- 1Luật du lịch 2005
- 2Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Nghị định 92/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Du lịch
- 4Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 5Quyết định 201/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 180/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật du lịch
- 7Luật tổ chức Chính phủ 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2228/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2016 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật du lịch;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên (sau đây viết tắt là Khu DLQG Hồ Núi Cốc) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Vị trí, quy mô khu du lịch
a) Khu vực quy hoạch phát triển Khu DLQG Hồ Núi Cốc thuộc địa bàn: thành phố Thái Nguyên (các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương), huyện Đại Từ (các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu và thị trấn Quân Chu), thị xã Phổ Yên (xã Phúc Tân) và toàn bộ thắng cảnh hồ Núi Cốc.
b) Diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành Khu DLQG là 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước).
2. Quan điểm phát triển
a) Phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo đảm an toàn, chất lượng môi trường nước của hồ Núi Cốc; phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái và lợi ích của các bên liên quan.
b) Tập trung khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh về vị trí địa lý, khí hậu, đặc biệt là cảnh quan hồ, hệ sinh thái chè và bản sắc văn hóa Trà Thái Nguyên để hình thành nên các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần tạo dựng thương hiệu của khu du lịch.
c) Phát triển Khu DLQG Hồ Núi Cốc trong không gian kết nối với các tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa; đồng thời chú trọng tăng cường liên kết với các khu, điểm du lịch quốc gia khác trong vùng Trung du miền núi Bắc bộ để hình thành các tour, tuyến du lịch liên hoàn.
d) Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; huy động mọi nguồn lực gắn với chuyển đổi và sử dụng hiệu quả lao động nông thôn để phát triển Khu DLQG bền vững, hài hòa với các mục tiêu phát triển về kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu chung
Phấn đấu trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030 Khu DLQG Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa Trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
b) Các mục tiêu cụ thể
- Chỉ tiêu về khách du lịch: Đến năm 2025 đón được khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú là 10 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú khoảng 20 nghìn lượt khách.
- Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành): Đến năm 2025 đạt khoảng 860 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
- Chỉ tiêu việc làm: Đến năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động, trong đó khoảng 600 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động, trong đó khoảng 1.000 lao động trực tiếp.
4. Các định hướng phát triển chủ yếu
a) Phát triển thị trường khách du lịch
- Khách du lịch quốc tế: Củng cố và phát triển thị trường khách du lịch truyền thống. Tập trung khai thác có hiệu quả phân khúc thị trường khách du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao và khách thương mại gắn liền với đặc sản trà, văn hóa Trà Thái Nguyên.
- Khách du lịch nội địa: Ưu tiên phát triển thị trường khách du lịch nội vùng, thị trường khách mục tiêu đến từ Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận; mở rộng thị trường từ các trung tâm phân phối khách lớn từ các thành phố lớn trong cả nước. Tập trung khai thác thị trường khách du lịch tại các khu công nghiệp trên địa bàn, du lịch hội nghị hội thảo, trao đổi thương mại gắn liền với văn hóa trà.
b) Phát triển sản phẩm du lịch
- Sản phẩm du lịch chính: Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao gắn liền với tài nguyên hồ, đảo trên hồ; du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa trà; du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng VQG Tam Đảo (khu vực xã Quân Chu), hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái chè.
- Các sản phẩm du lịch bổ trợ, như: du lịch văn hóa - tâm linh, cắm trại, dã ngoại, nghỉ dưỡng cuối tuần; dịch vụ vui chơi giải trí và thể thao cao cấp; mua sắm; văn hóa ẩm thực...
c) Tổ chức không gian phát triển du lịch
- Tổ chức không gian phát triển du lịch trên nguyên tắc: Khai thác hợp lý lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên trên bờ và không gian mặt nước hồ; hình thành mối liên hệ giữa các khu, phân khu chức năng, giữa các điểm du lịch trong khu vực nhằm tạo không gian kiến trúc, cảnh quan hấp dẫn; liên kết với vùng lân cận; hạn chế tối đa tác động đến môi trường nước hồ Núi Cốc, chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng và di chuyển dân trong khu du lịch.
- Tập trung phát triển vùng lõi Khu DLQG với các khu chức năng chính:
+ Khu Trung tâm (khu vực đất ven hồ thuộc các xã: Tân Thái, Phúc Trìu và Phúc Tân), quy mô khoảng 700 ha: là khu vực đón tiếp và phân phối khách cho Khu DLQG Hồ Núi Cốc. Định hướng đầu tư xây dựng các hạng mục gồm: Khu dịch vụ đón tiếp; khu dịch vụ khách sạn, nhà hàng, mua sắm; khu dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí tổng hợp và khu dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch gắn với cơ sở lưu trú chất lượng cao; du lịch hội nghị, hội thảo và tổ chức sự kiện; dịch vụ vui chơi giải trí và thể thao tổng hợp.
+ Phân khu văn hóa - tâm linh trên bán đảo đền Bà Chúa Thượng Ngàn (xã Vạn Thọ và xã Phúc Tân), quy mô khoảng 200 ha: Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh.
+ Phân khu sinh thái, nghỉ dưỡng trên đảo Kim Bằng, đảo Long Hội và bán đảo Tò Vò (xã Phúc Tân và xã Phúc Trìu), quy mô khoảng 300 ha: Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp.
- Phát triển theo lộ trình các khu chức năng phụ trợ, bao gồm: Khu dịch vụ thể thao giải trí cao cấp trên địa bàn xã Lục Ba, quy mô khoảng 300 ha; Khu không gian văn hóa Trà Thái Nguyên trên địa bàn các xã: Phúc Tân, Phúc Trìu và Tân Cương, quy mô khoảng 200 ha và Khu dịch vụ thể thao và sinh thái núi phía Tây thuộc xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu, quy mô khoảng 75 ha để đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Khu DLQG, phát huy hết tiềm năng du lịch của khu vực phụ cận.
- Điểm du lịch: Phát triển các điểm du lịch sinh thái trên các đảo nhỏ trong lòng hồ Núi Cốc; điểm du lịch sinh thái núi Tam Đảo; điểm du lịch tâm linh gắn liền với đền Bà Chúa Thượng Ngàn, chùa Tây Thiên Trúc; các điểm di tích lịch sử Núi Văn, Núi Võ và đền Lưu Nhân Chú.
d) Các tuyến du lịch chủ yếu
- Tuyến du lịch nội khu: Hình thành các tuyến du lịch chính kết nối các điểm tham quan vòng quanh hồ, kết nối đến vùng chè Tân Cương và các điểm văn hóa - tâm linh, di tích trong khu vực và tuyến du lịch đường thủy nối các đảo trong lòng hồ. Từng bước khai thác các tuyến du lịch bổ trợ kết hợp tham quan công trình đập thủy lợi, tuyến du lịch đi bộ khám phá hệ sinh thái rừng.
- Tuyến du lịch nội tỉnh: kết nối từ Khu DLQG đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như: Đền Đuồm (huyện Phú Lương), khu di tích lịch sử ATK (huyện Định Hóa), chùa Hang, hang Dơi (huyện Đồng Hỷ), hang Phượng Hoàng, di chỉ khảo cổ học Thần Sa (huyện Võ Nhai); các tuyến du lịch kết nối đến các di tích trên địa bàn huyện Đại Từ, thị xã Phổ Yên theo tỉnh lộ 270, 261...
- Tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế:
+ Tuyến du lịch đường bộ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng); quốc lộ 1B (kết nối với thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn); quốc lộ 3 (kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Nam)...;
+ Tuyến du lịch đường sắt đến các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh và kết nối với Trung Quốc;
+ Tuyến du lịch đường thủy kết nối đến Hải Phòng và các tỉnh vùng Duyên hải Đông Bắc.
đ) Định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch
- Về cơ sở lưu trú: Phát triển đủ số lượng buồng lưu trú cho khách du lịch theo từng giai đoạn; đồng thời nâng cấp chất lượng cơ sở lưu trú hiện có tại Khu trung tâm. Nhu cầu buồng lưu trú đến năm 2025 khoảng 1.000 buồng, trong đó trên 350 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Định hướng đến năm 2030 có khoảng 2.000 buồng, trong đó trên 500 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Ưu tiên phát triển loại hình lưu trú tại nhà dân (homestay) tại các xã có hệ sinh thái chè.
- Cơ sở vui chơi giải trí: Ưu tiên phát triển các cơ sở vui chơi giải trí thể thao, vui chơi giải trí tổng hợp tại Khu trung tâm, Khu sinh thái, nghỉ dưỡng, Khu dịch vụ thể thao giải trí cao cấp, Khu dịch vụ thể thao và sinh thái núi phía Tây.
- Cơ sở thương mại: Phát triển các cửa hàng lưu niệm, chợ truyền thống tại các xã, đặc biệt là các sản phẩm gắn liền với đặc sản chè, lương thực thực phẩm trong vùng.
- Cơ sở ăn uống: Nâng cấp chất lượng các nhà hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ khách du lịch, đồng thời chú trọng phát triển văn hóa ẩm thực truyền thống gắn liền với nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trong khu vực.
e) Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
- Định hướng phát triển hệ thống giao thông:
+ Tuyến giao thông đối ngoại là các đường tỉnh lộ 270, đường Quang Trung - tỉnh lộ 267, tỉnh lộ 261 và tuyến đường Đán - Hồ Núi Cốc; đầu tư tuyến mới từ thành phố Thái Nguyên vào Khu DLQG Hồ Núi Cốc và kết nối với di tích lịch sử ATK Định Hóa.
+ Đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông nội bộ kết nối các khu chức năng trong khu DLQG; hệ thống giao thông động và tĩnh trong từng phân khu chức năng; hoàn thiện tuyến đường ven hồ thành một trong số các đường giao thông nội bộ quan trọng nhất kết nối khu chức năng.
- Cải tạo và nâng cấp các bến thuyền hiện có; xây dựng mới một số bến thuyền tại khu vực phía Nam (xã Phúc Tân), phía Tây (xã Vạn Thọ); nâng cấp và xây dựng mới bãi đỗ xe phục vụ khách du lịch tại một số điểm du lịch quan trọng.
- Duy trì ổn định mực nước hồ bảo đảm phục vụ hoạt động du lịch: Cải tạo hồ Núi Tấn, hồ Kẹm, hồ Hàm Long (huyện Đại Từ) và hồ Nghinh Tường (huyện Võ Nhai) để cấp nước bổ sung cho hồ Núi Cốc trong mùa cạn; nâng cấp công trình đập chính xả lũ, xây dựng kênh mương dẫn nước từ sông Cầu vào hồ Núi Cốc và xây dựng hệ thống công trình thoát lũ hạ du hồ Núi Cốc trên sông Công.
g) Định hướng đầu tư
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển Khu DLQG Hồ Núi Cốc, bao gồm: vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó ưu tiên thu hút các nguồn đầu tư vào các khu chức năng theo quy hoạch để phát triển sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Căn cứ vào khả năng cân đối vốn hàng năm, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ một phần cho công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu Khu DLQG; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó chú trọng bảo vệ tài nguyên nước, phát huy giá trị văn hóa Trà Thái Nguyên, văn hóa truyền thống của cộng đồng trong Khu DLQG.
5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch
- Rà soát quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu chức năng, các dự án thành phần trong Khu DLQG theo định hướng chú trọng phát triển du lịch sinh thái, hướng tới thị trường khách du lịch cao cấp.
- Thực hiện quản lý đầu tư xây dựng phát triển Khu DLQG theo quy hoạch được duyệt và các quy định của pháp luật.
b) Giải pháp về chính sách phát triển du lịch
Bổ sung, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho đầu tư và kinh doanh du lịch; nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi cho Khu DLQG Hồ Núi Cốc.
c) Giải pháp về đầu tư
- Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư; tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư theo Danh mục dự án ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này, trong đó ưu tiên các dự án phát triển du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
- Dành nguồn ngân sách nhà nước hợp lý cho hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng Khu DLQG, nhất là khu vực hồ và vùng chè Tân Cương. Lồng ghép các chương trình, dự án của các ngành liên quan (như chương trình trồng rừng, nông thôn mới, phát triển làng nghề truyền thống...) với phát triển du lịch.
- Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả kinh tế hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch, nhất là đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại Khu không gian văn hóa Trà Thái Nguyên.
d) Giải pháp về phát triển kinh doanh và các doanh nghiệp du lịch
- Kinh doanh lữ hành: Khuyến khích các khách sạn mở dịch vụ lữ hành tại chỗ; đồng thời, tại các trung tâm thông tin giới thiệu về du lịch hồ Núi Cốc cần kết hợp thực hiện dịch vụ lữ hành.
- Kinh doanh lưu trú: Thu hút đầu tư để phát triển đủ số lượng buồng lưu trú cho khách du lịch theo từng giai đoạn; nâng cấp các cơ sở lưu trú hiện có để bảo đảm chất lượng phục vụ.
- Kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí: Kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ tại các nhà hàng, khu vui chơi giải trí.
- Kinh doanh vận chuyển khách du lịch: Cải tạo, nâng cấp các thuyền vận chuyển đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; thu hút đầu tư bổ sung các tàu vận chuyển khách du lịch có chất lượng cao.
- Kinh doanh bán hàng: Phát triển các sản phẩm hàng hóa gắn liền với cộng đồng, thương hiệu Trà Thái Nguyên và các sản phẩm lưu niệm.
đ) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
- Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên trực tiếp phục vụ; tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong phát triển nguồn nhân lực du lịch.
- Xây dựng bộ quy tắc ứng xử; áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng phục vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên, nhân viên hoạt động trong các cơ sở dịch vụ của Khu DLQG.
- Chủ động phát huy nguồn lực trong nước và quốc tế để đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tăng cường và chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn và trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
e) Giải pháp về xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu Khu du lịch
- Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá Khu du lịch để xây dựng kế hoạch, liên kết đối tác và thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá, bảo đảm thống nhất, liên tục và hiệu quả.
- Biên soạn và phát hành ấn phẩm quảng bá về du lịch hồ Núi Cốc; lồng ghép hoạt động xúc tiến quảng bá Khu du lịch trong kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch chung của tỉnh Thái Nguyên và vùng Trung du miền núi Bắc bộ.
- Thực hiện đa dạng hóa kênh xúc tiến quảng bá du lịch.
g) Giải pháp phát triển thị trường và sản phẩm du lịch
- Tập trung khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với tài nguyên sinh thái hồ; du lịch văn hóa, trải nghiệm, du lịch cộng đồng gắn với hệ sinh thái chè; sản phẩm du lịch vui chơi giải trí chất lượng cao.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ: Lưu trú du lịch, vận chuyển tham quan trên hồ, vui chơi giải trí, du lịch thể thao, du lịch tâm linh…, gắn liền với bảo đảm chất lượng môi trường du lịch.
- Chú trọng khai thác thị trường tiềm năng nội địa và quốc tế, trong đó tập trung phân khúc thị trường khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao; từng bước phát triển thị trường khách du lịch vui chơi giải trí, thể thao, cắm trại, du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần...
h) Giải pháp hợp tác, liên kết phát triển du lịch
- Hợp tác, liên kết quảng bá xúc tiến du lịch: Tăng cường liên kết, hợp tác xúc tiến quảng bá hình ảnh Khu DLQG trong Chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh, của vùng Trung du miền núi Bắc bộ và quốc gia.
- Hợp tác, liên kết khai thác và phát triển thị trường: Chú trọng liên kết với các hãng lữ hành lớn, có thương hiệu để đưa khách đến Khu DLQG.
- Hợp tác, liên kết trong phát triển sản phẩm: Hình thành chuỗi liên kết phát triển sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng độc đáo, có sức hút. Đẩy mạnh liên kết giữa Khu DLQG hồ Núi Cốc với các khu du lịch khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các khu, điểm du lịch trên các địa bàn khác để hình thành chuỗi liên kết tour, tuyến du lịch đặc sắc và hấp dẫn hơn.
i) Giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường, an ninh quốc phòng
- Giải pháp bảo vệ tài nguyên du lịch
+ Đối với hệ sinh thái trong Khu DLQG: Thực hiện đồng bộ các phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái. Hàng năm duy trì trồng cây trên các đảo các khu vực ven hồ để chống sạt lở, tạo ra cảnh quan cho Khu du lịch; bảo vệ tài nguyên hệ sinh thái nước ngọt.
+ Đối với công tác bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán: Khôi phục một số tài nguyên gắn liền với giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong Khu du lịch để tạo nên tính đa dạng và phong phú tài nguyên; xây dựng nét sinh hoạt văn hóa gắn liền với sản phẩm Trà Thái Nguyên; nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống và bảo tồn nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến giá trị văn hóa truyền thống.
- Giải pháp bảo vệ môi trường
+ Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường nước, hệ sinh thái hồ; bảo đảm chất lượng nguồn nước cấp từ đầu nguồn. Phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn.
+ Công bố công khai các chỉ tiêu, quy định về bảo vệ môi trường đối với các phương tiện vận chuyển khách du lịch trên hồ.
+ Bảo đảm 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ và cộng đồng dân cư trong khu vực có hệ thống thu gom nước thải tập trung và xử lý đạt chuẩn môi trường theo quy định. Đến năm 2030, việc thu gom chất thải rắn đạt 100% và chuyển dịch các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi vùng hồ và phụ cận.
- Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, có giải pháp hữu hiệu với hiện tượng thời tiết bất thường và phòng chống lũ, lụt trong mùa mưa bão.
- Đảm bảo an ninh, an toàn: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an ninh an toàn trong các khu, điểm du lịch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Nghiên cứu đề xuất cơ chế liên kết hợp tác các Khu du lịch quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên và các bộ, ngành liên quan để xác định những cơ chế chính sách ưu tiên; thẩm định các dự án quy hoạch và đầu tư trong phạm vi hoặc các dự án có ảnh hưởng, tác động lớn tới Khu DLQG Hồ Núi Cốc.
c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch và kêu gọi vốn đầu tư phát triển du lịch Khu DLQG Hồ Núi Cốc.
d) Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quy hoạch.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, cân đối kinh phí hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để thực hiện Quy hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.
3. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên va các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên
a) Tổ chức công bố công khai đồ án Quy hoạch được duyệt; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện; kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện Quy hoạch; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và sơ kết 05 năm thực hiện Quy hoạch.
b) Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý Khu du lịch đáp ứng vai trò nhiệm vụ quản lý Khu DLQG.
c) Rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; trong đó ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược đầu tư thực hiện các dự án phát triển Khu DLQG Hồ Núi Cốc.
d) Tổ chức lập, trình, phê duyệt theo thẩm quyền đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu DLQG; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu chức năng quan trọng và dự án khả thi nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư.
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư trên cơ sở Danh mục các dự án ưu tiên ban hành kèm theo Quyết định này.
Căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện Quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể thống nhất việc điều chỉnh tên, quyết định bổ sung hoặc giảm bớt dự án.
e) Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị và hạ tầng môi trường cho Khu du lịch; lồng ghép đầu tư du lịch với đầu tư cho các lĩnh vực khác; xúc tiến đầu tư phát triển Khu DLQG.
g) Chỉ đạo, quản lý tốt việc bảo vệ tài nguyên, môi trường Khu du lịch, đặc biệt đối với tài nguyên nước, hệ sinh thái nước ngọt, cảnh quan tự nhiên... Giáo dục quần chúng nhân dân gìn giữ và phát huy giá trị tài nguyên du lịch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khai thác lâu dài.
h) Chú trọng công tác bảo đảm trật tự, an toàn và an ninh, quốc phòng trong các hoạt động đầu tư và khai thác phát triển du lịch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀO KHU DU LỊCH QUỐC GIA HỒ NÚI CỐC, TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2228/QĐ-TTg ngày 18 tháng 22 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Hạng mục, dự án đầu tư | Kỳ thực hiện | |
Đến 2020 | 2021 - 2030 | ||
I | Tổ chức quản lý và phát triển Khu DLQG (quy hoạch, xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, các lĩnh vực khác...) | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành dự án |
II | Nhóm dự án phát triển hạ tầng Khu du lịch |
|
|
1 | Đường trục chính từ TPTN vào Khu du lịch hồ Núi Cốc (9,5 km) | Hoàn thành dự án |
|
2 | Đường trục nối ĐT261 với Hồ Núi Cốc | Hoàn thành dự án |
|
3 | Đường nối QL37 với đường trục vào Hồ Núi Cốc | Hoàn thành dự án |
|
4 | Đường nối từ thị trấn Hùng Sơn huyện Đại Từ đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa |
| Hoàn thành dự án |
5 | Đường nối từ phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên đến đường trục vào Hồ Núi Cốc |
| Hoàn thành dự án |
6 | Đường kết nối ven hồ (42,5 km) | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành dự án |
7 | Các bến thuyền (cải tạo, làm mới) | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành dự án |
8 | Đường dạo quanh khu vực trồng chè | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành dự án |
III | Nhóm dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước phụ, đập tràn, hệ thống kênh điều tiết nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt để ổn định mực nước hồ Núi Cốc |
|
|
1 | Xây dựng hồ Nghinh Tường huyện Võ Nhai; hồ Kẹm, hồ Đầm Làng huyện Đại Từ; hồ Khuôn Tát huyện Định Hóa | Hoàn thành dự án |
|
2 | Nâng cao trình mực nước dâng bình thường, tràn xả lũ bổ sung cho Hồ Núi Cốc điều tiết trong mùa mưa lũ | Hoàn thành dự án |
|
3 | Xây dựng kênh mương dẫn nước từ sông Cầu và tháo nước cho Hồ Núi Cốc | Hoàn thành dự án |
|
IV | Các dự án phát triển du lịch |
|
|
1 | Cổng vào khu du lịch, Khu vực đón tiếp | Hoàn thành dự án |
|
2 | Khu dịch vụ văn hóa | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành dự án |
3 | Khu văn hóa tâm linh, Khu giải trí thể thao tổng hợp, Khu dịch vụ thể thao giải trí cao cấp | Hoàn thành dự án |
|
4 | Cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp | Hoàn thành giai đoạn 1 | Hoàn thành dự án |
5 | Du lịch cộng đồng | Hoàn thành dự án |
|
Ghi chú: Quy mô, diện tích sử dụng đất và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.
- 1Quyết định 1528/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1845/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 2163/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 2227/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 240/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 2073/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 2098/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật du lịch 2005
- 2Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Nghị định 92/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Du lịch
- 4Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 5Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 6Quyết định 201/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2013 tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 180/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật du lịch
- 9Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 10Quyết định 1528/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 1845/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 2163/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 2227/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 240/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Quyết định 2073/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Quyết định 2098/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 2228/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 2228/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 18/11/2016
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Vũ Đức Đam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/11/2016
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết