Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1946/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 04 năm 2014 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 2919/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định quản lý hoạt động Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động;
Căn cứ Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ;
Căn cứ Quy chế phối hợp số 74/QCPH-BGTVT-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2014 giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1307/TTr-SGTVT ngày 08 tháng 4 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh".
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố và các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE LƯU ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1946/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này Quy định việc quản lý và tổ chức hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Các quy định trong Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý hoạt động và đối tượng kiểm tra của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý và hoạt động
1. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ thuộc địa bàn Thành phố và các tuyến đường thuộc hệ thống đường bộ địa phương do Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
2. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động thực hiện kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; chở hàng vượt quá tải trọng thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Số Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật nhằm mục đích bảo vệ công trình giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố. Việc sử dụng bộ cân tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động phải đúng mục đích, đạt hiệu quả.
3. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động là hoạt động phối hợp kiểm tra liên ngành theo Quy chế và Kế hoạch phối hợp giữa Sở Giao thông vận tải và Công an Thành phố, có bộ phận chỉ huy quản lý, điều hành Trạm theo đúng Quy chế do Bộ Giao thông vận tải ban hành và Quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kèm theo Quyết định này.
4. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động là công sản được giao cho Thanh tra Sở Giao thông vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải quản lý, vận hành, bảo dưỡng và đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định về chế độ quản lý tài chính, tài sản hiện hành.
Điều 3. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động
1. Lực lượng kiêm nhiệm chỉ huy, điều hành khi Trạm kiểm tra tải trọng xe hoạt động gồm 04 nhân sự:
a) 01 Trạm trưởng: là Lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải.
b) 01 Phó Trạm trưởng: là Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt thuộc Công an Thành phố.
c) 02 cán bộ gồm: 01 cán bộ thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải và 01 cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt làm công tác tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của Trạm.
2. Lực lượng chuyên trách trực tiếp quản lý thiết bị và vận hành tại Trạm là 03 nhân sự gồm: 01 lái xe, 02 kỹ thuật viên quản lý, vận hành thiết bị và làm công tác quản trị của Trạm.
3. Lực lượng tham gia trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra xử lý tại Trạm là lực lượng phối hợp liên ngành giữa Thanh tra Sở Giao thông vận tải và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt thuộc Công an Thành phố. Lực lượng phối hợp trực tiếp được bố trí luân phiên làm 03 ca công tác (sáng, chiều, tối); tại mỗi ca, mỗi bên có 01 Tổ công tác với 03 nhân sự. Tổ trưởng của mỗi ca công tác do 01 cán bộ thuộc lực lượng cảnh sát giao thông phụ trách; Tổ phó của mỗi ca công tác do 01 cán bộ thuộc lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải phụ trách. Việc cử nhân sự Tổ trưởng, Tổ phó do Trạm trưởng phân công trong số lực lượng của mỗi bên được cử đến tại mỗi ca công tác.
4. Lực lượng giám sát hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe: là các phòng, ban chức năng của Sở Giao thông vận tải và Công an Thành phố.
5. Lực lượng phối hợp, hỗ trợ trong quá trình hoạt động của Trạm:
- Lực lượng kiểm soát quân sự.
- Công an phường, xã và quận, huyện nơi Trạm hoạt động.
- Thanh niên xung phong.
Điều 4. Ban hành Kế hoạch kiểm tra tải trọng xe
Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tình hình thực tế hàng năm, giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố xây dựng và phê duyệt Kế hoạch kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn và trên các tuyến đường bộ do địa phương quản lý, làm cơ sở cho Trạm kiểm tra tải trọng xe hoạt động.
Điều 5. Tiêu chuẩn, trang bị, chế độ của lực lượng tham gia
1. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động phải đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành; có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu hoạt động của Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động.
2. Việc bố trí nhân sự hoạt động kiêm nhiệm, chuyên trách hoặc phối hợp tại Trạm do Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Giám đốc Công an Thành phố tuyển chọn, bố trí trong lực lượng đang quản lý của mình bằng Quyết định phân công cụ thể để đảm bảo tính tổ chức và pháp lý trong công tác phối hợp.
3. Phương tiện, trang bị, trang phục, sắc phục, phù hiệu của các lực lượng tham gia phối hợp công tác tại Trạm thuộc ngành nào thì do ngành đó cấp và quản lý, sử dụng theo quy định của ngành.
4. Lương và các khoản phụ cấp đối với các thành viên thuộc lực lượng phối hợp hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động do cơ quan quản lý thành viên đó chi trả. Các khoản phụ cấp, bồi dưỡng làm việc thêm tại Trạm (nếu có) thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố.
5. Các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ trực tiếp tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động được tổ chức tập huấn nghiệp vụ bao gồm quy trình xử lý vi phạm, công tác vận hành và bảo dưỡng thường xuyên bộ cân lưu động theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục đường bộ Việt Nam.
1. Lãnh đạo Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng) chịu trách nhiệm quản lý toàn diện hoạt động của Trạm trong suốt thời gian Trạm hoạt động; có trách nhiệm chỉ huy, điều hành cán bộ, thanh tra viên, chiến sỹ của 02 lực lượng chấp hành nghiêm chỉnh tác phong, điều lệnh, quy trình nghiệp vụ và các quy định pháp luật liên quan hiện hành.
2. Các lực lượng tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại Trạm phải tuân thủ đầy đủ quy chế, quy định của ngành; đồng thời chấp hành sự phân công, điều hành trực tiếp của Lãnh đạo Trạm. Quá trình giải quyết và xử lý công việc nếu có ý kiến khác nhau giữa các thành viên thì Lãnh đạo Trạm là người quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; trường hợp vượt quá thẩm quyền phải kịp thời báo cáo cấp trên giải quyết.
3. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông công tác tại Trạm:
a) Là Tổ trưởng của mỗi ca công tác; chịu trách nhiệm chỉ huy, điều hành công tác phối hợp của các Tổ viên trong ca làm việc theo phân công hoặc theo kế hoạch được phê duyệt.
b) Thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát, hướng dẫn xe vào vị trí cân kiểm tra tải trọng xe; lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp có nhiều hành vi vi phạm (lỗi hỗn hợp) nhưng có một trong những hành vi đó không thuộc thẩm quyền xử phạt của lực lượng Thanh tra giao thông vận tải. Trường hợp sau khi cân kiểm tra xe xác định vi phạm chở hàng quá tải trọng, hướng dẫn lái xe đưa phương tiện vào bãi hạ tải, yêu cầu chủ hàng hóa, chủ xe, lái xe phải tự hạ tải theo quy định và phải chịu mọi chi phí, tự bảo quản hàng hóa trong quá trình hạ tải. Sau khi đã thực hiện việc hạ tải, hướng dẫn xe vào cân lại đảm bảo quy định mới giải quyết cho xe tiếp tục lưu thông. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải sử dụng camera, máy ảnh ghi lại hình ảnh làm cơ sở cho việc xử lý.
c) Chỉ đạo cập nhật, ghi chép sổ sách về kết quả thực hiện trong ca trực, thống kê số liệu báo cáo cấp trên theo quy định.
4. Nhiệm vụ của lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải công tác tại Trạm:
a) Là Tổ phó của mỗi ca công tác, chịu trách nhiệm giúp Tổ trưởng chỉ huy, điều hành công tác phối hợp của các Tổ viên trong ca làm việc theo phân công hoặc theo kế hoạch được phê duyệt.
b) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất. Tổ chức vận chuyển, lắp đặt, kiểm tra thiết bị và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành Trạm cân. Sắp xếp, thu hồi trang thiết bị khi Trạm kết thúc hoạt động.
c) Tiến hành cân xe, xác định hành vi vi phạm; trực tiếp lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm để xử lý theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hoặc các Nghị định khác của Chính phủ có liên quan. Hướng dẫn xe vi phạm vào bãi hạ tải, kiểm tra, giám sát hạ tải và cân kiểm tra lại sau khi phương tiện đã hạ đủ tải; áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải sử dụng camera, máy ảnh để ghi lại hình ảnh. Trường hợp cần thiết thì liên hệ với các cơ quan, tổ chức có liên quan để phối hợp.
d) Ghi chép sổ Nhật ký kiểm tra, thống kê, bàn giao hồ sơ, số liệu cho ca sau liền kề để tiếp tục công việc. Tổng hợp kết quả thực hiện trong ngày, báo cáo kết quả cho Trạm trưởng và tổng hợp báo cáo cấp trên theo quy định.
e) Báo cáo, đề xuất duy tu, bảo dưỡng máy móc, trang, thiết bị của Trạm cân; lập dự trù và thanh, quyết toán tài chính, nhiên liệu hoạt động của Trạm theo quy định.
Điều 7. Vị trí đặt Trạm và thời gian thực hiện kiểm tra tải trọng xe lưu động
a) Vị trí đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động phải có đủ diện tích để đặt Trạm và bãi hạ tải, không làm cản trở, ùn tắc giao thông. Bệ đặt cân điện tử phải đảm bảo theo quy định của nhà sản xuất hoặc theo quy chuẩn tại QCVN 66:2013/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động.
b) Không cân xe, hạ tải trên mặt đường đối với những đường hẹp chỉ đủ 02 làn xe chạy, đường cao tốc, đường có mật độ phương tiện lưu thông cao dễ gây ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn giao thông.
c) Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành khảo sát và quyết định chọn các vị trí đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn Thành phố; đồng thời sử dụng kinh phí duy tu, bảo dưỡng được bố trí hàng năm để gia cố, sửa chữa vị trí đặt Trạm nhằm đảm bảo đủ điều kiện hoạt động của trạm theo quy định.
d) Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hoạt động 03 ca/ngày. Căn cứ Kế hoạch Kiểm tra tải trọng xe được phê duyệt hàng năm, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an Thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp chi tiết; trong đó bố trí thời gian làm việc mỗi ca và phương thức lắp đặt, di chuyển Trạm Kiểm tra tải trọng xe phù hợp với tình hình thực tế theo từng thời điểm.
Điều 8. Quản lý, sử dụng trang thiết bị, phương tiện
1. Lãnh đạo Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (Thanh tra Sở Giao thông vận tải) có nhiệm vụ phân công cán bộ quản lý, sử dụng và thường xuyên bảo trì phương tiện, thiết bị và bộ cân lưu động theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và quy trình, tiêu chuẩn quy định hiện hành.
2. Trong quá trình hoạt động, phải duy trì trạng thái hoạt động của bộ cân lưu động bình thường giữa hai kỳ kiểm định, kiểm chuẩn. Hàng ngày trước khi đưa bộ cân vào hoạt động kiểm tra phải tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật, nếu đảm bảo đủ điều kiện an toàn mới được vận hành.
1. Chi phí hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động bao gồm:
- Nhiên liệu hoạt động của phương tiện và công tác bảo trì, sửa chữa phương tiện.
- Bảo trì, sửa chữa các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Trạm.
- Vật tư, vật liệu, thiết bị, văn phòng phẩm, điện chiếu sáng và thông tin liên lạc cho Trạm.
- Chi phí phục vụ việc cưỡng chế, tháo dỡ, buộc khắc phục hậu quả.
- Tập huấn, sơ kết, tổng kết; chi phí kiểm định, kiểm chuẩn, thuê kho bãi hạ tải.
- Các chi phí khác phục vụ cho hoạt động của Trạm.
2. Kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động được sử dụng từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ của Thành phố, kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông và nguồn kinh phí khác theo dự toán chi do Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt hàng năm và được bố trí kinh phí cho Thanh tra Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Chuẩn bị đủ điều kiện mặt bằng vị trí kiểm tra tải trọng xe, sân bãi, kho hàng hóa để phục vụ cho việc hạ tải và các điều kiện cần thiết khác về cơ sở vật chất, đảm bảo cho cán bộ, thanh tra viên, chiến sỹ trong các Tổ công tác liên ngành thực hiện kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe theo kế hoạch.
2. Chủ trì phối hợp với Công an Thành phố xây dựng Kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông hàng năm trong đó có nội dung hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng khác xây dựng chi tiết Kế hoạch kiểm tra tải trọng xe để trình duyệt, làm căn cứ triển khai thực hiện.
3. Chỉ đạo xây dựng Quy chế nội bộ hoạt động của Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm soát tải trọng xe để đảm bảo Trạm Kiểm tra tải trọng xe hoạt động hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
4. Hàng năm lập dự toán trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét phê duyệt, cấp kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động.
5. Chỉ đạo tổng hợp tình hình, kết quả công tác kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn Thành phố báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định.
6. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết chuyên đề để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý và phối hợp điều hành; kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố có biện pháp khắc phục những điểm bất hợp lý và hoàn thiện bổ sung quy chế quản lý hoạt động của Trạm.
Điều 11. Trách nhiệm của Công an Thành phố
1. Phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông hàng năm, trong đó có công tác phối hợp kiểm tra tải trọng xe thông qua hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố.
2. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt bố trí đủ cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức trách tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Chủ trì triển khai công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Chủ động có phương án phòng ngừa các hành vi chống đối, phá hoại tài sản; ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm; đồng thời chỉ đạo Công an các quận, huyện phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp xảy ra trên các tuyến đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (nếu có).
Điều 12. Trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan
1. Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố thực hiện công tác tuyên truyền, giám sát và phối hợp với các cơ quan, lực lượng có liên quan để hỗ trợ hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn Thành phố.
2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi Trạm hoạt động có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, lực lượng của quận hỗ trợ, giúp đỡ đảm bảo điều kiện hoạt động của Trạm.
3. Bộ Tư lệnh Thành phố và Công an các quận, huyện nơi Trạm kiểm tra tải trọng xe hoạt động có trách nhiệm hỗ trợ, đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn nơi Trạm cân hoạt động; phối hợp kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật các đối tượng chống đối, phá hoại tài sản hoặc cản trở quá trình hoạt động của Trạm cân.
Điều 13. Chế độ thông tin, báo cáo, chế độ thống kê
1. Trong quá trình hoạt động, Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động phải trực tiếp cập nhật kết quả thực hiện, duy trì thường xuyên chế độ gửi thông tin và số liệu xử lý vi phạm vào cổng thông tin điện tử của hệ thống, kết nối Internet truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
2. Duy trì chế độ báo cáo thống kê hàng ngày số liệu kiểm tra xử lý vi phạm, đồng thời cập nhật số liệu, đánh giá tình hình, báo cáo kết quả hoạt động hàng tháng về Sở Giao thông vận tải, Ban an toàn giao thông Thành phố để theo dõi. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp vào việc xử lý vi phạm, báo cáo sai số liệu, kết quả kiểm tra tải trọng xe.
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì triển khai thực hiện các quy định được ban hành kèm theo Quyết định này. Thường xuyên chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động nhằm đảm bảo hoạt động kiểm tra tải trọng xe có hiệu quả, phòng chống tiêu cực và phục vụ tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố. Định kỳ báo cáo kết quả hoạt động cho Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định./.
- 1Quyết định 1904/QĐ-UBND năm 2013 về Quy chế quản lý hoạt động của Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Yên Bái
- 2Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 3Quyết định 372/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý hoạt động của Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Cao Bằng
- 4Quyết định 1413/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Bình Định
- 5Quyết định 438/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Đồng Nai
- 6Quyết định 1145/QĐ-UBND năm 2014 thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Quảng Nam và Quy chế tổ chức và hoạt động của Trạm
- 7Quyết định 848/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 2919/QĐ-BGTVT năm 2013 về Quy định quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Công điện 1966/CĐ-TTg năm 2013 tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ do Thủ tướng Chính phủ điện
- 4Quyết định 1904/QĐ-UBND năm 2013 về Quy chế quản lý hoạt động của Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Yên Bái
- 5Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 6Quyết định 372/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý hoạt động của Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Cao Bằng
- 7Quyết định 1413/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Bình Định
- 8Quyết định 438/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Đồng Nai
- 9Quyết định 1145/QĐ-UBND năm 2014 thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Quảng Nam và Quy chế tổ chức và hoạt động của Trạm
- 10Quyết định 848/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Quyết định 1946/QĐ-UBND năm 2014 về quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 1946/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/04/2014
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Hữu Tín
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/04/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra