Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2343/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 21 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN "CHUẨN QUỐC GIA TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG GIAI ĐOẠN 2008 - 2015" TỈNH TRÀ VINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 255/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 4696/QĐ-BYT ngày 27/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Chuẩn quốc gia về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương"; Công văn số 759/BYT-DPMT ngày 18/02/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện "Chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương";

Căn cứ Công văn số 395/DPMT-LĐ ngày 18/3/2009 của Cục Y tế dự phòng và Môi trường về việc xây dựng đề án thực hiện "Chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2008 - 2015";

Xét Tờ trình số 224/TTr-SYT ngày 28/10/2009 của Giám đốc Sở Y tế và Tờ trình số 473/TTr-SNV ngày 15/12/2009 của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện "Chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2008 - 2015" tỉnh Trà Vinh, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu chung:

1.1. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh đến năm 2013 cơ bản đạt đầy đủ điều kiện hạ tầng cơ sở, trang thiết bị kỹ thuật, năng lực cán bộ và tổ chức bộ máy theo quy định Chuẩn quốc gia về Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố; đáp ứng các chức năng, nhiệm vụ quản lý, thực hiện toàn diện công tác y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh.

1.2. Đến năm 2015, bắt đầu xây dựng mới hoàn toàn cơ sở hạ tầng.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Cơ sở hạ tầng được củng cố cơ bản vào năm 2011; mô hình tổ chức được kiện toàn đạt Chuẩn quốc gia vào năm 2013.

2.2. Trên 90% cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được đào tạo, tập huấn thường xuyên và nâng cao năng lực y tế dự phòng.

2.3. Trên 35% cán bộ của Trung tâm là đại học và sau đại học chuyên ngành Y, Dược; trên 25% cán bộ xét nghiệm là kỹ thuật viên xét nghiệm, trong đó có ít nhất 5 cán bộ xét nghiệm cao cấp.

3. Các giải pháp thực hiện cụ thể:

3.1. Về cơ chế quản lý, điều hành:

a) Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án.

b) Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Y tế chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể tùy theo chức năng của ngành thực hiện đạt hiệu quả cao.

c) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế, đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe nhân dân, có chính sách phù hợp để vận động số cán bộ quân, dân y đã nghỉ hưu tham gia các hoạt động y tế tại địa phương; phát động nhân dân tự nguyện tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, thực hiện phương châm: "Mọi người vì sức khỏe cộng đồng".

3.2. Về cơ chế chính sách:

a) Triển khai thực hiện tốt những chế độ chính sách đã có của trung ương và địa phương đối với hệ thống y tế dự phòng; đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ và kịp thời, biểu dương khen thưởng người tốt việc tốt.

b) Thực hiện tỷ lệ phân bố kinh phí hoạt động thường xuyên cho hệ y tế dự phòng theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội.

c) Thực hiện tốt những chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ có năng lực. Xem xét, xây dựng những chính sách khuyến khích đặc thù của tỉnh để thu hút cán bộ làm công tác y tế dự phòng.

3.3. Về kiện toàn tổ chức và phát triển nguồn nhân lực:

a) Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ. Hàng năm, có kế hoạch tuyển dụng, bổ sung thường xuyên, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có năng lực phát triển. Thực hiện tuyển dụng, bổ sung cán bộ đảm bảo mục tiêu, số lượng biên chế đạt mức trung bình; cơ cấu và tiêu chuẩn cán bộ đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước và đúng theo chuẩn.

b) Tăng cường công tác giáo dục chính trị, đạo đức, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đặc biệt là đào tạo cán bộ đại học, sau đại học chuyên ngành Y, cán bộ xét nghiệm.

c) Xây dựng tiêu chuẩn, quy định trình độ cho từng chức danh cán bộ để làm cơ sở đào tạo trước mắt và lâu dài. Tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm của các viện khu vực, các cá nhân đầu ngành để đào tạo, tập huấn cho cán bộ của Trung tâm có đủ khả năng và nắm vững chuyên môn để mở rộng các kỹ thuật mới.

3.4. Về xây dựng cơ sở hạ tầng:

a) Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tham mưu với Sở Y tế trình UBND tỉnh hàng năm bố trí kinh phí để cải tạo các hạng mục đạt chuẩn theo hướng “cuốn chiếu” có định hướng hiện tại, tiến tới cải tạo hoàn toàn các hạng mục.

b) Phối hợp cùng UBND thị xã Trà Vinh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị có liên quan khác định vị theo quy hoạch phát triển đô thị chung của tỉnh để chọn vị trí và tiến hành xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

3.5. Bổ sung, nâng cấp trang thiết bị:

a) Tổ chức tiếp nhận đầy đủ, an toàn những trang thiết bị được các dự án và các nguồn khác cung cấp; triển khai lắp đặt, sử dụng và bảo quản, bảo trì an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.

b) Khi được cấp vốn sẽ tổ chức đấu thầu, mua sắm theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo mua được những thiết bị đúng nhu cầu sử dụng, có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện, phát huy hiệu quả sử dụng; chú trọng công tác quản lý chặt chẽ, tăng cường công tác bảo trì để kéo dài tuổi thọ và hiệu quả, công suất sử dụng.

3.6. Nguồn vốn:

a) Hàng năm tiến hành xây dựng kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, hoạt động chuyên môn, các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt để tổ chức thực hiện.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo cấp đủ ngân sách chi thường xuyên để hoạt động cho lĩnh vực y tế dự phòng; đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế, đào tạo cán bộ đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch ngân sách hàng năm.

c) Tăng cường sự đóng góp của các cá nhân và cộng đồng, kết hợp với nguồn ngân sách bổ sung của Nhà nước.

d) Phát huy hiệu quả đầu tư của các Dự án hỗ trợ về y tế của trung ương và các dự án viện trợ khác, đồng thời khuyến khích kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

4. Tổ chức thực hiện:

4.1. Sở Y tế:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án. Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chủ động trong tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện đề án theo đúng tiến độ và đạt hiệu quả. Căn cứ đề án này xây dựng kế hoạch hàng năm trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

4.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Đưa mục tiêu về Chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn và dài hạn của tỉnh; huy động các nguồn viện trợ, nguồn vốn vay, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức cho công tác xây dựng Chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh.

4.3. Sở Tài Chính:

Bố trí nguồn kinh phí để thực hiện đề án; hướng dẫn và kiểm tra việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện đề án này theo quy định hiện hành.

4.4. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xây dựng tổ chức, biên chế; hàng năm bổ sung nguồn nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng nói chung, trong đó có Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; đề xuất các chế độ chính sách riêng của tỉnh cho cán bộ làm công tác y tế dự phòng.

4.5. Sở Xây dựng và UBND thị xã Trà Vinh:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan định hướng quy hoạch xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bố trí và giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh theo nội dung, tiến độ đề án.

4.6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành tỉnh có liên quan xây dựng và trình ban hành kế hoạch bảo vệ môi trường của các ngành, nói chung, và ngành Y tế nói riêng; chống ô nhiễm môi trường khi có các nguy cơ dịch bệnh xảy ra.

4.7. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan triển khai áp dụng các tiêu Chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực y tế dự phòng.

4.8. Sở Giáo dục Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo và liên kết đào tạo cán bộ y tế dự phòng; kiện toàn mạng lưới y tế trong các trường học, tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh, tật liên quan đến học đường, đưa chương trình giáo dục sức khỏe vào nhà trường phù hợp với từng cấp học.

4.9. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh:

Phối hợp với Sở Y tế tham gia triển khai thực hiện đề án trong phạm vi hoạt động của mình; đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở - Ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện - thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Hoàn Kim

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2343/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Đề án thực hiện "Chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2008 - 2015" tỉnh Trà Vinh

  • Số hiệu: 2343/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/12/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Trần Hoàn Kim
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản