Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 98-HĐBT | Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 1988 |
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Quyết định số 217/HĐBT ngày 14-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy định về các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh; Nghị định số 50-HĐBT ngày 22-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành; Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh;
Căn cứ Quyết định của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trong phiên họp ngày 13 tháng 4 năm 1988, được sự thoả thuận của Ban thư ký tổng Công đoàn, và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. - Nay ban hành bản Quy định về quyền làm chủ tập thể lao động tại xí nghiệp quốc doanh.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
Điều 1. - Tập thể lao động tại xí nghiệp quốc doanh.
Tập thể lao động tại xí nghiệp quốc doanh (bao gồm nhà máy, hầm mỏ, công trường, nông trường, lâm trường và các đơn vị sản xuất - kinh doanh khác, gọi chung là xí nghiệp) gồm toàn bộ những người lao động làm việc thường xuyên (1) tại xí nghiệp cùng chung mục đích là phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; được hưởng những quyền lợi phù hợp với thu nhập của xí nghiệp và kết quả lao động của mỗi người.
1. Tập thể lao động thực hiện quyền làm chủ trên cơ sở chế độ tự chủ sản xuất - kinh doanh được quy định trong Điều lệ xí nghiệp, theo Hiến pháp và pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý thống nhất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với xí nghiệp quốc doanh.
2. Tập thể lao động thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Đại hội công nhân viên chức, Hội đồng xí nghiệp, Ban thanh tra công nhân..., đồng thời với sự đại diện của các tổ chức quần chúng trong xí nghiệp được pháp luật thừa nhận; bảo đảm thực hiện chế độ một thủ trưởng trong công tác quản lý xí nghiệp.
3. Việc thực hiện quyền làm chủ của tập thể lao động phải hướng vào mục tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất - kinh doanh của xí nghiệp, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích toàn xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích người lao động, bảo đảm cho mọi thành viên của tập thể lao động trong xí nghiệp không ngừng phát triển toàn diện.
1. Người lao động có nghĩa vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, công tác được giao với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội công nhân, viên chức; nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật lao động, các nội quy và quy chế của xí nghiệp; bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh chính trị - trật tự và an toàn xã hội; học tập để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt; xây dựng tập thể lao động, xây dựng xí nghiệp ngày càng vững mạnh.
2. Người lao động có quyền:
- Được giao nhiệm vụ rõ ràng và phù hợp với khả năng lao động; được bảo đảm các điều kiện cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ đã giao.
- Được bảo đảm về các mặt an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, bảo hộ lao động, chăm sóc sức khoẻ và thực hiện các chế độ, chính sách khác của Nhà nước đối với người lao động.
- Được trả lương, thưởng và những quyền lợi khác phù hợp với kết quả lao động của mình và thu nhập của xí nghiệp; được đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện để nâng cao trình độ mọi mặt và phát triển toàn diện.
- Được giúp đỡ các điều kiện cần thiết để phát huy sáng kiến, sáng chế.
- Tham gia xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, các mặt quản lý của xí nghiệp.
- Kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và yêu cầu giải quyết theo pháp luật quy định; có quyền phê bình, chất vấn người phụ trách và được người phụ trách trả lời.
- Khi có thành tích thì được khen thưởng; khi vi phạm kỷ luật lao động thì bị xử phạt theo quy định của Nhà nước và nội quy của xí nghiệp; khi cần chuyển công tác hoặc thôi việc thì dược giải quyết theo chế độ, chính sách hiện hành.
- Được Giám đốc xí nghiệp hoặc người phụ trách các đơn vị sản xuất - kinh doanh của Nhà nước (sau đây gọi chung là giám đốc xí nghiệp) thông báo về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của xí nghiệp; được phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của xí nghiệp.
II. CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUYỀN LÀM CHỦ
Điều 4. Đại hội công nhân, viên chức xí nghiệp.
1. Đại hội công nhân viên chức (hoặc Đại hội đại biểu công nhân, viên chức) là hình thức tổ chức chủ yếu để mọi người lao động thực hiện quyền làm chủ của mình đối với hoạt động của xí nghiệp, được tổ chức từ tổ, đội sản xuất (công tác) trở lên.
Đại hội công nhân viên chức xí nghiệp do Hội đồng xí nghiệp phối hợp với Giám đốc, với Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp triệu tập, mỗi năm từ một đến hai lần.
Những nơi đông người thì họp Đại hội đại biểu công nhân viên chức (sau đây gọi chung là Đại hội công nhân viên chức). Số lượng đại biểu công nhân viên chức dự đại hội do cơ quan triệu tập quy định; trong đó đại biểu là người trực tiếp sản xuất phải có ít nhất là 50%, số đại biểu là nữ và là thanh niên phải tương ứng với tỷ lệ công nhân, viên chức nữ hoặc công nhân viên chức là thanh niên ở đơn vị.
Nếu có trên 1/3 tổng số công nhân viên chức toàn xí nghiệp, hoặc trên 50% số thành viên Hội đồng xí nghiệp, hoặc Giám đốc, hoặc Ban chấp hành công đoàn... yêu cầu thì có thể họp Đại hội công nhân viên chức bất thường.
Đại hội phải có 2/3 tổng số công nhân viên chức (hoặc đại biểu công nhân viên chức) trở lên dự họp mới hợp lệ. Các quyết định của Đại hội công nhân viên chức phải có trên 50% tổng số người dự họp tán thành mới có giá trị.
2. Đại hội công nhân viên chức có quyền quyết định:
- Phương hướng phát triển, kế hoạch sản xuất - kinh doanh của xí nghiệp.
- Chủ trương và biện pháp bảo vệ tài sản, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
- Nội quy xí nghiệp.
- Những nguyên tắc phân phối thu nhập của tập thể lao động theo chính sách của Nhà nước; chủ trương và biện pháp chăm lo đời sống và phúc lợi của người lao động.
- Bầu Hội đồng xí nghiệp, Ban thanh tra công nhân, bỏ phiếu tín nhiệm Giám đốc xí nghiệp.
- Các vấn đề quan trọng khác thuộc quyền làm chủ của tập thể lao động tại xí nghiệp.
3. Hội đồng xí nghiệp, Giám đốc, Ban Chấp hành công đoàn và các tổ chức quần chúng khác phối hợp chuẩn bị những nội dung có liên quan để đưa ra Đại hội công nhân viên chức thảo luận, quyết định và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội công nhân viên chức theo phạn vi chức trách của mình. Đối với những vấn đề không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của xí nghiệp thì báo cáo cấp trên trực tiếp, hoặc cơ quan chủ quản cấp trên và các cơ quan hữu quan khác.
4. Đại hội công nhân viên chức ở phân xưởng, đội, tổ (hoặc đơn vị tương đương) căn cứ vào tình hình phân cấp quản lý ở từng nơi để định ra nội dung cho sát, nhằm khai thác mọi tiềm năng trong khi xây dựng và thực hiện kế hoạch, bảo đảm sử dụng tốt máy móc thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, lao động, thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiết kiệm, tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện lao động, bảo hộ lao động, nâng cao tay nghề cho người lao động v.v...
1. Hội đồng xí nghiệp là cơ quan thường trực của Đại hội công nhân viên chức, số lượng thành viên từ 7 đến 21 người, nhiệm kỳ là 2 năm.
2. Thành phần của Hội đồng xí nghiệp, gồm:
- Giám đốc xí nghiệp
- Các cán bộ và công nhân có tín nhiệm, có năng lực lãnh đạo và quản lý do Đại hội công nhân viên chức bầu ra, trong đó số người trực tiếp sản xuất phải có ít nhất là 1/2 so với tổng số thành viên của Hội đồng.
3. Mọi người lao động làm việc thường xuyên tại xí nghiệp đều có quyền ứng cử vào Hội đồng xí nghiệp. Đảng uỷ, Ban Chấp hành công đoàn, Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ban nữ công, tập thể lao động tại các đơn vị trực thuộc xí nghiệp có quyền đề cử người vào Hội đồng xí nghiệp. Danh sách người ứng cử và đề cử phải được thông báo rộng rãi trong xí nghiệp trước khi bầu cử Hội đồng xí nghiệp ít nhất là 10 ngày. Việc bầu cử phải tiến hành thật sự dân chủ, không được áp đặt.
Khi có thành viên của Hội đồng xí nghiệp không còn tín nhiệm với tập thể lao động thì Đại hội công nhân viên chức có quyền bãi miễn và bầu cử người khác thay thế trong kỳ đại hội gần nhất. Đối với thành viên là Giám đốc xí nghiệp thì Đại hội công nhân, viên chức kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định bãi miễn.
4. Các thành vên của Hội đồng xí nghiệp bầu ra Chủ tịch và thư ký Hội đồng, những nơi có trên 10 thành viên có thể bầu thêm một Phó Chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng xí nghiệp phải là người có uy tín, có khả năng phát huy vai trò của tập thể và năng lực của mọi thành viên để thực hiện chức trách của Hội đồng.
5. Hội đồng xí nghiệp có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội công nhân viên chức và kiến nghị những chủ trương biện pháp cần thiết để thực hiện nghị quyết Đại hội công nhân, viên chức.
- Giải quyết những vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền của Đại hội công nhân, viên chức giữa hai kỳ Đại hội và báo cáo lại trong kỳ Đại hội công nhân, viên chức gần nhất.
- Phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn xí nghiệp chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra công nhân.
- Tham gia ý kiến với Giám đốc xí nghiệp trong việc lựa chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng, khen thưởng và thi hành kỷ luật cán bộ quản lý trong xí nghiệp.
6. Hội đồng xí nghiệp mỗi quý họp một lần, khi cần thiết có thể họp bất thường. Hội đồng xí nghiệp quyết định theo đa số. Trong các cuộc họp của Hội đồng xí nghiệp, nếu Bí thư Đảng uỷ, Thư ký công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở xí nghiệp, không phải là thành viên của Hội đồng thì được mời tham dự, nhưng không có quyền biểu quyết.
7. Trong hoạt động của mình, Hội đồng xí nghiệp có quyền kiến nghị, nhưng không can thiệp vào công việc điều hành của Giám đốc xí nghiệp; không can thiệp vào những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn, của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh mà Hiến pháp, pháp luật và điều lệ của các tổ chức đó đã quy định.
Tất cả các thành viên của Hội đồng xí nghiệp đều làm việc theo chế độ kiêm chức.
Hội đồng xí nghiệp không có bộ máy riêng, mà dựa vào bộ máy sẵn có của xí nghiệp.
Giám đốc xí nghiệp có trách nhiệm tạo các điều kiện cần thiết để Hội đồng xí nghiệp thực hiện tốt chức năng của mình.
1. Ban thanh tra của công nhân, viên chức tại xí nghiệp (gọi tắt là Ban thanh tra công nhân) là tổ chức để thực hiện quyền kiểm tra của tập thể lao động, do Đại hội công nhân viên chức bầu ra. Số lượng thành viên từ 5 đến 15 người, nhiệm kỳ là 2 năm. Khi có thành viên Ban thanh tra công nhân không còn tín nhiệm với tập thể lao động thì Đại hội công nhân, viên chức có quyền bãi miễn và bầu cử người khác thay thế trong kỳ đại hội gần nhất. Các thành viên trong Ban thanh tra công nhân bầu ra trưởng ban và phó trưởng ban.
2. Ban thanh tra công nhân do Ban chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp với Hội đồng xí nghiệp chỉ đạo hoạt động; cơ quan thanh tra Nhà nước hướng dẫn về mặt nghiệp vụ. Các cơ quan Nhà nước theo chức năng của mình có trách nhiệm xem xét, giải quyết các kiến nghị của Ban thanh tra công nhân. Ban thanh tra công nhân căn cứ vào Nghị quyết Đại hội công nhân, viên chức, ý kiến của các thành viên trong ban và yêu cầu chỉ đạo trong từng thời gian để định ra chương trình hoạt động.
3. Nhiệm vụ Ban thanh tra công nhân là tổ chức việc giám sát, kiểm tra mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh và phân phối trong xí nghiệp, như:
- Việc thực hiện điều lệ, nội quy xí nghiệp và Nghị quyết Đại hội công nhân viên chức, việc chấp hành các chế độ, chính sách và pháp luật của Nhà nước về sản xuất - kinh doanh.
- Việc chấp hành các quy định về bảo vệ xí nghiệp, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ bí mật kỹ thuật, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động.
- Việc khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong công tác quản lý và các tệ nạn xã hội như tham ô, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, hối lộ, v. v...
- Việc quản lý và sử dụng các quỹ của xí nghiệp; việc phân phói thu nhập của tập thể lao động theo chính sách và pháp luật của Nhà nước; việc phân phối nhà ở; tổ chức phục vụ đời sống; quản lý và sử dụng các công trình phúc lợi công cộng.
- Việc tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của xí nghiệp.
4. Ban thanh tra công nhân có quyền:
- Động viên và tổ chức cho người lao động trong xí nghiệp tham gia công việc kiểm tra.
- Yêu cầu cá nhân hoặc tổ chức có liên quan đến việc kiểm tra báo cáo tình hình và cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra.
- Được cử người tham dự các cuộc họp của Giám đốc xí nghiệp bàn vấn đề có liên quan đến công việc kiểm tra.
- Lập biên bản kiểm tra xác nhận tình hình và yêu cầu người có trách nhiệm trong đơn vị ký biên bản.
- Phát hiện và kiến nghị với Giám đốc xí nghiệp, với Đại hội công nhân, viên chức, hoặc với cơ quan quản lý cấp trên về những biện pháp để sửa chữa thiếu sót.
- Làm báo cáo về kết quả kiểm tra và tuỳ theo yêu cầu mà gửi cho Đảng uỷ, Hội đồng xí nghiệp, Giám đốc, Ban chấp hành công đoàn xí nghiệp hoặc các cơ quan quản lý có liên quan ở cấp trên.
5. Giám đốc xí nghiệp có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cần thiết để Ban thanh tra công nhân hoạt động và giải quyết kịp thời, đúng đắn những kiến nghị của Ban thanh tra công nhân.
1. Giám đốc xí nghiệp vừa đại diện cho Nhà nước vừa đại diện cho tập thể lao động, quản lý xí nghiệp theo chế độ một thủ trưởng được quy định trong Điều lệ xí nghiệp, có quyền điều hành hoạt động của xí nghiệp theo đúng kế hoạch, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết đại hội công nhân, viên chức; chịu trách nhiệm trước Nhà nước và tập thể lao động về kết quả sản xuất - kinh doanh.
Giám đốc xí nghiệp phải tôn trọng sự lãnh đạo của tổ chức Đảng tại xí nghiệp theo Điều lệ Đảng và quy định của Trung ương Đảng; có trách nhiệm phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn, với Ban chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở xí nghiệp trong việc thực hiện các quy định về phát huy quyền làm chủ của tập thể lao động, có trách nhiệm báo cáo tình hình sản xuất - kinh doanh và hoạt động của xí nghiệp cho Đảng uỷ, Hội đồng xí nghiệp, Ban Chấp hành công đoàn xí nghiệp.
2. Trong quá trình sản xuất - kinh doanh của xí nghiệp, nếu cần phải thay đổi mục tiêu kế hoạch mà Đại hội công nhân, viên chức đã quyết định Giám đốc xí nghiệp đề nghị Hội đồng xí nghiệp xem xét quyết định điều chỉnh.
3. Trường hợp giữa Hội đồng xí nghiệp và Giám đốc xí nghiệp có sự không thống nhất, nếu là vấn đề thuộc về điều hành sản xuất - kinh doanh theo kế hoạch đã được Đại hội công nhân, viên chức quyết định thì Giám đốc có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước Đại hội công nhân, viên chức và cấp trên xí nghiệp; nếu là vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Đại hội công nhân, viên chức thì Giám đốc xí nghiệp phải theo quyết định của Hội đồng xí nghiệp.
1. Ban Chấp hành công đoàn xí nghiệp có trách nhiệm:
- Phối hợp với Giám đốc, với Ban Chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở xí nghiệp tổ chức thực hiện các quy định về phát huy quyền làm chủ của tập thể lao động.
- Tham gia quản lý xí nghiệp và kiểm tra hoạt động của xí nghiệp.
- Giáo dục chính trị, phối hợp với Giám đốc tổ chức bồi dưỡng trình độ văn hoá, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ và tay nghề để nâng cao năng lực làm chủ tập thể cho người lao động.
- Phối hợp với Giám đốc, với Ban Chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở xí nghiệp tổ chức và tổng kết phong trào thi đua trong xí nghiệp.
- Chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động theo chế độ, chính sách và pháp luật Nhà nước quy định.
- Quản lý việc sử dụng quỹ phúc lợi tập thể của xí nghiệp theo kế hoạch do Đại hội công nhân viên chức quyết định. Giám đốc xí nghiệp ký lệnh chi tiêu quỹ phúc lợi tập thể sau khi có sự nhất trí của thư ký công đoàn xí nghiệp và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn xí nghiệp tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi tập thể, bảo đảm đúng chế độ, chính sách của Nhà nước, đúng Nghị quyết Đại hội công nhân, viên chức.
2. Ban Chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở xí nghiệp có trách nhiệm:
- Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sản xuất kinh doanh và tham gia quản lý xí nghiệp, nhất là trong phong trào đổi mới kỹ thuật, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội.
- Giáo dục lý tưởng xã hội chủ nghĩa nâng cao năng lực làm chủ tập thể cho thanh niên.
- Phối hợp với Giám Đốc, với Ban Chấp hành công đoàn xí nghiệp trong việc chăm lo đời sống vật chất và văn hoá cho thanh niên.
III. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ THI HÀNH QUY ĐỊNH
Bản Quy định này áp dụng cho các xí nghiệp và xí nghiệp liên hợp thuộc các ngành trong khu vực kinh tế quốc doanh.
Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng Tổng công đoàn Việt Nam hướng dẫn về Đại hội công nhân, viên chức, tổ chức và hoạt động của Hội đồng xí nghiệp.
Uỷ ban Thanh tra Nhà nước cùng Tổng Công đoàn Việt Nam hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra công nhân.
1. Giám đốc xí nghiệp và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở bàn kế hoạch cụ thể để thực hiện bản Quy định này gắn với cơ chế, quản lý mới và bảo đảm sự đồng bộ trong khi thi hành Điều lệ xí nghiệp.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý và công đoàn cấp trên xí nghiệp có trách nhiệm:
- Hướng dẫn, giúp đỡ kiểm tra việc thực hiện bản Quy định này trong các xí nghiệp; phổ biến kịp thời những kinh nghiệm tốt, uốn nắn những lệch lạc trong khi thi hành Quy định này.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và khả năng của mình, giải quyết kịp thời các vấn đề do xí nghiệp đề nghị để bảo đảm quyền làm chủ của tập thể lao động. Trong thời gian nhiều nhất là nửa tháng kể từ ngày nhận đề nghị, thủ trưởng cơ quan quản lý và Ban Chấp hành công đoàn cấp trên phải trả lời các vấn đề do xí nghiệp đưa lên.
3. Thủ trưởng các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu có trách nhiệm phối hợp với Ban Chấp công đoàn cung cấp truyền đạt và tổ chức việc thi hành bản Quy định này trong ngành mình, địa phương mình. Mỗi ngành mỗi địa phương phải chọn một số xí nghiệp để chỉ đạo điểm rút kinh nghiệm và có cán bộ giúp thủ trưởng ngành hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu theo dõi đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành bản Quy định; phải báo cáo định kỳ về kết quả việc thực hiện bản Quy định này với Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng.
-------------------
(1) Trừ những người hợp đồng làm theo vụ, theo việc dưới 1 năm.
- 1Quyết định 217-HĐBT năm 1987 ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh Xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh của Hội đồng Bộ trưởng
- 2Nghị định 50-HĐBT năm 1988 về điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Quyết định 195-HĐBT năm 1989 bổ sung Quyết định 217-HĐBT về việc hoạt động của các Xí nghiệp quốc doanh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Nghị định 98-HĐBT năm 1988 về quyền làm chủ của tập thể lao động tại xí nghiệp quốc doanh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 98-HĐBT
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 02/06/1988
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra