- 1Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 do Quốc hội ban hành
- 2Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989
- 3Hiến pháp năm 1992
- 4Luật về Hoạt động giám sát của Quốc hội 2003
- 5Báo cáo số 118/BC-UBTVQH12 về việc kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2008/QH12 | Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT XÃ HỘI HÓA ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;
Sau khi xem xét Báo cáo số 65/BC-CP ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ; Báo cáo kết quả giám sát số 118/BC-UBTVQH12 ngày 13 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành với những nội dung cơ bản trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan, đội ngũ cán bộ y tế, sự đóng góp của nhân dân và cộng đồng quốc tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Điều 2. Tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước. Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Quan tâm dành ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người có công, người nghèo, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tiếp tục cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa khu vực liên huyện, trạm y tế xã, bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn; hoàn thành việc đầu tư nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và đa khoa khu vực liên huyện vào năm 2010. Thực hiện các giải pháp để kiểm soát hiệu quả sử dụng ngân sách cho y tế.
Điều 3. Giao Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Sớm trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết để hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ xây dựng nền y tế hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn dân, toàn diện trên cơ sở kết hợp y tế công và y tế tư, trong đó y tế công giữ vai trò nòng cốt; khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền để đẩy nhanh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân;
2. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động về chăm sóc sức khỏe, chính sách, pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, hoạt động từ thiện, nhân đạo trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân;
3. Tiếp tục tổ chức sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế công, đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý về tài chính, nhân lực của các cơ sở y tế công để nâng cao chất lượng và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tổ chức thực hiện ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế theo quy định của pháp luật nhằm khuyến khích, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển và mở rộng các cơ sở y tế tư nhân;
4. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về y tế; cải cách mạnh mẽ thủ tục khám, chữa bệnh nhằm giảm phiền hà cho nhân dân; tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về quản lý giá thuốc, quản lý hành nghề y dược tư nhân; nâng cao y đức và trách nhiệm của cán bộ y tế, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về y tế;
5. Huy động nguồn lực xã hội để đa dạng hóa các loại hình đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo nhân lực y tế. Bổ sung và hoàn thiện chế độ ưu đãi đặc biệt với cán bộ y tế, nhất là đối với cán bộ y tế công tác ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các địa bàn khó khăn khác, cán bộ y tế dự phòng;
6. Sửa đổi, bổ sung các quy định về viện phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí phục vụ người bệnh, trong đó có phần kinh phí do Nhà nước hỗ trợ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.
Điều 4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban về các vấn đề xã hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
- 1Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 do Quốc hội ban hành
- 2Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989
- 3Hiến pháp năm 1992
- 4Luật về Hoạt động giám sát của Quốc hội 2003
- 5Báo cáo số 118/BC-UBTVQH12 về việc kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 6Quyết định 402/QĐ-TTg năm 2009 về Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Nghị quyết số 18/2008/QH12 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân do Quốc hội ban hành
- Số hiệu: 18/2008/QH12
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 03/06/2008
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Phú Trọng
- Ngày công báo: 27/06/2008
- Số công báo: Từ số 367 đến số 368
- Ngày hiệu lực: 12/07/2008
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực