Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2013/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 16 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU VỀ QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 02/2010/QĐ-UBND NGÀY 05 THÁNG 02 NĂM 2010 CỦA UBND TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 Luật đất đai ngày 18/6/2009;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20/11/2012;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần;

Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;

Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ về quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

Căn cứ Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực và bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp;

Căn cứ Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1018/TTr-TNMT ngày 11/9/013;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ban hành kèm theo Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 05 tháng 2 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.

1. Sửa đổi Khoản 3, bổ sung Khoản 4 vào Điều 4 về bồi thường đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn như sau:

“3. Bồi thường đối với đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp” như sau:

Đất ở, các loại đất khác trong cùng thửa với đất ở của một chủ sử dụng, đất rừng trồng sản xuất, đất trồng cây lâu năm trong hành lang an toàn lưới điện thuộc diện Nhà nước không thu hồi đất thì chủ sử dụng đất được bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất. Việc bồi thường được thực hiện một lần như sau:

- Diện tích đất ở được bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng là diện tích đất ở thực tế trong hành lang an toàn lưới điện. Mức bồi thường bằng 80% mức bồi thường thu hồi đất ở, tính trên diện tích đất nằm trong hành lang;

- Trên cùng một thửa đất, gồm đất ở và các loại đất khác của cùng một chủ sử dụng đất, khi bị hành lang an toàn lưới điện chiếm dụng khoảng không lớn hơn hạn mức đất ở thì phần diện tích các loại đất khác trên cùng thửa đất trong hành lang cũng được bồi thường. Mức bồi thường bằng 80% mức bồi thường thu hồi các loại đất khác đó tính trên diện tích các loại đất khác nằm trong hành lang nhưng không tính hỗ trợ giá đất vườn liền kề đất ở;

- Diện tích đất rừng trồng sản xuất, đất trồng cây lâu năm được bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng là diện tích đất rừng trồng sản xuất, đất trồng cây lâu năm thực tế trong hành lang an toàn lưới điện. Mức bồi thường bằng 70% mức bồi thường thu hồi đất rừng trồng sản xuất, đất trồng cây lâu năm tính trên diện tích đất nằm trong hành lang.”

“4. Trường hợp khi giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn mà đất đã có nhà ở, công trình xây dựng nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng nhưng nếu tồn tại, không giải toả, khi công trình đưa vào hoạt động sẽ gây nguy hiểm không đảm bảo an toàn, sinh hoạt của người dân thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phối hợp với Chủ đầu tư đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xem xét cho chủ trương để thu hồi và bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư cho người dân như những trường hợp phải thu hồi đất để giải phóng mặt bằng.”

2. Bổ sung Khoản 3 vào Điều 5 về bồi thường nhà, công trình xây dựng trên đất như sau:

“3. Đối với tài sản xây dựng, tạo lập sau thông báo chủ trương thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì không được bồi thường về tài sản đó, người dân có trách nhiệm tự tháo dỡ.”

3. Bổ sung Khoản 5 vào Điều 7 về bồi thường di chuyển mồ mả như sau:

“5. Đối với các địa phương không có quỹ đất nghĩa địa để bố trí khi di chuyển mồ mả thì báo cáo UBND cấp huyện để có phương án bố trí tại địa phương có quỹ đất nghĩa địa hoặc quyết định hỗ trợ kinh phí để người dân tự liên hệ đất nghĩa địa khi phải di chuyển mồ mả.”

4. Sửa đổi Khoản 3 Điều 10 về hỗ trợ di chuyển như sau:

“3. Người bị thu hồi đất ở mà không còn chỗ ở khác thì trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới được bố trí vào nhà ở tạm hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà ở. Mức hỗ trợ mỗi hộ như sau:

- Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng và được hỗ trợ thêm mỗi nhân khẩu 100.000 đồng/tháng, thời gian tối đa không quá 6 tháng đối với trường hợp nhà bị giải tỏa là nhà 01 tầng, không quá 9 tháng đối với trường hợp nhà bị giải tỏa là nhà 02 tầng trở lên;

- Hỗ trợ tiền lắp đặt điện sinh hoạt cho các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển đến nơi ở mới: 1.000.000 đồng/hộ;

- Hỗ trợ tiền lắp đặt điện thoại cho các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển đến nơi ở mới: 500.000 đồng/hộ (chỉ hỗ trợ cho các hộ đã có đường dây điện thoại cố định tại nơi ở cũ);

- Hỗ trợ tiền lắp đặt nước sinh hoạt 1.500.000 đồng/hộ, trường hợp đào giếng thì hỗ trợ 5.000.000 đồng/hộ, cho các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển đến nơi ở mới.”

5. Sửa đổi Điều 11 về hỗ trợ tái định cư, suất tái định cư tối thiểu, suất đầu tư hạ tầng tái định cư như sau:

“Điều 11. Hỗ trợ tái định cư, suất tái định cư tối thiểu, suất đầu tư hạ tầng tái định cư

Thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND tỉnh quy định cụ thể như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận đất ở, nhà ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền tương đương với khoản chênh lệch đó.

- Suất tái định cư tối thiểu là diện tích tối thiểu của lô đất ở khu tái định cư tập trung. Giá trị suất tái định cư tối thiểu là giá trị quyền sử dụng đất của suất tái định cư tối thiểu.

- Suất tái định cư tối thiểu được quy định như sau:

+ Đối với các phường thuộc thành phố Đồng Hới: 60 m2;

+ Đối với các xã thuộc thành phố Đồng Hới và thị trấn các huyện: 100 m2;

+ Đối với khu vực ven thị trấn, khu vực đầu mối giao thông: 150 m2;

+ Đối với các xã đồng bằng: 200 m2;

+ Đối với các xã trung du, miền núi: 300 m2.

2. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở mà tự lo chỗ ở mới thì được hỗ trợ một khoản tiền bằng giá trị suất đầu tư hạ tầng tính cho một hộ gia đình tại khu tái định cư tập trung cụ thể như sau: Tại khu vực đô thị là 60.000.000 đồng; khu vực ven đô thị, đầu mối giao thông là 50.000.000 đồng, khu vực nông thôn là 40.000.000 đồng. Trừ trường hợp đã được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Giá đất để tính giá trị suất tái định cư tối thiểu quy định tại Khoản 1 Điều này là giá đất do UBND tỉnh quyết định theo quy định của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. Việc xác định giá trị suất tái định cư tối thiểu chỉ áp dụng đối với khu tái định cư tập trung. Trường hợp dự án cấp bách mà địa phương không có khu tái định cư tập trung thì UBND cấp huyện căn cứ suất tái định cư tối thiểu, chọn khu đất lẻ phù hợp với số tiền bồi thường hỗ trợ của người bị thu hồi đất quy định tại Khoản 4 Điều này để bố trí tái định cư phân tán.

4. Số tiền bồi thường, hỗ trợ để so sánh với giá trị suất tái định cư tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này, gồm:

- Tiền bồi thường về đất ở;

- Tiền hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn ao trong cùng thửa đất ở nhưng không được công nhận là đất ở (nếu có).

6. Sửa đổi Điểm a, bổ sung Điểm d vào Khoản 2 Điều 12, bổ sung Khoản 7 vào Điều 12 về hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất như sau:

“2. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (kể cả đất vườn, ao và đất nông nghiệp quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 13 quy định này) thì được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất theo quy định sau đây:

a. Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ là 24 tháng;

b. Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ là 36 tháng;

c. Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu quy định tại các Điểm a và Điểm b Khoản này được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng theo giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.

d. Tỷ lệ phần trăm (%) diện tích đất bị thu hồi được hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất được xác định theo tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng và không khống chế theo đơn vị hành chính cấp xã hay cấp huyện. Nếu nhiều lần thu hồi mà tỷ lệ % mỗi lần thu hồi không đến 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì thời điểm áp dụng hỗ trợ là lần thu hồi mà tỷ lệ % của các lần thu hồi cộng lại đạt tỷ lệ từ 30% trở lên, dự án thu hồi đúng thời điểm áp dụng hỗ trợ phải chịu trách nhiệm hỗ trợ theo quy định. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị nhiều lần thu hồi đất nông nghiệp thì chỉ được Nhà nước hỗ trợ 1 lần. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất thuộc nhiều dự án khác nhau cùng thời điểm thì dự án thu hồi diện tích đất lớn nhất phải xây dựng phương án hỗ trợ.

Đối tượng, diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng để xác định hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất tại Điều này được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.”

“7. Khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh, mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của ba năm liền kề trước đó được cơ quan thuế xác nhận. Thu nhập sau thuế được xác định căn cứ vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc được cơ quan thuế chấp thuận; trường hợp chưa được kiểm toán hoặc chưa được cơ quan thuế chấp thuận thì việc xác định thu nhập sau thuế được căn cứ vào thu nhập sau thuế do đơn vị kê khai tại báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cuối mỗi năm đã gửi cơ quan thuế.”

7. Khoản 1, Khoản 2 Điều 13 về hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn, ao không được công nhận là đất ở được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ; đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở dọc kênh mương và dọc tuyến đường giao thông, nếu đất vườn, ao đó đủ điều kiện để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm quy định tại bảng giá đất ban hành hàng năm của UBND tỉnh còn được hỗ trợ bằng tiền với mức hỗ trợ bằng 50% giá đất ở thửa đất đó; diện tích hỗ trợ theo diện tích thực tế bị thu hồi; trường hợp diện tích thực tế bị thu hồi lớn hơn 05 lần hạn mức đất ở thì tính tối đa bằng 05 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương.

Trường hợp đất ở cùng thửa đất vườn, ao thuộc các trường hợp nói trên không đủ điều kiện bồi thường nhưng người sử dụng đất không có đất ở nào khác thì được hỗ trợ đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất, mức hỗ trợ bằng 30% giá đất ở trong cùng thửa đất; diện tích hỗ trợ theo diện tích thực tế bị thu hồi; trường hợp diện tích thực tế bị thu hồi lớn hơn 02 lần hạn mức đất ở thì tính tối đa bằng 02 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương.”

“2. Hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp còn được hỗ trợ bằng 30% giá đất ở trung bình của khu vực có đất thu hồi theo quy định trong bảng giá đất của UBND tỉnh; diện tích được hỗ trợ theo diện tích thực tế bị thu hồi, trường hợp diện tích thực tế bị thu hồi lớn hơn 05 lần hạn mức đất ở thì tính tối đa bằng 05 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương.”

8. Điều 14 về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm được sửa đổi như sau:

“Điều 14. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm

1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 của Quy định này mà không có đất để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 69/2009/NĐ-CP còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm. Mức hỗ trợ bằng 2 lần giá đất đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác và 1,5 lần giá đất đối với đất rừng sản xuất. Diện tích được hỗ trợ là toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.

Đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm quy định tại Điều này là hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Trường hợp người được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này có nhu cầu được đào tạo, học nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được miễn học phí đào tạo cho một khóa học đối với các đối tượng trong độ tuổi lao động.

Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các đối tượng chuyển đổi nghề nằm trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt.

Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề phải lấy ý kiến của người bị thu hồi đất thuộc đối tượng chuyển đổi nghề.

UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, các phòng, ban có liên quan và UBND cấp xã lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Việc lấy ý kiến của người bị thu hồi đất nông nghiệp về phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp được thực hiện đồng thời khi lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề được áp dụng theo Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan.

9. Điều 16 về xử lý các trường hợp hỗ trợ về nhà, công trình được sửa đổi như sau:

“Điều 16. Xử lý các trường hợp hỗ trợ về nhà, công trình

1. Nhà, công trình khác xây dựng trên đất không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, nhưng tại thời điểm xây dựng chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền công bố hoặc xây dựng phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình thì được hỗ trợ bằng 80% mức bồi thường giá trị công trình do UBND tỉnh quy định.

2. Nhà, công trình khác được xây dựng trước ngày 01/7/2004 trên đất không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 197/2004/NĐ-CP mà tại thời điểm xây dựng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố và cắm mốc hoặc vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được cắm mốc thì không được bồi thường nhưng được hỗ trợ. Mức hỗ trợ bằng 50% mức bồi thường giá trị công trình do UBND tỉnh quy định. Trường hợp nhà, công trình khác xây dựng từ ngày 01/7/2004 trở về sau thì không được bồi thường, hỗ trợ.

3. Nhà, công trình khác không được phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng nhưng xây dựng trên đất có đủ điều kiện được bồi thường về đất và xây dựng từ ngày 01/7/2004 trở về sau, xây dựng không đúng với mục đích sử dụng đất nhưng xây dựng trước thông báo chủ trương thu hồi đất và khi xây dựng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có thông báo không được phép xây dựng hoặc lập biên bản đình chỉ thì không được bồi thường nhưng được hỗ trợ. Mức hỗ trợ bằng 40% mức bồi thường giá trị công trình do UBND tỉnh quy định.

Trường hợp xây dựng sau thông báo chủ trương thu hồi đất thì không được bồi thường, không được hỗ trợ về tài sản đã xây dựng, tạo lập. Nếu người dân không tự tháo dỡ thì thực hiện cưỡng chế theo quy định.”

10. Điều 18 về hỗ trợ khác được sửa đổi như sau:

“Điều 18. hỗ trợ khác

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn sống chính từ sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đang sử dụng mà không đủ điều kiện bồi thường theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP; các Điều 44, 45 và 46, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP thì được hỗ trợ về đất bằng 30% mức bồi thường theo quy định đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất làm muối, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất nông nghiệp khác và bằng 15% mức bồi thường theo quy định đối với đất rừng sản xuất (trừ đất có rừng tự nhiên sản xuất, đất khoanh nuôi phục hồi rừng sản xuất).

Trường hợp đất đang sử dụng có được do các hành vi lấn, chiếm đất của các tổ chức, lấn chiếm đất chưa sử dụng và các hành vi vi phạm khác sau ngày Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 05/2/2010 của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành mà tại thời điểm vi phạm đã có văn bản ngăn chặn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng vẫn cố tình vi phạm thì không được hỗ trợ.”

11. Điều 19 về lập, tổ chức thực hiện tái định cư được sửa đổi như sau:

“ Điều 19. Lập, tổ chức thực hiện tái định cư

1. Về quy hoạch khu tái định cư: Quy hoạch đất ở tái định cư được thực hiện theo nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư. Diện tích tối thiểu lô đất tái định cư không được thấp hơn suất tái định cư tối thiểu.

2. Điều kiện bố trí tái định cư:

a. Hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi hết đất ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân không có nhu cầu tái định cư).

b. Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất mà phần diện tích đất ở còn lại sau khi thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của UBND tỉnh và không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi.

c. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở và không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi.

3. Xử lý một số trường hợp cụ thể về giao đất tái định cư:

a. Trường hợp hộ gia đình bị thu hồi hết đất ở mà trong hộ gia đình có nhiều thế hệ (nhiều cặp vợ chồng) cùng chung sống đủ điều kiện tách hộ hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở bị thu hồi, tại thời điểm thu hồi đất có nhu cầu tách hộ và không có chỗ ở nào khác thì được xem xét bố trí thêm lô đất tái định cư có diện tích phù hợp nhưng phải nộp tiền sử dụng đất. Tuỳ theo dự án và khu tái định cư, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đề xuất UBND cấp huyện quyết định diện tích lô đất bố trí tái định cư phù hợp cho các trường hợp tách hộ nhưng không được lớn hơn diện tích lô đất bố trí tái định cư cho hộ gia đình bị thu hồi đất.

b. Trường hợp hộ gia đình bị thu hồi diện tích đất ở lớn hơn hạn mức giao đất ở mà phải di chuyển chỗ ở, không có chỗ ở nào khác, có nhiều thế hệ cùng sinh sống, nếu có nhu cầu tách hộ và xin giao thêm một phần diện tích ngoài diện tích đã bố trí tái định cư thì được xem xét giao thêm một phần diện tích đất ở tại khu tái định cư nhưng tổng diện tích đất ở bố trí tái định cư và diện tích giao thêm không quá diện tích đất ở bị thu hồi. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đề xuất UBND cấp huyện quyết định diện tích giao thêm trong trường hợp này.

c. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất mà thuộc đối tượng không được bồi thường đất nhưng phải di chuyển chỗ ở mà không có chỗ ở nào khác, nếu có nhu cầu giao đất để làm nhà ở thì được xem xét giao đất ở tại khu tái định cư với diện tích bằng suất tái định cư tối thiểu và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

12. Bổ sung Điều 19a, Điều 19b sau Điều 19 như sau:

“Điều 19a. Giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và chi phí đầu tư vào đất còn lại

Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP, Điều 11 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT. Cụ thể:

1. Giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ là giá đất theo mục đích đang sử dụng của từng loại đất bị thu hồi tại thời điểm có quyết định thu hồi đất do UBND tỉnh ban hành hàng năm; không bồi thường, hỗ trợ theo giá đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng.

Trường hợp giá đất do UBND tỉnh ban hành chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp huyện báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính); Sở Tài chính chủ trì tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định cho phù hợp. Trường hợp giá đất khu vực giáp ranh giữa các huyện, thành phố chưa được quy định hợp lý trong bảng giá đất hàng năm của tỉnh thì cũng được áp dụng quy định này để xác định giá đất cụ thể cho phù hợp.

Trường hợp lô đất bị thu hồi là đất đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà giá đất áp giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất thấp hơn giá đất đã trúng đấu giá thì bồi thường theo giá đất đã trúng đấu giá đối với lô đất đó.

2. Chi phí đầu tư vào đất còn lại quy định tại Khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 197/2004/NĐ-CP là các chi phí thực tế hợp lý mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất để sử dụng theo mục đích được phép sử dụng mà đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất còn chưa thu hồi được.

a. Các khoản chi phí đầu tư vào đất phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, thực tế chứng minh. Chi phí đầu tư vào đất còn lại được xác định bằng (=) tổng chi phí thực tế hợp lý tính thành tiền đã đầu tư vào đất trừ (-) đi số tiền đầu tư phân bổ cho thời gian đã sử dụng đất. Các khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm:

- Tiền sử dụng đất của thời hạn chưa sử dụng đất trong trường hợp giao đất có thời hạn, tiền thuê đất đã nộp trước cho thời hạn chưa sử dụng đất (có chứng từ hóa đơn nộp tiền);

- Các khoản chi phí san lấp mặt bằng, chi phí tôn tạo đất được giao, được thuê và phù hợp với mục đích sử dụng đất. Trường hợp thu hồi đất mà đã được bồi thường về đất thì không được bồi thường chi phí san lấp mặt bằng, chi phí tôn tạo đất;

- Các khoản chi phí khác có liên quan.

b. Trường hợp đủ cơ sở xác định thực tế có chi phí đầu tư vào đất nhưng không còn lưu giữ hồ sơ, chứng từ thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã căn cứ vào định mức đầu tư vào đất theo quy định của pháp luật tại thời điểm quyết định thu hồi đất, hiện trạng và thời gian đã sử dụng để xác định chi phí đầu tư còn lại trình cơ quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xem xét báo cáo UBND cùng cấp quyết định cho phù hợp.

“Điều 19b. Kinh phí thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Kinh phí thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng 5% chi phí phục vụ công tác thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt nhưng không quá 10 triệu đồng/phương án.

13. Bổ sung Khoản 8 vào Điều 21 về trách nhiệm của chủ đầu tư, và các sở ban ngành cấp tỉnh như sau:

“8. Sở Lao động Thương bình và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND cấp huyện, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hướng dẫn việc lập, thực hiện phương án đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất.”

14. Điều 22 về cưỡng chế thu hồi đất được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 22. Cưỡng chế thu hồi đất

Trường hợp người có đất bị thu hồi cố tình không nhận tiền bồi thường, không nhận đất tái định cư thì sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày thông báo chi trả tiền bồi thường lần 3 (ba), tùy theo tình hình thực tế mà tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chuyển gửi số tiền chi trả vào kho bạc địa phương hoặc gửi vào Ngân hàng thương mại để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất trước khi thực hiện thủ tục cưỡng chế.

UBND tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế đối với hành vi cố tình không thi hành quyết định thu hồi đất thuộc thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc thẩm quyền quản lý.”

15. Bổ sung Điều 22a sau Điều 22 như sau:

“ Điều 22a. Chính sách thưởng trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

1. Chính sách thưởng trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

a. Đối tượng được thưởng: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, kế hoạch, phương án bồi thường, di chuyển, giao mặt bằng trước và đúng thời hạn quy định.

b. Mức thưởng:

- Thưởng 5% (năm phần trăm) trên giá trị bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất (không bao gồm giá trị bồi thường đất và các chính sách hỗ trợ về đất) đối với các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này có tổng giá trị bồi thường về tài sản dưới 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng).

- Thưởng 8% (tám phần trăm) trên giá trị bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất (không bao gồm giá trị bồi thường đất và các chính sách hỗ trợ về đất) đối với các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này có tổng giá trị bồi thường về tài sản trên 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng). Nhưng tối đa không quá 10.000.000 đồng (mười triệu đồng)/đối tượng.

c. Nguồn kinh phí: Trích từ kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các công trình dự án.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Thay thế Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 của UBND tỉnh ban hành chính sách thưởng trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

2. Trường hợp dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và đang được thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2010 của UBND tỉnh Quảng Bình trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã được phê duyệt và tiếp tục thực hiện chi trả, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định tại Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo Quảng Bình;
- Đài PT-TH Quảng Bình;
- Công báo tỉnh;
- Website tỉnh;
- Lưu: VT, CVXDCB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Quang

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 22/2013/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình kèm theo Quyết định 02/2010/QĐ-UBND

  • Số hiệu: 22/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/10/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Nguyễn Xuân Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/10/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 19/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản