Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1837/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 02 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH Y KHOA VÀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ Y TẾ TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 347/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2017;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 1001/TTr-SYT ngày 23/5/2017 và Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 613/STP-KSTTHC ngày 17/5/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 03 thủ tục hành chính lĩnh vực Giám định y khoa và Khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa (có Phụ lục đính kèm).

Điều 2. Giao Sở Y tế dự thảo báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của UBND tỉnh, kèm phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính đã được phê duyệt tại Quyết định này, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt gửi Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Điều 3. Giao Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Tư pháp; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5 QĐ;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Cục Kiểm soát TTHC - VP Chính phủ (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, NC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Thìn

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 03 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH Y KHOA VÀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

I. Thủ tục: Giám định để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội.

1. Nội dung đơn giản hóa:

1.1. Về cách thức thực hiện: Cần quy định rõ ràng, cụ thể để công dân có quyền lựa chọn các hình thức nộp hồ sơ, trong đó đề xuất các cách thức sau: trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Lý do: Tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa quy định về cách thúc thực hiện.

1.2. Về số lượng hồ sơ: Cần quy định rõ ràng, cụ thể về số lượng hồ sơ để công dân biết chuẩn bị. Số lượng hồ sơ phù hợp là 01 bộ.

Lý do: Tại Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và các văn bản quy phạm pháp luật không quy định số lượng hồ sơ.

1.3. Về thời hạn giải quyết: Đề nghị giảm thời hạn xử lý hồ sơ từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; thời gian kiểm tra tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ 10 ngày làm việc xuống còn 05 ngày làm việc.

Lý do:

- Tại Điểm a Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế có quy định thời gian 30 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ quá dài. Cần rút ngắn thời gian xử lý, để người lao động sớm biết được kết quả để thực hiện các bước tiếp theo để hưởng hoặc không hưởng chế độ hưu trí. Thời gian để Hội đồng Giám định Y khoa thực hiện phù hợp là 20 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

- Tại Khoản 4 Điều 16 Thông tư số 14/2016/TT-BYT quy định thời gian kiểm tra tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ là quá dài, không cần thiết. Lý do: Việc kiểm tra tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ là công việc đơn giản, không phức tạp, chủ yếu mang tính đối chiếu với quy định, có thể thực hiện nhanh gọn từ khâu tiếp nhận, do đó cần giảm bớt thời gian kiểm tra, xử lý và thông báo nhanh cho người lao động, người sử dụng lao động biết để hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Thời gian để kiểm tra tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ là 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

1.4. Về phí: Chưa hợp lý. Mức phí khám lâm sàng trong trường hợp khám giám định thông thường 1.150.000 đồng/trường hợp còn cao.

Lý do: Khám lâm sàng là các hoạt động khám ngay ở giường bệnh của bác sĩ, nhằm mục đích phát hiện triệu chứng và chẩn đoán bệnh; ở đây chủ yếu là khám tổng quát gồm: Khám toàn trạng như: Đo chiều cao; Cân nặng; Da, niêm mạc, hạch ngoại vi và tuyến giáp. Khám bộ phận gồm: Khám hệ tuần hoàn như tim mạch, huyết áp; Hệ hô hấp; Hệ tiêu hóa; Hệ tiết niệu, sinh dục; Hệ thần kinh và hệ cơ, xương, khớp... đây là các thao tác không tốn nhiều thời gian và hao phí máy móc. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì điều kiện để hưởng lương hưu trước tuổi thì khả năng lao động phải suy giảm tối thiểu từ 61% trở lên, để chứng minh đủ điều kiện này thì bắt buộc phải thực hiện khám cận lâm sàng như: Ghi điện não đồ, Siêu âm, Điện tâm đồ, X-Quang, Chụp CT Scanner, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu ....(các mức phí khám này được quy định là khá cao vì có liên quan đến máy móc công nghệ cao). Để giảm gánh nặng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người lao động, đề nghị giảm mức phí khám lâm sàng trong trường hợp khám giám định thông thường xuống còn 900.000 đồng/trường hợp.

2. Kiến nghị thực thi:

2.1. Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế lại như sau:

- Sửa đổi Khoản 1, 2 Điều 13 theo hướng sau:

“1. Người lao động có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định và gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Hội đồng Giám định y khoa đối với các trường hợp sau:

a) Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đề nghị giám định để hưởng lương hưu;

b) Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đề nghị giám định để hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

c) Thân nhân của người lao động đề nghị khám giám định để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

d) Người lao động đã nghỉ việc đề nghị khám giám định tái phát.

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định và gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Hội đồng Giám định y khoa đối với các trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.”

- Sửa đổi Điểm a Khoản 3 và Khoản 4 Điều 16 theo hướng sau:

“3. Trường hợp hồ sơ giám định hợp lệ:

a) Hội đồng Giám định Y khoa có trách nhiệm tiến hành khám giám định cho người lao động hoặc thân nhân người lao động trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ;

b) Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm thành lập Hội đồng khám giám định phúc quyết lần cuối để tiến hành khám giám định cho người lao động hoặc thân nhân người lao động trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thành lập, Hội đồng khám giám định phúc quyết lần cuối có trách nhiệm tiến hành khám giám định cho người lao động hoặc thân nhân người lao động.

4. Nếu hồ sơ giám định không hợp lệ, trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thường trực của Hội đồng Giám định Y khoa hoặc Bộ Y tế có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định.”

2.2. Sửa đổi quy định về mức Phí khám lâm sàng trong trường hợp khám giám định thông thường tại Biểu phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa ban hành kèm theo Thông tư số 243/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính, theo hướng như sau:

“Phí khám lâm sàng phục vụ giám định y khoa trong trường hợp khám giám định thông thường: 900.000 đồng/trường hợp.”

3. Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 16,67 %.

+ Tổng chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 1.299.400.000 đồng/năm.

+ Tổng chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 1.082.818.125 đồng/năm.

+ Tổng chi phí tiết tiệm: 216.581.875 đồng/năm.

II. Thủ tục: Cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam.

1. Nội dung đơn giản hóa:

1.1. Về tên thủ tục hành chính: Chưa thống nhất, chưa phù hợp. Lý do:

- Chưa thống nhất giữa Luật khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ, cụ thể: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009 của Quốc hội khóa 12 thì tên sẽ là “Đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam, còn theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ thì tên lại là “Đề nghị cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam”.

- Chưa đúng theo kết cấu tên thủ tục hành chính như hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo quy định thì Tên của thủ tục hành chính gồm: Từ hoặc cụm từ chỉ hành động của cơ quan nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức kết hợp với tên kết quả của thủ tục hành chính và kết hợp đối với từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể (nếu có) hoặc kết hợp với cụm từ chỉ sự vật, sự việc mà cơ quan nhà nước muốn quản lý hoặc cá nhân, tổ chức mong muốn đạt được.

1.2. Về thành phần hồ sơ:

a) Bỏ thành phần hồ sơ: “Phiếu lý lịch tư pháp”.

Lý do: - Trong thành phần hồ sơ đã có Sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác (đã có đầy đủ thông tin lý lịch của cá nhân); và đã có xác nhận quá trình thực hành của Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về quá trình thực hành cho người đã thực hành tại cơ sở của mình, bao gồm nội dung về thời gian, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

- Phiếu lý tư pháp chỉ cung cấp thông tin về tình trạng án tích của đương sự, do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản; chứ không thể hiện được đối tượng thực hiện thủ tục hành chính là không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

b) Bỏ yêu cầu Giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp.

Lý do: Hiện nay, Chứng chỉ hành nghề được cấp cho cá nhân không có hạn; khi nộp hồ sơ yêu cầu Giấy chứng nhận đủ sức khỏe thì chỉ xác định giá trị của người hành nghề có đủ sức khỏe tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề mà không phải trong suốt quá trình hành nghề, trong khi chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của thủ tục này là khá lớn; bên cạnh đó, trong suốt quá trình hoạt động, các cấp, chính quyền, ngành tiến hành hậu kiểm. Nếu người hành nghề vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

1.3. Về thời hạn giải quyết: Chua rõ ràng, chưa phù hợp.

Lý do:

- Chưa rõ ràng, giữa Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009 của Quốc hội khóa 12 và Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ chưa có sự thống nhất, cụ thể: Khoản 2 Điều 28 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định thời hạn giải quyết là 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Khoản 2, 3 Điều 10 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ lại quy định thời hạn thẩm định thẩm định hồ sơ là 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, và thời hạn cấp là 10 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định.

- Chưa phù hợp. Lý do: Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ quy định thời hạn thẩm định hồ sơ được tính bằng ngày (nghĩa là bao gồm cả thứ 7, CN) còn thời hạn cấp lại tính bằng ngày làm việc (không bao gồm thứ 7, CN). Nếu cộng tổng lại sẽ là khoảng 32-33 ngày.

Thời hạn giải quyết hơn 30 ngày vẫn là dài, đề nghị giảm bớt, thời gian phù hợp là 20 ngày làm việc, trong đó: thời gian thẩm định hồ sơ là 15 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, và thời hạn cấp là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định. Để công dân sớm có đủ điều kiện hành nghề và thực hiện các thủ tục hành chính khác.

1.4. Bãi bỏ một số yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Chưa hợp lý, cụ thể:

a) Bãi bỏ yêu cầu, điều kiện “Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

- Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;

- Giấy chứng nhận là lương y;

- Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.”

Lý do: Trong thành phần hồ sơ đã yêu cầu nộp và thể hiện được các văn bằng, giấy chứng nhận phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

b) Bãi bỏ yêu cầu, điều kiện “Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Lý do: Trong thành phần hồ sơ đã yêu cầu nộp “Giấy xác nhận quá trình thực hành theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc bản sao hợp lệ các văn bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú, bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ chuyên khoa II, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền”.

c) Bãi bỏ yêu cầu, điều kiện “Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”.

Lý do: Trong thành phần hồ sơ đã yêu cầu nộp “Giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp”.

2. Kiến nghị thực thi:

2.1. Đề nghị sửa đổi một số điều tại Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009 của Quốc hội khóa 11, cụ thể:

- Bãi bỏ điều kiện quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 18;

- Bãi bỏ Điểm d, đ Khoản 1 Điều 27.

- Sửa đổi thời gian giải quyết tại Khoản 2 Điều 28, theo hướng như sau:

“2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế phải cấp chứng chỉ hành nghề; trường hợp cần xác minh đối với người được đào tạo ở nước ngoài hoặc có chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày; nếu không cấp chứng chỉ hành nghề thì phải trả lời bằng văn bản và nêu lý do.”

2.2. Đề nghị sửa đổi một số điều tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ, cụ thể:

- Bãi bỏ Khoản 4, 5 Điều 5; Sửa lại đề mục Điều 5, theo hướng sau:

“Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người Việt Nam...”

- Sửa đổi thời gian giải quyết tại Khoản 2, 3 Điều 10, theo hướng như sau:

“2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thẩm định hồ sơ và có biên bản thẩm định.

3. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.”

- Sửa đổi mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (gửi kèm),

3. Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 42,63%

+ Tổng chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 1.642.025.625 đồng/năm.

+ Tổng chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 942.070.875 đồng/năm.

+ Tổng chi phí tiết kiệm: 699.954.750 đồng/năm.

III. Thủ tục: Cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

1. Nội dung đơn giản hóa:

1.1. Về tên thủ tục hành chính: Chưa rõ ràng. Theo quy định tại Khoản 7 Điều 43 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ thì tên sẽ là “Cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh”. Cụm từ “bị thu hồi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh” là chưa rõ ràng, dễ dẫn tới nhầm lẫn và tổ chức, cá nhân phải mất thời gian tìm hiểu tiếp điểm a khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định nội dung gì.

Đề nghị quy định rõ ràng tên như sau “cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi do Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền”.

1.2. Về thời hạn giải quyết: Chưa rõ ràng, chưa phù hợp. Lý do:

- Giữa Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009 của Quốc hội khóa 12 và Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ chưa có sự thống nhất, cụ thể: Tại Điểm c Khoản 1 Điều 47 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định thời hạn giải quyết là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ nhưng Điểm b Khoản 2 Điều 44 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ lại quy định thời hạn là 60 ngày đối với bệnh viện; 45 ngày đối với các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

- Việc cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi do Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền, chủ yếu là việc kiểm tra lại hồ sơ sẵn có, và tham mưu cho lãnh đạo Sở ký Giấy phép, không mất thời gian và nhân lực để đi thẩm định tại cơ sở. Đề nghị giảm bớt, thời gian phù hợp để cơ quan nhà nước giải quyết xong là 05 ngày làm việc.

1.3. Quy định về phí và mức phí: Không hợp pháp, không hợp lý. Lý do:

Không hợp pháp: Khoản 1 Điều 49 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chỉ quy định nộp lệ phí không quy định phí; Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí năm 2015 của Quốc Hội cũng chỉ quy định Phí thẩm định hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Không hợp lý: Cơ quan nhà nước không phải tiến hành thẩm định, kiểm tra tại cơ sở; việc cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi do Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền, chủ yếu là việc kiểm tra lại hồ sơ sẵn có, và tham mưu cho lãnh đạo Sở ký Giấy phép. Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức Phí Thẩm định cấp giấy phép hoạt động do bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh: 1.500.000 đồng/lần là quá cao.

Đề nghị bãi bỏ quy định về mức phí đối với trường hợp đề nghị cấp giấy phép hoạt động do bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh tại Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính.

2. Kiến nghị thực thi:

2.1. Đề nghị sửa đổi thời gian giải quyết tại Điểm c Khoản 1 Điều 47 Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009 của Quốc hội khóa 11, theo hướng như sau:

“c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp lại giấy phép hoạt động; nếu không cấp lại giấy phép hoạt động thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

2.2. Đề nghị sửa đổi một số điều tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ, cụ thể:

- Sửa Khoản 7 Điều 43 theo hướng sau:

“7. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi do Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền...”.

- Sửa đổi thời gian giải quyết tại Điểm b Khoản 2 Điều 44 theo hướng sau:

“b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải xem xét để cấp, điều chỉnh giấy phép hoạt động trong thời hạn 60 ngày đối với bệnh viện; 45 ngày đối với các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác; cấp lại giấy phép hoạt động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Trường hợp không cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.”

2.3. Bãi bỏ quy định về mức phí đối với trường hợp đề nghị cấp giấy phép hoạt động do bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị thu hồi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh tại Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính

3. Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 95,48%.

+ Tổng chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 1.579.125 đồng/năm.

+ Tổng chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 71.313 đồng/năm.

+ Tổng chi phí tiết kiệm: 1.507.813 đồng/năm.

 

Mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (mới)

Mẫu 01

Áp dụng đối với người Việt Nam

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------------

…..1….. , ngày……. tháng .... năm 20……

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Kính gửi:…………………….2…………………..

Họ và tên: ............................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: .......................................................................................................

Chỗ ở hiện nay:3 .................................................................................................................

Giấy chứng minh nhân dân/Hộ chiếu số: ……….. Ngày cấp: ……………Nơi cấp...............

Điện thoại: ……………………………………………Email (nếu có): .....................................

Văn bằng chuyên môn:4.......................................................................................................

Tôi xin gửi kèm theo đơn này bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau

1.

Bản sao văn bằng chuyên môn

2.

Văn bản xác nhận quá trình thực hành

3.

Sơ yếu lý lịch

4.

Hai ảnh 04cm x 06cm

Kính đề nghị Quý cơ quan xem xét và cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho tôi./.

 

 

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký và ghi rõ họ, tên)



1 Địa danh

2 Tên cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề

3 Ghi rõ địa chỉ theo nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

4 Văn bằng chuyên môn ghi theo đối tượng quy định tại Điều 17 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ Y tế cấp hoặc Sở Y tế cấp phù hợp để đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề