Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2387/QĐ-UBND | Bắc Kạn, ngày 28 tháng 12 năm 2020 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị;
Căn cứ Quyết định số 1328/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2018 về việc thay thế Quyết định số 694/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;
Căn cứ Thông báo kết luận số 19/TB-VPCP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội thảo toàn quốc “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”;
Căn cứ Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Kạn năm 2020;
Căn cứ Công văn số 7056/UBND-VXNV ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phúc đáp đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 1337/SVHTTDL-QLDL;
Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 121/TTr-SVHTTDL ngày 17 tháng 12 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025” tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới.
Điều 2. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Bạch Thông, Chợ Mới chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
“XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐIỂM VỀ DU LỊCH NÔNG THÔN GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025” TẠI THÔN PHIÊNG AN, XÃ QUANG THUẬN, HUYỆN BẠCH THÔNG VÀ THÔN CHÚA LẢI, XÃ THANH VẬN, HUYỆN CHỢ MỚI
(Kèm theo Quyết định số 2387/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc có 08 đơn vị hành chính, gồm 01 thành phố (thành phố Bắc Kạn) và 07 huyện (Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm) với 108 xã, phường, thị trấn. Diện tích đất tự nhiên 4.859km2, dân số trên 313.905 người, gồm 07 dân tộc chủ yếu (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay), trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 88% dân số toàn tỉnh. Chính vì vậy mà văn hóa dân tộc của tỉnh Bắc Kạn rất đặc trưng và đậm đà bản sắc - đây là một trong những tiềm năng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch nông thôn.
Mặc dù có tiềm năng phát triển, song những năm qua, loại hình du lịch nông thôn của tỉnh chưa thực sự được quan tâm, đầu tư phát triển theo đúng định hướng. Theo đó, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú và mua sắm các sản phẩm đặc sản từ nông nghiệp, các sản phẩm thủ công tại các thôn, bản rất ít do chưa hình thành được các điểm du lịch nông thôn. Chính vì vậy, nguồn thu từ dịch vụ du lịch nông thôn của tỉnh trong thời gian qua chưa đáng kể, sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch chưa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, định hướng phát triển một cách bài bản. Do đó việc ban hành và triển khai Đề án “Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025” là việc làm hết sức cần thiết để hình thành mô hình phát triển du lịch nông thôn tại các thôn có tiềm năng.
Qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay có 02 thôn: Phiêng An (xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông); Chúa Lải (xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới) có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển loại hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn tại 02 thôn trên, đồng thời trên cơ sở kết quả đạt được sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng các mô hình tại các địa phương khác có tiềm năng.
Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị.
Quyết định số 1328/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2018 về việc thay thế Quyết định số 694/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Thông báo kết luận số 19/TB-VPCP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội thảo toàn quốc “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Kạn năm 2020.
1. Phạm vi thực hiện: Tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới.
2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 - 2025.
3. Nội dung thực hiện: Xây dựng mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN
I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian qua mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư song hệ thống giao thông nông thôn hiện nay chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hệ thống cơ sở vật chất phụ trợ cho hoạt động du lịch tại các thôn, bản có tiềm năng du lịch chưa được đầu tư, còn thiếu các công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi giải trí của khách du lịch.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch tại các khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu do chưa được đào tạo cũng như hướng dẫn nghiệp vụ. Đại đa số đội ngũ lao động tại khu vực nông thôn chủ yếu là nông dân gắn bó với ruộng, vườn... nên nhận thức, tư duy phát triển du lịch nông nghiệp chưa có. Chính vì vậy, các hộ gia đình chỉ quen với lối canh tác, trồng trọt nhưng định hình được tư duy và kỹ năng về dịch vụ du lịch.
Về chính sách phát triển du lịch nông thôn, mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt được những hiệu quả làm thay đổi diện mạo nông thôn của Bắc Kạn đã có nhiều đổi thay rõ rệt, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa ban hành được cơ chế chính sách để thúc đẩy loại hình du lịch nông thôn phát triển.
1. Thôn Phiêng An
Thôn Phiêng An cách trung tâm huyện Bạch Thông 26km, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn 04km, với diện tích đất tự nhiên 70ha, trong đó đất lâm nghiệp 56ha, đất nông nghiệp 0,5ha, đất trồng cây ăn quả hơn 14,5ha, gồm 04 dân tộc (Dao, Tày, Nùng, Kinh), trong đó dân tộc Dao chiếm 90%, với 23 hộ, 109 nhân khẩu. Hoạt động kinh tế chủ yếu là trồng cây ăn quả như ổi, cam, quýt, bưởi, vải, táo; trồng, sản xuất, chế biến chè và nghề thủ công truyền thống. Thu nhập bình quân năm 2019 đạt 36.500.000 đồng/người/năm. Xã Quang Thuận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, dự kiến năm 2020 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật của thôn hiện có: Đường đến thôn khá thuận lợi, đường trong thôn được bê tông hóa, thoáng sạch đẹp, thôn có 1,8km đường giao thông nông thôn, nội đồng, cơ bản đã được kiên cố hóa, thôn có 01 nhà văn hóa, 01 sân thể thao. Nhà Văn hóa hoạt động theo quy chế quản lý thiết chế văn hóa cơ sở, thôn đã xây dựng thành lập đội bóng chuyền, đội văn nghệ.
Nhà ở chủ yếu là nhà xây, có công trình vệ sinh khép kín, chuồng trại chăn nuôi được bố trí khá hợp lý, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là giếng khoan hợp vệ sinh, đủ dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu. Tình hình an ninh thôn trật tự luôn được đảm bảo, không có tệ nạn xã hội.
Về bản sắc văn hóa: Thôn vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Dao; sử dụng ngôn ngữ Dao, dịp lễ, tết mặc trang phục truyền thống dân tộc.
Về môi trường, cảnh quan: Thôn có khuôn viên vườn cây ăn quả xen lẫn đồi chè (khoảng 14,5 ha). Cây ăn quả chủ yếu là ổi, cam quýt, bưởi… Các loại cây ăn quả ở đây đã được chăm sóc theo tiêu chí hoa quả sạch đạt tiêu chuẩn OCOP, phong phú về chủng loại, sản lượng đủ cung cấp quanh năm, đặc biệt là quả ổi ngon, ngọt được nhiều người ưa chuộng. Người dân và chính quyền địa phương rất ủng hộ việc phát triển du lịch cộng đồng tại thôn nhất trí chỉnh trang lại khuôn viên, vườn, chuồng trại chăn nuôi, chuyển hướng sản xuất trồng trọt, đổi mới cách thức sản xuất, sẵn sàng hợp tác xây dựng mô hình điểm du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đời sống cũng như thu nhập cho người dân địa phương.
Với những tiềm năng trên, từ năm 2017 đến nay, một số công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã bắt đầu quan tâm và đưa khách du lịch đến thôn để tham quan, trải nghiệm du lịch và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp sạch của người dân trong thôn. Nắm bắt được thị hiếu của khách du lịch, một số hộ gia đình trong thôn Phiêng An đã mạnh dạn tìm hiểu, áp dụng mô hình phát triển trồng trọt kết hợp với trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp phục vụ du khách.
2. Thôn Chúa Lải
Thôn Chúa Lải cách trung tâm huyện Chợ Mới 25km, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn 15km, thôn có tổng diện tích tự nhiên khoảng 350ha. Trong đó đất nông nghiệp trồng lúa có 33,8ha, đất trồng màu 9,2ha, đất lâm nghiệp trên 300ha; gồm các dân tộc: Kinh, Tày, Dao... cùng sinh sống (trong đó dân tộc Tày chiếm 90%), thôn có 102 hộ và 414 nhân khẩu. Hoạt động kinh tế chủ yếu là trồng lúa, ngô, trồng cây lâm nghiệp... Nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực lao động sản xuất, thu nhập bình quân năm 2019 đạt 25.500.000 đồng/người/năm. Theo lộ trình xã Thanh Vận trong giai đoạn 2020 - 2021 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới.
Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật hiện có: Hệ thống giao thông đến thôn khá thuận lợi, đường trong thôn được bê tông hóa, thoáng sạch đẹp, thôn có 02km đường giao thông nông thôn, nội đồng, cơ bản đã được kiên cố hóa, thôn có 01 nhà văn hóa, 01 sân thể thao, Nhà Văn hóa hoạt động theo quy chế quản lý thiết chế văn hóa cơ sở, thôn đã xây dựng thành lập đội bóng chuyền, đội văn nghệ.
Nhà ở chủ yếu là nhà xây, tuy nhiệm hiện trong thôn còn giữ 12 nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, có công trình vệ sinh phục vụ gia đình tách rời với nhà ở. Chuồng trại chăn nuôi bố trí hợp lý, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là giếng khoan hợp vệ sinh, đủ dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu. Tình hình an ninh trật tự thôn luôn được đảm bảo, không có tệ nạn xã hội.
Về bản sắc văn hóa: Thôn Chúa Lải vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Tày, những dịp tết, lễ mặc trang phục truyền thống; các làn điệu hát sli, hát lượn, nấu các món ăn ẩm thực của người dân địa phương vẫn được duy trì.
Về môi trường, cảnh quan: Hiện nay bà con trong thôn đã trồng hoa hai bên đường, thôn còn giữ được một số ngôi nhà sàn và đặc biệt hơn, người dân ở đây đã nhận thức khá tốt về phát triển du lịch cộng đồng, biết tạo cảnh quan, có ý tưởng tạo ra các sản phẩm để phục vụ khách du lịch, du khách đến thôn có thể trải nghiệm sản xuất nông nghiệp như gặt lúa, trồng cây, câu cá... Từ năm 2017 đến nay, một số công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã đưa khách du lịch đến thôn trải nghiệm tìm hiểu về phong tục tập quán của người Tày, các nghề thủ công, trang phục truyền thống, cách chế biến các món ăn, các loại bánh... truyền thống của người Tày và hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương; trực tiếp trải nghiệm cùng người dân chế biến những món ăn truyền thống, làm các loại bánh (gói bánh chưng, giã bánh dầy, nặn bánh trôi, làm bánh tẻ...); trực tiếp cùng người dân đi cày, cấy và thu hoạch lúa ngô, trồng rau, câu cá dịch vụ tại Hồ Nà Đon, Hồ Tân Minh..., đan lát một số vật dụng trong gia đình... Trong thôn đã thành lập nhiều tổ hợp tác để hỗ trợ nhau trong sản xuất nông nghiệp, du lịch, nhiều hộ gia đình đã chỉnh trang và xây dựng nhà cửa để đón tiếp khách.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Xây dựng 02 mô hình điểm từ đó từng bước nhân rộng để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn để góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với nông - lâm nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí và đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân, giữ gìn phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.
2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành việc xây dựng 02 mô hình điểm du lịch tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới.
Thu hút khách du lịch đến tham quan hoặc trực tiếp tham gia trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp và kết hợp mua sắm các sản phẩm nông sản sạch và đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện Bạch Thông, huyện Chợ Mới tại thôn Phiêng An và thôn Chúa Lải.
Cung cấp dịch vụ về ẩm thực truyền thống; văn hóa, văn nghệ mang bản sắc của dân tộc Dao (thôn Phiêng An) và dân tộc Tày (thôn Chúa Lải).
Sau khi các mô hình đi vào hoạt động, phấn đấu mỗi năm thu hút hơn 15.000 lượt khách với dự kiến doanh thu mang lại khoảng 09 tỷ đồng và tăng dần về số lượng vào các năm tiếp theo.
1. Nhiệm vụ
1.1. Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất
a) Đối với mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại thôn Phiêng An
Xây dựng 01 nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản sạch và đạt tiêu chuẩn OCOP kết hợp với nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn.
Xây dựng 01 bãi đỗ xe (diện tích khoảng 500m2).
Xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch.
Xây dựng cổng chào và các biển chỉ dẫn, thuyết minh về mô hình du lịch của thôn (đây là một trong những điều kiện để công nhận điểm du lịch).
Xây dựng, tạo các con đường đi bộ tham quan trải nghiệm tại các khu vườn cây ăn quả, đồi chè của các hộ gia đình trong thôn.
Tạo cảnh quan môi trường: Trồng cây cảnh, hoa... dọc hai bên ven đường vào thôn.
Chỉnh trang sân ngõ, bờ rào, vườn cây ngăn nắp, gọn gàng sạch sẽ.
Thành lập các đội văn nghệ quần chúng của thôn.
Hướng dẫn việc thực hiện thu gom và xử lý rác thải, nước thải theo quy định, vệ sinh đường vào thôn và những nơi công cộng luôn sạch sẽ; hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Thời gian thực hiện: Năm 2021 - 2025.
Đơn vị chủ trì: Ủy ban nhân dân huyện Bạch Thông.
Đơn vị phối hợp: Các Sở, Ngành, đơn vị liên quan.
b) Đối với mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Chúa Lải:
Xây dựng 01 nhà sinh hoạt cộng đồng, kết hợp làm nhà điều hành chung của thôn để phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và giao lưu văn hóa văn nghệ và thưởng thức các món ăn ẩm thực của địa phương.
Xây dựng 01 bãi đỗ xe (diện tích khoảng 500m2).
Xây dựng cổng của thôn, các biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm tham quan của thôn (nhằm hướng tới điều kiện để công nhận điểm du lịch).
Xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch theo quy định.
Xây dựng con đường vào thôn và một số con đường nhánh vào các hộ gia đình nhằm phục vụ cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Chỉnh trang nhà sàn cho 12 hộ gia đình còn lưu giữ được để có thể đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Hỗ trợ, định hướng cho 04 gia đình có khả năng kinh doanh dịch vụ lưu trú khi khách du lịch có nhu cầu, đầu tư đồng bộ các vật dụng theo hướng lưu giữ và phát huy bản sắc của dân tộc Tày nhằm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng thân thiện bền vững. Ngoài ra, vận động thêm một số hộ gia đình khác dựng thêm một số ngôi nhà sàn của dân tộc Tày để kinh doanh phục vụ phát triển du lịch.
Sửa chữa nhà tắm, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi của 102 hộ gia đình trong thôn.
Tạo cảnh quan môi trường: Trồng cây cảnh, hoa... dọc hai bên ven đường vào thôn.
Chỉnh trang sân ngõ, bờ rào, ao, vườn và những nơi công cộng luôn gọn gàng, sạch đẹp.
Khôi phục làng nghề, thành lập Đội văn nghệ của thôn.
Hướng dẫn việc thực hiện thu gom và xử lý rác thải, nước thải theo quy định, vệ sinh con đường vào thôn và những nơi công cộng luôn sạch sẽ; hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Thời gian thực hiện: Năm 2021 - 2025.
Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới.
Đơn vị phối hợp thực hiện: Các Sở, Ngành, đơn vị liên quan.
1.2. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho 02 mô hình
Tổ chức lớp tập huấn đào tạo, nâng cao kỹ năng kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiệp vụ du lịch; chế biến các món ăn... cho các hộ dân tại thôn Phiêng An và thôn Chúa Lải.
Tổ chức và mời đại diện các hộ gia đình đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong phát triển du lịch nông thôn tại các tỉnh bạn.
Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2024.
Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đơn vị phối hợp: Ủy ban nhân dân huyện Bạch Thông, Ủy ban nhân dân xã Quang Thuận và các đơn vị liên quan.
1.3. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch
Xây dựng chuyên mục, bài viết, hình ảnh, phóng sự; biên soạn, in ấn bản đồ, tờ rơi, tập gấp… giới thiệu, quảng bá về mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại thôn Phiêng An và du lịch cộng đồng tại thôn Chúa Lải trên các kênh thông tin đại chúng, trang web du lịch của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang Thông tin điện tử của huyện Bạch Thông, huyện Chợ Mới.
Giới thiệu, quảng bá mô hình du lịch nông thôn của thôn Phiêng An, thôn Chúa Lải tại các cuộc triển lãm, hội nghị, hội thảo khu vực và toàn quốc.
Cung cấp thông tin về các tour liên kết với điểm du lịch nông thôn cho các công ty/đơn vị lữ hành
Thời gian thực hiện: Năm 2024 - 2025.
Đơn vị chủ trì triển khai thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đơn vị phối hợp thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn và các đơn vị liên quan.
1.4. Tổng kết đánh giá kết quả xây dựng mô hình
Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2025.
Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đơn vị phối hợp: Các Sở, Ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
2. Giải pháp thực hiện Đề án
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối kết hợp của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện Bạch Thông, Chợ Mới; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, ý kiến tư vấn của các chuyên gia, Hiệp hội Du lịch; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, đảm bảo tính đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân về xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn; tuyên truyền về lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương và văn hóa đặc trưng từng vùng là nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở địa phương.
Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ khách du lịch cho người dân địa phương; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ xã, thôn.
Khuyến khích đa dạng hóa nguồn vốn bằng việc lồng ghép, thu hút đầu tư, xã hội hóa từ vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Nhà nước hỗ trợ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, vật chất (xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục các làng nghề, chỉnh trang, tôn tạo nhà cửa, đường sá, bãi đỗ xe…) điều chỉnh quy hoạch, định hướng sản xuất nông nghiệp, tham quan, đào tạo, tập huấn, xúc tiến du lịch, tạo cảnh quan môi trường…
Tăng cường công tác xúc tiến, kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến nhằm thu hút du khách để khai thác tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch ở nông thôn. Nâng cao chất lượng, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP.
1. Nguồn lực đầu tư: Từ nguồn ngân sách Nhà nước; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nguồn xã hội hóa (từ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia kinh doanh hoạt động du lịch nông thôn tại thôn Phiêng An và thôn Chúa Lải).
2. Hằng năm đơn vị, địa phương căn cứ vào nội dung nhiệm vụ được phân công chủ trì chủ động xây dựng dự toán kinh phí thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh; Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thẩm định, tổng hợp vào dự toán ngân sách hằng năm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.
3. Khái toán tổng nhu cầu triển khai Đề án
3.1. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án: 16.250 triệu đồng (Trong đó nguồn vốn ngân sách: 8.800 triệu đồng; nguồn xã hội hóa: 7.450 triệu đồng). Cụ thể:
* Cơ sở vật chất mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông: Tổng khái toán kinh phí thực hiện: 5.800 triệu đồng, trong đó:
+ Cấp tỉnh: 1.125 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 925 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 200 triệu đồng).
+ Cấp huyện: 1.425 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 1.025 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 400 triệu đồng).
+ Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 1.450 triệu đồng.
+ Nguồn xã hội hóa: 1.800 triệu đồng.
* Cơ sở vật chất mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới: Tổng khái toán kinh phí thực hiện: 9.600 triệu đồng, trong đó:
+ Cấp tỉnh: 1.375 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 1.225 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 150 triệu đồng).
+ Cấp huyện: 1.375 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 925 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 450 triệu đồng).
+ Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 1.450 triệu đồng.
+ Nguồn xã hội hóa: 5.400 triệu đồng.
* Đào tạo nguồn nhân lực 02 mô hình thôn Phiêng An, thôn Chúa Lải: Tổng khái toán kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng, trong đó:
+ Cấp tỉnh: 100 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 100 triệu đồng).
+ Cấp huyện: 100 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển:100 triệu đồng)
+ Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 150 triệu đồng.
+ Nguồn xã hội hóa: 150 triệu đồng.
* Công tác quảng bá xúc tiến 02 mô hình thôn Phiêng An, Chúa Lải: Tổng khái toán kinh phí thực hiện: 300 triệu đồng, trong đó:
+ Cấp tỉnh: 50 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 50 triệu đồng).
+ Cấp huyện: 50 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển:50 triệu đồng)
+ Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 100 triệu đồng.
+ Nguồn xã hội hóa: 100 triệu đồng.
* Tổng kết đánh giá hiệu quả 02 mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Khái toán kinh phí thực hiện: 50 triệu đồng (từ nguồn kinh phí chi thường xuyên).
3.2. Phân kỳ và nguồn lực đầu tư
Đơn vị tính: Triệu đồng
STT | Năm | Tổng nhu cầu đầu tư | Nguồn ngân sách Nhà nước | Nguồn xã hội hóa |
1 | 2021 | 3.880 | 1.900 | 1.980 |
2 | 2022 | 3.140 | 1.800 | 1.340 |
3 | 2023 | 3.290 | 1.660 | 1.630 |
4 | 2024 | 3.260 | 1.580 | 1.680 |
5 | 2025 | 2.680 | 1.860 | 820 |
Tổng cộng | 16.250 | 8.800 | 7.450 |
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Căn cứ các nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án tại từng địa phương, đơn vị và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các huyện Bạch Thông, Chợ Mới xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại thôn Phiêng An và mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Chúa Lải.
3. Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới tỉnh
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện: Bạch Thông, Chợ Mới nghiên cứu, đề xuất bố trí nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để triển khai Đề án.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân đối bố trí ngân sách, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Đề án theo phân kỳ hằng năm đạt hiệu quả; phối hợp với các Sở, Ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, ưu đãi thu hút đầu tư phát triển du lịch gắn với nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã được xác định trong Đề án.
5. Sở Tài chính
Hằng năm căn cứ khả năng ngân sách tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo đúng quy định.
6. Sở Công Thương
Phối hợp với Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện: Bạch Thông, Chợ Mới nghiên cứu, xây dựng hệ thống cửa hàng giới thiệu, trưng bày các sản phẩm từ khu vực nông thôn phục vụ phát triển du lịch tại thôn Phiêng An và thôn Chúa Lải.
7. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn
Chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực cho vay các thành phần kinh tế trong đó có lĩnh vực du lịch, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần phát triển mô hình du lịch nông thôn của tỉnh.
8. Ủy ban nhân dân các huyện: Bạch Thông, Chợ Mới
Căn cứ nội dung Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công trong Đề án.
Tập trung, bố trí và huy động các nguồn lực cần thiết để xây dựng mô hình, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư đồng bộ hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đáp ứng để phát triển du lịch nông thôn.
Nghiên cứu đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên địa bàn, bao gồm du lịch nông nghiệp phù hợp với tiềm năng và quy mô phát triển du lịch địa phương.
Nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình điểm của địa phương để triển khai, nhân rộng, kết hợp phát triển du lịch với sản xuất nông nghiệp.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai Đề án trên địa bàn; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hằng năm hoặc đột xuất về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp./.
- 1Kế hoạch 106/KH-UBND năm 2019 về phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2Nghị quyết 41/NQ-HĐND năm 2019 về thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025
- 3Quyết định 30/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025
- 4Quyết định 3102/QĐ-UBND năm 2020 về Quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố ấp nông thôn mới (trên địa bàn 04 xã biên giới và bãi ngang ven biển); ấp nông thôn mới kiểu mẫu; vườn mẫu tỉnh Kiên Giang
- 5Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án Phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025
- 6Kế hoạch 55/KH-UBND thực hiện Đề án phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, năm 2021
- 7Kế hoạch 54/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025
- 8Quyết định 420/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt điều chỉnh Danh sách thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum thực hiện điểm về xây dựng thôn nông thôn mới giai đoạn 2022-2023
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật Du lịch 2017
- 3Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Nghị quyết 103/NQ-CP năm 2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 19/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội thảo toàn quốc “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Kế hoạch 106/KH-UBND năm 2019 về phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 7Quyết định 107/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Kạn năm 2020
- 8Nghị quyết 41/NQ-HĐND năm 2019 về thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025
- 9Quyết định 30/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025
- 10Quyết định 3102/QĐ-UBND năm 2020 về Quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố ấp nông thôn mới (trên địa bàn 04 xã biên giới và bãi ngang ven biển); ấp nông thôn mới kiểu mẫu; vườn mẫu tỉnh Kiên Giang
- 11Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án Phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025
- 12Kế hoạch 55/KH-UBND thực hiện Đề án phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, năm 2021
- 13Kế hoạch 54/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025
- 14Quyết định 420/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt điều chỉnh Danh sách thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum thực hiện điểm về xây dựng thôn nông thôn mới giai đoạn 2022-2023
Quyết định 2387/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Đề án Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025” tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn
- Số hiệu: 2387/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/12/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
- Người ký: Phạm Duy Hưng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra