Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2112/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 27 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÂN BỔ VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2012 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20/5/1998;

Căn cứ Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ; số 120/2008/NĐ-CP ngày 01/12/2008 về quản lý lưu vực sông;

Căn cứ Thông tư số 15/2009/TT-BTNMT ngày 05/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 494/TTr-TNMT ngày 19/12/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2025 đã được Hội đồng thẩm định thành lập theo Quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 01/11/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh nghiệm thu, với nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

- Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Bắc Giang là định hướng, cơ sở cho quản lý, thẩm định, cấp phép, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, các dự án hỗ trợ, đầu tư có liên quan đến việc khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020 và định hướng đến năm 2025.

- Phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Bắc Giang và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.

- Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2025 phải hướng đến phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với đặc điểm, khả năng nguồn nước của từng vùng, từng khu vực để bảo đảm cung cấp nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ nguồn nước ổn định, bền vững lâu dài.

- Quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông; việc bố trí phát triển các công trình khai thác nước mới phải bảo đảm không vượt quá giới hạn khai thác, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, giới hạn chiều sâu mực nước cho phép khai thác của khu vực, tầng chứa nước và phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, của vùng liên tỉnh.

- Ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước để cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt, các ngành, lĩnh vực sản xuất có giá trị kinh tế cao, ít tiêu tốn nước; hạn chế khai thác nước dưới đất có chất lượng tốt để cung cấp cho các ngành, lĩnh vực có suất tiêu thụ nước lớn, nhất là ở những vùng, khu vực có thể khai thác, sử dụng nguồn nước mặt.

- Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải gắn liền với công tác bảo vệ nguồn nước; phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan.

II. NGUYÊN TẮC PHÂN BỔ VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Việc phân bổ, bảo vệ nguồn nước phải đảm bảo tính bền vững, dựa trên cơ sở kết quả đánh giá tương quan giữa nhu cầu khai thác, sử dụng nước và khả năng đáp ứng của nguồn nước.

- Trong điều kiện bình thường: Đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nước tưới và đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên các sông. Hạn chế và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước.

- Trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước: Đảm bảo đủ 100% nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt, còn lại cho mục đích sản xuất công nghiệp, nước tưới và đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên các sông. Hạn chế và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước.

III. CƠ SỞ PHÂN CHIA TIỂU VÙNG QUY HOẠCH

Việc phân chia các tiểu vùng quy hoạch căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh Bắc Giang và dựa trên các tiêu chí sau:

- Phạm vi phân bổ của các lưu vực sông, suối tự nhiên.

- Đặc điểm địa hình, địa mạo.

- Đặc điểm địa chất, thủy văn.

- Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo từng vùng.

Căn cứ các tiêu chí phân vùng quy hoạch nêu trên, tỉnh Bắc Giang được phân chia thành 08 tiểu vùng quy hoạch (chi tiết tại phụ lục số 01 kèm theo).

IV. MỤC TIÊU CỦA QUY HOẠCH

1. Mục tiêu tổng quát

- Phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước (nước mặt, nước dưới đất) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2025.

- Chia sẻ, phân bổ tài nguyên nước đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, đảm bảo ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp có giá trị cao, tiêu tốn ít nước, hạn chế xung đột giữa các đối tượng sử dụng nước. Khai thác, sử dụng nước phải đi đôi với bảo vệ nguồn nước, hạn chế tới mức thấp nhất các nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước.

2. Mục tiêu cụ thể

* Quản lý, bảo vệ để bảo đảm có thể khai thác hiệu quả, ổn định, lâu dài nguồn nước mặt, nước dưới đất với tổng trữ lượng có thể khai thác khoảng 6.373 triệu m3/năm, gồm nước mặt 6.242 triệu m3/năm, nước dưới đất 131,2 triệu m3/năm (chi tiết tại phụ lục số 02 kèm theo).

* Quản lý để bảo đảm cân đối, đáp ứng hài hoà nhu cầu khai thác nguồn nước mặt, nước dưới đất cung cấp cho sinh hoạt và các nhu cầu khác (không kể nước cho phát điện) trên phạm vi toàn tỉnh đến năm 2015 không vượt quá 1.265 triệu m3/năm, đến năm 2020 không vượt quá 1.821 triệu m3/năm và đến 2025 không vượt quá 3.342 triệu m3/năm (chi tiết tại phụ lục số 03 kèm theo).

* Quản lý việc xây dựng các công trình khai thác, sử dụng nước để đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu vào mùa cạn trên sông, giới hạn mực nước cho phép khai thác nước dưới đất trên từng tiểu vùng quy hoạch:

+ Dòng chảy tối thiểu cần duy trì cho mùa cạn trên sông ở các tiểu vùng quy hoạch như sau:

- Sông Thương: Khoảng 10 m3/s.

- Sông Lục Nam: Khoảng 2,9 m3/s.

+ Giới hạn hạ thấp mực nước khai thác tại một số tiểu vùng quy hoạch:

- Tiểu vùng sông Thương: Khai thác nước trong tầng chứa nước khe nứt tại khu vực xã Cao Thượng, xã Liên Chung, huyện Tân Yên mực nước hạ thấp không quá 38m; khu vực thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, mực nước hạ thấp không quá 42m; khu vực thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, mực nước hạ thấp không quá 45m; khu vực xã Tân Mỹ và phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, mực nước hạ thấp không quá 22m.

- Tiểu vùng ven sông Cầu: Khai thác nước trong tầng chứa nước khe nứt tại khu vực thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, mực nước hạ thấp không quá 38m; khu vực xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, mực nước hạ thấp không quá 45m; khu vực xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, mực nước hạ thấp không quá 30m; khu vực xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, mực nước hạ thấp không quá 45m.

- Tiểu vùng trung lưu sông Lục Nam: Khai thác nước trong tầng chứa nước khe nứt tại khu vực thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, mực nước hạ thấp không quá 36m; khu vực xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, mực nước hạ thấp không quá 30m.

- Tiểu vùng hạ lưu sông Lục Nam: Khai thác nước trong tầng chứa nước khe nứt tại khu vực thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, mực nước hạ thấp không quá 40m.

* Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo vệ nguồn nước, cụ thể đối với từng vùng để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ suy giảm, ô nhiễm nguồn nước mặt, nước dưới đất.

- Đến năm 2015: Kiểm soát và hoàn thành việc cấp phép cho 100% các hoạt động phải có giấy phép liên quan đến tài nguyên nước tại khu vực thành phố Bắc Giang, các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Yên Dũng, Sơn Động, Yên Thế. Cần có các biện pháp trồng rừng đầu nguồn và kiểm soát nạn chặt phá rừng tại khu vực huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.

- Đến năm 2020, định hướng đến năm 2025: Tiếp tục kiểm soát và hoàn thành việc cấp phép cho 100% các hoạt động phải có giấy phép liên quan đến tài nguyên nước tại các khu vực đã thực hiện trong giai đoạn 2015 và các khu vực thuộc các huyện còn lại. Tiếp tục duy trì các biện pháp trồng rừng đầu nguồn và kiểm soát nạn chặt phá rừng tại khu vực huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về truyền thông, giáo dục

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về tài nguyên nước trong các cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ cấp cơ sở nhất là cán bộ địa chính cấp xã.

- Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên tới cấp xã, chủ yếu lựa chọn trong các tầng lớp thanh thiếu niên, giáo viên, cán bộ y tế sở tại. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo trang bị kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ tuyên truyền và kiến thức cơ bản về tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước.

- Đẩy mạnh truyền thông - giáo dục, vận động tuyên truyền tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng tham gia, đóng góp sức người, kinh phí để cùng với nhà nước thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch.

- Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư ở cấp cơ sở; chủ động, tích cực tham gia giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội tham gia tuyên tuyền, vận động nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật khác có liên quan.

2. Các giải pháp về quản lý

* Tăng cường hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước

- Đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, ưu tiên thực hiện trước đối với những vùng, những khu vực có nguy cơ ô nhiễm, khu vực có nhu cầu khai thác đang tăng mạnh.

- Từng bước, thực hiện việc điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của các nguồn nước mặt. Trước mắt cần điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của sông Cầu, sông Lục Nam, sông Thương là các sông mà nguồn nước đang được khai thác, sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội chính của tỉnh.

- Định kỳ thực hiện kiểm kê hiện trạng khai thác nguồn nước kết hợp với rà soát, thống kê lập danh mục các công trình thuộc diện cấp phép, các giếng phải xử lý, trám lấp; xây dựng kế hoạch xử lý, trám lấp các giếng hàng năm.

- Từng bước xây dựng, quản lý, khai thác mạng lưới quan trắc, giám sát diễn biến về số lượng, chất lượng nguồn nước, kết hợp với mạng lưới quan trắc tài nguyên nước của Trung ương trên địa bàn tỉnh, ưu tiên thực hiện trước đối với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm, suy giảm nguồn nước cao, các khu vực khai thác nước dưới đất tập trung; thông báo tình hình diễn biến, số lượng, chất lượng tài nguyên nước hàng năm.

- Công bố, điều chỉnh vùng bảo vệ nguồn nước mặt, vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với từng khu vực và từng địa bàn hành chính; căn cứ diễn biến thực tế của nguồn nước về số lượng, chất lượng và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu đề ra.

- Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, gắn với cơ sở dữ liệu về môi trường, đất đai và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý của địa phương bảo đảm tích hợp với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường của Trung ương.

* Tăng cường quản lý, cấp phép

- Rà soát, kiểm tra thường xuyên, phát hiện các tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt, xả nước thải vào nguồn nước, khoan, thăm dò, khai thác nước dưới đất chưa có giấy phép hoặc chưa đăng ký, trên cơ sở phát huy vai trò của nhân dân, cộng đồng và chính quyền địa phương cấp cơ sở, nhất là cán bộ địa chính xã; định kỳ lập danh sách các tổ chức, cá nhân chưa có giấy phép, thông báo và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; giải quyết dứt điểm việc đăng ký, cấp phép đối với các công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước để đưa vào quản lý theo quy định.

- Xây dựng và thực hiện chương trình thanh tra, kiểm tra hàng năm, kết hợp với công tác kiểm tra đột xuất, chú trọng đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước lớn, các công trình có quy mô, chiều sâu khai thác lớn và đối với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định.

- Hàng năm phải tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, sau từng giai đoạn phải có tổng kết đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch để kịp thời điều chỉnh nội dung quy hoạch cho phù hợp.

* Giải pháp tài chính

- Xây dựng đề án huy động các nguồn lực để bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh, trước mắt huy động từ vốn ngân sách nhà nước bao gồm cả Trung ương và địa phương; các giai đoạn tiếp theo huy động nguồn lực của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp sử dụng nguồn nước trên địa bàn tỉnh, từng bước thực hiện xã hội hoá công tác bảo vệ tài nguyên nước.

- Tranh thủ tối đa các nguồn vốn tài trợ của Trung ương, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong công tác quản lý tài nguyên nước trên toàn tỉnh.

- Dự kiến kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên của Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2025 khoảng 55,3 tỷ đồng (18,3 tỷ đồng cho giai đoạn 2013 - 2015; 26,5 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2020; 10,5 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025) (chi tiết tại phụ lục số 04 kèm theo).

3. Các giải pháp kỹ thuật, khoa học - công nghệ

* Giải pháp chung về khai thác, phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước

- Khai thác hiệu quả, ổn định, lâu dài nguồn nước mặt, nước dưới đất; đảm bảo cân đối, đáp ứng hài hòa nhu cầu khai thác nguồn nước cho sinh hoạt và các nhu cầu khác trên phạm vi toàn tỉnh và trên từng tiểu vùng quy hoạch.

- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo vệ nguồn nước đối với từng tiểu vùng quy hoạch, từng khu vực để hạn chế đến mức thấp nhất việc khai thác quá ngưỡng giới hạn dòng chảy tối thiểu trên sông, quá giới hạn độ sâu mực nước cho phép đối với tầng chứa nước, hạn chế các nguy cơ ô nhiễm, suy giảm nguồn nước mặt, nước dưới đất.

- Khai thác, phân bổ nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, cụ thể như sau: Nguồn nước dưới đất ưu tiên cấp nước cho mục đích sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, y tế, du lịch - dịch vụ. Các ngành, lĩnh vực khác được cấp nước từ công trình khai thác nước mặt đa mục tiêu. Tỷ lệ khai thác nước dưới đất tương ứng theo từng giai đoạn: Đến năm 2015 khoảng 46%, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 64%, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 71%; tỷ lệ khai thác nước mặt tương ứng theo từng giai đoạn: Đến năm 2015 khoảng 19%, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 28%, giai đoạn 2021- 2025 khoảng 52% so với tổng lượng nước có thể khai thác.

* Giải pháp về công trình

+ Đối với tiểu vùng sông Sỏi

- Nâng cấp những công trình hồ chứa, trạm bơm hiện có để đạt được theo công suất thiết kế; xây dựng mới một số hồ chứa lớn phục vụ cấp nước đa mục tiêu như hồ Quỳnh.

- Khai thác nguồn nước dưới đất ở những khu vực phân bố các tầng chứa nước trong đá gốc nứt nẻ theo loại hình giếng khoan với quy mô từ 0,5-200 m3/ngày; khai thác từ loại hình giếng đào ở các khu vực phân bố các trầm tích bở rời với quy mô từ 0,5-5 m3/ngày.

+ Đối với tiểu vùng sông Thương

- Nâng cấp hệ thống thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn và các công trình hồ chứa, trạm bơm hiện có để đạt được theo công suất thiết kế; xây dựng mới một số hồ chứa lớn phục vụ cấp nước đa mục tiêu.

- Thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tránh gây ô nhiễm nguồn nước sông Thương; xây dựng công trình chuyển nước từ hồ Cấm Sơn phục vụ cấp nước sinh hoạt cho các khu đô thị như thị trấn Vôi, thị trấn Kép và thành phố Bắc Giang.

- Khai thác nguồn nước dưới đất ở những khu vực phân bố các tầng chứa nước trong đá gốc nứt nẻ theo loại hình giếng khoan với quy mô từ 0,5-500 m3/ngày.

- Khu vực phân bố các trầm tích bở rời ven sông Thương có thể khai thác bằng các công trình cấp nước tập trung khai thác với công suất từ 100-500 m3/ngày. Ngoài ra, có thể khai thác theo loại hình nhỏ trong các khu dân cư với quy mô từ 0,5- 5 m3/ngày.

+ Đối với tiểu vùng ven sông Cầu

- Nâng cấp hệ thống thủy lợi Thác Huống, các trạm bơm hiện có để đạt được theo công suất thiết kế; xây dựng mới một số hồ chứa lớn phục vụ cấp nước đa mục tiêu.

- Xây dựng các hệ thống khai thác nguồn nước mặt phục vụ cho sinh hoạt với công suất từ 100-500 m3/ngày từ nguồn nước sông Cầu.

- Khu vực phân bố các trầm tích bở rời ven sông Cầu có thể khai thác bằng các công trình cấp nước tập trung với công suất từ 100-800 m3/ngày. Ngoài ra, có thể khai thác theo loại hình nhỏ lẻ trong các khu dân cư với quy mô từ 0,5-5 m3/ngày.

+ Đối với tiểu vùng hồ Cấm Sơn

- Nâng cấp các hồ chứa hiện có để đạt được theo công suất thiết kế.

- Xây dựng hệ thống cấp nước lấy từ hồ Cấm Sơn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất trong vùng và các tiểu vùng khác như huyện Lạng Giang (khu vực thị trấn Vôi, thị trấn Kép) thuộc tiểu vùng hạ lưu sông Lục Nam và cho thành phố Bắc Giang thuộc tiểu vùng sông Thương.

- Khai thác nguồn nước dưới đất ở những khu vực phân bố các tầng chứa nước trong đá gốc nứt nẻ theo loại hình giếng khoan với quy mô từ 0,5-500m3/ngày.

+ Đối với tiểu vùng sông Đinh Đèn

- Nâng cấp những công trình hồ chứa, trạm bơm hiện có trong tiểu vùng để đạt được theo công suất thiết kế.

- Xây dựng mới một số hồ chứa lớn phục vụ cấp nước đa mục tiêu (nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp).

- Xây dựng các hệ thống khai thác nguồn nước mặt phục vụ cho sinh hoạt với công suất từ 100-300 m3/ngày từ nguồn nước sông Đinh Đèn và sông suối nhỏ khác trong vùng.

+ Đối với tiểu vùng thượng lưu sông Lục Nam

- Nâng cấp những công trình hồ chứa, trạm bơm hiện có để đạt được theo công suất thiết kế.

- Xây dựng mới một số hồ chứa lớn (hồ Nà Lạnh) trên dòng chính thượng lưu sông Lục Nam để phục vụ nhu cầu nước của các ngành, đặc biệt là nhu cầu nước cho nông nghiệp.

- Xây dựng các hệ thống khai thác nguồn nước mặt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp với công suất từ 100-300 m3/ngày từ nguồn nước sông Lục Nam và sông suối nhỏ khác trong vùng.

- Khai thác nguồn nước dưới đất ở những khu vực phân bố các tầng chứa nước trong đá gốc nứt nẻ theo loại hình giếng khoan với quy mô từ 100-200 m3/ngày, giếng đào khai thác nhỏ phục vụ cho sinh hoạt quy mô hộ gia đình.

+ Đối với tiểu vùng trung lưu sông Lục Nam

- Nâng cấp những công trình hồ chứa, trạm bơm hiện có để đạt được theo công suất thiết kế.

- Xây dựng mới một số hồ chứa lớn (hồ Khe Sàng, hồ Khuôn Vố) trên dòng chính thượng lưu sông Lục Nam để phục vụ nhu cầu nước của các ngành, đặc biệt là nhu cầu nước cho nông nghiệp.

- Xây dựng các hệ thống khai thác nguồn nước mặt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp với công suất từ 100-1000m3/ngày từ nguồn nước sông Lục Nam và sông suối nhỏ khác trong vùng.

- Khai thác nguồn nước dưới đất ở những khu vực phân bố các tầng chứa nước trong đá gốc nứt nẻ có thể khai thác theo loại hình giếng khoan với quy mô từ 50-100 m3/ngày.

- Khu vực phân bố các trầm tích bở rời ven sông Lục Nam, do các trầm tích bở rời nằm ở vùng rìa tầng chứa nước, nên bề dày tầng không lớn vì vậy có thể khai thác bằng các giếng khoan, giếng đào với quy mô hộ gia đình.

+ Đối với tiểu vùng hạ lưu sông Lục Nam

- Nâng cấp những công trình hồ chứa, trạm bơm hiện có để đạt được theo công suất thiết kế.

- Xây dựng mới một số hồ chứa lớn trên dòng chính thượng lưu sông Lục Nam để phục vụ nhu cầu nước của các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

- Xây dựng những hệ thống khai thác nguồn nước mặt phục vụ cho ăn uống sinh hoạt và sản xuất công nghiệp với công suất từ 100-800 m3/ngày từ nguồn nước sông Lục Nam và sông suối nhỏ khác trong vùng.

- Khai thác nguồn nước dưới đất ở những khu vực phân bố các tầng chứa nước trong đá gốc nứt nẻ khai thác theo loại hình giếng khoan với quy mô từ 50-100 m3/ngày.

- Khu vực phân bố các trầm tích bở rời ven sông Lục Nam có thể khai thác bằng các công trình cấp nước tập trung với công suất (100-500) m3/ngày. Ngoài ra, có thể khai thác theo loại hình nhỏ lẻ trong các khu dân cư với quy mô từ 0,5-5 m3/ngày.

* Giải pháp về quan trắc, giám sát tài nguyên nước

- Tiểu vùng sông Sỏi: Quan trắc nước mặt trên sông Sỏi tại xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế.

- Tiểu vùng sông Thương: Quan trắc nước mặt trên sông Thương, tại khu vực phường Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang; quan trắc nước dưới đất tại khu vực thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên và khu vực phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang.

- Tiểu vùng ven sông Cầu: Quan trắc nước dưới đất tại khu vực thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa.

- Tiểu vùng hồ Cấm Sơn: Quan trắc nước mặt tại hồ Cấm Sơn, khu vực xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn.

- Tiểu vùng sông Đinh Đèn: Quan trắc nước mặt trên sông Đình Đèn tại xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động.

- Tiểu vùng trung lưu sông Lục Nam: Quan trắc nước mặt trên sông Lục Nam tại xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn.

- Tiểu vùng hạ lưu sông Lục Nam: Quan trắc nước mặt trên sông Lục Nam tại thị trấn Lục Nam, huyện Lục Nam; quan trắc nước dưới đất tại khu vực thị trấn Lục Nam, huyện Lục Nam.

* Giải pháp công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước

- Công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) kết hợp với các công cụ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý.

- Công nghệ đo địa vật lý, công nghệ phân tích ảnh viễn thám.

- Khuyến khích tái sử dụng nước trong các hoạt động sản xuất; sử dụng các công nghệ tưới, các chất giữ ẩm để tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.

- Sử dụng các giống cây trồng chịu hạn, đặc biệt đối với các vùng đất gặp khó khăn về nước tưới.

- Triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu để phòng, chống, giảm nhẹ các tác động của hạn hán.

- Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường cho các làng nghề để bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước nói riêng.

* Các giải pháp kỹ thuật trong bảo vệ tài nguyên nước

- Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nghiêm cấm đốt phá, khai thác rừng bừa bãi với mục tiêu bảo vệ, duy trì diện tích rừng tự nhiên đủ tiêu chuẩn. Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để có chất lượng tốt hơn. Trồng rừng trên đất trống đồi núi trọc, khoanh nuôi tái sinh rừng trên đất trống thuộc rừng phòng hộ, đặc dụng; phấn đấu đến năm 2020 nâng độ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 43%; nâng cao hiệu quả phòng hộ của rừng đầu nguồn sông Thương và sông Lục Nam.

- Trong sản xuất công nghiệp: Khuyến khích những ngành sử dụng ít nước, thân thiện với môi trường và tái sử dụng nguồn nước trong sản xuất. Xây dựng và lắp đặt thiết bị thu gom, xử lý chất thải, nước thải tại các khu, cụm công nghiệp tập trung theo quy định.

- Tiến hành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp các khu xử lý chất thải sinh hoạt, các dự án khắc phục, cải thiện môi trường tại các làng nghề nấu rượu Vân Hà, làng nghề giết mổ gia súc Phúc Lâm, huyện Việt Yên.

- Đối với nước thải sinh hoạt: Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trước khi thải ra môi trường; khuyến khích các hộ gia đình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt bằng hệ thống bể tự hoại trước khi thải ra môi trường xung quanh. Tiến tới cần có giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt làm nguồn cấp cho sản xuất nông nghiệp.

- Đối với sản xuất nông nghiệp: Hạn chế, tiến tới không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu có nguồn gốc hoá học, tích cực sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh để giảm áp lực ô nhiễm nguồn nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây ăn quả trên diện tích đồi, núi thấp để tăng độ che phủ của thảm thực vật thuộc các huyện vùng cao như Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế nhằm mục đích phát triển kinh tế cũng như để nâng cao khả năng dự trữ nước trong vùng.

- Đối với chất thải trong chăn nuôi: Khuyến khích chăn nuôi theo các mô hình trang trại để giảm thiểu nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm nguồn nước. Thu gom, xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học, tránh gây ô nhiễm môi trường đồng thời tạo nguồn năng lượng phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

- Trong hoạt động khai thác khoáng sản: Nghiêm cấm việc khai thác khoáng sản trái phép, bừa bãi không theo quy định. Nước thải từ các bãi khai thác khoáng sản phải được tập trung xử lý theo quy định; khai thác cát, sỏi lòng sông đúng theo quy hoạch được phê duyệt, không gây cản trở dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước.

- Khu vực nguồn nước dưới đất bị nhiễm mặn: Các khu vực nguồn nước dưới đất bị nhiễm mặn, cần phải hạn chế tiến tới cấm khai thác nguồn nước dưới đất trong các vùng này để tránh sự lan truyền biên mặn của các tầng chứa nước.

- Đối với những khu vực nguồn nước bị ô nhiễm như ô nhiễm Asenic, sắt,.. khuyến khích người dân xử lý trước khi đưa vào sử dụng, phương án xử lý đơn giản nhất là giàn mưa, lắng, lọc.

4. Giải pháp về chính sách

- Rà soát và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh, trong đó tập trung vào cơ chế, chính sách trong việc khai thác, sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, bền vững dự trữ lâu dài, ưu tiên sử dụng nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất quan trọng của tỉnh tại những vùng ít có điều kiện tiếp cận nguồn nước mặt; ban hành các quy định cụ thể về khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước trên phạm vi của tỉnh, mối quan hệ với các địa phương lân cận.

- Có chương trình, kế hoạch cụ thể để bổ sung biên chế, tuyển dụng cán bộ có trình độ, năng lực và chuyên môn phù hợp, kết hợp với công tác đào tạo, tập huấn hoặc đào tạo lại để tăng cường năng lực của cán bộ quản lý tài nguyên nước ở các cấp, nhất là kỹ năng quản lý và giải quyết các vấn đề thực tiễn.

- Xây dựng và thực hiện chương trình tăng cường trang thiết bị, công cụ phục vụ xử lý thông tin, đánh giá trong quá trình thẩm định, cấp phép và trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, trong đó chú trọng tới việc áp dụng và sử dụng các công cụ kỹ thuật số, các mô hình số phục vụ việc đánh giá, dự báo, các công cụ ứng dụng công nghệ GIS, xử lý, phân tích ảnh viễn thám và các thiết bị phục vụ kiểm tra tại hiện trường.

- Tăng cường sự phối hợp với các địa phương lân cận trong công tác quản lý tài nguyên nước.

VI. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giai đoạn năm 2013 - 2015

- Kiểm soát và hoàn thành việc cấp phép cho 100% các hoạt động phải có giấy phép liên quan đến tài nguyên nước tại khu vực thành phố Bắc Giang, các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Yên Dũng, Sơn Động, Yên Thế. Cần có các biện pháp trồng rừng đầu nguồn, kiểm soát nạn chặt phá rừng khu vực huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.

- Công bố, phổ biến quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước đến các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và đối tượng sử dụng nước trên địa bàn tỉnh.

- Đề án điều tra, đánh giá và công bố vùng bảo vệ nguồn nước mặt, vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Bắc Giang.

- Chương trình phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước.

- Đề án tăng cường năng lực, thiết bị, công cụ phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước ở các cấp.

- Đề án đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn nước thải của sông Thương, sông Lục Nam.

- Đề án bảo vệ nguồn nước tỉnh Bắc Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

2. Giai đoạn năm 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025

- Tiếp tục kiểm soát và hoàn thành việc cấp phép cho 100% các hoạt động phải có giấy phép liên quan đến tài nguyên nước tại khu vực đã thực hiện trong giai đoạn 2015 và các khu vực thuộc các huyện còn lại. Tiếp tục duy trì các biện pháp trồng rừng đầu nguồn, kiểm soát nạn chặt phá rừng tại khu vực huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.

- Tiếp tục chương trình phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước; đề án tăng cường năng lực, thiết bị, công cụ phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước ở các cấp.

- Đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước theo định kỳ.

- Đề án rà soát kiểm kê hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước tỉnh Bắc Giang theo định kỳ.

- Đề án xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Công bố quy hoạch, quản lý và hướng dẫn tổ chức thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch của các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan Trung ương, các tỉnh có liên quan trong việc triển khai thực hiện quy hoạch.

- Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước trình cấp có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong quy hoạch; định kỳ hàng năm, 5 năm sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện quy hoạch; trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh nội dung quy hoạch theo quy định.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; phát hiện và xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý tốt hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, tránh thất thoát tài nguyên nước và gây ô nhiễm môi trường.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan thẩm định các chương trình, đề án, dự án trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách để thực hiện có hiệu quả các nội dung của quy hoạch.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước phải đảm bảo phù hợp với các nội dung của quy hoạch.

5. Các sở, ban, ngành: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

6. UBND các huyện, thành phố

- Thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn.

- Có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước từ các khu vực làng nghề, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung; thường xuyên kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm trong việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước.

- Chỉ đạo UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan quản lý để triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định.

7. UBND cấp xã: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý tổ chức thực hiện quy hoạch; giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, báo cáo UBND cấp huyện về các nội dung thực hiện; vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

8. Các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

- Đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ trong quá trình sản xuất để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước và giảm thiểu tối đa xả nước thải vào nguồn nước; xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trước khi xả thải.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Thanh Sơn

 

PHỤ LỤC SỐ 01:

PHÂN CHIA CÁC TIỂU VÙNG QUY HOẠCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh)

STT

Tiểu vùng quy hoạch

Phạm vi hành chính

1

Tiểu vùng sông Sỏi

Các xã, thị trấn: Thị trấn Bố Hạ, thị trấn Cầu Gồ, xã Bố Hạ, xã Canh Nậu, xã Đồng Hưu, xã Đồng Kỳ, xã Đồng Lạc, xã Đồng Tâm, xã Đồng Tiến, xã Đồng Vương, xã Hương Vĩ, xã Phồn Xương, xã Tam Hiệp, xã Tam Tiến, xã Tân Hiệp, xã Tân Sỏi, xã Xuân Lương, xã Hồng Kỳ - Huyện Yên Thế.

2

Tiểu vùng sông Thương

- Các xã, phường: Phường Hoàng Văn Thụ, phường Thọ Xương, phường Lê Lợi, phường Mỹ Độ, phường Ngô Quyền, phường Trần Nguyên Hãn, phường Trần Phú, xã Đa Mai, xã Dĩnh Kế, xã Dĩnh Trì, xã Đồng Sơn, xã Song Khê, xã Song Mai, xã Tân Mỹ, xã Tân Tiến, xã Xương Giang - Thành phố Bắc Giang;

- Các xã: xã Hoàng Thanh, xã Lương Phong, xã Ngọc Sơn - Huyện Hiệp Hòa;

- Các xã, thị trấn: Thị trấn Kép, xã An Hà, xã Đào Mỹ, xã Dương Đức, một phần xã Hương Sơn, xã Mỹ Hà, xã Mỹ Thái, xã Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Hưng, xã Quang Thịnh, một phần xã Tân Thanh, xã Tân Thịnh, xã Tiên Lục, xã Xuân Hương - Huyện Lạng Giang;

- Các xã, thị trấn: Thị trấn Cao Thượng, thị trấn Nhã Nam, xã An Dương, xã Cao Thượng, xã Cao Xá, xã Đại Hóa, xã Hợp Đức, xã Lam Cốt, xã Lan Giới, xã Liên Chung, xã Liên Sơn, xã Ngọc Châu, xã Ngọc Lý, xã Ngọc Thiện, xã Ngọc Vân, xã Nhã Nam, xã Phúc Hòa, xã Phúc Sơn, xã Quang Tiến, xã Quế Nham, xã Song Vân, xã Tân Trung, xã Việt Lập, xã Việt Ngọc - Huyện Tân Yên;

- Các xã, thị trấn: Thị trấn Bích Động, xã Bích Sơn, xã Hồng Thái, xã Hương Mai, xã Minh Đức, xã Nghĩa Trung, xã Tăng Tiến, xã Thượng Lan, xã Tự Lạn, xã Việt Tiến - Huyện Việt Yên;

- Các xã, thị trấn: Thị trấn Neo, xã Hương Gián, xã Lãng Sơn, xã Nội Hoàng, xã Tân Liễu, xã Tiền Phong, xã Tiến Dũng, xã Xuân Phú - Huyện Yên Dũng;

- Các xã, thị trấn: Xã An Thượng, xã Đông Sơn, xã Tiến Thắng - Huyện Yên Thế.

3

Tiểu vùng ven sông Cầu

- Các xã, thị trấn: Thị trấn Thắng, xã Bắc Lý, xã Châu Minh, xã Đại Thành, xã Danh Thắng, xã Đoan Bái, xã Đông Lỗ, xã Đồng Tân, xã Đức Thắng, xã Hòa Sơn, xã Hoàng An, xã Hoàng Lương, xã Hoàng Vân, xã Hợp Thịnh, xã Hùng Sơn, xã Hương Lâm, xã Mai Đình, xã Mai Trung, xã Quang Minh, xã Thái Sơn, xã Thanh Vân, xã Thường Thắng, xã Xuân Cẩm - Huyện Hiệp Hòa;

- Các xã, thị trấn: Thị trấn Nếnh, xã Hoàng Ninh, xã Ninh Sơn, xã Quang Châu, xã Quảng Minh, xã Tiên Sơn, xã Trung Sơn, xã Vân Hà, xã Vân Trung - Huyện Việt Yên;

- Các xã: xã Cảnh Thụy, xã Đồng Phúc, xã Đồng Việt, xã Đức Giang, xã Nham Sơn, xã Thắng Cương, xã Tư Mại, xã Yên Lư - Huyện Yên Dũng.

4

Tiểu vùng hồ Cấm Sơn

- Các xã: Một phần xã Biên Sơn, xã Cấm Sơn, xã Hộ Đáp, một phần xã Kiên Thành, xã Phong Vân, xã Sơn Hải, xã Tân Sơn, một phần xã Thanh Hải - Huyện Lục Ngạn.

5

Tiểu vùng sông Đinh Đèn

- Các xã: Một phần Trung tâm huấn luyện Cấm Sơn, xã Biển Động, xã Kim Sơn, xã Phong Minh, xã Sa Lý - Huyện Lục Ngạn;

- Các xã: Trung tâm huấn luyện Cấm Sơn, xã Cẩm Đàn, xã Chiên Sơn, xã Giáo Liêm, xã Phúc Thắng, xã Quế Sơn, xã Thạch Sơn, xã Yên Định - Huyện Sơn Động.

6

Tiểu vùng thượng lưu sông Lục Nam

- Các xã, thị trấn: Thị trấn An Châu, xã An Bá, xã An Châu, xã An Lạc, xã An Lập, xã Dương Hưu, xã Hữu Sản, xã Lệ Viễn, xã Long Sơn, xã Vân Sơn, xã Vĩnh Khương - Huyện Sơn Động.

7

Tiểu vùng trung lưu sông Lục Nam

- Các xã: xã Bình Sơn, xã Lục Sơn, một phần xã Nghĩa Phương, một phần xã Trường Giang, xã Trường Sơn, xã Vô Tranh - Huyện Lục Nam;

- Các xã, thị trấn: Một phần Trung tâm huấn luyện Cấm Sơn, thị trấn Chũ, một phần xã Biên Sơn, xã Đèo Gia, xã Đồng Cốc, xã Giáp Sơn, xã Hồng Giang, xã Kiên Lao, một phần xã Kiên Thành, xã Mỹ An, xã Nam Dương, xã Nghĩa Hồ, xã Phì Điền, xã Phú Nhuận, một phần xã Phượng Sơn, xã Quý Sơn, xã Tân Hoa, xã Tân Lập, xã Tân Mộc, xã Tân Quang, một phần xã Thanh Hải, xã Trù Hựu - Huyện Lục Ngạn;

- Các xã, thị trấn: Thị trấn Thanh Sơn, xã Bồng Am, xã Thanh Luận, xã Tuấn Đạo, xã Tuấn Mậu - Huyện Sơn Động.

8

Tiểu vùng hạ lưu sông Lục Nam

- Các xã, thị trấn: Thị trấn Vôi, xã Đại Lâm, xã Hương Lạc, một phần xã Hương Sơn, xã Phi Mô, xã Tân Dĩnh, xã Tân Hưng, một phần xã Tân Thanh, xã Thái Đào, xã Xương Lâm, xã Yên Mỹ - Huyện Lạng Giang;

- Các xã, thị trấn: Thị trấn Đồi Ngô, thị trấn Lục Nam, xã Bắc Lũng, xã Bảo Đài, xã Bảo Sơn, xã Cẩm Lý, xã Chu Điện, xã Cương Sơn, xã Đan Hội, xã Đông Hưng, xã Đông Phú, xã Huyền Sơn, xã Khám Lạng, xã Lan Mẫu, một phần xã Nghĩa Phương, xã Phương Sơn, xã Tam Dị, xã Thanh Lâm, xã Tiên Hưng, xã Tiên Nha, một phần xã Trường Giang, xã Vũ Xá, xã Yên Sơn - Huyện Lục Nam;

- Một phần xã Phượng Sơn - Huyện Lục Ngạn;

- Các xã, thị trấn: Thị trấn Tân Dân, xã Lão Hộ, xã Quỳnh Sơn, xã Tân An, xã Trí Yên - Huyện Yên Dũng.

 

PHỤ LỤC SỐ 02:

TỔNG TRỮ LƯỢNG TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN CÁC TIỂU VÙNG QUY HOẠCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh)

STT

Tiểu vùng quy hoạch

Trữ lượng khai thác nước dưới đất
(triệu m3/năm)

Trữ lượng khai thác nước mặt
(triệu m3/năm)

Tổng trữ lượng tài nguyên nước
(triệu m3/năm)

1

Tiểu vùng sông Sỏi

6,2

241,0

247,2

2

Tiều vùng sông Thương

24,7

1.421,0

1.445,7

3

Tiểu vùng ven sông Cầu

12,9

2.354,0

2.366,9

4

Tiều vùng hồ Cấm Sơn

7,6

353,0

360,6

5

Tiểu vùng sông Đinh Đèn

12,9

339,0

351,9

6

Tiểu vùng thượng lưu sông Lục Nam

8,3

395,0

403,3

7

Tiểu vùng trung lưu sông Lục Nam

37,9

728,0

765,9

8

Tiểu vùng hạ lưu sông Lục Nam

20,7

411,0

431,7

 

Tổng cộng

131,2

6.242,0

6.373,2

 

PHỤ LỤC SỐ 03:

PHÂN BỔ NGUỒN NƯỚC CHO CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC ĐẾN CÁC GIAI ĐOẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh)

STT

Vùng quy hoạch

Tổng trữ lượng
(triệu m3/năm)

Sinh hoạt
(triệu m3/năm)

Công nghiệp
(triệu m3/năm)

Nông nghiệp (tưới, chăn nuôi)
(triệu m3/năm)

Thủy sản
(triệu m3/năm)

Các ngành khác (Y tế, dịch vụ, môi trường)
(triệu m3/năm)

Nước dưới đất

Nước mặt

Nước dưới đất

nước mặt

Nước dưới đất

nước mặt

Nước dưới đất

nước mặt

Nước dưới đất

nước mặt

Nước dưới đất

nước mặt

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

I

Năm 2015

47,50

1.218,20

38,00

12,58

3,18

267,81

-

808,02

-

124,60

6,29

5,06

1

Tiểu vùng sông Sỏi

3,00

57,30

2,43

0,19

0,21

6,31

-

43,08

-

7,46

0,30

0,26

2

Tiểu vùng sông Thương

15,80

468,00

10,93

9,13

1,96

157,67

-

264,56

-

34,59

2,89

2,01

3

Tiểu vùng ven sông Cầu

11,00

254,90

9,34

0,27

0,59

56,20

-

177,69

-

19,75

1,06

0,96

4

Tiểu vùng hồ Cấm Sơn

1,20

34,20

0,99

0,05

0,13

0,84

-

24,33

-

8,82

0,12

0,10

5

Tiểu vùng sông Đinh Đèn

0,60

42,60

0,44

0,47

-

4,51

-

29,74

-

7,82

0,12

0,09

6

Tiểu vùng thượng lưu sông Lục Nam

0,50

29,80

0,33

1,13

-

8,04

-

19,79

-

0,70

0,17

0,15

7

Tiểu vùng trung lưu sông Lục Nam

5,90

145,50

5,20

0,98

0,03

10,12

-

107,61

-

26,18

0,69

0,62

8

Tiểu vùng hạ lưu sông Lục Nam

9,50

185,90

8,34

0,36

0,26

24,12

-

141,22

-

19,28

0,94

0,87

II

Năm 2020

51,60

1.769,50

41,53

12,58

3,07

794,93

-

830,24

-

126,36

6,99

5,40

1

Tiểu vùng sông Sỏi

3,20

75,20

2,64

0,19

0,21

18,53

-

48,33

-

7,91

0,32

0,28

2

Tiểu vùng sông Thương

17,30

790,00

12,11

9,13

1,96

467,15

-

276,82

-

34,79

3,27

2,12

3

Tiểu vùng ven sông Cầu

11,70

372,30

9,97

0,27

0,59

166,68

-

184,20

-

20,10

1,14

1,02

4

Tiểu vùng hồ Cấm Sơn

1,30

34,10

1,11

0,05

0,02

3,16

-

21,95

-

8,82

0,14

0,12

5

Tiểu vùng sông Đinh Đèn

0,70

51,00

0,56

0,47

-

13,51

-

29,08

-

7,82

0,14

0,10

6

Tiểu vùng thượng lưu sông Lục Nam

0,70

48,40

0,52

1,13

-

23,61

-

22,77

-

0,70

0,20

0,16

7

Tiểu vùng trung lưu sông Lục Nam

6,50

162,70

5,72

0,98

0,03

30,70

-

104,00

-

26,37

0,76

0,67

8

Tiểu vùng hạ lưu sông Lục Nam

10,20

235,80

8,90

0,36

0,26

71,59

-

143,09

-

19,85

1,02

0,93

III

Năm 2025

54,90

3.287,00

44,29

12,58

3,07

2.292,92

-

847,75

-

128,09

7,65

5,68

1

Tiểu vùng sông Sỏi

3,30

111,50

2,79

0,19

0,21

53,58

-

49,05

-

8,35

0,35

0,30

2

Tiểu vùng sông Thương

18,80

1.677,20

13,20

9,13

1,96

1.348,63

-

282,21

-

34,99

3,66

2,23

3

Tiểu vùng ven sông Cầu

12,30

689,90

10,49

0,27

0,59

480,10

-

188,05

-

20,44

1,21

1,08

4

Tiểu vùng hồ Cấm Sơn

1,30

39,70

1,17

0,05

0,02

8,78

-

21,92

-

8,82

0,15

0,12

5

Tiểu vùng sông Đinh Đèn

0,80

75,80

0,61

0,47

-

38,29

-

29,08

-

7,82

0,15

0,11

6

Tiểu vùng thượng lưu sông Lục Nam

0,80

92,10

0,60

1,13

-

67,31

-

22,82

-

0,70

0,22

0,17

7

Tiểu vùng trung lưu sông Lục Nam

6,90

222,20

6,06

0,98

0,03

87,93

-

106,05

-

26,55

0,82

0,70

8

Tiểu vùng hạ lưu sông Lục Nam

10,70

378,60

9,37

0,36

0,26

208,30

-

148,57

-

20,42

1,09

0,97

* Ghi chú:         + Cột (3)=(5)+(7)+(9)+(11)+(13)

                        + Cột (4)=(6)+(8)+(10)+(12)+(14)

 

PHỤ LỤC SỐ 04:

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Chương trình/Dự án/Đề án

Dự kiến tổng kinh phí
(triệu đồng)

Dự kiến kinh phí (triệu đồng)

Đơn vị chủ trì thực hiện

Đơn vị phối hợp

Giai đoạn 2013-2015

Giai đoạn 2016-2020

Giai đoạn 2021-2025

1

Công bố, phổ biến quy hoạch đến các Sở, ngành và UBND cấp huyện, xã và các đối tượng sử dụng nước có liên quan trên địa bàn tỉnh ở các thời kỳ quy hoạch và quy hoạch tài nguyên nước điều chỉnh.

1.300

300

500

500

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan

2

Đề án đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn nước thải của sông Thương, sông Lục Nam, để phục vụ công tác khai thác, quản lý và bảo vệ nguồn nước các sông này trên toàn tỉnh.

2.000

2.000

 

 

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan

3

Đề án bảo vệ nguồn nước tỉnh Bắc Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng .

200

200

 

 

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan

5

Đề án điều tra, đánh giá và công bố vùng bảo vệ nguồn nước mặt, vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Bắc Giang.

4.500

2.500

2.000

 

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan

4

Đề án rà soát kiểm kê hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước tỉnh Bắc Giang theo định kỳ.

9.000

 

4.000

5.000

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan

6

Đề án xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

25.000

10.000

15.000

 

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan

7

Đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước theo định kỳ.

6.000

 

3.000

3.000

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan

8

Chương trình phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước.

1.300

300

500

500

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan

9

Đề án tăng cường năng lực, thiết bị, công cụ phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước ở các cấp.

6.000

3.000

1.500

1.500

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan

 

Tổng cộng

55.300

18.300

26.500

10.500

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2112/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 2112/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Lại Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản