Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18-QĐ/NH5

Hà Nội, ngày 16 tháng 2 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ CHO VAY VỐN PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIA ĐÌNH VÀ CHO VAY TIÊU DÙNG

- Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30-9-1992;

- Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính công bố tại lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước số 37-LCT/HĐNN8 và số 38-LTC/HĐNN8 ngày 24-5-1990;

- Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Theo đề nghị của Vụ trưởng các Vụ các Định chế tài chính Ngân hàng Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Ban hành kèm theo Quyết định này Thể lệ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình và cho vay tiêu dùng.

Điều 2

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, Những quy định trước đây trái với quyết định này, nay hết hiệu lực thi hành.

Điều 3

Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng các Vụ các Định chế tài chính, các thủ trưởng đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thành phố, các Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại quốc doanh, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính cổ phần, hợp tác xã tín dụng, qũy tín dụng nhân dân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC




Cao Sĩ Kiêm

 

THỂ LỆ

CHO VAY VỐN PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIA ĐÌNH VÀ CHO VAY TIÊU DÙNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 18-QĐ/Nh5 ngày 16-02-1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam được cho hộ gia đình và công dân vay vốn nhằm phát triển kinh tế gia đình và giải quyết nhu cầu tiêu dùng.

Điều 2

Đối tượng được vay vốn theo Thể lệ này gồm: Hộ gia đình, công dân Việt Nam.

Điều 3

Đối tượng không được vay vốn theo điều lệ này gồm:

- Doanh nghiệp Nhà nước;

- Doanh nghiệp thành lập theo Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

- Người kinh doanh theo quy định phải đăng ký kinh doanh.

Điều 4

Nguyên tắc vay vốn

4.1 Vốn vay phải được hoàn trả đầy đủ cả tiền gốc và tiền lãi đúng hạn;

4.2 Sử dụng vốn vay đúng mục đích, đối tượng ghi trong đơn xin vay;

Điều 5

Điều kiện vay vốn

5.1 Vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, phải có phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi; Vay vốn cho nhu cầu tiêu dùng phải có mục đích rõ ràng.

5.2 Người vay vốn:

a) Đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân vay vốn phải là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không mất trí, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành án;

b) Có hộ khẩu thường trú hoặc làm việc tại đơn vị đặt trụ sở trên cùng địa bàn hoạt động của tổ chức tín dụng cho vay.

c) Có vốn tự có tham gia ít nhất là 20% trong tổng nhu cầu vốn xin vay;

d) Có một trong các yếu tố sau: tài sản thế chấp; vật cầm cố; người bảo lãnh; cơ quan quản lý hoặc cơ quan trả lương, trả trợ cấp cho viên chức đó cam kết trích tiền lương, trợ cấp hàng tháng để trả nợ cho tổ chức tín dụng, nếu đến hạn người vay không trả được gốc và lãi.

Điều 6

Đối tượng cho vay

6.1 Phát triển kinh tế gia đình, bao gồm các chi phí cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc tài sản cố định, tài sản lưu động;

6.2 Cho vay tiêu dùng, bao gồm đồ dung sinh hoạt, phương tiện văn hóa, thông tin, xe đạp, xe máy, sửa chữa, cải tạo tu bổ nhà ở, mua nhà hóa giá; chi phí ăn, ở, học tập của sinh viên; các nhu cầu sinh hoạt khác.

Điều 7

Các loại cho vay và thời hạn cho vay

7.1 Các loại cho vay

a) Cho vay ngắn hạn, dưới 12 tháng;

b) Cho vay trung hạn, từ 1 năm đến dưới 3 năm;

c) Cho vay dài hạn, từ 3 năm đến dưới 10 năm;

7.2 Tổ chức tín dụng cho vay phải căn cứ nguồn vốn của mình, tính chất khoản vay và khả năng trả nợ của người vay để quyết định loại và thời hạn cho vay đối với từng trường hợp cụ thể.

7.3 Tổ chức tín dụng có thể áp dụng các phương thức cho vay trả góp, hoặc trả theo định kỳ.

Điều 8

Mức tiền cho vay

8.1 Trường hợp có tài sản thế chấp, vật cầm cố, người bảo lãnh, mức cho vay tối đa đến 80% giá trị tài sản thế chấp, vật cầm cố hoặc mức cam kết bảo lãnh.

8.2 Trường hợp cơ quan quản lý người vay cam kết trích lương, trợ cấp để trả nợ, mức cho vay không quá 24 tháng lương, trợ cấp.

Điều 9

Tổ chức tín dụng quyết định mức lãi suất cho vay cụ thể trong giới hạn lãi suất cho vay cao nhất do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố trong từng thời kỳ.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 10

Tổ chức tín dụng quy định cụ thể

- Hồ sơ và thủ tục xin vay vốn;

- Thời hạn thẩm định, xử lý hồ sơ xin vay vốn;

- Thời hạn thông báo cho người xin vay biết quyết định cho vay hay từ chối;

Điều 11

Phát tiền cho vay

Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc phát tiền cho vay cho từng trường hợp cụ thể;

Điều 12

Quyết định phê duyệt cho vay và khế ước nhận nợ phải có chữ ký của Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc người điều hành được Tổng giám đốc (Giám đốc) ủy quyền. Trường hợp Hội đồng quản trị hoặc Ban tín dụng giải quyết cho vay thì phải có biên bản cuộc họp thông qua quyết định đó.

Điều 13

Căn cứ tính chất, quy mô của từng loại cho vay, tổ chức tín dụng quy định mức phán quyết cho vay của các đơn vị trực thuộc.

Điều 14

Thời hạn trả nợ và cách trả nợ

14.1 Việc xác định thời hạn trả nợ, cách trả nợ và phân kỳ hạn trả nợ (cả gốc lẫn lãi) do tổ chức tín dụng thỏa thuận với người vay vốn. Người vay vốn được quyền trả nợ trước hạn.

14.2 Khi đến kỳ hạn trả nợ, nếu người vay vốn không trả được, Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc người được ủy quyền có thể gia hạn theo thẩm quyền hoặc chuyển sang nợ qúa hạn. Khi người vay không trả được nợ, tổ chức tín dụng được quyền phát mại tài sản thế chấp, vật cầm cố hoặc yêu cầu cơ quan quản lý người vay trích lương, trợ cấp để trả nợ.

14.3 Trường hợp người vay vốn bị chết, việc trả nợ được xử lý theo quy định pháp luật về thừa kế của Việt Nam.

Điều 15

Tổ chức tín dụng, người vay, người bảo lãnh, quan quản lý người vay là công chức, viên chức hoặc người hưởng trợ cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về các cam kết trong quan hệ vay vốn theo thể lệ này.

III. QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRONG QÚA TRÌNH CHO VAY, THU NỢ

Điều 16

Tổ chức tín dụng được quyền: yêu cầu người vay vốn, người bảo lãnh thực hiện các quy định về thủ tục vay vốn, cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng vốn vay, diễn biến giá trị bảo lãnh, tài sản thế chấp, vật cầm cố; từ chối cho vay nếu xét thấy người vay vốn không có khả năng trả nợ.

Điều 17

Tổ chức tín dụng cho vay các đối tượng nói tại Điều 2 của thể lệ này là công chức Ngân hàng Nhà nước, viên chức tổ chức tín dụng và các đối tượng khác nói tại khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính, phải tuân thủ các quy định sau:

17.1 Quy định tại khoản 1 và 3 Điều 30 Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính;

17.2 Mức dư nợ cho vay các đối tượng nói trên tối đa không qúa 15% so với tổng mức dư nợ của từng loại cho vay theo thể lệ này;

17.3 Viên chức của tổ chức tín dụng này muốn vay vốn của tổ chức tín dụng khác, phải có xác nhận của Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng đó, hoặc giám đốc chi nhánh trực thuộc được ủy quyền.

Điều 18

Trong qúa trình cho vay, tổ chức tín dụng phải kiểm tra đối với người vay vốn và người bảo lãnh về:

- Tình hình sử dụng vốn vay;

- Việc quản lý tài sản thế chấp hoặc vật cầm cố;

18.1 Khi phát hiện người vay vốn cung cấp thông tin liên lạc sai, không trung thực hoặc có sai phạm trong sử dụng vốn vay, tổ chức tín dụng phải yêu cầu người vay vốn khắc phục các vi phạm đó hoặc áp dụng các chế tài tín dụng: thu hồi vốn vay trước hạn, tạm đình chỉ cho vay, chuyển nợ qúa hạn, xử lý tài sản thế chấp, cầm cố; buộc người bảo lãnh trả nợ thay; chấm dứt quan hệ tín dụng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể khởi kiện trước pháp luật.

18.2 Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng, thất thoát, bị giảm giá trị hoặc không đủ độ tin cậy so với dư nợ và lãi vay phải trả thực tế, tổ chức tín dụng phải yêu cầu người vay bổ sung tài sản thế chấp, vật cầm cố, tìm đối tác bảo lãnh khác, tương ứng với mức dư nợ, hoặc thu hồi nợ và lãi vay trước hạn. Nếu người vay vốn, người bảo lãnh không trả hết nợ và lãi vay thì có thể khởi kiện trước Pháp luật.

Điều 19

Hàng tháng, tổ chức tín dụng phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước số dự nợ cho vay phát triển kinh tế gia đình, cho vay tiêu dùng, trong đó phân ra từng loại cho vay theo khoản 7.1 Điều 7 và đối tượng vay vốn nói tại Điều 17 của thể lệ này.

IV. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 20

Việc cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và kinh tế nông thôn theo Thông tư số 01/TT-NH1 ngày 26-3-1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 14-CP ngày 2-3-1993 của Thủ tướng Chính phủ, vẫn có hiệu lực thi hành.

Điều 21

Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng trách nhiệm quy định chi tiết, đối tượng nghiệp vụ, hướng dẫn cụ thể thực hiện thể lệ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình và cho vay tiêu dùng.

Điều 22

Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các Điều khoản của Thể lệ này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 18-QĐ/NH5 năm 1994 ban hành Thể lệ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình và cho vay tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 18-QĐ/NH5
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/02/1994
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Cao Sĩ Kiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/02/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 15/10/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản