Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2014/QÐ-UBND

Hải Dương, ngày 22 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÔN GIÁO VÀ HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÔN GIÁO VÀ HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 22/2014/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Nguyên tắc phân cấp quản lý

1. Bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

2. Xác định rõ thẩm quyền giải quyết từng nội dung công việc, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về tôn giáo, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo.

3. Giải quyết các nội dung liên quan đến tôn giáo phải bảo đảm thời gian theo quy định của pháp luật; trường hợp không chấp thuận, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân. Các hành vi lợi dụng tôn giáo để gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh, trật tự hoặc cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Tham gia quản lý hoạt động tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở địa phương, giải quyết các nội dung về tôn giáo theo đúng thẩm quyền được pháp luật quy định.

Chương II

NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÔN GIÁO VÀ HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Triển khai, áp dụng thực hiện nội dung pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn tỉnh;

b) Ban hành Quy định về quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn tỉnh;

c) Quản lý hành chính đối với các Trường đào tạo, Cơ sở đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo khoản 3, Điều 15 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ, Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi tắt là Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ), bao gồm nội dung, chương trình đào tạo, giảng dạy, học tập của các khóa học; công tác tuyển sinh, quản lý học viên, đội ngũ giảng sư…;

d) Giải quyết chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc theo khoản 2, Điều 10 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

đ) Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đăng ký hoạt động đối với hội đoàn tôn giáo, dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác có phạm vi hoạt động ở nhiều huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh theo Khoản 3, Điều 12 và Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

e) Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành vi phạm pháp luật tôn giáo đã bị Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị xử lý về hình sự (nơi hoạt động tôn giáo trước khi thuyên chuyển) theo Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

g) Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc tổ chức hội nghị thường niên, đại hội của tổ chức tôn giáo theo Điều 29 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

h) Giải quyết chấp thuận hoặc không chấp thuận Hiến chương, điều lệ sửa đổi của tổ chức tôn giáo được quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

i) Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đăng ký người đi học ở nước ngoài về được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử được quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Giải quyết công nhận hoặc không công nhận tổ chức tôn giáo có phạm vi hoạt động tôn giáo chủ yếu ở trong tỉnh được quy định tại điểm b, Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

b) Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo; việc tổ chức An cư kiết hạ của đạo Phật theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

c) Giải quyết chấp thuận hoặc không chấp thuận về đăng ký phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử các chức sắc nhà tu hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 19, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

d) Chấp thuận hoặc không chấp thuận các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo có sự tham gia của tín đồ đến từ 02 huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh trở lên hoặc ngoài tỉnh được quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

đ) Giải quyết chấp thuận hoặc không chấp thuận các hoạt động tôn giáo nằm ngoài chương trình đăng ký hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở, có sự tham gia của tín đồ ngoài tỉnh theo điểm a, Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

e) Chấp thuận hoặc không chấp thuận các hoạt động tôn giáo nằm ngoài chương trình đăng ký hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở, có sự tham gia của tín đồ ngoài tỉnh theo điểm a, Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

g) Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh, quy định tại Khoản 3 Điều 40 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

h) Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc tổ chức quyên góp của cơ sở tôn giáo vượt ra ngoài phạm vi một huyện, thành phố, thị xã được quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

i) Chấp thuận hoặc không chấp thuận cho những người được cử đi học tại các trường đào tạo, bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo;

k) Xem xét chấp thuận chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm của Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh.

Điều 4. Sở Nội vụ

a) Chấp thuận hoặc từ chối cấp đăng ký cho tổ chức tôn giáo có phạm vi hoạt động chủ yếu ở một tỉnh theo khoản 3, Điều 16 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ;

b) Có ý kiến bằng văn bản về sự cần thiết, quy mô xây dựng các công trình tôn giáo khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị, trước cấp Giấy phép xây dựng (được quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 95 Luật Xây dựng năm 2014);

c) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Sở, ngành có liên quan tuyên truyền vận động và hướng dẫn chương trình, nội dung việc giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam cho các chức sắc Phật giáo tại Khóa an cư kết hạ hàng năm theo quy định của pháp luật;

d) Thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xem xét tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nội dung tại Điều 3 Quy định này.

Điều 5. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã

1. Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đăng ký hoạt động của hội đoàn, dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác có phạm vi hoạt động tại địa phương, quy định tại Khoản 3, Điều 12 và Khoản 2, Điều 13 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

2. Giải quyết chấp thuận hoặc không chấp thuận việc tổ chức tôn giáo đăng ký thuyên chuyển các chức sắc, nhà tu hành đến hoạt động tôn giáo theo Khoản 1, Điều 23 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

3. Chấp thuận hoặc không chấp thuận hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đăng ký hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở, có sự tham gia của tín đồ trong huyện, thành phố, thị xã được quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

4. Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc tổ chức các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo có sự tham gia của tín đồ trong phạm vi một huyện, thành phố, thị xã được quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

5. Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn giáo được quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

6. Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thực hiện lễ nghi tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành được quy định tại Khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo

7. Chấp thuận hoặc không chấp thuận đại hội, hội nghị của tổ chức tôn giáo cơ sở theo khoản 1 Điều 18 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Điều 27 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

8. Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thực hiện thông báo tổ chức quyên góp của cơ sở tôn giáo vượt ra ngoài phạm vi một xã, phường, thị trấn nhưng trong phạm vi một huyện, thành phố, thị xã được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

9. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về đất đai trong lĩnh vực tôn giáo theo quy định;

10. Hướng dẫn cơ sở tôn giáo về thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình tôn giáo; công trình phụ trợ thuộc cơ sở tôn giáo và các công trình tôn giáo được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh;

11. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra và quản lý việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, di dời và xây dựng mới các công trình tôn giáo và công trình phụ trợ thuộc cơ sở tôn giáo trên địa bàn quản lý;

12. Tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết các công việc theo thẩm quyền;

13. Phối hợp với Sở Nội vụ, thống nhất với Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh trước khi Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh có văn bản tiếp nhận, bổ nhiệm trụ trì cho chức sắc, nhà tu hành về hoạt động tôn giáo tại các địa phương;

14. Xem xét chấp thuận chương trình hoạt động hàng năm của Ban trị sự Phật giáo Việt Nam cấp huyện, Ban chấp sự của Hội Thánh tin lành hoạt động trên địa bàn.

15. Giải quyết chấp thuận hoặc không chấp thuận các hoạt động tôn giáo nằm ngoài chương trình đăng ký hàng năm, có sự tham gia của tín đồ đến từ ngoài huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (không thuộc trường hợp quy định tại Điều 18 và Điều 25 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo);

16. Phòng Nội vụ thẩm định trình hoặc phối hợp với các ban, ngành thuộc huyện, thành phố, thị xã xem xét, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết các nội dung quy định tại Điều này.

Điều 6. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Tiếp nhận và giải quyết việc đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm của Ban Hộ tự chùa của đạo Phật; Ban hành giáo xứ, Ban hành giáo họ của đạo Công giáo; Chi hội, Hội nhánh, Điểm nhóm của đạo Tin lành được quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Tiếp nhận đăng ký người vào tu của người phụ trách cơ sở tôn giáo, quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

3. Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo của tín đồ các tôn giáo, quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Xác nhận sơ yếu lý lịch đối với người đăng ký vào tu, chức sắc, nhà tu hành được đăng ký thuyên chuyển, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử và được tổ chức tôn giáo cử đi đào tạo có hộ khẩu thường trú tại địa phương, quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 23 và điểm b Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Xác nhận danh sách dự kiến những người đại diện tổ chức khi đăng ký hoạt động tôn giáo được quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

6. Xác nhận thực trạng tổ chức và hoạt động của các cơ sở tu hành trực thuộc dòng tu, tu viện hoặc các tổ chức tu hành tập thể khác, được quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

7. Chấp thuận hoặc không chấp thuận đăng ký cho chức sắc, nhà tu hành là Việt kiều tham gia buổi lễ tại cơ sở thờ tự tôn giáo ở địa phương.

8. Tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra, giám sát nội dung thông báo về cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới các công trình tôn giáo, các công trình phụ trợ thuộc cơ sở tôn giáo tại địa phương quản lý; không phải là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng mà không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực, an toàn của công trình và khu vực xung quanh không phải xin cấp giấy phép xây dựng, được quy định tại Điều 35 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

9. Tiếp nhận hồ sơ, có ý kiến về nhu cầu tôn giáo và quan điểm giải quyết đối với những trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định.

10. Lập biên bản, bảo vệ hiện trường, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, tạm giữ tài liệu, vật dụng có liên quan và báo cáo cấp có thẩm quyền về trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo mà vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Điều 7. Hồ sơ, thủ tục, trình tự và thời hạn giải quyết

Hồ sơ, trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết từng nội dung công việc của quy định này, được thực hiện theo Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2013/TT-BNV ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Bộ Nội vụ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo

1. Sở Nội vụ

a) Hướng dẫn việc triển khai, thực hiện Quy định này đến các cấp, các ngành; các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

b) Tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh theo chế độ báo cáo định kỳ và khi có yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Xây dựng

a) Cấp phép xây dựng, cải tạo, sửa chữa, di dời làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực, an toàn của công trình và khu vực xung quanh và xây dựng mới các công trình tôn giáo, công trình phụ trợ thuộc cơ sở tôn giáo.

b) Thanh tra, kiểm tra và quản lý trật tự xây dựng trong việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, di dời và xây dựng mới các công trình tôn giáo và công trình phụ trợ thuộc cơ sở tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất tôn giáo, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với cơ sở tôn giáo.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết đề nghị của tổ chức, cá nhân tôn giáo về tu bổ, cải tạo, xây dựng công trình tôn giáo và tổ chức lễ hội tại các cơ sở thờ tự là di tích;

b) Xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và những hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động tôn giáo.

5. Công an tỉnh

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc cư trú của chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo theo Luật Cư trú và Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.

b) Xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại, kích động gây chia rẽ nhân dân, chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo; hoạt động mê tí dị đoan trái quy định của pháp luật ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Hướng dẫn, kiểm tra, quản lý việc tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động xã hội hóa giáo dục. Quản lý chặt chẽ đối với cơ sở giáo dục của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Y tế

Hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia công tác từ thiện xã hội, khám chữa bệnh, dạy nghề, mở cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Quản lý các dự án do tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Định hướng nội dung tuyên truyền và đấu tranh phê phán, bác bỏ các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, các thông tin sai lệch về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh;

b) Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và những thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước ta;

c) Quản lý việc sản xuất, in ấn, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu hành kinh sách, các văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo, đồ dùng việc đạo và hoạt động tôn giáo liên quan đến thông tin, truyền thông, mạng Internet…

10. Các sở, ban, ngành liên quan đến tôn giáo, hoạt động tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên; Giám đốc các Sở, ngành thuộc tỉnh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo và hoạt động tôn giáo theo phân cấp.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong việc tuyên truyền, vận động và thực hiện các chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Sở Nội vụ, các sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 22/2014/QĐ-UBND về quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương

  • Số hiệu: 22/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/10/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản