Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2018/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 10 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2006-2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 62/QĐ-TU, ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và các tiểu ban thực hiện 5 chương trình mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần VIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010;

Xét Tờ trình số 216/SCN, ngày 07/9/2006 của Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Vĩnh Long,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này Đề án "Phát triển tiểu thủ công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010".

Điều 2. Giám đốc Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo và các ngành có liên quan, các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và được đăng Công báo tỉnh./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Sáu

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2018/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 10 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Phần I

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN (2001 - 2005)

Công nghiệp Vĩnh Long nếu xét trình độ sản xuất được chia làm 2 ngành: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Trong đó ngành TTCN chiếm 60% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh, xét về cơ cấu kinh tế chưa phải là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng rất đa dạng bao gồm nhiều ngành như cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử, gia công kim loại, hóa chất, vật liệu xây dựng, gốm mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm, dệt, da, may... được hình thành và phát triển dựa trên nguồn nguyên liệu và lao động địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh như ngành chế biến lương thực - thực phẩm, chế biến thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm mỹ nghệ, hóa chất và dược liệu, thuốc lá, may mặc, giày da… Trong thời gian qua 5 năm (2001 - 2005), ngành TTCN đã đạt được kết quả như sau:

1. Qui mô, nhịp độ phát triển và tỷ trọng TTCN trong cơ cấu ngành CN của tỉnh Vĩnh Long:

Trong giai đoạn 2001 - 2005, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Vĩnh Long tăng trưởng bình quân 17,23%/năm. Năm 2001 đạt 1.021,995 tỷ đồng (giá cố định năm 1994) đến năm 2005 đạt 2.021,555 tỷ đồng; qui mô của ngành đã tăng lên gấp 2 lần.

Trong giá trị trên, giá trị sản xuất TTCN cho năm 2005 là 1.319,922 tỷ đồng chiếm 65,29% giá trị sản xuất toàn ngành, so năm 2000 tăng 2,35 lần. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 18,70%/năm so với tốc độ phát triển bình quân toàn ngành (17,23%) cao hơn chút ít (1,47%) chứng tỏ ngành TTCN phát triển tương ứng với tốc độ phát triển toàn ngành nhưng do có điểm xuất phát thấp, qui mô nhỏ nên chưa tạo sự phát triển đột phá nhanh, ổn định trong cơ chế kinh tế thị trường.

Sản phẩm ngành nghề TTCN theo thống kê chưa đầy đủ có đến 48 loại sản phẩm chiếm tỷ trọng cao là xay xát lúa gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo, nước tương, nước mắm, nem chả, cưa xẻ gỗ, máy móc dân dụng, đóng ghe tàu, gốm gạch, chiếu thảm xuất khẩu.

Các sản phẩm từ ngành nghề TTCN đa số tiêu thụ nội địa, các ngành nghề truyền thống như mặt hàng đan đát từ mây tre, trúc, lá dừa, đồ gỗ dân dụng, nem chả, bán bánh tàu hủ, nước tương, nước chấm ít bị tác động của hàng hoá công nghiệp từ các đô thị đổ về. Trong quá trình sản xuất, để thích ứng các cơ sở thường xuyên thay đổi mẫu mã, thu hẹp hoặc mở rộng tuỳ sức mua trên thị trường nên sản phẩm tiêu thụ tốt. Tuy nhiên do quá trình hội nhập một số sản phẩm chủ lực của ngành: Gạch ngói, nấm rơm muối, gốm mỹ nghệ, chiếu thảm xuất khẩu chịu nhiều sức ép của kinh tế thị trường nhưng qui mô sản xuất vẫn phát triển do có sự cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện theo đòi hỏi cao nhiều hơn của khách hàng.

2. Về số lượng cơ sở sản xuất:

Năm 2001 có 5.896 cơ sở, đến năm 2005 có 7.176 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng 1.280 cơ sở, thu hút thêm 12.574 lao động, tính đến cuối năm 2005 đã có 49.736 lao động làm việc trong ngành TTCN. Trong tổng số cơ sở sản xuất TTCN khu vực kinh tế cá thể có 6.921 cơ sở, chiếm 96,44%; khu vực tư nhân và hỗn hợp 249 cơ sở chiếm 3,46%.

Số cơ sở sản xuất được phân bố như sau:

- Thị xã Vĩnh Long: 1.453 cơ sở, khu vực cá thể 1.401 cơ sở.

- Huyện Long Hồ: 891 cơ sở, khu vực cá thể 833 cơ sở.

- Huyện Mang Thít: 1.592 cơ sở, khu vực cá thể 1.504 cơ sở.

- Huyện Bình Minh: 1.079 cơ sở, khu vực cá thể 1.056 cơ sở.

- Huyện Tam Bình: 574 cơ sở, khu vực cá thể 562 cơ sở.

- Huyện Trà Ôn: 687 cơ sở, khu vực cá thể 681 cơ sở.

- Huyện Vũng Liêm: 900 cơ sở, khu vực cá thể 884 cơ sở.

Qua số liệu trên, số cơ sở sản xuất cá thể chiếm tỷ trọng cao và phân bố nhiều ở huyện Mang Thít, thị xã Vĩnh Long, huyện Bình Minh.

Nhóm ngành nghề sản phẩm đất nung gạch ngói có đến 91,13% số cơ sở nằm trên địa bàn huyện Mang Thít, gốm mỹ nghệ có đến 68,8% ở huyện Mang Thít, 30% nằm trên huyện Long Hồ và thị xã Vĩnh Long.

Nhóm ngành chế biến lương thực - thực phẩm:

+ Xay xát gạo có 20,95% cơ sở nằm trên địa bàn huyện Trà Ôn, Tam Bình là 19,5%, Long Hồ là 13,01%, huyện Mang Thít và Bình Minh là 12,67%.

+ Sản xuất bún bánh, hủ tiếu có 24,21% nằm trên địa bàn huyện Vũng Liêm, huyện Bình Minh là 17,89%, huyện Tam Bình 16,8%, huyện Long Hồ và Mang Thít đều trên 10%.

+ Sản xuất tương chao, tàu hủ có 29,27% cơ sở nằm trên địa bàn huyện Bình Minh, huyện Vũng Liêm là 26,83%, huyện Long Hồ là 21,99%, huyện Mang Thít 12,20%.

+ Sản xuất nước chấm: có đến 65% cơ sở nằm trên địa bàn huyện Bình Minh, huyện Long Hồ 35%.

+ Sản xuất bánh kẹo có đến 62,5% nằm trên địa bàn huyện Vũng Liêm, huyện Tam Bình 8,33%.

+ Sấy trái cây có đến 66% nằm trên địa bàn huyện Long Hồ, 32% nằm huyện Vũng Liêm và 2% nằm trên huyện Mang Thít.

Nhóm chế biến gỗ và lâm sản:

+ Cưa xẻ gỗ có đến 29,17% nằm trên địa bàn huyện Vũng Liêm; 20% huyện Mang Thít; huyện Trà Ôn 14,17%; 12,5% ở huyện Tam Bình; 8,33% huyện Long Hồ.

+ Đóng tàu thuyền có đến 34,88% cơ sở nằm trên huyện Long Hồ; 23,26% huyện Vũng Liêm; 20,93% huyện Tam Bình; huyện Bình Minh 11,63%.

+ Đan đát có đến 85,55% cơ sở nằm trên huyện Mang Thít; 9,54% cơ sở huyện Bình Minh; 3,76% huyện Long Hồ và Vũng Liêm 1,16%.

+ Dệt chiếu có đến 91,53% cơ sở nằm trên địa bàn Vũng Liêm; 5,3% ở huyện Long Hồ còn lại một số nhỏ nằm huyện Mang Thít, Bình Minh.

Nhóm ngành cơ khí, hàn tiện có đến 27,06% nằm trên địa bàn huyện Vũng Liêm; 17,65% ở huyện Mang Thít; 17,06% huyện Bình Minh; 15,88% huyện Tam Bình; huyện Long Hồ 12,94%; huyện Trà Ôn 7,06% và thị xã Vĩnh Long 2,35%.

Từ những dữ liệu trên, huyện Mang Thít có thế mạnh về phát triển ngành nghề gạch ngói, gốm mỹ nghệ; huyện Long Hồ có thế mạnh phát triển ngành nghề sơ chế, chế biến trái cây, dệt kết thảm, chằm nón lá, du lịch sinh thái; huyện Vũng Liêm có thế mạnh về phát triển chế biến lương thực, sơ chế nấm rơm, dệt chiếu hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, cơ khí hàn tiện; huyện Tam Bình có thế mạnh về phát triển xay xát lúa gạo; huyện Bình Minh có thế mạnh các cơ sở chế biến thực phẩm (tương chao, tàu hủ, nước chấm); huyện Trà Ôn chưa thấy xuất hiện thế mạnh phát triển ngành nghề TTCN; thị xã Vĩnh Long ngành nghề TTCN khá đa dạng với nhiều nghề chế biến từ gạo, thực phẩm, gốm gạch, thủ công mỹ nghệ, hóa nhựa, bao bì, cơ khí sửa chữa, sản xuất kim loại, xà lan, vật liệu xây dựng, đồ mộc dân dụng, điện, điện tử, nước đóng chai, khai thác cát và san lấp mặt bằng…

3. Về lao động:

Tham gia vào ngành nghề TTCN chiếm trên 94,82% tổng số lao động công nghiệp và chiếm 8,30% tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế, chất lượng lao động còn thấp chưa qua đào tạo chiếm 76,91%. Chính vì vậy từ năm 2000 cho đến nay Sở Công nghiệp đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đào tạo 23.237 lao động từ dự án dạy nghề với các ngành dệt chiếu, sản xuất gốm, thêu lụa, sửa xe gắn máy, tiện, may công nghiệp, các nghề kỹ thuật nông nghiệp, điện lạnh, cơ khí, gò hàn... Ngoài ra Sở mở 7 lớp tập huấn an toàn công nghiệp cho 280 lượt người tham dự, tổ chức lớp quản đốc sản xuất theo chương trình MPDF cho 44 học viên, phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức nâng cao nghiệp vụ kế toán và ứng dụng phần mềm kế toán, các lớp khởi sự doanh nghiệp, hội thảo về phát triển ngành gốm để tìm biện pháp nâng cao sức cạnh tranh.

4. Về khoa học công nghệ:

Các cơ sở ngành nghề TTCN qui mô sản xuất nói chung nhỏ, vốn đầu tư thấp nên thiết bị công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém, số cơ sở sản xuất có dây chuyền thiết bị hiện đại chưa có, công nghệ thiết bị trung bình có 2,8% còn lại 97,2% có công nghệ thiết bị lạc hậu. Trong các nhóm ngành nghề, nhóm xay xát lúa gạo, sản xuất gạch ngói, gốm mỹ nghệ, dệt kết thảm, may đo có công nghệ tương đối khá, số còn lại hoàn toàn sản xuất bằng thủ công hoặc trình độ cơ khí ở mức thấp. Từ sự yếu kém về nhà xưởng, công nghệ thiết bị như hiện nay, ngành nghề TTCN gặp khó khăn lớn trong việc cạnh tranh với cùng loại sản phẩm có mặt ở thị trường trong nước. Mặt khác sản xuất ngành nghề TTCN có ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa chưa cao nên có tác động đến sức khoẻ cộng đồng, bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, cần có biện pháp như quy hoạch khu sản xuất, nhà ở riêng biệt và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất, xử lý chất thải, khói bụi, nước thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quan tâm tổ chức quản lý hệ thống chất lượng quốc tế.

5. Làng nghề và cụm sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Hiện nay chưa có tiêu chí về làng nghề TTCN Việt Nam, nếu lấy tiêu chí trước đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tạm thời là làng nghề có 50% số lao động tham gia hoạt động nghề, thu nhập tối thiểu phải bằng 50% tổng thu nhập của làng. Căn cứ vào tiêu chí trên ở Vĩnh Long có 11 làng nghề trong khu vực nông thôn, trong đó có 8 làng nghề sản xuất gạch ngói, một làng nghề chằm nón lá, một làng nghề chằm lá lợp nhà, một làng nghề đan đát, thúng, rổ, cần xé từ tre. Địa bàn chủ yếu làng nghề chủ yếu ở huyện Mang Thít và Long Hồ.

Trong 11 làng nghề trên, số làng nghề gạch ngói hiện phải chịu nhiều sức ép của cùng sản phẩm cùng loại có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Vì vậy, nếu các làng nghề không thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, không có giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, xúc tiến thương mại, hợp tác sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn cho phát triển tới. Trong năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh tiêu chí làng nghề từ 50% xuống 30%, căn cứ tiêu chí phát triển làng nghề mới theo chương trình mỗi làng một nghề, Vĩnh Long có 67 làng nghề chưa đạt tiêu chí và dự kiến phát triển thêm 63 làng nghề mới.

Về khu, cụm CN - TTCN cho ngành nghề TTCN, đến nay ngoài 3 khu công nghiệp tập trung của tỉnh (tuyến công nghiệp Cổ Chiên, Khu công nghiệp Hoà Phú, Khu công nghiệp Bình Minh), các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn đã tiến hành quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) cho giai đoạn 2006 - 2015, trong đó đã xác định cụm CN - TTCN với qui mô nhỏ và vừa nhằm phát triển ngành nghề TTCN, các huyện còn lại và thị xã Vĩnh Long xây dựng đề án phát triển 5 năm (2006 - 2010) và cũng xác định phát triển một số cụm công nghiệp. Huyện Vũng Liêm đã xúc tiến quy hoạch chi tiết cụm CN - TTCN, huyện Tam Bình đã xác định được 6 khu, cụm CN - TTCN với qui mô 184ha nằm dọc QL 1A, huyện Trà Ôn xác định khu CN - TTCN ở gần thị trấn với qui mô 50ha. Các huyện còn lại cũng đang xúc tiến quy hoạch và xác định cụ thể khu, cụm CN - TTCN cho giai đoạn 2006 - 2010.

6. Các thành phần kinh tế tham gia hoạt động TTCN.

Khu vực sản xuất TTCN trong 5 năm qua tiếp tục phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng cao, trong đó khu vực kinh tế tư nhân tăng bình quân 27,43%/năm, kinh tế hỗn hợp tăng bình quân 34,09%/năm, kinh tế tập thể giảm bình quân là 33,45%, kinh tế cá thể tăng bình quân là 9,09%. Tỷ trọng của khu vực này chiếm 60% vào năm 2001 đã tăng lên 65,3% vào năm 2005, đóng góp cho sự tăng trưởng ở khu vực TTCN chủ yếu là thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hỗn hợp, kinh tế cá thể, đó là do cơ chế chính sách đổi mới của nhà nước phù hợp sự đổi mới kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường nên đã tạo môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh cho khu vực TTCN phát triển, góp phần công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) nông nghiệp và nông thôn.

Nhận xét đánh giá chung về ngành nghề TTCN:

Ngành nghề TTCN trong thời gian qua có bước phát triển khá. Thích ứng nhanh với thị trường, khai thác tốt nguồn nguyên liệu tại địa phương, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân ở nông thôn, tăng thêm thu nhập, cải thiện được cuộc sống theo xu thế phát triển chung của xã hội.

Sự liên kết trong sản xuất được quan tâm nên đã hình thành được làng nghề và hội ngành nghề như Hội nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu, bước đầu đã tạo được tiếng nói chung.

Đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn được Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện điện, nước, đường xá, trạm, trại… nên đã tạo điều kiện sản xuất ngành nghề TTCN phát triển trên cơ sở khai thác được tiềm năng lợi thế từng vùng như công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, công nghiệp sửa chữa cơ khí, gạch ngói, gốm, may mặc, giày da...

Quá trình phát triển ngành nghề TTCN trong những năm qua đã làm cho tỷ lệ hộ thuần nông giảm, tỷ lệ hộ kiêm ngành nghề và hộ chuyên ngành TTCN tăng và hình thành một số cụm, điểm công nghiệp xay xát, sản xuất gạch, gốm.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được trong quá trình phát triển ngành nghề TTCN trong thời gian qua vẫn còn những yếu kém.

Các cơ sở sản xuất ngành nghề TTCN chủ yếu là các cơ sở có qui mô nhỏ ở dạng gia đình, vốn đầu tư các cơ sở này rất thấp, nguồn vốn hoạt động của các cơ sở ngành nghề ít, vốn tín dụng cho sản xuất ngành nghề TTCN chưa được người sản xuất ngành nghề TTCN được tiếp cận thuận lợi, dễ dàng như các ngành nghề khác, kỹ thuật và công nghệ sản xuất khu vực TTCN đại bộ phận lạc hậu và không đồng bộ, thông thường là những máy móc được trong nước hoặc địa phương tự chế tạo với máy động lực nhập ngoại, những công cụ cải tiến hoặc thiết bị thải loại ở các ngành nghề đô thị và nước ngoài.

Sản phẩm ngành nghề TTCN đa phần chất lượng kém, mẫu mã đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu, năng lượng. Thị trường tiêu thụ chưa chủ động tiêu thụ, chưa tạo được thương hiệu mang tầm cỡ khu vực và cả nước.

Nguồn nhân lực, lao động nông thôn ít được đào tạo, chủ yếu qua truyền thống hoặc đào tạo ngắn hạn tại địa phương nên khả năng tiếp thu và vận hành, nâng cao năng lực sản xuất còn nhiều hạn chế so với khu vực đô thị.

Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư ngành nghề TTCN chưa được cụ thể hoá rõ ràng, đầy đủ, nhận thức của từng địa phương khác nhau nên sự hỗ trợ khuyến khích đầu tư ngành nghề TTCN còn hạn chế, chưa khơi dậy sự năng động và tiềm năng của khu vực này. Mặt khác, các loại hình dịch vụ, thông tin, thị trường, giá cả, tư vấn, kỹ thuật hỗ trợ ngành nghề chưa có.

Sự hợp tác liên kết giữa các cơ sở sản xuất TTCN chưa chặt chẽ, mối quan hệ giữa TTCN và công nghiệp lớn ở đô thị, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ở đô thị và khu công nghiệp đầu tư về nông thôn, sử dụng lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ nông thôn để phát triển TTCN.

Cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước thời gian qua có đầu tư cải thiện nhưng chủ yếu phục vụ sinh hoạt người dân nên cũng hạn chế đến phát triển ngành nghề TTCN nên dễ dẫn đến chi phí sản xuất ở khu vực TTCN cao, sản xuất ở khu vực TTCN đa phần còn xen lẫn trong dân cư dễ gây ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân tồn tại và yếu kém:

- Nhận thức phát triển ngành nghề TTCN chưa được các ngành các cấp và doanh nghiệp chưa toàn diện và đồng bộ trong quá trình thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp - nông thôn.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành nghề TTCN còn yếu kém, lạc hậu và hiệu quả sản xuất chưa cao.

- Sự cạnh tranh của công nghiệp đô thị, khu CN và hàng hoá ngoại nhập đã làm nhiều ngành nghề TTCN không phát triển hoặc mất đi như nghề làm đường ở Tam Bình.

- Lực lượng lao động dồi dào nhưng trình độ còn thấp chưa tương ứng với yêu cầu hiện đại hoá kinh tế nông thôn.

- Cơ chế, chính sách cho phát triển ngành nghề TTCN còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ chưa cụ thể rõ ràng trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư, thuế, đất đai, tín dụng.

Bài học kinh nghiệm:

- Việc phát triển ngành nghề TTCN được cấp uỷ, chính quyền quan tâm dẫn đến ngành nghề TTCN phát triển từ đó được nhân ra phong trào, là điều kiện động lực phát triển cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH - HĐH.

- Sự quyết tâm của những doanh nghiệp, hộ cá thể, người lao động trong khu vực TTCN có lòng yêu nghề, mong muốn vượt lên để trở thành nhà sản xuất kinh doanh có uy tín và thương hiệu trên thị trường trong nước và ngoài nước là nhân tố, động lực thúc đẩy ngành nghề TTCN phát triển.

- Việc cải cách thủ tục hành chánh từ quản lý sang hỗ trợ đã tạo điều kiện các cơ sở sản xuất ngành nghề yêu cầu đầu tư hoặc mở rộng sản xuất đã tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.

Phần II

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH VĨNH LONG THỜI KỲ 2006 - 2010

1. Quan điểm:

Phát triển TTCN nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị tài nguyên, nguyên liệu nông - lâm - thuỷ sản và nguồn nhân lực góp phần đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn.

Phát triển ngành nghề TTCN phải gắn chặt với sản xuất nông nghiệp, tạo ra mối quan hệ hỗ trợ cạnh tranh để làm cho kinh tế - xã hội được phát triển bền vững.

Phát triển ngành nghề TTCN phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ công nghiệp đô thị, hai khu công nghiệp và tuyến công nghiệp tập trung (Khu công nghiệp Hoà Phú, Khu công nghiệp Bình Minh, tuyến công nghiệp Cổ Chiên). Kết hợp hài hoà nhiều mô hình sản xuất, nhiều loại hình tổ chức và sở hữu, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống nhằm khai thác tài nguyên và sử dụng có hiệu quả lao động nông thôn.

Phát triển ngành nghề TTCN phải gắn với điều kiện đặc điểm tự nhiên, lợi thế, chú ý đến hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống, phát triển ngành nghề mới, áp dụng những công nghệ hiện đại hình thành các cụm, các trung tâm công nghiệp dịch vụ ở xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn ven đô thị.

Phát triển ngành nghề TTCN phải phù hợp với qui hoạch định hướng kinh tế - xã hội, tạo động lực xoá đói giảm nghèo, tạo sự chuyển dịch kinh tế ở nông thôn, xã hội văn hoá ngày càng được cải thiện xoá dần cách biệt giữa nông thôn và thành thị, xây dựng quan hệ sản xuất mới trong sản xuất đồng thời gắn với việc phát triển bền vững.

2. Định hướng phát triển:

Định hướng phát triển ngành nghề TTCN giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh tập trung chủ yếu vào các ngành:

2.1. Gạch, gốm mỹ nghệ xuất khẩu:

Ổn định ngành nghề gạch ngói hiện có, nâng dần chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

Đẩy mạnh phát triển gốm mỹ nghệ xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu, đa dạng hoá sản phẩm, tiếp cận thị trường xuất khẩu. Tạo dựng và phát triển thị trường cả trong nước và ngoài nước gắn phát triển làng nghề gốm với phát triển du lịch sinh thái.

2.2. Chế biến và bảo quản nông - lâm - thuỷ sản:

Quy hoạch ổn định các cây, con vật nuôi phát triển có lợi thế so sánh về nguồn nguyên liệu. Chú ý nâng cao chế biến và bảo quản các mặt hàng gạo, nấm, các loại bưởi, cam và các loại cây ăn trái, rau đậu củ, heo, bò, cá, thuỷ sản… theo hướng trồng, nuôi trồng, chế biến và bảo quản sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và tính cạnh tranh. Xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống điện, nước, thuỷ lợi hoàn chỉnh phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, vận chuyển và chế biến sản phẩm thuỷ sản thành hệ thống liên hoàn, khép kín. Chú ý nâng cao chất lượng ngành nghề nước chấm, tàu hủ, chao, chế biến rau củ, đóng hộp quy mô gia đình từng bước tiến tới quy mô nhỏ và vừa.

2.3. Thủ công mỹ nghệ:

Phát triển ngành nghề dệt chiếu, đan đát, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ các nguyên liệu nông nghiệp để tạo ra giá trị sản phẩm hàng hoá xuất khẩu và giải quyết việc làm, cần chú ý đến thị trường tiêu thụ, từng bước đưa cơ giới hoá vào sản xuất, chú ý đến việc phát triển thị trường mới, khuyến khích phát triển làng nghề đồng thời gắn kết với du lịch sinh thái ở các xã cù lao.

2.4. May mặc, giày da:

Phát triển việc may mặc đáp ứng nhu cầu nội địa, từng bước phát triển cụm công nghiệp để có điều kiện phát triển gia công may mặc, giày da của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp tập trung và đô thị lớn.

2.5. Cơ khí:

Phát triển các cơ sở dịch vụ sửa chữa máy móc nông nghiệp tuyến xã, tuyến sông với 2 loại hình cơ động và cố định, đảm bảo cho việc sửa chữa bảo hành các loại máy công cụ phục vụ cho quá trình CNH nông nghiệp, nông thôn và giao thông vận tải, các ngành nghề ở nông thôn có sử dụng máy móc, tiến tới sản xuất và lắp ráp, chế tạo các loại máy công cụ, hàng gia dụng, các dụng cụ chuyên dùng cho quá trình cơ giới hoá ngành nghề nông thôn và hiện đại hoá nông thôn.

2.6. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ TTCN trong lĩnh vực thương mại cung ứng vật tư nông nghiệp, giao thông nông thôn đường bộ và đường thuỷ, các loại hình du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước kết hợp tham quan nông nghiệp nông thôn, làng nghề, ngành nghề truyền thống. Hỗ trợ các hoạt động dịch vụ tư vấn, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ đào tạo nghề, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ thị trường giá cả các loại hàng hoá nông sản, giá cả vật tư cho khu vực nông thôn để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nghề nông thôn.

2.7. Phát triển làng nghề:

Làng nghề là nơi sản xuất tập trung hàng hoá với khối lượng lớn và có lao động nhiều có khả năng đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục củng cố và phát huy làng nghề hiện có đồng thời mở rộng phát triển làng nghề với từng bước các huyện quy hoạch hình thành các cụm công nghiệp để phát triển làng nghề nông thôn theo hướng CNH - HĐH phù hợp với quá trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung vào lợi thế và lao động của địa phương mà hình thành hoặc nhân rộng các sản phẩm mà nhiều người biết nhưng còn ở dạng sản xuất gia đình trở thành làng nghề để bảo tồn và duy trì phát triển cả về kinh tế - xã hội - văn hoá.

3. Mục tiêu đến 2010:

Phát triển ngành nghề TTCN hướng tới:

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất TTCN nhằm tạo ra giá trị hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đến năm 2010 ngành nghề TTCN có giá trị sản xuất tăng gấp 2 lần so năm 2005.

- Phấn đấu đến năm 2010, tỷ trọng giá trị TTCN trên địa bàn huyện chiếm 20-25% giá trị sản xuất chung của từng huyện.

- Tăng tỷ trọng lao động tham gia ngành nghề TTCN đến năm 2010 chiếm 18% trong tổng số lao động làm việc ở các ngành kinh tế.

- Phát huy các yếu tố nội lực và các hợp tác ngoại lực trên cơ sở lợi thế của từng vùng kiện toàn ổn định ngành nghề TTCN, làng nghề hiện có đồng thời xúc tiến phát triển các cụm, khu công nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện phát triển làng nghề. Phấn đấu đến năm 2010 hình thành mỗi huyện, thị xã có cụm công nghiệp hoàn chỉnh, từng bước phát triển mỗi làng một nghề.

- Chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ để phục vụ phát triển công nghiệp thực phẩm.

4. Những dự án phát triển TTCN:

Những dự án ngành nghề TTCN cần tổ chức triển khai thực hiện cho 5 năm (2006 - 2010), việc triển khai thực hiện sẽ tạo điều kiện ngành nghề TTCN phát triển, nhanh bền vững, những dự án chủ yếu cần tập trung:

- Dự án quy hoạch các vùng chuyên canh: Lúa đặc sản, cây ăn trái, cây công nghiệp (lác, chuối, lục bình, tre…), nuôi trồng thủy sản, cây màu …

- Dự án phát triển hệ thống cụm, tuyến công nghiệp các huyện, thị.

- Dự án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, bò sữa …

- Dự án phát triển các ngành nghề truyền thống và làng nghề : Gốm, gạch, thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực - thực phẩm, nấm rơm..

- Dự án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

- Dự án hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất.

- Dự án hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương hiệu, tư vấn, thông tin

- Dự án đầu tư hình thành Quỹ Khuyến công tỉnh.

5. Các giải pháp chủ yếu phát triển ngành nghề TTCN:

5.1. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề TTCN, nâng cao tính cạnh tranh để thúc đẩy phát triển ngành nghề TTCN:

Tăng cường cụ thể hoá chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển ngành nghề TTCN, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng về thuế, cấp đất, cho thuê đất phục vụ sản xuất, vay vốn tín dụng, bảo lãnh tín dụng, xuất khẩu trực tiếp, hỗ trợ các dịch vụ công, đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật.

Khuyến khích các hình thức hợp tác, phân công sản xuất, từng bước hình thành chuyên môn hoá trong sản xuất của ngành hàng.

Khuyến khích thành lập các Hiệp hội, Hội nghề nghiệp: Chiếu thảm, xay xát lúa gạo, chế biến lương thực - thực phẩm, chế biến thuỷ sản v.v.... và kiện toàn Hội Nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu để hỗ trợ nhau sản xuất tiêu thụ sản phẩm và chống cạnh tranh phá giá hoặc hạ giá bán, cạnh tranh độc quyền nguyên liệu, chất đốt...

Tiếp tục kiện toàn duy trì làng nghề hiện có, kết hợp giải quyết các vấn đề môi trường, đổi mới công nghệ, thiết bị, bồi dưỡng nghệ nhân, đào tạo thợ trẻ. Xây dựng phát triển làng nghề mới theo quy hoạch gắn liền với quy hoạch phát triển CN - TTCN của từng huyện đi đôi với việc xây dựng phong trào nông thôn mới để từng bước phát triển ngành nghề TTCN cho đến tận xã và có những sản phẩm đặc trưng cho từng xã hoặc liên xã.

Hình thành các làng nghề gắn với sản xuất nông nghiệp để có sự phân công và hợp tác trong sản xuất và hoàn thiện thị trường để tiêu thụ nông sản.

5.2. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành nghề TTCN và xúc tiến thương mại:

Tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề TTCN được thuận lợi mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm: Hỗ trợ các công tác quảng cáo, triển lãm, đăng ký thương hiệu, xúc tiến thương mại, đầu tư, khuyến công để cho ngành nghề vượt qua những trở ngại, khó khăn khi tiếp cận thị trường. Từng bước tổ chức hội làng nghề và thi sản phẩm ngành nghề TTCN, xây dựng các tiêu chuẩn giải thưởng, khuyến khích sáng tạo kiểu dáng mẫu mã, tăng cường xuất khẩu.

Định kỳ hàng năm có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các ngành nghề TTCN, làng nghề, cán bộ quản lý ở các địa phương về Marketing và công nghệ thông tin.

Khuyến khích cá nhân, cơ sở sản xuất, hiệp hội mở các Website. Tăng cường hỗ trợ thông tin để quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngành nghề TTCN, tình hình giá cả thị trường và các vấn đề liên quan đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường mối liên kết giữa các tổ chức thông tin của ngành trong và ngoài tỉnh trong lĩnh vực phát triển phát triển ngành nghề TTCN.

5.3. Giải pháp tài chính, tín dụng:

Cần phát triển quỹ tín dụng trong nông thôn để có thể huy động được vốn nhàn rỗi trong nhân dân nhằm phát triển sản xuất TTCN.

Thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc Quỹ Khuyến công để hỗ trợ phát triển ngành nghề TTCN. Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất TTCN được tiếp cận nguồn vay thuận lợi. Ngành ngân hàng đơn giản hoá thủ tục vay, hạn chế việc hoạt động vay từ tín dụng bên ngoài gây nhiều khó khăn phát triển ngành nghề TTCN.

Tăng cường vốn ngân sách Nhà nước thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại và đầu tư để đào tạo, tư vấn, cung cấp thị trường, quảng bá sản phẩm, tham gia học hỏi và xây dựng mô hình phát triển làng nghề.

Khai thác vốn tự có của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình dưới nhiều hình thức sản xuất - kinh doanh dịch vụ.

Tranh thủ các nguồn vốn từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội Trung ương, vốn ODA, vốn các tổ chức phi Chính phủ, vốn đầu tư trực tiếp của thân nhân Việt kiều vào phát triển ngành nghề TTCN và làng nghề .

5.4. Chính sách thuế:

Những cơ sở ngành nghề TTCN mới được thành lập thời gian đầu có thể gặp nhiều khó khăn cần có miễn thuế thu nhập từ 3 - 5 năm tuỳ theo loại sản phẩm và được miễn giảm 50% cho 5 năm kể từ khi có lãi.

Có chính sách miễn giảm thuế từ 2 - 3 năm đầu cho việc đổi mới công nghệ và tạo ra sản phẩm mới. Từng bước tiến tới thực hiện cách tính thuế VAT cho phù hợp với luật lệ ban hành, xoá bỏ các khoản phí, lệ phí ngoài quy định pháp luật.

5.5. Chính sách đất đai:

Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ, cơ sở sản xuất ngành nghề TTCN được thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển ngành nghề TTCN. Miễn hoặc giảm thu thuế đất 2 - 3 năm đầu cho các cơ sở ngành nghề TTCN mới, thành lập nằm ngoài điều kiện ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất và sử dụng đất áp dụng trong luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Quy hoạch các cụm, tuyến công nghiệp ở huyện, liên xã để đẩy mạnh phát triển ngành nghề TTCN hoặc di dời các cơ sở sản xuất dễ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

Quy hoạch vùng nguyên liệu một cách hợp lý nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

5.6. Khoa học và công nghệ:

Tăng cường công tác nghiên cứu cơ bản và ứng dụng phục vụ ngành nghề TTCN theo hướng phát triển tiêu thụ sản phẩm mới, sử dụng nguyên liệu mới, ứng dụng công nghệ mới, thay thế các khâu công nghệ lạc hậu, xử lý môi trường. Chú ý vào những ngành nghề truyền thống, chế biến nông sản thực phẩm ở các khâu ứng dụng công nghệ sinh học, chế biến và bảo quản, đóng gói vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từng bước xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và các tiêu chuẩn ngành nghề để hướng dẫn mở rộng và quản lý chặt chẽ các dịch vụ nông thôn nhất là khâu giống.

Kết hợp đan xen giữa cổ truyền và hiện đại, thủ công và cơ giới hoá sản xuất cho các sản phẩm ngành nghề TTCN bảo đảm được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sức khoẻ cộng đồng dân cư.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá, giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của thị trường.

Hình thành Quỹ hỗ trợ khoa học và công nghệ để giúp cho các cơ sở ngành nghề có điều kiện tiếp cận và chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất, kể cả lĩnh vực đào tạo, quản lý chất lượng theo thông lệ quốc tế.

5.7. Đào tạo:

Nâng cao năng lực đào tạo các cơ sở dạy nghề hiện có, tăng cường cơ sở vật chất cho Trung tâm Dạy nghề huyện đủ sức đào tạo nhân lực cho ngành nghề nông thôn và xuất khẩu lao động.

Kết hợp nhiều loại hình đào tạo để người lao động nâng cao trình độ văn hoá, tiếp cận được công nghệ hiện đại, làm chủ được công nghệ để vận hành và sử dụng thành thạo máy móc, thiết bị ở các cơ sở ngành nghề TTCN. Chú ý đến việc đào tạo nghề cho thanh niên.

5.8. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ TTCN:

Mở tuyến vận tải hàng hoá đi vào các nơi sản xuất ngành nghề TTCN, làng nghề, cụm CN - TTCN.

Xây dựng và phát triển điện 3 pha để phục vụ cho các cơ sở sản xuất ngành nghề TTCN.

Xây dựng các cụm, trạm xử lý nước ngầm (giảm nồng độ sắt, ni trat...) với quy mô vừa và nhỏ để phục vụ cho sản xuất ở các cụm CN - TTCN.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thị cụ thể hoá nhiệm vụ kế hoạch hàng năm về phát triển ngành nghề TTCN với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tích cực nhất để tạo điều kiện cho phát triển ngành nghề TTCN có sự phát triển nhanh, ổn định góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực CN - TTCN trên các lĩnh vực quy hoạch, tạo vùng nguyên liệu, chế biến, khoa học - kỹ thuật, đào tạo, đất đai, vốn cùng các cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước vào đầu tư và hợp tác sản xuất ngành nghề TTCN.

2. Các Sở, ngành có liên quan đến phát triển ngành nghề TTCN, hướng dẫn triển khai và thực hiện các chính sách khuyến khích ngành nghề TTCN trong phạm vi chức năng.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị truyền thống của sản phẩm TTCN, sưu tầm và biên soạn tư liệu về phát triển ngành nghề TTCN trên cơ sở mối liên kết ngành TTCN, làng nghề và ngành du lịch, tổ chức các chương trình du lịch làng nghề, ngành nghề TTCN.

Kiện toàn hệ thống quản lý ngành nghề TTCN, kiểm tra để có sự điều chỉnh và đề xuất cơ chế chính sách, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển ngành nghề TTCN, nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ có mối liên kết 4 nhà giữa nhà nước; nhà nông; nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, tổ chức dạy và truyền nghề và bảo tồn nghề truyền thống như một di sản văn hoá của cộng đồng.

3. Kinh phí xây dựng các Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách được cân đối trong kế hoạch chi hàng năm, kinh phí thực hiện dự án được nhà nước hỗ trợ một phần còn lại từ các nguồn khác.

Ngành nghề TTCN có một vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn 2001 -2005 đã đạt được kết quả khả quan đã góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển, ngành nghề TTCN chưa phát huy được hết vai trò, đời sống nông dân chưa cao. Vì vậy, trong giai đoạn 2006-2010 nhằm tạo sự chuyển biến phát triển ngành nghề TTCN phát triển cần phải có sự tổ chức thực hiện tốt các giải pháp, chủ yếu của các ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng sự quyết tâm của người dân mới tạo ra sự phát triển đồng bộ và bền vững. TTCN Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010 đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn ngành, có sự đầu tư lớn và bên cạnh đó phải có sự hỗ trợ của nhà nước thì mới làm cho ngành có sự tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH, thực hiện đạt mục tiêu CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2018/QĐ-UBND năm 2006 về Đề án "Phát triển tiểu thủ công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010"

  • Số hiệu: 2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/10/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Trương Văn Sáu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản