Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2436/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 22 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2035, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Công văn số 3964/VPCP-KGVX ngày 02/5/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý chất thải rắn nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 2883/QĐ-UBND ngày 04/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1144/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 2519/BC-SXD ngày 02/10/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, như sau:

1. Tên đồ án: Điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Đơn vị giao lập quy hoạch: Sở Xây dựng.

3. Mục tiêu

3.1. Mục tiêu tổng quát:

- Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn (sau đây viết tắt là CTR) nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.

- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được quản lý và xử lý triệt để theo các phương thức phù hợp.

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống và phương thức phân loại chất thải rắn tại nguồn, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực.

- Nâng cao năng lực, tăng cường trang thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn cho các đô thị, khu công nghiệp và điểm dân cư nông thôn.

- Xây dựng, hoàn chỉnh mạng lưới các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn cho các đô thị, khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn theo hướng tăng cường tái chế các loại chất thải rắn, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.

- Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách, bộ máy quản lý về chất thải rắn nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của tỉnh.

3.3. Các chỉ tiêu cụ thể:

TT

Các loại CTR

Tỷ lệ thu gom và xử lý (%)

Giai đoạn 2025

Giai đoạn 2035

1

CTR sinh hoạt tại đô thị

> 95

100

9

CTR sinh hoạt nông thôn

80

100

3

Chất thải làng nghề

80

100

4

CTR Công nghiệp

90

100

5

CTR Y tế

100

100

6

CTR xây dựng đô thị

90

100

7

CTR bùn bể tự hoại thải đô thị

90

100

4. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu, thời hạn quy hoạch

4.1. Phạm vi nghiên cứu: Toàn tỉnh Hoà Bình, gồm thành phố Hoà Bình và 10 huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu, Đà Bắc.

4.2. Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu lập quy hoạch quản lý đối với các loại chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn y tế, chất thải rắn xây dựng và bùn thải, chất thải rắn từ hoạt động du lịch, chất thải rắn nông nghiệp nguy hại (bổ sung).

4.3. Thời hạn quy hoạch: Quy hoạch ngắn hạn đến năm 2025; Quy hoạch dài hạn đến năm 2035; tầm nhìn đến năm 2050.

5. Nội dung quy hoạch

5.1. Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh thu gom và xử lý

- Đến năm 2025: Dự báo tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh thu gom và xử lý khoảng 793,64 tấn/ngày. Trong đó chất thải rắn sinh hoạt 417,53 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp 226,67 tấn/ngày; chất thải rắn y tế 3,95 tấn/ngày; chất thải rắn xây dựng 62,58 tấn/ngày và bùn thải 68,57 tấn/ngày; chất thải rắn từ du lịch 13,35 tấn/ngày; chất thải rắn nông nghiệp nguy hại 1 tấn/ngày.

- Đến năm 2035: Dự báo tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh thu gom và xử lý khoảng 1.152,10 tấn/ngày. Trong đó chất thải rắn sinh hoạt: 561,83 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp: 357,79 tấn/ngày; chất thải rắn y tế: 4,91 lấn/ngày; chất thải rắn xây dựng: 85,55 tấn/ngày và bùn thải: 93,72 tấn/ngày; chất thải rắn từ du lịch: 47,30 tấn/ngày; chất thải rắn nông nghiệp nguy hại: 1 tấn/ngày.

- Đến năm 2050: Dự báo tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh thu gom và xử lý khoảng 1.470,38 tấn/ngày. Trong đó chất thải rắn sinh hoạt 746,99 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp 375,68 tấn/ngày; chất thải rắn y tế 8,92 tấn/ngày; chất thải rắn xây dựng 121,05 tấn/ngày và bùn thải 133,41 tấn/ngày; chất thải rắn từ du lịch 83,32 tấn/ngày; chất thải rắn nông nghiệp nguy hại: 1 tấn/ngày.

Bảng chi tiết từng địa bàn huyện, thành phố như sau:

TT

Tên huyện/ thành phố

Lượng chất thải rắn dự báo phát sinh
thu
gom và xử lý (tấn/ngày)

Năm 2025

Năm 2035

Năm 2050

1

Thành phố Hòa Bình

217,51

253,14

313,76

2

Huyện Lương Sơn

158,98

206,56

240,82

3

Huyện Mai Châu

55,86

77,33

105,84

4

Huyện Đà Bắc

20,37

35,15

49,45

5

Huyện Kỳ Sơn

60,47

100,22

114,62

6

Huyện Cao Phong

17,86

34,66

50,44

7

Huyện Kim Bôi

43,78

82,30

128,16

8

Huyện Tân Lạc

39,28

65,23

85,11

9

Huyện Lạc Sơn

53,25

85,61

113,10

10

Huyện Lạc Thủy

79,24

130,72

159,84

11

Huyện Yên Thủy

47,05

81,16

109,23

Tổng

793,64

1152,10

1.470,38

5.2. Quy hoạch điều chỉnh các khu xử lý chất thải rắn tập trung

a) Thành phố Hòa Bình:

- Điều chỉnh quy hoạch khu xử lý CTR Yên Mông: Tại xóm Yên Hòa, xã Yên Mông; kế thừa đồ án CTR, giảm diện tích từ 40ha xuống 20ha, công suất xử lý khoảng 150-300 t/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

- Bổ sung quy hoạch mới khu xử lý CTR Thống Nhất: Tại xóm Đồng Chua và xóm Tân Sinh, xã Thống Nhất. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện; Diện tích 20ha, công suất xử lý khoảng 150-300 t/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

b) Huyện Lương Sơn:

- Điều chỉnh quy hoạch khu xử lý CTR Lương Sơn: Tại tiểu khu 10, thị trấn Lương Sơn; giảm diện tích từ 40ha xuống 10ha, công suất tối đa 120 t/ng.đ.

- Bổ sung quy hoạch mới khu xử lý CTR Cao Dương: Tại khe núi Lộc Môn, xã Cao Dương. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện; Diện tích 20-30ha, công suất xử lý khoảng 300 t/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

c) Huyện Kỳ Sơn:

Bổ sung quy hoạch mới khu xử lý CTR Hợp Thịnh: Tại khu vực xóm Hải Cao, xã Hợp Thịnh, xã Phú Minh. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện. Diện tích 10ha, công suất khoảng 100-200t/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

d) Huyện Lạc Thủy:

Bổ sung quy hoạch mới khu xử lý CTR Đồng Tâm: Tại Thung Voi, xã Đồng Tâm. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện. Diện tích 10,68ha, công suất khoảng 200 t/ng.đ (có thể thực hiện hoạt động dịch vụ cho các khu vực lân cận khi sử dụng dây truyền công nghệ đáp ứng và các quy định môi trường được cơ quan có thẩm quyền cho phép). Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

đ) Huyện Yên Thủy:

Điều chỉnh quy hoạch khu xử lý CTR Hữu Lợi: Giữ nguyên vị trí tại Thung Trù, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện; Điều chỉnh quy mô giảm từ 30ha xuống 20ha, công suất khoảng 100- 300t/ng.đ. Bổ sung 01 khu xử lý tại Thung Trộc, xóm Heo, xã Đa Phúc quy mô 10-12ha công suất khoảng 100-200 t/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

e) Huyện Mai Châu: Điều chỉnh bổ sung quy hoạch 02 khu xử lý CTR cấp vùng huyện:

- Điều chỉnh quy hoạch khu xử lý CTR Xăm Khòe: Tại xóm Nà Muối, xã Xăm Khoè. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện, thay thế bãi chôn lấp; quy mô 3,0ha, công suất xử lý tối đa 50 tấn/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

- Bổ sung quy hoạch mới khu xử lý CTR Nà Mèo: Tại xóm Nà Mo, xã Nà Mèo. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện; Diện tích 10ha, công suất xử lý khoảng 150 tấn/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

g) Huyện Lạc Sơn:

Bổ sung quy hoạch mới khu xử lý CTR Yên Nghiệp: Tại khu Thung Nga, xã Yên Nghiệp. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện; Diện tích 8ha, công suất tối đa 120t/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

h) Huyện Cao Phong:

- Điều chỉnh quy hoạch khu xử lý CTR Dũng Phong: Tại xóm Bãi Bệ, xã Dũng Phong. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện, thay thế bãi chôn lấp; Diện tích 3,5ha, công suất khoảng 50t/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

- Bổ sung quy hoạch mới khu xử lý CTR Thung Nai: Tại xóm Tiện, xã Thung Nai. Tính chất là khu xử lý CTR du lịch vùng lòng hồ Sông Đà; Diện tích 3ha, công suất xử lý khoảng 50 tấn/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

i) Huyện Tân Lạc:

- Trong giai đoạn 2018-2025: Khu xử lý CTR tại Mường Khến, Mãn Đức.

- Điều chỉnh quy hoạch khu xử lý CTR Thung Cha: Tại xóm Ngay, xã Mỹ Hòa. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện; Giảm quy mô 10ha về 6ha, công suất khoảng 90tấn/ngày. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

k) Huyện Đà Bắc:

Điều chỉnh quy hoạch khu xử lý CTR Toàn Sơn: Tại xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn (khu bãi rác đang có của thị trấn). Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện, thay thế bãi chôn lấp; Diện tích 3,5ha, công suất khoảng 50t/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

l) Huyện Kim Bôi:

Bổ sung quy hoạch mới khu xử lý CTR Đông Bắc: Tại khu vực xóm Cặm Cõ, xã Đông Bắc. Tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện, nâng cấp từ bãi rác theo chương trình Nông thôn mới; Diện tích 10ha, công suất khoảng 150 tấn/ng.đ. Hạn chế tối đa lượng CTR chôn lấp.

Các khu xử lý CTR trên địa bàn tỉnh đã đầu tư theo quy hoạch cũ (Quyết định số 2883/QĐ-UBND) và chương trình nông thôn mới tiếp tục hoạt động thu gom, xử lý CTR trên địa bàn các huyện, xã. Sau năm 2025, toàn bộ CTR trên địa bàn tỉnh được thu gom và xử lý tập trung tại các khu xử lý cấp vùng huyện. CTR từ hoạt động du lịch khu vực lòng hồ và CTR sinh hoạt một số xã lân cận được xử lý tại khu xử lý CTR Thung Nai, huyện Cao Phong.

5.3. Công nghệ xử lý, chức năng các khu xử lý CTR cấp vùng huyện

a) Công nghệ xử lý:

- Thực hiện lập dự án đầu tư theo lộ trình, kế hoạch để các khu liên hiệp xử lý vùng tỉnh, vùng huyện áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, trong nước đủ khả năng thực hiện được như công nghệ lên men sinh học, công nghệ tái chế, công nghệ đốt, xử lý lý hoá, nhằm thực hiện:

Xử lý CTR thành phần hữu cơ, thực hiện tái chế như: Sản xuất phân vi sinh, chất cải tạo đất (phân xanh) hoặc các sản phẩm sinh học.

Xử lý CTR thành phần vô cơ và hỗn hợp, thực hiện tái chế, như sản xuất vật liệu xây dựng gạch block, gạch không nung.

Xử lý CTR nguy hại trên địa bàn bằng công nghệ thích hợp, xử lý lý hoá, đốt.

Các thành phần CTR còn lại của các loại trên, tiếp tục phân loại và xử lý bằng các lò đốt; phần còn lại không tiêu huỷ là các hỗn hợp các chất trơ (tỷ lệ rất nhỏ) sẽ được chôn lấp tại bãi theo quy định.

Xử lý CTR chôn lấp hợp vệ sinh CTR sinh hoạt không thể tái sử dụng, CTR xây dựng, bùn thải, vô cơ, hỗn hợp sau đốt.

Xử lý CTR bùn thải bằng công nghệ thích hợp.

- Áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, lò đốt... đảm bảo vệ sinh môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn phân tán đã đầu tư xây dựng trên địa bàn xã, có kế hoạch đóng cửa các khu xử lý CTR cấp thôn, xã sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng khu xử lý CTR cấp vùng huyện.

- Việc xử lý CTR y tế nguy hại: Công nghệ đốt, thực hiện tại Văn bản số 109/KH-UBND ngày 10/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Chức năng các khu xử lý CTR cấp vùng huyện:

Là các khu liên hợp xử lý CTR trên địa bàn các huyện, giải quyết các công việc chính cụ thể như sau:

- Tiếp nhận toàn hộ CTR cần xử lý, thu gom trên địa bàn huyện.

- Phân loại CTR thu gom theo các thành phần: Hữu cơ, vô cơ, hỗn hợp, xây dựng, bùn thải hầm cầu, nguy hại.

- Xử lý CTR trên địa bàn huyện: CTR thông thường từ nguồn phát thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng, bùn thải, du lịch, nông nghiệp; Xử lý CTR công nghiệp nguy hại từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Xử lý CTR nông nghiệp nguy hại (bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật...)

- Áp dụng các công nghệ xử lý phù hợp với các loại CTR, như CTR thành phần hữu cơ áp dụng sản xuất chất cải tạo đất, phân vi sinh, CTR thành phần vô cơ áp dụng công nghệ đốt tái tạo năng lượng, CTR bùn thải hầm cầu bằng biện pháp hút khô cưỡng bức, chôn lấp CTR xây dựng và sỉ đốt.

5.4. Phương thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn

a) Phương thức thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt, xây dựng, bùn cặn:

- Thu gom, vận chuyển trực tiếp: Các phương tiện thu gom cỡ nhỏ sẽ thu gom chất thải tại các khu vực và vận chuyển thẳng đến địa điểm xử lý cuối cùng.

- Thu gom, vận chuyển trung chuyển: Phương tiện thu gom cỡ nhỏ thu gom chất thải tại các khu vực và vận chuyển đến điểm tập kết. Ở điểm tập kết, chất thải rắn được chuyển vào các thiết bị thu gom cỡ lớn, sau đó được vận chuyển đến địa điểm xử lý cuối cùng bằng xe tải cỡ lớn.

- Thu gom, vận chuyển tại các khu dân cư nông thôn: Tại các xã có điều kiện giao thông thuận lợi, mỗi thôn lớn hoặc 2-3 thôn nhỏ bố trí 1 điểm tập kết rác để vận chuyển tập trung đến khu xử lý huyện. Ở các cơ sở xử lý cấp xã cần hạn chế tối đa lượng CTR phải chôn lấp, không xây dựng mới các bãi chôn lấp ở cấp thôn, xã.

b) Phương thức thu gom, vận chuyển CTR công nghiệp: Các cơ sở công nghiệp thuê, ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, phân loại và vận chuyển các loại CTR về các trạm trung chuyển, từ đó đến cơ sở xử lý.

c) Đối với CTR Y tế:

- Đối với xử lý CTR nguy hại: Ngành y tế tự xử lý thành 3 cụm tập trung theo Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh tại Văn bản số 109/KH-UBND ngày 10/8/2017 của UBND tỉnh ban hành, cụ thể:

Cụm số 1: Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, sẽ xử lý chất thải y tế nguy hại cho các địa phương: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Đà Bắc, thành phố Hòa Bình.

Cụm số 02: Tại Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc, sẽ xử lý CTR y tế nguy hại cho các địa phương: Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu, Cao Phong;

Cụm số 03: Tại Trung tâm Y tế huyện Lạc Thủy, sẽ xử lý CTR y tế nguy hại cho địa phương: Lạc Thủy, Yên Thủy, Kim Bôi.

- Đối với CTR Y tế thông thường là các chất thải sinh hoạt tại các bệnh viện:

Tổ chức thực hiện phân loại tại nguồn từ các giường bệnh như CTR sinh hoạt; Được thu gom tại các thùng rác, tập kết tại vị trí quy định.

Các bệnh viện, phòng khám ký hợp đồng với đơn vị chuyên trách để thu gom, vận chuyển về khu xử lý huyện.

- Đối với CTR du lịch: Bố trí tại các khu du lịch 01 điểm tập kết rác trở lên để vận chuyển tập trung đến khu xử lý của huyện.

d) Đối với CTR nông nghiệp nguy hại:

- Thực hiện phân loại tại nguồn từ hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp được thu gom phân loại thành: Chất thải hoá chất tự phân hủy, không tự phân hủy, các loại vỏ bao bì, chai lọ; được bảo quản theo quy định.

- Các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị chuyên trách để thu gom chất thải hoá chất không tự phân hủy, các loại vỏ bao bì, chai lọ, vận chuyển về khu xử lý của huyện đảm bảo quy định.

đ) Tại các địa bàn giáp ranh giữa các huyện: CTR phát sinh trên địa bàn huyện nào phải được thu gom và xử lý trên địa bàn huyện đó; Đối với các khu vực giáp ranh giữa các huyện, để đảm bảo hiệu quả trong công tác thu gom và xử lý, các huyện cần bàn bạc với nhau để thống nhất phương án cụ thể.

6. Các giải pháp chủ yếu thực hiện Quy hoạch

- Tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về quản lý CTR.

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR, quản lý CTR không theo địa giới hành chính.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTR; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ theo cơ chế đấu thầu.

- Ưu tiên phân bố hợp lý nguồn vốn ngân sách, vốn ODA hoặc các nguồn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các dự án quản lý CTR, đầu tư trang thiết bị và xây dựng các khu xử lý CTR.

- Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư, xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý CTR. Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia góp vốn. Khuyến khích các doanh nghiệp môi trường đô thị sử dụng vốn tự có, vốn tín dụng để đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị. Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực quản lý CTR.

- Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ phù hợp, ưu tiên các dự án đầu tư xử lý CTR theo công nghệ tái chế, thu hồi vật liệu, năng lượng, hạn chế chôn lấp, có quy mô tập trung, phục vụ liên huyện, liên đô thị. Hạn chế các dự án đầu tư xử lý CTR bằng công nghệ chôn lấp, đầu tư không đồng bộ.

- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật lành nghề bằng nhiều hình thức thích hợp.

7. Kế hoạch và nguồn vốn thực hiện quy hoạch

7.1. Nhu cầu vốn, các dự án ưu tiên: Dự kiến 1,675 tỷ đồng, trong đó:

STT

Nội dung

Giai đoạn

Cơ cấu nguồn vốn

2018-2020

2021-2025

2026-2035

2035-2050

I

Chi phí đầu tư

255

270

200

950

 

1

Đầu tư xây dựng khu xử lý CTR

200

201

149

740

Xã hội hóa

2

Mua sắm trang thiết bị khu xử lý CTR

19

20

15

60

Xã hội hóa

3

Mua sắm trang thiết bị thu gom, vận chuyển

36

48

36

150

Xã hội hóa

II

Chi phí quản lý

15

15

20

35

 

1

Lương cho cán bộ quản lý

4

6

18

27

Ngân sách

2

Chi phí cho các hoạt động khác:

11

9

2

8

Ngân sách Xã hội hóa

 

TỔNG

270

285

220

985

 

7.2. Nguồn lực thực hiện gồm

- Vốn xã hội hoá ngoài ngân sách (Vốn từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước; Vốn hợp pháp từ các thành phần kinh tế khác; Nguồn kinh phí từ các chủ nguồn thải và các chủ thể khác có liên quan theo quy định; Vốn tín dụng đầu tư).

- Vốn ngân sách nhà nước (Vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; Vốn ngân sách tỉnh; Vốn ngân sách huyện; Vốn sự nghiệp môi trường).

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

7.3. Các dự án về nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn

- Tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc quản lý CTR toàn tỉnh.

- Thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn; Thực hiện thí điểm từng bước việc phân loại rác sinh hoạt đô thị tại nguồn trên địa bàn thành phố, các thị trấn huyện lỵ, mở rộng dần dần tại các điểm dân cư nông thôn của tỉnh.

- Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chất thải rắn, các cơ chế chính sách về công tác quản lý CTR theo các văn bản cấp trên tại từng thời điểm, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.

- Hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống quản lý CTR y tế đảm bảo 100% cơ sở y tế được phân loại, thu gom và xử lý CTR theo quy định.

- Triển khai có kế hoạch, có giai đoạn đầu tư các khu xử lý CTR cấp vùng tỉnh theo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo các loại nguồn vốn, đảm bảo xử lý CTR của tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình tổ chức quản lý CTR với nhiều thành phần kinh tế tham gia (Xây dựng cơ chế, chính sách, quy chế đấu thầu - đặt hàng, quản lý, khung biểu giá). Tiếp tục xã hội hoá công tác quản lý, thông qua cơ chế đặt hàng hay đấu thầu dịch vụ trên cơ sở đảm bảo an toàn và an ninh về môi trường.

7.4. Cơ chế thực hiện quy hoạch

- Nhà nước quản lý bằng chủ trương và chính sách, các nguồn vốn ngân sách, khuyến khích và huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, xã hội vào quản lý chất thải rắn, ưu đãi đầu tư để đẩy mạnh tư nhân hoá trong quản lý CTR ở các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý.

- Cộng đồng là chủ thể thực hiện công tác quản lý chất thải rắn, doanh nghiệp (tổ chức) tham gia quản lý CTR thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, chịu sự giám sát của cộng đồng và kiểm tra của nhà nước.

8. Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020

- Hoàn thành dự án Nhà máy xử lý rác thải tại thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy.

- Hoàn thành dự án Khu xử lý, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn Hòa Bình tại xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn.

- Hoàn thành dự án Mô hình khu xử lý chất thải rắn quy mô liên xã huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình tại thôn Thung Trù, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy.

- Dự án Khu xử lý chất thải rắn Thống Nhất, thành phố Hòa Bình.

- Dự án Khu xử lý chất thải rắn Cao Dương, huyện Lương Sơn.

- Kêu gọi các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu xử lý tại các huyện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng:

- Tổ chức công bố, công khai quy hoạch để các tổ chức, cơ quan có liên quan biết, thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai cụ thể theo đúng quy hoạch được duyệt.

2. Các Sở ban, ngành

Thực hiện trách nhiệm quản lý chất thải rắn theo phân công, phân cấp tại Quyết định số 42/2017/QĐ-UBND ngày 29/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định khác có liên quan.

3. UBND các huyện, thành phố

Xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch chất thải rắn thuộc địa bàn quản lý.

4. Tổ chức, cá nhân tham gia vào các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý CTR

Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTR; Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thu gom, vận chuyển, xử lý CTR; đầu tư cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc thực hiện dự án theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài Nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Chánh VPUBND tỉnh;
- Chánh, Phó VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT. CNXD (Đ.26).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2436/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 2436/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Văn Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản