Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2012/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 22 tháng 6 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý; Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, giúp người được trợ giúp pháp lý có điều kiện tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 08/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai Quyết định 678/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý; phối hợp thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, thành viên, hội viên và cá nhân khác thuộc cơ quan, tổ chức mình tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý; phối hợp xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật khi nhận được văn bản kiến nghị của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh.

2. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của liên bộ Bộ Tư pháp và Ủy Ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số; niêm yết công khai Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý để cấp phát miễn phí các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý tại trụ sở cơ quan mình.

3. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

4. Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hợp lý cho hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Chi nhánh của Trung tâm trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương thực hiện truyền thông nhằm phổ biến công tác trợ giúp pháp lý để các tầng lớp nhân dân biết, chủ động tiếp cận và hưởng thụ dịch vụ pháp lý miễn phí.

6. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng và tạo điều kiện thuận lợi cho Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

7. Ủy ban nhân dân các huyện Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới và Nam Đông tạo điều kiện bố trí phòng làm việc cho Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý khi Chi nhánh được thành lập mà chưa có trụ sở làm việc tại địa bàn.

8. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh việc thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, phối hợp với hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật khác tại địa phương thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý ở cơ sở.

9. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Theo dõi, kiểm tra và là đầu mối giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể, giai đoạn và hàng năm nhằm triển khai có kết quả Chiến lược trợ giúp pháp lý tại tỉnh theo Kế hoạch số 86/KH-UBND, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

b) Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Chi nhánh của Trung tâm nhằm nâng cao hoạt động trợ giúp pháp lý; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở của Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh của Trung tâm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tiến độ, kết quả thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 11/CT-UB ngày 07/4/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/2012/CT-UBND về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 18/2012/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/06/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Ngô Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/07/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 15/10/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản