Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1951/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 29 tháng 10 năm 2015 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 138/TTr-SGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2015 và Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 323b/TTr-SKHĐT ngày 29 tháng 9 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
Phát triển bến khách ngang sông phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh Bắc Giang, hỗ trợ hiệu quả giao thông vận tải đường bộ, nhất là các tuyến đường liên thôn, liên xã nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa và luân chuyển hành khách, hàng hóa giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Hạn chế tối đa việc mở mới các bến khách ngang sông; hệ thống hóa và củng cố, đầu tư từng bước đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống bến khách ngang sông hiện có.
Phân bổ bến khách ngang sông hợp lý, đóng một số bến có địa hình và thủy văn không ổn định hoặc khoảng cách giữa hai bến quá gần nhau, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 bến không nhỏ hơn 1000 mét, đối với các địa phương vùng núi có địa hình phức tạp, tùy từng trường hợp cụ thể khoảng cách giữa 2 bến có thể dưới 1000 mét nhưng không nhỏ hơn 500 mét, nhằm giảm mật độ phương tiện giao thông trên đường thủy nội địa, hạn chế tai nạn giao thông; giảm chi phí mua sắm, sửa chữa phương tiện, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng bến.
2. Mục tiêu quy hoạch
2.1. Mục tiêu tổng quát:
Đến năm 2020, tất cả bến khách ngang sông trong diện quy hoạch được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy chuẩn: lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa; xây dựng bến cập phương tiện, đường lên xuống, nơi chờ đạt chuẩn; lắp đặt bảng nội quy, bảng niêm yết giá vé, đèn chiếu sáng đảm bảo đủ điều kiện theo quy định; 100% các bến phải có giấy phép hoạt động.
Thay thế toàn bộ phương tiện vỏ xi măng lưới thép; phương tiện vận chuyển được lắp máy, được trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh và các trang bị khác đảm bảo vận chuyển an toàn, nhanh chóng và thuận tiện; phương tiện vận chuyển được đăng ký, đăng kiểm và tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động của bến, nhất là đội ngũ điều khiển phương tiện chở khách phải có đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với phương tiện hoạt động tại bến.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
* Giai đoạn đến năm 2020:
Lắp đặt báo hiệu đường thủy 28 bến có phương tiện dọc sông qua lại, mỗi bến lắp đặt 02 biển báo hiệu về hai phía thượng lưu và hạ lưu;
Xây dựng bến cập phương tiện theo quy chuẩn 26 bến, trong đó 13 bến xây dựng phía bờ phải, 13 bến xây dựng cả bờ trái và bờ phải;
Xây dựng mặt bằng nơi chờ theo quy chuẩn 31 bến, trong đó 17 bến xây dựng phía bờ trái, 14 bến xây dựng cả bờ trái và bờ phải;
Đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho 71 người chưa bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp;
Mở rộng và nâng cấp bến cập phương tiện theo quy chuẩn 15 bến, trong đó 01 bến xây dựng phía bờ phải, 05 bến xây dựng cả bờ trái và bờ phải, 09 bến xây dựng phía bờ trái;
Xây dựng, nâng cấp và mở đường lên xuống bến theo quy chuẩn 31 bến, trong đó làm mới 27 bến, nâng cấp mở rộng 04 bến;
Xây dựng nhà chờ theo quy chuẩn 29 bến, trong đó 17 bến xây dựng phía bờ trái, 12 bến xây dựng cả bờ trái và bờ phải;
Mở thêm 01 bến vùng hồ Khuôn Thần; mở từ 02 đến 04 bến tại các xã: Tân Sơn, Cấm Sơn, Sơn Hải và Hộ Đáp vùng hồ Cấm Sơn.
* Giai đoạn đến năm 2030:
Đầu tư mở từ 03 đến 05 bến khách ngang sông trong vùng hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần để phục vụ nhân dân trong vùng và khách thăm quan du lịch.
3. Nội dung Quy hoạch
3.1. Quy hoạch về đóng, mở bến khách ngang sông
Quy hoạch đóng, mở một số bến khách ngang sông cụ thể như sau:
* Giai đoạn đến năm 2020:
- Trên sông Cầu đóng 14 bến (trong tổng số 35 bến), gồm các bến Đông Hương (xã Nham Sơn), Yên Tập, Thạch Xá (xã Yên Lư), Mai Hạ, Vọng Giang, Long Xá (xã Yên Lư), Cẩm Xuyên 1, Cẩm Xuyên 2 (xã Xuân Cẩm), Giáp Ngũ (xã Mai Đình), Soi Cốc (xã Quang Minh), Văn Chỉ (xã Vân Hà), Lương Tài (xã Tiên Sơn), Lải Vạn, Chùa Giộc; trên sông Thương đóng bến Than (xã Dương Đức); giữ nguyên các bến trên sông Lục Nam.
- Mở mới 01 bến trong vùng hồ Khuôn Thần (xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn); mở thêm từ 02 đến 04 bến trong vùng hồ Cấm Sơn (xã Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, huyện Lục Ngạn).
- Đến năm 2020, trên sông Thương duy trì 8 bến hoạt động, trong đó có 01 bến phà (phà Đồng Việt), 01 bến loại 1, 05 bến loại 3 và 01 bến loại 4; trên sông Cầu duy trì 21 bến hoạt động, trong đó có 06 bến loại 1; 07 bến loại 2; 05 bến loại 3 và 03 bến loại 4; trên sông Lục Nam duy trì 13 bến hoạt động, trong đó có 01 bến loại 1, 06 bến loại 3 và 06 bến loại 4; trên vùng hồ Khuôn Thần có 01 bến; trên vùng hồ Cấm Sơn có từ 03 đến 05 bến;
* Giai đoạn 2021 – 2030: Trên sông Thương đóng bến Hướng; mở mới 01 bến trong vùng hồ Khuôn Thần (xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn); mở từ 03 đến 05 bến trong vùng hồ Cấm Sơn (xã Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải huyện Lục Ngạn); nâng cấp bến Mai Trung, Mai Thượng, Cẩm Hoàng, Phù Tài, Cung Kiệm, Đống Cao cùng với bến Mom thành các bến có khả năng chuyên chở ô tô với trọng tải dưới 12 chỗ ngồi đối với xe chở người hoặc 2,5 tấn đối với xe tải.
3.2. Quy hoạch về kết cấu hạ tầng bến khách ngang sông
Xây dựng cơ sở hạ tầng bến khách ngang sông đảm bảo đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động gồm: xây dựng bến cập phương tiện, làm đường lên xuống, xây dựng nơi chờ có lắp đặt đầy đủ bảng nội quy và bảng niêm yết giá vé, những bến hoạt động ban đêm phải lắp đặt đèn chiếu sáng. Quy mô xây dựng bến căn cứ lưu lượng, nhu cầu đi lại của nhân dân. Các bến được phân theo loại để đầu tư xây dựng đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật, điều kiện thực tế, lưu lượng hành khách, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo vận chuyển an toàn, thuận tiện.
* Giai đoạn đến năm 2020:
- Xây dựng mới bến cập phương tiện theo quy chuẩn đối với 26 bến, trong đó 13 bến xây dựng phía bờ phải, 13 bến xây dựng cả bờ trái và bờ phải, cụ thể: xây mới 06 bến cập phương tiện trên tuyến sông Thương; 08 bến trên tuyến sông Lục Nam; 11 bến trên tuyến sông Cầu và 01 bến khu vực hồ Cấm Sơn.
- Đầu tư mở rộng, nâng cấp, cải tạo bến cập phương tiện những bến chưa đạt chuẩn đối với 15 bến, trong đó 01 bến xây dựng phía bờ phải, 05 bến xây dựng cả bờ trái và bờ phải, 09 bến xây dựng phía bờ trái, cụ thể: mở rộng, cải tạo, nâng cấp 01 bến cập phương tiện trên tuyên sông Thương; 05 bến trên tuyên sông Lục Nam; 09 bến trên tuyên sông Cầu.
- Xây dựng, nâng cấp và mở đường lên xuống bến theo quy chuẩn đối với 31 bến, trong đó làm mới 27 bến, nâng cấp mở rộng 4 bến, cụ thể: xây dựng, nâng cấp và mở đường lên xuống bến theo quy chuẩn đối với 06 bến trên tuyến sông Thương; 10 bến trên tuyến Lục Nam (bến Hòa Mục bờ phải, bến Bò bờ trái nâng cấp mở rộng); 14 bến trên tuyến sông (các bến Thắng Lợi, Giang Tân, Cẩm Hoàng và bến Mai Trung mở rộng và nâng cấp); 01 bến vùng Hồ Cấm Sơn.
- Xây dựng nhà chờ theo quy chuẩn 29 bến, trong đó 17 bến xây dựng phía bờ trái, 12 bến xây dựng cả bờ trái và bờ phải.
* Giai đoạn 2021 - 2030:
- Xây dựng đường lên xuống bến, nơi chờ, lắp đặt biển báo hiệu đối với các bến mở mới thuộc vùng hồ Khuôn Thần (1 bến), vùng hồ Cấm Sơn (khoảng 3 đến 5 bến);
- Nâng cấp đường lên, xuống bến, nơi chờ, biển báo tại các bến: Cẩm Hoàng, Phú Tài, Mai Thượng, Cung Kiệm, Mai Trung, Đống Cao đảm bảo cho xe ô tô có thể lên xuống bến thuận tiện, an toàn.
3.3. Quy hoạch phương tiện
Đầu tư đóng mới phương tiện vận chuyển kết cấu vỏ thép thay thế dần phương tiện vỏ xi măng lưới thép. Phương tiện phải được lắp máy (trừ những bến ở miền núi có địa hình, thủy văn không ổn định, khoảng cách giữa 2 đầu bến ngắn sử dụng dây kéo tay).
* Giai đoạn đến năm 2020:
Đóng mới phương tiện vỏ thép có lắp máy 30 chiếc, trong đó: tuyến sông Thương 05 chiếc, tuyến sông Lục Nam 11 chiếc, tuyến sông Cầu 13 chiếc, hồ Cấm Sơn 01 chiếc.
3.4. Quy hoạch về báo hiệu
* Giai đoạn đến 2020:
- Lắp đặt báo hiệu đường thủy 28 bến có phương tiện dọc sông qua lại, mỗi bến lắp đặt 2 biển báo hiệu về hai phía thượng lưu và hạ lưu, trong đó: tuyến sông Thương lắp đặt tại 5 bến; tuyến sông Lục Nam lắp đặt tại 4 bến; tuyến sông Cầu lắp đặt tại 19 bến.
- Lắp đặt bảng nội quy, bảng niêm yết giá vé 31 bến, trong đó: tuyến sông Thương 5 bến, tuyến sông Lục Nam 8 bến, tuyến sông Cầu 17 bến, hồ Cấm Sơn 1 bến.
* Giai đoạn đến năm 2030:
Duy trì, bảo dưỡng các biển báo hiệu, bảng nội quy, bảng niêm yết giá vé đảm bảo an toàn giao thông.
3.5. Quy hoạch về nguồn nhân lực
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động của bến khách ngang sông. Người điều khiển phương tiện phải được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa theo quy định, mỗi phương tiện có ít nhất 02 người điều khiển, bố trí đủ thuyền viên đối với phương tiện hoạt động tại bến phà và phương tiện được phép chở ô tô.
* Giai đoạn đến hết năm 2020:
Đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho 71 người, trong đó:
+ Tuyến sông Thương: đào tạo 02 Thuyền trưởng hạng III, 10 người lái phương tiện được cấp Chứng chỉ chuyên môn, 02 người được cấp Giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho các bến;
+ Tuyến sông Lục Nam: đào tạo 01 Thuyền trưởng hạng III, 12 người lái phương tiện được cấp Chứng chỉ chuyên môn, 10 người được cấp Giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho các bến;
+ Tuyến sông Cầu: đào tạo 04 Thuyền trưởng hạng III, 22 người lái phương tiện được cấp Chứng chỉ chuyên môn, 06 người được cấp Giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho các bến;
+ Hồ Cấm Sơn: đào tạo 02 người lái phương tiện được cấp Chứng chỉ chuyên môn cho bến Đắp.
3.6. Nhu cầu sử dụng đất
Nhu cầu đất sử dụng cho bến khách ngang sông giai đoạn đến hết năm 2020 khoảng 18.690 m2 cụ thể như sau:
Loại bến | Bến cập phương tiện (m2) | Đường lên xuống (m2) | Nhà chờ |
Loại 1 | 490 | 4070 | 420 |
Loại 2 | 420 | 2800 | 280 |
Loại 3 | 880 | 6600 | 660 |
Loại 4 | 270 | 1800 |
|
Tổng | 2.060 | 15.270 | 1.360 |
18.690 |
3.7. Nhu cầu vốn đầu tư
* Nhu cầu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 là 7,101 tỷ đồng, trong đó:
- Lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa 0,392 tỷ đồng;
- Xây mới và nâng cấp mở rộng bến cập phương tiện 0,880 tỷ đồng;
- Làm mới và mở rộng đường lên xuống 1,290 tỷ đồng;
- Xây dựng nơi chờ, nhà chờ 1,471 tỷ đồng;
- Đóng mới phương tiện 2,930 tỷ đồng;
- Đào tạo người lái phương tiện 0,138 tỷ đồng.
* Vốn xây dựng cơ sở hạ tầng bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 là 649.000.000 đồng, trong đó:
- Xây dựng đường lên xuống bến, nơi chờ đối với các bến mở mới: 0,476 tỷ đồng.
- Nâng cấp các bến Cẩm Hoàng, Phù Tài, Cung Kiệm, Mai Thượng, Mai Trung, Đống Cao: 0,173 tỷ đồng.
* Nguồn vốn: Vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 10-20%, vốn xã hội hóa chiếm khoảng 80-90%. Trong đó:
- Vốn đầu tư cơ sở hạ tầng bến khách ngang sông từ nguồn của đơn vị kinh doanh bến khách ngang sông, vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã), vốn hỗ trợ từ kinh phí an toàn giao thông và nguồn vốn khác.
- Vốn đào tạo: từ người lái phương tiện, vốn hỗ trợ từ kinh phí an toàn giao thông, vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã).
4. Danh mục dự án ưu tiên đầu tư
Tập trung đầu tư lắp đặt báo hiệu giao thông đường thuỷ nội địa cho 28 bến; bố trí, san lấp mặt bằng nơi chờ cho các bến khách ngang sông từ loại 1 đến loại 3; đóng mới thay thế các phương tiện đã cũ, chất lượng kém; mở rộng, nâng cấp đường lên xuống bến; xây dựng và nâng cấp bến cập phương tiện cho các bến; đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người lái phương tiện đảm bảo mỗi phương tiện có ít nhất 02 người điều khiển.
5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
Có 5 nhóm giải pháp chính được đưa để quản lý và thực hiện Quy hoạch gồm:
- Giải pháp về quản lý;
- Giải pháp về đầu tư nâng cấp, xây dựng bến;
- Giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ;
- Giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông;
- Giải pháp về phát triển công nghiệp giao thông vận tải thuỷ.
(Có Báo cáo Quy hoạch kèm theo)
Điều 2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Sở Giao thông vận tải, Kho bạc Nhà nước tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 36/2009/QĐ-UBND quy hoạch hệ thống bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010 - 2020
- 2Quyết định 887/QĐ-UBND năm 2014 về quy hoạch đất xây dựng công trình nâng cấp bến khách ngang sông Phong Hòa - Ô Môn thuộc phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ
- 3Quyết định 1822/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 4Quyết định 250/QĐ-UBND năm 2019 bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 4Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 5Quyết định 36/2009/QĐ-UBND quy hoạch hệ thống bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010 - 2020
- 6Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 7Quyết định 887/QĐ-UBND năm 2014 về quy hoạch đất xây dựng công trình nâng cấp bến khách ngang sông Phong Hòa - Ô Môn thuộc phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ
- 8Quyết định 1822/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 9Quyết định 308/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định 1951/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 1951/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/10/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
- Người ký: Lại Thanh Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/10/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra