Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2590/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 15 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Thuỷ sản số 18/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Căn cứ Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp &PTNT hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loại ngoại lai xâm hại;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 1737/SNN&PTNT-KHTC ngày 01/10/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Điều 2 . Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công an; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 2590/QĐ-UBND ngày 15/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Bảo vệ, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên nhằm duy trì, phát triển đa dạng sinh học của tài nguyên thủy sinh vật và phát triển bền vững kinh tế thủy sản của tỉnh, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản và đa dạng sinh học.

- Kiểm soát chặt chẽ, xử lý các đối tượng vi phạm các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục cấm; những loài thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Xác định vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh; từng bước đưa quản lý nghề cá phù hợp với Luật Thủy sản.

2. Yêu cầu

- Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cấp, các ngành và người dân trong triển khai thực hiện chương trình.

- Khuyến khích xã hội hóa các chương trình trong bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Thông tin, tuyên truyền, tập huấn

- Phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quy định trong hoạt động thủy sản, như: Luật Thủy sản năm 2017; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và các văn bản pháp luật liên quan khác.

- Đối tượng: Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; các tăng ni, phật tử; trong đó tập trung tuyên truyền đối với các đối tượng: Tổ chức, cá nhân được giao quản lý hồ, đầm; cán bộ xã, dân quân tự vệ, trưởng các khu dân cư; người dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên đặc biệt là những người dân có hành vi khai thác thủy sản trái phép bằng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư lưới cụ bị cấm.

- Hình thức: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, panô...

- Số lượng: Mỗi năm thực hiện: 1-2 chuyên mục, phóng sự; in 3.000 tờ rơi, tờ gấp và tổ chức hội nghị huấn trên địa bàn các huyện, thành phố mỗi năm dự kiến 6 lớp, 30 lớp/5 năm ( 50 đại biểu/lớp).

2. Điều tra hiện trạng nguồn lợi thủy sản, ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản, sinh vật ngoại lai, sự ảnh hưởng đến môi trường nước và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

- Nội dung: Điều tra thu thập số liệu về nguồn lợi thủy sản: Xác định và đánh giá hiện trạng các bãi đẻ trứng, nơi cư trú, đường di cư, phân bố của các loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế cần phải bảo tồn như: Cá Anh vũ, cá Chiên, cá Lăng, cá Ngạnh, Mòi Cờ, cá Chày … trữ lượng các loài, trữ lượng khai thác, đề xuất công tác quản lý, khu vực cấm khai thác …; thu thập về số liệu về ngư cụ sử dụng trong khai thác nguồn lợi thủy sản, đề xuất quy định nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; Điều tra thu thập số liệu về thủy sinh vật ngoại lai xâm hại (trữ lượng, phân bố, mức độ xâm lấn, gây nguy hại…), đề xuất biện pháp xử lý.

- Hình thức: Điều tra thông qua phiếu điều tra in sẵn, thu thập thông tin bằng cách phỏng vấn trực tiếp; số lượng: 01 cuộc điều tra với 96 phiếu tập thể và 825 phiếu cá nhân (Thực hiện năm 2021)

- Đối tượng: Đối với tập thể: UBND các xã, phường, thị trấn có liên quan đến phát triển sinh sản của các loài thủy sản đặc hữu, địa bàn có diện tích sông, hồ, đầm, diện tích nuôi trồng, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; đối với cá nhân: Các hộ tham gia hoạt động thủy sản và người dân trên địa bàn tỉnh (ưu tiên vùng trọng điểm về khai thác, kinh doanh thủy sản, địa bàn có lưu vực sông, hồ, đầm lớn).

3. Thực hiện thanh, kiểm tra công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các thủy vực như sông, ngòi, đầm, hồ, vùng ngập nước, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm theo quy định tại Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp & PTNT; tại các điểm thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh), chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã tổ chức thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo quy định.

- Số đợt thanh, kiểm tra: Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất và theo kế hoạch được duyệt hàng năm.

4. Thả bổ sung tái tạo, phục hồi phát triển nguồn lợi thủy sản

- Nội dung: Hàng năm tổ chức thả bổ sung các giống loài thủy sản vào thủy vực tự nhiên như sông, hồ, đầm để khôi phục khả năng tự tái tạo, lấy lại sự cân bằng sinh thái, ổn định quần xã thủy sinh vật ở các thủy vực trên địa bàn tỉnh.

- Đối tượng thả: Các loài cá truyền thống: Trắm cỏ, Mè, Trôi, Chép…; một số loài cá có giá trị kinh tế, loài đặc hữu của địa phương như: Cá Chày, cá Lăng, cá Trắm đen, . .

- Cơ cấu giống thả: Bố trí cơ cấu giống hợp lý theo chuỗi thức ăn và các tầng nước để đảm bảo khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên.

- Kích cỡ giống thả: Đối với Trắm cỏ, Trắm đen, cá Lăng: 10 - 12 cm; các giống loài còn lại: 5 - 12 cm.

- Số lượng dự kiến: Hàng năm thả bổ sung, tái tạo giống thủy sản khoảng từ 3.000 - 5.000 kg/năm, từ các nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa.

- Địa điểm thả giống: Tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh như sông, đầm, hồ trên địa bàn tỉnh. Trước khi thả bổ sung nguồn lợi thủy sản thực hiện khảo sát, lựa chọn địa điểm thả phù hợp đảm bảo cá sinh trưởng, phát triển tốt.

5. Đơn vị thực hiện

- Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan và các phòng, ban chuyên môn của cấp huyện, cấp xã thực hiện.

- Chi cục Thủy sản chủ trì khảo sát, lựa chọn địa điểm thả đáp ứng yêu cầu và tổ chức thả nguồn lợi thành phần tham gia: đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT, Hội Phật giáo, Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp & PTNT ( kinh tế), UBND cấp xã sở tại và hộ dân tham gia.

- Vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quanh hồ đầm, kinh doanh mặt nước, các cơ sở sản xuất giống thủy sản,…tham gia thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi.

III. THỜI GIAN, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Thời gian    

Thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

2. Tiến độ thực hiện

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm.

- Thực hiện thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý các hoạt động khai thác thủy sản trái phép theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh: Từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm.

- Thả bổ sung giống thủy sản vào các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh: Từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm.

- Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin phục vụ quản lý, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Năm 2021; Báo cáo công bố kết quả điều tra sau khi kết thúc cuộc điều tra theo kế hoạch.

- Báo cáo kết quả 6 tháng: Trước 20 tháng 6; báo cáo năm: Trước ngày 20 tháng 12 hàng năm.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền

- Tăng cường quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh (Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH tỉnh, Cổng giao tiếp thông tin điện tử tỉnh, Website ngành Nông nghiệp & PTNT, ...) và thông qua hệ thống tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể chính trị xã hội.

- Thông tin, tuyên truyền, phổ biến về nội dung kế hoạch, mục đích, ý nghĩa của chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý có hiệu quả trong khai thác các loài thủy sản quy hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng và người dân trong thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện kế hoạch

- Đối với đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn, quản lý cấp tỉnh: Mời các chuyên gia từ các Vụ Thanh tra pháp chế, Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp & PTNT.

- Công tác tập huấn cho cán bộ phụ trách nông nghiệp, thủy sản cấp huyện huyện và cấp xã về quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương quản lý.

3. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất và giám sát để chủ động phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Khai thác thủy sản trái phép, sử dụng các phương tiện cấm như: Vó, lưới mắt nhỏ không đúng quy định, kích điện, thuốc nổ,...trong đánh bắt, khai thác thủy sản đặc biệt là hình thức khai thác bằng kích điện tập trung vào thời điểm mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.

- Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực khai thác, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản của cấp ủy, chính quyền cơ sở theo quy định của Luật thủy sản năm 2017.

- Xử phạt các hành vi vi phạm của tổ chức cá nhân thực hiện theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

4. Tăng cường và duy trì hoạt động thả cá bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm

- Thực hiện thả các loài thủy sản xuống các sông, hồ bằng các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, vận động, đóng góp… để tái tạo nguồn lợi thủy sản tạo ra hệ thủy sinh đa dạng, phong phú.

- Nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản được cải thiện, sản lượng thủy sản khai thác tăng và dần được ổn định hơn góp phần phát triển kinh tế xã hội.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Khái toán kinh phí ngân sách tỉnh: 2.365.000.000 đồng ( Hai tỷ ba trăm sáu mươi lăm triệu đồng) .

- Phân kỳ giai đoạn thực hiện:

+ Năm 2021: 645.000.000 đ

+ Năm 2022: 430.000.000 đ

+ Năm 2023: 430.000.000 đ

+ Năm 2024: 430.000.000 đ

+ Năm 2025: 430.000.000 đ

- Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh (từ nguồn sự nghiệp kinh tế bố trí hàng năm).

(chi tiết có phụ lục số 01,02 kèm theo).

2. Dự kiến nguồn kinh phí khác thực hiện Kế hoạch từ cấp huyện, xã và nguồn xã hội hóa trên địa bàn (450 triệu/9 huyện/năm x 5 năm) : 2.250.000.0000 đồng (Hai tỷ hai trăm năm mươi triệu đồng chẵn)

Để thực hiện các nội dung như:

+ Tuyên truyền về bảo vệ và phát triển nguồn lợi cho người dân trên địa bàn.

+ Rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân có sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

+ Thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các hoạt động khai thác thủy sản trái phép theo quy định của pháp luật, vi phạm các quy định về quản lý sinh vật ngoại lai.

+ Thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản ra các thủy vực trên địa bàn tỉnh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp & PTNT

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố địa phương có liên quan tổ chức triển khai; phân công, đôn đốc, chỉ đạo, giao Chi cục Thuỷ sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả. Kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản:

+ Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025 gửi Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

+ Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán chi tiết báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT thẩm định phê duyệt để triển khai thực hiện theo quy định.

+ Phối hợp với các Công ty TNHH MTV thủy lợi của tỉnh có quản lý, khai thác diện tích mặt nước các hồ, đầm,... và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch xung quanh khu vực các hồ, đầm trên địa bàn thống nhất nội dung triển khai thực hiện việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các hồ, đầm.

+ Tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT theo quy định.

2. Công an tỉnh

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT, các cơ quan có liên quan thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

- Chỉ đạo lực lượng công an các cấp rà soát các tổ chức, cá nhân đánh bắt thủy sản bằng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư lưới cụ bị cấm; đăng đó trên đường thủy nội địa; tuyên truyền vận động ký cam kết không tái diễn nếu vi phạm xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

- Cử cán bộ phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT (Chi cục Thủy sản) thực hiện, kiểm tra; kiểm soát và xử lý các hoạt động khai thác thủy sản trái phép theo quy định.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo quy định Luật ngân sách Nhà nước, hàng năm bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch và hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh & TH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc:

 Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tuyên truyền Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 để đông đảo người dân biết và thực hiện. Phối hợp với Chi cục Thủy sản xây dựng chuyên đề , chuyên mục , viết bài …tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân chấp hành pháp luật và chung tay bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thông tin, tuyên truyền nội dung Kế hoạch, các quy định về sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, vận động các hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

6. Hội Phật giáo tỉnh

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động tăng ni, phật tử tham gia thả giống phóng sinh, bảo vệ các loài thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản.

- Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực thủy sản ở địa phương (Chi cục Thủy sản), tổ chức thả phóng sinh các loài thủy sản.

7. UBND các huyện, thành phố

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, các sở, ban, ngành liên quan thực hiện nội dung kế hoạch của UBND tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương và bố trí kinh phí thực hiện hàng năm.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:

+ Tăng cường tuyên truyền về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

+ Tập trung rà soát các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng xung điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ cấm để tuyên truyền vận động, cam kết không sử dụng. Thành lập các đoàn thanh, kiểm tra xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

- Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp & PTNT theo quy định.

8. Các Công ty TNHH MTV thủy lợi và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan về lĩnh vực thủy sản

Các Công ty TNHH MTV thủy lợi đang quản lý các hồ, đập có trách nhiệm quản lý, khai thác đánh giá nguồn lợi thủy sản, báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp & PTNT. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quanh hồ, đầm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực đó và tham gia thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi

9. UBND cấp xã

- Phối hợp với các cơ quan cấp trên triển khai kế hoạch đảm bảo hiệu quả.

- Chỉ đạo công an xã rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng xung điện, chất độc, ngư cụ cấm; lập danh sách, tuyên truyền vận động, cam kết không sử dụng. Thành lập các đoàn thanh, kiểm tra, xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, không để tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện xảy ra trên địa bàn quản lý.

- Báo cáo kết quả thực hiện về UBND cấp huyện tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp & PTNT theo định kỳ quy định.

Trên đây là Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố; UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc các cơ quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp, báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh để giải quyết./.