Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 88/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH NÂNG CẤP, XÂY MỚI CÁC CÔNG TRÌNH VĂN HÓA (NHÀ HÁT, RẠP CHIẾU PHIM, NHÀ TRIỂN LÃM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT) GIAI ĐOẠN 2012 - 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại tờ trình số 229/TTr-BVHTTDL ngày 15 thảng 11 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020” với những nội dung chính sau đây:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Từng bước hoàn thiện hệ thống các công trình văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam.

2. Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa phải gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020, phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị các vùng, địa phương và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, nhất là các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể dục - thể thao; phù hợp với đặc điểm về đời sống tinh thần của từng vùng, địa phương. Phấn đấu thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng.

3. Khai thác, phát huy tối đa các công trình văn hóa hiện có. Thực hiện việc nâng cấp, xây mới các công trình phù hợp với khả năng, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu văn hóa, nghệ thuật ở từng vùng, địa phương.

4. Nhà nước hỗ trợ đầu tư và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và khai thác phát huy các công trình văn hóa để phục vụ nhân dân.

5. Từng bước xây dựng một số công trình văn hóa có tầm cỡ, làm điểm nhấn ở các thành phố lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn với chức năng tổng hợp, gắn liền với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt quan tâm đến giữ gìn, phát huy bản sắc và nhu cầu văn hóa của các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

6. Việc xây dựng, phát triển các công trình văn hóa phải gắn liền với đổi mới phương thức quản lý để khai thác, phát huy hiệu quả cao; góp phần vào việc xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Hoàn thiện hệ thống các công trình văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đặc biệt các khu vực vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn. Từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình văn hóa có chất lượng cao, hiện đại, tầm cỡ khu vực ở các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể:

Thực hiện kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa đến năm 2020 như sau:

- Tại các đô thị đặc biệt như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô lớn, hiện đại đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế.

- Tại các đô thị trung tâm vùng kinh tế - xã hội, đô thị loại I: Thành phố Thái Nguyên, thành phố Hải Phòng, thành phố Vinh, thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Quy Nhơn, thành phố Nha Trang, thành phố Đà Lạt, thành phố Buôn Ma Thuột và thành phố Cần Thơ xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô phù hợp, hiện đại đủ điều kiện tổ chức sự kiện cho vùng và quốc gia.

- Tại các đô thị loại II, loại III và một số khu dân cư cạnh khu công nghiệp lớn, khu du lịch quốc gia, khu đô thị đông dân cư: Xây dựng một số công trình văn hóa (thiết chế tổng hợp), tùy theo quy mô dân số và đặc điểm của từng tỉnh, thành phố có thể bao gồm 1 đến 3 chức năng (rạp, cụm rạp chiếu phim; rạp hát; nhà triển lãm) trong một thiết chế văn hóa.

III. QUY HOẠCH NÂNG CẤP, XÂY MỚI CÁC CÔNG TRÌNH VĂN HÓA (NHÀ HÁT, RẠP CHIẾU PHIM, NHÀ TRIỂN LÃM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT)

1. Yêu cầu chung

- Nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các công trình văn hóa tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tại các đô thị và quy hoạch của từng lĩnh vực chuyên ngành. Quy mô công trình thích hợp với từng địa bàn tỉnh, thành phố theo lộ trình đầu tư phù hợp, bảo đảm có công trình văn hóa tiêu biểu cho ngành và cho vùng.

- Khi thực hiện nâng cấp, cải tạo, xây mới các công trình văn hóa cần đầu tư đồng bộ, đảm bảo các trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ cộng đồng, tăng khả năng kinh doanh, bảo đảm hoạt động bền vững của công trình, đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa nghệ thuật của nhân dân.

2. Quy hoạch cụ thể

a) Công trình nhà hát:

Tổng số nhà hát cần nâng cấp và xây dựng mới là 71 nhà hát (trong đó xây mới 51 nhà hát, nâng cấp 20 nhà hát), cụ thể là:

- Tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số: 45/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2008.

- Xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn từ 2.000 đến 2.500 ghế, với trang thiết bị hiện đại chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, ánh sáng và cơ khí sân khấu. Trong đó, tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xây mới công trình nhà hát có quy mô lớn từ 2.500 đến 3.000 ghế.

- Xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 đến 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm và các thành phố là trung tâm vùng, trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn.

- Nâng cấp cải tạo, đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật 20 công trình nhà hát đã bị xuống cấp, hư hỏng.

b) Công trình rạp chiếu phim:

Tổng số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng mới là 106 rạp (trong đó xây dựng mới 57 rạp, nâng cấp 49 rạp), cụ thể là:

- Xây mới 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với quy mô khoảng 1.500 ghế, mỗi cụm rạp có từ 8 đến 10 phòng chiếu và có thể bố trí một số rạp chiếu phim công nghệ 3D, 4D và các dịch vụ văn hóa tổng hợp khác, đảm bảo có thể tổ chức liên hoan phim quốc tế và trong nước.

- Xây mới 55 rạp quy mô từ 500 đến 1.000 ghế có từ 2 đến 6 phòng chiếu.

- Nâng cấp cải tạo, đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật 49 công trình rạp chiếu phim đã bị xuống cấp, hư hỏng.

c) Công trình nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật:

Tổng số nhà triển lãm cần nâng cấp và xây dựng mới là 66 công trình (trong đó xây dựng mới 36 công trình, nâng cấp 30 công trình), cụ thể là:

- Đầu tư nâng cấp nhà triển lãm văn học nghệ thuật Việt Nam hiện có tại Hà Nội với quy mô có thể tổ chức các cuộc triển lãm quốc tế, diện tích khoảng 24.000 m2 sàn xây dựng, với trang thiết bị hiện đại. Xây mới 1 công trình tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Xây mới 34 nhà triển lãm văn học nghệ thuật có quy mô từ 1.000 đến 4.000 m2 sàn xây dựng tại các tỉnh, thành phố với chức năng đủ tầm tổ chức những triển lãm chuyên đề khu vực và vùng lãnh thổ.

- Nâng cấp cải tạo, đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật 30 công trình nhà triển lãm văn học nghệ thuật đã bị xuống cấp, hư hỏng.

- Bổ sung chức năng triển lãm thường xuyên tổng hợp và chuyên đề cho các Bảo tàng thuộc quản lý của Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bằng việc mở rộng, cải tạo, xây dựng, đổi mới trang thiết bị đảm bảo tổ chức được thường xuyên các triển lãm văn học nghệ thuật.

d) Đầu tư trang thiết bị khác:

- Đầu tư trang thiết bị cho Đội chiếu bóng lưu động, trang thiết bị phục vụ biểu diễn cho các Đoàn nghệ thuật, các nhà văn hóa ở các tỉnh có quận, huyện, hải đảo, vùng sâu, vùng xa gồm 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, 2 tỉnh đồng bằng sông Hồng, 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, 5 tỉnh Tây Nguyên, 2 tỉnh Đông Nam Bộ và 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

- Hỗ trợ trang thiết bị cho nhà triển lãm tư nhân tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm khuyến khích tư nhân xây dựng nhà triển lãm, phòng trưng bày văn hóa, nghệ thuật tổng hợp và chuyên đề theo chính sách xã hội hóa của Nhà nước.

IV. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

1. Giải pháp về quản lý thực hiện

- Để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, yêu cầu tất cả công việc như: Khảo sát đánh giá hiện trạng công trình, công tác quản lý khai thác, lập dự án, phê duyệt dự án, đầu tư cải tạo, xây dựng các công trình văn hóa phải tuân thủ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Căn cứ vào Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa đã được phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương, cơ quan liên quan khi triển khai thực hiện phải tiến hành lồng ghép với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng (thể hiện rõ vị trí, diện tích đất dành cho các công trình văn hóa trong khu vực đất công cộng, đất dự trữ của quy hoạch), ưu tiên bố trí khu đất có vị trí thuận tiện với quy mô, phù hợp với các công trình văn hóa.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý quy hoạch đất đai, cải tạo, xây dựng các công trình văn hóa trên địa bàn theo các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

2. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư

a) Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước:

- Ngân sách trung ương cấp vốn đầu tư nâng cấp và xây mới các công trình có quy mô lớn tầm cỡ quốc gia tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số công trình có quy mô phù hợp tại các trung tâm vùng như: Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên... Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần cho các địa phương tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Ngân sách trung ương đầu tư cho các công trình nhà hát phục vụ bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

- Ngân sách địa phương đầu tư các công trình văn hóa thuộc địa phương quản lý.

- Ngân sách nhà nước sử dụng hỗ trợ để xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình văn hóa.

b) Tăng cường huy động các nguồn vốn và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình văn hóa:

- Tăng cường công tác xã hội hóa tại các đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập.

- Tăng cường thu hút các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế (trong nước và quốc tế) đầu tư vào các công trình văn hóa theo quy định pháp luật.

- Thực hiện chính sách ưu đãi về đất, lãi suất, thuế để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các tổ hợp thương mại, dịch vụ có bố trí diện tích trong công trình để làm rạp hát, rạp chiếu phim, phòng trưng bày văn học, nghệ thuật.

3. Giải pháp về chính sách đất đai

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần ưu tiên bố trí khu đất có vị trí thuận tiện và quy mô phù hợp với xây dựng các công trình văn hóa ngay từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị loại I, khi xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch các đô thị mới hoặc di chuyển các công trình (như nhà máy công nghiệp, các khu gây ô nhiễm...) ra ngoại thành, cần ưu tiên bố trí các vị trí, diện tích phù hợp cho các công trình văn hóa.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chính sách chung của Nhà nước cần cụ thể hóa các giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất nhằm khuyến khích xã hội hóa đầu tư cải tạo, xây dựng mới các công trình văn hóa theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

4. Giải pháp về cơ chế chính sách

a) Cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích đầu tư và tạo nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở văn hóa:

- Thực hiện ưu đãi về thuế theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường để khuyến khích đầu tư và tạo nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở văn hóa.

- Được ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các quy định pháp luật hiện hành.

- Đối với các công trình văn hóa ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và các chương trình mục tiêu, Nhà nước hỗ trợ về giá cung cấp dịch vụ.

b) Cơ chế, chính sách huy động vốn:

- Áp dụng các hình thức huy động vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế, các nguồn tài trợ hợp pháp khác, cổ phần hóa để huy động, khuyến khích người dân đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình văn hóa.

- Có cơ chế, khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây dựng các công trình văn hóa của doanh nghiệp.

5. Giải pháp về quy hoạch

- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ ràng và cụ thể nhu cầu về diện tích và vị trí đất dành cho xây dựng công trình văn hóa.

- Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo việc quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới phải bố trí diện tích và vị trí đất cho xây dựng các công trình văn hóa.

6. Khái toán tổng mức đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa

a) Tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn 2012 - 2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng (chiếm 60,2%), các nguồn huy động khác 4.300 tỷ đồng (chiếm 39,8%).

b) Phân kỳ đầu tư

- Giai đoạn 2012 - 2015: Tổng vốn đầu tư dự kiến là 3.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 1.780 tỷ đồng (chiếm 59,3%), các nguồn huy động khác 1.220 tỷ đồng (chiếm 40,7%);

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tổng số vốn đầu tư dự kiến là 7.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 4.725 tỷ đồng (chiếm 60,6%) các nguồn huy động khác 3.075 tỷ đồng (chiếm 39,4%).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì triển khai thực hiện Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020” đã được phê duyệt.

- Phối hợp với các Bộ, ngành để chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi toàn quốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2015 và tổng kết vào năm 2020.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Tổng hợp kế hoạch và bố trí vốn ngân sách nhà nước hàng năm về đầu tư cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh, thành phố để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình văn hóa.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bổ sung, điều chỉnh chính sách nhằm tăng cường thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư đối với các công trình văn hóa.

3. Bộ Tài chính: Chủ trì nghiên cứu điều chỉnh các chính sách ưu đãi đặc thù về mức thuế, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... đặc biệt là chính sách khuyến khích đối với công trình văn hóa có bao gồm các hoạt động dịch vụ khác để huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.

4. Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó dành quỹ đất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để xây dựng mới các công trình văn hóa. Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành hệ thống định mức mới về tiêu chuẩn kỹ thuật và suất đầu tư xây dựng mới đối với các công trình văn hóa để làm cơ sở cho việc lập dự toán các dự án đầu tư.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Rà soát lại các công trình văn hóa trên địa bàn, lập dự án nâng cấp cải tạo các công trình hiện có, lập quy hoạch sử dụng đất, dành quỹ đất hợp lý tại các vị trí thuận lợi để đầu tư mới các công trình văn hóa.

- Chủ động bố trí ngân sách địa phương xây dựng các công trình văn hóa, đặc biệt là vốn đầu tư giải phóng mặt bằng công trình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- UBTQLH các Hội VHNT Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).XH 125

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân