Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2495/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ HỖ TRỢ LÃI SUẤT SAU ĐẦU TƯ CHO CÁC DOANH NGHIỆP CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2013

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (Luật số 47/2010/QH12) ngày 16/6/2010;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/1/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2012/NQ-HĐND ngày 7/12/2012 và số 19/2012/NQ-HĐND ngày 7/12/2012 của Hội đồng nhân dân Thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách năm 2013 của Thành phố;

Căn cứ Chương trình hành động số 22/CTr-UBND ngày 29/01/2013 của UBND Thành phố thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP02/NQ-CP ngày 07/1/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu;

Căn cứ Công văn số 105/HĐND-KTNS ngày 4/4/2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2013;

Xét đề nghị của liên ngành: Sở Tài chính – Sở Kế hoạch và Đầu tư – Sở Công thương – Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội tại Tờ trình liên ngành số 1165/TTr-TC-KH&ĐT-CT-NHNN ngày 15/3/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Trong năm 2013, ngân sách Thành phố Hà Nội hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các khoản vay trung và dài hạn (từ 1 năm trở lên) bằng đồng Việt Nam cho các doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội, sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để thực hiện dự án đầu tư mới, đầu tư chiều sâu, mở rộng dự án, đổi mới kỹ thuật, công nghệ, thiết bị trên địa bàn Hà Nội thuộc một số lĩnh vực được quy định tại Điều 2.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Chủ đầu tư) thuộc một trong các lĩnh vực sau:

a) Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm được Thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực;

b) Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, chế biến hàng nông sản thực phẩm;

c) Các doanh nghiệp sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, có doanh thu năm 2010 đạt tối thiểu 100 tỷ đồng;

d) Các doanh nghiệp có sử dụng từ 200 lao động trở lên (theo danh sách đóng bảo hiểm xã hội, không tính số lao động thuộc các doanh nghiệp khác trong hệ thống công ty mẹ);

e) Doanh nghiệp đầu tư vào các dự án thuộc các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn Thành phố Hà Nội theo phụ lục đính kèm.

2. Các dự án đầu tư của các đối tượng nêu trên đã được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư (về cả vốn vay và hỗ trợ lãi suất tiền vay) theo các Quyết định khác do Chính phủ hoặc UBND Thành phố Hà Nội ban hành (còn hiệu lực) không thuộc đối tượng áp dụng của Quy định này.

Điều 3. Nguyên tắc, thời hạn và mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư

1. Nguyên tắc xác định: Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được tính cho từng dự án và cấp cho Chủ đầu tư (doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư) sau khi Chủ đầu tư đã trả nợ vay đầu tư (nợ gốc theo phân kỳ đã quy định của hợp đồng tín dụng và lãi vay) cho tổ chức tín dụng theo hợp đồng và khế ước vay, sau khi dự án (hoặc hạng mục công trình độc lập) đưa vào sản xuất kinh doanh. Trường hợp dự án đầu tư nhiều giai đoạn thì giai đoạn đầu phải hoàn thành đưa vào sử dụng mới được xem xét hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo.

Chủ đầu tư chỉ nhận được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với số vốn vay để đầu tư tài sản cố định và trong phạm vi tổng số vốn đầu tư tài sản cố định được duyệt của dự án.

2. Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tối đa là 12 tháng. Việc hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư được áp dụng đối với các khoản vay phải trả lãi vay trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đến ngày 31 tháng 12 năm 2013. Đối với các khoản vay thuộc dự án hỗ trợ lãi suất sau đầu tư được xử lý khoanh, miễn, giảm nợ gốc, lãi vay tại ngân hàng thì không được tính hỗ trợ lãi suất tại thời điểm đó.

3. Mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư:

Mức lãi suất hỗ trợ là 0,2%/tháng (2,4%/năm), tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế theo quy định tại khoản 1 và 2 điều này.

4. Phương pháp xác định số tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ ngân sách Thành phố cấp cho chủ đầu tư trong năm:

Số tiền hỗ trợ = Số dư tính lãi x 0,2% x Số tháng vay được hỗ trợ

Trong đó:

- Số dư tính lãi để tính hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư là dự nợ tính theo số dư trên bảng kê tính lãi Ngân hàng (hoặc số dư nợ gốc còn lại) thực tế hàng tháng;

- Số tháng vay được hỗ trợ là số tháng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tính từ tháng bắt đầu trả nợ gốc theo phân kỳ đã quy định của hợp đồng tín dụng.

Điều 4. Điều kiện để các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư

Các doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 quyết định này, có các dự án vay vốn trung hạn, dài hạn thuộc các lĩnh vực quy định tại Điều 2 của quyết định này và đảm bảo các điều kiện sau đây sẽ được ngân sách Thành phố Hà Nội cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư:

1. Doanh nghiệp được xét thưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư phải đảm bảo các điều kiện: có tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, tài chính lành mạnh chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước về nộp ngân sách nhà nước, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp, không nợ đọng thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác bao gồm cả thuế xuất nhập khẩu.

2. Dự án được hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Có Quyết định đầu tư theo đúng thẩm quyền quy định hiện hành;

- Được các tổ chức tín dụng cho vay vốn và đã đưa vào sản xuất kinh doanh;

- Đã trả nợ khoản vay đầu tư (nợ gốc theo phân kỳ quy định tại hợp đồng tín dụng và lãi vay); Đối với các khoản vay được xử lý khoanh, miễn, giảm nợ gốc, lãi vay tại ngân hàng thì không được tính hỗ trợ lãi suất tại thời điểm đó.

- Đối với các dự án đầu tư mới, điều kiện để được xét hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư là dự án (hoặc hạng mục công trình độc lập) đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng.

Điều 5. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất sau đầu tư

1. Các doanh nghiệp thuộc phạm vi, đối tượng và đáp ứng điều kiện quy định tại điều 2 và điều 4 quyết định này lập 03 bộ hồ sơ đề nghị Ngân sách Thành phố Hà nội cấp hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư.

2. Nội dung hồ sơ:

- Công văn của doanh nghiệp đề nghị UBND Thành phố hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và có cam kết bằng văn bản về: triển khai thực hiện dự án đã được phê duyệt theo đúng các quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; thực hiện đúng quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo vệ môi trường trong đầu tư và sản xuất; sử dụng vốn vay đúng mục đích theo kế hoạch đầu tư của dự án, không được dung tài sản tạo thành từ vốn vay để thế chấp, sang nhượng, chuyển đổi...cho cá nhân hoặc pháp nhân khác trong thời gian chưa trả xong nợ vay (trừ việc thế chấp đối với các tổ chức tín dụng đã cho vay vốn để thực hiện dự án).

- Bản sao Quyết định đầu tư theo đúng thẩm quyền quy định.

- Báo các Quyết toán đầu tư được chủ đầu tư phê duyệt đối với những dự án đã hoàn thành toàn bộ. Những dự án lớn được chia thành nhiều giai đoạn, thực hiện theo phân kỳ đầu tư, giai đoạn hoàn thành từng hạng mục công trình/ dự án phải có biên bản nghiệm thu bàn giao từng giai đoạn, báo cáo quyết toán từng hạng mục công trình/ dự án đầu tư đó, được chủ đầu tư xác nhận.

- Bản sao Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh.

- Bản sao Báo cáo quyết toán tài chính đã nộp cơ quan thẩm quyền của 3 năm trước liền kề và đã được tiến hành kiểm toán và ghi nhận, Báo cáo quyết toán thuế kèm theo.

- Bản sao Khế ước, Hợp đồng vay vốn ngân hàng; bảng kê tính lãi phải trả trong thời hạn vay của toàn bộ dự án; chứng từ trả nợ ngân hàng theo hợp đồng.

- Bản đối chiếu công nợ hàng năm giữa chủ đầu tư với tổ chức tín dụng kể từ thời điểm bắt đầu vay cho tới khi thanh lý hợp đồng.

- Bản xác nhận danh sách đóng bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội (đối với những doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư do có sử dụng trên 200 lao động).

3. Hồ sơ đề nghị Ngân sách Thành phố Hà Nội hỗ trợ lãi suất sau đầu tư gửi Sở Tài chính (Chi cục Tài chính Doanh nghiệp, địa chỉ: số 04 ngõ 1 Hàng Chuối, Hà Nội) để làm đầu mối tiếp nhận, thẩm tra.

- Thời hạn nhận hồ sơ: chậm nhất là ngày 15/01/2014.

4. Khi nhận đủ hồ sơ theo khoản 2 điều này, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tiến hành xem xét, thẩm tra, xác định mức hỗ trợ đối với từng dự án, trình UBND Thành phố phê duyệt. Thời hạn xem xét, thẩm tra không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp theo đúng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 điều này.

Điều 6. Quản lý, cấp phát khoản hỗ trợ lãi suất sau đầu tư

Khi có quyết định phê duyệt của UBND Thành phố Hà Nội về khoản hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho từng dự án, Sở Tài chính thực hiện việc cấp phát khoản hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho doanh nghiệp.

Điều 7. Hạch toán khoản tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư

Những dự án, công trình đã hoàn thành toàn bộ hoặc từng giai đoạn đưa vào sử dụng được Ngân sách nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp có trách nhiệm hạch toán khoản tiền được ngân sách Thành phố hỗ trợ theo đúng quy định của Luật Thuế và chế độ kế toán hiện hành.

Điều 8. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan

1. Trách nhiệm của Doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư:

a. Lập, trình duyệt dự án đầu tư theo các quy định hiện hành.

b. Thực hiện đúng các cam kết về thực hiện dự án và sử dụng nguồn vốn; cho phép tổ chức tín dụng cung cấp hồ sơ liên quan dự án theo yêu cầu của cơ quan quản lý có liên quan (nếu cần).

Trong trường hợp đặc biệt cần thay đổi chủ sở hữu dưới mọi hình thức, phải báo cáo UBND Thành phố và được UBND Thành phố chấp thuận bằng văn bản.

c. Trường hợp chủ đầu tư sử dụng phần vốn vay được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất sau đầu tư không đúng mục tiêu đầu tư đã được UBND Thành phố phê duyệt thì không được tiếp tục tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư; đồng thời phải hoàn trả ngân sách Thành phố phần kinh phí đã được hỗ trợ tính đến thời điểm vi phạm.

d. Báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân và sử dụng vốn vay, các đề xuất, kiến nghị (nếu có), gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay vốn trước ngày 10/01/2014.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính

a. Là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của các dự án đầu tư, lấy ý kiến của các sở, ngành, tổng hợp trình UBND thành phố xem xét, chấp thuận (hoặc không chấp thuận). Nội dung trình duyệt bao gồm: Tên doanh nghiệp, tên dự án đầu tư, tổng mức vốn vay ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, thời gian hỗ trợ, số tiền được ngân sách hỗ trợ.

b. Thực hiện việc cấp phát khoản hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quyết định của UBND Thành phố.

c. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất với UBND Thành phố, trình Hội đồng nhân dân Thành phố về nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp trong dự toán ngân sách Thành phố.

d. Tổng hợp tình hình thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, báo cáo UBDN Thành phố.

3. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

a. Phối hợp với Sở Tài chính xem xét, thẩm tra, xác định mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với từng dự án trình UBND Thành phố phê duyệt.

b. Phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố quyết định nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp trong dự toán ngân sách Thành phố dành cho đầu tư phát triển.

4. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành đối với các dự án có liên quan

- Các sở quản lý chuyên ngành (Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội) có trách nhiệm xem xét về sự phù hợp của dự án đầu tư với đối tượng và phạm vi quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Quy định này khi có văn bản đề nghị cho ý kiến của Sở Tài chính.

- Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội: xác nhận danh sách đóng BHXH (đối với doanh nghiệp có trên 200 lao động) theo đề nghị của doanh nghiệp; có ý kiến và xác nhận của doanh nghiệp có nợ BHXH, BHYT, khi sở Tài chính lấy ý kiến.

- Cục thuế Thành phố Hà Nội: Có ý kiến và xác nhận doanh nghiệp có nợ thuế hay không (tính đến thời điểm nhận hồ sơ) của các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo văn bản kèm theo danh sách do Sở Tài chính gửi lấy ý kiến; kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp hạch toán khoản tiền hỗ trợ đúng chế độ tài chính hiện hành.

- Cục Hải quan Thành phố Hà Nội: Xác nhận doanh nghiệp có nợ thuế hay không (tính đến thời điểm nhận hồ sơ) của các doanh nghiệp đề nghị hưởng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo văn bản kèm theo danh sách do Sở Tài chính gửi lấy ý kiến

Sau 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thẩm tra, các cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi Sở Tài chính tổng hợp, trong đó nêu rõ chấp thuận hay không chấp thuận. Trường hợp quá thời gian quy định, nếu không trả lời xem như đồng ý, và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định, bổ sung, điều chỉnh kịp thời.

Điều 10. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Lao động thương binh và xã hội và Thủ trưởng các ngành: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố, Cục thuế Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Thành phố, Chủ đầu tư các dự án và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NGÀNH VÀ SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP ƯU TIÊN, CÔNG NGHIỆP MŨI NHỌN CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2495/QĐ-UBND ngày 10/4/2013 của UBND Thành phố Hà Nội)

I. DANH MỤC NGÀNH VÀ SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP ƯU TIÊN

1. Dệt may

- Quần áo dệt kim;

- Vải tuyn, vải dệt thoi khổ rộng, vải dệt kim;

- Khăn mặt bông, bít tất;

- Các sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may;

2. Chế biến nông sản, thực phẩm

- Bia;

- Sữa và các sản phẩm từ sữa;

- Đồ uống dinh dưỡng;

- Sản phẩm thịt chế biến sẵn;

- Thực phẩm chức năng chế biến từ ngũ cốc;

3. Hóa chất

- Các sản phẩm, chi tiết nhựa kỹ thuật cao phụ trợ cho các ngành: ô tô – xe máy; điện tử - viễn thong – công nghệ thong tin;

- Hóa mỹ phẩm, hương liệu các loại;

- Hóa dược vô cơ, hữu cơ; dược phẩm cao cấp các loại (thuốc phòng chống HIV, cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch...)

II. DANH MỤC NGÀNH VÀ SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ MŨI NHỌN

1. Ngành cơ khí chế tạo

Nhóm sản phẩm cơ khí nông nghiệp: máy nông nghiệp và lâm nghiệp, máy chế biến thực phẩm

Nhóm sản phẩm cơ khí giao thông vận tải: Các chi tiết, phụ tùng, linh kiện của ô tô (động cơ, hộp số, bộ khởi động, hệ thống phanh, lái, treo...)

Nhóm sản phẩm khuôn mẫu: các sản phẩm khuôn mẫu kỹ thuật cao;

Nhóm sản phẩm thiết bị điện:

- Máy biến thế khô cấp trung thế, máy biến thế truyền tải cấp 110kV, 220 kV;

- Động cơ điện các loại: công suất lớn, cao áp, chuyên dụng, mini xoay chiều và một chiều; Máy phát điện khai thác nguồn năng lượng tái tạo;

- Công tơ điện từ, khí cụ điện cấp cao thế, các thiết bị đo lường, kiểm tra, thực nghiệm điện;

- Các loại dây cáp điện bọc cách điện đặc tính kháng nước, chống thấm dọc, chống cháy.

Nhóm sản phẩm cơ điện tử: các chi tiết, hệ thống điều kiện của các loại máy, thiết bị gia công cơ khí CNC hoặc dây chuyền thiết bị đồng bộ; robot công nghệ; hệ vi cơ điện tử, nano cơ điện tử;

Nhóm sản phẩm thiết bị y tế điện tử: máy siêu âm, điện tâm đồ; thiết bị gây mê, máy chiếu các loại tia, thiết bị mổ nội soi, các loại máy chụp cắt lớp, thiết bị thí nghiệm ADN.

2. Ngành điện tử, viễn thông và Công nghệ thông tin

- Linh kiện máy tính, máy in, điện thoại di động;

- Thiết bị truyền hình, ghi hình kỹ thuật số;

- Màn hình khổ lớn, màn hình tinh thể lỏng;

- Chíp điện tử;

- Mạch in nhiều lớp

3. Sản phẩm từ công nghệ mới

- Các sản phẩm phần mềm: phần mềm nền, phần mềm nhúng, phần mềm đóng gói, phần mềm chuyên dụng; gia công phần mềm xuất khẩu;

- Các sản phẩn nội dung số và dịch vụ;

- Các sản phẩm ứng dụng dạng năng lượng mới, nguồn năng lượng tái tạo (quang năng, điện gió, địa nhiệt...)