Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2578/QĐ/1998/GTVT-CGĐ

Hà nội, ngày 14 tháng 10 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH NỘI DUNG, DANH MỤC HỒ SƠ HOÀN CÔNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG CẦU, ĐƯỜNG BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

- Căn cứ NĐ số 22/CP ngày 22/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu bộ máy tổ chức Bộ GTVT;

- Căn cứ NĐ 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;

- Căn cứ Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành theo QĐ số 498/BXD-GĐ ngày 18/9/1996 của Bộ Xây dựng;

- Căn cứ chỉ thị số 193/1998/TT-BGTVT ngày 4/7/1998 của Bộ GTVT về ngôn ngữ sử dụng trong các dự án và việc lập hồ sơ hoàn công công trình;

- Xét đề nghị của ông Cục trưởng Cục GĐ & QLCL CTGT, sau khi đã xem xét, sửa đổi bản dự thảo của Cục đường bộ Việt Nam về nội dung, danh mục hồ sơ hoàn công công trình cầu và đường bộ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này nội dung, hướng dẫn và các danh mục của hồ sơ hoàn công công trình cầu, đường bộ.

Các công trình: Cảng, cầu cảng, kè sông biển, hầm đường bộ có thể căn cứ các nội dung trên vận dụng vào lập hồ sơ hoàn công.

Điều 2: Ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ hoàn công:

2.1/ Các dự án trong nước: Tiếng Việt.

2.2/ Các dự án sử dụng vốn nước ngoài:

a/ Các văn bản, báo cáo, văn kiện, hợp đồng, dự toán: Tuân theo quy định tại khoản (I-1) của chỉ thị số 193/1998/TT-BGTVT: Dùng 2 ngôn ngữ: Ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ nước ngoài theo thoả thuận.

b/ Bản vẽ: Dùng bản vẽ có ngôn ngữ theo thoả thuận của Hiệp định.

Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục GĐ & QLCL CTGT, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng Giám đốc, Giám đốc các Ban QLDA CTGT, Tổng Giám đốc và Giám đốc các Công ty xây dựng và tư vấn xây dựng tham gia xây dựng công trình giao thông căn cứ quyết định thi hành. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký, bãi bỏ các văn bản hướng dẫn về hồ sơ hoàn công công trình cầu, đường bộ mà ngành GTVT ban hành trước quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- Các Sở GTVT, GTCC
- Lưu VP,CGĐ

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Phạm Quang Tuyến

 

NỘI DUNG, DANH MỤC VÀ MỘT SỐ HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ HOÀN CÔNG

CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG CẦU, ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành theo QĐ số 2578/1998/QĐ-GTVT-CGĐ ngày 14 tháng 10 năm 1998)

I/ Yêu cầu chung của hồ sơ hoàn công:

Hồ sơ hoàn công là tài liệu, lý lịch của sản phẩm công trình xây dựng, bao gồm các vấn đề từ chủ trương ban đầu đến việc nghiên cứu, KSTK, thi công và các vấn đề khác có liên quan đến dự án, công trình đó. Hồ sơ hoàn công giúp cho:

• Các cơ quan quản lý trực tiếp công trình nắm được đầy đủ cấu tạo cụ thể, thực trạng ban đầu của công trình, nhằm khai thác, sử dụng đúng với khả năng thực tế của công trình và có biện pháp duy tu sửa chữa phù hợp bảo đảm tuổi thọ công trình được lâu dài.

• Các cơ quan nghiên cứu khi cần thiết tìm lại các số liệu có liên quan đến công trình.

II/ Hồ sơ hoàn công được tổ chức thành các tập như sau:

II.1/ Tập I: Các văn bản, tài liệu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị xây dựng:

II.1.1/ Quyết định đầu tư của dự án.

II.1.2/ Quyết định duyệt TKKT + tổng dự toán và quyết định chấp thuận TKBVTC (với công trình thiết kế hai bước), các quyết định duyệt dự toán thành phần trong giai đoạn này.

II.1.3/ Quyết định duyệt TKKT - TC + tổng dự toán (với công trình thiết kế một bước).

II.1.4/ Các văn bản, chỉ thị, thông báo có liên quan trong cả quá trình triển khai dự án.

II.2/ Tập II: các tài liệu liên quan tới thiết kế và thi công.

II.2.1/ Bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật tổng thể công trình.

II.2.2/ Bản tổng hợp khối lượng xây dựng công trình.

II.2.3/ Hồ sơ về hệ mốc tọa độ, hệ mốc cao độ.

II.2.4/ Hồ sơ địa chất công trình: Thuyết minh, các mặt cắt cấu tạo địa chất, tài liệu các lỗ khoan hoặc hố đào, bình đồ địa chất hoặc bình đồ bố trí các lỗ khoan (hố đào).

II.2.5/ Hồ sơ thuỷ văn công trình: Thuyết minh, các số liệu, tài liệu tính toán và điều tra về thuỷ văn, thuỷ lực công trình.

II.2.6/ Thuyết minh tổng kết kỹ thuật thi công, đánh giá chung về chất lượng thi công, những vấn đề còn tồn tại.

II.2.7/ Hồ sơ về giải phóng mặt bằng: Chính sách, phương án chung về GPMB của dự án, tài liệu làm rõ phạm vi đã đền bù, giải toả, văn bản sao các quyết định của các cấp liên quan về GPMB (QĐ cấp đất, QĐ đền bù, di chuyển).

II.2. 8/ Hồ sơ về hệ cọc mốc lộ giới, có biên bản bàn giao với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý khai thác.

II.2.9/ Danh sách các nhà thầu thi công (đầy đủ chính phụ) đối với từng hạng mục công trình.

II.2.10/ Danh sách tư vấn giám sát thi công.

II.2.11/ Bản vẽ tổ chức thi công tổng thể (sơ đồ ngang và là sơ đồ thật mô tả thực tế diễn biến thi công theo thời gian, không dùng sơ đồ ban đầu).

II.2.12/ Các chứng chỉ kiểm tra kỹ thuật xác nhận chất lượng vật liệu, hỗn hợp vật liệu xây dựng công trình, có xác nhận của TVGS.

II.2.13/ Các chứng chỉ kiểm tra kỹ thuật xác nhận chất lượng từng hạng mục công trình trong quá trình nghiệm thu chuyển giai đoạn thi công, có ý kiến chấp thuận của TVGS.

II.2.14/ Các kết quả kiểm tra, kiểm định chất lượng các cấp, kiểm định thử tải công trình (nếu có).

II.2.15/ Sổ nhật ký ghi chép quá trình thi công, nhận xét chất lượng công trình, các chứng từ và biên bản có liên quan đến công trình trong quá trình thi công.

II.2.16/ Các biên bản nghiệm thu bộ phận công trình đối với từng hạng mục, bộ phận ẩn dấu.

II.2.17/ Biên bản nghiệm thu xong công trình đưa vào sử dụng.

II.3/ Tập III: Hồ sơ bản vẽ cấu tạo hoàn công công trình.

a/ Đối với dự án dùng vốn trong nước:

a.1/ Thiết kế hai bước mà bước TKBVTC do cơ quan tư vấn thiết kế được chủ công trình giao nhiệm vụ lập thì hồ sơ hoàn công lập là TKBVTC.

a.2/ Thiết kế hai bước mà bước TKBVTC do nhà thầu lập thông qua tư vấn giám sát chấp thuận thì hồ sơ hoàn công bao gồm:

+ Bản vẽ TKKT.

+ Bản vẽ TKBVTC.

a.3/ Thiết kế một bước TKKTTC thì dùng TKKTTC làm hồ sơ hoàn công.

b/ Đối với dự án dùng vốn nước ngoài: Thực hiện theo (a.2).

c/ Nếu thi công đúng với đồ án thiết kế (tức các sai số về kích thước, cao độ trong phạm vi cho phép đã được nghiệm thu) thì dùng ngay bản vẽ thiết kế lập được duyệt ban đầu làm hồ sơ hoàn công. Bản vẽ được TVGS và Chủ đầu tư ký đóng dấu xác nhận: “Tài liệu này là hồ sơ hoàn công”.

d/ Nếu thi công khác so với thiết kế về một số chi tiết, kích thước cấu tạo phụ, đơn giản, mức độ nhỏ: Có thể dùng bản vẽ thiết kế lập, chữa lại bằng mực đỏ (bền màu) các hình dáng, kích thước, cao độ thay đổi và ghi rõ các chú dẫn cần thiết, có xác nhận của TVGS, làm bản vẽ hoàn công. Tư vấn giám sát xem xét các trường hợp cụ thể cho làm hình thức này hoặc theo hình thức (e).

e/ Nếu thi công khác với đồ án thiết kế được duyệt ban đầu nhiều điểm cơ bản, quan trọng hoặc nhiều chi tiết cấu tạo (thiết kế 1 bước: KTTC hoặc thiết kế 2 bước như nêu ở mục (a.1): phải có bản vẽ thiết kế bổ sung sửa đổi của cơ quan tư vấn thiết kế, kèm theo quyết định duyệt bổ sung chấp thuận của cấp có thẩm quyền, kèm theo bản vẽ thiết kế cũ để đối chiếu.

g/ Với dự án dùng vốn nước ngoài hoặc dự án dùng vốn trong nước mà BVTC do nhà thầu lập, sự thi công khác đi so với thiết kế như nêu ở mục (e) thì nhà thầu thi công phải lập lại bản vẽ kèm theo thuyết minh cùng ý kiến xác nhận của trưởng tư vấn giám sát và văn bản chấp thuận của câps có thẩm quyền.

II.3.1/ Các tập bản vẽ bao gồm:

II.3.1.1/ Về đường:

a/ Bình đồ, cắt dọc, cắt ngang theo từng km.

b/ Các loại kết cấu mặt đường.

c/ Hồ sơ về hệ thống an toàn giao thông (bình đồ duỗi thẳng hoặc biểu kê hoặc cả hai loại): Vị trí cột km, biển báo hiệu, số hiệu biển, vị trí hệ thống an toàn giao thông (hộ lan, cọc tiêu, gương cầu lồi, đường lánh nạn...), vị trí cầu, cống và các công trình khác gắn với dự án.

d/ Mặt cắt địa chất dọc tuyến và cao độ mực nước tính toán.

II.3.2/ Về cầu:

a/ Bình đồ khu vực cầu, các mốc tọa độ, mốc cao độ thuộc công trình.

b/ Mặt cắt địa chất tại cắt ngang sông xây dựng cầu và các yếu tố thuỷ văn, có ghi cao độ theo hệ mốc của cầu.

c/ Bản vẽ bố trí chung toàn cầu theo ba hình chiếu có đủ các cao độ thiết kế.

d/ Bản vẽ các chi tiết kết cấu, cấu tạo chịu lực của các bộ phận công trình (kết cấu nhịp, hệ mặt cầu, mố trụ, móng, 1/4 nón).

e/ Bản vẽ các công trình điều tiết, hướng dòng, bảo vệ chống xói gia cố bờ sông, đường đầu cầu.

II.3.3/ Về cống:

Bản vẽ: Cắt dọc, cắt ngang thân cống, cấu tạo cửa cống, các yếu tố địa chất, thuỷ văn, cao độ.

II.3.4/ Tường, kè bảo vệ bờ dốc:

a/ Bình đồ, trắc dọc tường kè theo tuyến đường.

b/ Các mặt cắt ngang và các bản vẽ kết cấu kèm theo các yếu tố địa hình, địa chất, thuỷ văn, cao độ.

II.3.5/ Các công trình khác: Hồ sơ gồm bình đồ và các chú dẫn cụ thể.

III/ Số lượng bộ hồ sơ hoàn công:

III.1/ Dự án nhóm A: - 1 bộ lưu trữ Quốc gia.

- 1 bộ lưu trữ Bộ.

- 1 bộ lưu trữ Cục quản lý chuyên ngành.

III.2/ Dự án nhóm B và nhóm C không phân cấp:

- 1 bộ lưu trữ Bộ.

- 1 bộ lưu trữ Cục chuyên ngành.

III.3/ Dự án nhóm C: - 1 bộ lưu trữ Cục chuyên ngành.

- 1 bộ lưu trữ cho cơ quan quản lý khai thác trực tiếp.

III.4/ Dự án nhóm C do các Tổng Công ty phê duyệt:

- 1 bộ lưu trữ ở Tổng Công ty.

- 1 bộ lưu trữ cho cơ quan quản lý trực tiếp.

Ghi chú:

- Đối với công trình có tính đặc thù liên quan đến nhiều ngành (Công trình biên giới, hải đảo, quốc phòng) tuỳ theo yêu cầu của các ngành, chủ đầu tư trình số liệu bộ hồ sơ hoàn công cần thiết phải lập, Cục GĐ & QLCL CTGT xem xét chấp thuận.

- Trường hợp cần thay đổi đối tượng lưu giữ hồ sơ hoàn công (nhưng tương đương cấp), chủ đầu tư trình cấp quyết định đầu tư chấp thuận.

IV/ Trách nhiệm lập hồ sơ hoàn công:

IV.1/ Trách nhiệm chính và chủ yếu lập hồ sơ hoàn công do nhà thầu, chủ đầu tư đảm nhận. Tư vấn giám sát có trách nhiệm phối hợp, giúp cho chủ đầu tư và nhà thầu trong suốt quá trình lập, hoàn thiện hồ sơ hoàn công.

Chủ nhiệm điều hành dự án chịu trách nhiệm chính giúp cho Chủ đầu tư cung cấp các văn bản hồ sơ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng, hồ sơ GPMB và mốc lộ giới để đưa vào hồ sơ hoàn công.

IV.2/ Hồ sơ hoàn công phải sắp xếp theo từng hạng mục công trình như trên, nếu quá dầy sẽ đóng thành các tập thứ i cùng loại. Hồ sơ hoàn công phải có dấu, chữ ký của:

- Dấu và chữ ký của Chủ đầu tư.

- Dấu và chữ ký của nhà thầu thi công.

- Chữ ký của Trưởng tư vấn giám sát thi công.

IV.3/ Chủ nhiệm điều hành dự án (thay mặt chủ đầu tư) cần soát xét kỹ hồ sơ hoàn công trước khi giao nộp.

IV.4/ a/ Chủ đầu tư chịu trách nhiệm làm:

- Tập I (mục II.1).

- Tập II (từ mục (II.2.1 - II.2.9).

b/ Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm làm:

- Tập II (từ mục II.2.10 - II.2.17).

- Tập III (mục (II.3).

V/ Quy cách:

V.1/ Hồ sơ hoàn công được đóng thành từng quyển (tập) hoặc gấp (các bản vẽ) nhưng phải đánh số thứ tự, cho vào hộp cứng. Ngoài bìa các hộp hoặc các tập phải được ghi rõ bằng mực không phai: Dự án, công trình, loại hồ sơ...

V.2/ Khổ của tập hoặc khổ gấp bản vẽ: A4.

V.3/ Hồ sơ từ mục (II.2.10) - (II.2.16) có thể đóng thành từng tập riêng theo loại công trình ở (II.3.1.i).

V.4/ Bản chính, bản sao:

a/ Một bộ hồ sơ bản chính giao nộp cho cấp cao nhất theo quy định của từng dự án. Các bộ còn lại là bản photocopi.

b/ Bản gốc là bản có chữ ký và dấu đỏ. Trường hợp không thể đủ điều kiện để có chữ ký và dấu đỏ thì cấp ra văn bản đó ký đóng dấu sao y bản chính.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2578/QĐ/1998/GTVT-CGĐ về nội dung, danh mục hồ sơ hoàn công công trình giao thông cầu, đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 2578/QĐ/1998/GTVT-CGĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/10/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Phạm Quang Tuyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/10/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 15/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản