Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2019/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 14 tháng 11 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về việc phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá;

Căn cứ Thông tư số 67/2003/TT-BTC ngày 11 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ;

Căn cứ Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa dịch vụ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 2021/TTr-SCT ngày 01 tháng 11 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 và bãi bỏ Điều 3, Quy chế về tổ chức quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Ban hành theo Quyết định số 47/2005/QĐ-UB ngày 25/03/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH, UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT;
- Như Điều 3;
- Các Sở: TC, TP, TT&TT, NN&PTNT;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- TTCB, Website, Báo BD;
- LĐVP, Tr, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Mai Hùng Dũng

 

QUY ĐỊNH

GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng quy định này là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý kinh doanh, khai thác sử dụng mặt bằng, diện tích bán hàng, dịch vụ tại chợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ sử dụng trong Quy định này được hiểu như sau:

1. Tính chất điểm kinh doanh

a) Điểm kinh doanh cố định: là điểm kinh doanh được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, được tiểu thương ký hợp đồng kinh doanh với Ban quản lý hoặc Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý chợ.

b) Điểm kinh doanh không cố định: là điểm kinh doanh tiểu thương không ký hợp đồng kinh doanh với Ban quản lý hoặc Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý chợ. Thực hiện việc mua bán tại khu vực sân chợ, ngoài trời hoặc tại khu vực không phân chia cụ thể cho một tiểu thương nào.

2. Hệ số lợi thế thương mại (hệ số k)

Hệ số lợi thế thương mại (hệ số k): Là hệ số được áp dụng đối với điểm kinh doanh có vị trí kinh doanh thuận tiện, lợi thế cao sẽ chịu mức thu cao hơn.

a) Vị trí 01 (k = 1,5): Là các điểm kinh doanh có mặt tiền hướng đường chính (quốc lộ, tỉnh lộ) hoặc có hai mặt tiền đường nội bộ bên ngoài chợ.

b) Vị trí 02 (k = 1,3): Là các điểm kinh doanh có một đường nội bộ bên ngoài chợ hoặc có hai mặt tiền đường nội bộ bên trong nhà lồng chính của chợ.

c) Vị trí 03 (k = 1): Là các điểm kinh doanh còn lại trong chợ.

3. Khu vực đô thị và nông thôn

a) Khu vực đô thị: Bao gồm các phường thuộc thành phố Thủ Dầu Một; thị xã: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và các thị trấn thuộc huyện: Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo.

b) Khu vực nông thôn: Bao gồm các xã thuộc thị xã: Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên và các xã thuộc huyện: Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo.

4. Giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ

Giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được cấu thành bởi hai khoản chi phí: Giá các khoản chi phí đầu tư xây dựng chợ (giá thuê mặt bằng) và giá các khoản chi phí phục vụ công tác quản lý chợ.

a) Giá các khoản chi phí đầu tư xây dựng chợ (giá thuê mặt bằng): Là chi phí tiền thuê đất khi giao đất và chi phí đầu tư hạ tầng chợ bao gồm: Xây dựng nhà lồng chợ, đường, hệ thống cấp nước thoát nước, hệ thống điện, trạm xử lý nước thải, xây dựng sạp hàng, quầy hàng, ki-ốt, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.

b) Giá các khoản chi phí phục vụ công tác quản lý chợ bao gồm: Là các khoản chi phí để bù đắp cho công tác quản lý, sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại chợ, sửa chữa nhỏ; an ninh trật tự; các chi phí như: Điện, nước, vệ sinh môi trường, bảo trì, mua sắm, mua bảo hiểm phòng cháy, chữa cháy, cấp thoát nước.

5. Các khoản thu sử dụng diện tích bán hàng tại chợ: là khoản thu để bù đắp chi phí đầu tư xây dựng và phục vụ công tác quản lý chợ .

6. Đồng tiền thu: Việt Nam đồng (VNĐ), được làm tròn đến đơn vị hàng trăm (từ 5 trở lên làm tròn là 1, dưới 5 trở xuống làm tròn là 0).

Điều 3. Phân loại chợ.

1. Chợ hạng 1: là chợ có trên 400 điểm kinh doanh;được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy hoạch; được đặt ở các vị trí trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của tỉnh hoặc là chợ đầu mối của ngành hàng, của khu vực kinh tế và được tổ chức họp thường xuyên; có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ và tổ chức đầy đủ các dịch vụ tại chợ: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường, dịch vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và các dịch vụ khác.

2. Chợ hạng 2: là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh; được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch; được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực và được tổ chức họp thường xuyên hay không thường xuyên; có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động chợ và tổ chức các dịch vụ tối thiểu tại chợ: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường, vệ sinh công cộng.

3. Chợ hạng 3: là các chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc các chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận.

Điều 4. Đơn vị thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.

1. Ban Quản lý chợ: Là đơn vị sự nghiệp có thu do Ủy ban nhân dân các cấp thành lập, tự trang trải các chi phí, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước.

2. Doanh nghiệp, Hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ: thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc trúng thầu về kinh doanh, khai thác và quản lý hoặc thực hiện đầu tư xây dựng chợ, sau đó tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

Điều 5. Hình thức đầu tư xây dựng chợ.

1. Chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước: Là chợ có tỷ lệ vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 50% trở lên.

2. Chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Là chợ có tỷ lệ vốn đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm trên 50%.

Chương II

GIÁ SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ

Điều 6. Giá sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đối với chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

1. Đối với điểm kinh doanh cố định

Tất cả mức giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí vệ sinh môi trường, sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại chợ, an ninh trật tự, bảo trì, mua sắm thiết bị phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, các chi phí: điện, nước (sử dụng cho mục đích hoạt động chung của chợ); không bao gồm tiền điện, nước của tiểu thương được tính riêng theo đồng hồ; cụ thể như sau:

a) Khu vực đô thị:

- Ki - ốt: 125.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

- Quầy, sạp:

+ Chợ hạng 1: 85.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

+ Chợ hạng 2: 65.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

+ Chợ hạng 3: 40.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

b) Khu vực nông thôn:

- Ki - ốt: 100.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

- Quầy, sạp:

+ Chợ hạng 2: 40.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

+ Chợ hạng 3: 30.000 đồng/m2/tháng x (hệ số k).

2. Đối với điểm kinh doanh không cố định

Đơn vị: đồng/ngày

Phân loại

Khu vực đô thị

Khu vực nông thôn

Chợ hạng 1

6.000

Chợ hạng 2

5.500

3.000

Chợ hạng 3

4.500

2.000

Điều 7. Giá tối đa sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đối với chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Chủ đầu tư căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ, xây dựng mức giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng, nhưng không được cao hơn mức giá tối đa đã được UBND tỉnh ban hành và gửi quyết định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho Sở Công thương, Sở Tài chính, UBND huyện, thị xã, thành phố nơi đầu tư xây dựng chợ và các ngành có liên quan.

1. Đối với điểm kinh doanh cố định

Tất cả mức giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, vệ sinh môi trường, sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại chợ, an ninh trật tự, bảo trì, mua sắm thiết bị phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, các chi phí như: điện, nước (sử dụng cho mục đích hoạt động chung của chợ); không bao gồm tiền điện, nước của tiểu thương được tính riêng theo đồng hồ; cụ thể như sau:

a) Khu vực đô thị:

- Ki - ốt: 250.000 đồng/m2/tháng.

- Quầy, sạp:

+ Chợ hạng 1: 220.000 đồng/m2/tháng.

+ Chợ hạng 2: 170.000 đồng/m2/tháng.

+ Chợ hạng 3: 120.000 đồng/m2/tháng.

b) Khu vực nông thôn:

- Ki - ốt: 200.000 đồng/m2/tháng.

- Quầy, sạp:

+ Chợ hạng 2: 150.000 đồng/m2/tháng.

+ Chợ hạng 3: 100.000 đồng/m2/tháng.

2. Đối với điểm kinh doanh không cố định:

a) Chợ hạng 1,2,3 mức giá cao nhất không quá 12.000 đồng/ngày (tương ứng với diện tích đất 3m2).

b) Trường hợp hộ kinh doanh không cố định sử dụng nhiều hơn 3m2/hộ thì mỗi diện tích tăng thêm áp dụng mức thu tăng thêm tương ứng.

Chương III

THỰC HIỆN THU TIỀN SỬ DỤNG DIỆN TÍCH BÁN HÀNG TẠI CHỢ

Điều 8. Thực hiện thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.

1. Chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ mức giá cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, xây dựng giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng phù hợp với từng vị trí bán hàng, quy mô, tính chất hoạt động của từng loại chợ trên địa bàn.

a) Ban quản lý chợ thực hiện việc quản lý thu giá và sử dụng các khoản thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ và các khoản thu khác theo quy định tại Quy định này và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

b) Đối với chợ được Nhà nước đầu tư xây dựng, sau đó chuyển giao quản lý và kinh doanh khai thác chợ bằng hình thức giao nhận hoặc đấu thầu thì đơn vị nhận chuyển giao hoặc đơn vị trúng thầu sẽ thực hiện thu. Thời gian và số tiền nộp vào ngân sách nhà nước cùng cấp được thực hiện theo hợp đồng giao nhận thầu chợ; đồng thời có trách nhiệm kê khai thuế theo quy định hiện hành.

2. Chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước

Đối với chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì do doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ thực hiện thu và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Quản lý và sử dụng nguồn thu

a) Số tiền thu được là doanh thu của đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ. Tổ chức cung cấp dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ có trách nhiệm kê khai, nộp thuế theo quy định.

b) Việc thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ phải có biên lai, hóa đơn thu theo quy định.

c) Đơn vị thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ phải mở sổ sách kế toán để theo dõi, phản ánh việc thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu theo đúng quy định.

Điều 9. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn các đối tượng thực hiện và kiểm tra xử lý vi phạm việc thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ.

2. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các Đơn vị thu tiền sử dụng diện tích bán hàng tại chợ thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định hiện hành.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: thực hiện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý chợ được phân công trên địa bàn mình quản lý.

Điều 10. Điều khoản thi hành.

1. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp; gửi về Sở Công Thương để phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tổng hợp, đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Khi có sự thay đổi của quy định pháp luật về giá sử dụng diện tích bán hàng tại chợ hoặc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% (theo niên giám thống kê), Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan tổng hợp, đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh mức giá sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho phù hợp tình hình thực tế./.