Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1899/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 17 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS CỦA TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1899/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020;

Xét Tờ trình số 2293/TTr-BST, ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Ban soạn thảo Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2014 - 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2014 - 2020.

(Kèm theo Kế hoạch).

Điều 2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế và UBND tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thanh

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS CỦA TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1899/QĐ-UBND, ngày 17/12/2014 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Thực hiện Quyết định 1899/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2014 - 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I . CÁC CƠ SỞ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Phòng, chống, nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 608/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 1899/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giai đoạn 2013 - 2020;

Căn cứ Công văn số 8329/BYT- AIDS, ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án đảm bảo tài chính;

Căn cứ vào Quyết định số 432/QĐ-UBND, ngày 11 tháng 3 năm 2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

II. TÌNH HÌNH VÀ TỔNG QUAN ĐÁP ỨNG VỚI DỊCH HIV/AIDS:

1. Tình hình dịch HIV/AIDS:

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 6 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố với 93 xã, 16 phường, thị trấn và 846 ấp - khóm. Với diện tích tự nhiên là 1.520,17 km2 và dân số là 1.033.577 người, trong đó, dân số thành thị có 160.942 người, chiếm 15,57%; dân số nông thôn 872.635 người, chiếm 84,43%; có 509.406 người nam, chiếm 49,29% dân số và 524.171 người nữ, chiếm 50,71% dân số chung toàn tỉnh.

Từ cas nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1993 tại xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tính đến 31/12/2014 toàn tỉnh đã phát hiện 2.546 người nhiễm HIV, trong đó có 1.411 người chuyển sang AIDS và 738 người tử vong.

Phân bố tỷ lệ người nhiễm HIV theo giới: Nam giới chiếm 60,6%, nữ giới chiếm 39,4%.

Các huyện, thị xã, thành phố có số người nhiễm HIV còn sống .

STT

Huyện, Thành phố

Số người nhiễm HIV còn sống

1

Thành phố Vĩnh Long

678

2

Huyện Long Hồ

179

3

Huyện Mang Thít

86

4

Huyện Vũng Liêm

92

5

Huyện Tam Bình

161

6

Huyện Trà Ôn

159

7

Thị xã Bình Minh

243

8

Huyện Bình Tân

134

9

Không rõ

5

 

Tổng cộng

1.737

Trong 6 năm gần đây, mỗi năm tỉnh Vĩnh Long phát hiện trung bình 141 cas nhiễm HIV. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố và 99% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có người nhiễm HIV/AIDS và hiện có 108/109 số xã, phường có người nhiễm HIV còn sống.

Số người nhiễm HIV được phân theo nhóm tuổi: Dưới 14 tuổi, chiếm tỉ lệ 3%; nhóm 15 - 24 tuổi chiếm 16,3%; nhóm từ 25 - 49 tuổi chiếm 75%; nhóm trên 49 tuổi chiếm 5,7%. Như vậy, tỷ lệ nhiễm HIV đang có xu hướng ngày càng trẻ hoá. Đáng lưu ý là có 32,1% người phát hiện nhiễm HIV trong giai đoạn 2008 - 2013 thuộc nhóm đối tượng khác do không xác định được đường lây nhiễm. Tình dục không an toàn là con đường lây truyền HIV chiếm tỷ lệ 45,1% tổng số cas nhiễm HIV được phát hiện trong năm 2014, tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ có chiều hướng tăng tương ứng với gia tăng nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục không an toàn. Năm 2008, nữ chiếm 28,4% trong số các cas nhiễm HIV được phát hiện trong năm, đến năm 2013 chiếm 36,4%. Trong giai đoạn 2008 - 2013, qua xét nghiệm sàng lọc cho phụ nữ mang thai đã phát hiện 62 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Đối với các nhóm có hành vi nguy cơ cao, tỷ lệ nhiễm HIV được duy trì ở mức thấp, trong năm 2014 nhóm nghiện chích ma tuý chiếm 15,8%; nhóm phụ nữ bán dâm chiếm 2,4%.

2. Tổng quan đáp ứng với dịch HIV/AIDS:

Đáp ứng với tình hình dịch nêu trên, ngày 11 tháng 3 năm 2013, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 432/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Theo đó, chương trình phòng, chống HIV/AIDS tỉnh được triển khai có hệ thống và khá toàn diện. Hiện tại, cơ sở điều trị HIV/AIDS đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Bình Minh, có 02 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Y tế Bình Minh, các huyện, thị xã, thành phố đều có cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống HIV/AIDS làm việc tại Khoa kiểm soát dịch bệnh thuộc Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố. Tuyến xã, phường, thị trấn gồm có 108/109 tuyến xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS.

Hiệu quả về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Vĩnh Long trong những năm qua cho thấy số nhiễm HIV có chiều hướng giảm từ năm 2008 đến 2010, riêng từ năm 2011 đến 2013 có chiều hướng tăng do thực hiện việc rà soát số liệu, do một số bệnh nhân điều trị từ các tỉnh khác chuyển về. Tuy nhiên, mức độ bao phủ của các dịch vụ, tính bền vững trong hiểu biết đúng và thực hành hành vi an toàn phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, đối tượng nguy cơ cao còn hạn chế; tỷ lệ nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao được xét nghiệm và biết kết quả còn thấp. Các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV ngày càng được nâng cao về chất lượng, số lượng. Năm 2008, số bệnh nhân được điều trị ARV là 123 bệnh nhân, đến năm 2013 tăng là 686 bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận ở giai đoạn muộn do tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

III. KẾT QUẢ HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ:

1. Tình hình huy động kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS

Giai đoạn 2008 - 2013, tổng kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh là 51,346 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là 12,507 tỷ đồng (chiếm 24,4% tổng kinh phí), ngân sách địa phương 6,728 tỷ đồng (chiếm 13%), nguồn viện trợ quốc tế 32,111 tỷ đồng (chiếm 62,6%). Tuy nhiên đến năm 2013, kinh phí do Trung ương phân bổ đã giảm khoảng 16% so với năm 2012 và năm 2014 giảm khoảng 67% so với năm 2013.

1.1. Nguồn Viện trợ nước ngoài:

Giai đoạn 2008 - 2013 nguồn kinh phí viện trợ từ các tổ chức nước ngoài chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là 32,111 tỷ đồng, trong đó: Dự án Life-Gap: 16,306 tỷ đồng; dự án Quỹ Toàn cầu: 1,845 tỷ đồng; dự án tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB): 13,960 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu chi cho hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV và chăm sóc điều trị.

1.2. Nguồn bảo hiểm y tế:

Trong giai đoạn 2008 - 2013, nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả còn rất hạn chế và thiếu nguồn số liệu báo cáo do hầu hết các dịch vụ chăm sóc, điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV đều được các dự án viện trợ chi trả, người nhiễm chỉ sử dụng bảo hiểm y tế khi điều trị nội trú, song do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử nên người nhiễm HIV không đến các cơ sở y tế nơi đăng ký để khám chữa bệnh. Ngoài ra, không có hướng dẫn về các nội dung và mức thu phí các dịch vụ HIV/AIDS nên địa phương không thể triển khai thu phí những dịch vụ liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

1.3. Nguồn khác:

Hầu hết các nguồn kinh phí cấp trực tiếp cho các sở, ban ngành, đoàn thể có triển khai thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS chưa được tổng hợp báo cáo, thống kê. Sở Y tế cũng gặp không ít khó khăn trong huy động và quản lý các nguồn kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS do còn bị động và lệ thuộc vào nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia của Trung ương, nguồn tài trợ của các dự án, chưa thực hiện triển khai các dịch vụ thu phí phục vụ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, chưa có sự thống nhất về cơ chế vận hành và quản lý giữa các nguồn kinh phí.

Bảng 1: Tổng kinh phí huy động được từ năm 2008 - 2013

Đơn vị tính: 1.000đ

Nguồn kinh phí

Năm 2008

Năm 2009

Năm2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

1. Chương trình MTQG

2.137.000

2.000.000

2.080.000

1.910.000

2.382.000

1.998.000

2. Ngân sách địa phương

527.452

717.236

1.010.199

1.141.012

1.395.000

1.938.312

3. Các dự án viện trợ

 

 

 

 

 

 

- Dự án WB

2.346.584

2.525.117

2.623.632

2.654.795

1.983.088

1.826.834

- Dự án Life-Gap

2.315.150

2.844.098

2.913.406

2.985.100

2.961.400

2.287.631

- Dự án QTC

 

 

 

729.823

826.496

290.072

Tổng cộng

7.326.186

8.086.451

8.627.237

9.420.730

9.547.984

8.340.849

2. Tình hình sử dụng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS:

2.1. Kết quả sử dụng kinh phí:

Ngay từ khi phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên, tỉnh đã có những giải pháp cụ thể, sử dụng nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia, kinh phí viện trợ và kinh phí địa phương một cách hiệu quả nhằm khống chế dịch.

Từ nguồn Viện trợ của Dự án phòng chống HIV/AIDS, Dự án Life-Gap đã triển khai các hoạt động truyền thông, can thiệp dự phòng, điều trị đã có tác động khống chế, không cho dịch HIV/AIDS lây lan nhanh.

2.2. Tác động của việc sử dụng kinh phí đến tình hình khống chế dịch HIV/AIDS:

Trong giai đoạn 2008 - 2013, từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia và nguồn viện trợ cho chương trình can thiệp, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh đã đạt được một số thành tựu nhất định. Báo cáo hoạt động phòng chống HIV/AIDS của tỉnh từ 2008 đến 2010 cho thấy số trường hợp bị nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS và số tử vong đều giảm qua các năm, cụ thể:

- Năm 2008 từ 134 cas giảm xuống 119 cas. Năm 2010 và từ năm 2011 đến 2013 thì số nhiễm HIV có xu hướng tăng.

- Số người chuyển qua giai đoạn AIDS giảm; năm 2008 từ 100 cas giảm xuống 63 cas vào năm 2010 và từ năm 2011 đến 2013 số chuyển sang AIDS tăng là do thực hiện rà soát từ các huyện, thị xã, thành phố và một số bệnh nhân đang điều trị từ các nơi khác chuyển về.

- Số người tử vong do AIDS cũng giảm mạnh, năm 2008 từ 63 người đến năm 2013 giảm còn 29 người .

Số người nhiễm HIV, số chuyển sang giai đoạn AIDS và số tử vong do AIDS giảm từ sau năm 2008 là kết quả của việc thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có sự đầu tư kinh phí từ chương trình Mục tiêu Quốc gia, kinh phí địa phương và nguồn kinh phí viện trợ.

Bảng 2: Số liệu nhiễm HIV- AIDS -Tử vong từ năm 2008 - 2013:

 

2008

2009

2010

2011

2012

2013

Số phát hiện HIV (người)

134

86

119

150

94

264

Số phát hiện AIDS ( người)

100

78

63

141

62

164

Tử vong do HIV/AIDS (người)

63

32

46

60

30

29

Đầu tư ( tỷ đồng )

7,326

8,086

8,627

9,420

9,547

8,340

Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS đồng thời với việc tăng dần mức đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS đã có tác động rõ rệt đến tất cả các lĩnh vực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là đối với các chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; chương trình chăm sóc điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại (CTGTH) đã làm cho tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý (NCMT) và nữ bán dâm (NBD) giảm rõ rệt qua các năm, thể hiện qua 02 biểu đồ 1 và 2. Tuy nhiên, từ khi Chương trình Can thiệp giảm tác hại được triển khai tại thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, huyện Long Hồ với sự đầu tư của Dự án phòng ,chống HIV/AIDS và Dự án LIFE-GAP, tỷ lệ nhiễm của nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nghiện chích ma tuý đã giảm rõ rệt. Riêng năm 2013 được sự hỗ trợ của Dự án phòng, chống HIV/AIDS tiến hành thực hiện điều tra giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi. Tuy nhiên qua kết quả điều tra, nhóm nghiện chích ma tuý và phụ nữ bán dâm đều tăng (NCMT: 12,67%, PNBD: 5,3%).

Qua Chương trình chăm sóc và điều trị của Dự án LIFE-GAP và Dự án Quỹ Toàn cầu triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long và Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Minh, số bệnh nhân được điều trị ARV ngày càng tăng. Tính đến năm 2013 là 686 người, số tử vong giảm và số người nhiễm HIV được cứu sống tăng dần qua các năm.

3. Những khó khăn, thách thức trong huy động, quản lý, sử dụng kinh phí.

3.1. Về huy động kinh phí:

Trong tổng số kinh phí chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2008 - 2013 cho thấy nguồn kinh phí viện trợ chiếm phần lớn (khoảng 62,6%), ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương khoảng 37,4%.

Để thực hiện được các Mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tỉnh đang đứng trước những thách thức lớn về tài chính khi nguồn tài trợ từ các dự án nước ngoài bị cắt giảm dần.

3.2. Về quản lý kinh phí:

Phòng, chống HIV/AIDS là một công tác liên ngành, do đó có nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị ở tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể tham gia và được phân bổ, tiếp nhận kinh phí phòng, chống HIV/AIDS từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó, từ nguồn kinh phí Trung ương cấp (Chương trình mục tiêu quốc gia), ngân sách của tỉnh cấp và kinh phí từ các nguồn viện trợ cho tỉnh.

Hai chương trình “trụ cột” của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là Chương trình Dự phòng và Chương trình điều trị hiện đang phụ thuộc tài chính chủ yếu vào nguồn tài trợ của các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ.

Những bất cập trong công tác quản lý các nguồn kinh phí phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm:

- Không thể kiểm soát được về mặt tài chính đối với các dự án mà nhà tài trợ làm việc trực tiếp với ban, ngành và các tổ chức xã hội khác.

- Sự khác biệt lớn về cơ chế vận hành và quản lý giữa các nguồn kinh phí, dẫn tới khó thống nhất trong cách thức lập kế hoạch, thanh quyết toán kinh phí giữa các dự án hoạt động bằng nguồn vốn trong nước và quốc tế.

- Sự phân bổ kinh phí còn phụ thuộc vào các nhà tài trợ; trong vài năm trở lại đây các nhà tài trợ có xu hướng giảm dần sự hỗ trợ trong việc cung cấp các dịch vụ trực tiếp, thay vào đó là ưu tiên cho các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật.

- Định hướng phân bổ kinh phí chưa dựa vào các ưu tiên đầu tư, trong đó có đặc điểm tình hình dịch, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tự đảm bảo ngân sách địa phương, đơn vị thụ hưởng.

- Hệ thống thông tin, báo cáo và cơ sở dữ liệu về các nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là nguồn viện trợ chưa định hình và chưa thực sự phục vụ được cho công tác xây dựng kế hoạch, điều phối.

3.3. Về tổ chức, quản lý các hoạt động chuyên môn:

- Các chương trình dự án đang tạo ra các mô hình cung cấp dịch vụ mang tính độc lập, thiếu bền vững do chưa lồng ghép vào các hệ thống, thiết chế hiện có. Mặt khác, các dịch vụ do các dự án viện trợ thường được thiết kế ở mức tối đa, có chi phí cao, thiếu tính đồng nhất giữa các chương trình và địa phương, điều này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương trong việc duy trì mô hình hoặc tiếp nhận chuyển giao mô hình sau khi các nhà tài trợ rút đi.

- Việc tổ chức các mô hình cung cấp dịch vụ còn thiếu tính kết nối giữa các dịch vụ, chưa thiết kế được mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện.

- Công tác lập kế hoạch can thiệp dựa vào bằng chứng còn hạn chế. Các dự án thường chỉ tập trung tăng cường năng lực nhân sự trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trực tiếp, nhưng chưa đầu tư nhiều cho tăng cường năng lực cán bộ trong lĩnh vực lập kế hoạch và quản lý, giám sát, điều hành.

Phần II

ƯỚC TÍNH NHU CẦU VÀ SỰ THIẾU HỤT KINH PHÍ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

I. ƯỚC TÍNH NHU CẦU KINH PHÍ GIAI ĐOẠN 2014 - 2020:

Ước tính tổng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020: 208,732 tỷ đồng, cụ thể như sau:

Bảng 3: Tổng nhu cầu kinh phí cho Đề án Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020

Đơn vị : Tỷ đồng

TT

Nội dung phân tích

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Giai đoạn 2014-2020

%

1

Dự phòng

7,484

9,033

10,870

13,044

15,617

18,658

22,251

96,957

46%

2

Chăm sóc, điều trị

9,168

10,631

12,107

13,775

15,657

17,780

20,174

99,292

48%

3

Tăng cường năng lực

1,016

1,067

1,120

1,177

1,235

1,297

1,362

8,274

4%

4

Theo dõi, giám sát

517

543

570

598

628

660

693

4,209

2%

Tổng nhu cầu (*)

18,185

21,274

24,667

28,594

33,137

38,395

44,480

208,732

 

=Ghi chú:

(*) Tổng nhu cầu kinh phí được áp dụng công cụ ước tính nhu cầu nguồn lực tài chính phòng, chống HIV/AIDS do Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Trường Đại học Y Hà Nội phát triển.

II. ƯỚC TÍNH KHẢ NĂNG KINH PHÍ HUY ĐỘNG ĐƯỢC TỪ CÁC NGUỒN KHÁC NHAU:

Tổng kinh phí có thể huy động trong giai đoạn 2014 - 2020 là 40,679 tỷ đồng, đáp ứng được 19,48% nhu cầu kinh phí hoạt động và cần thiết có kế hoạch huy động thêm 168,053 tỷ đồng, để đảm bảo triển khai hoạt động, đạt được mục tiêu kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 của tỉnh. Tuy nhiên, các nguồn kinh phí này đều không chắc chắn, do các nguồn kinh phí chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn trước đây đều có xu hướng cắt giảm mạnh như kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phụ thuộc vào sự phân bổ của Trung ương cấp hàng năm (năm 2014 đã cắt giảm 67% so với năm 2013) và các nhà tài trợ hiện nay sẽ chấm dứt các hoạt động viện trợ từ năm 2016. Ngoài ra, việc áp dụng chi trả từ BHYT hay thu phí, lệ phí phòng, chống HIV/AIDS phụ thuộc vào việc ban hành các văn bản hướng dẫn. Sự thiếu hụt kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sẽ ảnh hưởng đến độ bao phủ, hiệu quả của các chương trình dự phòng và điều trị HIV/AIDS dẫn đến nguy cơ gia tăng số ca nhiễm HIV mới, tăng gánh nặng và chi phí điều trị; cũng như những tác động tiêu cực về mặt kinh tế - xã hội khác do đại dịch này gây ra. Vì vậy, việc chủ động đầu tư kinh phí phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn ngân sách địa phương cũng như ban hành các cơ chế huy động và quản lý kinh phí chương trình hiệu quả là yếu tố then chốt, đóng vai trò quyết định đảm bảo nguồn kinh phí ổn định cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của địa phương trong giai đoạn tới.

Bảng 4: Ước tính thiếu hụt kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020

Đơn vị : Tỷ đồng

TT

Nguồn kinh phí

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

GĐ 2014-2020

I

SỐ KINH PHÍ CẦN HUY ĐỘNG TỪ CÁC NGUỒN

18,185

21,274

24,667

28,593

33,137

38,396

44,480

208,732

1

NSNN TƯ

4,546

5,957

7,400

9,150

10,935

13,054

15,124

66,166

2

NSNN ĐP

3,964

5,491

7,031

8,321

10,174

12,022

14,111

61,114

3

Viện trợ Q/Tế

6,365

5,744

5,180

4,861

4,308

3,840

3,557

33,855

4

Bảo hiểm y tế

1,018

1,383

1,899

2,573

3,413

4,454

5,828

20,568

5

Doanh nghiệp

0,473

0,572

0,690

0,829

0,993

1,186

1,413

6,156

6

Người dân tự chi trả

1,819

2,127

2,467

2,859

3,314

3,840

4,447

20,873

II

KHẢ NĂNG HUY ĐỘNG ĐƯỢC.

7,471

6,869

5,871

4,180

4,759

5,419

6,110

40,679

1

NSNN TƯ

0,651

0,749

0,861

0,990

1,139

1,309

1,440

7,139

2

NSNN ĐP

2,000

2,200

2,530

2,870

3,300

3,790

4,350

21,040

3

Viện trợ Q/tế

4,500

3,600

2,160

0

0

0

0

10,260

4

Bảo hiểm y tế

0,200

0,200

0,200

0,200

0,200

0,200

0,200

1,400

5

Doanh nghiệp

0,30

0,30

0,30

0,30

0,30

0,30

0,30

0,210

6

Người dân tự chi trả

0,90

0,90

0,90

0,90

0,90

0,90

0,90

0,630

III

THIẾU HỤT (III=I-II) CẦN PHẢI HUY ĐỘNG ĐƯỢC

10,714

14,405

18,796

24,413

28,378

32,977

38,369

168,053

1

NSNN TƯ

3,895

5,208

6,539

8,160

9,797

11,745

13,684

59,028

2

NSNN ĐP

1,964

3,291

4,501

5,451

6,874

8,232

9,761

40,074

3

Viện trợ Q/ tế

1,865

2,144

3,020

4,861

4,308

3,840

3,557

23,595

4

Bảo hiểm y tế

0,818

1,183

1,699

2,373

3,213

4,254

5,628

19,168

5

Doanh nghiệp

0,443

0,542

0,660

0,799

0,963

1,156

1,382

5,945

6

Người dân tự chi trả

1,729

2,037

2,377

2,769

3,224

3,750

4,357

20,243

III. ƯỚC TÍNH SỰ THIẾU HỤT KINH PHÍ GIAI ĐOẠN 2014 - 2020:

1. Ước tính sự thiếu hụt kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh trong giai đoạn 2014 - 2020:

Kinh phí thiếu hụt cần phải huy động cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 là 168,053 tỷ đồng (cụ thể tại phần III của bảng 4)

2. Nguyên nhân của sự thiếu hụt tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020.

2.1. Nhu cầu đầu tư chương trình tăng cao do phải mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động để ứng phó với tình hình dịch đang ngày càng lan rộng và có tính chất phức tạp.

Tuy tỉnh đã khống chế được tỷ lệ nhiễm HIV hiện nay dưới 0,26% trong cộng đồng, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn có xu hướng gia tăng về số lượng và lan rộng. Mặt khác, công tác chăm sóc điều trị tốt, đã giảm số lượng tử vong, trong khi số người nhiễm HIV mới có chiều hướng tăng, làm cho tổng số người nhiễm HIV/AIDS còn sống cần được điều trị càng tăng và điều trị bằng ARV là điều trị suốt đời nên việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS càng phải mở rộng, đến tận các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Tất cả những yếu tố đó yêu cầu phải có mức đầu tư kinh phí cao hơn các giai đoạn trước. Đồng thời, việc mở rộng chương trình còn kéo theo sự đầu tư nhiều hơn về nhân lực, về cơ sở hạ tầng và các yếu tố “ đầu vào” khác khiến cho kinh phí đầu tư cho chương trình tăng.

Chương trình điều trị HIV/AIDS, Chương trình Méthadone, Chương trình phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cần phải có một nguồn lực lớn, tập trung trong một giai đoạn nhất định. Trong khi đó, các dự án đầu tư cho tỉnh hàng năm có xu hướng cắt giảm dần từ đầu tư cho cung cấp dịch vụ trực tiếp, chuyển sang hỗ trợ kỹ thuật, đã làm thiếu hụt nguồn kinh phí lớn cho thuốc ARV, thuốc Méthadone, sinh phẩm xét nghiệm, các vật tư, trang thiết bị khác cho phòng, chống HIV/AIDS.

2.2. Những nguyên nhân khách quan dẫn đến hạn chế các nguồn ngân sách

Khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới ảnh hưởng lớn tới việc huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các nguồn viện trợ quốc tế, nguồn trong nước và trong tỉnh.

Khủng hoảng kinh tế dẫn tới khó khăn đối với đất nước nói chung mà còn ảnh hưởng đến các hộ gia đình, trong đó có người nhiễm HIV, với phần lớn là những người có hành vi nguy cơ cao, dễ bị tổn thương và đa số thuộc diện hộ nghèo, nên khả năng chi trả từ “ tiền túi” của họ cho chăm sóc, điều trị ngày càng giảm.

Phần III

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2014 - 2020.

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA TỈNH VỀ BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS, GIAI ĐOẠN 2014 - 2020:

1. Ngân sách tỉnh bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS, khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá đối với lĩnh vực này, trong đó tập trung đầu tư cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả cao, bao gồm công tác dự phòng là chủ đạo và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

2. Bố trí ngân sách thích hợp nhằm bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

3. Tiếp tục vận động, kêu gọi các nguồn viện trợ, thu hút các nhà tài trợ mới để ổn định nguồn tài chính. Các nhà tài trợ các dự án khi được triển khai phải có lộ trình chuyển giao cụ thể và đảm bảo tính bền vững sau khi dự án kết thúc.

4. Đa dạng hoá các nguồn kinh phí trong tỉnh cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) sẵn có của tỉnh và của ngành y tế cho phòng, chống HIV/AIDS. Chuyển dần nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS từ nguồn lực của các Chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ Bảo hiểm y tế. Tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy và thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình, các dịch vụ, hoạt động theo hướng chi phí hiệu quả.

5. Phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của tất cả các cấp uỷ Đảng, các Sở, ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng .

II. MỤC TIÊU CHUNG CỦA KẾ HOẠCH:

1. Mục tiêu chung:

Bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Đảm bảo đáp ứng được 60% nhu cầu kinh phí phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh vào năm 2015 và 80% vào năm 2020;

2.2. Đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả và theo quy định hiện hành;

2.3. Đảm bảo quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được theo các quy định hiện hành.

III. ĐỊNH HƯỚNG CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Nhóm giải pháp về huy động kinh kinh phí từ các nguồn khác nhau:

Kinh phí hoạt động chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2014 -2020 được huy động từ nhiều nguồn hợp pháp khác nhau, trong đó:

1.1. Nguồn NSNN ở Trung ương:

Trong giai đoạn 2014 - 2015, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục tiếp nhận nguồn kinh phí CTMT quốc gia do Trung ương phân bổ, trong đó năm 2014 đã bị cắt giảm 67% so với năm 2013 và dự kiến duy trì ở mức tương tự như năm 2014 trong năm 2015. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2020, nguồn kinh phí từ CTMT quốc gia phụ thuộc vào sự phê duyệt của Chính phủ.

1.2. Nguồn viện trợ nước ngoài:

Dự án “Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” do Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thông qua Bộ Y tế do Cục phòng, chống HIV/AIDS quản lý sẽ tiếp tục hỗ trợ một số hoạt động chăm sóc và điều trị, tiến hành các hoạt động chuyển giao dự án để đảm bảo chuyển giao hoàn toàn các hoạt động do dự án hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2016. Ngoài ra, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục vận động, kêu gọi các nguồn tài trợ trong và ngoài nước; các tổ chức đoàn thể - xã hội, các tổ chức xã hội dân sự.

1.3. Nguồn ngân sách địa phương:

UBND tỉnh bảo đảm tăng dần kinh phí đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh và đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước bù đắp nguồn kinh phí thiếu hụt do cắt giảm các nguồn tài trợ từ các dự án và khả năng không phê duyệt CTMT quốc gia sau năm 2015. Dự kiến tăng dần đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương, trong đó mỗi năm tăng 20% so với năm trước.

1.4. Nguồn BHYT:

Là nguồn kinh phí được xác định chủ yếu chi trả trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị liên quan đến HIV/AIDS trong thời gian tới, bao gồm các chi phí chẩn đoán, theo dõi sức khoẻ và thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội và điều trị bằng thuốc kháng virút (ARV) nội trú và ngoại trú cho người nhiễm HIV/AIDS. Giải pháp đặt ra là mở rộng tỷ lệ mua BHYT trong người nhiễm HIV thông qua tuyên truyền vận động người nhiễm HIV mua BHYT; vận động các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng hỗ trợ mua BHYT đối với những người nhiễm HIV thuộc hộ cận nghèo; đảm bảo 50% người nhiễm HIV có thẻ BHYT vào năm 2015 và 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT vào năm 2020. Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo hướng đẩy mạnh sự tham gia của BHYT đối với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương.

1.5. Nguồn thu phí dịch vụ:

Từng bước triển khai tại các dịch vụ điều trị Methadone, tư vấn xét nghiệm HIV, cung ứng BCS, BKT theo hướng khách hàng cùng chi trả, trong đó nhà nước đảm bảo đội ngũ nhân viên có năng lực cung ứng dịch vụ bệnh nhân, khách hàng chi trả phí dịch vụ theo quy định của Nhà nước.

1.6. Nguồn kinh phí khác: Được huy động từ các lĩnh vực khác, như sau:

- Đảm bảo doanh nghiệp từng bước chủ động bố trí kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động tại đơn vị quản lý.

- Huy động nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn kinh phí thường xuyên của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội,… cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các đơn vị này và cho cả chương trình chung.

- Thực hiện các quy định xử phạt hành chính liên quan đến HIV/AIDS theo quy định và quản lý, sử dụng nguồn thu này theo hướng dẫn.

- Thành lập Quỹ Phòng, chống HIV/AIDS theo Quyết định số 60/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS từ nhiều nguồn khác nhau.

2. Nhóm giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí:

2.1. Điều phối, phân bổ nguồn lực:

- Đảm bảo tập trung quản lý các nguồn kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS thống nhất một đầu mối tại Sở Y tế (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS) để đảm bảo phân bổ sử dụng hiệu quả, tránh chồng chéo. Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS sẽ phân bổ trực tiếp xuống cho Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố quản lý và tổ chức thực hiện.

- Phân bổ kinh phí phòng, chống HIV/AIDS hàng năm cho các địa phương, đơn vị dựa trên thực hiện lộ trình đạt được mục tiêu Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đến năm 2020.

- Ưu tiên phân bổ kinh phí phòng, chống HIV/AIDS cho các hoạt động: Truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV và phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử; can thiệp giảm tác hại chú trọng chương trình bao cao su, bơm kim tiêm và điều trị Methadone; nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Làm việc với các đơn vị tài trợ trong và ngoài nước; địa phương xây dựng lộ trình tiếp nhận các hoạt động và dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả.

- Củng cố và nâng cao năng lực các cơ quan được giao nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến trong công tác lập kế hoạch, trong quản lý và sử dụng kinh phí, nhằm đảm bảo điều phối và phân bổ kinh phí hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch tại địa phương và các đơn vị (về địa bàn, lĩnh vực, hoạt động và đối tượng). Đồng thời, thực hành tiết kiệm chi tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến.

2.2. Kiểm tra, giám sát việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực:

- Thực hiện giám sát tài chính trong nội dung kiểm tra giám sát hoạt động chương trình phòng, chống HIV/AIDS các cấp định kỳ hàng năm do Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện.

- Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính của các cơ quan chức năng đối với các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

3. Nhóm giải pháp quản lý chương trình nhằm tối ưu hoá hiệu quả sử dụng nguồn lực

3.1. Gắn kết các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS vào hệ thống y tế địa phương:

- Điều trị HIV/AIDS nhằm duy trì cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS tại phòng khám ngoại trú người lớn và phòng khám ngoại trú nhi, thực hiện điều trị theo chuyên khoa cho người nhiễm HIV khi mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội, các bệnh đi kèm tại các cơ sở y tế có liên quan; nhằm giảm tỷ lệ tử vong do mắc các bệnh ở người nhiễm HIV/AIDS.

- Lồng ghép chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ sinh sản, trong đó Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản điều phối thực hiện truyền thông tuyên truyền để vận động tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và khi phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến phòng lây truyền mẹ con tại Bệnh viện đa khoa tỉnh để được cung cấp các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Điều trị Méthadone: Sở Y tế đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

- Chương trình bơm kim tiêm: Kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS chỉ hỗ trợ kinh phí để mua bơm kim tiêm dự phòng lây nhiễm HIV qua đường máu, ưu tiên can thiệp trong nhóm người nghiện chích ma tuý.

- Chương trình bao cao su: Từng bước xã hội hoá thông qua các hình thức như tiếp thị xã hội bao cao su, bán bao cao su như một sản phẩm dịch vụ tại các cơ sở dịch vụ lưu trú và vui chơi giải trí do chủ các dịch vụ thực hiện. Chương trình chỉ hỗ trợ kinh phí để mua bao cao su hỗ trợ hoạt động các nhóm tiếp cận cộng đồng, đồng đẳng viên nhằm khuyến khích tình dục an toàn cho các nhóm nguy cơ cao như NCMT, PNBD và MSM.

3.2 Lồng ghép dịch vụ và củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo định hướng tăng chi phí, lợi ích:

- Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào, các cuộc vận động quần chúng ở các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

- Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp, chuyển tiếp và chuyển tuyến các dịch vụ liên quan đến dự phòng và điều trị HIV/AIDS giữa các cơ sở y tế, giữa các tuyến trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường lồng ghép các dịch vụ tại một điểm cung cấp như tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị Methadone; tư vấn xét nghiệm HIV với điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị ARV.

- Áp dụng những sáng kiến, những mô hình cung cấp dịch vụ có hiệu quả như “Điều trị để dự phòng”, các mô hình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống bạo lực về giới.

Phần IV

CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

I. MỤC TIÊU 1: Đảm bảo đáp ứng được 60% nhu cầu kinh phí phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh vào năm 2015 và 80% vào năm 2020:

- Các kết quả đầu ra cụ thể bao gồm:

+ Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án đến 100% các sở, ban, ngành, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh; Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn .

+ Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn đều có Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo tài chính phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội cũng như tình hình dịch HIV/AIDS tại địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có kế hoạch cụ thể trong việc bố trí kinh phí địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Dự kiến hoàn thành trong tháng quý IV/2014.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS, để trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt với lộ trình tăng đầu tư ngân sách địa phương.

+ Đề xuất các hoạt động, dự án phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư.

+ Đầu năm 2015, tổ chức các hoạt động vận động các doanh nghiệp đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm: Hội thảo phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc với các sở, ngành liên quan và người quản lý các doanh nghiệp nhằm huy động sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ngay tại doanh nghiệp. Đồng thời, tập huấn cho người phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các doanh nghiệp để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động. Trong những năm tiếp theo, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ kỹ thuật như mô hình hoạt động, báo cáo viên, tài liệu truyền thông,… cho các doanh nghiệp trong triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

+ Tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư Liên tịch số 29/2013/TTLT-BYT-BVHTTDL-BCA-BLĐTBXH, ngày 30/9/2013 do liên Bộ Y tế, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Công an và Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát các cơ sở trong thực hiện cung ứng bao cao su tại các dịch vụ này.

+ Xây dựng và ban hành kế hoạch xã hội hoá một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS sau khi có hướng dẫn của cơ quan Trung ương về thu phí, lệ phí các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

+ Phối hợp cùng với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát và vận động người nhiễm HIV thực hiện mua BHYT, đảm bảo năm 2015 có 50% người nhiễm HIV và đến năm 2020 có 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

II. MỤC TIÊU 2: Đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả và theo quy định hiện hành:

- Hàng năm, Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS chung trên cơ sở tổng hợp các nguồn kinh phí và nhu cầu can thiệp của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Tổ chức tập huấn lập kế hoạch và xây dựng hoạt động chương trình phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ quản lý chương trình các địa phương và các sở, ngành, đơn vị, qua đó các địa phương, đơn vị sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn kinh phí có được cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động chương trình phòng, chống HIV/AIDS định kỳ hàng năm do Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện, trong đó có nội dung kiểm tra, đánh giá hoạt động quản lý, sử dụng tài chính.

III. MỤC TIÊU 3: Đảm bảo chương trình phòng, chống HIV/AIDS hoạt động hiệu quả và tiết kiệm:

- Xây dựng kế hoạch tiếp nhận các hoạt động do dự án nước ngoài tài trợ, chuyển giao phù hợp, đảm bảo tính bền vững và khả thi của chương trình.

- Xây dựng và triển khai các mô hình cung cấp nhiều dịch vụ tại một điểm cung cấp, trong đó triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở điều trị Méthadone ngay từ đầu năm 2015.

- Xây dựng và ban hành cơ chế và quy trình phối hợp cung cấp dịch vụ, chuyển tuyến, chuyển tiếp trong hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức Hội thảo với các đơn vị cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nhằm tìm kiếm các giải pháp tăng cường tính lồng ghép, đảm bảo chất lượng và độ bao phủ dịch vụ trong bối cảnh kinh phí chương trình hạn chế.

- Tập huấn, tập huấn lại và giám sát hỗ trợ cho các đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố trong tổ chức các hoạt động và cung cấp dịch vụ HIV/AIDS.

Phần V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

I. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Y tế:

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tham mưu cho UBND và Ban Chỉ đạo trong tỉnh việc sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động của kế hoạch;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động tài chính cụ thể cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả việc huy động các nguồn viện trợ mới;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch huy động nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

- Thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Đề án của các sở, ngành, đoàn thể và địa phương; báo cáo kết quả thực hiện theo quy định về Bộ Y tế, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế đề xuất tổng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho phòng, chống HIV/AIDS theo lộ trình tăng dần qua các năm để bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng định mức chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS; mức phí thu và sử dụng phí thu được từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

- Hướng dẫn chi tiết thực hiện một số nội dung liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS trong các văn bản hướng dẫn thu nhập chịu thuế, nội dung chi, mức chi của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất tình hình huy động và sử dụng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS của các sở, ngành, đoàn thể và địa phương, đảm bảo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, sử dụng có hiệu quả kinh phí và tuân thủ các quy định tài chính, kế toán hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường, huy động vốn đầu tư phát triển cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện việc phân bổ, điều phối các nguồn đầu tư cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo đúng các quy định hiện hành, để đạt mục tiêu đề ra;

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời hướng dẫn các sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động này.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế, giải pháp cụ thể huy động tài chính cho công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin tuyên truyền ở cơ sở;

- Hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trong tỉnh thực hiện thông tin, truyền thông về HIV/AIDS như một hoạt động thường xuyên, liên tục của cơ quan, đơn vị và bằng nguồn ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị này;

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tài chính, chi tiêu cho truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên phương tiện truyền thông đại chúng bằng các nguồn kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị truyền thông;

Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng cơ chế sử dụng nguồn kinh phí xã hội hoá trong họat động tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng kế hoạch huy động nguồn kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong trường học và sử dụng có hiệu quả kinh phí phòng, chống HIV/AIDS huy động được;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tài chính, chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS trong các nhà trường bằng nguồn kinh phí thường xuyên của các nhà trường.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Sở Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Vĩnh Long và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vay vốn, tổ chức tạo việc làm đối với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, nhằm tạo điều kiện cho họ có thể tự chi trả một phần chi phí dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS;

- Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, đơn vị tạo điều kiện để nhiều người nhiễm HIV/AIDS và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp cận được các chính sách xã hội hiện hành dành cho những người yếu thế, những người dễ bị tổn thương.

7. Sở Nội vụ:

Đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cụ thể là hoạt động can thiệp giảm tác hại và Méthadone.

8. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo công an các cấp tổ chức triển khai các nội dung của kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; đặc biệt chú trọng hoạt động phối hợp và hỗ trợ triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, cai nghiện bằng Méthadone tại cộng đồng.

- Thực hiện Thông tư Liên tịch số 29/2013/TTLT-BYT-BVHTTDL-BCA-BLĐTBXH ngày 30/9/2013 về việc thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.

9. Bảo hiểm Xã hội tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ quan trực thuộc thực hiện chi trả một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua hệ thống bảo hiểm y tế, trong dự phòng và điều trị;

- Đẩy mạnh và mở rộng việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đối với người nhiễm HIV/AIDS thông qua hệ thống bảo hiểm y tế.

10. Các sở, ban ngành, đoàn thể khác:

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS đúng mục đích, có hiệu quả, thanh quyết toán đúng quy định hiện hành;

- Ngoài nguồn kinh phí được giao, chủ động huy động nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để bổ sung tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Báo cáo mức huy động kinh phí (nếu có) về Sở Y tế để tổng hợp.

11. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long và các tổ chức thành viên:

- Phối hợp với ngành y tế vận động đoàn viên, hội viên tích cực tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS nhằm hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan tăng cường huy động các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí tự huy động được.

- Triển khai rộng khắp phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các phong trào, các cuộc vận động quần chúng, các sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở.

12. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nội dung của Kế hoạch trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện kế hoạch. Ngoài nguồn ngân sách được cấp thông qua Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất, huy động sự đóng góp của xã hội, các tổ chức nhân đạo, doanh nghiệp để triển khai thành công kế hoạch.

II. KINH PHÍ THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA KẾ HOẠCH:

1. Nguồn kinh phí:

Kinh phí thực hiện các hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch này được sử dụng từ nguồn:

- Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS;

- Ngân sách chi thường xuyên của các đơn vị thực hiện;

- Nguồn viện trợ và các nguồn hợp pháp khác;

2. Sử dụng kinh phí:

Các đơn vị được phân công lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và dự toán ngân sách cần thiết gửi về Sở Y tế để tổng hợp và phối hợp với Sở Tài chính thống nhất trình lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt theo các quy định hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Sở Y tế là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Sở Y tế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Y tế, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.

- UBND các cấp, các sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế của địa phương, đặc điểm của đơn vị tổ chức triển khai thực hiện và phối hợp báo cáo, đánh giá theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1899/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2014 - 2020

  • Số hiệu: 1899/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Nguyễn Văn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản