Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2013/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 24 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ XÂY DỰNG, CÔNG NHẬN CÁC DANH HIỆU VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thi đua - Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BVHTTDL ngày 18 tháng 01 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”;

Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh (Tờ trình số 47/TTr-TTBCĐ ngày 31 tháng 5 năm 2013),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xây dựng, công nhận các danh hiệu văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 57/2006/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế về xây dựng đơn vị văn hóa.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Cường

 

QUY CHẾ

XÂY DỰNG, CÔNG NHẬN CÁC DANH HIỆU VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Quy chế này quy định cụ thể các tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, xét, công nhận và khen thưởng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng, bản, khu phố văn hóa”, “Đơn vị văn hóa”; “Đơn vị văn hóa xuất sắc” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa, làng, bản, khu phố văn hóa

1. Nhằm động viên toàn dân tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

2. Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm hộ nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng để xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

3. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh tại gia đình, làng, bản khu phố, địa phương, đơn vị, tuân thủ kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật;

4. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng khu dân cư, cơ quan, đơn vị an toàn trật tự, bài trừ các tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm.

Điều 3. Các danh hiệu công nhận

a) Gia đình Văn hóa.

b) Làng, bản, khu phố văn hóa.

c) Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

d) Đơn vị văn hóa xuất sắc.

Chương II

TIÊU CHUẨN CÔNG NHẬN CÁC DANH HIỆU VĂN HÓA

Điều 4. Tiêu chuẩn công nhận danh hiệu văn hóa

1. Gia đình văn hóa

Tiêu chuẩn 1. Các thành viên trong gia đình gương mẫu, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.

a) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, không vi phạm pháp luật; quy ước, hương ước cộng đồng;

b) Giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa nơi công cộng; chấp hành tốt pháp luật về an toàn giao thông; phòng, chống tội phạm, tích cực tham gia các họat động xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.

c) Không sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm thuộc loại cấm lưu hành; không mắc các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm...; không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; có ý thức bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan của địa phương.

d) Thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua và các cuộc vận động, các buổi sinh họat, hội họp ở cộng đồng dân cư.

Tiêu chuẩn 2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng.

a) Vợ chồng bình đẳng, có trách nhiệm nuôi dạy con cái; cha mẹ, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, lễ phép với người lớn tuổi. Không có bạo lực trong gia đình, thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới; thương yêu giúp đỡ nhau, tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình học tập, lao động, rèn luyện và phát triển toàn diện, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình;

b) Mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con, không sinh con thứ ba trở lên; trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

c) Giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, ăn ở sạch sẽ, có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh và sử dụng nước sạch. Các thành viên trong gia đình có lối sống lành mạnh, tích cực rèn luyện thể dục - thể thao.

d) Đoàn kết xóm giềng, tham gia các họat động hòa giải, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện ở cộng đồng.

Tiêu chuẩn 3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

a) Kinh tế gia đình ổn định, tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm. Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Có kế họach phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên.

b) Các thành viên trong gia đình đều hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác, lao động, học tập và cống hiến nhiều công sức cho quê hương, đất nước; hoàn thành các nghĩa vụ đối với nhà nước và địa phương;

2. Làng văn hóa

Tiêu chuẩn 1. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.

a) Có từ 85% hộ trở lên có đời sống kinh tế phát triển, ổn định; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; có tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm khoảng 2% trở lên, không có hộ đói.

b) Có từ 85% hộ trở lên có nhà xây dựng bền vững.

c) Có từ 80% trở lên hộ gia đình tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới; trên 80% đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, lát gạch hoặc làm bằng vật liệu cứng.

d) 100% số hộ được sử dụng điện.

Tiêu chuẩn 2. Đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú.

a) Có các thiết chế văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, giáo dục, y tế phù hợp và họat động thường xuyên, hiệu quả.

b) Tổ chức sinh họat văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh, giàu bản sắc dân tộc; có tủ sách, có cổng chào, panô, áp phích...; có phương tiện nghe, nhìn và tổ chức được các buổi sinh họat định kỳ có chất lượng.

c) Có từ 80% hộ gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

d) 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường và hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, không có người mù chữ; có Quỹ Khuyến học họat động hiệu quả.

e) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người; hàng năm giảm 1,5% trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng; 100% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo quy định; phụ nữ có thai được khám thai đúng định kỳ; không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Tiêu chuẩn 3. Có môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

a) Đường làng, ngõ xóm thông thóang, sạch đẹp; nước và rác thải được thu gom, xử lý an toàn.

b) Có từ 85% trở lên hộ gia đình được sử dụng nước sạch và có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh, bảo vệ môi trường.

c) Các di tích lịch sử - văn hóa được tôn tạo, bảo tồn và phát huy; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các hình thức sinh họat văn hóa, thể thao dân gian truyền thống ở địa phương.

Tiêu chuẩn 4. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

a) Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

b) Thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước cộng đồng.

c) 90% trở lên cán bộ, nhân dân trong địa phương thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

d) Không có công dân trốn tránh nghĩa vụ quân sự, không có quân nhân đào ngũ trên địa bàn.

e) Chấp hành tốt chính sách về đất đai và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.

f) Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt Quy chế dân chủ xã, phường, thị trấn; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, không có khiếu kiện tập thể, vượt cấp kéo dài.

g) Tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể được xếp loại tiên tiến trở lên, các tổ chức tự quản ở cộng đồng họat động có hiệu quả

h) Không có người phạm tội hình sự từ tội nghiêm trọng trở lên. Có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời đối tượng tiêm chích, nghiện ma túy; phòng ngừa lây nhiểm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Tiêu chuẩn 5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

a) Phát triển phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhân đạo từ thiện giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, gia đình khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin... Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm chăm sóc các gia đình chính sách; người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung.

b) Làng có ít nhất 01 mô hình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, có biện pháp tích cực chăm sóc, giúp đỡ người có HIV/AIDS. Phát động xây dựng "Làng văn hóa sức khỏe"; xây dựng mô hình hoặc câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Khu phố văn hóa

Tiêu chuẩn 1. Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.

a)Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng đô thị văn minh, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; phấn đấu có từ 90% hộ trở lên có đời sống kinh tế ổn định, hộ nghèo hàng năm giảm khoảng 3%, không còn hộ đói.

b) Từ 90% số hộ trở lên có nhà ở được xây kiên cố, đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

c) 90% trở lên lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.

Tiêu chuẩn 2. Có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú.

a) Có các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế; có điểm sinh họat văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí (Nhà văn hóa, sân thể thao...); tổ chức họat động văn hóa - thể thao thường xuyên, có chất lượng.

b) 90% hộ gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; không có tệ nạn xã hội; không tàng trữ, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành trên địa bàn.

c) 100% trẻ em đang độ tuổi đi học đều được đến trường; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, thực hiện phổ cập trung học phổ thông.

d) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể; giảm hàng năm 1,5% tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 05 tuổi; 100 % trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo quy định; phụ nữ có thai được khám thai đúng định kỳ; không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Tiêu chuẩn 3. Có môi trường, cảnh quan sạch đẹp.

a) 90% trở lên đường giao thông được trải nhựa hoặc bê tông; từng bước lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng; đường phố, nơi sinh họat công cộng sạch đẹp; thực hiện tốt pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đô thị, hạn chế đến mức thấp nhất người lớn và trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là tai nạn giao thông.

b) Có 100% số hộ được sử dụng nước sạch, có từ 95% trở lên hộ gia đình có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh, vệ sinh môi trường được bảo đảm.

c) Các di tích lịch sử - văn hóa được tôn tạo, bảo vệ và phát huy; không xâm phạm đến các công trình công cộng, các di tích lịch sử, danh thắng; không lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố gây cản trở giao thông hoặc đặt biển quảng cáo sai quy định, không làm mái che, cơi nới gây mất mỹ quan đô thị.

d) Không có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các nhà xưởng sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

Tiêu chuẩn 4. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

a) Thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

b) Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị và quy chế dân chủ cơ sở.

c) Tổ chức Đảng đạt trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể được xếp loại khá trở lên.

d) Không có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội nghiêm trọng trở lên; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời đối tượng sử dụng ma túy và các chất kích thích; xây dựng địa bàn không tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy; phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

e) Họat động hòa giải có hiệu quả; những mâu thuẫn, bất hòa được giải quyết tại cộng đồng;

Tiêu chuẩn 5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng.

a) Có phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo,

b) Có mô hình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng; phát động xây dựng "Khu phố văn hóa sức khỏe"; có biện pháp tích cực chăm sóc, giúp đỡ người có HIV/AIDS; chăm sóc người già neo đơn, gia đình chính sách khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...

c) Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước; phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm chăm sóc các gia đình chính sách; người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung.

4. Bản văn hóa

Tiêu chuẩn 1. Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển.

a) 70% số hộ trở lên có đời sống kinh tế ổn định; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm trở lên (trừ thiên tai, địch họa), không có hộ đói; thực hiện định canh, định cư, bảo vệ tốt tài nguyên rừng.

b) 70% số hộ trở lên có nhà ở được xây dựng hoặc làm bền vững; đã hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

c) 70% trở lên số hộ được sử dụng điện.

d) Đường làng, ngõ xóm được tu bổ, nâng cấp hàng năm.

Tiêu chuẩn 2. Đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú.

a) Có điểm sinh họat văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí ở cộng đồng; duy trì được các hình thức sinh họat văn hóa - thể thao truyền thống của dân tộc.

b) Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh họat cộng đồng phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân loại bỏ hủ tục, đặc biệt là tảo hôn.

c) Không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội; không trồng, buôn bán và sử dụng thuốc phiện và các dạng ma túy khác; không tàng trữ, sử dụng văn hóa phẩm thuộc loại cấm lưu hành; không hành nghề mê tín di đoan, họat động tôn giáo trái pháp luật, gây mất trật tự ở bản.

d) Cảnh giác, không nghe và làm theo những luận điệu sai trái của các phần tử xấu chống phá cách mạng, gây mất ổn định ở bản; chống lại các việc làm gây hận thù, phá họai chính sách đại đoàn kết dân tộc.

e) Không có công dân trốn tránh nghĩa vụ quân sự, không có quân nhân đảo ngũ trên địa bàn.

f) 70% số hộ gia đình trở lên được công nhận là “Gia đình văn hóa”.

g) 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, xóa được mù chữ đối với người dưới 50 tuổi trở xuống.

h) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm; giáo dục nhân dân thực hiện việc ăn uống đảm bảo vệ sinh, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể. Ngủ phải mắc màn; tiêm chủng mở rộng đầy đủ cho trẻ em dưới 01 tuổi; phụ nữ có thai được khám thai đúng định kỳ; có ít nhất 80% trở lên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ 3 trở lên.

Tiêu chuẩn 3. Môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

a) Đường giao thông thông thoáng, nơi sinh họat cộng đồng sạch sẽ; bảo vệ nguồn nước sạch.

b) 70% trở lên số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh, có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh, đưa chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở.

c) Có ý thức và việc làm cụ thể để bảo vệ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương mình, tham gia bảo vệ tài nguyên rừng; bảo vệ tốt đường biên, cột mốc.

Tiêu chuẩn 4. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

a) Thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân

b) Thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước cộng đồng; thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...

c) Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; không có khiếu kiện tập thể, vượt cấp.

d) Tổ chức Đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể được xếp loại khá trở lên.

e) Không có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội nghiêm trọng trở lên.

Tiêu chuẩn 5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng.

a) Họat động hoà giải có hiệu quả; những mâu thuẫn bất hoà được giải quyết tại cộng đồng;

b) Có phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện; chăm lo đối tượng chính sách, bảo đảm có mức sống trung bình trở lên ở cộng đồng.

c) Có từ 70 % số hộ gia đình trở lên đạt tiêu chuẩn Gia đình Văn hóa.

5. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa

5.1. Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa

Tiêu chuẩn 1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ.

a) Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả; góp phần hoàn thành xuất sắc kế họach công tác hàng năm.

b) 70% trở lên cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tự học hoặc theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học.

c) Thực hiện tốt nghĩa vụ và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức, tuân thủ quy định của pháp luật;

d) Nâng cao chất lượng các họat động dịch vụ công phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao;

e) Có sáng kiến, cải tiến quản lý được áp dụng vào thực tiễn.

Tiêu chuẩn 2. Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở.

a) Cán bộ, công chức, viên chức không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

b) Không có cán bộ, công chức, viên chức mắc các tệ nạn xã hội, sử dụng, tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm độc hại; thực hiện các hành vi mê tín dị đoan.

c) Sinh họat cơ quan, đơn vị nề nếp. Thực hiện tốt các nội quy, quy chế làm việc; quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị; nội bộ đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.

d) Không hút thuốc nơi có quy định cấm; thực hiện tốt quy định không uống rượu, bia trong ngày làm việc; trang phục gọn gàng, lịch sự. Cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn; bài trí nơi làm việc tại công sở văn minh, sạch đẹp.

e) Thường xuyên tổ chức các họat động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí; tích cực tham gia các họat động văn nghệ, thể thao, các cuộc thi do cấp trên tổ chức;

f) Cơ quan có biển hiệu, biển tên, chức danh rõ ràng; xây dựng được bảng tiêu chuẩn cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Thực hiện treo cờ Tổ quốc theo quy định.

g) Thực hiện và duy trì tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tiêu chuẩn 3. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

a) 100% cán bộ, công chức, viên chức nắm vững, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú.

b) Không có người vi phạm pháp luật phải xử lý từ hình thức cảnh cáo trở lên; cơ quan an toàn, an ninh trật tự; không có khiếu kiện vượt cấp, trái pháp luật.

c) Thực hiện tốt cải cách hành chính; quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí được giao; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không để xảy ra lãng phí, tham nhũng.

d) Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; các tổ chức đoàn thể họat động tốt.

e) 100% cán bộ, công chức, viên chức đăng ký các danh hiệu thi đua; tích cực tham gia các họat động xã hội, nhân đạo từ thiện; có trên 90% số cán bộ, công chức, viên chức đạt gia đình văn hóa.

5.2. Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa

Tiêu chuẩn 1. Sản xuất, kinh doanh ổn định và từng bước phát triển.

a) Hoàn thành chỉ tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh đề ra hàng năm.

b) Thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín trên thị trường.

c) Cải tiến quản lý, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; phân công lao động hợp lý; giảm chi phí gián tiếp.

d) 70% trở lên công nhân thường xuyên được tập huấn, nâng cao tay nghề; lao động có kỷ luật, năng suất, chất lượng và hiệu quả.

e) Duy trì tốt việc thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp; tổ chức đại hội công nhân viên chức, hội nghị người lao động theo đúng quy định.

Tiêu chuẩn 2. Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa doanh nghiệp

a) Có quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

b) Xây dựng và thực hiện tốt nội quy lao động; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ.

c) 80% trở lên người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

d) Không có người mắc các tệ nạn xã hội; không sử dụng, tàng trữ, luân chuyển các sản phẩm văn hóa độc hại; đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

e) Thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải đạt chuẩn theo quy định pháp luật; khuôn viên doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp.

f) Không hút thuốc nơi công cộng; không uống say rượu, bia trong ngày làm việc.

Tiêu chuẩn 3. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người lao động.

a) 70% trở lên công nhân có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.

b) Tạo thuận lợi cho cán bộ, công nhân về nơi làm việc, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, sinh họat đoàn thể; hỗ trợ công nhân lúc khó khăn, họan nạn.

c) Có cơ sở vật chất họat động văn hóa, thể thao cho cán bộ, công nhân; thường xuyên tổ chức các họat động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan du lịch và vui chơi giải trí cho cán bộ, công nhân lao động.

d) Tích cực tham gia các họat động văn hóa, văn nghệ, thể thao; các cuộc thi do cấp trên phát động.

Tiêu chuẩn 4. Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

a) 100% người sử dụng lao động và công nhân lao động được phổ biến chính sách, pháp luật về các lĩnh vực có liên quan.

b) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước; tích cực tham gia các họat động nhân đạo, từ thiện xã hội do địa phương tổ chức, vận động.

c) Thực hiện nghiêm mọi chế độ, chính sách, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân theo các quy định của pháp luật.

d) Sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật.

e) Quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội họat động có hiệu quả.

g) Không để xảy ra tình trạng đình công, lãn công trái quy định.

6. Đơn vị văn hóa xuất sắc

Duy trì tốt các nội dung và tiêu chuẩn của Đơn vị văn hóa liên tục trong 05 năm trở lên và phải đạt thêm các tiêu chí sau:

a) Có từ 90% trở lên gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đối với đồng bằng) và từ 80% trở lên gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (đối với miền núi).

b) Hoàn thành cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở như: Nhà sinh họat văn hóa - giáo dục cộng đồng (Nhà văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng...), có sân bóng đá, bóng chuyền và các thiết chế thể thao khác, có điểm vui chơi cho trẻ em; có phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển.

Chương III

QUY TRÌNH XÉT, CÔNG NHẬN CÁC DANH HIỆU VĂN HÓA

Điều 5. Quy trình xét, công nhận Gia đình văn hóa; làng, bản, khu phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; dơn vị văn hóa xuất sắc

1. Danh hiệu “Gia đình Văn hóa”

a) Hộ gia đình đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa với Ban điều hành Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (làng, thôn, bản, khu phố, khóm phố). Trưởng Ban điều hành Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn (làng, bản, khu phố, khóm phố) họp khu dân cư, bình bầu gia đình văn hóa. Căn cứ vào biên bản họp xét ở khu dân cư, Trưởng Ban điều hành Xây đựng đời sống ở khu dân cư đề nghị Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn công nhận “Gia đình Văn hóa” hàng năm.

b) Căn cứ quyết định công nhận “Gia đình văn hóa”, Trưởng Ban điều hành Xây đựng đời sống ở khu dân cư đề nghị Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn công nhận lại và cấp giấy chứng nhận “Gia đình văn hóa”. Thời hạn công nhận lại: sau 03 năm kể từ ngày được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa.

c) Hàng năm, Ban Công tác Mặt trận phối hợp với Ban điều hành Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư xem xét các gia đình không giữ được các tiêu chí “Gia đình văn hóa”, đưa ra hội nghị của khu dân cư xem xét, nếu không còn đạt các tiêu chí thì Trưởng Ban điều hành Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư lập danh sách, trình Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định huỷ bỏ danh hiệu.

2. Danh hiệu “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Khu phố văn hóa”

a) Khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa với Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã. Ban điều hành xây dựng khu dân cư văn hóa (làng, bản, khu phố, khóm phố) họp khu dân cư đề nghị công nhận khu dân cư văn hóa. Căn cứ hồ sơ đề nghị khu dân cư văn hóa, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện tiến hành kiểm tra (có biên bản kiểm tra).

b) Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện trình Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định công nhận, công nhận lại và cấp Giấy chứng nhận cho các khu dân cư văn hóa.

c) Thời hạn xét công nhận “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa” “Khu phố văn hóa” từ hai (02) năm trở lên (công nhận lần đầu); ba (03) năm trở lên (công nhận lại).

d) Hàng năm, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện tổ chức kiểm tra, phúc tra, họp xét những thôn, làng, bản, khu phố, khóm phố không giữ được các tiêu chí của danh hiệu, trình Chủ tịch UBND huyện ra quyết định hủy bỏ danh hiệu.

3. Danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”

a) Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc cấp huyện do Chủ tịch UBND huyện công nhận trên cơ sở đề nghị của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cấp huyện.

b) Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc cấp tỉnh do Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh công nhận, trên cơ sở đề nghị của Ban Chỉ đạo liên ngành xây dựng Đơn vị văn hóa tỉnh.

c) Thời hạn xét công nhận Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóatừ hai (02) năm trở lên (công nhận lần đầu); năm (05) năm trở lên (công nhận lại).

d) Hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện và Ban Chỉ đạo xây dựng Đơn vị văn hóa liên ngành của tỉnh kiểm tra, nếu xét thấy các đơn vị văn hóa không giữ được các tiêu chí của danh hiệu thì trình cấp có thẩm quyền công nhận đơn vị văn hóa ra quyết định hủy bỏ danh hiệu.

4. Danh hiệu “Đơn vị văn hóa xuất sắc”

a) Các làng, bản, khu phố đã được UBND cấp huyện công nhận danh hiệu làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa sau 05 năm trở lên: Trên cơ sở hồ sơ, báo cáo sau khi kiểm tra, thẩm định của Ban Chỉ đạo phong trào cấp huyện, nếu đạt được các tiêu chuẩn quy định tại Mục 6, Điều 4, Chương II của Quy chế này, thì UBND cấp huyện đề nghị Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh kiểm tra, thẩm định, trình UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Đơn vị văn hóa xuất sắc”.

b) Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc cấp huyện đã được Chủ tịch UBND huyện công nhận danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" sau 05 năm trở lên: Trên cơ sở hồ sơ, báo cáo sau khi kiểm tra, thẩm định của Ban Chỉ đạo phong trào cấp huyện, nếu đạt được các tiêu chuẩn quy định tại Mục 6, Điều 4, Chương II của Quy chế này, thì UBND cấp huyện đề nghị Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh kiểm tra, thẩm định, trình UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Đơn vị văn hóa xuất sắc”.

c) Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc cấp tỉnh đã được Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh công nhận danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" sau 05 năm trở lên: Ban Chỉ đạo liên ngành kiểm tra, thẩm định, nếu đạt được các tiêu chuẩn quy định tại Mục 6, Điều 4, Chương II của Quy chế này, thì đề nghị Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh kiểm tra, thẩm định, trình UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Đơn vị văn hóa xuất sắc”.

Điều 6. Khen thưởng

a) Các làng, bản, khu phố được UBND cấp huyện công nhận "Làng, bản, khu phố văn hóa" lần đầu và công nhận lại sau 03 năm được cấp Bằng công nhận, kèm theo tiền thưởng 2.000.000 đồng (hai triệu đồng).

b) Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được UBND cấp huyện hoặc Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" lần đầu và công nhận lại sau 05 năm được cấp Bằng công nhận, kèm tiền thưởng 2.000.000 đồng (hai triệu đồng).

c) Đơn vị được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Đơn vị văn hóa xuất sắc” được tặng cờ “Đơn vị văn hóa xuất sắc”, kèm theo tiền thưởng 5.000.000 đồng (năm triệu đồng).

Điều 7.

Kinh phí thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực hiện theo Quyết định số 1151/TTg-KHTH ngày 08 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2288/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2012 của UBND tỉnh.

a) Sở Tài chính có kế họach thẩm định và đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra và khen thưởng các đơn vị được công nhận các danh hiệu văn hóa.

b) Hàng năm UBND huyện bố trí ngân sách cho công tác chỉ đạo và khen thưởng đối với diện do UBND huyện công nhận.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã thành lập các Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, điều hành việc xây dựng Gia đình văn hóa, Đơn vị văn hóa tại các địa phương, đơn vị.

Điều 9.

Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Chỉ đạo liên ngành “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các Sở, Ban ngành, đoàn thể liên quan có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, nảy sinh vượt quá thẩm quyền, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý.