Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2375-NN-CBNLS/QĐ

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ VIỆC XÉT DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI VÀ CẤP GIẤY PHÉP CHẾ BIẾN GỖ, LÂM SẢN KHÁC CHO CÁC DOANH NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Quyết định số 14/CT ngày 15/1/1992 của Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc giao cho Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản;
Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 1/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục chế biến Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 352/TTg ngày 28/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục chế biến Nông lâm sản và Ngành nghề nông thôn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 80-TC/TCT ngày 21/12/1996 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định điều kiện hành nghề và lệ phí cấp giấy phép hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác.
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và Ngành nghề nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản: “Quy chế về việc xét duyệt quy hoạch mạng lưới và cấp giấy phép chế biến gỗ, lâm sản cho các doanh nghiệp”.

Điều 2. Quy chế này có hiệu lực từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông Chánh Văn phòng, Cục Vụ trưởng các cục vụ chức năng, ông Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và Ngành nghề nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lâm sản Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nguyễn Thiện Luân

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

XÉT DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI VÀ CẤP GIẤY PHÉP CHẾ BIẾN GỖ VÀ LÂM SẢN KHÁC CHO CÁC DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2375 ngày 30 tháng 12 năm 1996)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Cục Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với việc quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ, lâm sản trên phạm vi cả nước và cấp giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác của các doanh nghiệp có chức năng chế biến gỗ, lâm sản, thuộc các đối tượng:

- Doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài.

- Doanh nghiệp nhà nước thuộc Trung ương và địa phương.

- Doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

2. Cục Chế biến nông lâm sản và Ngành nghề nông thôn có trách nhiệm:

- Hướng dẫn, chỉ đạo các sở NN & PTNN, các đơn vị trong ngành, ngoài ngành lập hồ sơ thủ tục xin quy hoạch và xin cấp giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác của các doanh nghiệp theo quy định của quy chế này.

- Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin phê duyệt quy hoạch và xin cấp giấy phép của các doanh nghiệp theo quy định. Chuẩn bị ý kiến trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ra quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ, lâm sản cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Cấp giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác cho các doanh nghiệp đã được đưa vào quy hoạch.

- Thu hồi giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác của các doanh nghiệp vi phạm quy chế, phá sản hoặc giải thể.

3. Trước khi các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập doanh nghiệp chế biến gỗ lâm sản thuộc các đối tượng nêu ở điểm 1 trên đây, phải có văn bản thoả thuận của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, như quy định tại điểm 3 của Quyết định số 14/CT ngày 15/1/1992 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Sở NN & PTNT các tỉnh, thành phố có trách nhiệm lập quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản của địa phương mình trình UBND tỉnh, thành phố xem xét phê duyệt. Đồng thời tập hợp hồ sơ của các doanh nghiệp, bản quy định hoạch toán mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản, kèm theo văn bản phê duyệt của UBND tỉnh, thành phố, gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết.

II. NHỮNG CĂN CỨ VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ XÉT DUYỆT QUY HOẠCH CÁC DOANH NGHIỆP VÀO MẠNG LƯỚI CHẾ BIẾN GỖ LÂM SẢN

1. Căn cứ

- Nguyên liệu cho chế biến gỗ chủ yếu từ gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu.

- Đối với các tỉnh có rừng được phép khai thác: Căn cứ sản lượng gỗ, lâm sản theo thiết kế khai thác được duyệt và lượng gỗ, lâm sản nhập khẩu hàng năm.

- Đối với các tỉnh, thành phố khác còn lại: Căn cứ định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khối lượng gỗ, lâm sản khai thác ở các tỉnh, thành phố có rừng điều tiết chuyển về, nguồn gỗ lâm sản từ rừng trồng tại địa phương, khu vực và nguồn gỗ, lâm sản nhập khẩu.

Theo các căn cứ trên, để xác định số lượng các doanh nghiệp, quy mô và cơ cấu mặt hàng chế biến của từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố theo nguyên tắc khối lượng nguyên liệu đưa vào chế biến cân đối với khả năng cung cấp, triệt để tiết kiệm tiêu dùng gỗ.

2. Điều kiện

- Có nguồn nguyên liệu ổn định.

- áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến, chế biến ra các sản phẩm tinh chế, giá trị cao, tiêu hao ít nguyên liệu, an toàn lao động và không tổn hại đến môi trường.

- Có đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật thành thạo nghề.

- Có quyết định thành lập doanh nghiệp và đã được cấp giấy đăng ký sản xuất chế biến mặt hàng gỗ, lâm sản, có đủ hồ sơ quy định ghi ở mục III dưới đây.

- Đã nộp lại giấy phép chế biến gỗ, lâm sản đã được cấp trước đây.

- Có giấy chứng nhận không gây tổn hại môi trường của cơ quan có thẩm quyền thuộc ngành khoa học công nghệ và môi trường.

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần xem xét lại quy mô, cơ cấu mặt hàng và cũng phải đủ hồ sơ theo quy định ở mục III dưới đây.

- Ưu tiên đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với công nghệ và thiết bị tiên tiến gắn với vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, đặc biệt là các doanh nghiệp có tham gia đầu tư góp vốn trồng rừng bằng các phương thức theo chính sách hiện hành của Nhà nước. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, lâm đặc sản rừng, sản xuất hàng mỹ nghệ và ngành nghề truyền thống.

- Không đưa vào quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ lâm sản trên địa bàn các tỉnh đồng bằng và thành phố các doanh nghiệp chỉ xẻ gỗ, bóc gỗ, lạng gỗ đơn thuần, hoặc các doanh nghiệp thiết bị cũ kỹ lạc hậu, mặt hàng đơn điệu, giá trị thấp, lãng phí nguyên liệu.

- Doanh nghiệp nằm ở địa bàn miền núi chuyên chế biến phôi hoặc phục vụ các chương trình định canh định cư, xây dựng vùng kinh tế mới, xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sâu, vùng cao, vùng xa, sẽ tuy từng trường hợp cụ thể xem xét đưa vào quy hoạch.

- Nộp lệ phí theo quy định.

3. Đối với hình thức chế biến lâm sản là hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân, thực hiện như sau:

- Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quy hoạch sắp xếp trên địa bàn và có công văn thoả thuận cho hành nghề, nhưng không thu lệ phí, thời gian hoạt động hai năm một, đồng thời báo cáo danh sách về Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn theo mẫu biểu đính kèm quy chế này.

- Không cho các hợp tác xã, các hộ và cá nhân hành nghề khi chỉ xẻ gỗ, bóc gỗ, lạng gỗ đơn thuần nếu sử dụng gỗ từ rừng tự nhiên.

- Khuyến khích các hợp tác xã, các hộ và cá nhân sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng, gỗ vườn, song mây, tre trúc, vỏ, rễ cây, chế biến tinh dầu nhựa rừng, sản xuất các sản phẩm tinh chế giá trị cao. Đặc biệt khuyến khích sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống.

III. THỦ TỤC HỒ SƠ XIN XÉT DUYỆT

1. Thủ tục

- Doanh nghiệp đóng tại địa phương nào gửi hồ sơ xin cấp giấy phép cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn địa phương đó. Các doanh nghiệp do các Bộ, Ngành ra quyết định thành lập còn phải gửi hồ sơ cho Bộ, Ngành chủ quản để tổng hợp và sau đó gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét khi phê duyệt.

- Doanh nghiệp đặt địa điểm sản xuất ở nhiều tỉnh, thành phố, lấy địa điểm đặt trụ sở chính để lập hồ sơ xin cấp giấy phép cho doanh nghiệp, còn các cơ sở sản xuất ở địa điểm khác phải được Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố sở tại đồng ý đưa vào quy hoạch trên địa bàn.

2. Hồ sơ

a. Hồ sơ xin phê duyệt quy hoạch gồm:

- Văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin duyệt quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn.

- Phương án sắp xếp quy hoạch, và bản thống kê tổng hợp các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản trong và ngoài quốc doanh của địa phương, các Bộ, Ngành TW, các địa phương khác và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn.

b. Hồ sơ của các doanh nghiệp phải làm gồm: - Đơn xin giấy phép chế biến gỗ và lâm sản.

- Danh mục máy móc thiết bị (Tên, kỹ mã hiệu, năm sản xuất, nước sản xuất, tình trạng chất lượng % so với mới).

- Danh sách cán bộ, kỹ thuật và công nhận bậc 4 trở lên về chế biến gỗ, lâm sản.

- Giấy phép chế biến gỗ lâm sản cũ (nếu có).

- Bản sao:

+ Quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy phép đầu tư (nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

+ Giấy đăng ký kinh doanh.

+ Giấy đăng ký kinh doanh - xuất nhập khẩu trực tiếp (nếu có).

+ Giấy xác nhận về bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền.

- Bản thuyết minh giải trình các nội dung sau:

+ Công suất thiết kế, cơ cấu sản phẩm, sản lượng hàng năm.

+ Nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu (gỗ rừng tự nhiên, gỗ rừng trồng hoặc gỗ nhập khẩu).

+ Các giải pháp bảo vệ môi trường và an toàn lao động.

IV. QUẢN LÝ VIỆC CẤP VÀ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp UBND tỉnh, thành phố có lịch định kỳ kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động theo nội dung giấy phép và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh, thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi xét thấy cần thiết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức kiểm tra ở một số doanh nghiệp.

2. Định kỳ mỗi năm 2 lần, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn giúp UBND tỉnh, thành phố báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Chế biến NL & NNNT) tình hình diễn biến và hoạt động của các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép theo mẫu biểu đính kèm.

- Báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm (gửi trước ngày 15/7 hàng năm).

- Báo cáo tình hình cả năm (gửi trước ngày 30/1 năm sau).

3- Trường hợp cần bổ sung thêm doanh nghiệp vào qui hoạch thì UBND tỉnh, thành phố có tờ trình kèm hồ sơ gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giải quyết.

4- Nếu doanh nghiệp cần thay đổi tên, địa điểm sản xuất, cơ cấu sản phẩm, qui mô sản lượng trong giấy phép hoặc sát nhập, thì UBND tỉnh, thành phố có tờ trình kèm hồ sơ gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cục Chế biến NLS & NNNT có trách nhiệm xem xét đổi giấy phép theo nội dung mới.

5- Trường hợp doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập danh sách báo cáo UBND tỉnh, thành phố. Sau khi có ý kiến bằng văn bản của UBND tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xoá tên doanh nghiệp trong qui hoạch và thu hồi giấy phép.

- Phá sản hoặc giải thể.

- 9 tháng liên tục không hoạt động sản xuất.

- Lợi dụng giấy phép chế biến gỗ, lâm sản để kinh doanh mua bán gỗ, lâm sản trái phép.

- Mua, bán, cho mượn giấy phép.

- Không thực hiện báo cáo định kỳ (6 tháng và cả năm).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Thời gian xét duyệt qui hoạch mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản kể từ ngày ban hành qui chế này.

Cục Chế biến nông lâm sản và NNNT đôn đốc và có chương trình làm việc cụ thể với các địa phương và Bộ, Ngành TW có liên quan.

2. Cục Chế biến nông lâm sản và NNNT thẩm định hồ sơ quy hoạch và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ, lâm sản của các tỉnh, thành phố.

3. Căn cứ quyết định phê duyệt quy hoạch của Bộ, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và Phát triển nông thôn ký giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác cho các doanh nghiệp khi được uỷ quyền như quy định tại Điều 2 Quyết định số 352/TTg (28/5/1996) của Thủ tướng Chính phủ về chức năng quyền hạn của Cục.

Các giấy phép do Bộ Lâm nghiệp cũ hoặc các cấp chính quyền địa phương được Bộ Lâm nghiệp phân cấp, đã cấp cho các doanh nghiệp chỉ có giá trị lưu hành đến hết ngày 31 tháng 3 năm 1997.

+ Giấy phép do Cục Chế biến nông lâm sản và NNNT cấp cho các doanh nghiệp bình thường có giá trị đến 31/12/2000 và được phát hành 2 bản

- 1 bản cho các doanh nghiệp

- 1 bản lưu tại Cục Chế biến NLS và NNNT.

+ Trường hợp đặc biệt đối với các doanh nghiệp có công nghệ, thiết bị lạc hậu chưa có điều kiện thay đổi công nghệ thiết bị hoặc chuyển hướng sản xuất ngay được cần có thời gian chuyển đổi hoặc đầu tư thêm thì chỉ cấp giấy phép đến thời hạn 31/12/1998.

Mẫu Giấy phép này như bản photo đính kèm

Quy cách khổ giấy 29,7 cm x 19,7 cm có thể gấp lại thành 4 trang: Trang 1: Màu xanh lá mạ láng bóng, chữ "Giấy phép chế biến gỗ và lâm sản khác" màu xanh lá cây, các chữ khác màu đen.

Trang 2, 3: có hoa văn màu xanh trên nền trắng cả trang, các chữ in màu đen.

Trang 4: Toàn trang màu xanh lá mạ láng bóng.

4. Về lệ phí cấp giấy phép.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Cục Chế biến NLS và NNNT tổ chức thực hiện Thông tư số 80 TC/TCT ngày 21/12/1996 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn chế độ thu nộp và quản lý phí thẩm định điều kiện hành nghề và lệ phí cấp giấy phép hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác".

Tiền thu nói trên (bao gồm tiền mặt, ngân phiếu, séc, chuyển khoản...) được gửi vào Tài khoản 710A-00930 của Cục Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương Ba Đình - Hà Nội trước khi thẩm định và cấp giấy phép hành nghề.

Vụ Tài chính kế toán giúp Bộ kiểm tra thực hiện theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn Cục Chế biến NLS và NNNT về mặt chuyên môn nghiệp vụ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2375-NN-CBNLS/QĐ năm 1996 về Quy chế xét duyệt quy hoạch mạng lưới và cấp giấy phép chế biến gỗ, lâm sản khác cho các doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triễn nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2375-NN-CBNLS/QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Thiện Luân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản