Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2039/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 27 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM VĂN HÓA - ĐIỆN ẢNH TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2019-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XII) ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị quyết số 140-NQ/TU ngày 22/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 939/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 53/TTr-SVHTTDL ngày 31/10/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2: Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Điều 3: Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, KGVX.
Bản điện tử:
- Bộ VHTTDL;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban Văn hóa - Xã hội; HĐND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, TKCT, kt, TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Ánh Dương

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM VĂN HÓA - ĐIỆN ẢNH TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2019-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành Kèm theo Quyết định số 2039/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang được thành lập theo Quyết định số 78/QĐ-UBND ngày 14/02/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng vào Trung tâm Văn hóa tỉnh; Trung tâm là một thiết chế văn hóa quan trọng, giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của tỉnh. Là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ và điện ảnh, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh, đồng thời là đầu mối hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống thiết chế văn hóa cấp huyện và cơ sở. Hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tuy nhiên, cơ chế vận hành cũng như một số nội dung hoạt động của Trung tâm hiện nay đã bộc lộ những bất cập, trì trệ, kém hiệu quả, không theo kịp với xu thế phát triển chung của xã hội. Công tác thông tin tuyên truyền chậm đổi mới, thiếu tính nghệ thuật và sáng tạo. Việc tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng như liên hoan hội thi, hội diễn chất lượng thấp. Công tác điện ảnh hoạt động cầm chừng, không thu hút được khán giả đến xem kể cả tại rạp và ở các địa phương. Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Để Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phát triển và hội nhập, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển văn hóa, văn nghệ của Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng Đề án phát triển của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, cùng các giải pháp khả thi để phát triển Trung tâm. Việc xây dựng Đề án cũng nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai các bước thực hiện Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030” đồng thời thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2015-2020 định hướng đến năm 2030 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 10/6/2015.

II. CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18/6/2009;

- Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương về nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

- Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học, nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020";

- Quyết định số 1992/QĐ-TTg ngày 11/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch;

- Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030;

- Thông tư số 08/2015/TT-BVHTTDL, ngày 23/10/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về: Quy định hoạt động của Đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng hoặc Trung tâm Điện ảnh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 10/6/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030;

- Nghị quyết 140-NQ/TU ngày 22/9/2016 của BTV Tỉnh ủy Bắc Giang thông qua đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020;

- Nghị quyết số 40/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bắc Giang ngày 08/12/2017 về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến 2020, tầm nhìn 2030.

- Quyết định 513/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các ĐVSN công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2019.

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA - ĐIỆN ẢNH

I. VỊ TRÍ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY

1. Vị trí: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có trụ sở riêng, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Văn hóa cơ sở, Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Chức năng: Hướng dẫn, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, điện ảnh trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa và giải trí của nhân dân các dân tộc trong tỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm vụ

- Tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu kinh tế-xã hội của địa phương; kết hợp tuyên truyền lồng ghép phòng chống các tệ nạn xã hội, phổ biến khoa học kỹ thuật trên địa bàn toàn tỉnh thông qua các hình thức: tuyên truyền bằng trực quan; tuyên truyền bằng nghệ thuật; chiếu phim tại chỗ và lưu động.

- Hướng dẫn, tổ chức các hội thi, hội diễn về văn hóa, nghệ thuật quần chúng; tuyên truyền cổ động; hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh; hoạt động điện ảnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh;

- Sưu tầm, khai thác, giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ; hướng dẫn, chỉ đạo các nhóm sở thích, câu lạc bộ hoạt động.

- Liên kết tổ chức sản xuất phim, tổ chức sự kiện, các dịch vụ văn hóa-nghệ thuật, tuyên truyền, triển lãm, quảng cáo, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do cấp trên giao.

4. Tổ chức bộ máy

- Lãnh đạo Trung tâm, gồm: Giám đốc và 03 Phó Giám đốc.

- Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, gồm 07 phòng, đội: Phòng Hành chính-Tổng hợp; Phòng Nhà văn hóa-Câu lạc bộ; Phòng Tuyên truyền cổ động, triển lãm; Phòng Nghệ thuật quần chúng; Phòng Nghiệp vụ Điện ảnh; Đội Tuyên truyền lưu động; Đội Chiếu bóng lưu động.

5. Biên chế: Năm 2018, Trung tâm được tỉnh giao: 44 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp. Ngoài ra còn có 10 hợp đồng lao động đặc thù; 14 hợp đồng lao động làm việc tại Đội chiếu bóng lưu động được ký từ Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng cũ.

II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM

1. Hoạt động tuyên truyền, cổ động, triển lãm

Đội tuyên truyền lưu động mỗi năm xây dựng từ 05-06 chương trình tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phục vụ các sự kiện, ngày lễ, kỷ niệm của tỉnh và đất nước. Tham gia các hội thi Thông tin lưu động toàn quốc do Trung ương tổ chức đạt kết quả tốt. Tuyên truyền phục vụ quần chúng nhân dân tại cơ sở trong tỉnh hơn 100 buổi/năm (mỗi buổi thu hút bình quân khoảng 300-500 lượt người xem). Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, triển lãm được tăng cường, thường xuyên thay đổi nội dung và các hình thức. Tổ chức trưng bày triển lãm tại chỗ và lưu động từ 02 - 03 đợt/năm.

2. Hoạt động văn nghệ quần chúng; nhà văn hóa, câu lạc bộ

Tham mưu tổ chức các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng từ 01 đến 02 lần/năm. Tham gia các cuộc liên hoan nghệ thuật khu vực và toàn quốc do Trung ương tổ chức đạt kết quả tốt. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các sự kiện về văn hóa, văn nghệ. Hướng dẫn, chỉ đạo các thiết chế văn hóa cơ sở, các câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt thường xuyên; phát động sáng tác, tổ chức Liên hoan trình diễn thơ - nhạc tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố. Mỗi năm tổ chức từ 10-12 lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa văn nghệ và truyền dạy dân ca các dân tộc tại cơ sở. Thực hiện việc khai thác, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh như: Hát Then - đàn Tính, Soong hao, đặc biệt các di sản đã được UNESCO công nhận như quan họ, ca trù, chầu văn.

3. Hoạt động chiếu phim và các hoạt động dịch vụ, kinh doanh khác

3.1. Chiếu phim miễn phí: Công tác chiếu phim lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị được duy trì thường xuyên. Mỗi năm tổ chức 550 buổi chiếu phục vụ 188 xã, thị trấn miền núi trên địa bàn tỉnh, tập trung tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức nhiều đợt phim tuyên truyền kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; tuyên truyền về biên giới và biển đảo Việt Nam;

3.2. Hoạt động chiếu phim có thu tại Rạp Sông Thương và kinh doanh dịch vụ: Giai đoạn 2011-2014, số buổi chiếu kinh doanh bình quân đạt 250 buổi chiếu/năm, doanh thu đạt bình quân 350 triệu đồng; từ năm 2015 lượng khán giả đến xem giảm mạnh, hiện nay Rạp Sông Thương không còn tổ chức được hoạt động chiếu phim kinh doanh vì không có khán giả.

III. HẠN CHẾ, YẾU KÉM, NGUYÊN NHÂN

1. Hạn chế, yếu kém

1.1. Hoạt động thông tin lưu động; tuyên truyền cổ động, triển lãm nhìn chung chất lượng còn thấp, chưa có sức thu hút đối với quần chúng, nhân dân; nội dung thông tin lưu động, tuyên truyền cổ động, triển lãm chưa có nhiều sáng tạo, đổi mới. Việc tổ chức các cuộc thi sáng tác mỹ thuật quy mô cấp tỉnh; cấp khu vực; thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh và các triển lãm chuyên ngành trong nhiều năm không tổ chức được.

1.2. Hoạt động văn nghệ quần chúng; nhà văn hóa, câu lạc bộ còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập, hằng năm có tổ chức các lớp chuyên môn nhưng chất lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của phong trào; chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn đối với hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.

1.3. Hoạt động chiếu phim lưu động (miễn phí) tại các địa phương không được đổi mới về nội dung, phương pháp hoạt động dẫn đến chất lượng buổi chiếu thấp, lượng khán giả đến xem có xu hướng giảm dần. Hoạt động chiếu phim có thu tại rạp Sông Thương kém hiệu quả, lượng khán giả đến rạp ngày một giảm. Hiện nay rạp không tổ chức chiếu phim có thu được vì không có khán giả.

1.4. Chưa tổ chức cung ứng được các dịch vụ khác mà Trung tâm có lợi thế như tổ chức sự kiện, tư vấn, tham gia đạo diễn các chương trình ca múa nhạc, tuyên truyền quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các lớp huấn luyện nghệ thuật và kỹ năng sống...để tận dụng cơ sở vật chất, nhân lực tạo thêm nguồn thu nhập cho viên chức, lao động thuộc Trung tâm.

2. Nguyên nhân

2.1. Nguyên nhân chủ quan: Chất lượng nguồn nhân lực về văn hóa, điện ảnh thấp so với sự phát triển chung của toàn xã hội. Tư duy đổi mới của lãnh đạo, viên chức trong Trung tâm còn hạn chế, chưa bắt kịp xu thế mới trong giai đoạn hiện nay. Một số viên chức còn hạn chế về năng lực chuyên môn, sức ì công việc cao, thiếu năng động, sáng tạo, quen với tư duy bao cấp, chất lượng, hiệu quả công tác đạt thấp.

2.1. Nguyên nhân khách quan

- Các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị trực thuộc Bộ còn chậm, nhiều nội dung đã lạc hậu, không bắt kịp với yêu cầu của cuộc sống, chưa được bổ sung, thay thế cho phù hợp.

- Một số cơ chế chính sách về công tác tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ còn chưa phù hợp dẫn đến tình trạng bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, chậm được khắc phục.

- Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động của Trung tâm đã cũ, nát, lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Chưa có quy hoạch giao đất để từng bước đầu tư xây dựng các hạng mục chính của Trung tâm (theo Nghị quyết số 40/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bắc Giang ngày 08/12/2017 về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến 2020, tầm nhìn 2030 và Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030).

Phần thứ ba

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM VĂN HÓA - ĐIỆN ẢNH GIAI ĐOẠN 2019-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thực sự trở thành trung tâm kết nối hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo được khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa cấp tỉnh và khu vực; đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

- Đổi mới cách tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và điện ảnh tại Trung tâm. Phát triển mạnh các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nhằm từng bước thực hiện cơ chế tự chủ một phần kinh phí theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

- Xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, nguồn nhân lực có chất lượng đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong xu thế phát triển, hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Về hoạt động chuyên môn

- Hoạt động thông tin lưu động; tuyên truyền cổ động, triển lãm: Nâng cao chất lượng hoạt động của Đội thông tin lưu động đáp ứng yêu cầu phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh. Chủ động đổi mới công tác tuyên truyền cổ động trực quan; nghiên cứu, đề xuất thực hiện xây dựng mới các Pano cỡ lớn, hiện đại thay thế các pano tuyên truyền đã cũ, xuống cấp phục vụ tuyên truyền các ngày Lễ và sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh. Tổ chức cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật; triển lãm tranh, ảnh thành tựu kinh tế - xã hội định kỳ và vào các năm chẵn kỷ niệm sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh.

- Hoạt động văn nghệ quần chúng; nhà văn hóa, câu lạc bộ: Thay đổi phương pháp hướng dẫn, chỉ đạo, thúc đẩy phát triển rộng rãi phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC); nâng cao chất lượng tổ chức hội diễn cấp tỉnh hằng năm; đổi mới nội dung tập huấn về văn hóa, văn nghệ cho các CLB, hạt nhân văn nghệ ở cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Xây dựng điểm một số CLB văn hóa, văn nghệ hoạt động mạnh, hiệu quả để nhân rộng ra các địa phương. Tổ chức Liên hoan các nhà văn hóa tiêu biểu định kỳ 2 năm/lần. Hàng năm tổ chức các cuộc thi tiếng hát toàn tỉnh (Ca khúc Cách mạng, Trữ tình, Dân ca...với các đối tượng khác nhau); Tổ chức các lớp học theo nhu cầu của các đối tượng về kỹ năng sống, tổ chức sự kiện, đạo diễn và các loại hình nghệ thuật đương đại (Yoga, Múa, Erobic, Dance Sport...). Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa cấp huyện và cơ sở.

- Hoạt động Điện ảnh: Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động nhằm đáp ứng được nhu cầu của người xem, thu hút khán giả. Kết hợp chiếu phim với biểu diễn nghệ thuật và công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đội thông tin lưu động.

2.2. Về thực hiện cơ chế tự chủ

- Giai đoạn 2019-2025, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; mức độ đảm bảo từ 20-30%; giai đoạn 2026-2030, mức độ bảo đảm chi thường xuyên từ 31-45%.

- Thực hiện mô hình tự chủ theo tinh thần Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (xác định mức độ tự chủ tài chính trên cơ sở vận dụng phương pháp hướng dẫn tại các Nghị định, Thông tư quy định chế độ tự chủ đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học công nghệ và sự nghiệp khác. Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định chi tiết chế độ tự chủ đối với các ĐVSN công lập);

- Phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ từ các hoạt động tại chỗ ở trung tâm gồm:

+ Hợp đồng biểu diễn nghệ thuật, tổ chức sự kiện với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Hợp đồng xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhu cầu của các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

+ Tổ chức hoạt động quảng cáo với các hình thức: Pano, băng zôn, bảng quảng cáo, trang trí sự kiện, trưng bày triển lãm và các hoạt động liên quan khác.

+ Tổ chức các lớp học theo nhu cầu thị trường dịch vụ văn hóa - nghệ thuật như: Kỹ năng sống, tổ chức sự kiện, đạo diễn và các loại hình nghệ thuật đương đại (Yoga, Múa, Erobic, Dance Sport...).

+ Liên doanh, liên kết chiếu phim kinh doanh, cho thuê hội trường, tổ chức các sự kiện tại Rạp Sông Thương; cho thuê đạo cụ, phục trang, tăng âm, loa đài và các nguồn lực khác theo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.

II. NHIỆM VỤ

1. Giai đoạn 2019-2025

1.1. Hoạt động nghiệp vụ

- Hướng dẫn, chỉ đạo, thúc đẩy phát triển rộng rãi phong trào văn nghệ quần chúng, tổ chức hội thi, hội diễn VNQC cấp tỉnh; thực hiện bồi dưỡng, tập huấn về văn hóa, văn nghệ cho các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, truyền dạy dân ca quan họ, hát Then-Đàn tính, hát chèo, ca trù mỗi năm khoảng 10 lớp (từ 400-500 hạt nhân văn nghệ).

- Mỗi năm tổ chức ít nhất 03 lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng nếp sống văn hóa. Tổ chức liên hoan các Nhà văn hóa tiêu biểu định kỳ 02 năm/lần; thông tin thời sự, tọa đàm, tổ chức các chương trình thơ, nhạc nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Hằng năm chủ động sưu tầm, ban hành tài liệu hướng dẫn hoạt động thiết chế văn hóa, giới thiệu mô hình hoạt động CLB văn hóa.

- Thực hiện thường xuyên tuyên truyền bằng Pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu. Xây dựng mới 04 cụm Pano cỡ lớn, hiện đại thay thế các pano tuyên truyền đã cũ, xuống cấp; xây dựng một số bảng điện tử tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới. Duy trì tổ chức tuyên truyền lưu động từ 100 đến 120 buổi/năm phục vụ các nhiệm vụ chính trị.

- Tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm, giới thiệu các thành tựu kinh tế-xã hội (02 lần/năm). Hàng năm tổ chức thi, triển lãm, sáng tác về nhiếp ảnh, mĩ thuật và các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhằm đáp ứng được nhu cầu tổ chức sự kiện, lễ hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Duy trì hoạt động của Đội chiếu phim lưu động, phục vụ bình quân từ 300-350 buổi/năm. Tập trung đầu tư các thiết bị chiếu phim hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng các nội dung, chương trình hoạt động; đổi mới công tác tuyên truyền; sưu tầm, làm phim phóng sự về xây dựng nông thôn mới, việc tốt, người tốt, tour-điểm du lịch và danh thắng của địa phương, kết hợp trình chiếu các phóng sự về khoa học kỹ thuật, phòng chống tệ nạn xã hội...; khai thác nguồn phim có chất lượng tốt, có tính nghệ thuật; tăng cường giao lưu văn nghệ, tặng quà từ các hình thức quyên góp, xã hội hóa tại một số điểm chiếu phim tại các xã miền núi.

- Tổ chức chiếu phim tại rạp, phục vụ khoảng 50 buổi/năm vào các dịp ngày lễ, sự kiện của đất nước và của tỉnh. Khai thác nguồn phim mang nội dung tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và nghệ thuật cao, thực hiện nhiều hình thức truyền thông để thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân đến xem, nhất là đối với các đối tượng học sinh, sinh viên.

1.2. Nhiệm vụ bảo đảm một phần chi thường xuyên

- Thực hiện chuyển đổi một số nhiệm vụ từ giao dự toán sang cơ chế đặt hàng, xây dựng chương trình và tổ chức tuyên truyền lưu động; xây dựng và tổ chức chương trình nghệ thuật nhân các sự kiện lớn; chiếu bóng miền núi; phấn đấu đến năm 2025, doanh thu toàn bộ các nội dung thực hiện theo cơ chế đặt hàng đạt khoảng 2.170 triệu đồng/năm.

- Chiếu phim kinh doanh: Tìm đối tác liên doanh, liên kết trong hoạt động chiếu phim có doanh thu. Đầu tư cải tạo rạp, đổi mới phương pháp để tổ chức lại hoạt động; phấn đấu tái hình thành nguồn thu và đến năm 2025, doanh thu chiếu phim đạt khoảng 300 triệu đồng/năm, lợi nhuận từ hoạt động sau khi trừ chi phí bổ sung nguồn thu khoảng 90 triệu đồng/năm.

- Tăng cường hoạt động dịch vụ nghệ thuật, dịch vụ tuyên truyền để hình thành nguồn thu từ hoạt động này theo cơ chế thị trường. Thu hợp đồng biểu diễn nghệ thuật, tổ chức sự kiện với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức tư nhân và thu hợp đồng tuyên truyền các chương trình mục tiêu với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, doanh thu hình thành đạt khoảng 200 triệu đến 300 triệu đồng/năm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí bổ sung nguồn thu khoảng 160 triệu đồng/năm.

- Tổ chức dịch vụ quảng cáo, băng rôn, trang trí khánh tiết và văn hóa phẩm; tổ chức dịch vụ và liên doanh, liên kết khác như: Mở các lớp dạy hát, dạy múa, âm nhạc, mỹ thuật, dịch vụ bán hàng; cho thuê phục trang, đạo cụ, tăng âm, loa máy...Phấn đấu đến năm 2025, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đến 300 triệu đồng/năm, lợi nhuận từ hoạt động sau khi trừ chi phí bổ sung nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/năm.

2. Định hướng đến năm 2030

2.1. Hoạt động nghiệp vụ

Tiếp tục duy trì các hoạt động giai đoạn 2019-2025, đồng thời nâng cao số lượng, chất lượng tập huấn hạt nhân văn nghệ cơ sở; tổ chức hội thi; nhân rộng các hình thức truyền dạy dân ca quan họ, hát Then-Đàn tính, hát chèo, ca trù tại cơ sở, thí điểm trong các trường học. Đổi mới về nội dung, chất lượng triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, tranh cổ động; tổ chức đăng cai một số cuộc triển lãm toàn quốc. Đội tuyên truyền lưu động tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phục vụ nhân dân đảm bảo chất lượng, duy trì từ 90-100 buổi/năm. Đội chiếu bóng lưu động duy trì từ 300 đến 350 buổi chiếu/năm.

2.2. Nhiệm vụ bảo đảm một phần chi thường xuyên

Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động đã triển khai ở giai đoạn 2019-2025, chuyên nghiệp hóa gắn với thị trường hóa hoạt động dịch vụ có thu để tăng nguồn thu. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn tự chủ đạt khoảng 31%-45% chi thường xuyên.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về đổi mới tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực

Sắp xếp tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sáp nhập Phòng Tuyên truyền cổ động-Triển lãm với Phòng nghiệp vụ Điện ảnh, (thực hiện trong năm 2019); sáp nhập Phòng Nhà văn hóa - Câu lạc bộ với Phòng Nghệ thuật quần chúng (thực hiện trong năm 2020). Sau khi sáp nhập, Trung tâm VH-ĐA còn lại 05 phòng, đội trực thuộc, giảm 02 phòng.

Thực hiện tinh giản theo Đề án tinh giản biên chế của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2015-2021 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1612/QĐ-UBND ngày 31/8/2015. Tuyển dụng mới và cử đi đào tạo lại viên chức có chuyên môn theo từng vị trí việc làm, nắm bắt và sử dụng thành thạo trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến; có khả năng làm việc độc lập, làm chủ được khoa học, công nghệ; yêu ngành, yêu nghề và hiểu biết sâu về lĩnh vực được phân công đảm nhiệm. Giảm dần biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, từng bước chuyển sang thực hiện ký hợp đồng lao động thuê khoán, hợp đồng lao động lĩnh vực có doanh thu.

Đổi mới phong cách, tác phong làm việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với viên chức, người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và hoạt động dịch vụ. Thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương, chế độ nghỉ lễ, nghỉ phép và các chế độ khác; từng bước phấn đấu ổn định chế độ và tăng thu nhập cho người lao động. Có chế độ động viên, khen thưởng kịp thời đối với viên chức, người lao động.

2. Giải pháp về đầu tư nguồn lực

2.1. Đầu tư cơ sở vật chất trang bị kỹ thuật

- Đầu tư cơ sở vật chất: Trước mắt, sử dụng kinh phí sự nghiệp để cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc, Rạp Sông Thương phục vụ cho tập luyện chương trình nghệ thuật, kết hợp tổ chức hoạt động dịch vụ. Từng bước bố trí tiếp nhận sử dụng cơ sở vật chất hiện có của các đơn vị sự nghiệp giải thể. Về lâu dài sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh ở vị trí mới, có quy mô tổ chức được các sự kiện văn hóa cấp tỉnh và khu vực; đăng cai được các hoạt động văn hóa nghệ thuật, triển lãm trong nước và quốc tế.

- Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật:

+ Đội chiếu bóng lưu động: Bổ sung trang thiết bị kỹ thuật phù hợp gồm: Máy chiếu, thiết bị âm thanh, ánh sáng, phương tiện vận chuyển đảm bảo phục vụ đồng bào miền núi theo đơn đặt hàng.

+ Đội tuyên truyền lưu động và cổ động, triển lãm: Đầu tư mua sắm thiết bị kỹ thuật tiên tiến về âm thanh, ánh sáng, hệ thống sân khấu; máy in khổ lớn, máy cắt chữ vi tính và các dụng cụ, công cụ khác.

(Theo lộ trình giá phí dịch vụ, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ các hoạt động đặt hàng sẽ được sử dụng từ doanh thu đặt hàng để đảm bảo).

- Đầu tư phát triển khoa học công nghệ: Theo tiến bộ phát triển của khoa học, công nghệ, từng bước đầu tư thiết bị và công nghệ tiên tiến để tăng chất lượng phục vụ các hoạt động chuyên môn và kinh doanh dịch vụ.

2.2. Tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa: Thông qua hoạt động liên doanh liên kết, hoạt động tín dụng của đơn vị sự nghiệp, nguồn xã hội hóa khác để đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ (quảng cáo, in ấn, tổ chức sự kiện, biểu diễn có thu...).

- Chủ động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - điện ảnh. Liên kết với các nhà đầu tư có uy tín, năng lực để cải tạo, lắp đặt thiết bị kỹ thuật có công nghệ mới, hiện đại.

- Chủ động tìm kiếm, ký kết hợp đồng biểu diễn văn nghệ, tổ chức các sự kiện trên địa bàn tỉnh; dịch vụ sáng tác, in, thi công quảng cáo ...

- Liên kết với các đối tác để tổ chức các dịch vụ bán, cho thuê phục trang, đạo cụ, các sản phẩm làng nghề và sản phẩm văn hóa, du lịch khác; mời giảng viên tổ chức dịch vụ dạy hát, múa, kỹ năng sống...

- Phối hợp với các nhà sản xuất, phát hành phim, trong và ngoài nước để kịp thời cung cấp, trình chiếu phục vụ khán giả những bộ phim mới nhất, hợp thị hiếu của đông đảo người xem, tập trung vào thị hiếu khán giả trẻ và tuổi thiếu niên.

- Việc liên doanh, liên kết tổ chức dịch vụ trước hết hướng tới đảm bảo năng lực thực hiện các nội dung liên quan thuộc ngành đang do khu vực tư nhân thực hiện. Từng bước nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu của khu vực công.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2019-2025

Kinh phí thực hiện đề án từ nguồn ngân sách tỉnh giao dự toán hàng năm, ngân sách Trung ương hỗ trợ mục tiêu và các nguồn thu hoạt động sản xuất kinh doanh, sự nghiệp là 75.850 triệu đồng (Chưa tính nguồn đầu tư xây dựng cơ bản) cụ thể:

- Thu hoạt động dịch vụ, sự nghiệp, đặt hàng của Nhà nước: 16.875 triệu đồng;

- Nguồn kinh phí ngân sách cấp theo dự toán: 47.375 triệu đồng;

- Nguồn kinh phí liên doanh, liên kết, xã hội hóa: 11.600 triệu đồng;

(Có phụ lục chi tiết kèm theo).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh cụ thể hóa nội dung Đề án thành kế hoạch thực hiện hàng năm để tổ chức thực hiện.

- Phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nội vụ và các cơ quan có liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện Đề án.

- Định kỳ kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và báo cáo UBND tỉnh tiến độ, kết quả thực hiện Đề án theo từng giai đoạn. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có nội dung, nhiệm vụ chưa phù hợp, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Bố trí phân bổ nguồn vốn thực hiện Đề án trong đó có nguồn vốn xây dựng cơ quan nhằm thực hiện đúng lộ trình Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách về đầu tư, khuyến khích thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội hóa nhằm tăng nguồn thu cho đơn vị.

3. Sở Tài chính

- Tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách hàng năm ngoài các nội dung chi cho hoạt động thường xuyên của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh đảm bảo yêu cầu, mục tiêu của Đề án.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các cơ quan liên quan tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện Đề án.

4. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế nhằm từng bước tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh đầy đủ, kịp thời.

5. UBND các huyện, thành phố

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Hằng năm căn cứ nội dung Đề án, xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách phù hợp để tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật do tỉnh tổ chức và thực hiện có hiệu quả các hoạt động văn hóa tại địa phương./.

 

PHỤ LỤC

KINH PHÍ ĐỀ ÁN CHI TIẾT

Đơn vị: Triệu đồng

STT

Năm

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Giai đoạn 2019-2025

I

Nguồn thu hoạt động dịch vụ, sự nghiệp và đặt hàng (1+2)

2.110

2.240

2.385

2.465

2.515

2.550

2.610

16.875

1

Nguồn thu sự nghiệp, thu sản xuất kinh doanh

0

180

310

360

380

400

440

2.070

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

- Chiếu phim KD tại Rạp ST

 

50

60

70

70

80

90

420

- HĐ BDNT, tổ chức sự kiện

 

40

50

70

80

80

100

420

- HĐ T.truyền các CTMT

 

60

60

60

60

60

60

360

- Dịch vụ in quảng cáo

 

 

90

90

90

90

90

450

- Dịch vụ, liên doanh liên kết khác

 

30

50

70

80

90

100

420

2

Nguồn NSNN đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (lợi nhuận bổ sung nguồn hoạt động)

2.110

2.060

2.075

2.105

2.135

2.150

2.170

14.805

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

0

- Xây dựng chương trình cho Đội TTLĐ

90

90

95

95

95

100

100

665

- Tuyên truyền lưu động 100 buổi

500

500

500

530

530

530

550

3.640

- Xây dựng chương trình, tổ chức hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân

80

80

85

85

85

90

90

595

- Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn tỉnh

90

90

95

95

95

100

100

665

- Chiếu bóng lưu động

1.350

1.300

1.300

1.300

1.330

1.330

1.330

9.240

II

Nguồn kinh phí cấp theo dự toán NSĐP (1+2)

6.765

6.970

6.780

7.045

6.580

6.805

6.430

47.375

1

NSNN cấp chi TX bộ máy làm việc và định mức phân bổ dự toán theo quyết định của cấp có thẩm quyền (dự kiến mỗi năm tăng 0,01% so 2018)

4.200

4.240

4.280

4.125

4.170

4.215

4.260

29.490

2

Chi nhiệm vụ không thực hiện tự chủ

2.565

2.730

2.500

2.920

2.410

2.590

2.170

17.885

 

Trong đó

 

 

 

 

 

 

 

 

*

Các hoạt động thường ổn định trong năm (KP tính B.quân tăng 0,01% mỗi năm so 2018)

1.755

1.780

1.810

1.840

1.870

1.900

1.930

12.885

*

Ngày hội VH dân tộc vùng Đông Bắc 2 năm 1 lần

 

140

 

140

 

150

 

430

*

Mua sắm TX tài sản phục vụ chuyên môn, văn phòng

120

120

120

150

150

150

150

960

*

Mua sắm không TX các TS khác

0

0

480

100

0

300

0

880

-

Bổ sung 01 đôi loa công suất 6.000W Đội TTLĐ

 

 

180

 

 

 

 

180

-

Bổ sung máy lạnh phòng khán giả

 

 

 

100

 

 

 

100

-

Máy CBLĐ chuyên dụng full HD (02 bộ)

 

 

300

 

 

300

 

600

*

Sửa chữa TX TSCĐ

90

90

90

90

90

90

90

630

*

Sửa chữa lớn TSCĐ nguồn sự nghiệp

600

600

0

600

300

0

0

2.100

-

Sửa chữa trụ sở làm việc

600

400

 

 

 

 

 

1.000

-

Cải tạo 3 phòng Nhạc, Hát, Múa (80 - 100m2)

 

 

 

600

300

 

 

900

-

Sửa chữa hệ thống ghế khán giả

 

200

 

 

 

 

 

200

Ill

Nguồn liên doanh liên kết và XHH (1+2)

0

3.000

700

300

300

3.200

4.100

11.600

-

01 bộ máy chiếu kỹ thuật số

 

2.500

 

 

 

 

 

2.500

-

Thiết bị dịch vụ quảng cáo

 

200

400

 

 

200

 

800

-

Liên kết tổ chức sự kiện, biểu diễn

 

300

300

300

300

300

300

1.800

-

Cải tạo cụm rạp 3 phòng chiếu chất lượng

 

 

 

 

 

700

800

1.500

-

Lắp đặt 2 máy chiếu KT số

 

 

 

 

 

2 000

3.000

5.000

 

Tổng (I+II+III)

8.875

12.210

9.865

9.810

9.395

12.555

13.140

75.850

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2039/QĐ-UBND năm 2018 về Đề án phát triển Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 2039/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Lê Ánh Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản