Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2014/NQ-HĐND

Đắk Nông, ngày 18 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2015 – 2020” TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA II, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Thực hiện Quyết định số 608/QĐ-TTg, ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Quyết định số 1899/QĐ-TTg, ngày 16/10/2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động Phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 – 2020”;

Sau khi xem xét Tờ trình số 5078/TTr-UBND, ngày 19/11/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Nghị quyết thông qua Kế hoạch thực hiện đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015 – 2020”; Báo cáo thẩm tra số 59/BC-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2014 của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 – 2020” tại tỉnh Đắk Nông (có kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa II, kỳ họp thứ 10 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội; Chính phủ;
- Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ;
- Các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính; Xây dựng;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Ban công tác đại biểu của quốc hội;
- Văn phòng Ban chỉ đạo Tây nguyên;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh; Công báo tỉnh;
- Báo Đắk Nông; Đài PT-TH; Chi cục Văn thư - Lưu trữ;
- Lưu: VT, LĐ và CV phòng Công tác HĐND; HSKH (L).

CHỦ TỊCH




Điểu K’ré

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2015 – 2020” TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG
(Kèm theo Nghị quyết số:41/2014/NQ/HĐND ngày 19/12/2014 của HĐND tỉnh Đắk Nông)

Phần I

THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. Thực trạng dịch HIV/AIDS tại Việt Nam và tỉnh Đắk Nông

1. Tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam:

Trong hơn 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành, đầu tư ngân sách của Nhà nước; sự tham gia của các ngành, các cấp, các đoàn thể và nhân dân cả nước, Việt Nam đã kiềm chế được tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở mức dưới 0,3% trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn chưa được khống chế, thể hiện ở số bệnh nhân mới được phát hiện nhiễm HIV trong 11 tháng đầu năm 2013 là 11.567 bệnh nhân (bình quân mỗi tháng phát hiện được 963 người nhiễm HIV), trong đó có 5.493 bệnh nhân AIDS, có 2.097 bệnh nhân tử vong do AIDS. Tính đến cuối năm 2013, số bệnh nhân hiện nhiễm HIV là 216.254 trường hợp, số bệnh nhân AIDS là 66.533 và có 68.977 bệnh nhân tử vong do AIDS.

Với sự tiếp tục gia tăng về số lượng, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam cũng tiếp tục lan rộng về địa dư, có 79% số xã, phường, thị trấn; 98% số quận, huyện và 100% tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS. Mặt khác, sự lây truyền qua quan hệ tình dục đang có xu hướng gia tăng cảnh báo sự lây lan của dịch trong cộng đồng dân cư, bao gồm cả những nhóm người được coi là có hành vi nguy cơ thấp, làm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trở nên khó khăn.

2. Tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh Đắk Nông: (số liệu tính đến cuối năm 2013):

- Mức độ lây nhiễm HIV/AIDS:

+ Lũy tích bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh: 621 trường hợp;

+ Lũy tích bệnh nhân AIDS trên địa bàn tỉnh: 236 trường hợp;

+ Lũy tích bệnh nhân tử vong trên địa bàn: 121 trường hợp;

+ Số trường hợp mắc HIV/100.000 dân: 93 trường hợp.

- Tính đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 07 huyện, 01 thị xã và 63/71 xã, phường, thị trấn đã phát hiện các trường hợp nhiễm HIV. Đứng đầu cả tỉnh về lũy tích nhiễm HIV cao trong tổng số nhiễm HIV được báo cáo là huyện Cư Jút (152 trường hợp), Đắk R’lấp (127 trường hợp), thị xã Gia Nghĩa (77 trường hợp) và Đắk Song (76 trường hợp).

- Tình hình nhiễm HIV hiện đang ở giai đoạn tập trung, số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện mới có xu hướng dao động theo từng năm (trung bình 50 - 60 trường hợp/năm).

- Nam giới nhiễm HIV cao gấp 03 lần nữ giới (Nam: chiếm 75%, Nữ: chiếm 25%). Tỷ lệ nhiễm HIV chủ yếu tập trung ở các đối tượng nghiện chích ma túy (34,9%).

- Độ tuổi nhiễm HIV/AIDS tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi lao động từ 20-39 (chiếm 78,5%), đây là nhóm tuổi còn trẻ và là lực lượng lao động chính trong xã hội. Nếu không có biện pháp can thiệp mạnh mẽ thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tương lai nòi giống của dân tộc.

Như vậy, đối tượng nhiễm HIV chủ yếu là đối tượng nghiện chích ma tuý và đối tượng trong độ tuổi sinh hoạt tình dục, vì vậy đòi hỏi cần tập trung đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm tác hại (cung cấp bơm kim tiêm và bao cao su) ở 02 nhóm đối tượng này.

Qua các nhận định nêu trên cho thấy hiện nay tình hình dịch HIV/AIDS của tỉnh đang ở giai đoạn tập trung, số người phát hiện mới nhiễm HIV giao động theo từng năm, nhưng với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (sự phát triển của khu công nghiệp, biến động dân số, dịch vụ vui chơi giải trí ngày càng gia tăng, tình hình tiêm chích ma túy) chứa đựng các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch nếu không triển khai các biện pháp can thiệp một cách quyết liệt và hiệu quả.

2. Tổng quan đáp ứng với dịch HIV/AIDS (đến cuối năm 2013):

a) Kết quả triển khai các hoạt động; các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

- Dự phòng lây nhiễm HIV:

Thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: Hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua được triển khai trên diện rộng, dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, huy động sự tham gia của hầu hết các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Vì thế, đã góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV: Cung cấp 26.658 bơm kim tiêm sạch cho những người nghiện chích ma túy; 232.129 bao cao su cho các đối tượng là phụ nữ mại dâm, dân di cư biến động, người mắc nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh trong việc rà soát các đối tượng nghiện chích ma tuý trên địa bàn toàn tỉnh để từ đó có biện pháp tiếp cận, tư vấn và phân phát bơm kim tiêm sạch.

- Chăm sóc, điều trị toàn diện:

+ Đã thiết lập hệ thống quản lý, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trên phạm vi toàn tỉnh. Lũy tích bệnh nhân HIV/AIDS từng điều trị ARV: 148 trường hợp (trong đó, hiện đang được điều trị ARV: 93 trường hợp, tử vong do AIDS: 20 trường hợp, bỏ trị: 12 trường hợp, chuyển đi: 23 trường hợp)

+ Lũy tích số bệnh nhân được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: 06 trường hợp. Lũy tích số trẻ <6 tháng được cấp sữa thay thế sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV: 08 trường hợp. Lũy tích số trẻ <18 tháng tuổi sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV: 06 trường hợp.

- Tăng cường năng lực phòng, chống HIV/AIDS:

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS được xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đáp ứng với một đơn vị tuyến tỉnh. Cán bộ tuyến tỉnh được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Viện đầu ngành tổ chức.

- Theo dõi, giám sát và đánh giá:

Hoạt động giám sát HIV/AIDS/STI chủ yếu triển khai giám sát phát hiện, chưa tiến hành giám sát trọng điểm. Công tác báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai theo hệ thống báo cáo trực tuyến từ huyện đến tỉnh, từ tỉnh đến Trung ương.

b) Khó khăn, thách thức:

- Về nguồn nhân lực: thiếu cán bộ đại học, thiếu về số lượng và chủng loại cán bộ; đa số cán bộ thiếu kinh nghiệm công tác, vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn, tiến độ triển khai nhiệm vụ. Cơ sở vật chất phục vụ công tác điều trị ARV và khu xét nghiệm cận lâm sàng còn hạn chế.

- Công tác truyền thông chưa được thường xuyên và đồng bộ ở các tuyến. Tỷ lệ người dân tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện còn thấp.

- Độ bao phủ về xét nghiệm HIV còn hạn chế, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó tiếp cận dịch vụ y tế. Số bệnh nhân được điều trị ARV còn thấp so với số bệnh nhân được quản lý tại cộng đồng (93/175).

- Chưa thu thập được đầy đủ các thông tin chi trả bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV/AIDS. Điều trị người nhiễm HIV và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai chưa đưa vào chương trình bảo hiểm y tế.

II. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch

Hiện nay tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thể hiện ở số bệnh nhân mới được phát hiện nhiễm HIV trong 11 tháng đầu năm 2013 là 11.567 bệnh nhân (bình quân mỗi tháng phát hiện được 963 người nhiễm HIV), trong đó có 5.493 bệnh nhân AIDS, có 2.097 bệnh nhân tử vong do AIDS. Tính đến cuối năm 2013, số bệnh nhân hiện nhiễm HIV là 216.254 trường hợp, số bệnh nhân AIDS là 66.533 và có 68.977 bệnh nhân tử vong do AIDS.

Tại tỉnh Đắk Nông tính đến ngày 30/12/2013: Lũy tích bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh: 621 trường hợp; lũy tích bệnh nhân AIDS trên địa bàn tỉnh: 236 trường hợp; Lũy tích bệnh nhân tử vong trên địa bàn: 121 trường hợp.

Trong điều kiện tình hình dịch HIV vẫn có xu hướng gia tăng về số lượng, lan rộng về địa dư và có tính chất phức tạp; Các chương trình can thiệp, chương trình điều trị ARV cho người nhiễm HIV đã được Bộ Y tế, cộng đồng khoa học thế giới (UNAIDS, APCASO, AFAO…) khẳng định có hiệu quả cao trong phòng, chống HIV/AIDS, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội, y tế. Do đó các chương trình cần phải được tập trung đầu tư, mở rộng và duy trì lâu dài. Tất cả những yếu tố đó yêu cầu phải có mức độ đầu tư kinh phí cao hơn các giai đoạn trước.

Mặt khác, trong những năm qua nguồn kinh phí phục vụ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia do Trung ương cấp hàng năm, tuy nhiên, nguồn lực này đã và đang bị cắt giảm mạnh. Vì vậy, để đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cần có sự hỗ trợ kinh phí từ địa phương, một phần để bù đắp kinh phí bị cắt giảm từ Trung ương, một phần phải đáp ứng được với tình hình hiện nay và xu hướng phát triển dịch HIV/AIDS đến năm 2020.

Với tình hình đó thì trong những năm tiếp theo nhu cầu đầu tư chương trình cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sẽ tăng cao, nhằm đáp ứng được với vấn đề dịch hiện nay.

Phần II

NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TẠI TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2015 – 2020”

I. Ước tính số người nhiễm HIV tại tỉnh Đắk Nông đến năm 2020

Qua giám sát phát hiện hàng năm cho thấy, tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh Đắk Nông ở mức độ tập trung, chủ yếu ở nhóm người nghiện chích ma tuý, tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ lệ nhiễm HIV đã có xu hướng thay đổi về hình thái lây nhiễm, số người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục khác giới đã có dấu hiệu gia tăng, chứng tỏ dịch HIV/AIDS đã và đang tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng dân cư rất lớn.

Bảng ước tính số người nhiễm HIV/AIDS đến năm 2020:

Nội dung

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Nhiễm HIV mới

92

112

132

152

172

192

212

Lũy tích HIV

706

818

950

1.102

1.274

1.466

1.678

AIDS mới

47

52

57

62

67

72

77

Lũy tích AIDS

355

407

464

526

593

665

742

Tử vong do AIDS

12

13

13

14

15

15

16

Lũy tích tử vong

150

163

176

190

205

220

236

II. Quan điểm chỉ đạo về bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giai đoạn 2015 – 2020

1. Nhà nước bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS, khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó tập trung đầu tư cho các hoạt động thiết yếu, mang tính bền vững, lâu dài, có hiệu quả cao bao gồm dự phòng là chủ đạo và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

2. Tăng tính chủ động của địa phương trong việc bố trí ngân sách thích hợp nhằm đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

3. Vận động, kêu gọi và đa dạng hóa các nguồn viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

4. Đa dạng hóa các nguồn kinh phí, tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) sẵn có cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Chuyển dần nhiệm vụ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ Bảo hiểm y tế. Tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy và thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng chi phí hiệu quả.

5. Phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của tất cả các cấp ủy Đảng, các Sở, ngành, chính quyền các cấp và là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng.

III. Mục tiêu của kế hoạch

1. Mục tiêu chung:

Bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 tại tỉnh Đắk Nông.

2. Mục tiêu cụ thể:

Đảm bảo tỷ lệ tăng ngân sách nhà nước ở Trung ương cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tăng dần qua các năm đến năm 2020 (Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS).

Tăng dần tỷ lệ kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách nhà nước ở địa phương, đơn vị. Tiến tới ngân sách nhà nước ở địa phương, đơn vị (bao gồm cả nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước ở Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia) đảm bảo được nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Huy động các nguồn kinh phí (bao gồm viện trợ quốc tế và hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân) cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 -2020.

Bảo đảm 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp.

Bảo đảm 80% số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020.

Tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tự cân đối thu - chi cho các hoạt động của các dịch vụ này.

Đảm bảo quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí huy động được theo các quy định hiện hành.

IV. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện các hoạt động triển khai Kế hoạch này được sử dụng từ các nguồn:

1. Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS;

2. Ngân sách địa phương chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được cấp hàng năm giai đoạn 2015 – 2020 là: 10.883.061.000 đồng (Mười tỷ tám trăm tám mươi ba triệu, không trăm sáu mươi mốt ngàn đồng), trong đó năm 2015 là: 1.600.000.000 đồng (Một tỷ sáu trăm triệu đồng) và hàng năm tăng thêm 5% (Có phụ lục kèm theo);

3. Ngân sách chi thường xuyên của các đơn vị thực hiện;

4. Nguồn ngân sách do Bảo hiểm y tế chi trả;

5. Nguồn viện trợ và các nguồn hợp pháp khác.

V. Giải pháp thực hiện:

Nhóm giải pháp về huy động kinh phí:

a) Kiến nghị tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước ở Trung ương cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả để bảo đảm tính bền vững của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

b) Phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm của địa phương, đơn vị trong đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS.

Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách về vai trò, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong việc lập kế hoạch và phân bổ ngân sách cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; tiến tới đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thành các hoạt động thường xuyên, liên tục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị trong tỉnh.

c) Huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách về vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch và phân bổ kinh phí hàng năm cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản có liên quan, như xây dựng các nội dung chi, mức chi của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.

d) Tăng cường chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS:

Triển khai việc thanh toán Bảo hiểm y tế đối với dịch vụ điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS theo quy định.

Phổ biến các hướng dẫn nhằm cụ thể hóa chính sách đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của người nhiễm HIV khi tham gia bảo hiểm y tế.

Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo hướng đẩy mạnh sự tham gia của bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ được cung cấp.

Xây dựng kế hoạch thực hiện bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tăng tính chủ động trong việc mở rộng độ bao phủ của BHYT đối với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động và hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.

e) Sự phối hợp giữa Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong việc thí điểm và mở rộng triển khai tiếp thị xã hội bao cao su, bơm kim tiêm và các vật tư phòng, chống HIV/AIDS.

f) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và có cơ chế sử dụng nguồn thu từ hoạt động này.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, định kỳ báo cáo HĐND tỉnh về kết quả thực hiện.

2. Giao thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này./.

 

PHỤ LỤC:

BẢNG ƯỚC TÍNH KINH PHÍ ĐỊA PHƯƠNG CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDSGIAI ĐOẠN 2015 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Đơn vị tính: nghìn đồng

TT

NỘI DUNG

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2015 – 2020

 

 

I

THÔNG TIN, GIÁO DỤC VÀ TRUYỀN THÔNG

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Hoạt động quản lý và nâng cao năng lực

 

 

 

 

 

 

 

 

1.1

Chi trả phụ cấp cho hệ thống cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tuyến xã phường.

261.600

261.600

261.600

261.600

261.600

261.600

1.569.600

 

1.2

Chi trả phụ cấp cho đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng.

228.000

228.000

228.000

228.000

228.000

228.000

1.368.000

 

1.3

Tập huấn nâng cao năng lực về truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

30.000

35.000

36.750

38.588

40.517

42.543

223.397

 

2

Huy động cộng đồng

 

 

 

 

 

 

 

 

2.1

Triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư và các phong trào dựa vào cộng đồng khác tại các tuyến.

50.000

52.500

55.125

57.881

60.775

63.814

340.096

 

2.2

Hỗ trợ các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của tỉnh phối hợp thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS (Tỉnh đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Ban dân tộc tỉnh, Công an tỉnh, BCHQS tỉnh).

45.000

50.000

52.500

55.125

57.881

60.775

321.282

 

2.3

Xây dựng các mô hình phòng, chống HIV/AIDS cho tuyến tỉnh (nhóm đồng đẳng).

9.400

10.000

10.500

11.025

11.576

12.155

64.656

 

3

Hoạt động truyền thông

 

 

 

 

 

 

 

 

3.1

In ấn tài liệu truyền thông ( Tờ rơi, áp phích,.. )

70.000

73.500

77.175

81.034

85.085

89.340

476.134

 

3.2

Thiết kế, làm mới, sửa chữa các pano tại các huyện/thị xã.

70.000

73.500

77.175

81.034

85.085

89.340

476.134

 

3.3

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới

36.000

38.000

39.900

41.895

43.990

46.189

245.974

 

3.4

Tổ chức thi tìm hiểu về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

40.000

44.000

46.200

48.510

50.936

53.482

283.128

 

 

Tổng kinh phí (1)

840.000

866.100

884.925

904.691

925.446

947.238

5.368.400

 

II

CAN THIỆP GIẢM TÁC HẠI

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Mua bơm kim tiêm, bao cao su phục vụ hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm; hộp đựng bao cao su.

70.000

77.000

80.850

84.893

89.137

93.594

495.474

 

2

Hội thảo, tập huấn các hoạt động can thiệp giảm tác hại

15.000

16.500

17.325

18.191

19.101

20.056

106.173

 

3

Giám sát hoạt động can thiệp giảm tác hại

15.000

16.500

17.325

18.191

19.101

20.056

106.173

 

 

Tổng kinh phí (2)

100.000

77.000

80.850

84.893

89.137

93.594

525.474

 

III

HỖ TRỢ TRỊ HIV/AIDS VÀ TRỊ DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Mua thuốc nhiễm trùng cơ hội, dự phòng mắc lao ở bệnh nhân HIV/AIDS.

40.000

44.000

48.400

53.240

58.564

64.035

308.239

 

2

Xét nghiệm CD4 để hỗ trợ trị ARV (sinh phẩm,công lấy mẫu, vận chuyển).

80.000

88.000

96.800

106.480

114.607

120.337

606.224

 

3

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

115.000

159.400

162.975

163.841

164.096

164.591

929.902

 

4

Hội thảo, tập huấn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS, Lao/HIV.

15.000

16.500

18.150

19.965

21.962

24.158

115.734

 

5

Giám sát hỗ trợ hoạt động chẩn đoán và điều trị HIV

20.000

22.000

24.200

26.620

29.282

32.210

154.312

 

 

Tổng chi phí hoạt động điều trị (3)

270.000

307.900

326.325

343.526

359.228

373.121

1.960.099

 

IV

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Giám sát phát hiện

260.000

286.000

314.600

346.060

380.666

418.733

2.006.059

 

2

Giám sát rà soát số liệu và giám sát hỗ trợ tại cộng đồng

30.000

33.000

36.300

39.930

43.923

48.315

231.468

 

3

Hội thảo, tập huấn các hoạt động giám sát dịch, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm…

50.000

55.000

60.500

66.550

73.205

80.526

385.781

 

 

Tổng kinh phí (4)

340.000

374.000

411.400

452.540

497.794

547.573

2.623.307

 

V

HOẠT ĐỘNG TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO TRUNG TÂM PC HIV/AIDS

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị tại phòng xét nghiệm.

40.000

44.000

48.400

53.240

58.564

64.420

308.624

 

2

Xử lý rác thải y tế.

10.000

11.000

12.100

13.310

14.641

16.105

77.156

 

 

Tổng kinh phí (5)

50.000

55.000

60.500

66.550

73.205

80.526

385.781

 

 

TỔNG KINH PHÍ: (1)+(2)+(3)+(4)+(5)

1.600.000

1.680.000

1.764.000

1.852.200

1.944.810

2.042.052

10.883.061

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 41/2014/NQ-HĐND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 – 2020 tại tỉnh Đắk Nông

  • Số hiệu: 41/2014/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Điểu K'ré
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản