Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 195-HĐBT

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1989

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH NHỮNG QUY ĐỊNH BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 217-HĐBT NGÀY 14-11-1987 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Nghị quyết 3-NQ/HNTƯ của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khoá VI);
Xét tình hình từ khi ban hành đến nay, Quyết định số 217-HĐBT ngày 14-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng đã cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khoá VI) để đưa vào hoạt động của các Xí nghiệp quốc doanh; đánh dấu một bước ngoặt quan trọng chuyển hoạt động của các đơn vị cơ sở quốc doanh từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; góp phần tháo gỡ những khó khăn, thực sự trao quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh cho các xí nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển;
Xét việc sau khi ban hành Quyết định số 217-HĐBT, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng đã tiếp tục ban hành các văn bản pháp quy có tính pháp lý cao hơn về từng lĩnh vực của cơ chế quản lý, trong đó đã điều chỉnh một số nội dung trong Quyết định số 217-HĐBT như
:

- Pháp lệnh về kế toán, thống kê công bố theo Lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước số 6-LCT/HĐNN8 ngày 20-5-1988.

- Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế công bố theo Lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước số 24-LCT/HĐNN8 ngày 29-9-1989.

- Nghị định số 50-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ngày 22-3-1988.

- Nghị định số 98-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy định về quyền làm chủ của tập thể công nhân viên chức tại các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ngày 2-6-1988.

- Nghị định số 64-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy định về chế độ và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu ngày 10-6-1989.

- Quyết định số 93-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi chế độ nộp khấu hao cơ bản của các xí nghiệp quốc doanh ngày 24-7-1989.

- Quyết định số 38-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc liên kết kinh tế trong sản xuất, lưu thông, dịch vụ ngày 10-4-1989.

Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý sản xuất, kinh doanh đối với các xí nghiệp quốc doanh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay bổ sung và sửa đổi Quyết định số 217-HĐBT ngày 14-11-1987 như sau:

1. Bổ sung vào đầu điểm 2 của điều 2 câu:

"Trên cơ sở kiểm kê, đánh giá lại toàn bộ tài sản hiện có ở xí nghiệp theo giá trị sử dụng còn lại và theo giá hiện hành, cơ quan Nhà nước cấp trên trực tiếp làm thủ tục giao quyền quản lý và sử dụng số tài sản đó cho xí nghiệp...".

2. Điều 8, phần II "Vật tư kỹ thuật" được thay bằng điều 8 mới sau đây:

"Từ nay bỏ chế độ cấp phát vật tư, giao nộp sản phẩm; thực hiện chế độ mua vật tư, bán sản phẩm theo hợp đồng kinh tế.

Về vật tư để sản xuất sản phẩm thuộc kế hoạch pháp lệnh hoặc đơn hàng Nhà nước, các xí nghiệp có quyền mua đủ số lượng, chủng loại và đúng chất lượng thông qua hợp đồng kinh tế với các đơn vị cung ứng; các đơn vị cung ứng vật tư có trách nhiệm thực hiện tốt hợp đồng ký kết với các xí nghiệp.

Xí nghiệp được quyền tự tổ chức khai thác hoặc thông qua liên doanh, liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư để huy động mọi nguồn vật tư tiềm tàng vào sản xuất trên cơ sở giá thoả thuận và hợp đồng kinh tế.

Nghiêm cấm mọi hành động đầu cơ trục lợi vật tư. Các tổ chức không có đăng ký kinh doanh không được quyền mua bán vật tư".

3. Điều 20, phần thứ IV "Tài chính - kế toán" được thay bằng điều 20 mới như sau:

"Cơ quan tài chính và cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp quy định tỷ lệ khấu hao, thời hạn khấu hao đối với các loại tài sản cố định do Nhà nước cấp vốn đầu tư. Đối với tài sản cố định thuộc nguồn vốn tự có của mình, xí nghiệp được tự xác định tỷ lệ khấu hao và sử dụng số tiền trích khấu hao đó để đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trích nộp khấu hao cơ bản hoặc thuế vốn vào Ngân sách Nhà nước, xí nghiệp gửi tiền trích khấu hao cơ bản của số tài sản do Nhà nước cấp vốn vào Ngân hàng đầu tư xây dựng cơ bản và được hưởng lãi xuất theo quy định, khi có nhu cầu mua sắm lại máy móc, thiết bị, nhà xưởng... theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật, được cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp xét duyệt, thì xí nghiệp được sử dụng quỹ khấu hao cơ bản của mình để thực hiện.

Toàn bộ tiền trích khấu hao sửa chữa lớn được để lại xí nghiệp".

4. Bổ sung thêm vào đầu điều 24, phần IV "Tài chính - kế toán" câu:

"Xí nghiệp phải thực hiện các khoản nộp ngân sách trước khi trích lập các quỹ của mình. Xoá bỏ chế độ "trừ lùi thu quốc doanh và khấu hao cơ bản khi sản phẩm bán ra không đủ bù đắp chi phí hợp lý hoặc giảm bớt tỷ lệ khấu hao cơ bản so với mức quy định của Nhà nước..."

5. Điều 50, phần VII "Lao động, tiền lương và xã hội" được thay đổi bằng điều 50 mới như sau:

"Mọi người lao động được thu nhập theo kết quả lao động của mình.

Xí nghiệp căn cứ tháng lương, bảng lương và chế độ phụ cấp do Nhà nước quy định để tính đơn giá tiền lương sản phẩm theo các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được xác định hợp lý và chặt chẽ. Đơn giá đó được điều chỉnh theo tình hình giá cả biến động từng thời kỳ. Quỹ lương của xí nghiệp hình thành tuỳ thuộc vào khối lượng sản phẩm hàng hoá (dịch vụ) thực hiện và đơn giá tiền lương được duyệt.

Xí nghiệp được chủ động lựa chọn hình thức và chế độ trả lương, trả thưởng phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp và quán triệt nguyên tắc phân phối theo lao động; được xếp lương, nâng bậc lương cho công nhân, viên chức theo chế độ chính sách tiền lương của Nhà nước.

Thu nhập của người lao động trong xí nghiệp theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp và năng suất lao động của từng người lao động. Nhịp độ tăng trưởng của quỹ tiền lương phải luôn luôn thấp hơn nhịp độ tăng trưởng của năng suất lao động. Nhà nước có chính sách điều tiết thích hợp đối với các xí nghiệp có thu nhập thực tế quá cao so với điều kiện chung.

Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu xác định mức thu nhập hợp lý trong từng ngành nghề và xác định tỷ lệ điều tiết mức thu nhập hợp lý trên cơ sở thực hiện tốt chế độ thanh tra và kiểm tra Nhà nước về chi tiêu quỹ tiền lương và mức thu nhập của người lao động ở các xí nghiệp, để sớm trình Hội đồng Bộ trưởng xem xét, quyết định".

Điều 2. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 195-HĐBT năm 1989 bổ sung Quyết định 217-HĐBT về việc hoạt động của các Xí nghiệp quốc doanh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 195-HĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/12/1989
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 17/12/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 03/10/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản