Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 07 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH KHU VỰC TAM GIÁC PHÁT TRIỂN CAMPUCHIA - LÀO - VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Quyết định số 937/QĐ-BVHTTDL ngày 21/4/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 - 2025 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát huy lợi thế của Khu vực Tam giác phát triển du lịch Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), khai thác hợp lý và hiệu quả các tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm; du lịch dựa vào cộng đồng, di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh với phương châm phát triển du lịch “ba quốc gia, một điểm đến” trên cơ sở đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng khu vực biên giới, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Khu vực.

- Kết nối, hình thành các tour du lịch kết nối các địa phương, các khu du lịch có tầm cỡ quốc gia, khu vực, tạo dựng thương hiệu cho du lịch của Tam giác phát triển du lịch, thu hút nhiều hơn nữa các thị trường khách trong và ngoài nước gắn với công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển CLV giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 937/QĐ-BVHTTDL ngày 21/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển CLV tiếp đón khách du lịch, cơ sở vật chất, các địa điểm tham quan du lịch, hình thành các tuyến điểm du lịch để thu hút khách du lịch.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

1. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại các trung tâm du lịch, kết nối tới các thị trường nguồn và các điểm du lịch

- Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đến các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk, Krông Ana, Krông Bông, Cư M’gar, Ea H’leo.

- Đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ của tỉnh nhằm kết nối tới các thị trường nguồn và các điểm du lịch trong Khu vực Tam giác phát triển CLV:

Tuyến du lịch theo đường Đông Trường Sơn đi qua khu vực M’Drắk và khu vực Krông Bông kết nối với Đà Lạt (Lâm Đồng) và Phú Yên;

Tuyến du lịch theo quốc lộ 14, 14C và tuyến đường Buôn Ma Thuột - Ea Súp kết nối với quốc lộ 29 ra cửa khẩu Đắk Ruê, kết hợp với cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai - Campuchia), Bờ Y (Kon Tum - Lào), Bu Prăng (Đắk Nông - Campuchia) tạo hướng du lịch đi Đà Lạt - Nha Trang - Phú Yên - Buôn Ma Thuột - Buôn Đôn - Ea Súp - Siêm Riệp - Phnômpênh.

- Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung.

2. Chính sách mở, nâng cấp các cửa khẩu trong khu vực

- Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hoàn thiện các bước cần thiết khác theo quy định nhằm sớm khai thông cửa khẩu Đắk Ruê (Việt Nam) - Chi Miết (Campuchia) nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới nói chung và phát triển du lịch nói riêng trong thời gian tới; đồng thời, đề nghị xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới của tỉnh đến năm 2025.

- Việc mở, khai thông cửa khẩu Đắk Ruê (Việt Nam) - Chi Miết (Campuchia) sẽ tạo thuận lợi cho việc kết nối với tuyến Đông Bắc - Campuchia, từ đó tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác, giao thương, phát triển du lịch với các địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển CLV.

3. Thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tại các trung tâm du lịch; hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển hệ thống homestay

a) Thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tại các trung tâm du lịch

- Đầu tư trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Di tích lịch sử quốc gia: Đình Lạc giao, Số 04 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại), Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965 - 1975; Di tích cấp tỉnh: Sở Chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 với mục tiêu bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc của di tích; đồng thời, khai thác, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù phục vụ hoạt động du lịch gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa.

- Đầu tư chỉnh trang khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk (Bảo tàng hạng I Quốc gia), tổ chức trưng bày quá trình phát triển của tỉnh và phát huy Nhà dài truyền thống Êđê được xây dựng góp phần nâng cao giá trị tinh thần của người dân trong khu vực. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các nhà sưu tập đầu tư xây dựng các bảo tàng tư nhân.

- Tiến hành các thủ tục và đầu tư xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại thành phố Buôn Ma Thuột.

- Đầu tư đập tràn tại Buôn Trí, huyện Buôn Đôn để ngăn giữ nước và tạo cảnh quan, môi trường tại khu vực.

- Ban hành cơ chế chính sách để đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch lễ hội, du lịch golf, thương mại, dịch vụ mua sắm, hàng lưu niệm, đặc sản, ẩm thực Đắk Lắk - Tây Nguyên; du lịch thể thao, chăm sóc sức khỏe, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm (tuyến phố đi bộ, chợ đêm và các dịch vụ) tại thành phố Buôn Ma Thuột và các trung tâm du lịch của tỉnh.

b) Hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển hệ thống homestay

- Hoàn thành việc triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển Khu vực biên giới - Tiểu dự án tỉnh Đắk Lắk hạng mục hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay cho các buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông tại 03 buôn: Buôn Yang Lành, huyện Buôn Đôn; buôn Ja, huyện Krông Bông; buôn Tring, thị xã Buôn Hồ.

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025: lựa chọn 05 thôn, buôn trên địa bàn tỉnh đáp ứng các điều kiện để ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay, trong đó năm 2022 đã thực hiện hỗ trợ tại Buôn Akõ Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột.

- Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030): Hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay cho 05 buôn đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều dân tộc khác nhau tại các địa phương trong tỉnh (lưu ý chọn buôn đồng bào có vị trí thuận lợi, điều kiện cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, giao thông, gắn với các điểm du lịch khác để hình thành tour, tuyến du lịch).

- Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm: Tập trung đầu tư mô hình OCOP du lịch về làng nghề và cộng đồng tại huyện Lắk và huyện Cư M’gar.

4. Tổ chức khảo sát, phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ; thu hút

đầu tư nước ngoài và trong nước phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch

- Tổ chức khảo sát, phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, chú trọng tập trung bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và chất lượng phục vụ tại các khu, điểm du lịch đang hoạt động trên địa bàn các huyện: Buôn Đôn, Lắk, Krông Ana, Cư M’gar và thành phố Buôn Ma Thuột.

- Ưu tiên đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, đặc thù, trải nghiệm khác biệt, có chất lượng cho khách du lịch, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong đó, phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế riêng của du lịch Đắk Lắk như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch golf, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng, tâm linh, lễ hội.

- Kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển, mở rộng các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, mạo hiểm dọc sông Sêrêpôk, tại thác hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Nhái, hồ Ea Cuôr Kăp, thác Thủy Tiên, thác Bìm Bịp, Vườn quốc gia Yok Don, Vườn quốc gia Cư Yang Sin, Rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường Hồ Lăk, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô,...

5. Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch

- Khảo sát, đánh giá nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025.

- Xây dựng, triển khai Chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước, nhân lực quản trị doanh nghiệp du lịch và lực lượng lao động nghề du lịch, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ (chú trọng đào tạo ngôn ngữ của một số thị trường khách chủ đạo của khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và của các nước trong khu vực...) cho đội ngũ nhân viên lao động trực tiếp hiện đang làm trong các lĩnh vực du lịch từ các bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch (quản lý, buồng, bàn, bar, lễ tân...), đến các hoạt động khác như lữ hành (thiết kế, điều hành tour, sale & marketing, hướng dẫn viên, thuyết minh viên...).

- Có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực về quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, cấp huyện. Hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các nghệ nhân, cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa phục vụ du lịch nhằm góp phần quảng bá điểm đến, nâng cao hình ảnh du lịch, con người Đắk Lắk.

- Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho các bên liên quan là đầu mối tiếp xúc với khách du lịch như hải quan, biên phòng, lực lượng xuất nhập cảnh (Công an xuất nhập cảnh), lái xe, người bán hàng ở các điểm mua sắm, ở điểm dừng chân...; bồi dưỡng kiến thức về tâm lý khách du lịch; đào tạo kỹ năng giao tiếp với khách du lịch và kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong quá trình tiếp xúc với khách du lịch.

- Tham gia tổ chức hỗ trợ hợp tác, liên kết các cơ sở đào tạo du lịch giữa các nước trong khu vực và giữa các cơ sở đào tạo du lịch với các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

6. Tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch các tỉnh Khu vực Tam giác phát triển CLV

- Thu thập, biên tập và xuất bản các ấn phẩm quảng bá du lịch Đắk Lắk như: Cẩm nang du lịch Đắk Lắk; tài liệu thuyết minh về du lịch; tờ gấp các khu, điểm du lịch, bản đồ du lịch. Sản xuất video clip, ảnh đẹp du lịch được lựa chọn trong các cuộc thi; Slogan du lịch Đắk Lắk, bản đồ du lịch dựa trên ứng dụng Công nghệ thực tế ảo (VR) tương tác 3D/360° giới thiệu các di tích lịch sử, các di sản văn hóa, điểm đến du lịch.

- Tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch quốc tế quy mô lớn, có uy tín theo chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và các tỉnh thành phố liên kết du lịch với Đắk Lắk.

- Phối hợp xây dựng các video clip hoặc chương trình dài kỳ giới thiệu về tiềm năng, sản phẩm du lịch của Khu vực Tam giác phát triển để phát trên truyền hình quốc gia các nước CLV.

- Xây dựng các quầy thông tin du lịch để ấn phẩm quảng bá du lịch tại sân bay, cửa khẩu quốc tế, các công ty và khách sạn lớn theo dọc đường bộ, hàng không để cung cấp cho du khách du lịch miễn phí.

- Tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên địa bàn tỉnh khảo sát và xây dựng chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour du lịch với các địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển CLV và tổ chức mời các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, các đoàn báo chí của Campuchia và Lào đến khảo sát, du lịch tại tỉnh Đắk Lắk để kết nối thu hút khách du lịch.

7. Hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị trải nghiệm cao; hình thành đủ tiện nghi, dịch vụ đáp ứng trải nghiệm du lịch

- Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, đặc thù, trải nghiệm khác biệt, có chất lượng cho khách du lịch, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong đó, phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế riêng của du lịch Đắk Lắk như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng, tâm linh, lễ hội.

- Hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, nông trại trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phát huy thế mạnh của các món ẩm thực và quà tặng đã được xác lập tại Top 100 kỷ lục Việt Nam, đồng thời phát triển các sản phẩm OCOP du lịch và làng nghề, ẩm thực, đặc sản địa phương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu và là đặc sản, thương hiệu của tỉnh, của huyện. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Phát triển làng nghề, nghề truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, nghề làm gốm, nghề đan lát mây tre, tạc tượng gỗ dân gian, nghề sản xuất rượu cần, rượu men lá… để hỗ trợ sinh kế của người dân và trở thành sản phẩm đặc trưng, phục vụ phát triển du lịch.

- Tập trung phát triển mô hình du lịch thân thiện với voi tại Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng; Vườn quốc gia Yok Don; các điểm du lịch trên địa bàn huyện Buôn Đôn và Lắk.

- Xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên đề: các tour du lịch cà phê, cao cao, văn hóa cồng chiêng (trong đó có thưởng thức tác phẩm ca kịch “Trường ca Dam Săn”), du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến và thưởng thức các loại cây đặc hữu của tỉnh; tour trải nghiệm cách chế tác quà tặng lưu niệm làm từ cây cà phê và các sản phẩm khác.

- Phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm phù hợp với địa hình Đắk Lắk như: chèo thuyền Kayak vượt thác ghềnh (đoạn sông Sêrêpôk từ thác Bảy nhánh đến Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn), đi xe đạp, mô tô địa hình trong rừng, leo núi, cắm trại trong Vườn quốc gia Yok Don.

8. Ứng dụng khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường

a) Ứng dụng khoa học, công nghệ

- Tập trung chuyển đổi số theo Nghị quyết số 04/NQ/TU ngày 02/4/2021 của Tỉnh ủy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, nhất là trong quảng bá, kêu gọi đầu tư; rà soát, thống kê, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; kết nối, hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số.

- Ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch, giảm thanh toán bằng tiền mặt; hướng dẫn và khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh.

- Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao. Tập trung phát triển số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, tăng cường tính kết nối trong chuỗi giá trị du lịch. Thúc đẩy phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, du lịch cộng đồng.

b) Bảo vệ môi trường

Tham gia Chương trình hợp tác các địa phương trong khu vực CLV về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hình thành hệ thống quan trắc cảnh báo thiên tai, chia sẻ thông tin để phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai bão lụt, hỗ trợ khắc phục các thảm họa.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch sử dụng trong dự toán chi thường xuyên theo định mức được bố trí hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt để triển khai thực hiện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Hàng năm chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ được phân công thực hiện tại Kế hoạch này đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

- Lồng ghép tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến; huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp trong nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức kinh tế, các cộng đồng dân cư và các cá nhân tham gia công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hàng năm.

- Tăng cường kết nối, phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các quốc gia trong khu vực CLV để tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong khu vực và quốc tế đạt hiệu quả cao.

- Tăng cường công tác quản lý, phân cấp quản lý và chỉ đạo việc thực hiện chương trình xúc tiến du lịch đã được UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, thu hút khách du lịch đến với tỉnh nhà.

- Theo dõi, tổ chức thực hiện và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo Kế hoạch; phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu khen thưởng và tổ chức khen thưởng công khai cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động khác có thành tích đóng góp tích cực trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh nhà.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch; lồng ghép thực hiện các nội dung quảng bá, xúc tiến đầu tư các dự án lĩnh vực du lịch Khu vực Tam giác phát triển tại các diễn đàn kinh tế, các chương trình, hội nghị và tài liệu xúc tiến đầu tư của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai chương trình, chính sách hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, thu hút khách du lịch đến với tỉnh nhà.

3. Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh thẩm định, bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn việc quản lý sử dụng kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hiện hành.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá về những tiềm năng, thế mạnh, sự phát triển trong Khu vực Tam giác phát triển; lồng ghép đưa nội dung tuyên truyền về phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 - 2025 vào các Chương trình, Kế hoạch phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Khu vực Tam giác phát triển dưới các hình thức như tài liệu tuyên truyền, phóng sự, video clip, chương trình phát thanh…

5. Sở Giao thông vận tải chủ trì, đề xuất đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ du lịch trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý phương tiện vận tải hành khách, bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khách du lịch.

6. Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch có yếu tố nước ngoài; hướng dẫn thủ tục đoàn vào/đoàn ra, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về du lịch tại tỉnh và hỗ trợ các đoàn công tác tham gia hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại nước ngoài; đồng thời, lồng ghép cung cấp các thông tin quảng bá về du lịch của Khu vực Tam giác phát triển trong các hoạt động ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế, hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại tại các thị trường trọng điểm, thị trường du lịch tiềm năng ở các khu vực Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan), châu Âu, các nước khu vực ASEAN.

7. Sở Công Thương

- Phối hợp xây dựng và thực hiện dự án thành phần về phát triển Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với sản xuất đồ lưu niệm phục vụ du lịch; tham mưu phát triển kinh tế thương mại tại khu vực cửa khẩu Đắk Ruê.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, triển lãm thương mại, diễn đàn kinh tế trong khu vực và quốc tế.

8. Sở Xây dựng

- Tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn, công tác lập, thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng, các dự án liên quan đến du lịch; tham gia phối hợp giới thiệu địa điểm phù hợp với quy hoạch xây dựng dự án phát triển du lịch,… tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện công tác lập quy hoạch và triển khai dự án đầu tư về du lịch.

- Phối hợp, hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc quản lý quy hoạch, xây dựng các biển quảng cáo du lịch tấm lớn, các công trình phục vụ tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh, địa phương để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk và Khu vực Tam giác phát triển CLV đến với khách du lịch.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các huyện, thành phố hỗ trợ, tư vấn các địa phương lựa chọn và phát triển sản phẩm độc đáo, mang nét đặc trưng để tham gia thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các tour du lịch, điểm du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng.

- Vận động các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP tham gia các sự kiện cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: các hội chợ, hội thảo và các sự kiện khác do Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức.

10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức thực hiện thủ tục biên phòng và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của người, phương tiện tại cửa khẩu; phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới; đảm bảo an ninh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; thực hiện công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng.

11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia thẩm định các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

12. Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, nhà đầu tư được tham quan du lịch, tìm hiểu đầu tư, đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực biên giới theo đúng quy định.

13. Cục Hải quan tỉnh tổ chức thực hiện thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định của Luật Hải quan và các quy định pháp luật khác có liên quan tại các cửa khẩu và Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (khi cửa khẩu Đắk Ruê được khai thông và sân bay Buôn Ma Thuột nâng cấp lên Sân bay Quốc tế). Phối hợp tham mưu tạo thuận lợi cho đầu tư, thương mại và du lịch trên địa bàn và khu vực.

14. Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk, Báo Đắk Lắk

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân, nhất là ở cấp cơ sở về du lịch Khu vực Tam giác phát triển CLV.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tuyên truyền xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh, thương hiệu du lịch Đắk Lắk và Khu vực Tam giác phát triển CLV.

- Phối hợp với các cơ quan Báo chí ở Trung ương để tuyên truyền, vận động thu hút đầu tư và quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh.

- Chủ trì xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin bài giới thiệu về hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch và các điểm đến du lịch hấp dẫn của Khu vực Tam giác phát triển CLV trên các ấn phẩm báo chí.

15. Trung tâm Công nghệ và Cổng thông tin điện tử tỉnh đăng tải bài viết tuyên truyền các hoạt động, sự kiện văn hóa - du lịch của Khu vực Tam giác phát triển CLV; giới thiệu cung cấp thông tin về du lịch trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.

16. Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk

- Tích cực tham gia và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh để giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp, các sản phẩm du lịch Khu vực Tam giác phát triển CLV đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

- Phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh liên kết, hợp tác, hỗ trợ về chuyên môn kinh tế, kỹ thuật trong kinh doanh, dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước của hội viên,…

17. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

- Hỗ trợ phụ nữ các địa phương trong tỉnh trong việc bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

- Phối hợp với Hội Phụ nữ các nước trong khu vực triển khai trong việc bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

18. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Đắk Lắk và Khu vực Tam giác phát triển CLV đến du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Chủ động tham gia quy hoạch, xây dựng các khu, điểm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa, các điểm du lịch của địa phương. Hàng năm lập kế hoạch, bố trí kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương.

- Tạo điều kiện phát triển các nghề, sản phẩm thủ công truyền thống cung cấp cho thị trường các hàng hóa lưu niệm của địa phương đảm bảo chất lượng, đáp ứng thị hiếu của du khách.

19. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh

- Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk tham gia khảo sát và xây dựng chương trình liên kết, hợp tác, kết

nối tour du lịch với các địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển CLV; tiếp đón, kết nối với các đoàn khảo sát đến từ các quốc gia trong Khu vực Tam giác phát triển CLV.

- Phối hợp tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu hình ảnh, các sản phẩm du lịch Đắk Lắk và Khu vực Tam giác phát triển CLV đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

- Chủ động xây dựng thương hiệu, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quảng bá, giới thiệu các dịch vụ đến các thị trường khách du lịch trọng điểm và tiềm năng.

Trên đây là Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ VHTTDL (b/c);
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- BCH Quân sự tỉnh;
- Công an tỉnh; Hội LHPN tỉnh;
- Cục Hải quan tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk;
- Báo Đắk Lắk, Đài PT&TH tỉnh;
- TT Công nghệ và Cổng TTĐT tỉnh;
- Các DN du lịch trên địa bàn tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (HTN-30b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




H’Yim Kđoh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2022 về phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 196/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 07/10/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký:
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản