Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2429/QĐ-UBND.NC | Vinh, ngày 13 tháng 07 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/06/2006;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 13/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 457/TTr-STP ngày 16 tháng 05 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2429/QĐ-UBND.NC ngày 13 tháng 07 năm 2007 của UBND tỉnh Nghệ An).
Ngày 29/06/2006, Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội khoá XI, Kỳ họp thứ IX thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007.
Để triển khai có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý, tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, UBND tỉnh ban hành Đề án tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010 như sau:
- Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/06/2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007;
- Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
- Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý;
- Quyết định số 08/2006/QĐ-BTP ngày 15/11/2006 của Bộ Tư pháp kèm theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý;
II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ.
1. Tình hình, đặc điểm.
Nghệ An là một tỉnh có diện tích rộng 16.480km2 với 19 huyện, thành phố, thị xã; 479 xã, phường, thị trấn trong đó có 115 xã đặc biệt khó khăn, trên 1 vạn thôn, bản. Dân số trên 3 triệu người (trong đó có 5 dân tộc thiểu số Thái, Thổ, Hmông, Khơmú, Ơđu); người nghèo chiếm 23,96%, ước tính khoảng 70 vạn; khoảng 42 vạn đồng bào dân tộc thiểu số; trên 47 vạn người có công với cách mạng, trên 11 vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, gần 1 vạn người già cô đơn và trên 2,6 vạn trẻ em mồ côi, khuyết tật không nơi nương tựa.
Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, việc đi lại của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao gặp nhiều khó khăn trong khi đó một bộ phận khá lớn trình độ dân trí thấp cùng với nhiều tác động khác nên tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, đất đai ... xảy ra ngày càng nhiều và tương đối phức tạp.
Số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại Nghệ An khoảng 1,2 triệu người; trong đó dự kiến khoảng 20 ngàn người có nhu cầu trợ giúp pháp lý; hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý được mở rộng như hoà giải, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh, cho thấy hoạt động trợ giúp pháp lý chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tư vấn pháp luật và khoảng 10 % nhu cầu bào chữa, đại diện.
2. Về tổ chức bộ máy và đội ngũ chuyên viên, cộng tác viên.
a) Ở cấp tỉnh:
Thực hiện Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý, ngày 24/11/1997, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 4761/QĐ-UB thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp.
Biên chế của Trung tâm hiện có 05 người, gồm 01 Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 01 chuyên viên TGPL, 01 cán sự và 01 kế toán.
b) Ở cấp huyện:
Tổ trợ giúp pháp lý do UBND huyện, thị thành lập trên cơ sở Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý và Kế hoạch số 215/KH-UB ngày 30/8/2000 của UBND tỉnh, tập hợp một số cán bộ có kiến thức pháp luật công tác ở một số cơ quan, ban, ngành cấp huyện, lấy cán bộ phòng Tư pháp huyện, thị làm nòng cốt. Toàn tỉnh có 18 tổ, mỗi tổ có từ 05 – 10 cộng tác viên; cơ sở vật chất phụ thuộc vào việc bố trí của UBND các huyện, thị; địa điểm trợ giúp pháp lý là nơi làm việc của Phòng Tư pháp.
Năm 2003, có 07 điểm trợ giúp pháp lý được thành lập tại các xã Lăng Thành (Yên Thành), Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), Đông Hiếu (Nghĩa Đàn), Tam Hợp (Quỳ Hợp), các thị trấn Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, mỗi điểm bố trí 01 cộng tác viên tình nguyện thường trực tại điểm để tiếp nhận nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân trên địa bàn, nhưng do nhiều biến động, không có lực lượng chuyên trách, không có cơ sở vật chất nên các điểm này hoạt động chưa có hiệu quả.
Năm 2006, thực hiện Dự án Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp, 10 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thành lập tại các xã Tam Hợp (Quỳ Hợp), Chi Khê (Con Cuông), Hoà Sơn (Đô Lương), Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn), Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu), Diễn Phong (Diễn Châu), Nghi Liên (Nghi Lộc), Hùng Tiến (Nam Đàn), Hưng Tây (Hưng Nguyên) và thị trấn Thanh Chương. Mỗi Câu lạc bộ có từ 06 đến 10 thành viên là cán bộ chủ chốt của Ban Tư pháp, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh của xã. Ban Chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần với các hình thức như giới thiệu pháp luật, giải đáp pháp luật, toạ đàm, phối hợp hoà giải các vụ việc ở cơ sở, hướng dẫn hoặc chuyển vụ việc phức tạp về Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh.
c) Đội ngũ cộng tác viên:
Tổng số cộng tác viên toàn tỉnh hiện có 272 người; trong đó 36 người đang công tác ở các cơ quan cấp tỉnh, 20 luật sư, 120 người đang công tác tại các cơ quan cấp huyện, 80 người là cán bộ tư pháp xã, 16 người là sinh viên chưa có việc làm. Về trình độ, có 189 người là Cử nhân Luật, chiếm 69%, 20 người là Cử nhân các ngành khác, 63 người tốt nghiệp Trung cấp luật. Trong số 272 cộng tác viên, có 220 người đã được tham gia tập huấn từ 1 đến 2 lần, 183 người đã có thời gian tham gia trợ giúp pháp lý trên 2 năm.
3. Kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý.
Sau 9 năm hoạt động, tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 33.750 vụ việc. Trong những năm gần đây, bình quân số lượng vụ việc là 5.000/năm; cụ thể: năm 2002 thực hiện 4.015 vụ việc, năm 2003 thực hiện 4.745 vụ việc, năm 2004 thực hiện 7.848 vụ việc, năm 2005 thực hiện 5.849 vụ việc, năm 2006 thực hiện 5.280 vụ việc.
a) Hoạt động tư vấn pháp luật:
Thông qua việc giải đáp, hướng dẫn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý, các chuyên viên, cộng tác viên đã thực hiện 31.487 vụ việc, trong đó tư vấn tại văn phòng 4.500 vụ việc, tư vấn do cộng tác viên thực hiện là 25.687 vụ việc. Các hình thức này đã kịp thời giải toả một số vướng mắc cho người được trợ giúp pháp lý. Năm 2003 đã mở thêm một kênh hoạt động mới – tư vấn qua tổng đài 108 của Bưu điện Nghệ An.
b) Hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền lợi trước Tòa án:
Hoạt động này do cộng tác viên là luật sư thực hiện, kinh phí chi trả do Dự án tài trợ. Để đáp ứng nhu cầu của người được trợ giúp pháp lý, tháo gỡ khó khăn do số lượng luật sư ít, tổ chức trợ giúp pháp lý đã chủ động khai thác vụ việc từ cơ quan xét xử và cử chuyên viên, cộng tác viên có điều kiện, năng lực tham gia tố tụng thực hiện việc bào chữa, đại diện. Hàng năm bình quân đạt trên 200 vụ việc, đưa tổng số vụ việc bào chữa, đại diện trong 9 năm là 1.896 vụ.
c) Hoạt động hoà giải, xác minh, kiến nghị:
Tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện 672 vụ việc, trong đó nhiều vụ việc xác minh, kiến nghị có nội dung phức tạp, liên quan đến quyền, lợi ích của tập thể; nhiều vụ việc hoà giải thành nhờ có sự tham gia của tổ chức trợ giúp pháp lý. Hoạt động này đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân một cách trực tiếp, kịp thời, hiệu quả đồng thời giúp các cơ quan, tổ chức sửa chữa, khắc phục những sai sót.
d) Hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động:
Thực hiện chủ trương đưa pháp luật về cơ sở; thông qua kinh phí Dự án, hoạt động này đã được thực hiện tại 385 xã, thị trấn trong đó 43% các xã thuộc vùng cao, vùng sâu; thực hiện trợ giúp pháp lý cá biệt 14.755 vụ việc cho trên 16.000 đối tượng. Ngoài trợ giúp pháp lý cá biệt, tổ chức trợ giúp pháp lý còn phối hợp với Phòng Tư pháp, UBND cấp xã lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho trên 40 vạn lượt người thông qua trợ giúp pháp lý lưu động.
4. Về cơ sở vật chất.
- Hiện Trung tâm có 03 phòng làm việc, diện tích 36 m2, 02 máy vi tính, bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu trị giá khoảng 300 triệu đồng.
- Lương, phụ cấp cho 05 biên chế và kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí chi trả cho cộng tác viên do ngân sách tỉnh chi trả, khoảng 200 triệu đồng/năm.
- Ngoài ra, Trung tâm trợ giúp pháp lý còn nhận được sự tài trợ từ Dự án Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý tại Việt Nam của Bộ Tư pháp do Tổ chức Phát triển quốc tế Thuỵ Điển (Sida); Tổ chức Hợp tác Phát triển quốc tế Hà Lan (Nôvib); Tổ chức Hợp tác và Phát triển Thuỵ Sĩ (SDC); Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển (SCS) tài trợ với kinh phí khoảng 200 triệu đồng/năm
5. Đánh giá chung về công tác trợ giúp pháp lý.
a) Kết quả đạt được:
- Trong thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổ chức trợ giúp pháp lý đã khẳng định được vị trí của mình, trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người nghèo và đối tượng chính sách; góp phần nâng cao dân trí pháp lý, giảm bớt các khiếu kiện không cần thiết, ngăn ngừa và phòng chống các hành vi vi phạm, làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, tăng cường mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Đội ngũ cán bộ, chuyên viên, cộng tác viên ngày càng có năng lực, kinh nghiệm trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
b) Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
- Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý còn thiếu một hành lang pháp lý do chưa có Luật Trợ giúp pháp lý nên công tác trợ giúp pháp lý còn thiếu sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành; chưa có quy định phối hợp hoạt động trợ giúp pháp lý giữa tổ chức trợ giúp pháp lý với các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Lực lượng chuyên trách còn mỏng (03 chuyên viên) nên không thể bố trí chuyên sâu từng lĩnh vực mà phải kiêm nhiệm nên nhiều lĩnh vực pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu trợ giúp pháp lý của các đối tượng. Vụ việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi trước Toà án còn thấp do chưa có trợ giúp viên trong khi số lượng luật sư ít, lại tập trung ở thành phố Vinh nên khoảng 85% người có nhu cầu trợ giúp pháp lý ở các vùng xa Trung tâm phải chịu thiệt thòi. Cộng tác viên không phải là luật sư chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm phải lo hoàn thành công vụ của cơ quan giao, thời gian dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý còn ít nên số lượng vụ việc ở mức thấp.
- Công tác tuyên truyền, giới thiệu về trợ giúp pháp lý chưa nhiều, chủ yếu được lồng ghép trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động. Vì vậy, không ít người dân kể cả tổ chức, cán bộ chưa biết đến tổ chức trợ giúp pháp lý.
- Kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện còn hạn chế, chưa đủ trang trải cho hoạt động, đặc biệt là chi trả thù lao cho cộng tác viên.
B. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP.
Để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010 phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
1. Tăng cường mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, giảm bớt các khiếu kiện không cần thiết, ngăn ngừa và phòng chống các hành vi vi phạm, làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội.
2. Đáp ứng ngày càng cao việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, tạo điều kiện cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý tiếp cận pháp luật và sử dụng dịch vụ pháp lý, giúp họ nâng cao ý thức pháp luật để tự mình quyết định cách ứng xử phù hợp các quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
3. Tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, huy động mọi lực lượng trong hệ thống chính trị tích cực tham gia trợ giúp pháp lý, coi trợ giúp pháp lý không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
1. Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý vững mạnh từ cấp tỉnh đến cơ sở; xây dựng đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, được bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý kịp thời, tại chỗ, tốt nhất; đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho tổ chức trợ giúp pháp lý hoạt động.
2. Công tác trợ giúp pháp lý từ năm 2007 đến năm 2010 phải đạt được:
Năm 2007, trợ giúp pháp lý đạt tỉ lệ 55% so với số người có nhu cầu;
Năm 2008, trợ giúp pháp lý đạt tỉ lệ 65% so với số người có nhu cầu;
Năm 2009, trợ giúp pháp lý đạt tỉ lệ 75% so với số người có nhu cầu;
Năm 2010, trợ giúp pháp lý đạt tỉ lệ 85% so với số người có nhu cầu.
1. Nâng cao hiểu biết pháp luật và nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý.
- Thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu về pháp luật trợ giúp pháp lý và công tác trợ giúp pháp lý; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các cấp, các ngành tổ chức phổ biến pháp luật rộng rãi trong cán bộ, nhân dân, đặc biệt chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới bằng các hình thức thiết thực, có hiệu quả.
- Trong năm 2007 và 2008 cần tổ chức nhiều đợt tuyên tuyền Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý
a) Thực hiện đồng bộ các hình thức trợ giúp pháp lý.
- Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật bằng các hình thức trực tiếp, qua điện thoại, điện tín, đơn thư, tư vấn bằng văn bản; tiếp tục duy trì hoạt động tư vấn qua Tổng đài 108 để đáp ứng không chỉ cho người được trợ giúp pháp lý miễn phí mà còn mở rộng loại hình này để hướng dẫn người dân sống và làm việc theo Hiến pháp, Pháp luật.
- Chủ động phối hợp tham gia đại diện ngoài tố tụng, phối hợp với ban tư pháp xã và các cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức hoà giải các vụ việc ở cơ sở.
- Đẩy mạnh các hoạt động xác minh, kiến nghị đảm bảo khách quan, đúng pháp luật góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý đồng thời giúp các cơ quan, tổ chức xử lý vụ việc theo đúng pháp luật.
- Khai thác, chủ động tiếp cận với người có nhu cầu trợ giúp pháp lý để tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính một cách kịp thời, hiệu quả.
- Phối hợp với cơ sở để thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, đổi mới hình thức, phương pháp, đưa hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động ngày một hiệu quả. Lồng ghép giữa trợ giúp pháp lý cá biệt với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ pháp lý cộng đồng. Sử dụng đồng bộ các hình thức trợ giúp pháp lý thông qua trợ giúp pháp lý lưu động để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này.
- Chỉ đạo, tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý:
Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý là một hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý cộng đồng, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý ở địa phương tham gia sinh hoạt, trao đổi vướng mắc pháp luật với nhau nhằm tăng cường khả năng tự giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết vướng mắc thông qua tư vấn pháp luật, giúp đỡ kiến thức pháp luật để hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý ở địa phương.
Chỉ đạo Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ có chất lượng, hiệu quả.
Nhân rộng mô hình này để có thêm nhiều Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở những địa bàn có điều kiện thành lập.
- Tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật:
Sinh hoạt chuyên đề pháp luật là việc tổ chức nói chuyện, trao đổi theo chủ đề về các vấn đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại cơ sở do tổ chức trợ giúp pháp lý và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý phối hợp với cơ sở để thực hiện.
Cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để thực hiện có hiệu quả hình thức trợ giúp pháp lý này.
b) Xây dựng các chương trình phối hợp về trợ giúp pháp lý:
- Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình phối hợp hoạt động trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý cho thành viên, hội viên.
- Phối hợp với các cơ quan: Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an nhân dân xây dựng chương trình phối hợp công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về trợ giúp pháp lý.
3. Kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm trợ giúp pháp lý.
Kiện toàn Trung tâm trợ giúp pháp lý, thành lập thí điểm một số Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý tại một số huyện trọng điểm, tiến tới thành lập các Chi nhánh trợ giúp pháp lý để thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật (sau khi có hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương).
4. Tiếp tục mở rộng mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
- Phát triển đội ngũ cộng tác viên đến tất cả cơ quan, ban, ngành, địa phương các cấp; chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, địa bàn có khiếu kiện phức tạp...phấn đấu mỗi xã có một cộng tác viên trợ giúp pháp lý (có thể gắn với cán bộ Tư pháp) để đến năm 2010 đưa số lượng cộng tác viên lên 500 người.
Đối với số cộng tác viên hiện có, cần rà soát lại tiêu chuẩn, những người đủ tiêu chuẩn theo quy định thì tiếp tục cộng tác, những người không đủ tiêu chuẩn hoặc có vi phạm trong quá trình cộng tác thì chấm dứt hợp đồng cộng tác và thu hồi thẻ cộng tác viên.
- Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cộng tác viên, giúp cộng tác viên nắm vững chủ trương, chính sách, pháp luật phục vụ cho hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Cung cấp thông tin, tài liệu thường xuyên cho cộng tác viên trong quá trình hoạt động.
- Thành lập Tổ cộng tác viên ở những địa bàn công dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý cao.
5. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
Tham gia trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của toàn xã hội, cần từng bước xã hội hoá hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để các Văn phòng luật sư, Công ty Luật, Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
- Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật để trợ giúp pháp lý cho thành viên, hội viên.
- Khuyến khích Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý.
6. Đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị làm việc.
Đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Trung tâm và các Chi nhánh trợ giúp pháp lý (sau khi kiện toàn Trung tâm và thành lập Chi nhánh).
I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP.
1. Sở Tư pháp.
- Tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý về tổ chức, hoạt động của Trung tâm và Chi nhánh; hoạt động tham gia trợ giúp pháp lý của các Văn phòng luật sư, Công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Tư pháp cấp huyện, xã phối hợp trong các hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính xây dựng Đề án kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý và thành lập thí điểm một số Chi nhánh Trợ giúp pháp lý trình UBND tỉnh phê duyệt (sau khi có hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương).
2. Sở Nội vụ.
Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng Đề án kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý và thành lập thí điểm một số Chi nhánh Trợ giúp pháp lý trình UBND tỉnh phê duyệt; đảm bảo biên chế cho Trung tâm và các Chi nhánh theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt.
3. Sở Tài chính.
Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng Đề án kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý và thành lập thí điểm một số Chi nhánh Trợ giúp pháp lý trình UBND tỉnh phê duyệt; đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện cho Trung tâm và các Chi nhánh theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt.
4. Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận hộ nghèo đầy đủ, kịp thời.
5. Sở Văn hoá Thông tin.
Chỉ đạo công tác tuyên truyền qua mạng lưới truyền thanh, đội thông tin cổ động các quy định của pháp luật về Trợ giúp pháp lý.
6. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An:
Chỉ đạo, dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền, giới thiệu pháp luật về trợ giúp pháp lý; ưu tiên mở chuyên trang, chuyên mục giải đáp pháp luật miễn phí; chỉ đạo các Đài Phát thanh – Truyền hình địa phương làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền pháp luật và các hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương.
7. Ban Dân tộc.
Phối hợp với Sở Tư pháp trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.
8. Các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đề nghị phối hợp với Sở Tư pháp tuyên truyền, giới thiệu những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tiếp cận tổ chức trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện để trợ giúp viên, luật sư hoàn thành tốt nhiệm vụ trợ giúp pháp lý; cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức trợ giúp pháp lý và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
9. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan, tổ chức mình làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
- Trả lời các kiến nghị của tổ chức trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp Luật về Trợ giúp pháp lý.
- Báo cáo UBND cùng cấp trong trường hợp có những ý kiến khác nhau trong việc kiến nghị và thực hiện kiến nghị hoặc các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ.
9. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
- Đề nghị tích cực, chủ động tuyên truyền, giới thiệu pháp luật về trợ giúp pháp lý rộng rãi trong cán bộ, nhân dân.
- Giới thiệu người đủ tiêu chuẩn tham gia làm cộng tác viên.
- Vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức thành viên có tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
- Khuyến khích sự đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức và cá nhân.
10. Uỷ ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
- Chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện, Ban Tư pháp xã phối hợp với tổ chức trợ giúp pháp lý trong việc tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý, phát triển cộng tác viên ở cơ sở, xây dựng tổ cộng tác viên, phát triển Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
- Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức trợ giúp pháp lý trong việc tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, tổ chức sinh hoạt chuyên đề.
- Phối hợp chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức trợ giúp pháp lý hoạt động.
- Bố trí phòng làm việc và hỗ trợ về cơ sở vật chất cho Chi nhánh trợ giúp pháp lý đặt tại địa bàn.
II. CÁC GIAI ĐOẠN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN.
1. Năm 2007.
- Tuyên truyền, giới thiệu Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Xây dựng Đề án kiện toàn Trung tâm trợ giúp pháp lý và thành lập thí điểm một số Chi nhánh Trợ giúp pháp lý sau khi có hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.
- Phát triển đội ngũ cộng tác viên đến 300 người.
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho các cộng tác viên.
- Thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý theo kế hoạch.
2. Năm 2008.
- Tuyên truyền, giới thiệu Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Xây dựng Đề án kiện toàn Trung tâm trợ giúp pháp lý và thành lập thí điểm một số Chi nhánh Trợ giúp pháp lý sau khi có hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương (nếu năm 2007 chưa thực hiện xong).
- Phát triển đội ngũ cộng tác viên đến 350 người.
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho các cộng tác viên.
- Thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý theo kế hoạch.
3. Năm 2009.
- Phát triển đội ngũ cộng tác viên đến 400 người.
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho các cộng tác viên.
- Thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý theo kế hoạch.
4. Năm 2010.
- Phát triển đội ngũ cộng tác viên đến 500 người.
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho các cộng tác viên
- Thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý theo kế hoạch.
Kinh phí chi cho việc thực hiện công tác trợ giúp pháp lý do ngân sách cấp theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm và từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước và Quốc tế theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương có trách nhiệm làm tốt công tác chỉ đạo, phối hợp theo ngành, từ tỉnh xuống đến cơ sở; tăng cường tính chủ động phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động trợ giúp pháp lý để thực hiện có hiệu quả Đề án này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh kịp thời về UBND tỉnh và Sở Tư pháp để kịp thời xử lý./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 05/2000/CT-TTg về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật trợ giúp pháp lý 2006
- 3Chỉ thị 35/2006/CT-TTg thi hành Luật Trợ giúp pháp lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 08/2006/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch của ngành Tư pháp thực hiện Chỉ thị 35/2006/CT-TTg năm 2006 về triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý do Bộ trưởng Bộ Tư Pháp ban hành
- 5Nghị định 07/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý
- 6Quyết định 734-TTg năm 1997 về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 7Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 8Chỉ thị 03/2013/CT-UBND tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 9Quyết định 09/2007/CT-UBND về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 10Chỉ thị 18/2012/CT-UBND về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Quyết định 2429/QĐ-UBND.NC năm 2007 ban hành Đề án tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- Số hiệu: 2429/QĐ-UBND.NC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/07/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Nguyễn Văn Hành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra