyến leo núi Pu Ta Leng).
Bát Xát - Y Tý - đỉnh núi Chung Nhía Vũ - Tam Đường (Lai Châu), (tuyến leo núi Chung Nhía Vũ).
- Các chương trình du lịch biên giới:
Thành phố Lào Cai - Hà Khẩu - và các điểm du lịch vùng Tây Nam (Trung Quốc).
Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa - Côn Minh (1 tour 2 quốc gia 6 điểm đến).
Bát Xát - Cầu Thiên Sinh - Ma Ngan Tý (Vân Nam).
2) Vùng Đông Bắc: gồm các huyện Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai
Trung tâm du lịch của vùng là thị trấn Bắc Hà
Các địa bàn trọng điểm du lịch: Bắc Hà và phụ cận
Sản phẩm du lịch đặc thù của vùng: du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa với trọng tâm là chợ phiên vùng cao.
Sản phẩm du lịch chính: du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cảnh quan, du lịch nông nghiệp.
Sản phẩm mới định hướng cho từng địa phương:
Bắc Hà: Chợ đêm; Chạy bộ, đạp xe, đua thuyền Kayak; Trượt thác; Bảo tồn và trình diễn Chó Bắc Hà; Đua ngựa (thể thao có thưởng).
Si Ma Cai: Cải tiến chợ trâu Cán Cấu; Chợ Sín Chéng.
Mường Khương: phát triển chuỗi chợ phiên: Chợ Pha Long; Chợ Chậu, Chợ Lùng Khấu Nhin.
Các chương trình du lịch chính của vùng:
- Tuyến nội vùng:
Bắc Hà - Si Ma Cai - Mường Khương (tuyến đường tỉnh lộ 153-154).
Si Ma Cai - Bản Mế - Cốc Ly - Bắc Hà (tuyến sông Chảy).
Si Ma Cai - Bản Mế - Nàn Sín - Hoàng Thu Phố - Bắc Hà.
- Chương trình du lịch liên vùng, liên huyện:
Thành phố Lào Cai - Thác nước Tà Lâm - Pha Long - Tả Gia Khâu - Bản Mế.
Thành phố Lào Cai - Hàm Rồng - Văng Leng - Cao Sơn - Cốc Ly.
Thành phố Lào Cai - Bắc Hà - Cán Cấu - Si Ma Cai - Quan Thần Sán - Tả Van Chư - Bắc Hà - Thành phố Lào Cai.
Thành phố Lào Cai - Bắc Hà - Si Ma Cai - xuôi thuyền theo Sông Chảy - Cốc Ly - Thành phố Lào Cai.
Thành phố Lào Cai - Cốc Ly - Nàn Sín - Bản Mế (tuyến đi thuyền sông Chảy) - Si Ma Cai - Bắc Hà - Thành phố Lào Cai.
Bắc Hà - Si Ma Cai - Xín Mần - Phìn Hồ - Hà Giang.
Mường Khương - Cao Sơn - Tả Thàng - Cốc Ly - Bắc Hà.
3) Vùng đồng bằng phía nam: gồm các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng và Văn Bàn.
Trung tâm du lịch của vùng là thị trấn Bảo Hà (huyện Bảo Yên).
Các địa bàn trọng điểm du lịch: Bảo Hà và phụ cận.
Sản phẩm du lịch đặc thù của vùng: du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp.
Sản phẩm du lịch chính: du lịch thể thao, du lịch trải nghiệm cảnh quan, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Sản phẩm định hướng mới cho từng địa phương:
Bảo Yên: Miền quê “5 cực”; Tour xe trâu, Tour cưỡi trâu thăm bản ở Nghĩa Đô; Chợ quê Nghĩa Đô, phát triển sản phẩm du lịch quăng chài, tắm thác; du thuyền sông Chảy...
Văn Bàn: Khu du lịch sinh thái Thác Bay, xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái ngắm cảnh ruộng bậc thang ở Dần Thàng, Khánh Yên Hạ, Liêm Phú, Dương Quỳ,...; phát triển du lịch nông nghiệp tại Chiềng Ken, Dương Quỳ; Khai thác tuyến leo núi mạo hiểm, dù lượn, các mô hình lái xe địa hình, Tour: Trekking (đi bộ, xe đạp, xe mô tô), tham gia các hoạt động thể thao bản địa tại các điểm Khu di tích lịch sử núi Gia Lan, xã Khánh Yên Thượng, xã Dần Thàng; Xây dựng các điểm thăm quan, khám phá rừng nguyên sinh Bách tán Đài Loan, Thác Bay Liêm Phú, Thác Thẳm Dương, Thác Nậm Mả.
Bảo Thắng: Khu du lịch Edu Farm, tại thôn Bản Bay, xã Gia Phú.
- Các Chương trình nội vùng:
Bảo Yên - Bảo Thắng (quốc lộ 4E).
Bảo Thắng - Bảo Yên - Văn Bàn.
- Các Chương trình du lịch liên vùng:
Đền Bảo Hà - Đền Cô - Bảo Thắng - Đền Mẫu - Đền Thượng - Thành phố Lào Cai.
Thành phố Lào Cai - Văn Bàn - Bảo Yên - Nghĩa Đô - Hà Giang - Hà Nội.
Bảo Yên - Yên Bái - Hà Nội (tuyến cao tốc hoặc quốc lộ 70).
Bảo Yên - Bắc Hà - Mường Mường - Thành phố Lào Cai.
Văn Bàn - Bảo Yên - Hà Giang (Tuyến QL 279, QL 2).
Văn Bàn - Bảo Thắng - Sa Pa.
Văn Bàn - Than Uyên - Tam Đường - Sa Pa.
IV. GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giải pháp thực hiện chiến lược
1.1. Giải pháp về nâng cao nhận thức
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và an ninh quốc phòng.
- Tăng cường tuyên truyền nhằm đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có thể chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
- Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh điểm đến, môi trường du lịch, góp phần phát triển du lịch bền vững và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch tỉnh Lào Cai.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp với các hành động cụ thể: xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Lào Cai và hệ thống nhận diện; nghiên cứu thị trường du lịch mục tiêu của du lịch Lào Cai, quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp với “cầu” của thị trường; ưu tiên nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho công tác đào tạo, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch.
- Nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ và người dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch như một yếu tố đặc biệt quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Quá trình nâng cao nhận thức du lịch cần đạt tới sự chuyển biến căn bản về nhận thức, về vai trò và vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, về trách nhiệm trong thực hiện bảo vệ môi trường du lịch, trong đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch và các dịch vụ công liên quan đến hoạt động du lịch, trong thực hiện xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp, sản phẩm du lịch.
1.2. Giải pháp về cơ chế chính sách, chú trọng chính sách đặc thù
- Rà soát, điều chỉnh và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi và tạo thuận lợi nhất về giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn,... để thu hút đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù.
- Rà soát, điều chỉnh các quy định hành chính theo hướng giảm thiểu các thủ tục, tạo điều kiện thông thoáng và nhanh nhất cho các nhà đầu tư có quan tâm đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại tỉnh Lào Cai.
- Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên và hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương tự đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch ở quy mô nhỏ và trung bình theo quy hoạch và định hướng chung của tỉnh.
- Tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo du lịch, hướng tới việc áp dụng các tiêu chuẩn năng lực nghề du lịch quốc gia và khu vực, đảm bảo yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ lao động du lịch cho phát triển du lịch Lào Cai trong giai đoạn mới.
- Có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài/nguồn nhân lực chất lượng cao là các nhà quản lý, hoạch định chiến lược, giáo viên, các nghệ nhân và lao động có trình độ tay nghề cao đến làm việc tại tỉnh và người địa phương tham gia phát triển du lịch.
- Lồng ghép chính sách về bình đẳng giới và công bằng xã hội trong các chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
1.3. Giải pháp về tổ chức và quản lý
- Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến cấp huyện theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý du lịch. Trước mắt củng cố, tăng cường năng lực cho Sở Du lịch Lào Cai để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ cấp phòng của Sở Du lịch, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố và Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai để tăng cường hiệu quả trong quản lý nhằm đảm bảo là cầu nối giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực liên quan trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về quản lý hoạt động du lịch phù hợp với bối cảnh và tình hình mới để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên..., tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.
- Khẩn trương triển khai ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý thuế, phí để chống thất thu trong lĩnh vực du lịch.
- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn.
1.4. Giải pháp về kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch
- Nâng cao trình độ, hiểu biết về quản lý chất lượng, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống kiểm định, công nhận chất lượng; phát triển, tôn vinh thương hiệu, thúc đẩy nhượng quyền thương hiệu;
- Phân tích các quy định pháp lý và tiêu chuẩn quốc tế để thống nhất hệ thống các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chí của Asean (cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững) tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh như một bước đột phá về việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tỉnh Lào Cai theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường;
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm du lịch, theo đó Sở Du lịch phối hợp với các sở, ngành có liên quan để thành lập bộ phận chuyên trách quản lý chất lượng sản phẩm du lịch tỉnh Lào Cai. Chú trọng ưu tiên tăng năng lực của đội ngũ cán bộ thuộc bộ phận chuyên trách này.
- Tổ chức các kênh thông tin để du khách có thể phản ánh về chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch khi đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó sẽ kịp thời giải quyết, xử lí nhằm đảm bảo quyền lợi cho du khách và chấn chỉnh chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch liên quan trên địa bàn tỉnh.
- Thuê tư vấn để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch về quản lý, khai thác và quản lý chất lượng sản phẩm du lịch và các dịch vụ du lịch liên quan, chú trọng đối với sản phẩm du lịch đặc thù tại các điểm đến, đặc biệt trên các địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh.
- Triển khai có hiệu quả thực hiện quy định của Luật Du lịch về các tiêu chí đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và tiếp tới Chương trình tổng thể về quản lý chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch.
1.5. Giải pháp về bảo tồn các giá trị tự nhiên và đảm bảo môi trường du lịch
- Xây dựng đề án “Phát triển điểm đến du lịch xanh tỉnh Lào Cai” dựa trên các nguyên tắc phát triển du lịch xanh. Chú trọng thực hiện việc quản lý điểm đến theo “Sức chứa” để đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động của hoạt động du lịch đến các giá trị tự nhiên, đặc biệt là giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học; khuyến khích phát triển các mô hình du lịch sinh thái ở những địa bàn có tiềm năng.
- Căn cứ chiến lược và định hướng phát triển du lịch trong Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh. Ban hành quy chế bảo vệ môi trường du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường; tôn vinh các danh hiệu, nhãn hiệu thân thiện với môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể xã hội cấp cơ sở trong hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường du lịch cho cộng đồng. Phát huy hiệu quả và nhân rộng mạng lưới tình nguyện viên làm công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường xuất bản các ấn phẩm giáo dục về bảo vệ môi trường du lịch. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, zalo, facebook...).
- Nêu cao vai trò trách nhiệm cá nhân, trước hết là của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm một cách thường xuyên để bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương, các khu, điểm du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh tại khu, điểm du lịch, cảnh báo người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để du khách nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ người và tài sản trong quá trình đến tham quan du lịch tại các khu, điểm du lịch.
1.6. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng
- Ưu tiên nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có chế độ ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ về công tác tại tỉnh Lào Cai;
- Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch và tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của chính doanh nghiệp mình.
- Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt của phụ nữ và người dân tộc thiểu số vào hoạt động du lịch, dần tiến tới xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực phổ thông tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
1.7. Giải pháp về huy động và sử dụng nguồn lực, khoa học và công nghệ
- Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách cho các lĩnh vực then chốt tạo tiền đề cho phát triển du lịch: cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu ứng dụng.
Huy động các nguồn lực tài chính từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Khai thác tối ưu, có hiệu quả nguồn lực về tài nguyên du lịch: giá trị tài nguyên du lịch, đa dạng sinh học và các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho phát triển du lịch; thể chế hóa, xã hội hóa trong khai thác tài nguyên, bảo tồn di sản; trùng tu di tích; coi trọng bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống; phát triển ẩm thực đặc sắc Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
- Phát huy các nguồn lực tri thức khoa học công nghệ, lao động sáng tạo của các thành phần xã hội; huy động sự tham gia và đề cao vai trò, trách nhiệm của mọi ngành, mọi cấp, tổ chức nghề nghiệp, đoàn thể và cộng đồng.
- Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ sạch (3R) và công nghệ thông tin trong hoạt động phát triển du lịch tại điểm đến Lào Cai góp phần thực hiện thành công “Tầm nhìn” chiến lược về “Điểm đến thông minh”, “Điểm đến xanh” Lào Cai nói chung và những điểm đến có tiềm năng trên địa bàn như Y Tý (Bát Xát), Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên,..; Nhà nước hỗ trợ hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng hạ tầng và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
- Khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, đặc biệt coi trọng ứng dụng thông tin, công nghệ sạch; thực hiện cơ chế góp vốn trong hoạt động nghiên cứu và phát triển.
- Thực hiện nghiêm túc quy định về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền; bảo đảm quyền lợi và tôn vinh các danh hiệu, thương hiệu, nhãn hiệu, chứng chỉ chất lượng.
1.8. Giải pháp về liên kết phát triển du lịch
- Khuyến khích liên kết giữa các địa phương trong cùng một địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh để tổ chức đánh giá, phát huy lợi thế tài nguyên; tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tour tuyến du lịch, xúc tiến quảng bá đầu tư du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch.
- Tăng cường hợp tác thực chất với các cơ quan, ban ngành của Trung ương và liên kết các tỉnh phụ cận trong lĩnh vực quy hoạch, xúc tiến đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống giao thông liên kết du lịch kết nối thành phố Lào Cai với các huyện, thị xã, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm để thuận lợi phát triển hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.
- Tăng cường liên kết với các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để khai thác các thị trường khách du lịch và cơ hội đầu tư du lịch cho tỉnh Lào Cai. Đây cũng chính là các nhà đầu tư tiềm năng để có thể phát triển sản phẩm du lịch theo tuyến du lịch trọng điểm quốc gia.
- Có kế hoạch hợp tác cụ thể với các địa phương trong vùng Trung du miền núi bắc Bộ, đặc biệt là các địa phương trong vùng Tây Bắc, để xây dựng chương trình tour, tuyến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Tranh thủ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, thiết chế văn hóa, thể thao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đầu tư xây dựng các tuyến đường du lịch nội tỉnh từ thành phố Lào Cai đến các điểm đến có điểm tài nguyên độc đáo, đặc sắc để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.
- Liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng TDMNBB trong việc khảo sát điều tra, thiết kế các chương trình du lịch, sản phẩm du lịch liên vùng và sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Lào Cai.
- Chú trọng hợp tác công tư, coi trọng vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô và năng lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
1.9. Giải pháp về bảo tồn các giá trị di sản
- Tổ chức thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa, đặc biệt là di sản phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa thể nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa trong cộng đồng trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động trên, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân nhằm thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa;
- Tăng cường tuyên truyền về bảo tồn các giá trị di sản văn hóa cho người dân nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa của dân tộc để từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo vệ di sản truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân Lào Cai. Chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ và người dân tộc thiểu số như một cách tiếp cận bền vững đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Khuyến khích sự tham gia cộng đồng vào hoạt động phát triển du lịch, qua đó vừa tạo cơ hội việc làm nâng cao thu nhu nhập cho người dân song cũng nâng cao được ý thức bảo vệ các giá trị di sản văn hóa mà dựa vào đó du lịch phát triển.
- Đẩy mạnh việc phát huy các giá trị di sản văn hóa thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch; khai thác các giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa; lồng ghép vào các giáo trình giảng dạy trong nhà trường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm về di sản văn hóa Lào Cai cho học sinh trong cộng đồng hay tại các Bảo tàng.
- Có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, những cá nhân có công sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tỉnh Lào Cai.
1.10. Giải pháp về lồng ghép giới trong phát triển du lịch
- Tăng cường hoạt động nâng cao nhận thức xã hội về lồng ghép giới trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong phát triển du lịch nói riêng, qua đó có sự thống nhất trong hành động lồng ghép giới trong các hoạt động phát triển du lịch.
- Có chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có thể phát huy được đầy đủ nhất năng lực của mình cũng như có được quyền lợi công bằng với nam giới trong hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Ưu tiên quyền được quản lý, được có việc làm trong hoạt động du lịch đối với phụ nữ.
- Phát huy vai trò của Hiệp hội phụ nữ phối hợp với Hiệp hội du lịch trong việc tăng cường tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề du lịch cho phụ nữ để đảm bảo phụ nữ có cơ hội được tham gia đầy đủ nhất vào các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
2.1. Sở Du lịch
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Cụ thể hóa nội dung của Khung Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Khung chiến lược) trên địa bàn;
- Phân cấp cho chính quyền cấp cơ sở về quản lý phát triển du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, hiệu quả.
- Thực hiện nội dung về định hướng phát triển du lịch trong Quy hoạch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kế hoạch phát triển du lịch 5 năm và kế hoạch hàng năm có tham khảo những định hướng được đưa ra trong Khung chiến lược và trên cơ sở cụ thể hóa Chiến lược phát triển du lịch quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chỉ đạo tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển du lịch;
- Tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động du lịch, hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tăng cường nhận thức về du lịch cho các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư.
- Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai những nội dung của Khung chiến lược, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Khung chiến lược. Định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện hoạt động phát triển du lịch Lào Cai có tham khảo so sánh với những định hướng đặt ra trong Khung chiến lược báo cáo Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; năm 2025 tiến hành tổng kết Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, rút kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện giai đoạn 2026 - 2030.
- Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp, đặc biệt các tập đoàn lớn có nhu cầu đầu tư du lịch tại tỉnh Lào Cai khảo sát quy hoạch các điểm, vùng du lịch gắn với sản phẩm du lịch đặc thù; định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, tích hợp vào quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; lập quy hoạch chi tiết để thu hút đầu tư; tham gia thẩm định các dự án đầu tư du lịch. Đặc biệt chú trọng việc tích hợp và điều chỉnh đối với các dự án ở các địa phương có phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các đơn vị liên quan trong công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh du lịch Lào Cai, tổ chức và tham gia các sự kiện trong nước và quốc tế về du lịch; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai trên nền tảng số.
- Xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch với các địa phương trong vùng TDMNBB, đặc biệt với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh trong việc thu hút khách đến tỉnh Lào Cai.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, khả năng giao tiếp khách du lịch quốc tế cho lực lượng lao động du lịch trực tiếp và cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; ưu tiên các địa bàn nơi phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.
2.2. Sở Văn hóa và Thể thao
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa:
- Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, xây dựng con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Hợp tác, giao lưu văn hóa gắn với quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Lào Cai; đẩy nhanh thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Xây dựng các thiết chế văn hóa, đội văn nghệ, thể thao truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới và du lịch.
- Tăng cường tuyên truyền về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cho người dân, nâng cao nhận thức về phát huy giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, nâng cao nhận thức về bảo tồn các giá trị tự nhiên, nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch. Đề xuất đầu tư bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích, di sản để phát huy giá trị khai thác phục vụ du lịch hiệu quả.
- Khuyến khích sự tham gia cộng đồng, của các nghệ nhân vào hoạt động phát triển du lịch, tạo cơ hội việc làm nâng cao thu nhu nhập cho người dân, nâng cao được ý thức bảo vệ các giá trị di sản văn hóa.
- Phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa gắn với du lịch; khai thác các giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa; các hoạt động trải nghiệm văn hóa Lào Cai tại các thiết chế văn hóa như: Bảo Tàng, Thư viện, Trung tâm thể thao,...
- Phối hợp với Sở Du lịch phát triển thương hiệu du lịch nổi bật quốc gia, hướng tới việc tạo dựng thương hiệu du lịch Lào Cai, chú trọng các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của Lào Cai.
2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Khung chiến lược theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và quy định pháp luật liên quan;
- Đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và tín dụng để thúc đẩy đầu tư vào du lịch, đặc biệt là huy động nguồn lực đầu tư tại các vùng du lịch trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, Khu du lịch quốc gia Sa Pa và khu vực có tiềm năng du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, xây dựng phương án và tổ chức quản lý nguồn thu ngân sách nhằm chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí quảng bá, xúc tiến đầu tư các công trình lĩnh vực du lịch phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách.
2.4. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng
- Xây dựng, rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, các phương thức vận tải khách du lịch, đề xuất phương án vào vận tải hàng không khi cảng hàng không Sa Pa đi vào hoạt động để bảo đảm thuận lợi cho tăng trưởng và phát triển du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông đô thị nhằm tránh tình trạng ùn tắc cục bộ vào các dịp cao điểm du lịch, lễ tết, cuối tuần, nhất là tại thị xã Sa Pa.
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm các hoạt động an toàn giao thông; Xây dựng quy chế quản lý, các biện pháp vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt các địa điểm công cộng; có phương án xử lý các vấn đề về rác thải, tránh tình trạng xả rác bừa bãi, đảm bảo hè thông phố thoáng, môi trường xanh - sạch - đẹp.
2.5. Công an tỉnh
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch và các sự kiện du lịch; chỉ đạo bố trí lực lượng ứng trực điều phối, phân luồng giao thông, ưu tiên xây dựng phương án đảm bảo lưu thông trong khu vực đô thị thị xã Sa Pa, nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào các dịp cao điểm du lịch, lễ tết, cuối tuần; Duy trì lực lượng thường trực kiểm tra, xử lý đối với phương tiện vận tải hành khách vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải- Xây dựng triển khai phương án sắp xếp bến, bãi, điểm đỗ xe; phân luồng giao thông tại các khu, điểm du lịch.
- Thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong công tác xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt quy chế quản lý phối hợp trong quản lý khách du lịch tham quan, lưu trú tại khu vực biên giới trên địa bàn, quản lý lưu trú, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ, môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; thông tin kịp thời về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, các hoạt động lợi dụng du lịch để tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng hình ảnh du lịch Lào Cai an toàn, thân thiện.
2.6. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các Sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào theo quy định pháp luật bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nước ngoài du lịch tại tỉnh; phối hợp với Sở Du lịch triển khai xúc tiến, quảng bá du lịch Lào Cai tại các thị trường quốc tế.
2.7. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh và cấp huyện, bảo đảm tinh gọn, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2.8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch nghiên cứu, xây dựng tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư nâng cao năng lực đào tạo về du lịch của Trường Cao đẳng Lào Cai, đặc biệt là đào tạo nghề du lịch.
2.9. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại và xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch; tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền chính sách khuyến khích phát triển mạng lưới trung tâm mua sắm hiện đại tại các khu vực tạo động lực phát triển du lịch.
2.10. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch quản lý việc sử dụng tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; đề xuất cơ chế chính sách phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm đưa công tác quản lý, sử dụng đất theo đúng pháp luật, nhất là đối với công tác quản lý sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào các hoạt động kinh doanh du lịch tại thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, huyện Bắc Hà, huyện Bảo Yên và thành phố Lào Cai.
- Tiếp tục rà soát đánh giá tình hình triển khai đề án phân loại, xử lý rác thải, triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt các địa điểm công cộng tại thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và huyện Bắc Hà.
2.11. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch lồng ghép các nội dung phát triển du lịch vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch; phối hợp với Sở Du lịch và Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.
2.12. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch tổ chức truyền thông, quảng bá về du lịch Lào Cai; hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, hình thành và phát triển hệ sinh thái.
2.13. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch triển khai các chương trình, đề tài và đề án ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh du lịch; đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ du lịch trên nền tảng công nghệ số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các cơ sở dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.
2.14. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch đề xuất cơ chế, chính sách phát triển các sản phẩm, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe phục vụ du lịch; hình thành hệ thống cơ sở y tế chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch.
2.15. Chi Nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lào Cai tham mưu các giải pháp đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt và cơ chế giám sát, kiểm soát hoạt động thanh toán xuyên biên giới trong lĩnh vực du lịch.
2.16. Các Sở, ngành, các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện Khung chiến lược theo thẩm quyền.
2.17. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ Khung chiến lược, tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tại địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện những nội dung được đề xuất trong Khung chiến lược liên quan đến địa phương; căn cứ nội dung Khung chiến lược để xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, ưu tiên các khu, điểm du lịch có phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và dự án đầu tư du lịch phù hợp; có trách nhiệm phối kết hợp với các ngành chức năng trong việc triển khai thực hiện các nội dung Khung chiến lược và các dự án đầu tư phát triển du lịch tại địa phương.
- Tăng cường quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội để phát triển du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; có chương trình hỗ trợ người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao sinh kế, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt ở khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.
- Chủ động triển khai, mở rộng liên kết trong công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn; thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch chất lượng cao, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, hợp tác phát triển du lịch, khuyến khích xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
- Chỉ đạo, quản lý việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về thực hiện nếp sống văn minh du lịch; giữ gìn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
- Thực hiện sơ kết, tổng kết kế hoạch phát triển du lịch tại địa phương gửi Sở Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2.18. Hiệp hội du lịch và các Hội nghề nghiệp tỉnh Lào Cai
Tuyên truyền đến các Hội viên Hiệp hội về việc triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai.
Hiệp hội Doanh nghiệp vận động các doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng quy hoạch cụ thể các khu, điểm du lịch, đặc biệt ở những nơi phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, đầu tư xây dựng các dự án phát triển du lịch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Hiệp hội Du lịch tỉnh xây dựng chương trình hành động của Hiệp hội để triển khai thực hiện mục tiêu, quan điểm, định hướng của Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai.
Phụ lục 1: Hệ thống giao thông đường bộ tỉnh Lào Cai
Trên địa tỉnh hiện có 5 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 456km và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với chiều dài qua địa phận tỉnh dài 72km; 16 tuyến đường tỉnh với chiều dài 969km và hơn 7.250km đường huyện, đường xã, đường thôn bản, đường nội đồng và đường tuần tra biên giới.
1) Hệ thống đường cao tốc, quốc lộ
(i) Cao tốc Hà Nội - Lào Cai: Xuất phát từ Hà Nội, qua địa phận 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, đến khu kinh tế Kim Thành, tổng chiều dài 264 km; trên địa phận tỉnh Lào Cai, tuyến xuất phát từ xã Tân An, huyện Văn Bàn đến khu kinh tế cửa khẩu Kim Thành, dài 72,7 km. Đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 2 làn xe, đoạn còn lại từ Bình Minh đến cửa khẩu Kim Thành dài 19 km đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe.
(ii) Quốc lộ 70: Bắt đầu từ ngã 3 Đoan Hùng (giao với QL2) - tỉnh Phú Thọ và kết thúc tại cầu Hồ Kiều 2, tỉnh Lào Cai; chiều dài 198 km, đi qua địa phận 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; đoạn trên địa phận tỉnh Lào Cai, bắt đầu từ An Lạc, đi theo hướng Tây Bắc qua địa phận các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai và kết thúc tại cầu Hồ Kiều 2 (ranh giới với Trung Quốc), dài 89 km. Tình trạng kỹ thuật: Đoạn thuộc địa phận Lào Cai mặc dù chạy trên vùng có địa hình thoải, nhưng bình đồ tuyến chạy không êm thuận, có nhiều đoạn cua; đoạn tuyến chủ yếu đạt cấp IV miền núi, riêng chỉ có đoạn đầu thành phố Lào Cai (khoảng 9 km) đạt cấp II, kết cấu mặt đường bê tông nhựa; chất lượng đường tương đối tốt.
(iii) Quốc lộ 4D: Bắt đầu từ Pa So (giao QL12) - tỉnh Lai Châu và kết thúc tại cửa khẩu Sín Tẻn, Mường Khương - tỉnh Lào Cai; toàn tuyến có chiều dài 194km, đi qua 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đoạn trên địa phận tỉnh Lào Cai, tuyến bắt đầu từ xã Hoàng Liên, đi qua thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai rồi đi chung với QL70 (từ đầu phía Bắc thành phố Lào Cai đến Bản Phiệt dài khoảng 8km), sau đó tách ra đi về phía huyện Mường Khương và kết thúc tại cửa khẩu Sín Tẻn, huyện Mường Khương, dài 103 km. Tình trạng kỹ thuật: Tuyến đi qua vùng núi cao hiểm trở dọc theo một phần dãy Hoàng Liên Sơn, một bên là vực, một bên là núi; dọc tuyến có nhiều đèo, dốc dài và quanh co, tầm nhìn hạn chế; tuyến chủ yếu đạt cấp kỹ thuật từ cấp V miền núi đến cấp IV miền núi, mặt đường bê tông nhựa và láng nhựa; chất lượng đường ở mức tốt và trung bình.
(iv) Quốc lộ 4E: Tuyến nằm hoàn toàn trong địa phận tỉnh Lào Cai, xuất phát 134 từ điểm giao với QL70 tại Bắc Ngầm, tuyến đi sang phía Tây qua thị trấn Phố Lu, tuyến đổi hướng đi ngược lên hướng Đông Bắc (gần như song song với QL70) và kết thúc tại Phường Kim Tân, thành phố Lào Cai; toàn tuyến dài 44 km. Tình trạng kỹ thuật: Tuyến chạy trên vùng địa hình tương đối thoải; tuyến đường chủ yếu đạt cấp IV miền núi, riêng có đoạn cuối tuyến chạy trong địa phận thành phố (khu vực phường Kim Tân, Cam Đường), dài 9,0 km là đường đô thị.
(v) Quốc lộ 4: Đoạn quốc lộ 4 trong địa phận tỉnh Lào Cai từ thị trấn Mường Khương (điểm giao với QL4D) tại km190 tuyến đi về phía Đông, đi qua các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và nối sang địa phận huyện Xín Mần của tỉnh Hà Giang, dài 98 km.
(vi) Quốc lộ 279: Là tuyến vành đai 2 - biên giới, tuyến có điểm đầu tại ngã ba Giếng Đáy giao với quốc lộ 18 thuộc địa phận thành phố Hạ Long - Quảng Ninh, điểm cuối tại cửa khẩu Tây Trang - tỉnh Điện Biên, qua địa phận 9 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, dài 817,4 km. Đoạn trên địa phận tỉnh Lào Cai từ Nghĩa Đô (ranh giới với Hà Giang), đi theo hướng Tây, qua địa phận các huyện Bảo Yên, Văn Bàn và kết thúc tại đèo Khau Co (ranh giới với tỉnh Lai Châu), dài 122 km. Tình trạng kỹ thuật: Tuyến đi qua khu vực miền núi, nhiều đoạn có địa hình khó khăn, nhiều đèo dốc dài, quanh co và hạn chế tầm nhìn (đèo Khau Co).
2) Hệ thống đường tỉnh
- ĐT151: Là trục giao thông có vai trò kết nối giữa 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái và tạo liên kết vành hệ quốc lộ 4 với vành đai QL279 đảm bảo an ninh quốc phòng, chia sẻ giảm tải cho tuyến QL70, đồng thời ĐT151 phục vụ đắc lực cho vận chuyển quặng từ các mở khu vực Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng,... Điều chỉnh quy hoạch ĐT151 bắt đầu từ Km21 800/QL4E tại Xuân Giao đến Khe Lếch (giao QL279) dài 39,8km, hiện nay đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp IV.
- ĐT151B (Đường Võ Lao - Phong Du Hạ): Được quy hoạch nhằm giảm tải cho ĐT151 và phục vụ các cụm công nghiệp trên địa bàn 2 huyện Bảo Thắng và Văn Bàn. ĐT151B được hình thành trên cơ sở ĐH58, ĐH51, ĐH52 nối thông sang Yên Bái, hướng tuyến là: Võ Lao - Nậm Dạng - Hòa Mạc (Km112 - QL279) - Văn Bàn - Nậm Tha - Phong Du Hạ, tổng chiều dài 50,4km.
- ĐT151C (Đường Sơn Hà - Cam Cọn - Tân An - Khe Sang): Được quy hoạch trên cơ sở đường Sơn Hà - Cam Cọn - Tân An - Khe Sang, tổng chiều dài 37,6km.
- ĐT152: Là trục giao thông kết nối thị xã Sa Pa và huyện Bảo Thắng, điểm đầu ở Sa Pa và điểm cuối nối với QL4E, tổng chiều dài 55,7 km, tuyến đi theo hướng Sa Pa - Bản Dền - Mường Bo - Tả Thàng - Xuân Giao - cầu Phố Lu - Km22/QL4E. Trong tương lai, tỉnh Lào Cai sẽ tách đơn vị hành chính mới huyện Mường Bo và hình thành đô thị Mường Bo đạt loại 5 thì ĐT152 sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện mới.
- ĐT152B (Đường nối ĐT152 với QL279): Để kết nối thông suốt các huyện 135 phía Tây Nam của tỉnh, đã quy hoạch tuyến đường tỉnh nối ĐT152 tại Mường Bo với QL279 tại Dương Quỳ. Tuyến dựa trên ĐH97 của thị xã Sa Pa, ĐH55 của huyện Văn Bàn và xây dựng mới đoạn Liên Minh đến Nậm Chày, hướng tuyến là: Mường Bo - Liên Minh - Nậm Chày - Dương Quỳ, tổng chiều dài tuyến 55km, tuy nhiên hiện tại mới có khoảng 13km được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và cấp IV-V miền núi, còn lại chưa có đường.
- ĐT153: Hướng tuyến: Bắc Ngầm (Km160/QL70) - Bắc Hà - Bản Liền - Tân Tiến - Nghĩa Đô (giao với QL279), tổng chiều dài của tuyến khoảng 72km, được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và cấp IV miền núi, đây là tuyến giao thông huyết mạch của huyện Bắc Hà. Tuyến có vai trò quan trọng phát triển du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng.
- ĐT154: Hướng tuyến là: Bản Lầu - Lùng Vai - Nậm Chảy - Mường Khương - Cao Sơn - Cốc Ly - QL70, tổng chiều dài khoảng 107km, được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và từ cấp V-Vl miền núi. ĐT154 qua 3 huyện Mường Khương, Bắc Hà và Bảo Thắng đồng thời nối QL4D với QL70. Tuyến ĐT154 có vai trò quan trọng phục vụ xây dựng, khai thác thủy điện Cốc Ly và phá thế độc đạo của tuyến QL4D lên huyện Mường Khương.
- ĐT155: Là trục dọc phía Tây nối thông huyện Bát Xát, Sa Pa với thành phố Lào Cai đồng thời nối thông ĐT158 - QL4D - cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Điểm đầu Dền Sáng, điểm cuối giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; chiều dài L = 75,5km; hướng tuyến: Sàng Ma Sáo - Dền Sáng - Mường Hum - Bản Xèo - Ô Quý Hồ - thành phố Lào Cai.
- ĐT156: Hướng tuyến: Khu cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành - Ngòi Phát - Trịnh Tường - Tùng Sáng, tổng chiều dài là 51km, được đầu tư quy mô đường từ cấp III-IV miền núi. ĐT156 là tuyến dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nối thành phố Lào Cai với huyện Bát Xát, ngoài phục vụ vận tải khai thác mỏ khoáng sản đồng Sin Quyền,... thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện Bát Xát còn có vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ tuần tra biên giới đảm bảo ANQP.
- ĐT156B: Được quy hoạch theo hướng Hợp Thành - Tả Phời - Bắc Cường - Kim Tân - Bản Vược - Bản Xèo, tổng chiều dài 54km, được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và từ cấp III-V miền núi. Việc quy hoạch ĐT156B đảm bảo phục vụ vận tải khai thác mỏ, khoáng sản như Apatit, đồng Sin Quyền... thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện Bát Xát và Thành phố Lào Cai.
- ĐT157: Nối thành phố Lào Cai với huyện Bảo Thắng theo hướng: Phố Mới - Làng Chung - Quốc lộ 70 (Km172) - Phong Hải - Thái Niên - Xuân Quang (Km6 - QL4E), tổng chiều dài 43km, được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và từ cấp III-V miền núi. Tuyến ĐT157 có vai trò chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông và phá thế độc đạo của QL70 đoạn Phong Hải đến Thành phố Lào Cai.
- ĐT158: ĐT158 là tuyến nối từ trung tâm huyện Bát Xát đến các xã phía Tây Bắc huyện theo hướng: Tùng Sáng - A Mú Sung - A Lù - Y Tý - Dền Sáng - Sàng Ma Sáo, tổng chiều dài 70km, được đầu tư quy mô đường cấp A-GTNT và từ cấp IV-VI miền núi. Vai trò chính của ĐT158 là phục vụ phát triển văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
- ĐT159: Hướng tuyến: Si Ma Cai - Quan Thần Sán - Hoàng Thu Phố - Bắc Hà - Lùng Phình - Tả Củ Tỷ - Bản Liền, điểm đầu tại Si Ma Cai, điểm cuối tại Bản Liền, dài 75,5km. Hiện tại toàn tuyến đạt tiêu chuẩn loại B-GTNT, cấp IV MN.
- ĐT160: Hướng tuyến: Bảo Nhai - Bản Cái - Tân Dương - Xuân Hòa - Phố Ràng - Xuân Thượng - Việt Tiến (nối với Minh Chuẩn - Lục Yên tỉnh Yên Bái), tuyến có điểm đầu ở Bảo Nhai, điểm cuối ở Việt Tiến; chiều dài L = 83km, được đầu tư quy mô đường cấp B-GTNT và cấp V miền núi.
- ĐT161: Điểm đầu tại Phố Mới, điểm cuối tại Lang Khay (Văn Yên - Yên Bái); chiều dài L = 59km, được đầu tư quy mô đường từ cấp III-VI miền núi. Hướng tuyến: Phố Mới - Vạn Hòa - Làng Giàng - Thái Niên - Phố Lu - Trì Quang - Kim Sơn - Bảo Hà (giao QL 279) - Lăng Khay (Văn Yên - Yên Bái).
- ĐT162: Hướng tuyến: QL279 (Km105 230) qua xã Sơn Thủy - Nậm Dạng - Tằng Loỏng - Phú Nhuận nối ra cầu Phố Lu, tổng chiều dài tuyến khoảng 41km, được đầu tư quy mô đường cấp V, cấp III miền núi.
Phụ lục 2: Dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
1. Căn cứ dự báo
Dự báo mức độ tăng trưởng các chỉ tiêu du lịch chủ yếu của tỉnh Lào Cai thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được dựa trên những căn cứ cụ thể sau:
- Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chương trình hành động số 55-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
- Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
- Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về việc Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
- Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
- Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới;
- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;
- Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030;
- Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 26/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030;
- Quyết định số 91/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt QHTT phát triển du lịch vùng TDMNBB đến năm 2020;
- Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI (2020-2025);
- Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/04/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025;
- Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai lần thứ XVI ngày 08/12/2021 về việc thành lập Sở Du lịch Lào Cai;
- Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 29/06/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai;
- Kế hoạch số 368/KH-UBND ngày 20/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú của tỉnh Lào Cai, trong đó những tài nguyên có giá trị đặc biệt đối với phát triển du lịch là Khu du lịch quốc gia Sa Pa; khí hậu mát mẻ quanh năm, sinh thái và đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Hoàng Liên với đỉnh Fansipan được coi là “Nóc nhà Đông Dương”; các giá trị di sản văn hóa giàu bản sắc của 25 nhóm ngành dân tộc (lễ hội, làng nghề, đặc sản, ẩm thực)...
- Hiện trạng mức độ tăng trưởng của dòng khách du lịch (cả quốc tế và nội địa) đến tỉnh Lào Cai, đến vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; đặc biệt xu thế của dòng khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày; du lịch tham quan, nghiên cứu, sinh thái; du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch MICE... ngày càng phát triển.
- Kết quả hoạt động du lịch thời kỳ 2015 - 2021 của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước nói chung, của tỉnh Lào Cai nói riêng; đặc biệt là hiện trạng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Xu hướng, thị hiếu, nhu cầu... của các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế trong bối cảnh mới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 đang bùng phát trên toàn thế giới đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ngành du lịch cả nước đang tái cấu trúc lại các thị trường và sản phẩm du lịch, đặc biệt hướng đến các sản phẩm du lịch mới phù hợp.
2. Luận chứng các phương án phát triển
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được xây dựng trong bối cảnh trong nước và quốc tế hết sức thuận lợi và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020. Theo đó, đến năm 2025 Du lịch Việt Nam có thể đạt được 35 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD), đóng góp trực tiếp 12 - 14% vào tổng GDP cả nước, tạo ra 5,5 - 6,0 triệu việc làm (trong đó có 2,0 triệu việc làm trực tiếp).
Tuy nhiên, bước vào năm 2020 - năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 thì đại dịch Covid - 19 đã bùng phát trên phạm vi toàn thế giới và kéo dài đến tận bây giờ, chưa biết đến khi nào mới chấm dứt. Chính vì vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các luồng khách du lịch quốc tế đi lại trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, trong suốt gần hai năm qua Chính phủ cũng đã nhiều lần ban hành các chỉ thị phong tỏa xã hội để thực hiện phòng chống dịch. Trong bối cảnh đó, các chuyến bay đường hàng không quốc tế phải dừng hoạt động, các chuyến bay trong nước bị hạn chế, vận chuyển mặt đất nội địa (đường bộ, đường sắt) nhiều lúc phải dừng hoạt động, nhiều công ty du lịch lữ hành, nhiều khách sạn phải ngừng hoạt động hoặc giải thể..., nên các hoạt động du lịch trong nước cũng bị ngưng trệ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường khách du lịch. Trước tình hình đó: Năm 2020 khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt khách, giảm 80% so với năm 2019 và chỉ đạt 16,8% chỉ tiêu của Chiến lược đề ra; đối với khách nội địa chỉ đạt 55,0 triệu lượt, giảm 35% so với năm 2019 và chỉ đạt 61,1% chỉ tiêu của Chiến lược đề ra; tổng thu du lịch đạt 320.200 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng năm 2019 và chỉ đạt 36,8% chỉ tiêu của Chiến lược; Năm 2021 hầu như cả nước không đón khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa cũng giảm sâu so với năm 2020 và những năm trước đó.
Đối với Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Lào Cai nói riêng cần có những đánh giá, dự báo xu hướng... để có những chương trình hành động, những biện pháp cụ thể để đáp ứng kịp thời khi du lịch thế giới trở lại trạng thái bình thường mới theo 3 phương án sau đây:
Phương án 1 (phương án phát triển thấp): Trong năm 2021, thế giới chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid - 19, các luồng khách du lịch quốc tế trên thế giới tiếp tục bị phong tỏa, hàng không quốc tế chưa thể trở lại hoạt động bình thường, Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại để đón khách du lịch quốc tế... Tuy nhiên, trong năm 2022 - 2023 các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục tiêm vắc xin cho người dân để đến hết năm 2022 sẽ đạt được miễn dịch Covid - 19 trong cộng đồng. Đến năm 2023 và những năm tiếp theo, các hoạt động du lịch trên thế giới sẽ phát triển ổn định và dần phục hồi trở lại.
Trong trường hợp này, năm 2021 Việt Nam sẽ không đón được khách du lịch quốc tế (trừ một số ít đối tượng là các nhà ngoại giao thực thi công vụ... được nhập cảnh theo quy định của Việt Nam). Cùng với việc tiêm vắc xin cho người dân của các nước trên thế giới, Việt Nam cũng đang tích cực và khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin cho toàn dân để kiểm soát dịch bệnh..., nên khả năng các luồng khách du lịch quốc tế hướng đến Việt Nam sẽ rất cao. Vì thế, thời kỳ trước mắt 2022 - 2023, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ gia tăng và dần dần phục hồi; đến năm 2026 có khả năng phục hồi và đạt được như thời điểm năm 2019.
Theo phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế như trên, đến năm 2025 Việt Nam mới có thể đón được 15 triệu lượt khách quốc tế (bằng 42,8% so với chỉ tiêu của Chiến lược đề ra); khách du lịch nội địa đạt 90 triệu lượt (bằng 75% so với chỉ tiêu của Chiến lược); tổng thu du lịch đạt khoảng 1.400.000 tỷ đồng, tương đương 55 tỷ USD (bằng trên dưới 80% so với chỉ tiêu của Chiến lược); đóng góp khoảng 8% trong tổng GDP cả nước (thấp hơn 4 - 5% so với chỉ tiêu của Chiến lược).
Với phương án này thì khách du lịch quốc tế đến tỉnh Lào Cai sẽ tăng trưởng chậm theo bối cảnh chung của cả nước và được tính toán dựa trên tốc độ phát triển bằng hoặc thấp hơn hiện nay của ngành du lịch tỉnh Lào Cai trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp, suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài; đầu tư cho phát triển kinh tế nói chung và cho du lịch nói riêng ở tỉnh Lào Cai chưa có sự đột biến, chưa tạo ra được các sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc trưng, có chất lượng cao để cạnh tranh trong nước và quốc tế...
Theo phương án này thì đến năm 2024 khách du lịch đến Lào Cai mới có thể cơ bản phục hồi được như năm 2019; Thời kỳ 2024 - 2025 tốc độ tăng trưởng trung bình của khách du lịch quốc tế đến Lào Cai là 12,3%/năm và khách du lịch nội địa là 10,5%/năm; Thời kỳ 2025 - 2030, các chỉ tiêu tương ứng là 8,8%/năm và 9,0%/năm; Thời kỳ 2031 - 2040 là 5,6%/năm và 6,5%/năm; Thời kỳ 2041 - 2050 là 4,6%/năm và 5,0%/năm. Khả năng đạt được của phương án này là khả thi ngay cả khi không có tác động lớn trong lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, phương án này chưa phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch của cả nước, của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cũng như chưa phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI (2020-2025) cũng như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, chính vì vậy phương án này được đưa ra để so sánh và tham khảo.
Phương án 2 (phương án phát triển trung bình): Trong những tháng cuối năm 2021, thế giới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid - 19; phần lớn các quốc gia đã tiêm chủng mở rộng vắc xin cho người dân và thực hiện các biện pháp phát triển du lịch, trong đó chiến dịch “Hộ chiếu vắc xin” hoặc gói kích cầu “Combo du lịch trọn gói” được triển khai thực hiện ở nhiều nơi; các luồng khách du lịch quốc tế trên thế giới được gỡ bỏ phong tỏa, hàng không quốc tế được hoạt động trở lại bình thường; Việt Nam đang từng bước nới lỏng và mở cửa trở lại để đón khách du lịch quốc tế (trong đó 05 địa phương đang được thí điểm để chuẩn bị tổ chức đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin...). Trong bối cảnh như vậy, các luồng khách du lịch quốc tế đi lại giữa các quốc gia sẽ tăng nhanh, trong đó có Việt Nam và Lào Cai. Tuy nhiên, trong 1 - 2 năm đầu (2022 - 2023) sự tăng trưởng về số lượng của các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam chưa được phục hồi như năm 2019, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ rất cao... Bước sang thời kỳ 2024 - 2025, khi đại dịch Covid - 19 cơ bản được đẩy lùi thì du lịch quốc tế nói chung và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói riêng sẽ “bùng nổ” và tăng trưởng mạnh trở lại sau một thời gian dài bị kìm nén; và du lịch Việt Nam có khả năng hoàn toàn phục hồi như thời điểm 2019 vào năm 2025.
Đối với khách du lịch nội địa: Mặc dù, trong mấy tháng vừa qua dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước, nhưng Việt Nam đã và đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất từ trước đến nay trên toàn quốc, và có những biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch bệnh Covid - 19. Hiện nay, du lịch Việt Nam đang từng bước thực hiện mục tiêu kép là vừa tích cực phòng chống dịch Covid - 19 vừa triển khai nhiều giải pháp và chương trình kích cầu để chuẩn bị đón khách du lịch nội địa trở lại vào đầu năm 2022. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL ngày 07 tháng 9 năm 2021 để triển khai kịp thời chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi các hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Đây là nhân tố rất quan trọng để các hoạt động du lịch trong nước tăng trưởng trở lại. Trong bối cảnh hiện nay, chắc chắn bước sang năm 2022 và những năm tiếp theo, du lịch nội địa sẽ tăng trưởng trở lại và phục hồi nhanh chóng.
Theo phương án này, đến năm 2025 Việt Nam mới có thể đón được 20 triệu lượt khách quốc tế (bằng 57,1% so với chỉ tiêu của Chiến lược); khách du lịch nội địa đạt 105 triệu lượt (bằng 87,5% so với chỉ tiêu của Chiến lược); tổng thu du lịch đạt khoảng 1.600.000 tỷ đồng, tương đương 65 tỷ USD (bằng trên dưới 90% so với chỉ tiêu của Chiến lược); đóng góp khoảng 10% trong tổng GDP cả nước (thấp hơn 2 - 4% so với chỉ tiêu của Chiến lược).
Với phương án này thì khách du lịch quốc tế đến tỉnh Lào Cai được tính toán theo bối cảnh chung của cả nước với tốc độ tăng trưởng cao hơn hiện nay, khi mà dịch bệnh được kiểm soát tốt, nền kinh tế phát triển ổn định, đầu tư cho du lịch được tăng cường cả về lượng và chất, bắt đầu tạo ra những sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh. Theo phương án này thì đến năm 2024 khách du lịch đến Lào Cai mới có thể cơ bản phục hồi được như năm 2019; Thời kỳ 2023 - 2025 tốc độ tăng trưởng trung bình của khách du lịch quốc tế đến Lào Cai là 12,5%/năm và khách du lịch nội địa là 11,8%/năm; Thời kỳ 2025 - 2030, các chỉ tiêu tương ứng là 9,2%/năm và 9,6%/năm; Thời kỳ 2031 - 2040 là 6,0%/năm và 7,0%/năm; Thời kỳ 2041 - 2050 là 5,1% và 5,6%/năm. Phương án này phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; đồng thời cũng phù hợp với vị trí của ngành du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh Lào Cai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Do vậy, phương án này phù hợp với xu thế phát triển chung và đáp ứng được các yêu cầu lớn trên nên được chọn làm phương án chủ đạo để tính toán. Tuy nhiên, phương án này cần phải có sự đầu tư tương đối đồng bộ vào hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các khu du lịch, khu vui chơi - giải trí - thể thao, các sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao,...
Phương án 3 (phương án phát triển cao): Được tính toán với tốc độ phát triển cao hơn phương án 2 trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn thế giới và trong điều kiện thuận lợi của mối quan hệ quốc tế và khả năng đảm bảo cho việc đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt đầu tư vào những khu, điểm du lịch lớn với sản phẩm du lịch có chất lượng cao (Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà...). Theo phương án này thì đến năm 2023 khách du lịch đến Lào Cai mới có thể cơ bản phục hồi được như năm 2019; Thời kỳ 2022 - 2025 tốc độ tăng trưởng trung bình của khách du lịch quốc tế đến Lào Cai là 12,7%/năm và khách du lịch nội địa là 13,3%/năm; Thời kỳ 2025 - 2030, các chỉ tiêu tương ứng là 9,5%/năm và 10,1%/năm; Thời kỳ 2031 - 2040 là 6,5%/năm và 7,5%/năm; Thời kỳ 2041 - 2050 là 5,4%/năm và 6,0%/năm.
3. Dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch cụ thể
Các chỉ tiêu phát triển du lịch chủ yếu như khách du lịch, ngày lưu trú trung bình của khách, mức chi tiêu bình quân, tổng thu nhập từ du lịch, nhu cầu về cơ sở lưu trú, nhu cầu lao động, nhu cầu đầu tư... được tính toán dựa trên bối cảnh tăng trưởng chung của du lịch cả nước, của vùng và khu vực. Các dự báo này được căn cứ vào vai trò và vị trí của tỉnh Lào Cai trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”; đồng thời được căn cứ trên tốc độ tăng trưởng hiện tại, xu hướng phát triển trong tương lai; dựa trên các thế mạnh về tài nguyên, về sản phẩm du lịch; dựa trên hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh Lào Cai,...
3.1. Khách du lịch
a) Khách du lịch quốc tế
Khách du lịch quốc tế đến tỉnh Lào Cai theo nhiều hướng khác nhau. Trước hết là đến từ các đường bay quốc tế qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài; tiếp theo là đến từ các cảng hàng không nội địa, nhưng chủ yếu là từ các trung tâm du lịch lớn của cả nước như Quảng Ninh (cảng hàng không Vân Đồn), Hải Phòng (cảng hàng không Cát Bi), Đà Nẵng (cảng hàng không Đà Nẵng), Thành phố Hồ Chí Minh (cảng hàng không Tân Sơn Nhất), ... Ngoài ra, còn một bộ phận khách quốc tế đến Lào Cai trực tiếp từ Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai và thông qua các tuyến du lịch quốc gia theo đường bộ, đường sắt (đặc biệt theo tuyến du lịch xuyên Việt). Trong những năm tới, khi hệ thống giao thông vận tải được đầu tư xây dựng và hoàn thiện, đặc biệt là tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa, các tuyến đường quốc lộ nối các địa phương vùng núi Tây Bắc nói riêng và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói chung; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới và mở rộng toàn tuyến..., thì khả năng khách du lịch quốc tế đến Lào Cai sẽ tăng nhanh.
Mặc dù, trong thời kỳ 2009 - 2019, khách du lịch quốc tế đến Lào Cai tăng trưởng khá cao (đạt 9,7%/năm), nhưng do đại dịch Covid - 19 đã và đang bùng phát trên toàn thế giới, nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các luồng khách du lịch quốc tế đi lại trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam và Lào Cai. Do vậy, năm 2020 khách quốc tế đến Lào Cai đã giảm tới gần 75,2% so với năm 2019.
Trong năm 2021, trước tình hình diễn biến của đại dịch Covid - 19 vẫn còn đang diễn ra rất phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn thế giới và ở Việt Nam, chưa biết đến khi nào mới kiểm soát được hoàn toàn và trở lại trạng thái bình thường như trước đây. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã tích cực tiêm phòng vắc xin cho người dân, Việt Nam và Lào Cai đã nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên diện rộng cho toàn dân để hướng tới miễn dịch trong cộng đồng. Một số nước đã mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế đối với những đối tượng đã được tiêm vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid - 19. Chiến dịch “Hộ chiếu vắc xin” và “Combo du lịch vắc xin” (bao gồm cả tiêm phòng vắc xin, điều kiện cách li...). Việt Nam cũng xây dựng mô hình thí điểm đón khách quốc tế, Với những động thái trên, nửa đầu năm 2022 và những năm tiếp theo, các luồng khách du lịch quốc tế đi lại trên thế giới dần dần được phục hồi. Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng sẽ có nhiều cơ hội đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, thời kỳ trước mắt 2022 - 2023 sẽ gia tăng so với năm 2020, nhưng chậm hơn so với thời kỳ trước 2014 - 2019.
Bước sang thời kỳ 2024 - 2025 và những năm tiếp theo, khi đại dịch Covid-19 cơ bản được đẩy lùi thì du lịch quốc tế nói chung sẽ “bùng nổ” và tăng trưởng mạnh trở lại. Lúc đó, các chỉ tiêu của du lịch Việt Nam đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 có khả năng trở thành hiện thực. Trong bối cảnh đó thì khách du lịch quốc tế đến Lào Cai cũng sẽ tăng nhanh.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động do đại dịch Covid - 19, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã được điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển cho phù hợp. Theo đó, năm 2025 cả nước sẽ đón được 20 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2030 đạt 35 triệu lượt. Giai đoạn 2014 - 2019, khách du lịch quốc tế đến Lào Cai chiếm khoảng 3,5 - 4,0% tổng số khách đi lại giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. Căn cứ vào hiện trạng phát triển cũng như vị trí của Lào Cai trong tổng thể vùng và cả nước..., dự báo trong giai đoạn tới khách quốc tế đến Lào Cai chiếm khoảng 5,0 - 6,0% tổng số khách đi lại của cả nước. Như vậy, căn cứ vào phân tích tình hình bối cảnh trên, căn cứ vào thực tế hiện nay ở Lào Cai và cả nước, có thể dự báo đến năm 2025 Lào Cai sẽ đón được 1,5 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đạt 2,5 triệu lượt khách; và đến năm 2050 sẽ đạt được khoảng 4,5 triệu lượt khách quốc tế.
b) Khách du lịch nội địa
Khách du lịch nội địa đến Lào Cai từ khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là từ các thành phố lớn, nơi người dân có đời sống vật chất và tinh thần tương đối cao. Cơ cấu khách du lịch rất đa dạng, thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, có thể đi lẻ hoặc đi theo đoàn... Mục đích đi du lịch của khách nội địa cũng rất khác nhau, nhưng chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng núi; du lịch cộng đồng, du lịch tham quan thắng cảnh, các di tích văn hóa lịch sử; trải nghiệm các giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch vui chơi giải trí cuối tuần; du lịch thương mại; ...
Trái ngược với khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa đến Lào Cai trong những năm qua tăng trưởng ở mức tương đối cao (đạt trên 27,7%/năm thời kỳ 2009 - 2019). Cho dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên cùng với sự nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và các chương trình kích cầu du lịch nội địa với phương châm “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, du lịch nội địa đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tỉnh Lào Cai đã triển khai chương trình, kế hoạch và các điều kiện cần thiết để đón và phục vụ khách du lịch nội địa trở lại vào những tháng đầu năm 2022. Đây sẽ là cơ hội, là điều kiện để các địa phương, các doanh nghiệp du lịch thu hút và phục vụ hàng chục triệu người dân đi du lịch trong nước. Trong bối cảnh hiện nay, chắc chắn những năm tiếp theo, du lịch nội địa cả nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng sẽ tăng trưởng trở lại và phục hồi nhanh chóng.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã được điều chỉnh chỉ tiêu về khách du lịch nội địa. Theo đó, năm 2025 cả nước sẽ đón được trên 100 triệu lượt khách nội địa và đến năm 2030 đạt 150 triệu lượt. Hiện nay, khách du lịch nội địa đến Lào Cai chỉ chiếm khoảng 2,5 - 3,5% tổng số lượt khách nội địa của cả nước (năm 2019 chiếm 3,7%). Căn cứ vào hiện trạng phát triển cũng như vị trí của Lào Cai trong tổng thể vùng và cả nước..., dự báo hàng năm khách nội địa đến Lào Cai chiếm khoảng 3,5 - 4,0% tổng số khách đi lại của cả nước. Như vậy, căn cứ vào phân tích tình hình bối cảnh trên, căn cứ vào thực tế hiện nay ở Lào Cai và cả nước, có thể dự báo đến năm 2025 Lào Cai sẽ đón được 8,0 - 8,5 triệu lượt khách nội địa (chiếm 4,5 - 5,0 % cả nước); đến năm 2030 đạt 10,0 - 10,5 triệu lượt khách (chiếm 6,0 - 6,5 cả nước); và đến năm 2050 sẽ đạt được khoảng trên dưới 15,0 triệu lượt khách nội địa (chiếm khoảng trên dưới 7,0% cả nước).
Bảng 3: Dự báo khách du lịch đến Lào Cai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đơn vị tính: Lượt khách
Kịch bản | Loại khách | Hạng mục | 2019 (*) | 2025 | 2030 | 2040 | 2050 |
Kịch bản 1 | Khách quốc tế | Tổng số lượt khách (nghìn) | 806,2 | 1.400 | 2.200 | 3.000 | 3.800 |
Ngày lưu trú trung bình (ngày) | 2,5 | 2,8 | 3,0 | 3,2 | 3,4 | ||
Tổng số ngày khách (nghìn) | 2.015,5 | 3.920 | 6.600 | 9.600 | 12.920 | ||
Khách nội địa | Tổng số lượt khách (nghìn) | 4.300,8 | 8.200 | 10.000 | 11.500 | 13.500 | |
Ngày lưu trú trung bình (ngày) | 2,2 | 2,4 | 2,6 | 2,8 | 3,0 | ||
Tổng số ngày khách (nghìn) | 9.461,8 | 19.680 | 26.000 | 32.200 | 40.500 | ||
Kịch bản 2 | Khách quốc tế | Tổng số lượt khách (nghìn) | 806,2 | 1.500 | 2.500 | 3.500 | 4.500 |
Ngày lưu trú trung bình (ngày) | 2,5 | 2,8 | 3,0 | 3,2 | 3,4 | ||
Tổng số ngày khách (nghìn) | 2.015,5 | 4.200 | 7.500 | 11.200 | 15.300 | ||
Khách nội địa | Tổng số lượt khách (nghìn) | 4.300,8 | 8.500 | 10.500 | 12.500 | 14.500 | |
Ngày lưu trú trung bình (ngày) | 2,2 | 2,4 | 2,6 | 2,8 | 3,0 | ||
Tổng số ngày khách (nghìn) | 9.461,8 | 20.400 | 27.300 | 35.000 | 43.500 | ||
Kịch bản 3 | Khách quốc tế | Tổng số lượt khách (nghìn) | 806,2 | 1.600 | 2.800 | 4.000 | 5.200 |
Ngày lưu trú trung bình (ngày) | 2,5 | 2,8 | 3,0 | 3,2 | 3,4 | ||
Tổng số ngày khách (nghìn) | 2.015,5 | 4.480 | 8.400 | 12.800 | 17.680 | ||
Khách nội địa | Tổng số lượt khách (nghìn) | 4.300.8 | 8.800 | 11.000 | 13.000 | 15.000 | |
Ngày lưu trú trung bình (ngày) | 2,2 | 2,4 | 2,6 | 2,8 | 3,0 | ||
Tổng số ngày khách (nghìn) | 9.461,8 | 21.120 | 28.600 | 36.400 | 45.000 |
Nguồn: - (*) Số liệu hiện trạng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai.
- Các số liệu còn lại: Dự báo của Viện Du lịch bền vững Việt Nam.
3.2. Tổng thu từ du lịch, giá trị GRDP và nhu cầu vốn đầu tư du lịch
a) Về tổng thu từ du lịch
Tổng thu từ du lịch bao gồm tất cả các nguồn thu do khách du lịch chi trả trong thời gian đi du lịch ở một địa phương, đó là nguồn thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống; từ dịch vụ vận chuyển khách du lịch; dịch vụ lữ hành và tư vấn du lịch; mua sắm hàng hóa; từ các dịch vụ khác như Bưu điện, Ngân hàng, Y tế, Bảo hiểm, dịch vụ vui chơi giải trí... Trên thực tế, tất cả các nguồn thu này không phải do ngành du lịch trực tiếp thu mà còn do nhiều ngành khác và các tổ chức (cá nhân) khác có tham gia các hoạt động du lịch thu. Ngoài ra còn có một số ngành dịch vụ khác không những phục vụ người dân địa phương, mà còn phục vụ cho cả khách du lịch (ví dụ dịch vụ y tế, ngân hàng, bưu điện, phim ảnh, giao thông công cộng, bảo hiểm, ca múa nhạc...). Trong những trường hợp này, một phần chi tiêu của khách du lịch do các ngành khác trực tiếp thu. Ở các nước tiên tiến có hệ thống thống kê hoàn chỉnh và đồng bộ thì tất cả các khoản thu từ khách du lịch (cho dù các khoản thu này không phải do ngành du lịch trực tiếp thu) đều được thống kê cho ngành du lịch.
Ở Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng, hệ thống thống kê chưa được hoàn chỉnh nên toàn bộ các khoản chi trả của khách du lịch còn bị phân tán, chưa tập trung về một mối (thống kê cho ngành du lịch). Chính vì lẽ đó mà theo thống kê sự đóng góp của ngành du lịch trong nền kinh tế nói chung còn thấp. Ngược lại, trên thực tế có những doanh nghiệp du lịch tham gia kinh doanh tổng hợp, kinh doanh xuất nhập khẩu, kinh doanh bất động sản..., nhưng nguồn thu nhập này lại được tính vào tổng thu cho ngành du lịch, điều này cùng không đúng. Xuất phát từ tình hình thực tế như vậy, công tác thống kê tổng thu từ du lịch thuần túy ở các địa phương trong cả nước (trong đó có tỉnh Lào Cai) còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, trong cơ chế nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế đều tham gia các hoạt động du lịch. Trong bối cảnh như vậy, việc thống kê tổng thu từ du lịch của các thành phần kinh tế kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai chưa phản ánh đúng thực trạng và bản chất về chỉ tiêu tổng thu từ du lịch của tỉnh Lào Cai.
Trong bối cảnh như vậy, việc thống kê, tính toán và dự báo tổng thu từ du lịch của tỉnh Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung sẽ được dựa trên tổng số lượt khách đến (khách có lưu trú, khách tham quan trong ngày), số ngày lưu trú trung bình trên địa bàn và khả năng chi tiêu trung bình trong 1 ngày của mỗi khách du lịch (đối với cả khách lưu trú và khách tham quan trong ngày).
Năm 2019, trung bình một khách du lịch quốc tế đến Lào Cai chi tiêu mỗi ngày khoảng 2.700.000 đồng (tương đương 108USD); còn đối với mỗi khách nội địa chi tiêu trong một ngày khoảng xấp xỉ 1.235.000 đồng (tương đương 49USD) và ngày lưu trú trung bình của khách du lịch ở Lào Cai là 2,25 ngày. Trong những năm tới, khi các sản phẩm và dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng được nâng cao thì mức độ chi tiêu của khách du lịch (cả quốc tế và nội địa) cũng dần dần được tăng lên. Dự kiến mức chi tiêu trung bình một ngày của một khách du lịch đến Lào Cai như sau:
| Năm 2019: | Khách quốc tế: | 2.700.000đ; | Khách nội địa: | 1.235.000đ |
Giai đoạn | 2021 - 2025: | Khách quốc tế: | 3.000.000đ; | Khách nội địa: | 1.500.000đ |
Giai đoạn | 2026 - 2030: | Khách quốc tế: | 3.500.000đ; | Khách nội địa: | 1.800.000đ |
Giai đoạn | 2031 - 2040: | Khách quốc tế: | 4.000.000đ; | Khách nội địa: | 2.200.000đ |
Giai đoạn | 2041 - 2050: | Khách quốc tế: | 4.500.000đ; | Khách nội địa: | 2.500.000đ |
Căn cứ vào số lượt khách, ngày lưu trú trung bình và mức chi tiêu của khách, tổng thu từ du lịch của tỉnh Lào Cai trong từng giai đoạn được tính toán ở bảng sau:
Bảng 4: Dự báo tổng thu từ du lịch của Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Kịch bản | Nguồn thu du lịch | 2019 (*) | 2025 | 2030 | 2040 | 2050 |
Kịch bản 1 | Thu từ khách du lịch quốc tế | 4.232,6 | 9.410 | 17.160 | 26.880 | 38.760 |
Thu từ khách du lịch nội địa | 14.970.4 | 33.450 | 46.800 | 64.400 | 89.100 | |
Tổng cộng | 19.203,0 | 42.860 | 63.960 | 91.280 | 127.860 | |
Kịch bản 2 | Thu từ khách du lịch quốc tế | 4.232,6 | 10.080 | 19.500 | 31.360 | 45.900 |
Thu từ khách du lịch nội địa | 14.970,4 | 34.680 | 49.140 | 70.000 | 95.700 | |
Tổng cộng | 19.203,0 | 44.760 | 68.640 | 101.360 | 141.600 | |
Kịch bản 3 | Thu từ khách du lịch quốc tế | 4.232,6 | 10.750 | 21.840 | 35.840 | 53.040 |
Thu từ khách du lịch nội địa | 14.970,4 | 35.900 | 51.480 | 72.800 | 99.000 | |
Tổng cộng | 19.203,0 | 46.650 | 73.320 | 108.640 | 152.040 |
Nguồn: - (*) Số liệu hiện trạng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai.
- Các số liệu còn lại: Dự báo của Viện Du lịch bền vững Việt Nam.
b) Về giá trị GRDP và nhu cầu vốn đầu tư du lịch
Căn cứ trên các số liệu dự báo về khách du lịch (quốc tế và nội địa) cũng như tổng thu từ du lịch của tỉnh Lào Cai, sau khi trừ chi phí trung gian (dịch vụ lưu trú: 10 - 15%; dịch vụ ăn uống: 60 - 65%; dịch vụ vận chuyển du lịch: 20 - 25%; bán hàng hóa lưu niệm: 65 - 70%; các dịch vụ khác: 15 - 20%; tính trung bình khoảng 30 - 35% tổng thu từ du lịch), khả năng đóng góp của ngành du lịch trong tổng GRDP của Lào Cai được trình bày ở bảng sau.
(Theo tỷ giá giá: 1USD = 25.000 đ)
Chỉ tiêu | Đơn vị tính | 2019 (*) | 2025 | 2030 | 2040 | 2050 |
1. Tổng giá trị GRDP ngành du lịch |
|
|
|
|
| |
Kịch bản 1 | Tỷ đồng VN | 13.500 | 29.000 | 42.000 | 58.500 | 79.000 |
Triệu USD | 540 | 1.160 | 1.680 | 2.340 | 3.160 | |
Kịch bản 2 | Tỷ đồng VN | 13.500 | 30.500 | 45.000 | 65.000 | 87.500 |
Triệu USD | 540 | 1.220 | 1.800 | 2.600 | 3.500 | |
Kịch bản 3 | Tỷ đồng VN | 13.500 | 31.500 | 48.500 | 69.500 | 94.500 |
Triệu USD | 540 | 1.260 | 1.940 | 2.780 | 3.780 | |
2. Tốc độ tăng trưởng GRDP du lịch |
|
|
|
|
| |
Kịch bản 1 | %/năm | - | 14,0 | 7,8 | 3,0 | 2,9 |
Kịch bản 2 | %/năm | - | 15,0 | 8,0 | 4,0 | 3,0 |
Kịch bản 3 | %/năm | - | 15,5 | 9,0 | 4,5 | 3,1 |
3. Hệ số ICOR du lịch |
| - | 3,0 | 2,6 | 2,0 | 2,0 |
4. Tổng nhu cầu đầu tư cho du lịch |
|
|
|
|
| |
Kịch bản 1 | Tỷ đồng VN | - | 46.500 | 33.750 | 33.000 | 41.000 |
Triệu USD | - | 1.860 | 1.350 | 1.320 | 1.640 | |
Kịch bản 2 | Tỷ đồng VN | - | 51.000 | 37.500 | 40.000 | 45.000 |
Triệu USD | - | 2.040 | 1.500 | 1.600 | 1.800 | |
Kich bản 3 | Tỷ đồng VN | - | 54.000 | 44.000 | 42.000 | 50.000 |
Triệu USD | - | 2.160 | 1.760 | 1.680 | 2.000 |
Nguồn - Dự báo của Viện Du lịch bền vững Việt Nam.
- (*) Số liệu hiện trạng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai.
Bảng 6: Dự kiến các nguồn vốn đầu tư cho du lịch Lào Cai giai đoạn đến năm 2030 (kịch bản 2)
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Số TT | Nguồn vốn | Thời kỳ đến 2025 | Thời kỳ 2026 - 2030 |
1. | Vốn từ ngân sách (đầu tư cho CSHT, bảo tồn, quảng bá, bảo vệ môi trường... 10%) | 5.100,0 | 3.750,0 |
2. | Vốn xã hội hóa (90%) | 45.900,0 | 33.750,0 |
2.1. | - Vốn tích lũy của các doanh nghiệp du lịch để tái đầu tư (10%) | 5.100,0 | 3.750,0 |
2.2. | - Vốn vay ngân hàng và các nguồn khác (10%) | 5.100,0 | 3.750,0 |
2.3. | - Vốn tư nhân (10%) | 5.100,0 | 3.750,0 |
2.4. | - Vốn liên doanh, liên kết (60%) | 30.600,0 | 22.500,0 |
Tổng cộng 100% | 51.000,0 | 37.500,0 |
Nguồn: Dự báo của Viện Du lịch bền vững Việt Nam.
Nhu cầu vốn đầu tư trong tùng thời kỳ được xác định dựa trên tổng giá trị GRDP đầu và cuối kỳ, và hệ số ICOR là chỉ số xác định hiệu quả của việc đầu tư. Đối với tỉnh Lào Cai, hệ thống kết cầu hạ tầng xã hội đã được đầu tư tương đối đồng bộ, cơ bản đáp ứng cho du lịch phát triển. Việc đầu tư cho du lịch giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo chủ yếu tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ du lịch, đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch, cho công tác bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường..., do vậy hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn (hệ số ICOR sẽ thấp).
Căn cứ vào các chỉ tiêu về đầu tư du lịch của cả nước và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, dự kiến hệ số ICOR đầu tư cho du lịch tỉnh Lào Cai là 3,0 cho thời kỳ đến năm 2025; là 2,5 cho thời kỳ 2026 - 2030; là 2,2 cho thời kỳ 2031 - 2040; và là 2,0 cho thời kỳ 2041 - 2050. Như vậy, nhu cầu về đầu tư cho du lịch Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 37.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD (theo phương án chọn). Việc huy động vốn, tạo ra nguồn vốn là rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước (cả Trung ương và địa phương) chủ yếu chỉ tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho việc bảo tồn nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường, cho công tác tuyên truyền quảng bá du lịch... Còn vốn đầu tư cho việc phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng khách sạn, nhà hàng, các khu du lịch, các khu vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ du lịch khác... thì phải huy động từ các nguồn xã hội hóa (vốn vay ngân hàng, vốn trong dân, vốn liên doanh liên kết...).
3.3. Cơ sở lưu trú du lịch
Để đảm bảo nhu cầu về cơ sở lưu trú cho khách du lịch đến Lào Cai từ nay đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo, việc dự báo và đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch là một yêu cầu rất quan trọng. Nhu cầu về cơ sở lưu trú du lịch được xác định dựa trên số lượng khách, số ngày lưu trú của khách, công suất sử dụng buồng trung bình, số khách lưu trú chung trong một buồng.
Căn cứ vào các chỉ tiêu dự báo về khách du lịch, ngày lưu trú trung bình..., dự báo về nhu cầu cơ sở lưu trú du lịch của Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030 được đưa ra ở bảng sau:
Bảng 7: Dự báo nhu cầu cơ sở lưu trú du lịch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030
Đơn vị tính: Buồng
Kịch bản | Nhu cầu cho đối tượng khách | 2019 (*) | 2025 | 2030 |
Kịch bản 1 | Nhu cầu cho khách du lịch quốc tế | - | 8.000 | 13.000 |
Nhu cầu cho khách du lịch nội địa | - | 10.100 | 14.000 | |
Tổng cộng | 16.000 | 18.100 | 27.000 | |
Kịch bản 2 | Nhu cầu cho khách du lịch quốc tế | - | 8.800 | 14.600 |
Nhu cầu cho khách du lịch nội địa | - | 11.200 | 15.400 | |
Tổng cộng | 16.000 | 20.000 | 30.000 | |
Kịch bản 3 | Nhu cầu cho khách du lịch quốc tế | - | 9.500 | 16.000 |
Nhu cầu cho khách du lịch nội địa | - | 12.300 | 17.000 | |
Tổng cộng | 16.000 | 21.800 | 33.000 | |
Công suất sử dụng buồng trung bình (%/năm) | - | 65,0 | 70,0 |
Nguồn: - (*) Số liệu hiện trạng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai.
- Các số liệu còn lại: Dự báo của Viện Du lịch bền vững Việt Nam.
3.4. Lao động ngành du lịch
Số lao động trực tiếp bình quân trên một buồng lưu trú hiện nay ở Lào Cai thấp hơn mức trung bình của cả nước. Năm 2019, chỉ tiêu này mới chỉ đạt xấp xỉ 9,1 lao động trực tiếp/buồng lưu trú (14.500 lao động trực tiếp/16.000 buồng lưu trú) thấp hơn trung bình cả nước là 1,5 lao động/buồng. Trong những năm tới, với định hướng phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch bổ sung, nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch..., nên số lượng lao động trực tiếp bình quân trên một buồng lưu trú có thể sẽ tăng lên. Căn cứ vào nhu cầu lao động tính bình quân trên một buồng lưu trú của cả nước và của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ là 1,5 - 1,7 lao động trực tiếp/buồng lưu trú, và mỗi lao động trực tiếp tương ứng với 2,0 lao động gián tiếp. Như vậy, căn cứ vào các chỉ tiêu trên, nhu cầu lao động cho toàn ngành du lịch Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030 được trình bày trên bảng sau.
Bảng 8: Dự báo nhu cầu lao động trong du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030
Đơn vị tính: Người
Kịch bản | Loại lao động | 2019 (*) | 2025 | 2030 |
Kịch bản 1 | Lao động trực tiếp trong du lịch | 14.500 | 18.100 | 32.400 |
Lao động gián tiếp ngoài xã hội | 17.500 | 21.600 | 38.900 | |
Tổng cộng | 32.000 | 39.700 | 71.300 | |
Kịch bản 2 | Lao động trực tiếp trong du lịch | 14.500 | 20.000 | 36.000 |
Lao động gián tiếp ngoài xã hội | 17.500 | 24.000 | 44.000 | |
Tổng cộng | 32.000 | 44.000 | 80.000 | |
Kịch bản 3 | Lao động trực tiếp trong du lịch | 14.500 | 21.800 | 39.600 |
Lao động gián tiếp ngoài xã hội | 17.500 | 26.200 | 47.500 | |
Tổng cộng | 32.000 | 48.000 | 87.100 | |
Tỷ lệ lao động trực tiếp bình quân/1 buồng lưu trú | 0,9 | 1,0 | 1,2 |
Nguồn: - (*) Ước tính số liệu hiện trạng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai
- Các số liệu còn lại: Dự báo của Viện Du lịch bền vững Việt Nam.
3.5. Các nhiệm vụ trọng tâm đối với hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
a) Đối với phát triển hệ thống hạ tầng du lịch với trọng tâm là hệ thống giao thông:
- Đầu tư phát triển hạ tầng Khu du lịch quốc gia Sa Pa
Phát triển hệ thống đường giao thông kết nối Khu du lịch Sa Pa với các địa phương trong tỉnh gồm: tuyến đường Sa Pa - Bát Xát - Thành phố Lào Cai; Sa Pa - Bảo Thắng - Văn Bàn; Sa Pa - Thành phố Lào Cai - Bắc Hà (nhiệm vụ Đề án số 4: Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025).
Nâng cấp hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống đường giao thông kết nối các phân khu du lịch (thuộc Khu du lịch quốc gia) với nhau: Đô thị du lịch Sa Pa kết nối với các phân khu du lịch Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn (Bản Khoang - Tả Giàng Phình cũ); Séo Mý Tỷ - Tả Van, Thanh Bình (Thanh Kim cũ); Mường Hum. Phân khu du lịch Tả Phìn kết nối với Ngũ Chỉ Sơn (Bản Khoang - Tả Giàng Phình cũ) - Mường Hum - Y Tý - Bản Qua và ngược lại.
Nâng cấp tuyến đường phát triển du lịch bền vững: Đường Trịnh Tường - Phìn Hồ - Y Tý (30km); Nút giao Phố Lu - Sa Pa (36km); Sa Pả - Sâu Chua - Hầu Thào (13,8km); Bắc Ngầm - Bắc Hà (25km); Ô Quý Hồ, Sa Pa - Y Tý (Dự án phát triển Đô thị và du lịch bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025, vốn vay Ngân hàng Thế giới WB).
Nâng cấp hệ thống đường giao thông trong 07 phân khu du lịch.
- Đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ phát triển du lịch: do Sở Giao thông vận tải - Xây dựng chủ trì đề xuất.
b) Đối với phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
- Nâng cấp hệ thống các khách sạn từ 3 sao trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn khách sạn xanh Asean.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án lớn: Công viên văn hóa Mường Hoa; Công viên văn hóa Sa Pa; Sân Golf Bát Xát; Khu quần thể du lịch, vui chơi giải trí ga đi Cáp treo; Dự án du lịch sinh thái Biển Mây Bát Xát,...
- Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lớn về vui chơi giải trí, trung tâm thương mại - dịch vụ, hệ thống nhà hàng ẩm thực, casino tại khu vực Đồi Con Gái; dự án du lịch cao cấp kết hợp sinh thái nông nghiệp, hệ thống resort đạt chuẩn quốc tế tại khu vực thung lũng Mường Hoa - Lao Chải - Hầu Thào; dự án nghỉ dưỡng tại khu vực Sâu Chua,...
- Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng viễn thông, điện, nước, dịch vụ tài chính phục vụ khách du lịch; cải thiện, nâng cấp dịch vụ vệ sinh môi trường. Xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn du lịch; xây dựng từ 07 - 10 nhà vệ sinh công cộng theo Tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng ASEAN tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa.
- Nâng cấp Nhà du lịch Sa Pa trở thành Nhà du lịch cấp vùng theo tư vấn của chuyên gia vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) để phục vụ khách du lịch có thu phí.
- Thu hút các dự án đầu tư lớn về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm tại: Tả Phìn, Bản Khoang - Tả Giàng Phình (xã Ngũ Chỉ Sơn mới), Tả Van - Séo Mý Tỷ, Thanh Kim (xã Thanh Bình mới), (thị xã Sa Pa); Mường Hum, Y Tý, Bản Qua (sân Golf), (huyện Bát Xát).
- Đầu tư xây dựng 04 Nhà du lịch vệ tinh thuộc Nhà du lịch cấp vùng tại 04 phân khu du lịch: Tả Van, Thanh Kim (xã Thanh Bình mới); Tả Phìn (thị xã Sa Pa); Mường Hum (huyện Bát Xát)./.
- 1Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2022 thực hiện “Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030” giai đoạn 2022-2025
- 2Kế hoạch 3250/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 3Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2022 về phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022-2025
- 1Luật di sản văn hóa 2001
- 2Quyết định 91/2008/QĐ-BVHTTDL phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành
- 3Công ước về Luật biển năm 1982
- 4Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 5Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi
- 6Quyết định 201/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị quyết 92/NQ-CP năm 2014 về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 18/2015/NĐ-CP Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
- 9Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á – Âu và các quốc gia thành viên
- 10Nghị quyết 39/NQ-HĐND năm 2015 về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 11Quyết định 455/QĐ-BGTVT năm 2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Lào Cai giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 12Quyết định 2714/QĐ-BVHTTDL năm 2016 phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 13Luật Quy hoạch 2017
- 14Luật Du lịch 2017
- 15Quyết định 1845/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 17Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch
- 18Quyết định 236/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 19Thông báo 50/2018/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership)
- 20Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 21Quyết định 147/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 22Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025
- 23Kế hoạch 254/KH-UBND năm 2020 về phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 24Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 25Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL năm 2021 triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 26Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2022 thực hiện “Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030” giai đoạn 2022-2025
- 27Kế hoạch 3250/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 28Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2022 về phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022-2025
Quyết định 2626/QĐ-UBND năm 2022 về Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Số hiệu: 2626/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/11/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Người ký: Trịnh Xuân Trường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/11/2022
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết