Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2445/2015/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 28 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách;

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 04/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiêu chí đánh giá dự án ưu tiên theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT ngày 05/3/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường-Bộ Tài chính-Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cơ chế quản lý nguồn vốn Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 776/TTr-STNMT ngày 08/10/2015; Báo cáo thẩm định số 35/BCTĐ-STP ngày 30/9/2015 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và Chủ đầu tư trong việc tổ chức triển khai các dự án đầu tư về biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Giám đốc Kho bạc nhà nước thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Bộ TN&MT;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- TTTU, TTHĐND TP;
- Đoàn ĐB Quốc hội TP;
- Chủ tịch, các PCT UBND TP;
- Như Điều 3;
- CVP, các PCVP;
- Các Phòng CV;
- Lưu. VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Đỗ Trung Thoại

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2445/2015/QĐ-UBND ngày 28/10/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, quận (sau đây gọi là các Sở, ngành, địa phương) và các đơn vị, tổ chức quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước và ngân sách đối ứng của thành phố (sau đây gọi là chủ đầu tư) trong việc tổ chức triển khai các dự án đầu tư về biến đổi khí hậu, cụ thể là công tác quản lý các dự án đầu tư phát triển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và việc thẩm định các đề xuất dự án đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố trình Chính phủ, các Bộ, ngành đưa vào danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (sau đây gọi tắt là Chương trình SP-RCC) trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các Sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư thực hiện các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc Chương trình SP-RCC.

b) Các Sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư có đề xuất dự án được cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trình Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đưa vào danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình SP-RCC.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý

1. Các đề xuất dự án đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố trình Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đưa vào danh mục thuộc Chương trình SP-RCC phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng các tiêu chí ưu tiên theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 04/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Tiêu chí đánh giá dự án ưu tiên theo Chương trình (SP-RCC).

2. Việc lập, thẩm định, phê duyệt các đề xuất dự án trước khi đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố trình Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đưa vào danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình SP-RCC và việc tổ chức thực hiện các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai và minh bạch; thực hiện chế độ hạch toán kế toán, kiểm toán, quyết toán, quản lý tài sản dự án, báo cáo theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Việc bố trí vốn đối ứng hàng năm của thành phố (nếu có) cho dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải căn cứ vào tiến độ thực hiện của dự án và khả năng của nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nguồn vốn ngân sách của thành phố và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

4. Quyết định phê duyệt đề xuất dự án trình Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét đưa vào danh mục thuộc Chương trình SP-RCC phải dựa trên việc xác định rõ nguồn vốn, khả năng cân đối vốn đối ứng và đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng của thành phố để thực hiện trong thời gian quy định.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án thuộc Chương trình SP-RCC

1. Các Sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư có đề xuất dự án gửi hồ sơ tới Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổ chức thẩm định các đề xuất dự án theo quy định.

2. Thành phần hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định.

b) Thuyết minh dự án: Nội dung của thuyết minh thực hiện theo quy định.

3. Trình tự thực hiện:

a) Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản xin ý kiến thẩm định tới các Sở, ngành liên quan để thực hiện việc thẩm định.

b) Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, các Sở, ngành liên quan thẩm định hồ sơ, gửi kết quả thẩm định về Sở Tài nguyên và Môi trường.

c) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định của các Sở, ngành liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, thông báo kết quả thẩm định tới Sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư có đề xuất dự án, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thẩm định (trong trường hợp hồ sơ dự án đạt yêu cầu).

d) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản trình Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đưa vào danh mục thuộc Chương trình SP-RCC.

Đ) Trường hợp cần thiết Sở Tài nguyên và Môi trường có thể tổ chức họp Sở, ngành liên quan để lấy ý kiến thẩm định trực tiếp.

Điều 4. Báo cáo, kiểm tra

1. Báo cáo: Các Sở, ngành, địa phương (nơi có dự án) và chủ đầu tư thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành tại Quyết định số 52/2007/QĐ-TTg ngày 16/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nhà nước, Thông tư số 05/2007/TT-BKH ngày 9/8/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành các biểu mẫu báo cáo và hướng dẫn thực hiện Quyết định số 52/2007/QĐ-TTg ngày 16/4/2007 và các báo cáo khác theo yêu cầu của nhà tài trợ.

2. Kiểm tra: Định kỳ hoặc đột xuất, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cùng các Sở, ngành, địa phương (nơi có dự án) tổ chức kiểm tra các chủ đầu tư, nhà thầu tham gia thực hiện dự án về tình hình sử dụng vốn và việc chấp hành chính sách, chế độ tài chính của Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Trách nhiệm các cơ quan liên quan

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan thực hiện việc thẩm định đề xuất dự án đề nghị Ủy ban nhân thành phố trình Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đưa vào danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình SP-RCC trên địa bàn thành phố.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan thực hiện quản lý dự án thuộc Chương trình SP-RCC trên địa bàn thành phố.

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các dự án.

d) Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện các dự án thuộc Chương trình SP-RCC báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính thẩm định đề xuất dự án, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và trình Chính phủ, các Bộ, ngành đưa vào danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình SP-RCC.

b) Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường phân bổ và thông báo tổng mức, cơ cấu vốn cho từng dự án thuộc Chương trình SP-RCC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho các Sở, ngành, địa phương.

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện các dự án thuộc Chương trình SP-RCC.

3. Sở Tài chính

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định đề xuất dự án, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và trình Chính phủ, các Bộ, ngành đưa vào danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình SP-RCC.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định tổng mức vốn từ nguồn Chương trình SP-RCC do ngân sách Trung ương cấp đã hòa vào ngân sách thành phố để bố trí cho các dự án về biến đổi khí hậu trong dự toán ngân sách thành phố hàng năm, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện các dự án thuộc Chương trình SP-RCC.

4. Các Sở, ngành và địa phương

a) Chỉ đạo, giám sát chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện các dự án được giao đúng mục đích, hiệu quả theo các quy định hiện hành và quy định của Quy chế này.

b) Thực hiện công tác báo cáo theo quy định hiện hành về báo cáo dự án đầu tư, đồng thời báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm theo quy định về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Trách nhiệm của chủ đầu tư

a) Tổ chức chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Chương trình đã được giao đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo chất lượng theo các quy định hiện hành và theo kế hoạch được duyệt.

b) Hoàn thiện hồ sơ, đề xuất dự án, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổ chức thẩm định các đề xuất dự án theo quy định.

c) Báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm và báo cáo đột xuất về tình hình thực hiện các dự án về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan.

Điều 6. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các Sở, ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, sửa đổi Quy chế cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2445/2015/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và Chủ đầu tư trong việc tổ chức triển khai dự án đầu tư về biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 2445/2015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/10/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Đỗ Trung Thoại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/11/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản