Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 185/2008/QĐ-UBND | Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 25 tháng 7 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÁC TRẠM THỦY VĂN, TRẠM ĐO MƯA CHUYÊN DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ngày 02 tháng 12 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 24/CP ngày 19 tháng 3 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn;
Theo đề nghị của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Tờ trình số 08/TTr-PCLB ngày 30 tháng 6 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, khai thác và bảo vệ các trạm thủy văn, trạm đo mưa chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; gồm 6 Chương và 20 Điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÁC TRẠM THỦY VĂN, TRẠM ĐO MƯA CHUYÊN DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 185/2008/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Xây dựng và bảo vệ công trình thủy văn, trạm đo mưa.
Công trình thủy văn, trạm đo mưa là cơ sở vật chất kỹ thuật được xây dựng để quan trắc, thu thập các yếu tố và hiện tượng thủy văn, đo mưa, các yếu tố về môi trường nước, bao gồm: trạm thủy văn, trạm đo mưa, tư liệu thủy văn, các loại phương tiện, máy móc, thiết bị chuyên dùng, nhà phục vụ trực tiếp hoạt động thủy văn, đo mưa, diện tích đất chuyên dùng, hệ thống bảo vệ công trình, hành lang an toàn kỹ thuật và các công trình phụ trợ khác để phục vụ cho công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và phát triển bền vững tình hình kinh tế - xã hội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về công trình thủy văn, đo mưa; các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa phục vụ cho các nhu cầu chuyên ngành.
Điều 3. Giải thích từ ngữ.
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Trạm thủy văn, trạm đo mưa là công trình để trực tiếp quan trắc các yếu tố thủy văn, đo mưa, các yếu tố môi trường nước trên mặt đất, dưới nước, trên sông, biển.
2. Trạm thủy văn, trạm đo mưa chuyên dùng là trạm do các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế, quốc phòng, an ninh và cá nhân (gọi chung là chủ công trình) đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác chủ yếu phục vụ mục đích, nhu cầu chuyên ngành (thủy lợi, giao thông, xây dựng, phòng, chống thiên tai, ...)
3. Hành lang an toàn kỹ thuật là khoảng không, diện tích mặt đất, mặt nước, dưới nước cần thiết để bảo đảm công trình hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và tư liệu thủy văn thu được từ các công trình đó được chính xác, phản ánh khách quan tính tự nhiên của khu vực, bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
4. Tư liệu thủy văn, đo mưa là dữ liệu, mẫu vật được thu thập, khai thác từ công trình thủy văn, đo mưa và được xử lý, lưu trữ dưới nhiều hình thức.
Điều 4. Khai thác, bảo vệ trạm thủy văn, trạm đo mưa.
1. Việc quản lý, khai thác và bảo vệ các trạm thủy văn, trạm đo mưa phải bảo đảm an toàn cho công trình thủy văn, đo mưa.
2. Việc thành lập, xây dựng, sửa chữa lớn, nâng cấp các trạm thủy văn, trạm đo mưa phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch, luận chứng kinh tế - kỹ thuật và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tổ chức đăng ký công trình thủy văn, đo mưa, cấp và thu hồi giấy phép hoạt động của công trình thủy văn, đo mưa chuyên dùng theo quy định của Nhà nước.
4. Kiểm tra, thanh tra việc khai thác, bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa; giải quyết tranh chấp và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về khai thác và bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TRÌNH THỦY VĂN, ĐO MƯA
Điều 5. Quản lý Nhà nước về công trình thủy văn, trạm đo mưa.
1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa trong phạm vi toàn tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các công trình thủy văn, đo mưa chuyên dùng trên địa bàn tỉnh.
3. Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chịu trách nhiệm quản lý khai thác và bảo vệ các trạm thủy văn, trạm đo mưa chuyên dùng và được cung cấp số liệu thủy văn, đo mưa để phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai.
4. Các Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa chuyên dùng.
5. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa tại địa phương mình theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
6. Các trạm thủy văn, trạm đo mưa xây dựng trong địa giới hành chính thuộc các xã, phường sở tại thì Ủy ban nhân dân các xã, phường đó có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân bảo vệ công trình.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.
1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyền truyền, giáo dục pháp luật về khí tượng thủy văn để nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa.
2. Phổ biến các văn bản pháp quy, quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn kỹ thuật về khai thác, bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa và đánh giá chất lượng tư liệu thủy văn, đo mưa; hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các văn bản đó.
3. Tổ chức nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào việc khai thác và bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác khai thác và bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa.
4. Tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện các quy định về bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ ĐẦU TƯ TRẠM THỦY VĂN, TRẠM ĐO MƯA TRONG VIỆC QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÁC TRẠM THỦY VĂN, TRẠM ĐO MƯA CHUYÊN DÙNG
Điều 7. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Ninh Thuận phát các thông tin về thủy văn, đo mưa cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh được ưu tiên đặc biệt trong những lúc mưa, bão và phải bảo đảm đầy đủ nội dung, chính xác, kịp thời nhằm đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho công tác dự báo, phục vụ phòng, chống bão, lụt, thiên tai và các nhu cầu khác của địa phương.
Điều 8. Hàng năm, trước và giữa mùa bão, lũ phải tiến hành kiểm tra kỹ thuật các công trình thủy văn, đo mưa để có biện pháp tu bổ, bảo đảm hoạt động bình thường của công trình.
Điều 9. Hàng năm, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có trách nhiệm ký hợp đồng với ngành khí tượng thủy văn để quản lý, khai thác và bảo vệ các trạm thủy văn, trạm đo mưa chuyên dùng và cung cấp thông tin kịp thời diễn biến thời tiết khí hậu như: mưa, bão, lũ, áp thấp nhiệt đới và các tài liệu khí tượng thủy văn khác có liên quan cho các cấp xử lý khi thiên tai xảy ra; cung cấp tài liệu về khí tượng thủy văn phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, bão, lũ.
Nội dung của hợp đồng tuân thủ theo quy định chuyên ngành Khí tượng thủy văn và Bộ Tài chính. Kinh phí thực hiện hợp đồng do ngân sách tỉnh cấp.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ CÁC TRẠM THỦY VĂN, TRẠM ĐO MƯA CHUYÊN DÙNG
Điều 10. Nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân được giao quản lý bảo vệ các trạm thủy văn, trạm đo mưa.
1. Tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn.
2. Ngăn chặn các hành vi xâm hại công trình thủy văn, đo mưa.
3. Trực tiếp quản lý thiết bị, nhà cửa, đất đai trong khu vực trạm đóng; đồng thời quản lý và sử dụng đúng chế độ quy định toàn bộ tài sản, vật tư kinh phí, trang thiết bị được cấp.
4. Thu thập và cung cấp các tài liệu về mực nước, lưu lượng nước (nếu có); mưa, lũ ở những nơi trạm thủy văn, trạm đo mưa phụ trách.
Điều 11. Quyền hạn của tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác và bảo vệ các trạm thủy văn, trạm đo mưa.
1. Công trình thủy văn, đo mưa bị xâm hại hoặc có sự cố xảy ra thì tổ chức, cá nhân báo cáo Ủy ban nhân dân các cấp để phối hợp, huy động các lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả nhằm duy trì việc quan trắc, đo đạc và truyền báo các thông tin thủy văn, đo mưa.
2. Ngăn chặn, tạm giữ tang vật vi phạm và báo cáo với xã, phường về các hành vi vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn.
3. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác và bảo vệ các trạm thủy văn, trạm đo mưa.
1. Lập bản đồ quy hoạch quản lý mạng lưới công trình thủy văn, đo mưa; xây dựng hồ sơ và chỉ giới đất công trình.
2. Thực hiện các quy định về bảo dưỡng, tu bổ và sửa chữa công trình đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm sử dụng bảo đảm an toàn, ổn định và lâu dài.
3. Cung cấp tư liệu thủy văn, đo mưa và các bản tin dự báo thủy văn, đo mưa để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, bão, lũ, …
4. Phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão các cấp về việc phát hiện báo cáo không kịp thời, không chính xác các vụ vi phạm công trình thủy văn, công trình đo mưa và các công trình khác có liên quan đến an toàn công trình thủy văn, đo mưa.
5. Phải chịu trách nhiệm bồi thường một phần hoặc toàn bộ vật chất kỹ thuật đối với hư hỏng, mất mát về cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão được giao trách nhiệm quản lý do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý gây ra.
Điều 13. Mọi công dân khi phát hiện công trình thủy văn, đo mưa bị xâm hại hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố có trách nhiệm báo ngay cho các tổ chức, cá nhân quản lý bảo vệ công trình, chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước nơi gần nhất để xử lý kịp thời.
Điều 14. Nghiêm cấm các hành vi sau đây.
1. Xâm hại công trình thủy văn, đo mưa.
2. Lấn chiếm đất đai thuộc phạm vi công trình; vi phạm quy định về hành lang an toàn kỹ thuật của công trình.
3. Cản trở việc khai thác, sử dụng công trình.
4. Cung cấp hoặc sử dụng tài liệu thủy văn, đo mưa trái với Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn.
Chương V
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 15. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy văn, đo mưa, ngăn chặn hành vi xâm hại công trình thủy văn, đo mưa thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 16. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại đến công trình thủy văn, đo mưa, vi phạm phát luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý gây ra thiệt hại đến công trình thủy văn, đo mưa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo Quy chế này trong phạm vi toàn tỉnh.
Điều 18. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức thực hiện Quy chế này tại địa phương.
Điều 19. Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy văn, đo mưa trên địa bàn.
Điều 20. Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh được cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 9 Quy chế này và kinh phí duy tu, bảo dưỡng, xây dựng mới các công trình thủy văn, đo mưa khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức và cá nhân phản ánh về Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
- 1Quyết định 43/2015/QĐ-UBND về Quy định quy trình đo mưa cộng đồng và chế độ thù lao cho Quan trắc viên đo mưa cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 2Quyết định 51/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 3Quyết định 399/QĐ-UBND năm 2018 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận năm 2017
- 1Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 1994
- 2Nghị định 24/1997/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 5Quyết định 43/2015/QĐ-UBND về Quy định quy trình đo mưa cộng đồng và chế độ thù lao cho Quan trắc viên đo mưa cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Quyết định 185/2008/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, khai thác và bảo vệ trạm thủy văn, trạm đo mưa chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- Số hiệu: 185/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/07/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Trần Xuân Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra